T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Thanh Sơn: Mùa Trăng

Thác Đá Đen -Phú Yên

         Thác Đá Đen (Phú Yên) – Tranh: Mai Tâm

Cứ vào độ trăng non, con nước dòng sông quê tôi, cảng cá Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định,  ghình lên, dập dềnh nước thủy triều, sóng lăn tăn gợn như tấm lòng bao con người ở đây, đợi chờ những con tàu về bến.

Cảng cá Tam Quan Bắc là nơi dung chứa nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhiều nhất trong tỉnh, hơn hẳn cảng cá Qui Nhơn, cảng Đề Gi.

Chúng tôi, những con người cùng xóm láng giềng, cứ đến mùa trăng là có dịp hí hố, gọi nhau. Thằng Thanh, cơ thể gầy, nhỏ thó so với bạn bè cùng lứa. Nó có màu da đen nhẻm, màu chì, lại luôn ngụp lặn sông nước nên da nó càng đen thêm. Thằng Dung cao to, chắc khỏe. Thằng Cảm cao nhong nhỏng , nó có thói quen là muốn nói điều gì thì hất nhẹ mái tóc trông rất điệu nghệ. Còn vài thằng nữa,  nhưng ít chơi thân. Nói chung, chúng nó là những con người chân chất, thật thà, ăn sóng nói gió, những người con thàng hậu đất Bình Định. Chúng nó quý mến tôi nên mỗi mùa trăng về, có món đặc sản của biển, là tôi lại được mời gọi để ăn nhậu, để nghe chúng nó kể lể về nỗi nhọc nhằn, vất vả, những buồn vui bất tận của những chuyến biển xa.

Tại sao phải chờ đợi mùa trăng? Là vì theo cách đánh bắt cá ngừ đại dương (cá bò gù) của ngư dân hiện nay là đợi tối trời, tàu vượt ra trùng dương mênh mông, dùng đèn cao áp với công suất lớn,  dụ cá đến đèn để câu, khi vừa có trăng lại lục đục về bến. Cách này ít tốn công,  năng suất cao, không phụ thuộc vào mùa vụ.  Nó khác với cách câu giàn là móc mồi bủa giăng dài, rất tốn kém công sức, lại phụ thuộc vào mùa cá chính vụ (từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau). Ngư dân ta từ cái khó ló cái khôn, luôn tìm mọi cách để tồn tại.
***

Bữa tiệc được dọn ra sau chái bếp nhà thằng Dung. Dọn ngay trên nền gạch, vẫn món ăn cũ, gỏi cá ngừ đại dương (cá bò gù).
Thằng Thanh nhanh nhẩu, mau miệng:
– Anh Ba, cá mới dọn ra, anh làm với tụi tui vài cuốn.
– Mồi mới hả, trông rất ngon.  Tôi hỉ hả.
– Nhiều “lém”, còn hai dĩa bự để trong tủ lạnh. Anh cứ vô tư.
Cá bò gù được xắt lát mỏng, xếp đều trên dĩa, màu huyến dụ như được cấp đông với độ lạnh cao. Thằng Thanh lăng xăng với túi đậu phộng đã được giã nhuyễn rắc lên dĩa cá. Rổ rau cải cay còn mọng nước, tươi rói, khế và vài lát chuối chát, món chấm là tương, xì dầu, mù tạt . Bàn tiệc bày biện tiện lợi, đơn giản, nhẹ nhàng và nhanh gọn. Món ăn này trước đây đâu được ưa chuộng vì loại cá này dân tôi ngày trước coi rất rẻ, chỉ biết nấu canh chặt to kho mặn nên ăn rất dở. Khi ăn chỉ dùng phần ngon, còn lại thì phơi khô làm thực phẩm cho gia súc hoặc làm mắm. Từ khi kinh tế mở cửa giao thương với nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,ta “du nhập “ cách ăn sống của họ như ngày nay.

– Anh Ba, làm trước một cuốn. Nó đẩy chồng bánh tráng mỏng về phía tôi, kèm theo chổng rượu dầm thuốc. Thằng Thanh nói.
– Đù mẹ, chuyến biển này lỗ nặng. Cả nửa tháng trời đi không lại về không. Được
vài con cá, có một tin nhắn thì đéo có tiền bù dầu.

Tại sao lại có “ tiền bù dầu”. Là cách nhà nước hỗ trợ cho ngư dân đi đánh bắt xa bờ, bảo vệ lãnh hải.  Có một  thời, chính quyền địa phương cho thành lập một đội tàu, có cả tàu sắt được trang bị nhu cầu thiết thiết yếu được nhà nước bảo trợ, như đoàn quân tiên phong giữ gìn biển đảo. Bây giờ tàu sắt sặc máu bởi  dùng sắt dỏm, kém chất lượng, chưa sử dụng đã muốn bỏ bãi, có chủ tàu bỏ của chạy lấy người.

Có những kẻ chơi ngông

Xung phong ra biển Đông

Làm người lính đi đầu

Đuổi giặc bằng tay không

– Mẹ nó, những năm trước làm ăn dễ dàng bao nhiêu thì bây giờ ngày càng khó. Thằng Dung bồi thêm. Những năm trước làm ăn saomà sướng thế. Thuyền tao nằm bờ, gởi máy theo tàu thằng bạn ra tọa độ x, y, nhắn tin về cho bọn kiểm ngư. Thế là có tiền bù dầu.

Sướng nhé. Ăn đi chớ, mấy “lẽo” (lão). Còn cái chổng rượu kia nữa. Đã uống là uống cho đều, chạy đều, đừng để rượu nó dừng. Thượng điền tích thủy hạ điền khan, đồng trên tích nước, đồng dưới khô ran.
– Bày đẹt (đặt) nói tiếng Hán, en (ăn) theo bọn Tèo (tàu) khựa. Háng rộng á. Thằng Thanh cà khịa. Anh Ba đừng nghe tụi nó. Anh ăn,  ăn thiệt tình , ăn vô tư. Còn hai dĩa để trong tủ lạnh, sợ hết rượu chớ không sợ hết mồi.  Có  thằng Tàu khựa  quậy tưng bừng ở biển Đông, nên mấy ổng mới cho mình tiền bù dầu. Nếu không, chết cả đám. Thuyền đóng ngày càng nhiều, ở con sông quê mình có 2300 chiếc, nhiều nhất tỉnh. Đóng tàu đi biển thời điểm này chủ yếu là lấy tiền bù dầu. Nếu sau này mấy ổng cắt tiền bù dầu thì chỉ có đốt, đốt hết. tàu gỗ chưa ăn ai, bày đặt đóng tàu  ‘sét’. Chớ cá đâu còn nhiều để đánh bắt. Tháng nào tụi này cũng có mặt ở biển. Không riêng gì mình, còn tàu của các tỉnh khác. Mấy thằng có gan trời nên qua tận Phi, Mã Lai ăn cắp cá của nước họ về làm giàu. Tui không có gan làm chuyện đó . Có ít ăn ít.
– Trăng này mày được bao nhiêu con cá, Dung ? Tôi hỏi.
– Vừa đủ tiền dầu. Mình đi biển mùa này cốt nhắn tin lấy tiền bù dầu là chính, đánh bắt cá được chăng hay chớ. Nếu “bà cậu” thương cho vài tấn cá thì tốt.  Nói đến đây đôi mắt Dung mơ màng nhớ về những mùa đánh bắt của những năm trước. Cứ độ này, đoàn tàu rời bến, đến tọa độ 111 độ 30 hướng đông bắc Hoàng Sa hay đông nam Trường Sa là bắt đầu nhắn tin về trạm kiểm ngư. Tùy theo công suất máy, 300 cv có năm mươi triệu một tin nhắn. Mình thay đổi máy công suất 5oo cv, một tin nhắn là có một trăm triệu tiền bù dầu, tiền bảo vệ chủ quyền, tiền làm người lính đi đầu bảo vệ biển đảo. Nếu “bà cậu” thương cho vài tấn cá, một chuyến biển nửa tháng, cầm trong tay năm ba trăm triệu khỏe không. Bây giờ hả, đồ chó, bọn kiểm ngư nó ngồi nhà, nó biết tàu mình đi đâu, về đâu, ở vùng biển nào. Một tin, ba tin cũng bằng không. Phải đúng bảy tin. Có tin nhắn lúc được , lúc không. Đồ chó!.
– Thôi ăn đi mấy cha, bày đặt nói hoài. Thanh cự nự. Ngư dân bám biển, Hải Quân nó bám bờ mà. Năm trước, tàu mình bị bọn khựa nó rượt. Cũng ở ngư trường cũ, mình vừa chong đèn, giàm tàu chuẩn bị câu thì ở đâu đó, hai chiếc tàu khựa lù lù đến. Mình tắt đèn, kéo giàm, nổ máy chạy.  Nhưng sức mình có hạn, nó chặn tàu mình rồi xịt nước, xịt tơi tả, chúng cố nhận chìm tàu mình. Tàu ngất ngư, nước ngập gần nửa khoang, nó bỏ đi. May nhờ “bà cậu”che chở, lại máy bộ đàm còn tốt, gọi đồng đội tới cứu. Hú hồn.
– Nói thiệt tệ thiệt dở chớ tau cho thằng Tàu khựa nó quậy biển Đông tưng bừng hoa lá. Nó quậy là anh em mình còn tiền bù dầu, là ta còn đi biển, đi để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ biển đảo. Tàu tao chỉ cần hai cha con. Cha tài công, con phụ máy. Cứ ra đúng ngư trường x, y nào đó, nhắn đúng bảy tin. Tàu tau, 21 m, công suất 500 cv. Cứ mỗi trăng nhận trăm triệu tiền bù dầu, là đủ. Khỏi câu kiết làm chó gì. Dung lên giọng chắc nịch.
Thằng Cảm  ngồi thừ, hóng chuyện. Nó vuốt nhẹ mái tóc.
– Chắc tau nghỉ biển quá, kiếm nghề bờ làm, hoặc làm nghề lộng. Đi khơi hoài chán quá. Đêm nào cũng ngồi dưới chục cái bóng đèn cao áp dụ cá, sức nóng và độ sáng của nó, mình đồng da sắt cũng phồng rộp, mắt cũng mờ đi. Nhưng nghề lộng cá ngày càng ít, lại môi trường bị ô nhiểm. Ở biển nếu không bám biển, lấy gì sống! Ôi, biết đi đâu về đâu đây mấy cha, tính hoài nó hổng ra.
– Ý mày là bây giờ mày mắt mù cu điếc rồi hả Cảm. thằng Dung cà khịa.
–  Cu điếc chớ còn gì nữa, nó có còn cương cứng như hồi xưa đâu. Dưới ánh sáng đèn cao áp nó giết chết hết tinh trùng mình rồi. Ở ngòai biển nửa tháng trời, mệt mỏi, rã rời. Về nhà vài bữa lại đi, còn “làm ăn” gì được. Hu hu. Thằng Cảm rầu rỉ, giả bộ khóc.
– Ngày nào tàu mày đi biển vậy Cảm?
– 17 hay 19 gì đó.  Ngày 19 âm lịch hàng tháng có con nước thủy triều, ghình nước con. Cồn ngoài cửa nước cạn, lại tốn tiền nhờ bọn đầu nậu kéo ra. Cửa mình cửa ta quá chán. Dân mình đúng là dân ngu khu đen, có miệng ăn mà không có miệng nói. Ai đời cái bờ kè chắn sóng bỏ tiền tỷ tỷ,  cửa cạn vẫn hoàn cạn, lại còn mang cái danh “cửa tử Tam Quan”. Nói thì tụi nó cho mình là phản động. Đù má! 17 lấy tốn phí, 19 lên đường. Dầu, đá lạnh và các nhu yếu phẩm khác năm sáu chục triệu, hai trăng rồi mốc meo, vừa đủ tổn phí. Có bảy tin nhắn hợp lệ nhưng chưa nhận được đồng nào. Vợ cằn nhằn , “em út” nó úp máng. Làm cho lắm tắm không có quần thay.

Cửa biển Tam Quan sao còn gọi là “cửa tử”?

Cửa biển quê tôi ngày trước có tên là cửa Kim Bồng, có rặng Kim Bồng nhô ra biển. Con thuyền nào muốn vượt biển phải qua ba ngọn sóng cồn, ba lần ứng thí. Muốn vượt qua nó phải đợi con nước lớn. Nếu gặp con nước rươi, nước ròng, cửa biển chỉ là con lạch nhỏ. Mười năm trước, chính quyền sở tại có chủ trương xây bờ kè chắn sóng chạy dọc theo dãy núi Kim Bồng. Bờ kè xây xong nhưng cửa cạn vẫn như cũ. Cái quy trình thiết kế công trình này nó sai sai cái nào đó, gỡ không nổi, nhất là cái cồn ngoài, luôn luôn bị cạn. Ngày trước, khi chưa có bờ kè chắn sóng,  nếu thuyền bị cạn thì nằm chờ, đợi con nước lớn đi tiếp. Còn bây giờ nếu gặp con nước cạn, nhất là những mùa giông gió, thuyền có nguy cơ va đập vào kè đá, chỉ tích tắc, sản nghiệp tan tành theo bọt nước. Mỗi năm cũng có ít nhất vài vụ tai nạn xảy ra. Ngư dân ta gọi cửa  tử Tam Quan là như vậy.

Gỡ bí cho cái cửa biển luôn bị cạn, chính quyền địa phương cho nạo vét dòng chảy bằng cách hút cát. Nhưng hút cát trong sông còn cát cồn ngoài thì vẫn để nguyên đấy. Cát theo xe cứ chảy nghìn nghịt khắp mọi nẻo đường, bờ bãi ngày càng bị xói mòn, teo tóp. Dân ta nói đố có sai “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”.
– Mày không muốn đi khơi nữa thì tập cho con mày. Thằng nhỏ học lớp mấy ?
– Lớp 6, nó còn nhỏ quá mà.
– Nhỏ gì, mấy đứa chòm trên còn nhỏ nữa là.
– Chúng nó được dăm ba chữ, đi biển vài năm là quên tuốt, tuốt luốt. Thế hệ đời con mình dốt, dốt đặc. Cho chúng ra đời sớm, kiếm được đồng ra đồng vô lại sinh lắm chuyện. Nhậu nhẹt, ăn chơi, đĩ điếm. Sau này làm phu cho bọn ăn trên ngồi trốc, y chang như đời chúng mình bây giờ.
Tôi ngồi ăn vừa nghe chúng nó nói. Cuốn gỏi cá ngừ chấm quá nhiều mù tạt, hay vì câu chuyện mà khiến  nước mắt tôi chảy tùm lum tà la. Tôi cố uống hết chổng rượu và lon bia, tiêu chuẩn “mẹ bồng con” mà nghe lòng mình chùng lại.
– làm thêm vài ly nữa chớ, anh Ba ?
– Thôi đủ rồi, cảm ơn.

Nguyễn Thanh Sơn

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search