T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Học Trò: Derrière Les Mots (Đằng Sau Con Chữ) Alain Souchon & Laurent Voulzy

clip_image002

Laurent Voulzy là một thần tượng nhạc Pháp của tôi, bởi vì nhạc của anh thật trau chuốt nhưng lại tự nhiên, và đặc biệt rất lãng mạn. Lời ca được chắp cánh bởi người bạn thân khi họ cùng mới bắt đầu sáng tác từ những năm 70, đó là Alain Souchon. Voulzy có thật nhiều bài nhạc hay, có thể kể ra như Désir désir, Belle-Île-en-Mer, Marie-Galante, Le Cœur Grenadine, và nhất là đĩa nhạc La septieme Vague, trong đó anh hát lại những bài nhạc đã làm anh say đắm một thời.

clip_image004

Như bạn sẽ thấy, bài nhạc Derrière Les Mots này bạn nghe đi lại sẽ thấy “ghiền”, vì rất nhẹ nhàng, rất là style của Voulzy, không cầu kỳ lắm. có một cái chord lạ nữa gần cuối điệp khúc, nghe như Beatles chord vậy. Lời nhạc thì có thoang thoảng chất “Thiền” (sắc bất dị không, không bất dị sắc – sắc tức thị không, không tức thị sắc)

Đó,

Đằng sau giọng hát chúng tôi,

Bạn có thấy tâm tư chúng tôi không?

Và những đớn đau trong lòng

Hay chỉ là những là lá la?

Hãy nghe trong những giai điệu,

Đằng sau con chữ, đằng sau giọng hát,

Những tình cảm, những giọt nước mắt, những khát khao,

Mà chẳng thể tỏ bày, không, không, không thể nào tả được

Trong lời nhạc, do vậy, có một cái gì đó “chẳng thể nghĩ bàn”. Và giai điệu êm đềm và những ca từ day dứt ấy sẽ từ từ ngấm vào ta … Cách thể hiện những con chữ bay bay rồi từ từ hiện ra và mất đi của video thật mô tả đúng tâm trạng của con người: những đau khổ, dằn vặt chỉ là những suy nghĩ thoáng qua, có đó rồi mất đó, không thể truy tìm được vì chúng không có thật. Ngay cả giai điệu nền cũng chỉ là một bài hát trong CD hay Youtube, tắt máy là hết xem. Để lại trong ta chăng là một thứ tình cảm êm đềm, tuy không nắm bắt được, nhưng nếu thiếu nó thì đời sống sẽ khô khan biết bao. Thank You For The Music!!!

Sau hai ngày cuối tuần thì tôi thực sự “nghiện” bài này và thấy lối chơi nhạc trên một nền tiến trình hòa âm của hai nhạc sĩ này quả là bậc thầy! Lên đàn dạo thử thì thấy chords chơi nhạc cũng dễ nghe theo, tuy nhiên cái chord “bịnh” ở gần cuối điệp khúc 1 vẫn chưa tìm ra, (cho tới khi nghe một người đem lên youtube, và dung hợp âm Bb thì tôi thấy có lẽ gần giống, chắc là phần bass hơi khác một chút mà thôi.)

Tôi trình bày thử để bạn xem chơi. Toàn bộ bí kíp nằm ở intro 10 giây đầu. Nếu nghe sẽ thấy các nốt như sau nằm trên cùng:

La La La Sol, Sol Sol Sol Fa#

Chơi hai lần là xong.

Vậy thì khi ta nghe theo các nốt trên và tìm cách lắp các nốt của hợp âm ở dưới sẽ cho ta:

Si Re La, Si Re La, Si Re La, Si Re Sol, rồi La Do Sol, La Do Sol, La Do Sol, La Do Fa#

Nhưng nghe hai lần thì thấy chúng khác nhau, đó là vì họ dùng các nốt bass khác nhau. Khi lắp bass vào sẽ thành các hợp âm sau

G9      Em7   Am7    D7

Bm7   Em7   Am7    D7

Cứ thế mà bài nhạc lặp đi lặp lại. Chỉ có một biến thể chút xíu là bài có hợp âm C ở chỗ “Et les tourments”, còn thì quanh quẩn các hợp âm như trên. Bạn hãy lên đàn đánh thử và hát theo xem sao.

Tôi cũng thử viết lời cho bài này và tới nay làm xong phiên khúc #1 và điệp khúc #1. Chưa đắc ý lắm vì câu không hợp vần, nhưng vì phải bám sát theo nghĩa nên chịu thôi.

Đằng sau tiếng hát

Phiên khúc:

Kìa

Đằng sau tiếng hát, người ơi có thấy tim này

Và những đớn đau, day dứt trong lòng,

Hay chỉ thấy la là la

Đằng sau tiếng hát, em ơi có biết tim này

Và những đớn đau, dồn nén trong lòng,

Hay chỉ thấy la là la

Điệp khúc:

Em ơi nghe chăng giữa những giai điệu vui,

Đằng sau tiếng hát, giữa những câu thơ

Bao nhiêu yêu thương, nước mắt, bao mơ mòng

Mà chẳng thể nói hết, không, không, không …

Em ơi nghe chăng bao dấu yêu gửi em

Đằng sau tiếng hát, giữa những câu thơ

Rồi khi yêu thương nay đã xa lìa ta

Em luôn trong tim anh

Em mang tươi vui

Em mang muộn phiền

Chỉ thế thôi, mà thôi …

***

Có xem những ý kiến bình luận mới cảm thấy người Pháp rất yêu hai nhạc sĩ này, thí dụ:

Mélodieux, doux, romantique, sentimental, tourmenté et nostalgique; j’en ai des frissons; on vous apprécie car vous êtes tous les deux des artistes travailleurs, sensibles et talentueux. Un homme qui ne pleure jamais n’est pas un homme mais un marbre froid. Merci à vous deux d’avoir mis en ligne cette video. (Valentine Francia)

tạm dịch:

Bài hát này thật du dương, lãng mạn, tình cảm, hoài niệm và day dứt; tôi cảm thấy nổi da gà, tôi rất cảm ơn các tác giả bài hát vì hai ông đều là những nghệ sĩ chăm chỉ, nhạy cảm và rất có tài. Người đàn ông nào chưa từng khóc chẳng phải là một người đàn ông đích thực mà chỉ là một phiến cẩm thạch lạnh ngắt. Cám ơn hai ông đã cho đăng video này.

Chúc bạn một ngày vui!

Học Trò

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search