T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 135)

 clip_image002.jpg

Kiến văn tiểu lục (2)

 Cách đây 300 năm, cụ Tam nguyên Duyên Hà Lê Quý Đôn viết sách Kiến văn tiểu lục (chép vặt những điều thấy nghe) ghi chép lại trong sách những chuyện hay, nhỏ, vui, lạ và khoảng 100 câu người xưa để lại từ đời Trần đến đời Lê những lời khuyên cho người đời như:

“Đạo ngô ác giả thị ngô sư, đạo ngô mỹ giả thị ngô tặc.”

(Kẻ nào chê ta là thầy ta, kẻ nào khen ta là kẻ hại ta)

(Nguồn: Hoàng Hải Thủy – Báo Sài Gòn Nhỏ)

 Cơm niêu nước lọ

Chọn cuộc sống bình dị, an phận.

Nghĩa khác nữa là cuộc sống lùi xùi.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Nghiêng lụy (2)

 Em ngự trị một góc lớn của Thơ. Em thường ở trong đời. Thỉnh thoảng có Em ra ở ngoài đời, như Em Kiều trong Đoạn trường tân thanh,  Em Sư trong…Nghiêng lụy.

Đời không phải cứ bước ra khỏi là quên được đâu. Mà không phải đã cố ý tránh là sẽ không gặp lại. Cho nên một chiều, dưới mái tam quan, tiếng chim rơi thánh thót, giọt trăng lã chã. Ới Bụt ơi!

Ngày xưa anh đón em

Trên gác chuông chùa nọ

Bây giờ anh qua đó

Còn thấy chữ trong chuông

(…)

Anh khoác áo nâu sồng

Em chân trời biền biệt

Tên ai còn tha thiết

Trong tiếng chuông chiều đưa

(…)

Cõi người có bao nhiêu

Mà tình sầu vô lượng

Còn chi trong giả tướng

Hay một vết chim bay.

(…)

(Vết chim bay – Phạm Thiên Thư)

Luận văn trong nước

Đề : Hãy cho biết cảm nhận của bạn về nhà thơ Tú Xương qua bài “Thương vợ”.

Tú Xương là một nhà thơ thương vợ nên có nhiều con. Đồng thời ông cũng là một người thông minh, khôn khéo biết nhường cho vợ những việc nặng nhọc mặc dù ông thi hoài mà không đậu.

 Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Ba cha, tám mẹ

Theo “Thọ mai gia lễ”:

Ba cha là:

Thân phụ: Cha sinh ra mình.

Kế phụ: Sau khi cha chết, mẹ lấy chồng khác, chồng mới của mẹ là kế phụ hay, bố dượng.

Dưỡng phụ: Bố nuôi.

Tám mẹ là:

Đích mẫu: Vợ cả của bố.

Kế mẫu: Khi còn nhỏ mẹ đã mất, cha lấy vợ khác để nuôi nấng mình.

Từ mẫu: Mẹ chết từ tấm bé, cha sai người vợ lẽ nuôi mình bú mớm.

Dưỡng mẫu: Mẹ nuôi, cha mẹ nghèo cho mình để người khác nuôi.

Xuất mẫu: Là mẹ sinh ra mình nhưng bị cha ruồng rẫy.

Giá mẫu: là mẹ sinh ra mình, nhưng khi cha mất thì đi lấy chồng khác.

– Thứ mẫu: Là mẹ sinh ra mình nhưng là vợ lẽ của cha.

– Nhũ mẫu: Mẹ vú, cho mình bú mớm từ khi còn tấm bé.

Trên đây là định nghĩa theo “Thọ mai gia lễ”, chưa nói đến những người đã lấy vợ lấy chồng thì cha mẹ vợ, cha mẹ chồng cũng như cha mẹ mình. Vậy thì, còn ba loại nhạc phụ và tám loại nhạc mẫu. Tất cả phải 6 cha, 16 mẹ.

 Chữ nghĩa làng…nhậu

Một ly nhâm nhi tình bạn

Hai ly giải cạn tình sầu

Ba ly mũi chảy tới râu

Bốn ly nằm đâu gục đó

Năm ly cho chó ăn chè

Sáu ly ai nói nấy nghe

Bảy ly le le lội nước,

Tám ly chân bước chân quỳ

Chín ly còn gì mà kể

Mười ly khiêng để xuống xuồng

Rượu nhạt uống lắm cũng say,

Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm

 Đá thúng búng nia, quăng xanh vanh chảo

Xanh: Đồ dùng nấu ăn, đáy phẳng, thành đứng, có hai quai.

Vanh: Làm cho méo mó.

Đây chỉ người đàn bà quá quắt, giận mất khôn, làm những việc rồ dại, không sao lường trước được.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Rượu ta…ngoại truyện (3)

Rượu nếp than

Tên gọi các loại rượu: Rượu nấu bằng nếp như chúng tôi đã miêu tả nên tên gọi đầu tiên của nó là rượu nép. Dân gian còn gọi bằng nhiều tên khác như rượu trắng, rượu đế, …

Rượu trắng là dựa vào màu sắc của nước rượu. Cũng loại rượu ấy, nhưng nhiều người nấu nếp than (loại nếp hạt đen) làm cơm rượu (xin nói thêm cơm rượu này cũng là cơm nếp ngon, được vò viên tròn nhỏ cỡ đầu ngón chân cái, ủ men, chan nước đường, dùng ăn chơi lũ nhàn nhã, thức ăn này có loại men riêng, còn “cơm rượu” dùng để nấu rượu ít người “ăn nổi” bởi nồng độ men của nó “nặng” hơn nhiều!), nghiền nát cho thêm nước có đường vào pha chung tạo thành loại rượu có màu hồng sẫm, được gọi là rượu nếp than.

Rượu nếp than đậm đặc rồi chôn xuống đất, … mấy tháng đào lên uống rất ngon hơn nhiều lần, dân nhậu gọi là “lão tửu”!

(Nguồn: Bùi Túy Phượng)

 Ca dao lơ mơ lỗ mỗ

Hỏi cô yếm thắm bùa đeo

Bác mẹ có bán anh mua nửa người

Anh mua từ rốn đến đùi

Từ bụng đến mặt, mặc trời với em

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Người viết đã sưu-tầm được khoảng 400 kiểu cười độc đáo của người Việt ta. Tuy nhiên đây chỉ là một vài kiểu cười đa-hình, đa-dạng như:

cười âu-yếm, cười bẽn-lẽn, cười bí-hiểm, cười bò lăn, cười bò càng, cười bỡn cợt, cười cay đắng, cười châm-biếm, cười chế-nhạo, cười cho đời thêm tươi, cười chớt-nhả, cười chua-chát, cười chúm-chím, cười dã-man, cười dí-dỏm, cười duyên, cười đen, cười đểu, cười đĩ-thõa, cười đỏ, cười đú-đởn, cười e thẹn, cười gằn, cười giòn tan, cười gượng, cười hả-hê, cười hạ-cấp, cười hề-hề, cười híp mắt, cười hô-hố, cười hớn-hở, cười hùn, cười hụt, cười ké, cười khan, cười khanh-khách, cười khiêm-nhường, cười khinh-bỉ, cười khinh-khỉnh, cười khúc-khích, cười lén, cười lố-bịch, cười mất dạy, cười mỉa-mai, cười mím chi, cười ngả-ngớn, cười ngạo-mạn, cười ngây-thơ, cười ngoại-giao, cười nham-nhở, cười nhạo-báng, cười nhớp nhúa, cười nhức-nhối, cười phúc-hậu, cười ranh mảnh, cười ruồi, cười sặc-sụa, cười sằng-sặc, cười sâu-sắc, cười sỗ-sàng, cười Sở-Khanh, cười té đ.., cười tếu, cười tình, cười tục- tĩu, cười thâm-thúy, cười thẹn-thùng, cười thô-bỉ, cười trây-trúa, cười trí-thức, cười vô giáo-dục, cười vô liêm-sỉ, cười vô ý-thức, cười vỡ bụng, cười vu-vơ, cười xám, cười xí-xọn, cười xỏ lá, cười xòa, cười xóc hông, cười ý-nhị, cười yểu-điệu …v…v…

(Lê Thường – Nét trào phúng qua thi ca)

Loi

Loi : đơn chiếc

(lẻ loi)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Câu đố

 Xét trong quan hệ với vật đố, tức cách biểu thị vật đố ra sao, hình ảnh ở lời đố thường được sử dụng theo kiểu tên riêng. Kiểu tên riêng được dùng theo lối cùng âm: tên riêng, tên người, tên đất được dùng theo cách cùng âm, cùng nghĩa cũng có thể xem chúng thuộc lối lạ hoá hình ảnh. Thí dụ:
“Khi xưa ở huyện Hoang Toàng,
Ở xã Bạch Bố, ở làng Cẩm Y;
Ngày thì thủ thỉ nằm ỳ,
Tối thì rủ rỉ rù rì ra ăn”

(Con rận)

Các tên đắt ở câu đố “con rận”, nhằm mượn một vài yếu tố chỉ ra nơi ở của chúng: “bố”: vải –  “y”: áo theo cách cùng nghĩa.
(Triều Nguyễn – Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố)

Triết lý củ khoai

Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một tối
Nào ngờ đâu.. lạc lối đến hôm nay!
(Thích Tánh Tuệ)

Chữ nghĩa làng văn

“Thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong.

(Truyện Kiều – câu 332)

Câu trên mô tả gia cảnh thanh bạch của nàng Kiều, các cuốn Truyện Kiều chú giải, khảo đính, …hiểu phỉ phong là rau phỉ và rau phong. Củ hẹ (củ nén) có tên chữ hán là phỉ tử (tử là củ). Mathew’s Chinese-English Dictionary dịch là một loài radish.

Phỉ và phong là hai loại rau cỏ, củ và cọng đều có thể ăn được; vậy có thể là củ hẹ và củ kiệu của ta.

(Trần Văn Tích – Cỏ cây trong truyện Kiều)

Ca dao lơ mơ lỗ mỗ

Vú em chum chúm chũm cau

Cho anh rờ thử có đau anh đền

Vú em chỉ đáng một tiền

Cho anh rờ thử anh đền năm quan

Tám nghề

Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tú Bà dạy Kiều nghề chơi
“Này con thuộc lấy làm lòng
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề

Theo truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân thì “Tám nghề” là cách hành lạc trên giường như sau:
– Đối với người có “súng”… bé, hoặc ngắn thì dùng phép “đánh trống giục hoa.”
– Đối với người có “súng”… to, hoặc dài thì dùng phép “sen vàng khóa xiết.”
– Đối với người tính nhanh, nhịp giã gạo cứ như trống dồn thì dùng phép “mở cờ đánh trống.”
– Đối với người tính khoan thai, nhịp giã chầm chậm, khoan thai nhát một thì dùng phép “đánh chậm gõ sẽ.”
– Đối với người mới…vỡ lòng thì dùng phép “ba bậc đổi thế.”
– Đối với người. . .hết tiền trước khi vào chợ thì dùng phép “đỡ dần buộc chặt.”
– Đối với người dai dẳng thì dùng phép “gắn bó truy hồn.”
– Đối với người mê sắc thì dùng phép “dềnh dàng cướp vía.”

(Trần Văn Giang – Bảy chữ tám nghề)

 Chữ và nghĩa

 Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của người trong nước sau 75, thực ra là của Việt Nam trước đó. Vậy tiếng nào là tiếng của người Việt trước hay sau 75?

Nhất quán”- không phải là từ ngữ riêng của người trong nước, và “luôn luôn, trước sau như một” không phải chữ tương ứng của ta.

Ông Lê Văn Ðức định nghĩa rất chính xác, gọn mà thâm thúy: “Nhất quán: một lẽ mà suốt cả mọi lẽ. Thí dụ: lý thuyết nhất quán.”

(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)

Nguyên mẫu của nhân vật Thị Nở

 Hồi ấy, ở làng Đại Hoàng có cô Trần Thị Nở, con ông Phó Kính – ông này làm nghề đóng cối xay nên gọi là phó. Thị Nở xấu xí, tính dở hơi, rất hay cười nên ông mới đặt tên là Trần Thị Nở.
Câu chuyện về nguyên mẫu nhân vật Thị Nở được ông Trần Khang Hộ, người làng Đại Hoàng, Lý Nhân, Hà Nam, bạn học thuở nhỏ của nhà văn Nam Cao, kể lại.

Thị Nở chỉ biết làm việc vặt trong nhà và nhặt cỏ vườn, tính thị dở hơi, sờ vào việc gì được một lúc là lăn ra ngủ, bất kể là đâu, từ chân đống rạ, gốc chuối đến bờ ao…Có lần bà ngoại nhà văn Nam Cao (bà Vân) sai thị đi kín nước, mãi không thấy thị về, cho người đi tìm, thì ra thị đang ngủ ở gốc chuối. Ông bố chồng của thị (ông Quản Dung) thường xuyên rày la thị về tội để cơm sống, cơm khê. Những khi ấy, Thị Nở vênh mặt lên cãi lại bố chồng: “Sống đâu mà sống, chỉ hơi sường sượng thôi mà!”. Tuy thị xấu và dở hơi như vậy nhưng thị vẫn có chồng. Chồng thị là anh Đào. Anh này cùng cảnh làm thuê như Thị Nở. Nhà nghèo lắm, phải mua chức trùm. Thị Nở có ý vênh vang ra phết. Anh chồng thì nai lưng ra làm để giả nợ. Khi đã có gia đình rồi, Thị Nở vẫn còn làm thuê cho bà ngoại Nam Cao. Nhà văn Nam Cao gọi Thị Nở là dì.

Chuyện Thị Nở ở làng Đại Hoàng là có thật. Nhưng với tài hư cấu của nhà văn, ông đã cho ra đời một Thị Nở có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam.

Nhờ có Thị Nở mà “Chí Phèo” mới nổi tiếng, mới sống mãi trong lòng người đọc. Cũng nhờ có Thị Nở và Chí Phèo mà tên tuổi nhà văn Nam Cao đã tỏa sáng trên bầu trời văn học Việt Nam.

(Trần Văn Đô – Chuyện làng văn)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search