T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

HOÀI NAM: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(77) – NHẠC ĐÔNG PHƯƠNG: Hà Nhật Quân Tái Lai (Bao Giờ Chàng Trở Lại, Sầu Tương Tư), Lưu Tuyết Am & Bối Lâm

ha nhat quan tai lai -1

Theo thứ tự, lẽ ra ca khúc thứ hai của “Nữ hoàng ca nhạc Á châu” Đặng Lệ Quân được ưa chuộng và đặt lời Việt chúng tôi giới thiệu phải là bản Thiên ngôn vạn ngữ (Mùa thu lá bay), tuy nhiên vì ca khúc này đi liền với cuốn phim Thái Vân Phi (tựa tiếng Việt: Mùa thu lá bay), chúng tôi xin dành cho phần viết về các ca khúc trích trong những cuốn phim nổi tiếng, và trong bài này sẽ giới thiệu bản Hà Nhật Quân Tái Lai  (He Ri Jun Zai Lai) của hai tác giả Lưu Tuyết Am & Bối Lâm, được đặt  lời Việt với tựa Bao Giờ Chàng Trở Lại, Sầu Tương Tư.

Trước khi viết về Hà Nhật Quân Tái Lai, chúng tôi mời độc giả theo dõi tiếp đường sự nghiệp của Đặng Lệ Quân.

Đặng Lệ Quân không chỉ sở hữu một giọng mezzo-soprano truyền cảm lạ thường, mà cô còn có khả năng hát một cách lưu loát bằng nhiều ngôn ngữ: Quảng Đông, Quan Thoại (Phổ thông), tiếng Nam Dương, tiếng Nhật, tiếng Anh, và dĩ nhiên, thổ ngữ Đài Loan – Phúc Kiến (Taiwanese Hokkien); ngoài ra cô còn thông thạo tiếng Pháp.

Một nữ tác giả khi nhận xét về những ca khúc nguyên tác tiếng Anh do Đặng Lệ Quân thể hiện, đã viết:

“Nếu ở phương tây có Nana Mouskouri thì ở phương đông có Đặng Lệ Quân”.

[Nana Mouskouri, sinh năm 1934, nữ danh ca gốc Hy-lạp hát bằng 10 ngôn ngữ khác nhau, bán ra trên 200 triệu đĩa, chúng tôi đã đôi lần nhắc tới]

Với thính giả thuộc đủ mọi lớp tuổi nói chung, Đặng Lệ Quân không thể so sánh với Nana Mouskouri, nhưng nếu chỉ tính thế hệ trẻ ở Á châu, Đặng cô nương có ưu thế hơn, bởi vì cô không chỉ thu đĩa những ca khúc êm đềm, những tình khúc của một thời đã qua – như Smoke Gets in Your Eyes, You Don’t Have to Say You Love Me, The Way We Were, Bridge Over Troubled Water…, mà còn thể hiện cả những ca khúc pop đương đại được ưa chuộng, như Killing Me Softly With His Song, Flash Dance, The Power of Love, Careless Whisper, Endless Love, I Just Called to Say I Love You…

Thành thử cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi ở nhiều nước Á châu, đặc biệt là Mã-lai và Nam Dương, Đặng Lệ Quân đã được xem là nữ ca sĩ hát tiếng Anh được khán thính giả ái mộ nhất.

Phụ lục 1: Killing Me Softly With His Song, Teresa Teng

Trong số trên 50 ca khúc nguyên tác tiếng Anh được Đặng Lệ Quân thu đĩa, không hiểu các nhà phê bình bên phương tây chấm nhất bản nào, riêng với giới mộ điệu ở Á châu, The Power Of Love là ca khúc được nhiều người yêu chuộng nhất.

Cũng nên biết chỉ trong 2 năm 1983, 1984 trong nền nhạc pop, rock tây phương đã có tới ba ca khúc mang tựa đề The Power Of Love, và cả ba đều lên Top.

Bản The Power Of Love được nhắc tới trong bài này là ca khúc hiện nay đang gắn liền với tên tuổi của nữ danh ca gốc Gia-nã-đại Céline Dion, sau khi được cô thu âm trong album “The Colour of My Love” năm 1993.

Tuy nhiên có một điều mà đa số thính giả trẻ (nay cũng không còn “trẻ” lắm) lớn lên cùng với tiếng hát Céline Dion không biết, là 8, 9 năm về trước, bản The Power Of Love này đã lên Top ở Âu Mỹ qua tiếng hát Jennifer Rush, và ở Á châu qua tiếng hát Đặng Lệ Quân.

The Power Of Love nguyên là một sáng tác của nữ ca sĩ kiêm nhà viết ca khúc Jennifer Rush của Mỹ (sinh năm 1960) hợp soạn với 3 tác giả khác, nằm trong album “Jennifer Rush” phát hành năm 1984. Sau khi được tung ra dưới dạng đĩa đơn vào năm 1985, The Power Of Love trong khi chỉ đứng hạng 57 trong Billboard Hot 100 ở Hoa Kỳ, đã lên No.1 tại tám quốc gia sau đây: Gia-nã-đại, Anh quốc, Ái-nhĩ-lan, Tây-ban-nha, Áo, Na-uy, Úc và Tân-tây-lan.

Vào thời gian The Power Of Love đứng No.1 tại Anh quốc, Đặng Lệ Quân đang có mặt tại Luân-đôn, và cô đã bị ca khúc này chinh phục. Chỉ một tháng sau, The Power Of Love đã được cô hát live trong một buổi trình diễn tại Đông Kinh, Nhật Bản. Từ đó, The Power Of Love trở thành ca khúc lời Anh do Đặng Lệ Quân thu âm được yêu chuộng nhất tại Á châu.

VIDEO:

 鄧麗君 Teresa Teng The Power Of Love, 1985 Tokyo Concert.mp4

Tuy nhiên, đáng thán phục nhất vẫn là khả năng hát tiếng Nhật của Đặng Lệ Quân, một “ca sĩ ngoại quốc” nhưng lại được ghi nhận là  “ca sĩ đầu tiên đoạt Đại Giải (Grand Prix) 3 năm liền trong lịch sử ca nhạc Nhật Bản”.

Sở dĩ Đặng Lệ Quân được khán thính giả ở xứ Hoa Anh Đào ái mộ tới mức ấy là nhờ cùng với giọng mezzo-soprano đầy sức thu hút, khi hát bằng tiếng ngoại quốc, cô không hát như một con vẹt mà có sự lột tả chuẩn xác.

Nguyên ngay từ ngày còn nhỏ, Đặng Lệ Quân đã được bà mẹ, xuất thân một ca sĩ nghiệp dư, khuyên cô phải đặt nặng sự diễn tả nội dung ca khúc. Chính nhờ vậy, năm 11 tuổi cô bé đã đoạt giải nhất trong cuộc thi hát Hoàng Mai Hí – một điệu hát dân gian đòi hỏi mức diễn tả mà không phải ca sĩ hiện đại nào cũng đủ khả năng.

[Trong cuốn phim Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài  thực hiện năm 1963 mà chúng tôi đã nhắc tới trong bài kỳ trước, chỉ có Lăng Ba (vai Lương Sơn Bá) biết hát Hoàng Mai Hí, còn Lạc Đế (vai Chúc Anh Đài) đã nhép miệng theo tiếng hát của một ca sĩ chuyên nghiệp]

Muốn diễn tả một ca khúc ngoại quốc cho đạt, người ta không chỉ  phải hiểu từng chữ trong nội dung ca khúc mà còn phải phát âm chính xác. Đây là ưu điểm số một nơi Đặng Lệ Quân trong việc chinh phục khán thính giả Nhật; để chuẩn bị trình diễn hoặc thu âm một ca khúc, cô đã tập phát âm dưới sự hướng dẫn chuyên nghiệp, tới khi nhuần nhuyễn mới bắt đầu tập dợt với ban nhạc.

Sau khi đoạt giải “Ngôi sao ca nhạc mới nổi xuất sắc nhất” vào cuối năm 1974 với bản Kuko (The Airport, Xin thời gian ngừng trôi), rồi tung ra album đầu tay bằng tiếng Nhật, trong đó có ca khúc Goodbye My Love, tới năm 1984, Đặng Lệ Quân đã đoạt Đại Giải (Grand Prix) với bản Tsugunai của hai tác giả Miki Takashi & Akari Toyohisa. Đây là giải thưởng quan trọng nhất của Nhật Bản dành cho ca khúc được yêu chuộng nhất trong năm, từ Hán Việt gọi là “Nhật Bản Hữu Tuyến Đại Thưởng”.

Hiện nay, Tsugunai  đang đứng hạng 5 trong danh sách 10 ca khúc phổ thông của Nhật được yêu chuộng nhất do tạp chí online KILALA thiết lập (chúng tôi sẽ viết về Tsugunai  trong bài kỳ tới).

Qua năm sau, 1985, Đặng Lệ Quân lại đoạt Đại Giải với ca khúc Aijin (Lover, Người tình). Ca khúc này, cũng do Miki Takashi soạn nhạc, Araki Toyohisa đặt lời, đã tạo kỷ lục với 14 tuần lễ liên tiếp đứng No.1 trên bảng xếp hạng. Hiện nay, Aijin đang đứng hạng 4 trong danh sách của tạp chí KILALA.

VIDEO:

 愛人 1985 NHK 鄧麗君 テレサ・テン

Tại hải ngoại, Aijin được nhạc sĩ Lữ Liên đặt lời Việt với tựa Tan tác.

Tan tác

 Ta đưa người đi
Đường về tình chia hai lối
Nỗi tiếc nhớ khôn nguôi
Tạ từ đêm ấy đêm cuối rồi xa mãi
Biết đến nay đã sang bến nao

Tìm nhau trong cõi mơ
Hồn nghe xa vắng ai ca khúc hát năm nào
Ta nhấn phím giao Đàn buồn thương ta khóc
Tiếng hát vang trong hồn

ĐK:

Rượu rót chưa uống mà hồn đã say khướt
Em chưa đi khuất sao đã mơ hồ
Chớp mắt bỗng thấy cách bến bờ
Bóng dáng xưa khuất chân trời tím

Mộng cũ xanh ngát mà tình đã tan nát
Đêm khuya hiu hắt ta vẫn trông chờ
Một chiều nào mỏi cánh chim nhớ
Nắng xưa cũ thương chốn xưa chim về

Phụ lục 2: Tan tác, Ngọc Lan

Qua năm 1986, Đặng Lệ Quân lại đoạt Đại Giải lần thứ ba với ca khúc Toki no Nagare ni Mi o Makase (Buông xuôi theo dòng thời gian), cũng của cặp bài trùng Miki Takashi & Akari Toyohisa.

VIDEO:

 Teresa Teng – Toki No Nagare Ni Mi Wo Makase – 時の流れに身をま

Phiên bản tiếng Hoa (Quảng Đông và Quan thoại) của Toki no Nagare ni Mi o Makase với tựa đề Wo Zhi Zai Hu Ni (Ngã chỉ tại hồ nhĩ, Em chỉ quan tâm tới anh) đã trở thành một trong những ca khúc được ưa chuộng nhất của Đặng Lệ Quân, đặc biệt tại Hoa lục thời “hậu Cách Mạng Văn Hóa”.

Năm 2010, kết quả một cuộc thăm dò dư luận về những ca khúc của Đặng Lệ Quân được ưa chuộng nhất do cơ sở Teresa Teng Foundation thực hiện, Em chỉ quan tâm tới anh đã đứng hạng nhì, chỉ sau Ánh trăng nói hộ lòng tôi.

Phụ lục 3: Wo Zhi Zai Hu Ni, Teresa Teng

Sau 3 năm liền đoạt giải Grand Prix (Nhật Bản Hữu Tuyến Đại Thưởng), qua năm 1987, Đặng Lệ Quân đoạt thêm giải Minh tinh Xuất chúng (Outstanding Star Award) cho ca khúc Wakare no Yokan (Presentiments of a Break-up – Linh cảm về một cuộc tan vỡ).

Cũng với ca khúc này, năm 1988, Đặng Lệ Quân đoạt thêm giải “Cable Radio Music Award” (Hữu Tuyến Âm Nhạc).

Năm 1995, Đặng Lệ Quân được vinh danh với giải “Cable Radio Special Merit Award” về thành tích 3 năm liền đoạt giải Grand Prix của Nhật Bản.

* * *

Tới đây chúng tôi viết về “con người yêu nước” nơi Đặng Lệ Quân và ca khúc He Ri Jun Zai Lai (Hà Nhật Quân Tái Lai Bao giờ chàng trở lại).

Nguyên vào thời quốc – cộng phân tranh, gia tộc họ Đặng, trong đó có thân phụ của Đặng Lệ Quân, theo phe Trung Hoa Quốc Dân Đảng để chống lại phe cộng sản của Mao Trạch Đông. Sau khi phe Quốc Dân Đảng bị đánh bại phải chạy ra đảo Đài Loan, thân phụ của Đặng Lệ Quân tiếp tục phục vụ trong quân đội Trung Hoa Dân Quốc.

Noi gương thân phụ, sau khi nổi tiếng, Đặng Lệ Quân đã tự nguyện trình diễn thường xuyên tại các đơn vị quân đội, với những ca khúc phổ thông đương đại, những bài hát ca ngợi Trung Hoa Dân Quốc, những bản dân ca Đài Loan gần gũi với nông dân, hoặc dân ca Hoa lục để những người xa quê vơi bớt nỗi nhớ nhà, và kêu gọi người dân Hoa Lục đào thoát chế độ cộng sản. Nhờ đó, Đặng Lệ Quân được ưu ái tặng biệt hiệu “người yêu của lính”, “ca sĩ yêu nước”…

Lẽ dĩ nhiên, việc một nữ ca sĩ Đài Loan với lập trường chống cộng triệt để như Đặng Lệ Quân bị chế độ cộng sản Trung Hoa tẩy chay, lên án, là một điều dễ hiểu.

Và cũng là một điều dễ hiểu khi ca khúc Hà Nhật Quân Tái Lai do cô  thu đĩa năm 1979, đã bị cấm chỉ tại Hoa lục.

Trong danh sách 12 ca khúc điển hình của Đặng Lệ Quân do trang mạng Wikipedia thiết lập, Hà Nhật Quân Tái Lai đứng hạng nhì, sau Ánh trăng nói hộ lòng tôi – ca khúc chúng tôi đã giới thiệu trong bài kỳ trước.

Nhưng trong khi chỉ đứng hạng nhì, Hà Nhật Quân Tái Lai lại được nhắc tới nhiều nhất, tốn nhiều giấy mực nhất, bởi vì đây là một ca khúc từng bị cả hai phe quốc cộng cấm trong suốt gần một nửa thế kỷ, nhưng sau khi được Đặng Lệ Quân thu đĩa, đã được người ái mộ ở cả Đài Loan lẫn Hoa Lục, và nhiều nơi trên thế giới yêu chuộng.

Riêng tại Việt Nam, Hà Nhật Quân Tái Lai đã được phổ biến, được đặt lời với tựa đề Bao giờ chàng trở lại vào đầu thập niên 1940, được xem là một trong những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt đầu tiên. Tới cuối thế kỷ 20, tại hải ngoại có thêm một phiên bản nữa với tựa đề Sầu tương tư.

* * *

Chuyện kể về ca khúc Hà Nhật Quân Tái Lai khá dài, rất ly kỳ, và bi thảm.

Có thể viết Hà Nhật Quân Tái Lai là ca khúc bị hiểu lầm, chịu nhiều oan khiên nhất, và tác giả của nó bị đối xử tàn tệ nhất trong lịch sử ca nhạc hiện đại, trong khi trên thực tế đây chỉ là một tình khúc ủy mị, không hơn không kém!

Một cách chi tiết, Hà Nhật Quân Tái Lai nguyên là một nhạc khúc không lời theo thể điệu Tango của nhà soạn nhạc Lưu Tuyết Am (1905-1985), một tài danh xuất thân Thượng Hải Nhạc Viện, sáng tác vào năm 1936.

luu tuyet am

Lưu Tuyết Am (1905-1985)

Bản Tango này rất được yêu chuộng và phổ biến nơi các vũ trường, vì thế khi thực hiện cuốn phim Tam Tinh Bán Nguyệt (Nửa vầng trăng khuyết, ba ánh sao mờ) vào năm 1937, đạo diễn Phương Bái Lâm đã xin phép được sử dụng làm nhạc nền, và nhờ Hoàng Gia Mô, nhà viết kịch bản của cuốn phim, đặt lời hát dưới bút hiệu Bối Lâm.

Thế là ca khúc Hà Nhật Quân Tái Lai ra đời. Nội dung là lời một người con gái tiễn biệt người yêu là một quân nhân trước ngày chàng lên đường ra chiến tuyến, với nhân sinh quan cho rằng đời người quá ngắn ngủi, hãy tận hưởng mọi lạc thú…

“Bao giờ chàng trở lại? Hoa xuân sẽ không nở mãi, cảnh đẹp sẽ chẳng tồn tại với thời gian. Nỗi đớn đau đè nặng đôi mi, cố cười để quên đi nỗi sầu, nước mắt rơi cùng với những khát khao ân ái. Sau đêm nay đôi mình chia tay, bao giờ chàng trở lại? Hãy cạn hết ly này…”

Với giai điệu dịu dàng, lời hát lãng mạn, sau khi được nữ diễn viên kiêm danh ca Chu Tuyền hát trong phim Tam Tinh Bán Nguyệt, Hà Nhật Quân Tái Lai đã trở nên phổ biến một cách mau chóng, đầu đường cuối hẻm, đầu thôn cuối xóm, đâu đâu cũng nghe người ta hát tình khúc ủy mị này.

 

???????????????????????????????????????????????????????????????????????

Chu Tuyền (Zhou Xuan, 1918-1957)

[Chu Tuyền (Zhou Xuan, 1918-1957) là nữ diễn viên kiêm ca sĩ nổi tiếng bậc nhất của Trung Hoa, nằm trong danh sách 7 ngôi sao ca nhạc (Seven Great Singing Stars) trong hai thập 1930, 1940. Năm 1957, chế độ cộng sản Hoa lục phát động “Chiến dịch chống bọn hữu phái” (Anti-Rightists Campaign), qua đó “nhạc vàng” bị lên án đồi trụy tương đương phim ảnh khiêu dâm. Chu Tuyền trở thành đối tượng bị lên án kịch kiệt; sẵn mang bệnh đau màng óc, bà bị khủng hoảng và chết trong một viện tâm thần ở Thượng Hải vào tuổi 39]

Năm 1939, Hà Nhật Quân Tái Lai lại được sử dụng làm nhạc nền cho cuốn phim Cô Đảo Thiên Đường; lần này do nữ diễn viên Lê Lợi Lợi hát.

Tới năm 1941, khi một phần đất nước Trung Hoa đã bị quân đội Thiên Hoàng xâm lược, với mục đích tuyên truyền rằng tại những khu vực bị chiếm đóng, dân chúng vẫn được sống tự do yên vui, người Nhật đã tung ra phiên bản Hà Nhật Quân Tái Lai do nữ danh ca Hoa gốc Nhật Lý Hương Lan (cũng nằm trong danh sách Seven Great Singing Stars) hát, phát đi hàng ngày trên đài phát thanh, rất được quần chúng yêu chuộng.

[Cuộc đời ly kỳ và sự nghiệp rực rỡ của Lý Hương Lan (Li Xianglan, 1920-2014), tức Shirley Yamaguchi, đã được chúng tôi viết chi tiết trong bài giới thiệu ca khúc Shina No Yoru (China Night, Chiều Tô Châu) trước đây]

Nguyên tác tiếng Hoa của Hà Nhật Quân Tái Lai còn được dịch sang tiếng Nhật để Lý Hương Lan thu đĩa, phổ biến trong các doanh trại của quân đội Thiên Hoàng.

Thế nhưng sau khi chính phủ Cộng Hòa Trung Hoa (sau này gọi là Trung Hoa Dân Quốc) của Thống chế Tưởng Giới Thạch rút về Trùng Khánh tổ chức kháng chiến chống Nhật, thì tại những vùng bị Nhật chiếm đóng, những yêu nước đã đua nhau hát Hà Nhật Quân Tái Lai với dụng ý mong ngày “quốc quân” trở lại.

Nguyên chữ “quân 君” trong nguyên bản có nghĩa là anh, là chàng, phát âm giống chữ “quân 軍”, có nghĩa là quân nhân, ở đây được hiểu ngầm là “quốc quân” của Tưởng Giới Thạch!

Thế là Hà Nhật Quân Tái Lai từ một ca khúc tình cảm ủy mị đã trở thành một bài hát ái quốc! Việc này đến tai người Nhật, Hà Nhật Quân Tái Lai bị cấm hát, đồng thời phiên bản lời Nhật cũng bị cấm, viện lý do giai điệu thê lương, lời hát ủy mị sẽ khiến binh sĩ Nhật mất tinh thần chiến đấu!

Mấy năm sau (1945), khi biết chắc chắn Đồng Minh sẽ thắng, quân Nhật sẽ phải rút khỏi Trung Hoa, bộ máy tuyên truyền của quân đội Thiên Hoàng vẫn còn cố vớt vát bằng cách thay đổi hai chữ trong tựa đề Hà Nhật Quân Tái Lai: sửa chữ “Hà 何” thành chữ “Hạ賀”,  chữ “Quân 君” thành chữ “Quân軍”, để biến Hà Nhật Quân Tái Lai -何日君再來 – Bao giờ chàng trở lại  thành Hạ Nhật Quân Tái Lai -賀日軍再來 – Mừng quân Nhật trở lại, cho phát đi ngày đêm trên đài phát thanh, như một lời ước hẹn trở lại của quân đội Thiên Hoàng!

Được nhân viên tình báo nằm vùng báo cáo về Trùng Khánh, Thống chế Tưởng Giới Thạch đã đích thân ra lệnh cấm hát Hà Nhật Quân Tái Lai tại những vùng do quốc quân kiểm soát. Một số lượng lớn đĩa hát của công ty sản xuất chưa kịp bán ra đã bị tịch thu để tiêu hủy!

* * *

Sau khi quốc quân bị giải phóng quân của Mao Trạch Đông đánh bại phải chạy ra đảo Đài Loan năm 1949, đưa tới tình trạng có hai “nước Trung Hoa”, thì Hà Nhật Quân Tái Lai đã bị cấm ở cả hai nơi.

Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) cấm vì chữ “quân 君” trong nguyên bản phát âm giống chữ “quân 軍” có thể bị hiểu là Giải phóng quân Nhân dân, còn Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng) cấm vì xem đây là một bản “nhạc vàng ủy mị” (hoàng sắc ca khúc), sản phẩm của xã hội suy đồi, phi đạo đức.

Nhưng cộng sản Hoa lục không chỉ cấm tác phẩm mà còn “xử tội” tác giả.

Trong “Chiến dịch chống bọn hữu phái” (1957-1959), Lưu Tuyết Am bị phê bình, kiểm thảo, và bị liệt vào thành phần “hữu phái”. Tới thời kỳ Đại Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976), ông bị bọn Vệ Binh Đỏ đấu tố, đánh đập tàn nhẫn; vợ ông, bà Kiều Cảnh Vân, nhảy ra can đỡ, bị chúng dã man đá liên tiếp vào hạ thân, bị trọng thương, chết trong đau đớn ít lâu sau đó.

Về phần Lưu Tuyết Am, ông bị ép buộc nhìn nhận vào thời gian quân Nhật xâm lược Trung Hoa, chữ “quân” trong bản Hà Nhật Quân Tái Lai của ông chính là chữ “quân 軍” trong danh xưng “Nhật Bản Hoàng Quân – 日本皇軍”, tức Nhật Hoàng; vì thế, ông bị quy kết “đại mãi quốc tặc”, và bị đưa đi cải tạo.

Sau 10 năm trong trại “lao cải” (cải tạo bằng lao động), Lưu Tuyết Am kiệt lực, được đưa về Trường Nghệ Thuật Bắc Kinh (Bắc Kinh Nghệ Thuật Học Hiệu) để làm việc nhẹ: đổ phân và dọn dẹp cầu tiêu trong trường.

Mãi tới năm 1985, sau khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền và đề ra một số cải cách, đổi mới, Lưu Tuyết Am, lúc đó đã bị mù hai mắt, mới được thả và được phục hồi danh dự, trước khi qua đời vài tháng sau đó.

VIẾT THÊM: Chúng tôi, và chắc hẳn sẽ có một số độc giả, phải thắc mắc: Lưu Tuyết Am chỉ là người soạn nhạc, còn Bối Lâm (tức nhà viết kịch bản Hoàng Gia Mô) mới là người đặt lời hát cho ca khúc Hà Nhật Quân Tái Lai, tại sao không nghe nói tới những gì đã xảy ra cho Bối Lâm? Vì ông không nổi tiếng nên không bị chế độ cộng sản Trung Hoa chiếu cố, hay ông đã vượt thoát khỏi Hoa lục, hoặc ông đã qua đời sớm, hay là chính Lưu Tuyết Am đã viết ra nội dung ca khúc này rồi giao cho Bối Lâm soạn ca từ?!

* * *

Trong khi bị cấm tại Đài Loan và Hoa Lục, thì tại Nhật Bản, Hà Nhật Quân Tái Lai được Lý Hương Lan thu đĩa lại vào năm 1952 bằng tiếng Quan thoại và tiếng Nhật, trở nên rất phổ biến.

Năm 1955, khi thủ vai nữ nhân vật chính trong cuốn phim tâm lý nghẹt thở House of Bamboo, lấy bối cảnh Nhật Bản, do hãng phim Mỹ 20th Century Fox thực hiện, với các nam diễn viên nổi tiếng như Robert Ryan, Robert Stack, Cameron Mitchell…, Lý Hương Lan (dưới nghệ danh Shirley Yamaguchi) đã đích thân hát ca khúc này và rất được khán thính giả ở Âu Mỹ yêu chuộng.

Ly Huong Lan

VIDEO:

 “He Ri Jun Zai Lai” – [House of Bamboo, 1955]

Trong khi đó tại Hương Cảng, mặc dù cũng được một số nữ ca sĩ thu đĩa, được sử dụng làm tựa đề cho một cuốn phim của hãng phim Thiệu Thị Huynh Đệ (Shaw Brothers), được sử dụng làm nhạc nền cho một cuốn phim của nữ minh tinh Lâm Đại, Hà Nhật Quân Tái Lai đã không được nhiều người Hoa ở Hương Cảng nói riêng, hải ngoại nói chung, yêu chuộng.

Phải đợi tới khi ca khúc này được Đặng Lệ Quân thu đĩa vào năm 1979.

Như nhiều độc giả cao niên còn nhớ, Thống chế Tưởng Giới Thạch, vị cha già của nền cộng hòa Trung Hoa Dân Quốc, về mặt cai trị đã bị xem là một nhà độc tài quân phiệt. Phải đợi sau khi trưởng nam Tưởng Kinh Quốc lên kế vị cha (Đảng trưởng Trung Hoa Quốc Dân Đảng năm 1975, Tổng thống năm 1978), Đài Loan mới từng bước được “cởi trói”, về mặt xã hội cũng như tư duy.

Trong bối cảnh ấy, vào năm 1979, Hà Nhật Quân Tái Lai đã được cải biên – rút ngắn và sửa lại lời hát cho bớt ủy mị, bi quan yếm thế – để Đặng Lệ Quân thu đĩa.

Với giọng hát “bảy phần ngọt ngào, ba phần nước mắt” và cách diễn đạt của Đặng Lệ Quân, Hà Nhật Quân Tái Lai đã lên tới đỉnh cao.

Phụ lục 4: Hà Nhật Quân Tái Lai, Đặng Lệ Quân

Ngày Nào Anh Trở Lại – Đặng Lệ Quân – YouTube

Riêng tại Việt Nam, ngay từ đầu thập niên 1940, Hà Nhật Quân Tái Lai đã rất phổ biến, được nhạc sĩ Văn Chung đặt lời Việt với tựa Bao giờ chàng trở lại.

nhac si van chung 

[Văn Chung (1914-1984) thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam, trong nhóm Tricéa (Hà Nội) cùng với các nhạc sĩ bạn Doãn Mẫn, Lê Yên… Bản Bóng ai qua thềm (1937) của ông đã được ghi nhận là một trong những tình khúc đầu tiên, và hay nhất, của nền tân nhạc VN]

Trong Hồi ký Phạm Duy, Phần 1, Chương 15, viết về những bước chân vào đời của chàng du ca nhạc sĩ 20 tuổi, Phạm Duy kể lại vào năm 1941, quân phiệt Nhật đang tiến hành công cuộc xâm lược toàn vùng Đông Nam Á, chàng theo gia đình về sống ở Hưng Yên, nơi chàng “có rất đông bạn chứ không phải chỉ có vài ba người như khi còn ở Hà Nội”.

Phạm Duy hồi tưởng:

… Chúng tôi rất thích hát những bài hát Nhật như Mori No, Kohan No Yado. Lúc đó bài Thu trên đảo Kinh Châu vừa được Lê Thương soạn ra với một âm giai Nhật Bản và lập tức được chúng tôi hát luôn mồm…

Phụ lục 5: Thu trên đảo Kinh Châu, Duy Trác

Ông viết tiếp:

…Lúc đó người Nhật đem vào Việt Nam hai bài hát thịnh hành là Hà Nhật Quân Tái Lai (Bao giờ chàng trở lại) và Shina No Yoru (Đêm Trung Hoa). Tôi rất thích bài Hà Nhật Quân Tái Lai với lời Việt của Văn Chung:

Đi chớ để hình bóng

Cùng vết thương ở trong lòng…

Không cứ gì ông Tuần phủ Lê Đình Trân, ai nghe tôi hát bài này cũng phải mê tôi cả. Qua những buổi nhạc hội, tôi đã nổi tiếng là hát hay tại nơi tỉnh lỵ bé bỏng này… (ngưng trích)

Rất tiếc, theo chúng tôi được biết, sau năm 1954 tại miền Nam VN, đã không có ca sĩ nào thu âm phiên bản tiếng Việt Bao giờ chàng trở lại của Văn Chung. Về lời hát, dù chúng tôi đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu cũng không thấy một tài liệu nào ghi lại.

Cách đây khoảng 5, 6 năm, một số trang mạng của người Việt hải ngoại đã phổ biến bài viết nhan đề Hà Nhật Quân Tái Lai – Bao giờ anh trở lại của tác giả Phạm Xuân Hy, viết tại Paris vào đầu năm 2011.

Mở đầu cho bài hồi ức đầy thú vị và biên khảo công phu của mình, tác giả viết:

« Hà Nhật Quân Tái Lai – Bao giờ anh trở lại »

Là tên một bài hát nổi tiếng bằng chữ Hán, mà tôi thường vô ý thức nghêu ngao hát « nhái » mấy câu tiếng Việt, lúc còn là một cậu học trò trường làng, mười một mười hai tuổi, cách đây mấy chục năm:

Em lấy chồng sao em không nói,

Để anh theo anh ghẹo em hoài

Cũng như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa với tôi lúc bấy giờ, chúng tôi vẫn thường đem lời hát này ra để trêu đùa những cô gái cùng xóm với mình. Âm điệu của câu hát này này cho đến bây giờ, tuổi đời tôi đã ra ngoài thất thập cổ lai hy rồi, vẫn như còn lãng đãng sống trong trí nhớ của tôi… (ngưng trích).

Ở một phần sau, tác giả Phạm Xuân Hy đã ghi lại lời hát Bao giờ anh trở lại  theo ký ức của một người bạn già của ông như sau:

Đi để lại hình bóng

Gợi nhớ thương dào dạt trong lòng,

Em nhắn nhủ thời gian

Đem đến trả tình quân

Ai biết chăng êm đềm gió thu

Ai biết cho lòng em âu sầu

Như lá thu vàng vừa rơi

Lướt trên hồ đằng xa

Còn mong sẽ có một tương lai nữa nhỉ

Giữ duyên khỏi phai

Mai kiếp phong trần lôi kéo đời

Em nhắn nhủ tình quân

Đi lại một kỳ tới xuân…

So sánh hai câu đầu Đi để lại hình bóng – Gợi nhớ thương dào dạt trong lòng… với hai câu Phạm Duy ghi lại ở trên (Đi chớ để hình bóng – Cùng vết thương ở trong lòng…) không đủ để chúng ta đi tới kết luận ngày ấy Hà Nhật Quân Tái Lai có tới hai phiên bản lời Việt hay chỉ có một của Văn Chung rồi bị tam sao thất bổn?

Nhưng dù có một hay hai, cũng là một điều thật đáng tiếc khi sau này tại miền Nam VN (theo sự tìm hiểu của chúng tôi) đã không có ai thu âm Bao giờ chàng (anh) trở lại.

Về sau tại hải ngoại, Hà Nhật Quân Tái Lai  đã được Julie (Quang) đặt lời Việt với tựa Sầu tương tư.

Sầu tương tư

 Son phấn nào đâu em mơ tới,

Em vắng đi nụ cười.

Cho héo sầu dung nhan,

Cho đất trời cuối cùng buồn lây.

Chim hỡi chim nay đừng hát ca,

Hoa lá kia còn xơ xác sầu.

Mưa nắng đất trời luôn thay đổi lẽ thường tình,

Còn em sầu thương nhớ, sầu thương ai, nhớ ai

Khiến cho hương nhạt sắc phai.

 NÓI:

 Nắng mưa là bệnh của trời,

Tương tư là bệnh con người em ơi.

 Thôi hãy cùng nhau cạn ly

Xin một nụ cười để đời thắm tươi…

Sầu tương tư được Julie thu vào CD “Thanh Lan 10”, phát hành năm 1989; và sau đó được nhiều nữ ca sĩ khác thu âm, như Kiều Nga, Lưu Hồng, Như Mai, Linda Trang Đài…, trong số này có những cô hát cả lời Việt lẫn lời Hoa; đồng thời Sầu tương tư cũng trở thành một bản karaoke khá thịnh hành.

VIDEO:

 Sau Tuong Tu – Julie – CD Thanh Lan 10

Phụ lục 6: Sầu tương tư, Kiều Nga

Phụ lục 7: Sầu tương tư, Lưu Hồng

 

HOÀI NAM

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 – Hồi ký Phạm Duy

– Hà Nhật Quân Tái Lai – Bao giờ anh trở lại, Phạm Xuân Hy

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search