T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Mạt lộ, ta ngồi chốn hạ phiên

Ga biet Chu

Gã Biết Chữ – Tranh: Thanh Châu

Làm như bị giời đày với câu thơ thượng đế trên cao, chiều độc ẩm, mạt lộ, ta ngồi chốn hạ phiên (1). Qua một chiều độc ẩm, cùng tâm trạng của một kẻ táo bón kinh niên chữ nghĩa với người thơ mạt lộ, ta ngồi chốn hạ phiên ngồi chết bên bờ ao vì rượu, vào chiều 29 Tết. 43 năm sau, con gái người thơ thổ lộ: “Chú Thanh vội buông đũa chạy ra, nhìn thấy cha tôi ngồi gục đầu thổ huyết bên bờ ao chỗ gốc mít. Sau này xây nhà làm lại cổng, chú xây cái cổng lượn vòng, giữ cây mít làm kỷ niệm. Khi  tôi đến, xung quanh gốc mít chỗ thắm máu cha tôi mọc đầy những cây gừng non, xanh mượt, tôi thấy cay ở sống mũi, nước mắt cứ trào ra. Cha tôi mất đã 43 năm, trong khoảng thời gian gần nửa thế kỷ, có biết bao bài viết nói về cái chết của cha tôi, biết bao là dị bản, giai thoại, tất cả cũng đều nghe nói lại”.

Nhằm năm cùng tháng tận, ngộ chữ tôi bật ra ý nghĩ góp nhóp viết về một mảnh đời của người thơ mạt lộ. Bởi chưng ngộ chữ tôi trộm nghĩ mỗi tác phẩm đều có một dòng sinh mệnh với tác giả. Hay nó khác đi, mỗi người có một cái số, như định mệnh đã an bài. Như bạn đọc đang đạp xe đạp thì cán phải đinh. Đang ngồi đợi sửa xe ở quán liêu xiêu ở ngã ba đường. Nhìn thấy…cái cây. Và đi tới. Để rồi quãng đời rẽ sang một khúc quanh khác. Người thơ đã về với chín tầng đất, mười tầng trời, nhưng khi còn sống ông không viết một dòng nào về…cái chết của chính ông. Bởi nhẽ đó mới có chuyện thằng chết cãi thằng khiêng qua những nhà làm văn học, nhà biên khảo viết về ông. Như con gái ông thổ lộ, thiên hạ sự viết về ông qua giai thoại, và ngay cả thơ nữa, có biết bao dị bản về ông.

Trộm nghĩ câu nhĩ văn vi hư tức chỉ nghe không thôi chả hẳn là đúng nên ngộ chữ tôi phải tới tận nơi thực mục sở thị. Vì vậy tôi phải về lại Hà Nội. Chả là như cụ Khổng Khâu đất Tàu dậy rằng thuật nhi bất tác là chả sáng tạo gì sất mà chỉ lập lại những gì của những người đi trước. Để khai bút đầu năm, ngộ chữ tôi chọn ngày…cuối năm 29 Tết, ngày người thơ mạt lộ đi vào cõi tịch mịch. Ngộ chữ tôi có mặt ở đất ngàn năm văn vật đi tìm ông…Tô Hoài để gặp người thơ mạt lộ. Tới nhà ông dế mèn, va vào mắt là tờ giấy ghim ở cánh cửa, ngộ chữ tôi lõ mắt đọc: “Về cái chết của Nguyễn Bính, sao bác Tô Hoài nói khác, bác cho rằng Nguyễn Bính chết no, chứ không phải chết đói như bọn “diễn biến hoà bình” xuyên tạc”.

Dưới ký tên: Phạm Lưu Vũ. Với nhà văn họ Phạm, ngộ chữ tôi đã dón chuyện Một lần hiển linh của Nguyễn Bính của ông rồi, Và chuyện như thế này đây:

  “…Anh đi đấy, anh về đâu – Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu…cánh buồm…

Tôi vừa cất tiếng ngâm nga mấy câu thơ trên thì chợt nghe có tiếng thở dài nhè nhẹ phía sau. Giật mình quay lại, bỗng thấy cố thi sĩ lừng danh một thuở Nguyễn Bính đang ngồi chĩnh chện trên chiếc ghế ngay sau lưng tôi. Vẫn mái tóc bồng rẽ ngôi rất điệu theo kiểu trí thức cổ lỗ sĩ, khuôn mặt nhọn hoắt như chiếc lưỡi cày có đôi mắt mở to cực kì tinh anh. Thi sĩ mặc chiếc áo sơ mi trắng muốt là thẳng tắp, bỏ trong quần đàng hoàng. Âm khí lạnh toát từ ngài toả ra xung quanh làm người tôi nổi gai ốc. Thi sĩ ngó chừng tôi như gặp người cõi âm ở chốn nhân gian ấy. Tôi hoảng hồn quỳ sụp xuống lạy như tế sao. Lạy xong tôi hỏi:

“Thưa cụ thi sĩ tiền bối kính mến! Làm sao mà cụ trở về đây được?”
“Ta chỉ còn là một linh hồn thì có ai câu thúc” thi sĩ trả lời, “không như bọn người sống trong cái thời… đại giả của các ngươi. Vả lại ngươi vừa đọc câu thơ vào loại hay nhất của ta khiến ta cảm động…”.
“Thưa! Thế nào gọi là thời đại giả, thưa cụ? chẳng lẽ thời này không tiến bộ, văn minh hơn cái thời cụ viết “Lỡ bước sang ngang” gấp triệu lần hay sao?”, tôi hỏi.
“Dào! Sao ngươi có thể so sánh được thời của ta ngày ấy.”, thi sĩ nổi cáu, “Tiến bộ, văn minh cái con khỉ. Rặt bịp bợm, bất lương không gọi là thời đại giả thì gọi là khỉ gì?….”

Với nhĩ văn mục đồ, là tai nghe mắt thấy…thấy bàn ghế, nghe đụng dao đụng thớt là tôi quáng quàng chạy tới quán tiết canh ngan ở xế cửa Chợ Nam. Ngẫu sự chẳng qua nằm trong cái tâm thái thi nhân bất đắc kiến, kiến thi như kiến nhân, là khách thơ nào thấy được, đọc thơ như thấy người để gặp người thơ mạt lộ Nguyễn Bính đang thà cứ ở đây ngồi giữa chợ, uống say mà gọi thế nhân ơi. May mà hai ông nhà thơ, nhà văn vẫn còn đang ngồi ở đấy, trên bàn có cái điếu bát thuốc lào. Ngồi xuống hóng chuyện, dòm người thơ mạt lộ, tôi thấy nhà văn Phạm Lưu Vũ cùng thành hoàng bản thổ Nam Định với Nguyễn Bính nói dón về người thơ mạt lộ khác xa ông dế mèn. Theo Tô Hoài: “Còn nhớ Nguyễn Bính mặc bộ quần áo tây trắng đã tã, gấu quần và ống tay áo lờm sờm như tóc tai, anh không cắp mấy quyển sách như mốt của những người viết trẻ lúc ấy. Anh lại còn cầm một hộp sắt tây màu đỏ lựu, cái hộp đựng bánh bích quy”.

Ha! Với bản lai diện mục vậy…vậy mà nhà văn họ Phạm tả người thơ có khuôn mặt nhọn hoắt như chiếc lưỡi cày thì ngộ chữ tôi chả tin được. Vừa lúc nhà văn Nam Định đứng lên vào hàng quán kiếm cút rượu cuốc lủi, được thể tôi hầu chuyện với người thơ, để hỏi cái hộp bánh bích quy đựng giống giuộc gì trong ấy. Học thói nhà văn họ Phạm, tôi cũng bẩm thưa: “Thưa cụ,…” thì cụ khoát tay “cụ kiếc” khỉ gì rồi gật gưỡng rằng cụ về với ông bà ông vải năm 1966, hưởng dương 48 tuổi, nhằm tôi ở cái tuổi 22 thì…

Thì cụ cười lủng lẳng mà rằng cái ngày 22 tuổi như tôi cụ đã làm bài thơ “Xa cách”:

Nhà em cách bốn quả đồi

Cách ba ngọn suối cách đôi cánh rừng

Nhà em xa cách quá chừng

Em van anh đấy, anh đừng yêu em

Và cụ khẽ đánh mắt một cái hỏi tôi: “Vậy anh đã…đừng yêu ai chưa. Nếu chưa thì…” thì“anh” cứ gọi bằng “ông” cho phải phép nho gia của ông Khổng Khâu với danh bất chính, ngôn bất thuận, để dễ nói chuyện…văn chương thiên cổ sự.

Tiếp đến, “ông” châm lửa, đốt thuốc, làm một cữ, rít một hơi long sòng sọc, nhả khói mịt mùng…Rồi ông lừng khừng ra gốc cây, vén quần làm một bãi. Thế là tôi quên béng cái hộp sắt tây màu đỏ lựu mà vun chuyện bằng vào một số giai thoại của tha nhân đồn đãi về ông để thành chuyện, để ngộ chữ tôi viết thành bài văn cho hậu sự. Từ chợ Cửa Nam, từ câu thơ thà cứ ở đây ngồi giữa chợ, uống say mà gọi thế nhân ơi. Tôi bật ra cái tựa đề: “Mạt lộ ta ngồi chốn hạ phiên”. Vì vậy tôi phải lần mò qua thơ ông, qua những nẻo đường…bằng vào năm 1936, năm 18 tuổi, bài thơ đầu tiên, đầu đời của ông là bài Cho tôi ly nữa.

Và chuyện không nắng thì mưa bằng vào năm 13 tuổi, ở hội Phủ Giầy, Nam Định quê ông, đang ngồi xem hầu bóng, thoáng thấy một cô gái trạc tuổi mình đi ngang qua. Cô bé mặc áo cánh sen thắt lưng hoa lý. Ông có cảm giác lạ lùng như là cô bé vừa thoát ra từ bức tranh Tố Nữ. Ông vội vàng đi theo. Khi nhìn được khuôn mặt cô bé, ông ngơ ngẩn như người mất hồn. Cả buổi hôm ấy, ông cứ đi theo hai mẹ con, họ lạy cùng lạy, khấn cùng khấn. Hôm sau, ông lén dúi vào tay cô bé mảnh giấy có câu thơ: em ở cõi trần hay cõi tiên, (…), xin đi chầm chậm cho theo với. Cô gái cầm lấy mảnh giấy…quay đi nơi khác. Sau đó ông tìm cách đi theo tới làng của cô gái. Tuy nhiên có lẽ mối tình đầu chỉ đẩy đưa tới đó.

Còn cái hộp bánh, theo như “ông dế mèn” chuyện như thế này đây:

“…Nhưng đây là cái hộp không đựng bánh. Những chiếc hộp này thường thấy các bà ve chai đồng nát mua bán. Một lần chúng tôi vào một tiệm thuốc phiện đầu phố Nhà Hoả. Nguyễn Bính và Thâm Tâm không ai nghiện, đua đòi đi hút là một thói của thời thượng. Chúng tôi đánh trần ra, ngồi chầu rìa quanh tấm phản gỗ trong bóng tối của cái tiệm hút cà khổ, vắng ngắt. Kéo xong một điếu, Nguyễn Bính nằm gối đầu lên chiếc hộp bánh quy. Lát sau, tôi biết được sự tích cái hộp bánh quy khi Nguyễn Bính ngồi lên, vuốt ve, xếp đặt lại các thứ trong ấy. Đấy là bản thảo thơ của anh và những bức thư tình. Tờ trắng, tờ xanh, vết tay mồ hôi mờ đọc đi đọc lại đã về vệt cả. Bao nhiêu thư của những mối tình, anh xếp chật cái hộp. Không biết nhà Nguyễn Bính tích được đến mấy chiếc hộp sắt đựng thơ và thư tình của những ai đã tơ vương với anh, để anh cắp nách cái hộp kỷ niệm tha đi từ Bắc vào Nam.

Nhưng suốt một thời thanh xuân, tôi chưa thấy anh một lần nào…lấy vợ…”

Vừa lúc đĩa tiết canh ngan được mang lên.. Nay nghe ông cắp nách cái hộp kỷ niệm tha đi từ Bắc vào Nam. Bèn hỏi những năm tháng ngược xuôi của ông. Ông cười hụt mà rằng…

Rằng 13 tuổi, ông mồ côi cha mẹ nên được bên ngoại ở xã Đồng Đội, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đón về nuôi, ở đây ông được ông ngoại dậy chữ Nho. Tay vân vê bi thuốc lào to bằng con ruồi trâu…Ông cười dín mà rằng 13 tuổi qua làng người ta…làm khỉ gì? Làm như chợt nhớ ra được ông ngoại dậy chữ Nho, ông nho táo với ngộ chữ tôi là nhĩ văn mục đồ, là tai nghe mắt thấy nhưng chả thấy khỉ gì sất. Tiếp, ông búng lưỡi cái tách: “Nhảm nhí”.

Học thói nho nhe của ông cùng phù sinh nhược mộng, vi hoan kỷ hà, là cuộc sống nổi trôi như giấc mộng, hỏi bao lần được vui. Ăn dối nói thật là ngộ chữ tôi bói bảy ngày không ra một câu thơ, nhưng khoản rượu thì tít mù cung mây, bỗng không hoá thân thanh “tửu đồng”, vai hồ rượu, vai túi thơ lẽo đẽo theo bước chân giang hồ của ông từ Bắc vào Nam…

Thế là tôi để mặc ông ngồi đấy với ông nhà văn, ngộ chữ tôi để hồn đi hoang…

Từ Hà Nội Nguyễn Bính lên Phú Thọ, Thái Nguyên, đến tận vùng Lạng Sơn biên ải xa xôi để thỏa mãn chí phiêu bồng. Trong thời gian này, ông sáng tác nhiều bài thơ mà trong đó một số bài lưu lại những dấu ấn của những chuyến đi. Thảng như bài Thơ tôi, được ông làm vào năm 1938 tại Phú Thọ:

Buổi chiều uống rượu làm thơ

Buổi trưa đi đốt lá khô trên đồi

Lá khô là lá của trời

Thơ tôi là để riêng tôi tặng nàng

Buổi chiều uống rượu làm thơ nói lên ông nghiện rượu, như bài thơ đầu đời Cho tôi ly nữa của ông làm khi ông 18 tuổi. Năm 1940, lúc này ông mới 22 tuổi nhưng có vẻ cũng đã rất sành rượu. Trong bài thơ Ga đơn ga kép làm tại ga Kép, ông có những câu thơ…

Ở đây chiều xuống rất mau

Bình minh lên sớm, tôi sầu bơ vơ

Rượu say từ sáng đến giờ

Nhớ người, tôi nhớ mãi từ hôm lên

Bài thơ trên ông cùng Tô Hoài, Vũ Hoàng Chương kéo nhau lên xe lửa làm chuyến giang hồ suốt cả tuần lễ. Vũ Hoàng Chương khi đó đang làm xếp ga nhưng vẫn bỏ việc đi chơi. Trong chuyến đi này bài thơ Nhà ga có câu chung quanh quấn quýt đôi giàn ti gôn, tường vàng mái đỏ màu son. Bài này ông làm cùng năm (1937). với “Hai sắc hoa ti gôn” của T.T.Kh. Gần đây có người đặt câu hỏi: “T.T.Kh có thể là Thâm Tâm hoặc Nguyễn Bính không?”. Bởi bỗng dưng ông làm bài Giòng dư lệ (khoảng năm 1941 khi ông ở Thanh Hoá) để tặng T.T.Kh để trong chốn trường văn trận bút có những bài viết về nghi vấn văn học này. Để chẳng thiếu một, hai nhà văn khảo, văn học cho rằng T.T.Kh không thể là Nguyễn Bính. Vì chất thơ “Hai sắc hoa ti gôn” của T.T.Kh rất Tây, rất thơ mới, trong khi hồn thơ của Nguyễn Bính mộc mạc chân quê. Nhưng họ quên rằng ông cũng có những bài thơ rất thơ mới như Một nghìn cửa sổ hoặc Hôn nhau lần cuối, v…v…mà tựa đề cũng đã rất Tây rồi.

Trở lại ở Bắc Ninh, Vũ Hoàng Chương đưa cả bọn ghé nhà cô đào hát có tiếng tên là Tuyết Lành ở phố Niềm. Tối hát, ngày ăn bún ốc trừ cơm. Rong chơi ngày này qua ngày khác. Chính vì thế mà ông có vài bài thơ ông sáng tác để cho các đào nương ngâm nga trong những hội hát ả đào ngày ấy chứ không phải là những bài thơ viết ra để đọc.

Năm 1939, tuần báo Tiểu thuyết thứ Năm đăng bài Lỡ bước sang ngang. Sau khi được đăng tải, người ta chuyền tay nhau để đọc, để chép bài thơ, để hò ru con ngủ. Có người kể, thỉnh thoảng nghe văng vẳng giọng những người mẹ trẻ cất lên lời ru Lỡ bước sang ngang trong những xóm làng hiu quạnh. Lỡ bước sang ngang là câu chuyện về một người con gái bị mẹ cha bán gả cho người mà mình không yêu, phải lên xe hoa từ năm mười bảy tuổi. Bỏ lại sau lưng mối tình đầu vừa chớm nở, bỏ lại vườn dâu, bỏ lại mẹ già, người con gái ấy đi một chuyến đi định mệnh rồi đây sóng gió ngang sông, đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ.

Năm 1941, Tô Hoài, Trọng Can và ông từ Bắc vào miền Trung, Tô Hoài kể lại trong hồi ký: “Chúng tôi ghé xuống Thanh Hóa trước tiên, chúng tôi lại xuống Huế. Vào Huế, lại sống vật vờ như ở Thanh Hóa. Thỉnh thoảng Nguyễn Bính gửi thơ về đăng báo, nhờ Trúc Đường (anh Nguyễn Bính) gửi tiền nhuận bút vào nhà trọ. Nhưng thơ làm sao nuôi nổi người, huống chi lại những 3 người. Cũng đến ngày phải đi…chỉ có một mình Nguyễn Bính ở lại Huế”.

Đó cũng là thời kỳ ông viết Xuân tha hươngGiời mưa ở Huế….để uống rượu.

Lại uống rượu! Nếu có người nào chịu khó đếm những lần Nguyễn Bính nhắc đến rượu ở trong thơ chắc sẽ gặp được nhiều lắm. Có lẽ cả trăm lần ông dùng từ rượu…

Chị ơi! Tết đến em mua rượu

Em uống cho say đến não lòng

(Xuân tha hương)

Hôm qua còn sót hơn đồng bạc

Hai đứa bàn nhau uống rượu say

(Giời mưa ở Huế)

Ngoài rượu, qua bài Chất truyện trong thơ Nguyễn Bính, tác giả Nguyễn Đức Mậu tìm thấy trong thơ ông có nhạc, có họa đã đành, trong thơ còn có truyện, có kể, có tả nữa. Tất nhiên, đưa truyện vào thơ mà không sa vào sự rối mù, kể lể mà vẫn giữ được chất thơ phải cao tay lắm. Còn ở những người non tay, thơ có truyện dễ biến thành vè, thành văn vần, thành những mớ câu rối ren. Như bài thơ Ga Kép kể về một nhà ga xép buồn ở Bắc Giang, về các nhân vật sống ở nhà ga bé nhỏ miền rừng. Một cụ sếp già. Một ông ký trẻ. Một cô gái chưa chồng. Họ sống rất đơn lẻ. Ông ký trẻ không mảy may để ý đến cô gái. Cô gái cứ vẩn vơ mơ mộng ai đó ở nơi nào xa xăm lắm. Ông sếp ga, mặc cho con gái mình chưa chồng, ông cứ ung dung tự tại sống theo cách của mình. Hình ảnh cụ sếp vẫn sống ung dung, để lau kính trắng ngồi trông bốn trời, Nguyễn Bính tả nhân vật thật rõ nét, độc đáo. Nếu viết thành văn, ắt phải tốn rất nhiều trang, nhiều chữ. Một nhà văn bình phẩm rất gọn về bài thơ Ga Kép: “Đây là một truyện được viết bằng thơ”. Tôi (Nguyễn Đức Mậu) thấy rất đúng.

Ừ thì về thơ ông, ngộ chữ tôi chỉ cách rách thơ ông “thở” ra rượu, mặc dù bài thơ chẳng dây mơ rễ má hơi hám rượu. Thêm nữa, những nhà thơ rượu như Cao Bá Quát, Tản Đà, Nguyễn Khuyến viết về mình qua thơ tự trào. Nhưng gần như ông không viết gì về ông qua thơ nên ít ai biết nghiệp ngão thế nào từ năm 1958 đến 1968 là năm ông mất. 10 năm cuối đời ông bị vùi dập như nàng Kiều, sống ở một nơi hẻo lánh cùng tang thương ngẫu lục. 1936, bài thơ đầu tiên, đầu đời của ông là bài Cho tôi ly nữa. 32 năm sau, năm 1968, bài Tặng cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều là bài thơ cuối cùng, cuối đời của ông.

***

Là “tửu đồng”, với hồ rượu, túi thơ đeo theo ông đến đây thì gặp người thơ Thâm Tâm.

Tiếp đến, tôi bòn mót với bài “Hành phương nam” vì là bài duy nhất ông làm theo thể loại hành. Thời kỳ ở Hà Nội, năm 1940, ông chơi thân với Thâm Tâm, là người có thể giao cảm, đồng cảm ít nhiều qua phong cách sáng tác của ông. Thảng như Thâm Tâm với bài “Tống biệt hành” ly khách! ly khách! con đường nhỏ, chí lớn chưa về bàn tay không, ông có câu tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc, ly tán vì cơn gió bụi này, v…v…Là tửu đồ, với tửu như tâm phúc chi ngôn, nôm là người say hay nói thật, tôi ăn ngay nói thật mỗi lần ngồi bên bàn nhậu là bạn nhậu hè nhau óc ách hết trời đất mang mang ai người tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường đến đôi ta lưu lạc phương Nam này, trải mấy mùa qua én nhạn bay.

        Năm 1943, ông lại cùng Tô Hoài, Vũ Trọng Can rủ nhau làm chuyến “hành phương Nam”. Đây là chuyến đi thứ hai của ông là do Hoàng Tấn thay mặt Báo Hạnh Phúc để mời ông vào Sài Gòn tham gia làm báo nhưng với Tô Hoài là chuyến đầu tiên, đến Sài Gòn trong một chuyến tàu chiều ngơ ngác, “nhà văn của những chú dế mèn” đã cảm thấy choáng ngợp khi nhìn cảnh “người ăn uống rào rào như tằm ăn rỗi” ở cái bùng binh trước chợ Bến Thành. Sau đó ba chàng văn thi sĩ chia tay nhau, hai chàng văn sĩ ngược về Bắc, chỉ còn nhà thơ ở lại. Ông đến ở với các bạn hữu trong một căn nhà thuê bằng gỗ nhỏ lợp ngói ở Đa Kao. Ở đây, ông làm bài Hành phương nam (Đa Kao – 1943)

Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Tuy nhiên mọi việc vẫn không có gì thay đổi, mặc dầu Nhật hoàng đã tuyên bố sẽ giúp cho nền độc lập của các dân tộc ở Đông Dương. Rồi tin tức Việt Minh nổi dậy khắp nơi. Hoàng Tấn kể lại:

Một hôm, Nguyễn Bính báo tin cho bạn bè biết là mình sắp đi Hậu Giang. Mọi người hỏi mục đích chuyến đi thì Nguyễn Bính cười úp mở: “Bí mật quân sự”. Theo một người trong nước mà ngộ chữ tôi gọi bằng cái tên: “Người viết văn học sử” thì: Hình như Nguyễn Bính được giao cho một việc gì đấy. Thế là mọi người tổ chức buổi tiễn đưa Nguyễn Bính “qua sông Dịch” và đọc thơ cho nhau nghe. Có lẽ đây là lần cuối cùng Nguyễn Bính ngâm nga những vần thơ lãng mạn với bạn bè. Rất tiếc: Ngay sau đó Hoàng Tấn mất nên không có chi tiết nhiều chuyện Nguyễn Bính đi theo kháng chiến.

Lúc viết bài Hành phương nam cũng như nhiều bài thơ hoài cố hương khác, chắc hẳn là Nguyễn Bính đang say rượu và cô đơn. Hoàng Tấn kể một câu chuyện về việc sáng tác thơ của ông. Một đêm nọ ở Đa Kao, căn nhà có vườn hoa cùng cây ăn trái bao bọc chung quanh, Nguyễn Bính đặt tên là Lan Chi Viên, sau cuộc nhậu mọi người đều ngủ say sưa, chỉ còn lại một mình Nguyễn Bính. Quá nửa đêm, Hoàng Tấn giật mình thức giấc vẫn thấy ông ngồi bên bàn. Ông vừa làm thơ và uống rượu một mình, vừa ôm mặt khóc. Hóa ra là ông đang hồi tưởng lại quá khứ. Con người Nguyễn Bính là như vậy. Sống với quá khứ. Cho nên không ai lạ gì khi Nguyễn Bính viết mấy câu thơ nỗi lòng như thế này trong bài thơ:

Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc

Ly tán vì cơn gió bụi này

Người ơi buồn lắm mà không khóc

Mà vẫn cười qua chén rượu đầy

Gân như có thể nói, ở ngoài Bắc gần gũi với ông là Tô Hoài, trong Nam là Hoàng Tấn…

Với Hoàng Tấn, chả dấu gì bạn đọc, là người rề rà, ngộ chữ tôi mò vào kho chữ tìm ra bài văn có tựa đề rất ngộ: “Nhà ngươi là ai?” của một tác giả khuyết danh:

“…Nói bài thơ “Hành phương nam” có phong cách lạ bởi người ta vốn quen với cái chất mộc mạc, mang phong vị ca dao trong thơ Nguyễn Bính, chẳng hạn em đi kiếm gạch Bát Tràng, xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân hoặc nắng mưa là bệnh của trời, tương tư là bệnh của tôi yêu nàng…Cho nên khi gặp cái chất hào sảng, khí phách trong Hành phương Nam thì người đọc cảm thấy bất ngờ, thú vị xuân đến ngập trời hoa rượu nở, riêng ta nhà ngươi buồn vậy thay….Tôi thích nhất là những câu xưng hô “ta với nhà ngươi. “Ta” thì đã hẳn là Nguyễn Bính, nhưng còn “nhà ngươi”? Cách đây 15 năm, tôi có hỏi chị Hồng Cầu (con gái nhà thơ Nguyễn Bính): “Nhân vật được Nguyễn Bính gọi là “nhà ngươi” trong bài thơ Hành phương nam là ai?”. Chị trả lời: “Là ông Hoàng Tấn đấy!”….”.

Với nghi vấn văn học hay văn sử, ngộ chữ tôi ngược dòng lịch sử ở trên năm 1945, Nhật đảo chính Pháp (…). Người mà tôi gọi là người viết văn học sử làm “nhân chứng lịch sử” và viết “lấp lửng”: Hình như ông được Hoàng Oanh một người thợ giày đang hoạt động bí mật ở nội thành giao cho việc gì đó ở Hậu Giang, (…) và “ta” tổ chức buổi tiễn đưa ông…”qua sông Dịch” (…) Bài Hành phương nam làm năm 1944 để tạo cái khí thế “ta” đi sâu vào miền Nam. Năm 1954, ông trở ra Bắc. Và làm tờ Trăm Hoa.

Tuy nhiên người làm văn học sử ở Hà Nội “lơ đễnh” với chi tiết: Bài Hành phương nam đã được làm từ năm 1943 tại căn nhà ngói đỏ của Hoàng Tấn ở Đa Kao.

       Là nhân chứng lịch sử…ở Hà Nội nên “ngay sau đó Hoàng Tấn mất nên không có chi tiết nhiều chuyện Nguyễn Bính đi theo kháng chiến”. Nên người viết văn sử dựng lên kịch bản ông đi kháng chiến. Ngộ chữ tôi đào sâu chôn chặt với sách vở tam sao thất bản chỉ thấy ông hết đi Trảng Bom rồi về lại Thủ Đức, xa nhất là tới Hà Tiên ngâm vịnh thơ với cụ Đông Hồ và bà Mộng Tuyết (năm 1944 cụ Đông Hồ nằm bệnh viện ở Sài Gòn). Không mấy ai viết thời gian 10 năm ông ở miền Nam, ngoài Trần Đình Thu với “Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ” với chuyện đầu Ngô mình Sở thế này đây:

“….Trong chuyến đi về Hậu Giang, Nguyễn Bính đã ghé Mỹ Tho để tìm Xuân Diệu lúc này đang làm Tham tá sở Thương chính Mỹ Tho nhưng không gặp. Tại đây ông đã gặp Bảo Định Giang. Ông Bảo Định Giang là ủy viên thường trực hội khuyến học của tỉnh. Bảo Định Giang phải đôn đáo chạy lo cho Nguyễn Bính chồ ăn chỗ ở và đưa Nguyễn Bính đi hút thuốc phiện. Rồi gặp một vị bác sĩ vốn mê văn chương tặng Nguyễn Bính bảy trăm đồng. Trong khi ăn cơm tháng suốt cả năm của Bảo Định Giang chỉ tốn có ba mươi sáu đồng…”

Trong tâm thái bất nghi bất ngộ, ngộ chữ tôi lại nhờ vả đến tác giả…“Nhà ngươi là ai?”.

“…Vài năm sau (năm 1986), nhà thơ Kiên Giang dẫn tôi đến thăm nhà văn Hoàng Tấn. Ông vẫn còn sống và sống đơn chiếc (khi ấy Hoàng Tấn độ ngoài tám mươi) ở trong một căn hộ nhỏ nằm trên lầu hai cư xá Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM). Nhà ông chật hẹp nhưng trông hệt như một… bảo tàng văn học. Những bài thơ đăng báo của Nguyễn Bính, hoặc những bài báo viết về Nguyễn Bính, đều được ông cắt dán kín những bức vách…”

 ***

Thế là tôi được thể lang thang như thành hoàng làng khó ngược ra Bắc với tờ “Trăm Hoa”…để đi tìm một cõi đời thiên hạ giấc u minh của ông. Chuyện là những năm 1955-57, khi ông từ miền Nam về Bắc, sống ở Hà Nội, làm báo “Trăm Hoa”, rồi sau chừng như là bị an trí, nghĩa là bị buộc phải về sống ở Nam Ðịnh, giai đoạn này thì hầu như ít thấy ai nhắc đến. Những bài viết được gom vào các cuốn sách như “Nguyễn Bính, đời người và thơ” – “Thơ và giai thoại Nguyễn Bính”, “Nguyễn Bính, nhà thơ chân quê”, v…v… không nhắc gì đến sự việc này, những người được xem là cùng làm việc với ông thời gian nói trên nếu nhắc đến cũng chỉ bất đắc dĩ xác nhận “Nguyễn Bính làm báo Trăm Hoa”, thế thôi.

Tô Hoài là người trong cuộc duy nhất tính đến nay hé ra đôi dòng về ông trong “Cát bụi chân ai” và “Chiều chiều”, người đọc có thể góp nhặt được đôi chi tiết về ông thời làm báo Trăm Hoa, tất nhiên là được trình bày theo cách nhìn của Tô Hoài, người kể chuyện.

“…Không biết ai đã giúp tiền cho Nguyễn Bính ra báo Trăm Hoa, thế rồi “cấp trên” của Tô Hoài “có sáng kiến lấy giấy và tiền nhà xuất bản giúp Trăm Hoa” (khi đó Tô Hoài làm việc ở Nhà xuất bản Văn Nghệ), và chính Tô Hoài được giao nhiệm vụ “thuyết phục” một tờ báo tư nhân nhưng có tiếng nói chống những luận điệu ngang ngược của báo Nhân Văn. Theo Tô Hoài, do sự can thiệp này: “Tờ Trăm Hoa rõ ra một vẻ khác. Không về bè với Nhân Văn”. Sau đấy cấp trên của Tô Hoài xét từng số từng bài và “cho là chưa đủ hơi sức hỗ trợ cần thiết”. Tô Hoài đem nhận xét nói ấy với Nguyễn Bính. Nguyễn Bính bảo: “Trăm Hoa phải thế mới là báo của Nguyễn Bính chứ. Nếu không thì mày làm quách cho xong!”. Sáng kiến “đầu tư” cho Trăm Hoa kết thúc ở đấy. Một buổi tối, Nguyễn Bính rủ Tô Hoài đến ăn ở nhà hàng Lục Quốc. Nguyễn Bính bảo: “Hôm nay ăn cỗ đám ma Trăm Hoa!” (Cát bụi chân ai, tr.56)…”

Nói cho ngay, dòng văn trên ngộ chữ tôi góp nhặt từ một nhà phê bình văn học cây đa, cây đề miền Bắc. Đến trần ai khoai củ này, ngộ chữ tôi bất nghi bất ngộ rằng ông dế mèn “thuyết phục” như thế nào? Vì cứ theo Trần Mạnh Hảo thì: “Sau 1958 Nguyễn Bính bị nhà nước đuổi về quê vì làm báo Trăm Hoa. Báo này do nhà nước xúi và bỏ tiền cho Nguyễn Bính làm, học theo phong trào trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng bên Trung Quốc của Mao Trạch Đông; Cốt lừa cho trăm hoa cùng nở rồi “ thịt” hết hoa vàng hoa trắng hoa tím hoa nâu… tức là trừ hoa hồng đỏ máu cách mạng ra còn nhổ hết.”

Trở lại tờ Trăm Hoa như trên đã dẫn tới những sự việc tiếp theo:

“…Do “không về bè với Nhân Văn” nên Nguyễn Bính đã không trở thành đối tượng phê phán trong vụ Nhân văn, tuy vậy, do tỏ ra “chưa đủ hơi sức hỗ trợ cần thiết” trước yêu cầu “chống những luận điệu ngang ngược của báo Nhân Văn” nên Nguyễn Bính vẫn bị đẩy khỏi Hà Nội, tức là bị trừng phạt qua hình thức nhẹ hơn? Nhưng Tô Hoài cho rằng chỉ là giai thoại, (lời đồn đại chứ không phải sự thật) theo Tô Hoài giản dị là “Nguyễn Bính về Nam Ðịnh rồi ở hẳn dưới ấy chỉ vì Nguyễn Bính sắp nên vợ nên chồng với cô hàng cà phê thành Nam thì hội Nhà văn…giới thiệu Nguyễn Bính về Nam Ðịnh.” (Chiều Chiều, tr.228).

Thật ra, nếu đối chiếu thời gian người ta sẽ không dám tin hẳn lời Tô Hoài. Trên thực tế, Nguyễn Bính về Nam Ðịnh chỉ là một nhân viên ngoài biên chế của ty văn hóa. Ông trưởng ty Chu Văn dường như được giao đặc trách “chăm sóc” Nguyễn Bính. Những ai đã công tác cùng Nguyễn Bính ở ty văn hóa có thể biết Chu Văn đã quần Nguyễn Bính đến thế nào”. Trong khi Tô Hoài lại nói điều này trong Chiều Chiều: “Khi Chu Văn còn sống, hãy nhớ rằng trước đó nữa, Chu Văn, người đề tựa, kẻ viết lời bạt cho Tuyển tập Nguyễn Bính”. Dù có thể là đáng tin cậy đến mức nào, “chứng từ” của Tô Hoài về Nguyễn Bính như trên vẫn là sai lạc và quá ít ỏi. Trong khi đó, những nhân vật từng chịu nạn Nhân văn Giai phẩm, trong một vài cuộc trò chuyện tương đối cởi mở gần đây, khi được hỏi về trường hợp Nguyễn Bính thì dường như ít ai còn giữ được thông tin nào đáng kể. Bởi vậy, cần tìm hiểu lại Trăm hoa….”

Hơ! Đến tao đoạn này tôi học mót theo nhà phê bình văn học Hà Nội đi tìm Tô Hoài qua “Cát bụi chân ai” viết về ông:

“…Thâm Tâm giới thiệu tôi với Nguyễn Bính. Gặp Nguyễn Bính, tôi thấy dễ chịu ngay, anh nhà thơ này dường như cũng tàng tàng, cảnh mình. Bắt tay rồi, Nguyễn Bính hỏi tôi.

– Này, có tiền không?
Như đã biết nhau từ bao giờ. Tôi cảm động được anh hỏi han thân tình như thế. Chẳng đợi tôi trả lời, có lẽ cái cười hiền lành của tôi đã khiến anh thấy tôi sẵn sàng, anh sai luôn:
– Vào nhà bánh giò “Đờ-măng” chỗ kia, mua dăm chiếc nhé, năm chiếc cũng không thừa đâu. Từ sáng, tớ chưa được miếng nào vào bụng.

Hàng bánh giò ngon có tiếng ở xế cửa toà báo Trung Bắc tân văn gần cái nhà gì của Tây mà người ta gọi là nhà “Đờ-măng” và thành tên hàng bánh giò cạnh đấy. Buổi trưa oi nắng ấy, chúng tôi đem cả xâu bánh rúc vào một tiệm thuốc phiện đầu phố Nhà Hoả…

Cũng học theo nhà phê bình văn học cổ thụ, tôi không dám tin hẳn “giai thoại” của ông dế mèn. Vì nghe ông kể chỉ thấy người thơ mạt lộ ăn chực, hút thuốc phiện là giỏi thôi…”.

Thôi thì hãy trở về với nhà phê bình văn học cây đa, cây đề…

“…Đó là việc Giải thưởng văn học được Hội Văn Nghệ Việt Nam công bố, gây phản ứng mạnh trong giới văn nghệ sĩ. Nguyễn Bính đã dành trang phê bình của Trăm Hoa đăng bài viết của mình về giải thưởng văn học. Dưới nhan đề in đậm: “Ðề nghị đưa tập thơ Việt Bắc xuống giải nhì. Loại tập thơ Ngôi sao (của Xuân Diệu)

Trong bài “Chân quê” có câu hôm qua cô đi tỉnh về, hương đồng gió nội bay đi ít nhiều, ý ông trách người con gái quê ra tỉnh học đòi theo mốt thị thành. Nhưng nhà phê bình Hoài Thanh lại “vận” hai câu thơ đó vào bản thân Nguyễn Bính, một tác giả nhà quê, hơi có ngụ ý “vô học”. Ngược lại, Hoài Thanh nhận định Xuân Diệu là nhà thơ “có học”, lại tỉnh thành, có những câu thơ rất Tây, y như dịch từ tiếng Pháp yêu là chết ở trong lòng một ít hoặc hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực. Nhờ Hoài Thanh hết lời ca ngợi hồn thơ “say đắm tình yêu”, Xuân Diệu trở thành nhà thơ số một của tình yêu. Theo một nhà phê bình văn học miền Nam: Thật ra, thơ tình của Xuân Diệu hời hợt, vì ông là người đồng tính, không thể yêu con gái.

Về Xuân Diệu, điều đáng trách là đối với Nguyễn Bính cư xử rất tàn tệ. Phải nhờ văn nghệ miền Nam nhắc nhở, tên tuổi Nguyễn Bính mới được sống lại với công chúng miền Bắc”. Trong tác phẩm “Văn học mới thế kỷ XX” của Xuân Diệu đã hầu như không nhắc gì đến Nguyễn Bính, đã làm như không hề có Nguyễn Bính trong nền thơ Việt thế kỷ XX….”

Cái đầu củ chuối tôi lại mọc măng với tập Việt Bắc:

“…Khi bắt đầu đặt giải thưởng văn học toàn quốc 1954-55, anh chị em văn nghệ gặp nhau thường hay nói đùa một câu: “Giải thưởng này, cái gì thì không biết, chứ tập thơ Việt Bắc thì chém chết cũng được giải nhất rồi!”. Tất nhiên chúng ta cũng đều hiểu rằng câu nói đó không phải là một câu tán dương. Anh em còn nhớ mãi cái cuộc tranh luận về quyển thơ Việt Bắc, chưa ngã ngũ ra sao thì các ông lãnh đạo Hội đã vội vàng đưa ra mấy bài “bịt lỗ châu mai” lại. Anh em không thể nào quên cái câu ông Hoài Thanh phát biểu: “Ðịch nó không mong gì hơn là ta chê thơ Tố Hữu”. Ông Hoài Thanh đã đem cả địch ra mà bảo vệ cho thơ Tố Hữu. Cái lối nịnh trên nạt dưới ấy tất nhiên ông Hoài Thanh phải đem sử dụng vào việc chấm giải. Vì ông Tố Hữu ai cũng biết là lãnh đạo văn nghệ, là thứ trưởng. Trong tất cả các thi sĩ có sách in của Hội Văn Nghệ, chỉ duy có thơ Tố Hữu là được sắp vào loại A, nghĩa là thuộc cái loại giá trị nhất và được tính tiền bản quyền tác giả cao nhất (không biết các ông lãnh đạo Hội có kiểm tra đôn đốc việc này hay không?). Sở dĩ anh em biết trước thế nào tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu cũng được giải nhất…”

Hơ! Nhà phê bình văn học cây đa, cây đề viết: “Không biết các ông lãnh đạo Hội có kiểm tra việc này không?”. Nghe rõ hay! Bởi tôi ở xa mú tí tè cũng “kiểm tra” được những điều cóc cáy này: Giải thưởng cho hội viên chiếm giải nhất: 30 đồng. Thời giá năm 1954-55 một bát phở: 3 đồng, tức 10 bát phở. Riêng giải nhất với riêng Tố Hữu: 500 đồng.

      Đến tao đoạn này, cái đầu đất tôi bèn đào xới bởi lý sự gì Trăm Hoa bị đóng cửa…

“…Nếu nói riêng về thái độ của Trăm Hoa qua báo Nhân Văn và các cuốn Giai Phẩm thì ngay từ số đầu Trăm Hoa đã có bài trêu chọc, cười cợt. Chẳng hạn số 1 trong mục “Việc làng việc nước” có bài cợt trêu Phan Khôi: Trong “Ông bình vôi” ông bảo vật gì có thể hại mình thì người ta gọi bằng ông, vậy nếu gặp ông Phan Khôi, biết gọi là gì?

Trong bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ, thử đặt câu hỏi ông Phan có nói xấu chế độ không? Hàm Tiếu (mục “Việc làng việc nước”, số 2) với những lời bình “bách nhân bách khẩu” trả lời là: Có. Ông ví von chế độ dân chủ cộng hòa của chúng ta với chế độ triều Gia Long, Tự Ðức gì gì đó, thế là quả nhiên nói xấu chế độ rồi.

Sau Nhân văn Giai phẩm, Trăm Hoa lên tiếng về trường hợp bài thơ dài “Chiếc lược” của Thụy An ở số 3, 4/11/1956 với phụ đề “Một bài thơ bị vùi dập”. Sau đó ở số 4, 11/11/1956). Lưu Thủy nói rõ hơn về bài thơ dài Chiếc lược của Thụy An kể chuyện một cô gái nhà nghèo đi ở cho địa chủ, chỉ ước có cái lược chải tóc mà không có, bữa nọ cô mượn chiếc lược của mụ chủ chải tóc để đi dự hội làng, bị mụ bắt được, lấy dao cau gọt sạch tóc, khiến cô không dám đi hội làng… Lưu Thủy không bảo đây là bài thơ toàn bích, nhưng hơn hẳn loại thơ dở òm và nhạt phèo của Xuân Diệu, của Nguyễn Ðình Thi, của Huy Cận…

Sau số 4, tòa soạn Trăm Hoa đăng trên các nhật báo Thời Mới và Hà Nội hằng ngày thông báo Trăm Hoa nghỉ 1 kỳ Chủ Nhật 18/11/1956…“vì việc tổ chức nhà in”.

Số 5 Trăm Hoa (Chủ Nhật 25/11/1956) đăng truyện ngắn của Thụy An: Chuyện bố, mẹ, bé, và con búp bê. (Bà Thụy An tên thật là Lưu Thị Yến, con nuôi ông Phan Khôi, sau khi báo Nhân Văn và Giai Phẩm bị đình bản, bà bị bắt năm 1958. cùng với Nguyễn Hữu Đang, cũng bị tù vì vụ Nhân văn Giai phẩm)

Nhân kỷ niệm ngày nhà văn Vũ Trọng Phụng từ trần, báo trích đăng tiểu thuyết “Số đỏ”.

Về sáng tác, báo đăng thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan.

Vì vậy Trăm Hoa không còn được hỗ trợ giấy in, không như Tô Hoài nói: “Trăm Hoa hết tiền phải đình bản”. Từ đó Trăm hoa bị xóa sổ trên đất Bắc…”

***

Người thơ mạt vận và nhà văn Phạm Lưu Vũ vẫn còn đang ngồi ở quán tiết canh ngan nói chuyện văn chương quán nhậu về bài viết Hệ luỵ Nguyễn Bính” của tác giả Thăng Ngọc Phố về hệ lụy nào đấy dường như không có thật nếu như mới nghe qua

“…Sau khi ra Bắc, Nguyễn Bính về Hà Nội và ra báo, trụ sở ở phố Lê Văn Hưu. Thư ký tòa soạn là cô Phạm Vân Thanh là sinh viên đại học Văn khoa, con một cán bộ ngành Bưu điện. Chẳng bao lâu, cô thư ký trở thành vợ ông chủ bút và sinh cho ông một cậu con trai đặt tên là Nguyễn Hiền. Oái oăm thay, ngay từ đầu cuộc hôn nhân này đã tiềm ẩn một nguy cơ tan vỡ. Gia đình Vân Thanh là một gia đình khá giả, bề thế, nền nếp. Còn Nguyễn Bính lại là một thi sĩ lãng tử giang hồ. Vì thế gia đình Vân Thanh không hài lòng về cuộc hôn nhân này.

Báo bị đình bản, Nguyễn Bính không có việc gì làm. Cái tổ uyên ương thứ ba của chàng thi sỹ tài hoa bị rạn nứt và tan vỡ! Lại ly hôn! Một mình sống còn chật vật, lấy gì để chu cấp cho con! Vân Thanh đi bước nữa. Đến lượt Nguyễn Bính phải nuôi con. Và cái việc thương tâm đã xảy ra: Nguyễn Bính ngồi ở bến xe, làm vài cốc rượu rồi gửi đứa con trai bé bỏng cho một người lạ ở bến ôtô để đi vào nhà vệ sinh và thất lạc con…”.

        Trong cơn động kinh với chữ nghĩa, ngộ chữ tôi đần đù là người thơ mạt lộ qua những vạn khổ thiên lao nên mới sinh chuyện ngồi ở bến xe, làm dăm cốc rượu…

Chuyện cứ theo tửu đồ tôi nghĩ dại thì hệ lụy chả phải tại rượu mà là cái…nhà vệ sinh.

Bạn đọc sẽ giẫy nẩy lên và mắng ngộ chữ tôi như vặt thịt là “nhảm nhí”. Ừ thì nói theo ai đấy với “Cô vọng ngôn chi” là khi đọc sách con người ta chỉ đọc những gì muốn thấy cái ngẫu sự…say sưa nghĩ cũng hư đời, hư thì hư vậy say thì vẫn say của người mạt lộ mà không thấy những gì ẩn hiện phía sau những dòng chữ qua bài viết, bởi thập niên 30, 40: Bến xe ôtô làm quái gì có…nhà vệ sinh.

              Từ nãy giờ thiếu rượu cuốc lủi, khi không ngộ chữ tôi lại ngất ngư với “Tết nhớ Nguyễn Bính” của nhà văn Trần Mạnh Hảo qua những thăng trầm của người thơ mạt lộ.

“…Đã 46 năm kể từ trưa 29 tết, năm Bính Ngọ, 1966, nhà thơ Nguyễn Bính đã chết trong nghèo đói, bệnh tật tại nhà ông lang Hứa. Tôi có gặp ông lang Hứa tại tư gia nhà thơ Vũ Quốc Ái ở Nam Định. Ông lang Hứa làm thơ, bút hiệu Tân Thanh kể rằng:

Sau 1958 Nguyễn Bính bị nhà nước đuổi về quê vì làm báo Trăm Hoa. Báo này do nhà nước xúi và bỏ tiền cho Nguyễn Bính làm, học theo phong trào trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng của Mao Trạch Đông. Nguyễn Bính về quê làm nhân viên hợp đồng sửa bản in cho ty văn hoá Nam Định nên đói khổ lắm. Năm 1966, ty văn hoá sơ tán lên huyện Lý Nhân, nên Nguyễn Bính hay đến nhà ông lang Hứa ở thôn Mạc Hạ (một người mê thơ Nguyễn Bính) tá túc. Tết đến, không có tiền, Nguyễn Bính tới nhà ông Hứa mượn đỡ chút tiền về cho vợ con có chút tiền ăn tết. Bà Lai làm nghề đan len nuôi chồng con nên rất cực. Trưa 29 tết, Nguyễn Bính do đói quá, lại làm tí rượu, chóng mặt, ra bờ ao nhà ông Hứa rửa mặt, rơi xuống ao. Ông Hứa và người nhà vớt Nguyễn Bính lên bờ. Nhà thơ thổ huyết, tắt thở…”

Ngộ chữ tôi cấu véo rằng chẳng qua số ăn mày bị gậy phải mang vì ông xấu trai nên nhiều…vợ. Chuyện giầy dép còn có số như người thơ mạt lộ sinh năm Mậu Ngọ, mất năm Bính Ngọ! Ông sinh ngày mồng ba Tết, mất ngày 29 Tết!

Như khúc đầu của bài tạp bút, ngộ chữ tôi đã leo heo qua lời con gái bà Nguyễn Hồng Châu: Cha tôi mất tính đến nay đã được 43 năm, có biết bao bài báo nói về cái chết của cha tôi, biết bao là dị bản, giai thoại,…v..v…Có thể nói ông là một trong những nhà thơ có nhiều giai thoại như Trần Tế Xương, Tản Đà…Nhiều, nhiều lắm để không thiếu giai thoại thuộc thể loại đánh rắm đổ cho trâu như “Phi yến thu lâm” là…“quelques, pipes”, là…hút thuốc phiện. Thế nhưng lại có giai thoại của tác giả Ngọc Giao mà mới đọc cái tựa đề “Mùa mơ chùa Hương nhớ Nguyễn Bính” đã thấy…văn cảnh ngẫu sự về cái chết của ông.

“…Nguyễn Bính được người ái mộ thơ mời uống rượu. Say rượu, bức nóng, ông ra cầu ao rửa mặt, bị trúng gió, ngã úp mặt trên bùn nước bên cầu ao, và ông chết tại đó. Thi trung hữu quỷ, ông chết đúng như lời ông đã viết qua bài thơ về cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều…”

Được thể ngộ chữ tôi gánh bùn sang ao với…giai thoại văn học khác:

Trước khi ông mất ít lâu, vào cuối năm, ty Văn hóa Hà Nam chuẩn bị kỷ niệm 200 năm thi hào Nguyễn Du. Trưởng ty Chu Văn yêu cầu nhân viên nộp bài về Nguyễn Du cho báo Tết. Nguyễn Bính rút ra bài thơ với tiêu đề Tặng cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều và ngâm.

Theo Chu Văn kể lại trong tập hồi ức “Nguyễn Bính thơ và đời”: Mọi người nghe xong bàng hoàng. Tòan bài thơ là lời được nhặt ra từ Truyện Kiêu. Nhưng kinh ngạc hơn còn ở chỗ, bài thơ tổng luận cuộc đời của nàng Kiều, song ai cũng ngậm ngùi nhận ra…“hình ảnh” của Nguyễn Bính trong đó, nhất là bốn câu kết:

Thương vui bởi tại lòng này

Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời

Lòng thơ lai láng bồi hồi

Tưởng người nên lại thấy người về đây

Mọi ngườ lặng đi…Bài thơ thật hay nhưng thấy buồn…Nhà văn Chu Văn là xếp nên đề nghị Nguyễn Bính sửa mấy câu kết “đọc nghe xái quá”. Nguyễn Bính không nghe:

– Một chữ cũng không sửa. Các vị đừng mê tín…cốt hay là được.

            Lạy thánh mớ bái cụ Nguyễn Du với tri thiên mệnh chứ…chứ tôi cũng tin ở cái số: Số mạt. Thế nên ngộ chữ tôi mới cảo mực đề văn để có bài văn khảo thiên cổ kỳ tích có tựa đề: “Mạt lộ, ta ngồi chốn hạ phiên” vận vào cái tuổi tịch dương vô hạn hảo của người thơ lúc cuối đời. Chẳng qua chạy trời không khỏi nắng, thêm một lần ngộ chữ tôi bị giời xiềng vào …tử vi đẩu số qua chuyện kể của bà Nguyễn Bính Hồng Cầu…

       “…Mãi đến 30 tháng tư năm 2008, khi tôi về hưu, tôi mới tìm đến nơi cha tôi  trút hơi thở cuối cùng. Để rồi lúc tôi trở về, đi trên con đường làng quanh co uốn lượn, thật thanh bình êm ả mà trong tôi thì gập ghềnh lắm nỗi. Con đường nào cha tôi đã đi qua với những tháng ngày gian nan vất vả…Tôi bùi ngùi vì sự chậm trễ nên không gặp được chú Tân Thanh để được nghe chú nhắc nhớ về cha mình vì nay chú cũng đã ra người thiên cổ.

Chú Tân Thanh làm nghề đông y. Lúc sinh thời cha tôi hay lui tới nhà chú như chỗ thân tình. Một hôm cha tôi nói với chú Tân Thanh:

– Chú Hứa này, anh coi số tử vi, năm nay số anh “sống vô gia cư chết vô địa táng” đấy.

Chú Tân Thanh gắt:

– Vớ vẩn, chết gì mà chết, tử vi với tử vẩn, anh cứ nói huyên thuyên!

– Thật mà hôm nào rỗi anh cho chú xem.

Nhưng cha tôi cũng không kịp cho chú xem lá số tử vi như ông đã hứa. Khoảng 25, 27 tết cha tôi ghé nhà chú xem lại chiếc xe đạp bị hư hỏng để chuẩn bị về Nam Định ăn tết.

Thấy vậy thím Tân Thanh mới bảo:

– Bác ở lại ăn tết với vợ chồng chúng em, đường sá gập ghềnh lỏm chỏm đá to đá nhỏ, ổ gà ổ voi không khéo ngã thì có chết!

Cha tôi nói:

– Cô không sợ anh chết ở đây à?

– Chúng em chẳng sợ gì sất cả, chết thế quái nào được! Bác chỉ nói gở. Bác cứ ở lại đây ăn tết cùng chúng em có dưa ăn dưa có muối ăn muối.

Thế là cha tôi ở lại với gia đình chú Tân Thanh để ăn thêm cái tết xa nhà, không ngờ đó lại là một “ Xuân tha hương” vĩnh viễn của cha tôi ở nơi cũng tạm gọi là đất khách.

Vào  khoảng 8 giờ sáng, ngày 20 tháng 1 năm  1966 nhằm ngày 29 tháng chạp  âm lịch (tết năm ấy không có ngày 30), tại nhà chú Tân Thanh  ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Cha tôi gục đầu thổ huyết bên bờ ao chỗ gốc mít.

Mùng hai Tết, Bác cả tôi là Trúc Đường, là anh của cha tôi cùng với con gái đi về Nam Định để đưa tang cha tôi, dọc đường thấy một đám ma không kèn trống, không người đưa tang…Đâu ngờ đó lại chính là đám tang đứa em trai ruột thịt của mình…”

Bài thơ cuối cùng của người thơ mạt vận là bài “Tặng cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều”. Ngộ chữ tôi chả dại vụng câu, vụng chữ với bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp…Nguyễn Bính. Bởi tất cả chỉ là ngẫu nhiên, ngẫu hứng: Lý Bạch trong cái tâm thái xử thế nhược đại mộng, hồ vi lao kỳ sinh là cuộc đời như giấc mộng lớn, làm gì cho mệt mình nên xuống thuyền, uống rượu, ngắm trăng rồi…ngẫu hứng ngã xuống sông chết. Ngẫu nhiên với người thơ mạt vận với duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh là bậc hiền thánh chìm dần vào quên lãng, chỉ người say danh rạng muôn đời nên ông cũng uống rượu và chết bên bờ ao…

***

Tửu đồng tôi vai vác bầu rượu, túi thơ theo những bước chân nhà thơ mạt lộ qua những nẻo đường…Trở lại chốn hạ phiên, nhà văn ẩn dụ Phạm Lưu Vũ vẫn còn đang ngồi ở chợ cửa Nam với đĩa tiết canh ngan…

“…Nhấp một ngụm rượu…chợt nhớ ra câu nói hồi nãy của thi sĩ: “Ngươi vừa đọc câu thơ vào loại hay nhất của ta khiến ta cảm động…”, để tán thơ của chính thi sĩ, tôi nói:
“Cụ có nhiều thơ hay, thậm chí tuyệt hay. Ví dụ như câu thơ Anh đi đấy, anh về đâu – Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu…cánh buồm…có thể coi là thần bút”.

Không để nhà thơ trả lời, tôi đọc thơ cụ:

Hôm nay dưới bến xuôi đò

 Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau

 Anh đi đấy, anh về đâu

 Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…

Và tán thơ tiếp: “Thơ thi sĩ. Tựa Không đề. Chỉ có bốn câu. Theo tôi, đây là một trong những bài thơ hay nhất, hoàn chỉnh nhất của cụ. Bài thơ có hai nhân vật, một người con trai và một người con gái. Người con trai ở dưới bến chờ xuôi đò. Người con gái ở trong nhà, qua khung cửa sổ, thẫn thờ ngó ra. Cụ nói họ “thương nhau”. Chắc chỉ là thương thầm. Nên không có tiễn đưa. Nên người con gái mới băn khoăn tự hỏi: “Anh đi đấy, anh về đâu?”. Sáu chữ mà bời bời hai tâm sự ngổn ngang. “Anh đi đấy” là câu hỏi thảng thốt. Ðau nhói. “Anh về đâu?” là câu hỏi ngậm ngùi. Buồn tênh. Người con gái bàng hoàng, rồi ngẩn ngơ. Chiếc thuyền rời bến, từ từ đi xa. Hình ảnh người con trai xa hun hút. Chỉ còn chiếc thuyền. Rồi chiếc thuyền cũng khuất. Chỉ còn cánh buồm vươn cao, vươn cao, chới với, chập chờn, lung linh, xa xăm: Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…

Người con gái vẫn còn đứng đó, bên thành cửa sổ, vời vợi nhìn theo. Câu thơ ngắt thành ba nhịp (Cánh buồm nâu / cánh buồm nâu / cánh buồm…), tưởng như mỗi nhịp ngắt là một làn sóng trào lên, che khuất cánh buồm. Bao nhiêu lần khuất rồi hiện. Lần cuối cùng, đã xa lơ xa lắc, người con gái chỉ còn nhìn thấy, mờ thật mờ, hình ảnh cánh buồm thấp thoáng, nhoà đi trong sương khói. Không còn thấy màu sắc nữa: chữ “nâu” ở nhịp cuối biến mất”.

Thi sĩ trầm giọng “Tính ta thích tiêu dao tự tại”. Giọng thi sĩ trầm hẳn xuống “Chỉ có thế, nàng thơ mới đến gõ cửa nơi ta. Chung quy cũng tại cái “thời” mà nên cả. Đến khi bị biên chế chết dí ở ty văn hoá thì ta chỉ còn là một anh “công chức thơ (vè)” thôi. Lạy giời!”. Thi sĩ đưa tay lên che mặt “Ta không phủ nhận. Song ta tin rằng các nhà nghiên cứu đời sau sẽ hiểu cho ta. Bởi vì khi bị buộc phải “sáng tác” những câu thơ để “ăn lương” nhà nước như thế, chính ta cũng đã đánh dấu chấm hết cho cái nghiệp thơ đích thực của mình rồi.”
Tôi lặng người nghe. Thì ra thi sĩ là người đã “tiên đoán” trước cái “thời” mà chính ông đang sống. Bỗng tôi cảm thấy hình hài của ngài đang trong suốt dần và giọng của ông cũng bắt đầu nhỏ đi. Biết là thi sĩ sắp biến, tôi bèn vội vã hỏi thêm một câu vớt vát:

“Thưa! Nhà thơ lớn của chúng ta ở dưới ấy có nóng lắm không?”

Thi sĩ đưa một tay lên bịt mồm…rồi nói:

“Ở dưới ấy xuống chơi thì được nhưng ở lâu chán lắm”.

Tôi thấy thi sĩ đưa một tay lên che mắt, tay kia bịt tai, giọng buồn não nề:
“Vì gặp toàn những người không biết gì về thơ, nhưng lại thích nói về thơ”.

Phụt! Quả nhiên đã đến lúc thi sĩ biến thật. Chẳng mấy chốc, trước mắt tôi chỉ còn thấy một con bướm trắng đang vỗ cánh sắp sửa bay đi. Đâu đây như một cơn gió thoảng.

Theo cơn gió thoảng, xa xa là cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…”.
Thạch trúc gia trang

  Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

(1) thơ Nguyên Sa

 

Nguồn: Nguyễn Hưng Quốc, Thụy Khuê, Vũ Ngọc Tiến, Tạ Chí Đại Trường.

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search