T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: HÀNH HƯƠNG BA TÔN GIÁO TẠI CAMPUCHIA (1)

clip_image002

Nhà thờ cổ trên núi Bokor, Campuchia (*)

(Bút Ký)

Những ngày cuối tháng tư vừa qua, tôi có cuộc “Hành hương ba tôn giáo tại Campuchia”, nhằm mục đích chiêm niệm và cầu nguyện. Nơi đến đầu tiên và cũng là nơi tôi nghỉ mấy ngày tại đây, là Trung tâm Rêbêca Á châu Kampot, viết tắt TRAK. (Theo Cựu ước, Rêbêca là vợ của Isaac, con trai của Abraham). Đây là nơi thanh tịnh, nơi tiếp đón khách hành hương, cần nơi tĩnh dưỡng, do một hệ phái Tin Lành (gốc từ Đức Quốc) xây dựng. Từ Trung tâm này, tôi lên núi Bokor (người Việt Nam gọi là núi Tà Lơn), viếng ngôi nhà thờ cổ, và ngôi chùa cổ. Điểm đến thứ ba là viếng Đức Mẹ Mêkông. Như vậy, cũng có thể nói đây là chuyến hành hương “tôn giáo” của tôi trên đất Campuchia, ở chặng cuối đời, mặc dù ở một góc nhỏ, nhưng cũng in dấu ấn nơi tâm khảm tôi một vài hình ảnh đẹp và những suy nghĩ về đời sống tôn giáo của con người.

TRUNG TÂM RÊBÊCA Á CHÂU KAMPOT

Chuyến xe tôi đi khởi hành từ bến xe miền Tây, chạy suốt một đêm. Đến sáng sớm ngày hôm sau thì tới Hà Tiên. Người quản lý Trung tâm Rêbêca Á châu Kampot đã đợi tôi tại đây, tôi lên xe của họ để qua đất Campuchia, ghé vào phòng làm thủ tục nhập cảnh, sau đó đi thẳng về Trung tâm, thuộc tỉnh Kampot, mất hai giờ đồng hồ. Tôi được dẫn vào phòng của mục sư khi nào ông tới và sẽ ở tại đây trong những ngày sau đó. Vì đêm hôm vừa qua tôi không chợp mắt được tí nào nên về tới Trung tâm là tôi chỉ muốn nằm nghỉ. Tôi nói điều này với người quản lý. Anh bảo, tôi cứ nghỉ cho khỏe.

Tôi dành cả thời gian chiều để đi thăm Trung tâm, ghi lại mấy tấm hình. Nhìn gần hay nhìn từ xa, nơi nào tôi cũng thấy những cảnh trí rất hợp cho những ai tìm tới đây để tĩnh dưỡng, để tránh cảnh ồn ào của phố thị đông người. Đặc biệt, những ngôi nhà sàn mái tranh, từ gần cũng như xa xa, tất cả như ẩn hiện dưới những cành lá, những thân cây đủ loại kèm theo những chùm hoa nhiều mầu sắc.

Người anh em tôi nói, Trung tâm này rộng khoảng 15.000m2, mười năm về trước, có người giới thiệu Hội thánh khu đất này. Để mua được nó, một giáo hữu ở Đức giúp tiền, khoảng 200.000 euro. Từ Phnôm Pênh mà về tận đây mua đất, dựng nhà, dựng cửa, quả là diệu vợi. Lúc đó, đất chỉ là đất, hoang dã, cây cối um tùm, chỉ có một ngôi nhà nhỏ. Bây giờ nó như thế này, có thể lượng giá khoảng 5 tỉ đồng. Rồi chúng tôi đi khắp chỗ, bàn chân tôi không mỏi, vì nơi nào của Trung tâm này cũng lạ lẫm, cũng có những dấu hoang sơ để những người đã trải qua những gian nan, những khổ ải suốt một cuộc đời 70-80 năm như tôi chỉ muốn mượn nơi này để dừng chân. Ông xui gia cùng sang đây với tôi nói rằng, tui đã có nơi để đi, lúc nào buồn bực con cháu trong nhà, tui sẽ sang đây. Chúng nó hết tìm. Chúng tôi tới một con đê lớn, mấy cái hồ. Một hồ lớn, 3 hồ nhỏ, có sông rạch, có sân chơi trẻ em như ghế xích đu, có sân bóng, khu vực nuôi gà lớn, khu gà nhỏ và một cái kho. Rồi, những con đường thẳng, dài mút mắt, người ở đầu đường này nhìn người ở đầu kia, chỉ thấy một bóng mờ. Còn những đường vòng thì tuyệt đẹp, hai bên là cỏ và hoa. Mỏi chân thì có những ghế đá ngồi nghỉ, dưới những bụi cây hoa hay những cành lá nhẹ đưa trước gió. Đi hết một vòng của Trung tâm, anh dẫn tôi về phòng hội. Tại cổng vào phòng hội, là dàn hoa leo, có gắn một tấm bảng viết bằng tiếng Việt: “Được Phước Khi Đi Vào”. Còn phía trong viết: “Được Phước Khi Đi Ra”. Nơi này, có hai dẫy nhà bằng gạch, duy nhất của Trung tâm, đối diện nhau, cách một cái sân khá rộng, lát gạch Tầu. Chiều ngang của mỗi dẫy nhà dài khoảng 15m, rộng 10m. Một dẫy dùng làm nhà bếp và phòng ăn. Còn một dẫy là Phòng hội. Mỗi sáng sớm, vợ chồng người quản lý và những “người con của Hội thánh”, tụ họp tại đây để cầu nguyện, để học hỏi kinh thánh. Những người con của Hội thánh, tức là những em nam, em nữ đã được Hội thánh nuôi nấng từ nhỏ, lớn lên họ có thể kết hôn với nhau, tình nguyện sống tại Trung tâm để phục vụ Hội thánh và cũng có thể ra ngoài. Họ được tự do chọn lựa.

Người anh em dẫn tôi đến đứng trước một tấm bảng lớn treo tại phòng hội, diễn giải cho tôi về mục đích của Trung tâm Rêbêca Á châu Kampot. Trước hết là một câu kinh thánh:

“Ngài muốn cho mọi người được cứu và hiểu biết lề luât” 1.Tim 2:4

1. Cứu người:

1 1. Truyền giảng cho người Việt, Khmer.

1 2. Truyền giảng cho thiếu nhi (khmer, Việt)

II. Biết lẽ thật:

21. Xây dựng Hội Thánh (Việt, Khmer)

22. Huấn luyện nhân sự

23. Trại (các kỳ trại)

III. Ngoài ra:

31. Tương giao với giáo phái bạn (Fellowship)

32. Chỗ nghỉ ngơi (Resort) cho con cái Chúa.

33. Tự túc: Chăn nuôi, trồng tỉa…

Tôi vốn thích cảnh chiều mưa nhẹ tại một nơi thanh vắng, nhất là một nơi như thế này mà có mưa thì thật hay. Quả thật, trời đã biết điều này ở trong tôi. Cho nên, một chiều sau giờ cơm, lúc đó trời đã tối, lại có cơn mưa, không nặng lắm, nhưng cũng đủ tạo nên những giọt mưa làm mái tranh ướt sũng, gây thêm hơi lạnh theo gió vào căn nhà sàn một mình tôi, thôi thúc tôi ra ngoài ngồi ở cái bàn hình vuông để ở bên ngoài phòng ngủ. Tôi nhìn ra những con đường thẳng, đường vòng chạy thật dài, heo hút, đi tới những căn nhà sàn khác, nhạt nhòe bóng nước. Giờ này, Trung tâm không một người ra ngoài. Tất cả đã lên nhà sàn. Có nhà còn để đèn, ánh đèn mờ ảo như rất xa, ẩn hiện như tại một khu rừng của người thiểu số trên cao nguyên, có nhà bóng tối đã phủ xuống. Đêm hôm ấy, tôi vào phòng ngủ rất khuya, không phải vì buồn ngủ, mà vì tôi không dám tự đặt mình mãi vào một trạng thái, nếu cứ để cái hồn mình tách ra khỏi cái thân xác như không có này, để theo những giọt mưa trên mái tranh, trên những cành lá, lóng lánh như hạt ngọc. Có lúc lại rời căn nhà sàn với mái tranh, đi trên những con đường, hai bên là cỏ xanh, không biết nó dẫn tôi tới đâu trong đêm vắng này. Cái trạng thái của tôi lúc ấy, có lúc thì bồng bềnh, lại có lúc như chìm sâu vào tận đáy lòng. Trước đây, dù không ở một tâm cảnh như lúc này tại Trung tâm Rêbêca Á châu Kampot, có lúc tôi đã phải tự cứu lấy mình, đưa mình ra khỏi cái tâm cảnh có nguy cơ hồn thoát khỏi xác lặng lẽ đi vào thiên thu. Tôi không sợ cái tĩnh lặng và lạnh lẽo của một phần mộ, mà chỉ nghĩ rằng tôi chưa chạm đến cõi sâu thẳm huyền nhiệm bên trong mình, tức là tôi chưa trở về với cái tôi đích thật, nên tỉnh ra và trở về thực cảnh. Đã có lúc tôi tự hỏi:

MỘT THOÁNG

Bao giờ tôi lại gặp tôi

Như không như có, mặc đời bon chen

Sân trường in dấu chân êm

Hắt hiu lời gió…bên thềm lá rơi

Bâng khuâng tôi lại tìm tôi

Hôm nay mà lại nhớ người hôm qua.

KT

(Tháng 7-2008)

 

THÂN

Bao giờ tôi lại gặp tôi

Như không như có mặc đời thị phi

Tấm thân là tấm thân gì?

Nổi trôi mệnh nước, còn gì nữa đây?

Nước non là nước non này

Lòng đau con quốc, đọa đày nhân sinh

Thế gian là chốn luyện hình

Xem trong lá rụng, sấp mình ăn năn.

KT

(Tháng 8-2008)

LÊN NÚI BOKOR

Hơn mười năm về trước, người anh em tôi sang sinh sống tại Phnôm-Pênh, thuê một căn gác để hai vợ chồng ở. Dưới căn gác có một lối đi ra đường. Nhờ lối đi này, hai vợ chồng anh bán thức ăn.Ít lâu sau, anh để một mình vợ vừa đi chợ, nấu nướng và đứng bán hàng. Còn anh thì làm một hướng dẫn viên du lịch cho một công ty du lịch, vì nhận thấy mình có vài ưu điểm về ngôn ngữ, nên rất thích hợp cho ngành du lịch tại đây. Mỗi lần hai vợ chồng anh về Sài Gòn, đều đến nhà thăm chúng tôi. Do mệnh trời tiền định, vợ chồng anh nhập đạo Tin Lành, thuộc Hội thánh do một Mục sư có tuổi người tỉnh Bến Tre trụ trì. Ông trở thành Mục sư sau cuộc vượt biên rồi định cư tại Đức. Theo lời người anh em tôi kể, trong cuộc vượt biên trên chiếc thuyền nhỏ bé mong manh, nhiều hiểm nguy, ông cầu xin Chúa cho ông và gia đình ông đang trên con thuyền này được đến bến bờ bình yên, ông sẽ dành trọn cuộc đời còn lại để truyền bá đạo Chúa. Thân phụ của Mục sư này cũng là một Mục sư

Để viết bài bút ký này, tôi dựa vào những lời kể của người anh em dẫn đường, liên quan đến một vài chi tiết về lịch sử của các di tích chúng tôi đi thăm. Còn về huyền thoại chùa Năm Thuyền, để tránh dị bản, tác giả mượn lời kể của ký giả Loan vtp-Mytour.vn. Xin cảm ơn.

Buổi chiều hôm chúng tôi có mặt tại Trung tâm Rêbêca Á châu Kampot, rồi đi một vòng trong Trung tâm, lúc chúng tôi đứng ở một nhà sàn hai tầng, cũng nhìn thấy ngọn núi Bokor qua màn sương.

Huyền thoại kể rằng, nơi đây từng là biển cả mênh mông, trải qua bao lần thay đổi địa chất đã tạo thành nên nó như hiện nay. Ngọn núi này chứa đầy những truyền thuyết bí ẩn đằng sau sự tồn tại của nó.

Núi cách thị trấn Kampot khoảng 30km về hướng Tây Nam. Bokor theo tiếng Khmer có nghĩa là cái gù của con bò bởi nhìn từ xa, ngọn núi này trông giống như thế, (vừa nói tay anh vừa chỉ ngọn núi, giống cái gù con bò quá).Trải qua nhiều biến động lịch sử khiến Bokor từng bị lãng quên, mãi một thời gian dài mới dần được đánh thức.

Đầu những năm 1920, người Pháp khi đô hộ Campuchia đã phát hiện ra cao nguyên Bokor có địa thế và khí hậu rất lý tưởng nên đã tiến hành xây dựng tại đây khu nghỉ dưỡng cho binh sĩ và giới hoàng tộc.

Hàng loạt các công trình phục vụ nhu cầu văn hóa, hệ thống giải trí phức hợp được ra đời như nhà thờ, bưu điện, trường học, khách sạn và casino…

Những năm 1950-1960 là thời vàng son của Bokor, nhưng khi người Pháp rút đi thì nó trở nên hoang phế, gần như đóng cửa hoàn toàn. Mãi đến năm 1993, vua Norodom Sihanouk tiến hành xây dựng công viên Quốc gia trên núi này, cùng với việc cho phép các doanh nhân tham gia đầu tư vào Bokor, biến vùng núi hoang sơ thành điểm du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn.

Từ đỉnh Bokor, những hôm trời trong, phóng tầm mắt trên làn nước biển xanh biếc, sẽ nhìn thấy toàn cảnh quần đảo Phú Quốc. Với nhiệt độ trung bình tứ 16-22 độ nên khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ, được ví như Đà Lạt của đất nước Chùa tháp. Thời tiết thì thất thường. Buổi sớm mới bừng nắng, chốc lát sương mù đã kéo về dày đặc, cả không gian chìm vào mờ ảo. Có ngày, hai người đứng gần nhau trên đỉnh núi, sẽ không nhìn thấy nhau.

Tôi chú tâm đến hai di tích cổ, khi anh nói tới. Đó là ngôi nhà thờ nhuốm màu rêu phong, đơn độc. Đặc biệt là màu rêu đỏ nổi bật giữa không gian mây núi huyền ảo. Kế đến là ngôi chùa Wat Sampov Pram, còn gọi là chùa Năm Thuyền được xây dựng từ thời vua Monivong, lúc nào cũng có khách thập phương tới cúng viếng.

Tôi nôn nóng chỉ mong thời gian chiều và tối hôm đó qua mau để ngày hôm sau lên đường tới Borkor, nơi có ngôi nhà thờ cổ, để bàn chân tôi bước đến nơi đã một thời thánh thiêng, để ca ngợi bộ óc nào đã chọn nơi núi cao, huyền bí dựng lênnơi thờ phương và cầu nguyện này, và để bàn tay tôi chạm vào những bức tường rêu phong, môi tôi sẽ cúi xuống hôn mặt bàn đá mà vị tư tế xưa kia đã từng cử hành nghi thức này, để bắt đầu việc ông diễn tả lại mầu nhiệm khổ nạn của Đấng Cứu thế cũng trên bàn này.

Và ngày hôm sau đã tới.

Đoàn chúng tôi bốn người, đi hai xe máy. Ông thông gia với tôi, con gái tôi và hai anh em chúng tôi. Trước hết, chúng tôi dừng chân trước cổng lên núi đặt ngay tại thành phố Kampot, chụp mấy tấm hình. Điểm dừng chân thứ hai sau một đoạn đường thoáng mát là ba khuôn mặt Thần núi, được đục vào vách núi, chung quanh toàn màu xanh cây rừng. Trong ba vị này, thì khuôn mặt Thần núi thứ hai và ba là phảng phất giống mặt người, có chiều cao khoảng từ 2m đến 2,50m, bề ngang ở hai gò má khoảng từ 45 đến 50cm. Còn vị thần thứ nhất thì nhỏ hơn, không nổi rõ mặt và bị những cành lá nhỏ chung quanh che mất một phần. Tuy nhiên, cả ba khuôn mặt thần núi đều là màu vàng kỳ lạ, phần trán có những điểm đen của thời gian, ở vị trí cách nhau vài bước chân. Ông thông gia của tôi đứng trước ba vị thần núi, đều chắp tay trước trán, cúi đầu vái lạy. Dưới tượng các thần núi, người ta để một cái bàn, trên đó có cắm nhang và bình hoa. Chúng tôi dừng chân tại đây mấy phút, vì trước ba tượng thần núi là một khoảng đất trống, để du khách dừng chân, sau một đoạn đường khá dài. Lúc đó, ngoài chúng tôi ra, trên khoảng đất trống, còn có vài người cũng dừng chân, đứng nhìn ra biển hưởng gió biển và hơi mát của rừng.

Sau một đoạn đường nữa, chúng tôi tới một địa điểm ở lưng chừng núi. Để lên nơi này, khách xuống xe, đi bộ lên. Đó là tượng một phụ nữ dáng tọa thiền, mặt hướng ra biển. Người dân Campuchia gọi đây là tượng thánh nữ Ya Mao. Theo truyền thuyết, vị thánh nữ này gắn liền với câu chuyện đi tìm chồng và bà đã được người dân đất nước Campuchia tôn kính, bà luôn che chở cho mọi người dân trên những cung đường lên Bokor. Bà là biểu tượng may mắn, vì Bokor được bà cai quản.Đứng tại nơi này, có lúc trước mặt là một làn sương mỏng bay qua, che khuất đoạn đường đi tới. Nhưng chỉ một thoáng thôi, làn sương bay đi. Lát sau, một làn sương nữa lại thoảng qua trước mặt, uyển chuyển, thướt tha như tà áo lụa mỏng của con gái đong đưa trước gió. Đây cũng là một ấn tượng khó quên đối với lữ khách nặng tình.

Chúng tôi trở xuống, lên xe tiếp tục đi. Có nghĩa chúng tôi sẽ phải trải qua con đường quanh co uốn lượn trong một không gian bạt ngàn cây rừng, mây núi bồng bềnh. Càng đi càng thấy con đường này rất đẹp, hấp dẫn và thoải mái, xứng danh với ngọn núi có những di tích lịch sử lâu đời, trong đó có nhà thờ và ngôi chùa Năm thuyền.

Tôi thoáng nghĩ đến những bộ não đã đầu tư vào việc bảo vệ rừng, làm con đường lên núi, vừa rộng vừa tạo niềm phấn khởi và an toàn cho du khách, vì họ đang trong cuộc hành trình đến với những huyền thoại, kỳ bí. Con đường một bên là núi cao, một bên là biển, màu nước xanh ngắt mang dáng vẻ bình yên đối với cuộc sống con người. Điểm đặc biệt khác là, ngọn núi thì cao (điểm cao nhất là 1.080m, từ mặt biển) nhưng con đường lên núi bằng xe máy không làm cho chúng tôi thấy có bất cứ một cảm giác bất an nào.

Tâm lý bình an này đã giúp chúng tôi lên tới ngôi chùa Wat Sampov Pram, còn gọi là chùa Năm Thuyền một cách thoải mái. Bên dưới chùa có một khoảng sân để khách dừng xe. Đường lên chùa có khoảng hơn 30 bậc, lát bằng những cục đá. Khách thập phương tới đây khá đông như tôi thấy tại tượng đài nữ thánh Ya Mao. Nhà chính điện nhỏ, bên trong tối. Tôi không thấy ai đi vào phía trong, họ chỉ đứng trước cửa hướng vào trong vái lạy mấy vái. Nơi đây có một khoảng sân, tường gạch xây chung quanh ngôi chùa. Đứng ở mặt trước, khách nhìn ra biển. Đảo Phú Quốc lúc ẩn lúc hiện qua màn sương. Phía bên hông trái chùa, có bốn tảng gạch hình vuông, không cao, chỉ khoảng 40-50cm, tất cả đã phủ rêu phong như toàn thể chùa. Tôi không hiểu 4 cái cột này có mục đích gì? Phải chăng để ngăn gió và sóng biển? Mục đích nhằm bảo vệ chùa? Phía sau chùa, có một ngôi nhà cũng thấp và chắc chắn, dùng để sư tăng ở trước kia? Nhìn toàn bộ, Wat Sampov Pram không có dáng vẻ đồ sộ và tráng lệ. Có lẽ đã trải qua một thời gian bỏ hoang phế, lại nữa chùa ở trên ngọn núi cao, đầy sương gió. Tuy nhiên, mọi công trình ở đây, đều rất kiên cố, cả bức hàng rào bằng gạch, ngoại trừ ngọn tháp thì nhọn và cao.

Chùa Wat Sampov Pram còn có tên gọi khác là chùa Năm Thuyền, được vua Monvivong cho xây dựng vào những năm 1924 để ông có thể tới đây cầu nguyện. Viếng thăm chùa, du khách sẽ được nghe kể về chuyện tình của công chúa Nagani và hoàng tử Preah Thong, tổ tiên dân tộc Khmer, cùng bí ẩn đằng sau năm hòn đá hình thù giống năm chiếc thuyền.

Theo truyền thuyết, một vị vua kia có hai hoàng tử, Hoàng tử thứ nhất tên là Preah Thong không được lòng vua cha, nên phải nhường ngôi cho người em trai mình.

“Chán nản, chàng rời bỏ đất nước và đi du ngoạn bốn phương. Trong hành trình chu du ấy, chàng gặp một cây Tlork rất cao, loài cây không chỉ ăn được hạt mà còn có thể dùng để thấm nước cho tàu thuyền. Chàng nghĩ đây là thứ mà mình đang cần cho chuyến chu du. Chàng hạ lệnh cắm trại gần cây Tlork. Sau những ngày dài mệt mỏi, buổi sáng thức giấc, chàng thong thả dạo bước trên bờ biển và bắt gặp hình ảnh những thiếu nữ xinh đẹp đang nô đùa gần đó.

Chàng như rơi vào tiếng sét ái tình với công chúa thủy cung Nagani. Ít lâu sau, chàng theo nàng về thủy cung gặp mặt Long vương và xin hỏi cưới công chúa. Nhà vua vui mừng chấp thuận gả nàng công chúa xinh đẹp cho chàng. Sau 7 ngày ở thủy cung, chàng ngỏ ý muốn cùng vợ chu du thiên hạ và xây dựng vương quốc của riêng mình. Nhà vua ưng thuận và cấp cho vợ chồng Preah Thong 5 chiếc thuyền buồm khổng lồ chứa đầy châu báu. Họ ra đi, đến vùng đất Năm thuyền bây giờ và xây dựng vương quốc tại đây.

Thời gian dần trôi, nước biển rút đi, năm chiếc thuyền ngày nào hóa đá, tạo nên một hình tượng tuyệt đẹp mà du khách bắt gặp ngày nay ở địa danh chùa Năm thuyền. Tới mãi tận sau này, nhận ra được địa thế tuyệt đẹp của cao nguyên Bokor và thổn thức về giai thoại của người sáng lập nền văn hóa Khmer, vua Monivong đã cho xây dựng Wat Sampov Pram vào năm 1924 để làm nơi lễ bái, cầu nguyện mỗi khi vua lên Bokor nghỉ dưỡng. Từ đó, chùa Năm thuyền trở thành một địa danh được du khách trên toàn thế giới muốn tìm tới trong tour du lịch Campuchia” (Theo Loan vtp – Mytour.vn)

Tôi tạm biệt chùa Năm Thuyền. Mặc dù núi Bokor còn nhiều di tích để du khách tới thăm viếng. Như khu Vườn Quốc gia Monivong Bokor, do vua Sihanouk thành lập vào năm 1993. Tại đây còn có khu nghỉ dưỡng cao cấp (5 sao) Thansur Bokor Highland Resort. Chỗ khác, có khu phức hợp khách sạn, casino cổ Bokor Palace Hotel do người Pháp xây dựng lúc trước hoặc thác nước hai tầngPopokvil mang trong mình những dòng chảy lịch sử bí ẩn. Popokvil được dịch ra với ý nghĩa “Những đám mây bồng bềnh”. Xung quanh thác là quang cảnh hoang sơ, trong lành, các dãy đá chất chồng lên nhau xen kẽ các loài thực vật xanh um tùm.

Vì tôi không có ý định tham quan những nơi này, nên mấy người chúng tôi chỉ dừng lại ghi mấy tấm hình thôi, một phần cũng là để nghỉ chân chốc lát.

Bây giờ chúng tôi đi đến nhà thờ cổ, dừng xe ở dưới đường rồi qua nhiều bậc đá mới lên tới nơi. Bước lên bậc đá trên cùng là sân nhà thờ, khung cảnh lặng lẽ như thể đã lâu lắm không có người nào lui tới, tôi chợt khựng lại. Toàn cảnh khu nhà thờ xuất hiện trước mặt tôi. Nền sân nhà thờ là cỏ xanh, trống trải. Hai bên đầu nhà thờ, có hai cây không lớn lắm. Còn nhà thờ thì thấp và nhỏ nhưng dáng vẻ rất vững chãi. Người anh em đi bên cạnh tôi nói rằng,vì ở vị trí cao trên núi, nên tường nhà thờ dày cả mét, mới chống chọi cùng giông báo và mưa gió của núi rừng suốt bao nhiêu năm tháng đã qua. Một ánh sáng nội tâm chợt lóe lên trong tôi.Tôi bước nhanh trên thảm cỏ để vào bên trong nhà thờ qua lối bên hông. Vào tới lòng nhà thờ, tôi đi thẳng lên phía trên bàn thờ, cúi xuống hôn bàn thờ. Bức tường phía sau bàn thờ treo cây thánh giá không có tượng Chúa chịu nạn, phía trên thánh giá là ảnh Chúa Thương Xót bằng giấy, còn mới. Trên bàn thờ thì có thánh giá với Chúa chịu nạn. Phía dưới bàn thờ, có một bình hoa huệ trắng nhân tạo. Mấy điều này nói cho biết vẫn có những người công giáo lui tới đây. Người anh em hướng dẫn chuyến đi này cũng nói rằng thỉnh thoảng có những phái đoàn người Pháp dăm ba người lên đây. Đức tin tôi bảo tôi hãy cầu nguyện, vì Thiên Chúa hiện diện khắp nơi. Thiên Chúa ưa nơi thanh tịnh, cả nơi kín đáo.

-Lạy Chúa xin hãy đến nhà Chúa đây, để nơi này trở thành Nhà cầu nguyện của các tín hữu Chúa. Con đã không được tham dự thánh lễ tại đây, trên ngọn núi này. Nhưng lạy Chúa, giờ này, chính giờ này Chúa dẫn con đến đây thì lạy Chúa, từ nơi đây con hướng về quê nhà con, nơi con đã sinh ra và đã ra đi, nơi đây, lúc này, con có những người cháu đã chọn đời sống tận hiến, đang hướng tới ngày dâng lời khấn Trọn đời. Xin Chúa xuống trên những nữ tì này ơn Khôn ngoan, Vâng phục, Thánh thiện và Sức mạnh để những người này chiến thắng ác thần. Lạy Chúa, cũng từ nơi đây con hướng lên đồi Can-vê xưa, nơi Chúa đã chịu chết, đã hoàn tất Thánh ý Chúa Cha. Phần con, xin Chúa cũng giữ gìn con khỏi ác thần. Nhưng con xin theo thánh ý Chúa cho tới hơi thở cuối cùng. Amen

Tôi bồi hồi nhớ đến một linh mục người Pháp, dòng Tên, cha Phêrô Teilhard de Chardin (1881-1955). Ngài là một triết gia, một nhà địa chất học và cổ sinh vật học danh tiếng. Cha Teilhard de Chardin tham gia cuộc khai quật di chỉ hóa thạch người vượn Bắc Kinh, khởi sự từ năm 1923 kết thúc vào năm 1941 tại Chu Khẩu Điếm, phía tây nam Bắc Kinh, Trung Quốc.

Cha Teilhard de Chardin đã để lại cho Giáo hội và mọi Kitô hữu trên toàn thế giới một thánh lễ, một lời nguyện giữa sa mạc vào một buổi sáng tinh mơ cách nay đã 95 năm. Với mục đích chia sẻ điều tuyệt diệu này, tôi xin dẫn từ website: cgvdt.vn, bởi Huệ Khải, Thứ Sáu, 22 tháng Chín, 2017. (Dịch giả ẩn danh).

Theo một bài báo cho biết, “mùa hè năm 1923 linh mục Teilhard de Chardin thám hiểm sa mạc Ordos, nằm về phía tây Bắc Kinh, trên một cao nguyên ở phía nam khu tự trị Nội Mông hiện nay. Đất ở Ordos là một hỗn hợp gồm đất sét, cát, bất lợi cho nông nghiệp. Linh mục de Chardin đi vào sa mạc này vào mùa hè, khí hậu quá gay gắt và điều kiện thiên nhiên rất khắc nghiệt. Cuộc hành trình gian khổ đó của nhà khoa học đã là nhân duyên để kho tàng văn học về huyền nhiệm tâm linh của nhân loại được lưu giữ cho tới hôm nay và mai sau một áng văn trác tuyệt.

Sáng tinh mơ hôm ấy, linh mục nhận ra mình đang lẻ loi giữa bao la sa mạc hoang vu trong ánh triêu dương đang bừng tỏa từ cuối chân trời xa xăm. Một màu vàng cam nhuộm khắp càn khôn thế giới. Đẹp quá! Huy hoàng quá! Thiên nhiên rực rỡ này Thiên Chúa đã ban trao cho con người và vạn loại. Lòng ngập tràn nỗi xúc động thiêng liêng khi cảm thụ trọn vẹn lẽ huyền nhiệm của Thiên Chúa hiện hữu giữa đất trời, ngay tức khắc, đúng vào lúc xuất thần đó, linh mục de Chardin muốn cử hành một thánh lễ đầu ngày. Nhưng, giữa sa mạc Ordos, thấy mình chẳng có bàn thờ, chẳng mẩu bánh thánh, chẳng giọt rượu lễ, linh mục de Chardin bèn lấy cả trái đất làm bàn thờ, lấy hết thảy vạn vật chúng sanh đau thương và hạnh phúc trên trái đất để làm bánh và rượu cho thánh lễ. Sau đây là lời cầu nguyện trong thánh lễ hy hữu ấy:

Lạy Chúa, vì con không có bánh, không có rượu, cũng không có bàn thờ, nên con sẽ nâng con vượt lên khỏi những thứ tượng trưng này; con xin lấy trọn vẹn trái đất làm bàn thờ và trên đó, con sẽ dâng lên Chúa tất cả mọi nhọc nhằn cùng những nỗi đau khổ của thế gian.

Khi ánh triêu dương ló dạng, dịch chuyển như một màn lửa băng qua chân trời, thì trái đất tỉnh giấc, rùng mình và bắt đầu những công việc hàng ngày của trái đất. Lạy Chúa, con sẽ đặt trên dĩa của con những gì gặt hái được bằng sức cần lao mới vừa phục hồi này. Con sẽ rót vào chén tất cả nhựa sống được ép ra từ hoa quả của trái đất trong ngày hôm nay. Dĩa và chén của con là những chiều sâu thẳm tâm hồn đang được phơi bày rộng mở ra cho tất cả các sức mạnh sẽ trỗi dậy trong khoảnh khắc nữa từ mọi ngóc ngách của trái đất và đồng quy về Thần Khí.

Lạy Chúa, xin ban ơn cho con nhớ tới và hiện tại hóa một cách huyền nhiệm tất cả những ai vào lúc này đang được ánh triêu dương đánh thức để đón chào ngày mới. Khi con gợi lại những điều này trong tâm trí, trước tiên con nhớ đến những người đã chia sẻ cuộc sống với con, đó là gia đình, cộng đoàn, bạn bè, và đồng sự. Thế rồi mơ hồ hơn nhưng hoàn toàn đầy đủ, con cũng nhớ đến toàn thể nhân loại, đang sống và đã chết, mà đặc biệt là chính trái đất hữu hình này, lạy Chúa, khi con đứng trước Chúa, thì con là một mẩu nhỏ của trái đất (…).

Và như thế, lạy Chúa, trước mọi sự sống trong ngày hôm nay sắp nảy nở, lớn lên, trổ hoa, đỏ chín, con xin lặp lại những lời này: “Đây là mình Ta”. Và trước mọi thế lực chết chóc đang chực chờ sẵn sàng để gặm mòn, để tàn héo, để đoạn lìa, con xin lặp lại lời Chúa diễn bày huyền nhiệm tối thượng của đức tin: “Đây là máu Ta”. Trên dĩa của con, con xin dâng tất cả những ai sẽ sống tràn trề sinh lực trong ngày hôm nay, người trẻ trung, người mạnh khỏe, người dào dạt mừng vui; và trong chén của con, con xin dâng tất cả những gì trong ngày hôm nay sẽ bị nghiền nát và tan vỡ khi sinh lực rút ra khỏi sự sống. Trên bàn thờ đang dung chứa muôn loài vạn vật này, con xin dâng lên Chúa mọi sự trên trần gian chúng con, mọi sự đang trỗi dậy và mọi sự đang chết đi, và xin Chúa ban ơn lành cho tất cả.

Và sự hiệp thông của chúng con với Chúa sẽ không được trọn vẹn, sẽ không đúng nghĩa Kitô, nếu như cùng với những thu hoạch mà ngày mới này mang lại, chúng con nhân danh chúng con và thế giới, không chấp nhận những tiến trình ẩn tàng hay hiển bày vốn dĩ đang làm cho vạn vật suy yếu, già cỗi và chết đi. Không ngừng đốt cháy vũ trụ, những tiến trình ấy hướng đến ơn cứu độ và phán xét vũ trụ. Lạy Chúa, (…) chúng con tin tưởng vô điều kiện rằng những cái tôi hẹp hòi của chúng con sẽ được thay thế bằng sự hiện diện thiêng liêng của Chúa. Chúng con xin hợp nhau thành một lời nguyện cầu duy nhất, vừa mừng vui với những gì chúng con đang có và vừa khao khát những gì chúng con còn thiếu thốn.

Lạy Chúa, xin nhốt kín chúng con vào những chiều sâu thẳm nhất trong tim Chúa, thế rồi khi giữ chúng con trong đó, xin hãy đốt cháy chúng con, thanh tẩy chúng con, hãy đặt chúng con trên lửa, tôi luyện chúng con, cho đến khi chúng con hoàn toàn trở nên đúng như Chúa muốn, bằng cách triệt tiêu mọi ích kỷ bên trong chúng con. Amen.” (Theo Huệ Khải, website: cgvdt.vn).

Khải Triều

(Tháng 5-2018)

(Còn tiếp một kỳ)

——————

Ghi chú hình: Hai lữ khách. Người đi sau là tác giả

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search