T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: Thơ Cho Ngày Tử Biệt

KOREA_POET_Seong Sam-mun (1418–1456)

Nhà thơ Seong Sam-mun thế kỷ 15

Đất nước nào cũng từng trải qua các cuộc chiến tranh với nước khác, cũng có khi trải qua những cuộc nội chiến trong dân tộc mình, hay là những phong trào tranh đấu vì lý tưởng dân chủ, tự do. Đó là những sự kiện lớn, khi nhiều ngàn người, và có khi cả triệu người hy sinh. Cuộc chiến nào cũng mang theo các vết thương đau đớn, dù là cuộc chiến Quốc Cộng tại Việt Nam các năm 1954-1975, hay như với phong trào Thiên An Môn tại Trung Quốc năm 1989, hay phong trào đấu tranh dân chủ Gwangju Democratization Movement tại Nam Hàn tháng 5/1980.

KOREA_cuoc noi day vi Dan Chu 1980

Sinh viên và trí thức Nam Hàn biểu tình đòi dân chủ tháng 5/1980, bị đàn áp dữ dội. Kết quả: 165 người chết, 76 người mất tích, hơn 3,500 người bị thương. (Photo courtesy of The  5.18 Memorial Society)

Đất nước Đại Hàn vẫn còn chia đôi, và các chặng đường để tìm hòa bình thống nhất vẫn còn là một ẩn số khó tìm ra. Điểm đặc biệt đối với dân tộc Đại Hàn, còn gọi là Cao Ly, hay Triều Tiên, một thời từng có truyền thống làm thơ trước ngày xuất quân hay tử biệt. Một số bài thơ trước ngày tử biệt này còn ghi lại trong lịch sử văn học Đại Hàn. Nơi đây, chúng ta sẽ đọc lại một số bài thơ mang tính tử biệt của Đại Hàn.

*

Nhà thơ Yi Gae (1417–1456) là một trong “sáu quan thượng thư tử tiết” bị xử tử vì âm mưu ám sát Vua Sejo, người đã cướp ngai vàng của cháu trai chính ông là Vua Danjong. Vua Sejo nói rằng sẽ tha tội cho sáu quan thượng thư (trong đó có hai nhà thơ nổi tiếng Yi Gae và Seong Sam-mun) nếu họ chịu xin tha tội và chấp nhận sự chính danh của ông. Nhưng cả sáu vị quan đều từ chối.

Trong tù, Yi Gae  đọc lên bài thơ  dưới đây trước khi bị đưa ra xử tử vào ngày 8 tháng 6/1456. Chữ Hoàng Đế trong bài thơ này là chỉ cho Vua Danjong, người bị Sejo cướp ngôi. Các bài cổ  thi về tử biệt thường không có nhan đề. Thơ Yi Gae như sau:

Ô, ngọn nếu chiếu sáng phòng, với ai ngươi đã từ biệt? 

Ngươi chảy nước mắt bên ngoài, và cháy bỏng bên trong, nhưng không ai nhận ra. 

Chúng ta từ biệt Quốc Vương trên một hành trình dài, và cháy hệt như ngươi.

Tương tự, Seong Sam-mun (1418–1456) cũng là một trong “sáu quan thượng thư tử tiết,” và là lãnh tụ âm mưu ám sát Vua Sejo. Sam-mum từ chối đề nghị ân xá, và bác bỏ tính chính danh của Sejo. Sam-mun đọc bài thơ dưới đây trong nhà tù.

Tôi sẽ về đâu khi thân này tử biệt? 

Một cây thông cao, vững chắc, trên đỉnh cao nhất của núi Bongraesan, 

Xanh khắp thời, đơn độc, khi tuyết trắng phủ lên toàn thế giới.

Và Sam-mun đọc bài thơ thứ nhì dưới đây khi bị áp giải ra pháp trường để xử tử, nơi tay chân ông bị buộc vào bốn con trâu để phân thây.

Khi tiếng trống gọi đời tôi 

Tôi hướng đầu về nơi mặt trời sẽ lặn 

Không có lữ quán nào trên đường tới cõi âm 

Nơi nhà ai, tôi sẽ ngủ đêm nay?

 Jo Gwang-jo (1482–1519) là một nho sĩ chủ trương cải cách, và do vậy bị phe bảo thủ gài bẫy để vu cáo. Kẻ thù chính trị của ông dùng mật ong viết trên lá cây dòng chữ “Jo sẽ lên ngôi vua” để sâu bướm ăn mật ong, và như thế sẽ còn lại dòng chữ trên lá… Vua Jungjong gửi thuốc độc tới, ra lệnh nhà thơ phải tự tử, và xóa bỏ tất cả các những gì liên hệ tới chính sách cải cách của Jo. Jo viết bài thơ sau đây, trước khi uống thuốc độc vào ngày 20/12/1519.

Tôi yêu kính quốc vương như cha ruột chính mình 

Lo lắng về đất nước như chính ngôi nhà của mình 

Mặt trời sáng chiếu trên mặt đất 

Chiếu rực sáng trên trái tim hồng của tôi.

Jeong Mong-ju (1337–1392), được xem như cha đẻ của Tân Khổng Giáo Triều Tiên, là một quan thượng thư cao cấp của triều đại Goryeo.

Khi Yi Seong-gye lật đổ Goryeo và dựng lên triều đại mới có tên là Joseon. Khi Tân Vương yêu cầu tuyên bố trung thành với triều đại mới, Mong-ju làm bài thơ sau để bày tỏ trung thành với Cựu Vương Goryeo. Và đúng như dự liệu, Mong-ju bị ám sát ngay trong đêm đó, 4/4/1392.

Nếu tấm thân này chết, và chết lần nữa một trăm lần 

Với xương trắng tan thành bụi, dù có hay không chút dấu vết hương linh 

Trái tim tôi vững chắc hướng về Quốc Vương [Goryeo], làm sao nhạt phai được. 

Bây giờ tới thơ thời cận đại. Kim Nam-ju (1946-1994) sinh tại thị trấn Haenam, học Anh văn ở đại học Chonnam National University, là một trong các nhà thơ đấu tranh hàng đầu — nổi bật trong cuộc nổi dậy đòi dân chủ Gwangju 1980 ở Nam Hàn, khi đất nước này còn bị ghìm dưới ách độc tài quân phiệt. Ông bị giam hai lần, tổng cộng hơn 10 năm tù. Trong tù, nơi giấy và bút chì bị cấm, ông viết nhiều bài thơ trên hộp giấy đựng sữa bằng mũi đinh do ông mài một bàn chải răng làm thành.

Các bài thơ trong tù này về sau được xuất bản thành hai thi tập trong các ấn phẩm thơ  tù của ông. Ông lãnh hai giải thưởng lớn – giải Yun Sang-won Literary Award năm 1993 và giải National Literary Award năm 1994. Thơ ông được An Chi-hwan phổ nhạc, với album có tên là Remember (Hãy Nhớ). Bài thơ hai đoạn dưới đây của Kim Nam-ju có tên là “Gửi Bạn.”

Gửi Bạn 

Các bạn tốt không còn là người của thế giới này nữa. 

Những ai còn sống hoặc đã bị bắt giam phía sau bức tường tàn bạo 

hay đã trở thành mạch nước ngầm và chạy lặng lẽ. 

Vài bạn đã đi băng vượt đêm và trôi nổi như bóng ma. 

Các bạn đấu tranh ơi, chớ mất niềm tin vào chiến thắng. 

Bây giờ là lúc để đứng trước tòa và hãy vững vàng. 

Hãy luyện tâm và thân, vì tương lai tươi đẹp 

Và là của chúng ta. 

 

Đã tới giờ nói từ biệt rồi 

Với lòng can đảm các bạn đã cho tôi thấy 

Với vũ khí các bạn để lại, tôi cầm lên 

Trầm tư về những chữ các bạn là biểu tượng: 

sống chân thực không phải là chuyện tài sản 

nhưng là các phiêu lưu bất tận để thể hiện  

chỉ trên chiến trường, con người mới được sinh ra trong từng khoảnh khắc  

cách mạng có thể đạt được chỉ khi thực hiện.  

Và bây giờ, với mấy dòng thơ tưởng niệm, xin hướng về quê nhà Việt Nam:

Nơi đó có bạn tôi 

khi ngã xuống  

mây trời trong mắt còn trôi 

chưa kịp nghe tiếng súng 

góc núi nằm mơ hòa bình 

cỏ nhuộm xanh màu tóc  

chiến binh.

Phan Tấn Hải

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search