T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoàng Quân: Mạ – Vốn Liếng Yêu Thương

3==27==IMG_4054 (3)

Ảnh (HKL)

À Ơi, Ru Con

Tất cả mười đứa con đều được Mạ thương đặc biệt. Anh Hải là con đầu, Kanh Kem là con út tất nhiên được thương thật nhiều. Chị Tâm lập gia đình trễ, chị Thành vất vả với Mai Lan, anh Lam phải ở lại Việt Nam lo cho Ba Mạ, nên qua Đức muộn màng, Thạch Duẩn phải sống xa Ba Mạ khi tuổi còn quá nhỏ, Hiền trực tiếp chăm sóc Ba Mạ… Tất cả đều có lý do để được Mạ thương đặc biệt. Riêng Thúy, dù chẳng có lý do nào rõ ràng, nhưng Thúy vẫn cảm thấy tình thương đặc biệt của Mạ. Có lẽ Mạ thương mỗi đứa con đặc biệt, đơn giản vì bầy con là con của Mạ. Thúy cảm động rưng rưng khi anh Hải nhắc chuyện ngày xưa. Anh kể, lúc Thúy còn bé, Mạ thương Thúy lạ lùng. Cứ trước khi bế Thúy vào trong nôi để ngủ, Mạ hun Thúy không biết bao nhiêu lần. Mạ vừa ru vừa hò: “À ơi, ru con, con ngủ cho muồi…” Tiếng hò ru con của Mạ cứ theo anh, văng vẳng trong tai mỗi khi anh nghĩ đến Mạ. Lúc đó, dù Thúy còn quá nhỏ, nhưng những lời ru ngọt ngào của Mạ đã khắc sâu vào tâm khảm Thúy.

Ba kể, Mạ hay nựng nịu Kanh Kem, nói ai có đem núi vàng tới, Mạ cũng không đổi hai thằng cục cưng của Mạ. Kanh Kem vẫn thích nằm ngủ gần Mạ, dầu khi đã lớn bộn. Năm 1982, buổi tối ở nhà đường Nguyễn Huỳnh Đức, Thạch Duẩn đã vừa năn nỉ, vừa bắt buộc Kanh Kem, nhường cho hai đứa được nằm gần Mạ một bữa, trước khi rời Việt Nam lên đường qua Đức. Ngày ấy, ra đi mà không biết bao giờ gia đình mới đoàn tụ.

Mạ lo lắng quan tâm sức khỏe cho cả nhà. Khi bầy con còn nhỏ, Mạ vẫn giữ nguyên tắc ăn vừa đủ no, chứ không ăn ráng. Anh chị em trong nhà, hễ ai hơi phổng phao một chút, Mạ nhẹ nhàng nhắc nhở.

Vợ Chồng Có Đôi

Ở Đức, Mạ luôn để phần dẫn đường cho Ba. Ba đi đâu, Mạ theo đó. Có lần, Ba đi mua bánh mì, Ba làm rơi tấm hình của Mạ, do sơ ý lúc lấy tiền trong ví. Đến chiều, khi Thúy và Hiền đi ngang tiệm bánh mì, cô bán hàng ngoắc ngoắc, kêu vào đưa tấm hình. Cô còn thêm, “Hình của Mẹ các em đó.” Ở nhiều con đường của thành phố Bad-Nauheim, có lẽ rất nhiều người đã thành thân thiết với hình ảnh đôi vợ chồng già người Việt. Những tháng trời đẹp, Ba Mạ đã tham gia các chuyến du ngoạn dành cho công dân cao niên, do thành phố tổ chức.

Thỉnh thoảng Ba Mạ đi chơi ở những tỉnh lân cận. Ba có giấy chứng nhận tàn tật, nên miễn mua vé, chỉ cần vé cho Mạ mà thôi. Ba Mạ đến mua vé ở máy tự động. Ba nhìn hình vẽ con nít trên nút bấm, Ba nghĩ đó là phụ nữ, nên bấm ở nút đó, mua vé cho Mạ. Nghe Ba Mạ kể lại, mấy đứa con cười thích thú, thấy nhầm lẫn của Ba Mạ dễ thương hết sức.

Khi ra nhà ở Rödgen, mùa hè Ba thường làm vườn sau trên đồi. Mạ làm ly nước cam đem lên. Ba nghỉ tay, rồi hai ông bà ngồi trên xích đu, uống nước cam, nhẩn nha nói chuyện với nhau. Người hàng xóm quan sát, nói với Hiền, “Đó là cặp vợ chồng hạnh phúc nhất trần gian.”

Ba Mạ học được công thức nước uống dưỡng sinh: xay táo, cà rốt, cần tây, mướp đắng. Thời gian Thúy về ở Bad-Nauheim được lâu, sáng nào Mạ cũng nhắc Thúy làm nước sinh tố đặc biệt để Ba uống sớm cho công hiệu.

Có lần trong bao gạo Thái Lan, người ta bỏ thêm một lon nước dừa khuyến mãi. Hôm đó, Ba Mạ ở nhà một mình. Hết gạo trong thùng. Ba đem bao gạo mới ra khui. Khi Mạ lần múc gạo từ bao ra thùng, Mạ đụng phải vật cứng cứng tròn tròn, có lẽ hơi giống trái lựu đạn. Mạ hoảng hồn, kêu Ba. Ba Mạ cùng nhau kéo bao gạo để ngoài sân, chờ Trọng Hiền về “xử lý”.

Bầy cháu nội ngoại

Bầy cháu nội ngoại, ít nhiều đều có những kỷ niệm thật thắm thiết với Mạ.

Khi vợ chồng anh Hải có con đầu lòng, cả nhà còn ở Việt Nam. Mạ ngắm nhìn cu Nam trong hình, mơ ước đến ngày được gặp con, cháu, để bồng ẵm, nựng nịu đứa cháu đầu tiên. Những cháu ra đời khi Ba Mạ đã qua Đức, các bà mẹ trẻ đều có hạnh phúc được Ba Mạ đến chăm sóc một vài tuần. Ba Mạ đã tạo thành “truyền thống” nuôi đẻ. Mở hàng là Thiên Hương. Rồi sau đó là Cốm, Ô Mai, Bờm, Bí. Ba Mạ đi lưu diễn từ bắc chí nam. Khi cu Bim ra đời, Ba Mạ đã dẫn theo Ô Mai lên Krefeld để phụ bà Ngoại chăm sóc em Bim. Bòn Bon cũng chung vai sát cánh với bà Ngoại khi cả nhà đang lo sửa sang ngôi nhà ở Rödgen. Mai Lan đã “tạm trú” với bà Ngoại khi mẹ Thành sinh em cu Bình. Bé Kim tá túc nhà bà Nội, khi mẹ Yến của bé về Việt Nam thăm ông ngoại của bé Kim.

Khi Ba Mạ qua Đức, cu Bê được 10 tháng. Nhớ đến câu “Ăn cơm với cá, như mạ với con” Ba Mạ hay nói, Thúy thích Bê gọi bằng Mạ. Khi ngồi chơi với Bê có Mạ, Thúy xưng Mạ với Bê, thì Mạ lại nói, “Thôi, con đừng xưng Mạ với Bê, chữ Mạ của thời xưa rồi.” Thời gian Thúy đi học ở đại học Frankfurt, Bê được ông Ngoại đón từ vườn trẻ về nhà ông bà Ngoại ở Hauptstr. 78. Buổi chiều, đi học về, Thúy đến nhà Ba Mạ để đón cu Bê. Hôm nào muốn đi chợ, Mạ chuẩn bị sẵn. Thúy chở Mạ và cu Bê đi Toom Markt. Thuở đó, chợ chỉ mở cửa đến sáu giờ chiều. Thúy đang chạy xe trên đường Frankfurter, cu Bê ngồi sau nói vọng lên:

-Mẹ ơi, Mẹ phải chạy nhanh lên, chớ không thôi đến nơi là chợ đóng cửa

Thấy vận tốc chạy xe rùa của mẹ Bê, Bê ngại là “bò” tới nơi sẽ hơn 6 giờ chiều. Mạ chỉ băn khoăn, sợ trễ quá, như chợ chiều ở Việt Nam, sợ thịt ôi, cá ươn, rau héo. Thúy trấn an Mạ:

-Chỉ sợ trễ; họ dẹp hàng thôi. Chứ chợ ở đây họ bán hàng giờ nào cũng phải bảo đảm phẩm chất của hàng hóa.

Mùa hè, đi chợ xong, trời còn sáng, Bê xin ra cầu tuột sau Toom Markt chơi. Mạ nhắc chừng:

-Bê ơi, con phải cẩn thận nghe. Thấy cầu tuột cao quá, bà Ngoại lo đó.

Mạ lóng ngóng đi lui tới, lâu lâu lại kêu:

-Bê ơi, Bê ơi chạy chậm, không thôi té đau.

Thúy học xong ở Frankfurt cuối năm 1994, có việc làm ở München, gia đình Thúy phải dọn nhà. Bê buồn lắm, không muốn rời Bad-Nauheim. Thúy cắt nghĩa cho Bê, rằng Ba Mẹ phải làm việc để kiếm tiền ăn ở. Bê không hiểu được, nói:

-Mình không cần mua đồ ăn, chỉ cần qua ông bà Ngoại là có cơm ngon rồi.

Khi Thúy sinh Bê, Ba Mạ chưa qua, nên Thúy không có được hạnh phúc được Mạ nuôi đẻ. Cu Bê tuy không được may mắn có ông bà Ngoại khi chào đời. Nhưng có hạnh phúc sống bên ông bà Ngoại một thời gian. Cu Bê chơi lúc thúc cả ngày với Mạ, vậy mà đến khi biết chừng giờ mẹ về, là cu cậu giả đò đau ốm hoặc trốn đâu đó. Thúy đi tìm cu Bê thì nghe tiếng Mạ cười, nói với Bê:

– Bê, con làm chi mà đục dưới giường, cho dính đầy bụi bặm rứa!

Mạ cùng với bầy con, cháu đi hồ bơi ở Usa, Mạ bơi giỏi hơn mấy đứa con gái của Mạ rất nhiều. Ra biển, Mạ xăng xái lui tới bơi lội. Đám cháu hay gọi đùa là cool Oma.

 Nghệ Thuật Nấu Ăn

Nhớ những ngày tết xưa, dù bận rộn với tiệm sách, Mạ vẫn sắp xếp làm bánh mứt. Những ngày cuối năm, thuở gia đình ở Quảng Ngãi, mùi mứt gừng, bánh thuẫn thơm lựng trong nhà. Mạ gói bánh in bột nếp, bột mình tinh, bầy con cũng được tham gia, cắt giấy bóng kiếng, lâu lâu xin Mạ cho tập gói. Hoặc cắt rua hai đầu để gói kẹo hột sen. Khi anh Hải đi du học, có lẽ anh kể bên Đức không có nước mắm, nên Mạ có thắng nước mắm với đường trong chảo. Nhìn hơi từa tựa kẹo bùn. Không biết rồi sau đó, Ba Mạ có gởi được món ăn đặc biệt qua Đức không.

Mạ hay làm thịt chấy, để sẵn từng hũ, phân phát cho bầy cháu. Bí Bim rất mê ăn cơm với thịt chấy. Thấy Mạ làm cực quá, Thạch hỏi công thức về tự làm. Nhưng Bí Bim bảo, “Thịt của Ba không ngon. Thịt Bà Nội ngon hơn”. Món cá kho rau răm của Mạ tuyệt vời. Bê ghiền món cá kho. Nên thỉnh thoảng Thúy cũng bày cá ra kho. Bê nhận xét, “Mẹ kho cá cũng ngon, nhưng chưa bằng Bà Ngoại”. Bê hay nhắc món cá hun khói kho bất hủ của Bà Ngoại. Do là, có lần, cá Lachs hun khói hạ giá, nên mua nhiều. Ăn với bánh mì đã ngán, mà vẫn còn. Vậy là Mạ sáng kiến, cuốn cá tròn tròn, kho với rau răm. Ai dè, món cá kho này lại ngon độc đáo.

Lúc ở Schöneck Mạ có học cách làm nem của dì Năm. Mỗi mùa giáng sinh, Mạ tận dụng giấy gói quà để gói ngoài bọc nem. Tụ tập ở nhà Ba Mạ qua mùa tết tây, Mạ phân phát nem cho bầy con cháu. Ai nấy ra về với những lọn nem xanh đỏ vui mắt và thật ngon. Món thịt kho tàu của Mạ đặc biệt lắm. Miếng thịt nâu óng, ăn cơm hít hà. Nói theo anh Lam là ăn lủng nồi luôn. Ba Mạ đi chợ gần như mỗi ngày. Lúc thì Ba Mạ mua yoghurt “hàng hiệu” ở chợ Schade. Có khi, Ba Mạ mua ở chợ trái cây những bịch to có nhiều loại rau cải khác nhau. Ba Mạ vẫn hay mua vài loại bánh mì, bánh ngọt ở tiệm quen. Để lúc chiều chiều, con cháu có buồn miệng, thì có chi mà nhai. Kẻo không thôi, như kiểu nói giỡn chơi của Mệ Nội, của Mạ, hở miệng chó nó… ẻ vô. Mạ thích con gái đưa đi chợ hơn. Vì con gái kiên nhẫn, chờ Mạ chọn lựa những miếng thịt thăn ngon nhất để làm thịt chấy. Có khi lựa xong, Mạ lại thấy miếng thịt khác ngon hơn, Mạ muốn đổi. Tất cả chỉ vì Mạ muốn nấu bữa cơm ngon, các món khoái khẩu cho con và cháu. Ba ăn chay, Mạ cũng ăn theo Ba, thỉnh thoảng Mạ ăn dặm chút thịt cá, nhưng rất ít. Ngày ở trại Schöneck, Ba gọi Mạ là phi hành gia. Mạ mua bao hành 5 ký lô, hành xắt mỏng rồi phi, bỏ sẵn từng hũ thủy tinh phân phát cho các con. Mạ nói, để mấy đứa đỡ mất thì giờ và đỡ hôi nhà. Khi kho nấu, chỉ múc ra một hai muỗng bỏ vô là món canh, món xào thơm tho mặn mà.

Vào xuân, khi lá gai Brennessel lên mơn mởn, là lúc Ba Mạ đi thu hoạch lá chuẩn bị cho những đợt bánh gai. Bánh gai của Ba Mạ luôn đắt hàng. Ai có mặt cũng ăn thử và xin để dành cho những người không đến được.

Bây giờ ở nhà Hiền, mặc dù Hiền mua rất nhiều tấm thớt mới, vậy mà Hiền vẫn cứ giữ tấm thớt nhỏ có tay cầm, rất cũ kỹ. Thúy hỏi sao không thay thớt. Hiền nói, tự nhiên vẫn thích giữ, vì ngày xưa Mạ ưa xài tấm thớt đó.

Những Ngày Cơ Cực

Quán Café Uyên ở đường Quang Trung bị tịch thu đã làm rúng động thị xã nhỏ bé. Lúc đó Mệ Nội vẫn còn ở Quảng Ngãi. Mệ và mấy Mạ con bị dồn về căn nhà nhỏ ở đường Nguyễn Bá Loan. Ra khỏi nhà, chúng tôi chẳng được đem gì theo ngoài vài bộ áo quần và ít chén bát. Sau đó vài ngày, Mạ bới xách chuẩn bị thăm Ba. Khi Mạ ngồi chờ xe lam ở quán cơm bến xe, bác chủ tiệm hỏi thăm có phải Mạ vừa bị tịch thu nhà không? Đó là bác Khóa, một người không quen biết, đã mở lời, rủ Mạ đến bán hàng chung với bác. Thật là cơ duyên lành. Trong lúc khốn đốn trắng tay, Mạ chưa biết làm gì để lo cho Mệ, để thăm Ba và nuôi bầy con, để có kế sinh nhai, lại gặp người giúp đỡ. Trong thời gian ngắn, tiệm cơm của bác Khóa thay đổi nhiều. Khách hàng đến đông hơn vì bây giờ tiệm cơm có bà Uyên, là Mạ. Thời gian đầu, những tối sau khi đóng cửa tiệm cơm, mấy Mạ con về nhà ngủ. Thúy nhớ, có tối, thấy đường khuya vắng, mấy chị em đưa xe đạp cho Mạ thử đạp. Mấy Mạ con tức cười, rúc rích suốt đường về. Thường thường, buổi tối, Mạ và Kanh Kem ngủ ngoài tiệm cơm, mấy chị em Thúy Hiền Thạch Duẩn về nhà ở đường Nguyễn Bá Loan ngủ.

Sau đó, chị Tâm về Quảng Ngãi thu xếp cho Thúy và Thạch Duẩn vô Sài Gòn. Hiền và Kanh Kem ở lại với Mạ. Anh Lam đi làm xa, lâu lâu về nhà. Thời gian này, các bạn của Hiền hay lui tới và có nhiều kỷ niệm với Mạ. Bội Liên kể lại, dường như ngày nào mấy đứa cũng có mặt ở quán cơm để chơi với Hiền, rồi cùng rửa chén, cùng bưng cơm cho khách. Sau đó, cùng ăn vụng mứt củ mình tinh, Mạ làm để dành đi thăm nuôi Ba… Ngày đó, củ mình tinh được Mạ chế biến thành từng miếng mứt rim đường đen ngon ghê lắm. Bao năm rồi, bao nhiêu thứ cao lương mỹ vị vẫn không sánh nổi với miếng mứt ăn vụng ngày xưa.

Mỗi mùa hè mấy chị em thay phiên nhau về Quảng Ngãi thăm Ba Mạ và Kanh Kem. Hết hè, đám con vô lại Sài Gòn. Mạ chuẩn bị nào là xôi ngọt, có đậu đen, gừng, mè; thịt cá kho mặn, ruốc kho sả. Ngoài ra, Mạ có món mỡ ướp đường để được lâu, dùng kho cá rất ngon. Lúc đó Kanh Kem còn nhỏ quá, Mạ không muốn xa hai đứa, nên giữ ở lại Quảng Ngãi. Sau thấy hai đứa ham chơi, Mạ sợ hai đứa lêu lổng, nên cắn răng, cho Kanh Kem vô Sài Gòn ở với mấy chị em. Chỉ còn mình Mạ và anh Lam ở Quảng Ngãi. Mà anh Lam phải đi làm xa lâu lâu mới về.

Những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 là thời gian quá cơ cực. Thật tội cho Mạ, phải một mình bươn chải ngoài Quảng Ngãi. Tám chị em ở Sài Gòn, sống bằng nguồn thu nhập rất khiêm tốn, lương giáo viên của chị Tâm và chị Thành. Có những thùng quà “khẩn cấp cứu đói”, “khẩn cấp cứu khó” của anh Hải. Nhưng trên hết, Mạ vẫn nuôi bầy con bằng tiệm cơm ở bến xe. Mỗi khi Mạ vô Sài Gòn thăm, Mạ tay xách, nách mang, gạo cơm, mắm muối cho bầy con.

Sở Thích Văn Nghệ

Mạ rất thích xem ca nhạc. Mạ luôn là khán giả thưởng thức hết lòng những màn văn nghệ của tiệc cưới. Những lần đi coi đại nhạc hội, Ba không ngồi lâu vì tiếng nhạc to, và có lẽ có cảm giác ngột ngạt. Nhưng Mạ rõ là khán giả ái mộ, trân trọng lời ca tiếng hát của ca sĩ. Mỗi lần đi văn nghệ Mạ luôn ngồi thưởng thức chương trình cho đến hết giờ. Có lần bầy con đưa Mạ đi coi ca nhạc, thời Nguyễn Hưng mới nổi tiếng. Gặp ca sĩ trong giờ giải lao, Mạ có đến yêu cầu bài nhạc “ruột”. Khi trở lại sân khấu, Nguyễn Hưng xin trình bày nhạc phẩm Đêm Nguyện Cầu tặng cho bác đã yêu cầu. Mạ lắng nghe, vui lắm. Mạ thích xem các chương trình nhạc trong video, nhớ nhiều tên bài hát, ca sĩ. Mạ rất mê ca nhạc. Khi ca sĩ Thanh Hà mới lên, Mạ nói, Thanh Hà ngó bộ “ăn đứt” Khánh Hà, vì ca cũng hay mà lại đẹp hơn Khánh Hà.

Những khi các con, cháu của Mạ đóng góp văn nghệ ở tiệc tùng, đám cưới, Mạ là một khán giả, thính giả tuyệt vời. Mạ chăm chú thưởng thức, khuôn mặt Mạ rạng ngời niềm vui. Mạ không chỉ khen thưởng những màn trình diễn trên sân khấu, mà Mạ còn trầm trồ khi bầy cháu nội ngoại có những tiết mục bỏ túi những lúc gia đình tụ họp. Như khi cu Bờm lúc lắc hát “mua vịt, mua vịt” (move it), hoặc Bí Bim nhảy lưng tưng ca “ghế đâu ghế đâu” (get down). Trong mắt của Mạ, bầy cháu nội ngoại đều là những ca sĩ có tài năng.

Ôi, biết bao nhiêu kỷ niệm đầm ấm, ngọt ngào với Mạ yêu. Đã có những ngày tháng gian nan, thống khổ. Mạ không quản ngại khó khan. Mạ không nề hà, nhọc nhằn. Với trái tim bao la như biển, với vòng tay bao dung rộng mở, Mạ ôm ấp, nâng niu bầy con, nuôi dưỡng chúng con nên người. Dẫu cuộc sống có đôi lúc trắc trở, không như ý, nhưng với hành trang Mạ khoác lên vai chúng con, bầy con của Mạ có được vốn liếng yêu thương vô cùng quý giá. Giờ đây, chúng con không còn diễm phúc bông hồng cài áo. Nhưng Mạ vẫn luôn trong tâm, trong trí của tụi con. Mạ mãi là bóng mát che chở cho tụi con trong cuộc đời.

Hoàng Quân

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search