T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyệt Quỳnh: Giấc Mơ Nhân Phẩm: Chỉ Toàn Gậy Và Đá

hqdefault

(Nguồn: Tiếng Dân)

Có thể nói Luật Đặc Khu và cuộc trấn áp ngày 17/6 đã biến những người dân VN bình thường trở thành những nhà hoạt động. Và đó là khởi đầu một “cuộc chiến” mới. Trong cuộc chiến này, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ phải đương đầu với một sức mạnh mà họ thầm hiểu rằng, với nó; quân đội, súng ống, xe tăng,… hỏa lực dù mạnh thế nào cũng chỉ là bùn đất!

Hãy bắt đầu từ cuộc biểu tình ngày 10/06. Có hai điều cần ghi nhớ trong cuộc tổng biểu tình này:

– Thứ nhất là số người tham gia. Cuộc biểu tình hôm ấy không chỉ vài trăm, không chỉ ở một vài nơi, nó là một biển người và diễn ra khắp nơi trên cả nước!

– Thứ hai là động lực của cuộc biểu tình. Nhiều video còn ghi lại những khuôn mặt đầy cảm xúc, những nụ cười hạnh phúc của những người nhập cuộc.

Hàng ngàn người đã xuống đường ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Khánh Hòa, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Nghệ An,… Và cái làn sóng biểu tình dữ dội ấy đã cho lãnh đạo CS nhìn thấy họ đã chạm vào thứ quý giá nhất của dân tộc Việt Nam: “lòng ái quốc”. Khi lòng ái quốc thức dậy, cái hình ảnh của dòng người xuống đường hôm ấy đã là “Những làn sóng khủng khiếp” như lời của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ai cũng biết điều mà dân tộc VN luôn tự hào là lòng ái quốc và truyền thống chống ngoại xâm. Trong cái hiện thực nhục nhã và thấp kém vì sự nhu nhược của lãnh đạo VN trước Trung Quốc, giữa dòng người biểu tình hôm ấy – việc nói KHÔNG với Luật Đặc khu và An Ninh Mạng không chỉ biểu hiện cái quyết tâm bảo vệ đất nước; mà người dân VN như đã tự giải thoát, đã tìm lại được tự do và nhân phẩm của chính mình.

Khoảnh khắc ấy, cái khoảnh khắc vô giá thể hiện trách nhiệm và quyền tự quyết của mình; người dân VN như chuyền cho nhau hơi ấm của đồng đội, niềm tự hào và cái cảm xúc thiêng liêng của thứ tình yêu tưởng rằng đã khô cạn trong một xã hội vô cảm. Nhà báo Trương Duy Nhất gọi ngày ấy là ngày của “một Sài Gòn cháy bỏng”. Anh đi giữa biển người mênh mông, thầm cảm ơn Sài Gòn đã cho anh được cháy, được thét gào đến khản cả giọng giữa hàng ngàn tiếng hô đáp trả: “Vì độc lập, phản đối đặc khu! – Vì tự do, phản đối luật an ninh mạng!”

Và rồi một cuộc trấn áp hung bạo nhắm vào người dân đã diễn ra sau đó vào ngày 17/6 tại công viên Tao Đàn. Nếu gọi cuộc tổng biểu tình ngày 10/6 là “Phép thử của lòng yêu nước” thì chúng ta gọi tên cuộc trấn áp hung bạo này là gì? “Một cảnh thuần hóa động vật?”

Trong cái nóng và sự im ắng của một nồi áp suất vừa được đẩy thêm củi, dù không thích bạo lực, tôi vẫn muốn gọi một cái tên gần với sự thật nhất bằng hai câu thơ của facebooker Đặng Ngữ:

Chẳng còn giấc mơ nào
Trong mơ chỉ toàn gậy và đá!

Hai câu thơ trên Đặng Ngữ viết về cuộc phản kháng của người dân ở Bình Thuận. Rõ ràng lãnh đạo CS mới là kẻ kích động bạo lực khi cho huy động lực lượng công an, an ninh vây bắt, tập trung hơn 300 thường dân ở công viên Tao Đàn. Hình ảnh những viên an ninh thi hành công vụ hôm đó được mô tả lại như những kẻ tàn bạo, máu lạnh, thô lỗ, mất nhân tính… Họ “mày-tao” với bất cứ ai, bạt tai, lên gối, đánh đổ máu … giữa thanh thiên bạch nhật bất cứ người dân nào, bất chấp kẻ bị đánh là phụ nữ hay người lớn tuổi. Mạng xã hội và thế giới được một phen mục kích cảnh thuần hóa động vật trên những con người VN!

Thời khắc ấy, cả người bị đánh lẫn người phải mục kích cảnh đồng bào mình bị tra tấn tàn nhẫn; cái đau thấm vào da thịt, khắc vào tâm hồn, thấm sâu trên từng dây thần kinh não bộ của mọi người. Facebooker Bùi Văn Thuận, dù là người ngoại cuộc, anh không bị tập trung ở công viên Tao Đàn cũng không bị đánh, nhưng anh chia sẻ: “Sự đau đớn trong tôi lớn đến mức, tôi chỉ ước ao: Giá như đây chỉ là giấc mơ, rằng tôi đang ngủ mà gặp ác mộng.”

Quả thật, cuộc trấn áp ngày 17/06 đã làm rất nhiều người dân VN bừng tỉnh. Cái thế giới mà họ đang cố sống yên lành đó chẳng còn yên lành. Tổ quốc, nơi duy nhất, điều thiêng liêng duy nhất, niềm mong muốn cuối cùng đã không còn thuộc quyền của họ. Một thông điệp đầy bạo lực từ chính quyền đã được trực tiếp gởi thẳng đến mỗi công dân VN.

Tôi muốn mở ngoặc ở đây để nhắc về tác giả Vikto Frankl, người đã giúp tôi vượt qua nỗi đau. Khi lắng nghe tiếng khóc của các chị Lụa, chị Loan…nạn nhân của cuộc trấn áp ngày 17/6, tôi cũng như bạn, tiếng khóc của họ làm đau những trái tim VN; làm lây lan cả sự thống khổ khi chúng ta bất lực nhìn người dân vô tội dưới bàn tay hung bạo của cường quyền.

Frankl là một chuyên gia tâm lý người Do Thái. Ông là người đã sống sót trải qua các trại tập trung tàn bạo nhất của Đức Quốc Xã để trở thành một trong những tác giả làm thay đổi thế giới. Ông sống sót nhờ luôn trung thành với quan niệm: “Điều gì không đánh gục được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn”. Nếu những suy tư của Frank có thể làm thay đổi thế giới, thì tôi tin rằng thái độ của anh Toàn, chị Loan, chị Lụa, cô sinh viên Trương thị Hà,… cái cách mà những người dân bình thường này ứng xử với bạo lực sẽ làm thay đổi vận mệnh của đất nước mình.

Nhưng khoan hãy đặt cho nó những mỹ từ to tát như ‘bản lĩnh dân tộc’ hay ‘sức mạnh của lòng ái quốc’. Như bao quốc gia cộng sản khác, sau gần một thể kỷ bị tàn phá bởi độc tài và bạo lực, những tố chất tốt đẹp của dân tộc VN gần như cạn kiệt. Những gì người Việt Nam cần ngày hôm nay là một cuộc đấu tranh cho chính bản thân họ, cuộc đấu tranh vì nhân phẩm. Đấu tranh để giành lại các quyền và giá trị phổ quát của một con người.

Đó là thái độ của sinh viên Trần Hoàng Phúc trong phiên tòa phúc thẩm của anh ngày 10/7/2018. Khác với phiên tòa sơ thẩm, lần này Trần Hoàng Phúc tuyên bố anh sẽ giữ quyền im lặng; tuyệt đối không trả lời bất cứ câu hỏi nào của viện kiểm sát và hội đồng xét xử. Và anh đã làm như thế.

Đó là thái độ không sợ hãi của nhà hoạt động Trần Văn Chúc ở Lâm Đồng. Anh bị công an giả dạng côn đồ xông vào rẫy hành hung đến gãy tay chỉ vì tham gia cuộc biểu tình ngày 10/6.

Đó là thái độ của anh Toàn, người bị đánh trong đồn công an đến hôn mê, đến nỗi phải nhập viện. Khi được phỏng vấn, dù vẫn chưa ngồi dậy được, anh nói bằng một giọng run run, xúc động nhưng quả quyết: “tuy tôi bị đánh nhưng tôi sẽ không sợ”.

Và facebooker Đinh Thị Thu Thủy, người trải nghiệm những trận đòn của công an ở công viên Tao Đàn đã gởi một thông điệp mạnh mẽ nhất đến đồng bào của chị: “Hơn 20 giờ đồng hồ tại nơi đây sẽ cho bạn một thế giới khác, khác đến nỗi bạn sẽ quyết định dành cả cuộc đời, kể cả hy sinh tính mạng cho việc chống lại những gì bạn đã trải qua…”

Cái đường ranh của phẩm giá đang được người dân VN phân định một cách rõ ràng. Và tôi tin rằng họ hạnh phúc với sự chọn lựa khó khăn nhưng mạnh mẽ này.

Đối với tôi một ngày mới đang bắt đầu và cuộc đời thật đẹp khi những con người cùng khổ này quyết định khoác cho cái thập tự trên vai họ một ý nghĩa thực sự.

Nguyệt Quỳnh

Bài Mới Nhất
Search