T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 136)

  clip_image002.jpg

Chữ và nghĩa

“Ấn tượng”, dùng như tính từ (to be impressed, theo kiểu Anh Mỹ), được một số người (đặc biệt là giới trẻ) trong nước dùng. Cách dùng như thế tạo một hiệu ứng nhấn mạnh, vì nó biến một danh từ thành tính từ. Chẳng hạn, “Màn trình diễn ấy rất ấn tượng”. Cũng thế, với những đối tượng trên, từ “thần tượng”, vốn là một danh từ, cũng có thể được sử dụng như một động từ (to idolize), “Chúng em rất ‘thần tượng’ nhà thơ X”.

Lối dùng này, đa số từ giới trẻ, nhiều phần là do ảnh hưởng về mặt từ pháp theo kiểu Anh Mỹ đang được một tầng lớp đông đảo người Việt Nam trong nước, đặc biệt là giới trẻ, ưa thích. Sự vay mượn này cũng là một điều dễ hiểu, vay mượn như thế cũng nằm trong những quy luật của sự trao đổi và tiếp biến ngôn ngữ nói chung trên thế giới. Vấn đề còn lại chỉ là sự ý thức. Để không biến những biểu hiện của một quy luật chung thành một sự hào hứng, quá đà, có thể đi đến chỗ làm mất bản sắc ngôn ngữ dân tộc.

(Bùi Vĩnh Phú – Trên những đường bay của chữ)

Câu đối tập cú

 Những câu lấy chữ sẵn ở trong sách hoặc ở tục ngữ, ca dao.

Gái có chông như rồng có vây, gái không chồng như cối xay không ngõng hoặc giả như Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

(Trích từ Văn Hóa Việt)

Khoét

Khóet: nói dối

(nói khoét – nói như mỏ khoét)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Ca dao

Đề cập đến văn chương, chúng ta không thể nào bỏ qua thi ca bình dân mà ca dao là một trong những thể nầy. Từ lâu, ca dao đã đi vào lòng dân tộc về những nét bông đùa, hóm hỉnh, dí dỏm trong kho tàng văn chương bình dân của tiếng Việt ta. Như có những câu ca dao có hơi ngộ nghĩnh với ông láng giềng:

Đêm qua để cửa chờ chồng

Đêm nay để cửa chờ ông láng giềng.

Hay:

Cái giường mà biết nói năng,

Thì ông hàng xóm hàm răng chẳng còn.

(Lê  Thương – Ca dao trào phúng)

 Tao nhát lắm

Nguyễn Khải khác hẳn Nguyên Ngọc. Thiết thực, không phiêu lưu mạo hiểm, không muốn chết, không muốn đi tù. Anh tự nhận luôn là thằng hèn cho người ta khỏi phải bàn tán lôi thôi.

Sau cuộc hội nghị nhà văn đảng viên, bản đề cương của Nguyên Ngọc bị Tố Hữu đánh, Nguyễn Khải vốn nhất trí với Nguyên Ngọc trong vụ này, nên sợ quá. Anh nói thẳng với Nguyên Ngọc:

 “Tao nhát lắm, chưa đánh đã khai. Cho tao chạy đi thôi, mày thông cảm, đừng khai tao ra nhé”.

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Giai thoại làng văn

Và một đêm, ngồi châm điếu thuốc trên một cái lầu vắng vẻ, nghe gió thu về làm xao động cành hoàng lan ngoài cửa sổ, tôi nhớ đến người mẹ van xin tôi đừng làm nghề báo bổ. “Nghề báo đưa người ta bất cứ đâu, miễn là thoát được nó ra”…
Thoát được nó ra, nhưng thoát bằng cách nào đây? Đêm hôm đó, nằm trên một cái giường lạnh, có bóng trăng soi, tôi lẩm nhẩm nhớ lại những người bạn cùng nghề xem những ai thoát được “nó”, mà những ai còn vương vít tơ tằm với “nó”: Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Như Hoàn, Việt Bằng, Cuồng Sỹ, Đào Trinh Nhất, Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Mạnh Bổng, Nguyễn Phan Lãng, Nghiêm Xuân Lãm, Hoàng Cừ, Đặng Văn Hinh, Trương Anh Tự, Hoàng Tích Chu… các bạn ấy đã thoát, thoát hẳn, thoát để không bao giờ trở lại cõi đời này nữa, nhưng cũng còn bao nhiêu người khác thoát được “nó” mà thoát được một cách vẻ vang.
Đó là trường hợp Phạm Quỳnh, nhảy một bước từ phố Hàng Da vào làm thượng thư ở Huế; và Nguyễn Tiến Lãng, bí thư của Hoàng hậu Nam Phương

(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

Tiếng Tầu

Trời đất! tui nghe là: Trau giồi tiếng Việt, lật đật chạy vô, ai dè…thấy toàn tiếng Tàu!!!

Tiếng Việt mình hoàn toàn khác tiếng Tàu, bà con ạ!

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Người trong họ có lấy nhau

Ở nước ta, dưới triều Trần, con cháu nhà vua chỉ được lấy người trong hoàng tộc (lấy sang họ khác sợ bị nạn ngoại thích cướp ngôi). Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lấy Thiên Thành công chúa, tức là cô ruột của mình. Vua Trần Thánh Tông lấy Thiên Cảm Hoàng hậu, tức chị con bác ruột. Vua Trần Minh Tông lấy Lệ Thánh Hoàng hậu, tức con chú ruột, đều là cháu nội vua Trần Nhân Tông vv…

Còn trong dân gian từ triều Lê về sau, nếu trong họ nội thân cùng quê mà lấy nhau gọi là hôn thú, họ hàng không chấp nhận. Nếu cùng họ nhưng đã xa đời, thuộc chi khác nhau hay đã xa quê (gọi là biệt tổ ly tông) thì vẫn lấy nhau được. Thời xưa, do trọng nam khinh nữ, hoặc thiếu hiểu biết về gien di truyền, nên anh chị em con cô, cậu ruột coi như khác họ vẫn có quyền làm thông gia với nhau. Ca dao tục ngữ trong dân gian còn ca ngợi trường hợp cháu cậu mà lấy cháu cô, coi như “Thóc lúa trong bồ, giống má nhà ta”. Nhưng di truyền học đã khẳng định rằng người có chung huyết thống mà có con với nhau thì qua nhiều đời dòng giống bị thoái hoá, có trường hợp bị quái thai, vì vậy anh em họ lấy nhau, kể cả họ nội hay họ ngoại đều không có lợi.

Luật pháp nước ta qui định cùng chung huyết thống ba đời, kể cả bên bố hay bên mẹ, đều không được lấy nhau.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Theo tự điển tiếng Viêt ở Hà Nội (Văn Tân Nguyễn văn Đạm):

Liệt: là nói

Ba que xỏ lá

Trong thời Pháp thuộc, có một bọn người chuyên tổ chức những “trò chơi có thưởng”. Trò chơi của bọn họ gồm một cái que và ba chiếc lá. Mỗi lá có đính một chiếc vòng nhỏ ở cuống. Người chơi cầm cái que nhỏ xỏ vào ba vòng này. Mỗi người chỉ được xỏ một lần. Người nào xỏ vào được một lúc cả ba lá và nhấc được chúng lên thì được lĩnh thưởng. Ai xỏ trật, tức xỏ không vào lá nào hoặc chỉ vào một trong ba lá, sẽ mất toi số tiền đặt cược.

Cũng liên quan tới trò chơi này, có người kể lại cách thức chơi của bọn chủ trò có khác chút ít. Chúng thường dùng ba que nhỏ, trong đó chỉ có một que xỏ vào chiếc lá rồi chìa cho mọi người xem. Chúng tuyên bố rằng nếu ai rút trúng que có chiếc lá khi chúng nắm tay lại thì người đó trúng thưởng. Ngược lại, người chơi sẽ mất số tiền đặt cược trước. Dù chơi theo cách thức nào đi nữa, thì bọn chủ trò vẫn có nhiều mưu mẹo, khiến cho người chơi bao giờ cũng thua cuộc. Vì thế, người ta mới gọi bọn chủ trò là bọn “ba que xỏ lá” với hàm ý là bọn bịp bợm, lừa đảo, dối trá. Từ cách thức chơi thứ nhất, nhiều người cho rằng hình thức ban đầu của “ba que xỏ lá” là “xỏ lá ba que”.

Sở dĩ có sự thay đổi này là do việc đọc chệch cho thuận miệng, dễ đọc, dễ nhớ. Thành ngữ “ba que xỏ lá” dần dần được dùng để chỉ tất cả những hạng người lừa lọc, bịp bợm, đểu cáng. Trong quá trình xử dụng, thành ngữ “ba que xỏ lá”, được tách thành hai vế “ba que”, “xỏ lá”. Các bộ phận được tách ra này đã gia nhập vào vốn từ vựng tiếng Việt. Về ý nghĩa, các từ “ba que”, “xỏ lá” được dùng tương tự như thành ngữ “ba que xỏ lá”.

Khoi

Khoi : lạch nước

(khoi nước)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

“Hư từ” với…“dễ”

 “Hư từ”, theo Hồ Ngọc Đức là những: “Từ không tiêu biểu cho sự vật, hành động hoặc không có đối tượng và chỉ biểu thị những mối quan hệ giữa các thực từ trong câu.” 

Chẳng hạn như từ “dễ”, theo thói thường, giữ vai trạng từ trong ngữ pháp, phản nghĩa với “khó”. Ấy mà, trong lời ta thán thường nghe: “Đàn bà dễ có mấy tay!”, “dễ” giữ nhiệm vụ gì, khó xác định sao cho chính xác. Khác với: “Con bé ấy càng lớn trông càng dễ thương”, “dễ” có nghĩa như “đáng”. Nhưng tuyệt đối, không ai nói: “Con bé ấy càng lớn trông càng đáng thương”, vì ý nghĩa của hai câu nói khác nhau nhiều lắm. Tình tiết trong ngôn ngữ Việt đâu phải chỉ đơn giản bao nhiêu đó. Vì, nếu như “thương” được thay bằng “yêu”, ta sẽ có “dễ yêu” cũng như “đáng yêu”, thì “dễ” và “đáng” lại đồng nghĩa với nhau, mới chết!

“Dễ” còn được người Việt sử dụng trong lời khen: “Thằng đó không biết ăn nhằm giống gì mà lấy được con vợ đẹp dễ sợ.” Hay: “Tao mới làm quen được con nhỏ kia đẹp ác.” Điểm ngộ nghĩnh trong hai thí dụ vừa nêu là biến tính của hai từ “sợ” và “ác”. Nghĩa tiêu cực thuần tuý của chúng tan biến đâu mất, để hỗ trợ tích cực, “nâng cấp” tính đẹp lên tột đỉnh, vượt qua ý niệm giới hạn của “sợ” và “ác”!!! Như thể ở cực điểm, ngôn ngữ cường điệu có khả năng triệt tiêu cả đối tính. Tương tự vậy, người Việt nói: “Con vợ thằng chả nói năng vụng về vậy mà nấu ăn ngon ghê!” thay cho “ngon quá”; hoặc “Ca sĩ X không rành nhạc lý gì hết, vậy mà hát hay kinh khủng!” thay vì “hay tuyệt”. Lạ… ghê!

(Ngô Nguyên Dũng – “Ảo từ” hay “biến từ” trong tiếng Việt?)

Chữ Quốc ngữ

Người có công rất lớn trong việc truyền bá và phát triển chữ quốc ngữ phải kể đến Nguyễn Văn Vĩnh.

Ông không sáng tác nhiều nhưng các tác phẩm dịch và những hoạt động ý nghĩa của ông đã góp phần vào quá trình tạo nên ngôn ngữ thuần Việt, chính là chữ quốc ngữ chúng ta sử dụng bây giờ. Tuy nhiên, ông là người không thích được ca ngợi nên những việc ông đã làm ít ai được biết đến, công nhận.

Như trong hồi ký của mình, nhà văn Vũ Bằng đã viết: “Nguyễn Văn Vĩnh từng nói rằng, nếu cuộc đời này có một cái nhà kính để sống, để quan sát thì tôi sẽ đứng trong nhà kính đó”.

(Thu Thảo – Chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ mới là thuần Việt)

Giai thoại làng văn
Mục “Tử vi của bạn” có một dạo được coi như là một mục “tủ” của tờ báo: đàn ông cầm tờ báo giở liền ra xem mình tuổi Quý Mão ra sao, và vợ mình tuổi Tỵ hôm nay xui hay là hên, có làm xong cái áp phe ấy hay không, còn đàn bà tuổi Thìn, hôm nay tốt hay xấu và có hy vọng có tiền hay không. Tôi quen nhiều ông thầy số phụ trách về mục tử vi như thế: Có ông “bao” sáu bảy tờ, ký hai ba tên hiệu khác nhau, cứ đầu tháng lại cho người đưa đến cho mỗi báo một cuốn số, xào đi xào lại cho khác nhau, tựu trung thì nói “bố láo” hết vì tôi biết chắc có anh ham ăn ham chơi quá đã bảo thư ký lấy tử vi năm 1957 chép lại cho các báo xuất bản năm 1961 đăng tải và, hơn thế, chính tôi đã biết những ông nhà báo đăng lầm tử vi tháng 5 vào tháng 8 và tháng 1 vào tháng 11, lầm nam ra nữ, nữ ra nam, mà độc giả vẫn chịu mục tử vi của báo này, báo nọ “đoán trúng phong phóc, không chịu được”.

(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

Khoa cử (1)

Thời nhà Lý ta mới có khoa cử, vì vậy trước đó sĩ phu muốn học cao hơn hay thi tiến sĩ phải qua Tàu. Năm 845, vua nhà Đường hạn chế sĩ tử của ta sang thi khoa tiến sĩ không được quá 8 người. Thi khoa Minh kinh (giảng giải kinh sách) không quá 10 người. Những người hiển đạt không nhiều như:

Đời Hán Minh đế (58-75) có Trương Trọng, đời Hán Linh đế (184-189) có Lý Tiến, đời Đường Đức Tôn có Khương Thần Dực…

(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Lối xưa xe ngựa…)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ (1)

Ta thường gọi nôm na là Tàu cùng những biến thể như người Ba Tàu, Ba Tàu, các chú, chú chệt, v…v…

Gia Định Báo số 5, ngày 16/21/1870:

“…An Nam ta kêu là Tàu vì họ đi tàu qua đây buôn bán.

Từ Ba Tàu có thể giải thích như sau: Ba là 3 vùng đất dành cho người Tàu sinh sống và buôn bán là vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn-Chợ Lớn, và Hà Tiên.

Từ Tàu bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam để có Ba Tàu, nhưng dần dần từ “ba tàu” có nghĩa miệt thị, gây ảnh hưởng xấu…”

(Nguyễn Ngọc Chính – Ngôn ngữ Sài Gòn xưa)

Giai thoại làng văn xóm chữ

 Tản Đà đã từng nhiều lần làm thơ bộc bạch nỗi gian truân, túng bấn của mình. Trong một bài thơ, ông đã nói về việc khất nợ tiền nhà như sau:
Hôm qua chưa có tiền nhà
Suốt đêm thơ nghĩ chẳng ra câu nào
Đi ra rồi lại đi vào
Quẩn quanh chỉ tốn thuốc lào vì thơ

Tất nhiên, tiền nhà chưa đóng được bởi nhiều lý do. Nhưng chắc chắn còn một lý do nữa, đó là lối tiêu pha bốc đồng của thi sĩ. Nhà văn Ngô Tất Tố từng kể: Thời kỳ ông cùng Tản Đà vào Nam tham gia viết cho tờ Đông Pháp thời báo, lương báo trả cho Ngô Tất Tố là 80 đồng, Tản Đà là 100 đồng, tiền thuê nhà chỉ phải trả 28 đồng, vậy mà, theo như lời nhà văn Ngô Tất Tố: “Không tháng nào ông Tản Đà không phải lật đật về chạy tiền nhà”.

Một hôm, vì chủ nhà thúc giục riết quá, ông Tản Đà, sau khi đã ăn tối phải thân hành đi Sài Gòn vay tiền. Vào khoảng 11 giờ đêm, Tản Đà lật đật trở về với chai rượu rum, con vịt quay và vài món khác.

Mới vào tới cửa, ông đã lắc đầu than phiền: “Hỏng cả ông ạ!”.
Ngô Tất Tố ngạc nhiên: “Hỏng, hỏng cái gì?”.

Tản Đà thản nhiên cắt nghĩa:
– Chỉ vay được hai chục đồng, trả tiền nhà thì vẫn còn thiếu tám đồng, đằng nào cũng vẫn còn nợ, tôi nghĩ, mua ít đồ đánh chén. Tất cả hết hơn mười đồng…

Trời ơi, đi vay rồi lại tiêu như thế này, thì đến bao giờ mới trả hết tiền nhà! Không bận tâm đến nỗi lo lắng của Ngô Tất Tố, Tản Đà gọi người đầy tớ tâm phúc của ông đem con vịt quay ra chặt. Ông thủng thẳng bảo Ngô Tất Tố:
– Cứ chén đã. Tiền nhà rồi ta lại xoay…

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search