T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hòang Quân: Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau: Café Uyên (1&2)

cafe

Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau – Tranh: Thanh Châu

Ngày xưa, những ngày tháng của thế kỷ 20, giữa thập niên 70. Có tỉnh lỵ nơi cái eo của đất nước hình cong chữ S. Chốn ấy, trên quốc lộ 1 từ Trung vào Nam, giữa núi Thiên Ấn và núi Thiên Bút, có khu vườn là quán cà phê – Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau: Café Uyên. Những thanh niên, thiếu nữ, những húi cua, kịp tóc, những chàng, nàng đã từng là “cư dân” của quán cà phê vườn thuở ấy, nay đang lẫm đẫm bước vào ngưỡng “lục thập nhi nhĩ thuận”. Nhắc lại ngày xưa, kể gì tuổi tác, ai mà chẳng đôi lúc muốn …tìm một thoáng hương xưa… muốn đôi phút về đường cũ nên thơ…

Thị Xã Quảng Ngãi bé tí. Cho nên, có người mượn câu hát, rằng, nơi đây, đi dăm phút đã về lại… Café Uyên. Trên đường Quang Trung, nếu đi từ cầu Trà Khúc về hướng sông Vệ, Café Uyên nằm phía bên trái. Trước khi thấy tiệm Café, người ta sẽ đi ngang qua nhà hàng Thế Giới Tửu Gia. Sau đó, có con hẻm đi vào khách sạn Bình Lai. Tiếp theo, tiệm tạp hóa nhỏ Phát Hưng, tiệm vải lớn Phạm Ngọc Anh. Tiệm tạp hóa lớn Mỹ Đông An nằm trên bực thềm cao. Bên cạnh dãy tiệm như khu vực thương mại, là vườn Café Uyên. Bên trái Café Uyên là Trụ Sở Baha’i Tôn Giáo Hoàn Cầu, tiệm tạp hóa Trung Tín, tiệm vẽ bảng hiệu Hồ Điệp, tiệm xe đạp Kim Anh, tiệm bánh mì Chí Thành, tạp hóa Long An, tiệm đồ sắt Kim Long Hưng đến ngã tư đường Ngô Quyền. Phía trước Café Uyên chỉ thấy giàn bông giấy và cánh cửa lưới. Nhìn xuyên qua cửa lưới thấy khu vườn với nhiều cây cảnh.

Thuở Ban Đầu                                     

Mùa hè đỏ lửa 1972, Mạ dẫn các con: Ngọc Thúy, Ngọc Hiền, Thạch, Duẩn, Uyên, Duật (Kanh, Kem) vào Sài Gòn. Chiến cuộc dịu bớt, Mạ dẫn bầy con trở về lại Quảng Ngãi. Nhà sách Kim Mai có chiều hướng đi xuống, do thiệt hại nặng sau trận lụt năm trước. Ngoài ra, số lượng đáng kể của các tiệm sách trong thị xã nhỏ bé Quảng Ngãi bắt đầu vượt trội nhà sách Kim Mai. Gia đình chú Thanh mở tiệm bán xe đạp, nên cũng lơ là với tiệm sách. Mạ bắt đầu nghĩ đến phương cách kinh doanh khác. Mạ cân nhắc, muốn mở tiệm cà phê ở vườn nhà.

Trước khi mở quán Café, Mạ nói chuyện với Ba về dự định này. Ba có ý phản đối, vì ngại quán cà phê có thể ảnh hưởng đến việc học của các con. Ngoài ra, quan niệm “sĩ nông công thương” của Ba thuở đó vẫn còn đậm rõ. Mạ thực tế hơn, rất linh động và nhiều sáng tạo trong mưu sinh, để lo cho bầy con 10 đứa. Anh Hải, con trai trưởng, đi du học ở Tây Đức. Chị Thanh Tâm vào đại học Văn Khoa ở Sài Gòn. Còn lại, đứa đang trung học, đứa tiểu học. Hai đứa trai út Kanh Kem, gần ba tuổi, sắp vào mẫu giáo. Mạ bàn với chị Thanh Tâm về việc mở quán cà phê. Chị Thanh Tâm tán đồng ngay trong tinh thần văn nghệ. Đã lâu, chị Thanh Tâm hằng ôm ấp ước mơ lập một hội quán tao đàn. Để cho các văn nhân thi sĩ có nơi ngâm nga lời thơ, tiếng văn của mình. Để cho những Bá Nha có cơ hội gặp gỡ Tử Kỳ. Tiếc thay, cơn lốc 1975 đã thổi tan tành giấc mộng văn nghệ của chị Thanh Tâm.

Café Uyên được khai trương nhằm mùng một tết năm 1973. Đây là quán cà phê vườn đầu tiên ở Quảng Ngãi. Quán tọa lạc ở trên đường Quang Trung, là quốc lộ số một nối liền miền Trung và miền Nam, giữa tiệm tạp hóa Mỹ Đông An và Phòng Baha’i Tôn Giáo Hoàn Cầu. Trước nhà có hai dàn bông giấy, một leo ngoài cổng, một uốn thành vòm. Ba thường chạy xe Jeep Wrangler màu trắng xanh vào đậu trong sân. Đường vào sân vườn dốc thoai thoải, cổng hẹp. Do đó, muốn chạy xe vào sân, tay lái phải thật nhuyễn nhừ. Anh Lam, thời đó, dù nhỏ tuổi, đã thuần thục kỹ thuật điều khiển tay lái xe Jeep. Nhiều khi, nhân lúc Ba ngủ trưa, anh lấy xe chạy một vòng “dựt le” với mấy “em”. Hoặc buổi chiều, anh đưa xe vào sân thay Ba. Bên tay phải, sát vách Mỹ Đông An là những chậu cây kiểng của Ba. Ba đặt thợ đúc những chậu lục giác bằng xi măng thật to. Ba trồng và trao đổi với bạn bè nhiều loại cây kiểng. Trong vườn có mai tứ quí, trà mi, tử kinh, hoa quỳnh, liễu trúc, trúc đào, ngọc lan xen lẫn với cây lựu, cây mận, cây ổi, cây sung, cây trứng cá.

Chị Thanh Tâm đã nghĩ ra chuyện dùng tựa đề một cuốn truyện của Hoàng Ngọc Tuấn để tạo ra “thương hiệu” cho quán cà phê. Mạ nhờ anh Lương bên cửa tiệm vẽ áp -phích quảng cáo, tiệm vẽ Hồ Điệp, kẻ bảng hiệu cho Café Uyên. Bảng hiệu thật đơn giản, nền vàng nhạt, chữ màu đen – Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau: Café Uyên. Bảng hiệu treo trên cao, chỗ vòm bông giấy, có lẽ không bắt mắt lắm. Nhưng cái tên dài của quán cà phê có lẽ rất “bắt tai” và tên đã nhanh chóng thành câu nói thân thiết.

Để chuẩn bị cho việc mở quán cà phê, Mạ vào Sài Gòn cùng đi mua hàng với chị Thanh Tâm. Mạ và chị Thanh Tâm vào Chợ Lớn đặt mua bàn ghế. Ghế có sườn bằng sắt, chỗ ngồi và dựa lưng bằng nhựa, nhiều màu. Bàn có mặt mi-ca, chân bàn bằng sắt, có thể xếp gọn lại. Mạ và chị Thanh Tâm lựa những bộ tách có hoa hồng màu đen, trông rất thanh lịch. Các bình thủy ca-rô xanh, đỏ. Quán trong vườn, ly tách xem ra hơi sang, nhưng hợp với ý thích của thanh niên bấy giờ. Bởi vậy, có vài chàng uống cà phê xong, bèn “sưu tầm” một món nào đó đem về làm kỷ niệm. Sau này, khi nhà chúng tôi bị tịch thu, quán phải đóng cửa, có người hỉ hả kể lại, đã “góp nhặt” gần đủ một bộ gồm tách, phin cà phê, bình thủy, bình trà. Cậu Kháng tặng mấy bộ bình trà, có hình con rồng, vòi bình là miệng rồng. Loại bình trà này rất được chuộng. Nên chẳng bao lâu sau khi trình làng, những con rồng sứ đã bị tuyệt chủng.

Trước ngày khai trương vài hôm, Mạ và mấy đứa con nhắn nhủ bạn bè, người quen đến ủng hộ. Đúng sáu giờ chiều mồng một, Café Uyên chính thức mở hàng. Bảy giờ, rồi tám giờ, quán mới thưa thớt vài khuôn mặt của người “nhà”. Mấy Mạ con lặng lẽ nhìn nhau, thầm lo, ngó bộ sẽ ăn chè… ế, thế cơm. Tám giờ rưỡi, tiếng nhạc nhè nhẹ dặt dìu, quán vẫn còn yên ắng. Lâu lâu có tiếng ngáp khe khẽ (vì ngồi không, buồn ngủ) và tiếng vỗ tay bồm bộp, không phải để cổ võ ai mà chính là đập… muỗi. Bỗng nhiên, ngoài cổng xuất hiện vài dáng người quen quen, vài bóng người là lạ. Rồi từng tốp, từng nhóm ào vào. Tiếng kéo ghế, tiếng chào hỏi, tiếng cười, tiếng nói, lao xao. Quán trở nên rộn ràng, sinh động hẳn. Mấy Mạ con chạy lui, chạy tới tất bật. Vậy là Café Uyên có được ngày khai trương thành công. Mở màn cho một sinh hoạt mới ở ngôi nhà số 55 đường Quang Trung. Ba vẫn “án binh bất động”, cố ý nằm trên giường đọc báo và nghe radio: Đây là đài BBC Luân Đôn, phát thanh trên làn sóng... Ít lâu sau, thấy vợ con bận rộn, Ba cảm thấy xót. Mặc dù chưa lộ ý tán đồng, nhưng đến giờ mở tiệm, Ba chạy xe Jeep đậu trong sân khách sạn Bình Lai. Dần dà, Ba cộng tác đắc lực trong lãnh vực kỹ thuật ánh sáng và âm thanh, trang bị đèn đóm cho quán, trông coi máy móc, loa khuếch đại âm thanh…

Những Cô Hàng Cà Phê Uyên

Mượn lời bài hát Cô Hàng Cà Phê của nhạc sĩ Canh Thân, thì có thể ca rằng… Ở Quảng Ngãi, có hàng cà phê… Uyên, có… mấy cô nàng be bé xinh xinh. Nhiều người ngỡ Uyên là một trong bốn cô nàng này, chứ ít ai biết Uyên là cu Kanh, cậu nhóc ba tuổi đang đi vườn trẻ.

Bốn cô nương nhà Café Uyên là: Hoàng nhất nương Thanh Tâm ở tuổi 19, một trong những giai nhân ở xứ Quảng, là nàng thơ của bao nhiêu thi sĩ.

Có thi nhân nào đó đã ngâm nga:

Khi đứng bên em là cầm tay hạnh phúc

Dù quanh đời bão chướng vẫn vây quanh

Xin hơi thở em nồng nàn đắm đuối

Sẽ muôn đời nuôi nhịp đập tim anh.

Nhưng văn nhân ít dịp đứng bên em để cầm tay hạnh phúc, vì chị Thanh Tâm sau khi thi đậu tú tài, vào học ở Sài Gòn. Chị Thanh Tâm chỉ có mặt ở Quảng Ngãi vào mùa hè, mùa tết, khi chị về thăm nhà.

Tiếp đến là Hoàng nhị nương Cẩm Thành, đang tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu. Lá số tử vi của Cẩm Thành nhị nương chắc lấp lánh muôn sao hồng loan, đào hoa. Hình của Cẩm Thành nhị nương thường được ưu ái tô điểm cho các cửa kính của tiệm chụp hình Lệ Ảnh, Thiên Nga, Huy… Nói theo ngôn ngữ thời thượng của thế kỷ 21, Cẩm Thành nhị nương là “siêu” mẫu. Thời tiệm cà phê, Cẩm Thành nhị nương đang những năm cuối trung học, cho nên thân mẫu muốn nhị nương dành thời giờ chuẩn bị cho những mùa thi. Nhị nương không phải lo phụ quán café.

Tính ra, nhờ nhất nương Thanh Tâm và nhị nương Cẩm Thành… Cho hay cái sắc khuynh thành, Làm cho nhiều chàng chết mê mệt… Café Uyên đã trở thành một “danh lam thắng cảnh” của thị xã Quảng Ngãi của những năm 1973- 1976.

Hoàng tam nương Ngọc Thúy vào tuổi 13. Nhưng không phải hình ảnh “nàng” của thi sĩ Nguyên Sa. Nên chẳng chàng nào thổn thức trời hôm ấy mười lăm hay mười tám, tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba. Tam nương y chang một bà cụ non, mặt mày hay mang vẻ ưu tư, trầm ngâm. Thật ra, tam nương chẳng suy nghĩ chi cao xa, chỉ chăm bẳm quan sát mấy nông dân canh tác cây si, lo tìm phương cách đốn dẹp mấy thợ săn đang rấp ranh bắn sẻ nhất nương Thanh Tâm, nhị nương Cẩm Thành. Đến khi tam nương bước vào tuổi mười lăm, trăng sắp tròn, tam nương vẫn giống con nít nhiều hơn con gái. Tuy vậy, có chàng ngâm nga “tiên đoán”:

Biết tóc em có mượt,

Biết mắt em có nâu,

Bởi nào dám nhìn sâu,

Ta e em sớm sầu.

Phụ Mạ để lo tiệm cà phê, tam nương nhiều khi hơi “nghiêm khắc”, khi các chàng muốn làm… ký sĩ. Tức là sau khi “ngồi đồng” một hồi, chàng đến quày, thì thầm rằng:

-Anh ký sổ lần này, ghi thêm vào cái bằng tú tài, giấy miễn dịch, thẻ căn cước…

Nếu thấy mặt mày tam nương có nét “hình sự”, ngó bộ không ổn, chàng chạy thẳng vào nhà sau gặp Mạ, ấp úng:

-Dạ, bữa nay cháu… Dạ, mai mốt cháu…

Mạ đã vui vẻ:

-Không răng mô. Bữa khác cháu đến uống cà phê, tính luôn cũng được…

Hoàng Tứ Nương Ngọc Hiền 11 tuổi, vừa rời tiểu học. Tứ nương không quan tâm đến mấy cây si, chẳng để ý đến những văn nhân, thi sĩ.  Tứ nương mải bận rộn với mấy đứa bạn cùng lớp lo “bảo hộ” những cây ổi, cây mận trong vườn.

Nhắc đến cô hàng cà phê xưa, anh Nguyễn Thế Thành liên tưởng đến truyện Hoàng Tử Bé. Nỗi băn khoăn của Hoàng Tử Bé, khi chàng từ giã tinh cầu của chàng để xuống địa cầu. Ở địa cầu cũng có rất nhiều hoa hồng. Nhiều nơi rực rỡ cả một vườn hồng. Tuy vậy, Hoàng Tử Bé chỉ đặc biệt nhớ mỗi đóa hồng ngày xưa. Bông hoa duy nhất trên cái tinh cầu bé tí tẹo, không có được tên trên bản đồ vũ trụ của mình. Bởi thế, bất kể thứ hạng nào của Ngọc Thúy trong bốn chị em, dù là út, hay áp út, hay giữa, hay trỏ… thì Hoàng Tử Bé của Quảng Ngãi vẫn nhớ đến con bé dưới bóng đèn màu, ngồi “két” của quán. Mắt con bé mở to. Con bé lấp ló canh chừng những “thành phần nguy hiểm” chuyên ký sổ, ngồi đồng…

Phụ tiệm cà phê ban đầu là chị Xuân. Chị Xuân trước đó làm bên nhà anh chị Quỳnh, tính tình lanh lẹ, đôi khi hơi… chanh chua. Sau đó, có chị Hạnh, mặt mày sáng sủa, hai má lúc nào cũng đỏ au. Chị Hạnh ít học, tính tình thật thà, đôi lúc hơi ngây ngô. Có thời kỳ chị Hạnh “mê” anh Tạ Thọ nhà ở chợ trời, thỉnh thoảng đến học chung với anh Lam. Chị thủ thỉ, nhờ Ngọc Thúy giúp chị, tỏ lộ lòng ngưỡng mộ đối với anh Thọ. Theo sự cố vấn của Ngọc Thúy, anh Thọ nhận được trái vú sữa có nắn nót bằng bút nguyên tử mấy chữ Secret Love T H. Anh Thọ sùng lắm, méc anh Lam. Anh Lam la hai đứa một trận tơi bời. Tiếp đến, chị Mến xuất hiện. Chị Mến là con riêng của chồng O Đội. Chị Mến hơi to con, nhưng có giọng Huế thiệt “dẹ dàng”, dễ thương. Chị có óc khôi hài, tính tình vui vẻ. Chị Mến rất nhanh nhẹn, tháo vát. Những dịp tết lễ, quán Café rất đông khách. Nhưng với tài “chạy bộ” của chị Mến, thì đâu vào đấy, chẳng hề bị trục trặc kỹ thuật. Tháng Tư năm 1975, chị Mến về quê, theo gia đình bác Diên rời Quảng Ngãi, ra Huế.

Sau 1975, Mạ phải “sa thải” tất cả người giúp viêc. Những người này xem gia đình chúng tôi như gia đình họ. Họ muốn ở lại, nhưng Mạ không dám giữ, vì sợ thêm tội bóc lột sức lao động của nhân dân. Mấy Mạ con sắp xếp làm tất cả mọi việc. Chị Thanh Tâm, chị Cẩm Thành đi học ở Sài Gòn. Anh Lam phải đi làm ở các công trường trên núi. Có lần đông khách quá, Mạ kêu Ngọc Hiền ra trước chạy bàn phụ. Ngọc Hiền vừa ló ra, anh nào đó muốn ghẹo, vờ hỏi:

-Ủa, bữa nay có lính mới hả?

Ngọc Hiền tức quá, nước mắt lưng tròng, chạy ra nhà sau. Nhất định chỉ đảm trách khâu rửa ly tách, dọn dẹp “hậu phương” thôi, chứ không chịu ra “tiền tuyến” nữa. Lắm lúc Ngọc Thúy hơi mủi lòng. Xong giờ học trên trường, tất tả về nhà, phụ giúp Mạ đãi đậu, nấu chè. Buổi chiều tối khi Minh Chiểu (hồi đó yêu sớm) vi vu đạp xe ra Trà Khúc… cưa cầu, thì Ngọc Thúy đang ba chân bốn cẳng chạy ma- ra-tông trong quán cà phê. Đêm nào cũng khuya lắc, khuya lơ, mấy Mạ con mới dọn dẹp xong. Ngọc Thúy đâu còn hơi sức nào học bài. Đã vậy, thiếu ngủ nên vào lớp hay ngủ gục, sau này gặp lại, Tuyết Dung còn nhắc. Có khi đi học không kịp ủi áo dài, Minh Kha khèo khèo… “Cái áo mày, sao “nhen” túm… ”

Thạch, lúc đó mới 10, 11 tuổi đầu, với Ngọc Thúy, cùng nhau lo vòng ngoài. Còn rất nhỏ, mà thấy ai chọc ghẹo mấy chị, Thạch che chở, bảo vệ cho chị. Hồi đó, có nhóm Nhân (tiệm vải) gọi đùa Thạch là Y Lôi, giống như vai gì đó trong phim xã hội chủ nghĩa. Ngọc Thúy rất bực, cự nự mấy cậu. Chắc là Ngọc Thúy “quạu” lắm, nên từ đó mấy cậu hết chọc Thạch nữa.

Hoàng Quân

(Còn Tiếp)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search