T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 139)

 

clip_image002

 

Chữ nghĩa làng văn

Tùy bút – tùy hứng là phóng bút – là một thể rất tự do, gặp gì chép nấy, nghĩ sao nói vậy: Một cơn mưa, một giọng hát, một hớp trà, một trang sách, một tà áo phất phơ dưới gió, một tiếng ve rỉ rả trong rừng... bất kỳ một cảnh vật nào, một sự việc nào, hễ gợi hứng cho ta cũng có thể là đề tài một thiên tùy bút. Nó tựa như nhật ký mà không phải là nhật ký, vì nó là “bút” chứ không phải là “ký”; nó tựa như nghị luận mà không phải là nghị luận, vì nó là tùy hứng suy đoán chứ không phải dụng ý biện luận.
Nó phóng túng như vậy nên ta tưởng là dễ, nhưng có viết thử mới thấy khó. Trước hết nó phải thanh thoát, nhẹ nhàng như ngồi bên giàn hoa hay một ấm trà. Nó không dài, trung bình mươi trang trở lại, nhưng lời phải tự nhiên, có duyên, nội dung phải có ý vị.
Quan trọng nhất vẫn là nghệ thuật.

Tiểu thuyết mà dở thì người ta vẫn gọi là tiểu thuyết; thơ mà dở thì cũng vẫn là thơ – thơ con cóc. Còn tùy bút mà thiếu nghệ thuật thì không có tên để gọi vì lẽ không ai thèm biết tới.

Cho nên lựa thể tùy bút là làm một công việc chỉ có thành công hay thất bại, không thể nhùng nhằng được.

(Nguồn: Nguyễn Hiến Lê)

Tên và tuổi (1)

VS, VSOP hay XO là những chữ viết tắt để định giá tuổi rượu tuỳ theo hãng rượu.

VS viết tắt của chữ Very Special. Tuổi “thọ” từ 3 đến 5 năm.

VSOP viết tắt của chữ Very Superior Old Pale (Pale đây là màu lợt của loại rượu hảo hạng). Tuổi “thọ” từ 7 đến 10 năm.

XO viết tắt của chữ Extra Old. Tuổi “thọ” từ 20 năm trở lên.

Rượu không định được tuổi…có tên là Age Inconnu.

(Theo quy định của hệ thống kiểm soát chất lượng vùng Cognac phải được ngâm ủ ít nhất là 3 năm trong thùng gỗ sồi mới được gọi là Cognac và chỉ mang ra thị trường loại ngâm ủ từ 5 năm trở lên mà thôi).

Tiếng lóng hiện thực

Ăn chơi sợ gì mưa rơi

Chữ nghĩa làng văn

Dường như ai cũng đã biết là mình sẽ viết như thế nào. Vấn đề còn lại chỉ là cảm hứng. Có cảm hứng là có tất cả. Những người lâu lắm không viết được gì hoặc viết không hay là bởi vì cảm hứng của họ đã cạn hoặc không còn nồng. Điều này lại dẫn đến những bằng chứng cho thấy sự khủng hoảng của thể truyện, là các quan điểm có tính chất lý thuyết về thể truyện tại Việt Nam phát triển rất chậm, cực kỳ chậm, chậm đến đáng kinh ngạc: nghe những lời phát biểu về tiểu thuyết, đâu đó, trên báo chí, có khi từ những cây bút thành danh từ lâu, người ta không khỏi có cảm tưởng như đang sống ở thế kỷ… 19, thậm chí, đầu thế kỷ 19.

(Một số vấn đề mỹ học – Nguyễn Hưng Quốc)

Tăn hăn tó hó như nhà khó được của

Ý câu tục ngữ này ám chỉ người tính xốc nổi, lăng xăng quá đáng.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa được “Thần Kim Quy” trong Lĩnh Nam Chích Quái giúp xây dựng. Và là một điều (tưởng là) thành công của những nhà sử học, biên khảo lấy huyền thoại chắp vá, gán ghép thành lịch sử.

Tiếc thay khoa học lại hại người: Năm 1960, những nhà sử học, biên khảo miền Bắc đã “cắt” mặt bằng của thành (bình đồ) thì thấy đất đắp thành thuộc đời Hán là sớm nhất. Thật khó hình dung kinh đô Âu Lạc mà nền đất cát rải ra toàn đồ vật Hán. Thế là có người đoán chừng thành của Mã Viện xây có tên là “Kiển thành” (thành Kén).

clip_image004

Các nhà sử gia Hà Nội cứ lờ đi thành quả của những nhà khảo cổ đã mất công đào xới. Mà cứ thản nhiên coi ngôi thành sừng sững trước mắt là của thần Kim Quy dựng lên.

Sử gia sùng mộ Cổ Loa cũng nên biết học giả Trung Quốc cũng đã vừa tìm một “thành loa” khác nữa ở địa điểm Ngô Gia thuộc Giang Tô. Theo họ thì đó là “Vương thành” của nước Việt (Câu Tiễn). Vương thành cũng có 3 vòng như thành Cổ Loa và vòng thành trong cũng hình chữ nhật như thành Cổ Loa (1) & (2).

(1) Cái tên Cổ Loa là do người sau đặt ra vào đời Lê được coi như là của An Dương Vương. Chứ còn tên thật của nó nếu mà do An Dương Vương dựng lên và đặt ra thì không ai biết. Tài liệu của Trung Quốc chỉ nhắc đến những tên Việt vương thành, Việt vương cổ thành hay Vương thành của nước Việt Câu Tiễn.

(2) Theo các nhà ngôn ngữ học dất này tiếng người Mường gọi là “Klu” là địa danh cổ. Người Việt mình đọc trại đi “Klu” là…”cổ”, là…Cổ Loa.

(Sử gia Tạ Chí Đại Trường – Sử Việt đọc vài quyển)

Tâng hẩng như chó bị mất dái

Chó bị thiến thì hiền, nhưng gặp chó cái vẫn nhẩy đực nhưng cụt hứng chạy về nhà. Am chỉ người bị mất bổng lộc nên mặt ngơ ngẩn, bực bội.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Tại sao 2

Quỷ nhập tràng (trích lục lại)

Đó là hiện tượng xác chết tự nhiên bật dậy. Hiện tượng này rất hiếm nhưng đã xảy ra, do đó trong phong tục đã có sự kiêng cự để phòng xa, gọi là “Quỉ nhập tràng” nhưng thực ra không có ma quỷ nào nhập vào xác chết.

Nguyên nhân:

Do điện âm tích tụ trong thi thể người mới chết chưa kịp thoát ra hết, gặp phải luồng điện dương cực mạnh cuốn hút. Xác chết tự nhiên bật dậy là do sự cuốn hút bởi một ngoại lực có cảm ứng điện trường.

Vì vậy theo quan niệm dân gian, khi trong nhà có người mới chết kiêng cự nhất là không để cho con mèo bất thần nhảy qua xác chết (người ta phải canh giữ, phải nhốt mèo lại). Đã có trường hợp, chén rượu hắt văng vào xác chết, giọt nước mắt có hơi ấm nhỏ vào xác chết cũng tạo thành luồng khí, có thể cuốn hút xác chết bật dậy nhưng ngã xuống ngay tức thì.

Hiện tượng xác chết đuổi theo người sống: Xác chết không thể bước đi được mà do hơi nóng của người sống cuốn hút, hoặc trường hợp có luồng không khí đối lưu cân bằng khi xác chết ở tư thế đứng song song với người sống. Việc dỡ ngói hay tranh trên mái nhà để ánh sáng mặt trời trực tiếp rọi vào cũng nhằm triệt tiêu hiện tượng cuốn hút đó.

Nả

Nả : từ nghi vấn đật cuối câu

(được mấy nả, có việc gì nả, nói gì nả)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Có phải tiếng mới không?

Có điều này lạ.

clip_image006

Một mặt, Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895), Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931),Việt ngữ chánh tả  tự vị của Lê Ngọc Trụ (1960), Việt Nam tự điển của Lê Văn Ðức (do Lê Ngọc Trụ hiệu đính) (1970) tất cả đều không có tưng tửng hay tửng.

Bấy nhiêu học giả lẽ nào để sót? Đây là tiếng mới lọt lòng vài thập kỷ nay chăng?

Mặt khác, cái phong cách rất đặc thù Nam bộ này chắc đã thành hình từ trước thời Sơn Nam bắt đầu ngửi “Hương rừng Cà Mau”

Phong cách thì cũ, từ chỉ phong cách thì mới, lẽ nào?!

(Tưng tửng có họ hàng bà con gì với tưng tưng, cà tưng, cà tửng, hay không?)

(Tưng tửng và tửng – Thu Tứ)

Phở (4)

Một số người lại dựa theo bài “Phở, phởn, phịa…” của Nguyễn Dư, dẫn chứng quyển Technique du peuple annamite (Kỹ thuật của người An Nam, 1908 – 1909) của Henri Oger để củng cố quan điểm này. Họ giới thiệu hai bức tranh khắc, bức đầu tiên (mang số 26 trong tập tranh 4577 bức) miêu tả một người đàn ông với gánh hàng rong, kèm theo chú thích “Chinois vendeur ambulant à la tombée de la nuit” (Người Tàu bán hàng trong buổi tối – Trần Đình Bình dịch). Nhưng họ không thể khẳng định người đàn ông ấy bán cái gì, chỉ bảo rằng gánh hàng trông giống như gánh phở ở Hà Nội ngày xưa); bức còn lại là hình vẽ một thùng chứa có dòng chữ hàng nhục phấn 行肉粉, họ cho rằng giống như thùng của gánh hàng trong bức đầu tiên. Thế là họ vội khẳng định dòng chữ ấy nói về món Ngưu nhục phấn 牛肉粉, và bán Ngưu nhục phấn có nghĩa là bán phở, hay nói cách khác, phở chính là Ngưu nhục phấn (!).

clip_image008 clip_image010

Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ bức tranh thứ nhất ta sẽ thấy rằng người bán hàng có tóc đuôi sam, vậy người đó là Hoa kiều, bán món nhục phấn 肉粉 ở Hà Nội chứ không phải người Việt Nam bán phở. Rất tiếc là không ai miêu tả gánh hàng Ngưu nhục phấn ra làm sao để đối chiếu với gánh phở. Có khả năng gánh “nhục phấn” giống gánh “phở” chăng?

(Vương Trung Hiếu – Nguồn gốc phở)

Địch – Ta (1)

Vợ ta là địch.
Bồ bịch là…”ta”
Đám cưới, đám ma
Ta đi với địch

Giai thoại làng văn xóm chữ

Chó thui

Truyện dân gian có nhiều, lâu nay bị thất lạc. Muốn cho đầy đủ thì quả là khó khăn, và cũng chưa biết đến bao giờ mới đạt được. Nên phải góp nhặt từng phần từng mảng, nhưng chúng tôi vẫn bằng lòng hàng chục năm nay với sự thu góp ấy.

Mấy thầy đồ nói chuyện với nhau về chữ nghĩa văn chương. Có thầy kể chuyện ông trạng Nguyễn Hiền đời Trần mới lên tám tuổi đã đối đáp được với sứ Trung quốc. Sứ Trung quốc sang ta, thử tài người nước ta, đọc bài thơ:
Lưỡng nhật bình đầu nhật
(Hai chữ nhật ngược xuôi đều là chữ nhật)
Tứ sơn điên đảo sơn
(Bốn chữ vương tranh nhau ở một nước)
Tứ khẩu tung hoành gian
(Bốn chữ khẩu dọc ngang đều là chữ khẩu)
Không ai biết chữ gì. Chỉ có trạng Hiền biết, trả lời đó là chữ điền, nghĩa là ruộng. Mọi người tấm tắc khen.

Một anh ngồi nghe lỏm cũng hỏi ghé vào:
-Các thầy hay chữ, tôi xin đố các thầy:
“Hai nghệ hai bên, khuyển trên hỏa dưới, là chữ gì?”
Các thầy đồ bí nhìn nhau.
Anh kia nói:
-Thưa là chữ “chó thui” !!!

(Vũ Ngọc Khánh – Kho tàng truyện dân gian)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Hộ khẩu là hậu khổ.

Sự phát triển của tiếng Việt (I)

Ðại Nam Việt Quấc Triều Sử Ký (1879)

Ðức Thầy (Bá Ða Lộc) biết ý vua thế nào nên đã xin lại vua An Nam dù cực khổ thế nào thì đừng tin cậy vua Xiêm, vì vua ấy có ý làm hại nước Nam mà thôi. Cho nên khi Ðức Thầy còn ở bên Xiêm mà xin phép về thì chẳng nói tỏ mình có ý đi giúp vua An Nam một lấy lẽ khác, người lại thử lòng vua và các quan Xiêm thì người biết được mọi sự. Vậy người lại vào trong cõi Hòn Dừa ở lại hai tháng tròn mà vua bàn các việc cùng người. Các quan đã bỏ vua hết, còn một chiếc tàu và ba trăm quân mà thôi”
“… Vậy vua thiếu thốn thể ấy thì xin Ðức Thầy Vêrô (Bá Ða Lộc) chịu sang bên Tây xin vua Pha lang sa sai nhiều binh sĩ cứu giúp mình. Vua giao ấn nhà nước cùng ban phép rộng cho người được giao cùng vua Pha lang sa thế nào thì mình sẽ vâng thể ấy”

Toàn bộ cuốn sử này viết từ thời kỳ Vũ Vương đến thời vua Gia Long, sách không liệt kê các nguồn tài liệu hoặc nhân chứng và có nhiều sai lầm về tên gọi như các quốc hiệu nước ta, chỉ dùng “Giao Chỉ”, “An-Nam” để gọi chung. Việc này dễ hiểu vì trước thế kỷ XX, thi Hương chỉ thi Bắc sử (Trung Hoa), đến đầu thế kỷ XX mới cho học và thi Nam sử; và cuốn sử duy nhất là bộ Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư khắc in từ cuối thế kỷ XVII mà không phải ai cũng có ở tầm tay trong hệ thống in ấn và thư viện ngày xưa. Ðó là lý do của những sai lầm trên. Tác phẩm sử này có thể viết từ tài liệu riêng của các giáo sĩ nhân chứng thời kỳ lịch sử đó. Ðặc biệt của tập Ðại Nam Việt Quấc Triều Sử Ký là quan điểm không theo chính sử và những chi tiết cụ thể kể lại với một ngôn từ bình dị của cuối thế kỷ XIX chứ không như những bộ sử chính thức. Một cuốn sử viết theo lối Tây phương, của những người dân thường, Công giáo, ở miền Nam. Gần đây có khuynh hướng xét lại “công tội” của hai vua Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, chúng tôi tin cuốn sử đặc biệt này sẽ giúp ích không nhỏ (…)

(Nguyễn Vy Khanh – Tiếng Việt một số tác phẩm mới phát hiện)

Tiếng lóng hiện thực

Cực như con chó mực

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Cách đây mấy ngàn năm, ngoài tiếng Tàu ra, ông bà ta còn dùng và xài không biết bao nhiêu là tiếng nước láng giềng mà ta cứ tưởng đâu là tiếng Việt của ta, không ngờ đó là tiếng nói của biết bao ngôn ngữ láng giềng, mà lại không phải là tiếng Tàu.

Hai tiếng Nôm na mà ai cũng cho là “Nôm” là Nam , vậy thì “na” là gì? mọi người đều lờ đi !

Thật ra, “Nôm và na” đều có nghĩa gốc là xưa, cũ, lâu đời…đã có từ lâu.

[Các tiếng Lào Thái Khmer đều có ghi hai tiếng “nôm na” và đều giải thích như vậy]

Tiếng Nôm là tiếng nói xưa của người nước ta, đã nói như vậy từ lâu, truớc khi ông bà ta gặp người Tàu.

(Nguyễn Hy Vọng – sưu tầm & tản mạn)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

Bài Mới Nhất
Search