T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: Đêm Nhạc Thu Vàng & Thân Hữu: Xúc Động, Độc Đáo, Hy Hữu

DEM 1 NHAC_Thu Vang_Le Cong Hau_NP Phat

(Ca sĩ Thu Vàng, Lê Công Hậu (guitar), Nghiêm Phú Phát (keyboard)

Đêm Nhạc Thính PhòngTiếng Hát Thu VàngVà Thân Hữu đã thành công lớn: nhạc hay, giọng ca hay, khán giả chật thính phòng và nhiều người phải ngồi bên ngoài để nghe vọng, điều hợp chương trình xuất sắc… Đêm nhạc tổ chức ở Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu, Westminster, nơi chỉ hơn 100 chỗ ngồi, và không còn chỗ ngồi cho nhiều người tới trễ. Trong số khán giả thấy có nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, nhạc sĩ Võ Tá Hân…

Trong đêm nhạc hôm Thứ Bảy 26/5/2018, giọng ca Thu Vàng và nhiều ca sĩ khác đã được nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát điều hợp thích nghi và năng động, trong khi người MC Thu Thủy đã  khéo léo giới thiệu người và việc, cũng như lời khen ngợi chân thành và trân trọng từ hai nhà văn Trúc Chi và Trịnh Y Thư.

Các ca sĩ trong chương trình – như Trung Nam, Diệu Trang, Xuân Thanh, Lan Hương, Vũ Hùng, Trịnh Hoàng Hải – đều nổi bật, đều là những giọng ca lớn, lay động cảm xúc lớn từ người nghe.

Trong khi nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát đàn keyboard, nhạc sĩ Lê Công Hậu đệm guitar… từng ca khúc đều là những kỷ niệm độc đáo, khó tìm đối với người nghe.

Khi ca sĩ Thu Vàng hát những nốt nhạc cao nhất trong ca khúc “Những Dòng Sông Chia Rẽ” của Phạm Duy, người nghe hình dung ra những dòng sông đã chia rẽ dân tộc từ sông Gianh, sông Bến Hải… và trong thế kỷ 20 là dòng sông chủ nghĩa Quốc/Cộng. Còn những dòng sông chia rẽ nào nữa chăng?

Nhà báo Phan Tấn Hải lo ngại nhìn anh Thân Trọng Mẫn, một người con của xứ Huế đã chứng kiến những thảm kịch lịch sử quê nhà, nói rằng, “Anh Mẫn ơi, anh tựa vào vai tôi này. Tôi sợ là khi chị hát cao thêm một chút, anh Mẫn sẽ đứng tim mà chết…”

Khởi đầu chương trình, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát nói rằng anh gặp người bạn cũ thời 1965, 1970… và nhớ ngày xưa khi hoạt động nhóm văn nghệ Nguồn Sống, nơi anh từng giới thiệu các giọng ca như Thanh Lan, Huyền Trân, giọng ngân Tôn Nữ Lệ Ba (bây giờ là tu sĩ), và nhiều vị khác. Anh kể, mới 4 tuần trước, anh lần đầu nghe giọng ca Thu Vàng và thấy ngay cần tổ chức đêm nhạc này… Anh nói, nghe giọng ca Thu Vàng, anh nhớ thời năm 1961, khi được nhạc sĩ Phạm Duy đưa vào ban đại hợp xướng, và cũng đã xúc động với những dòng sông chia rẽ ở quê nhà.

Nhiều người tới trễ, đã ngồi ở ngoài lan can để nghe, trong đó có họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, Phan Chánh Khánh, Nguyễn Việt Hùng…

Ca khúc Em Bé Việt Nam và Viên Sỏi, thơ Trần Trung Đạo, do Nghiêm Phú Phát phổ nhạc, và ca sĩ Diệu Trang  trình bày đã nói lên thảm kịch của một bé sáu tuổi ở trại tỵ nạn Palawan, Philippines:

Mẹ em đâu? – Ngủ ngoài biển cả

Em của em đâu? – Sóng cuốn đi rồi

Chị của em đâu? – Nghe chị thét trên mui

Ba em đâu? Em lắc đầu không nói

– Bé thức dậy thì chẳng còn ai nữa

Chiếc ghe nhỏ vớt vào đây mấy bữa

Trên ghe sót lại chỉ dăm người…

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát nói rằng lẽ ra Đêm  Nhạc Thu Vàng cần một thính đường 300 chỗ ngồi, khi quá nhiều người tới và không còn chỗ. Anh nói, rất nhiều người trân trọng với giọng ca Thu Vàng, thí dụ như MC Thu Thủy lái xe xa từ 2 tiếng đồng hồ tới đây. Hay người phụ trách âm thanh là một kỹ sư NASA tình nguyện lo dàn âm thanh. Hay nhạc sĩ Lê Công Hậu ngồi đệm guitar cũng lái xe từ xa về.

DEM 2 NHAC_Tam ca hoai huong_Trinh Hoang Hai

(Trịnh Hoàng Hải (phải) và Tam Ca Hoài Hương (Vũ Hùng, Lan Hương, Xuân Thanh).

Trong chương trình hầu hết là đơn ca, gây chú ý và độc đáo cũng là màn tam ca do ban Tam Ca Hoài Hương (Xuân Thanh, Lan Hương, Vũ Hùng) – sôi nổi với ca khúc Đoàn Lữ Nhạc của Đỗ Nhuận.

Ra đi khắp nơi xa vời. Gió bốn phương kìa gió bốn phương. Ào ào cuốn lá rơi. Người đi khúc nhạc chơi vơi…

Ban Tam Ca giải thích, theo chương trình lẽ ra hợp ca bản “Sáng Rừng” của Phạm Đình Chương, nhưng vì không kịp thuộc lời, mà không lẽ tay cầm giấy để đọc lời thì hình ảnh không đẹp… do vậy, hát bản “Đoàn Lữ Nhạc” đã thuộc từ lâu.

Một điểm độc đáo: Trịnh Hoàng Hải vừa tự đàn, vừa hát bản “Ru Em” của Trịnh Công Sơn. Có những lúc anh dùng tay vỗ thùng đàn, nghe như nhịp tim đập.

Trịnh Hoàng Hải nói, ca khúc Ru Em của Trịnh Công Sơn có 24 câu nhạc, trong đó 16 câu bắt đầu bằng chữ “Ru em” tính ra có 20 chữ “ru”… với từng lời nhạc và tiếng nhạc, y hệt như tiếng nhịp đập của tim.

Sau khi Trịnh Hoàng Hải hát xong, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát hỏi rằng “Ru em, vậy thì em nào, xin cho biết mặt…” Anh Trịnh Hoàng Hải mời người phụ nữ là nguồn cảm hứng ru em của anh lên chào.

Nhà văn Trúc Chi được mời phát biểu, nói rằng lần đầu ông nghe Thu Vàng là ở nhà chị Bạch Lan, em ca sĩ Hà Thanh, và biết ngay rằng đây là một giọng ca độc đáo, với theo ông, không chỉ là kỹ thuật và tài năng, mà là “chị Thu Vàng hát bằng xúc động,” và người nghe nào cũng nhận ra nỗi xao xuyến đầy xúc động khi đối mặt với nghệ thuật trong giọng ca Thu Vàng.

Nhà văn Trịnh Y Thư khi phát biểu, nói rằng anh có ca ngợi Thu Vàng cũng là góp thêm lá vào rừng, nhưng anh muốn nói rằng Thu Vàng qua giọng ca không chỉ là ca sĩ, mà còn là nghệ sĩ, và đó là điểm rất hiếm gặp.

Cư sĩ Minh Mẫn, một nhà nghiên cứu Phật Học nổi tiếng, từ VN sang thăm Quận Cam được Cư sĩ Nguyên Giác đưa tới nghe đêm nhạc Thu Vàng, khi về đã viết nhận định trên FB rằng, trích:

“Xưa kia, Thái Thanh thủ đắc giọng ca cá biệt cho những nhạc phẩm Phạm Duy, thì ngày nay, Thu Vàng cũng đã gây ấn tượng sâu sắc cho khán thính giả, không những nhạc phẩm của Phạm Duy như: “Những giòng sông chia rẽ – Chiều về trên sông” mà còn nhạc phẩm “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành, “Thiên Thai” của Văn Cao, “Mùa Thu Không Trở Lại” của Phạm Trọng Cầu, “Hương Xưa” của Cung Tiến, “Hồn Vọng Phu3” của Lê Thương. Mặc dù giọng ca chưa được nhiều người biết đến, người tuy từ Việt Nam qua không lâu, cũng gây sự ngỡ ngàng thich thú không những cho khán thính giả mà còn tạo sự chú ý cho Ban tổ chúc và các nhạc sĩ bậc thầy hiện diện, bởi không chỉ là ca sĩ mà còn là nghệ sĩ nhập hồn vào ca khúc.” (ngưng trích)

Thực ra, không nên đối chiếu với ai, vì mỗi người có một giọng hay riêng biệt. Mỗi người là một thế giới nghệ thuật riêng. Nhưng nói như thế để thấy rằng, giọng ca Thu Vàng có một sức mạnh lôi cuốn độc đáo.

DEM 3 NHAC_Trung Nam_Thu Thuy_NP Phat_TY Thu

(Từ phải: Trịnh Y Thư, Nghiêm Phú Phát, Thu Thủy, Trung Nam)

Trong tờ chương trình nhạc phổ biến đêm 26/5, nơi trang cuối, có ghi bài thơ của Nguyễn Lương Vỵ, nhan đề “Nghe Thu Vàng hát” như sau:

Nghe Thu Vàng hát như nghe kinh

Dịu cơn đau thời buổi điêu linh

Tang thương vẫn trôi sông lạc chợ

Ngẫu lục còn chảy đời gập ghềnh

.

Nghe Thu Vàng hát như nghe nắng

Bay đi cánh vạc nhớ thương ai

Vọng ngày xanh tím hồng lam trắng

Không gian chìm tan vang sương mai

.

Nghe Thu Vàng hát như nghe mưa

Chiều neo tiếng thổ mộ năm xưa

Tiếng đời giăng mắc rơi trên mái

Lưu lạc ngồi im nghe âm đưa

.

Nghe Thu Vàng hát bao thương cảm

Đèn chong mắt thức vọng mùa xa

Tạ ơn âm nhạc trong khuya tận

Đốt thuốc trông lên tìm bóng ta.

.

Ca khúc cuối chương trình là Hòn Vọng Phu 3 của Lê Thương đã gợi lên một thời chinh chiến đau đớn ở quê nhà, khi hàng triệu phụ nữ Việt Nam một đời chỉ ngồi chờ tin chồng, chờ tin con từ chiến trường… Đau đớn, bi tráng… Bùi ngùi khi nghe giọng ca chị Thu Vàng: Nơi phía Nam giữa núi mờ, ai bế con mãi đứng chờ, như nuớc non xưa đến giờ…

Phải chăng những dòng sông chia rẽ thực sự vốn đã nằm sẵn trong định mệnh của dân tộc Việt Nam? Và bây giờ, nơi chương sử mới của thế kỷ 21 mở ra, những vết thương vẫn còn nhói lòng?

Chương trình nhạc Thu Vàng và Thân Hữu là một tuyệt phẩm hiếm hoi, nơi đó tất cả các ca sĩ và nhạc sĩ đều hiển lộ rực rỡ trong hào quang tài năng riêng.

Phan Tấn Hải ghi

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search