T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Nhà ta ở phường Hà Khẩu

clip_image002

(đình Vọng Cố Hương)

Dẫn nhập:

“Trần Thủ Độ soán ngôi nhà Lý, Lý Long Tường, con thứ của Lý Anh Tông (1138-1175), mang đồ thờ cúng chạy ra biển cửa Thần Phù, Thanh Hóa. Sau đến bến Phú Lương Giang, tỉnh Hoàng Hải (Hwang Hac) thuộc bắc Cao Ly năm Bính Tuất 1226 và được Cao Tông (Kojong) cho định cư ở đây.

Sau Lý Long Tường giúp Cao Tông đánh quân Mông Cổ nên được phong tước hầu và lập bia Thụ Hoàng Môn Bi Các, dân trong vùng gọi là Bạch Mã Tướng Quân, núi này được đổi tên là Lý Hoa Sơn. Nhóm di dân lập lên ba làng Giao Chỉ, Đại Việt và Đinh Hải có luỹ tre bao bọc và đình Vọng Cố Hương, với kiến trúc trạm trổ nét hồi văn đời Hậu Lý. Trước khi mất, Lý Long Tường để lại bộ sách chữ Nho, mô tả đời sống nước ta vào thời ấy.

Dòng họ Lý kéo dài ở đây cho tới nay đã hơn 27 đời”

***

Một ngày ở Bình Nhưỡng, bắc Cao Ly: năm 2075.

Cụ Lý bần thần từ sáng đến giờ vì chuyện từ thư tịch dòng họ Lý, cụ vô tình tìm được bài viết cách đây đúng 100 năm (1975) có tựa đề Hà Nội một thoáng hương xưa của cụ Ngộ Không. Đọc xong cụ phân vân, bài tản bút của cụ Ngộ Không đây quả là sính chữ, chữ nghiã cắt tiả như gọt củ thủy tiên, từng mầm mới nhú, từng lọn lá non. Vì thổ ngơi mịt mùng gió mây, tuổi hạc cụ đoán chừng đồng canh đồng tuế với cụ bây giờ thì phải…

Với niềm u hoài vọng cố hương, cụ bấm đốt ngón tay đến đời cô Chiêu đã 27 thế hệ. Cụ Lý như bị thôi thúc từ cầu sấm truyền “Lý đi rồi Lý lại về” để cụ có giấc hương quan mơ luống mẫn canh dài là dẫn cô con gái rượu về lại đất của dòng họ Lý, làng Cổ Pháp, Trấn Kinh Bắc. Cụ muốn cô con về thăm quê cha đất tổ, phần mộ gia tộc, nhà từ đường, để cô Chiêu tìm về với cội nguồn. Riêng cụ với Thăng Long xưa…, nhờ gối đầu trên giá sách trong thư tịch bấy lâu nên địa danh, niên kỷ…Nói cho ngay với cụ như cá bỏ giỏ cua.

Ấy vậy mà lây lất ở Bắc Ninh cả tháng trời, mấy bữa rày cụ Lý và cô Chiêu mới có mặt nhà từ đường thuộc chi cụ cố tổ Lý Long Tường của cụ bên Quảng Bá. Họ hàng xa gần, nhánh này, tông kia tấp nập đến thăm nên mãi đến hôm nay….Sáng nay cụ mới dẫn cô con lần mò theo con đường làng Nghi Tàm khúc khuỷu, mái tranh mảnh vườn, bờ mương ao cá, gì cũng lạ lẫm. Vừa lững thững đi, chỉ khoảng không gian trước mặt, cụ nói chuyện với cô Chiêu như nói chuyện với một người bạn vong niên lâu ngày không gặp…

Cố đô Thăng Long có làng mạc bao bọc chung quanh. Vua quan sống trong hoàng thành, làng mạc rải rác như làng Kẻ Noi, làng Kẻ Mơ…Thấy cô con ngó quanh quẩn chả thấy bóng dáng…kẻ này, kẻ nọ đâu? Cụ ôn tồn giải lẽ: “Kẻ” tiếng Việt cổ chỉ nơi chốn, sau gọi là làng. Kẻ Noi là tiếng Nôm, tiếng Hán là làng Cổ Nhuế. Phố ở Thăng Long khởi đầu chỉ có hai phố Hàng Bừa, Hàng Cuốc, sau có thêm ba phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường là phố chính của phố cổ được gọi là Kẻ Chợ để phân biệt Kẻ Sặt, Kẻ Lủ ở vùng quê.

Cô Chiêu lẫn đẫn vậy chứ làng Kẻ Mơ, làng Kẻ Noi mua bán gì. Cụ Lý cười hụt mà rằng sự thể này phải hỏi cụ Ngộ Không. Cứ theo cụ ấy thì làng Kẻ Mơ bán rượu mơ, mà uống rượu mơ chỉ uống với mấy quả mơ xanh, tươi, giòn. Làng Kẻ Noi gánh thúng vào nội thành Hà Nội, lấy phân về ủ cho hoai để làm phân bón. Bởi thế xưa có câu “Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế” là nói về nghề này. Khi vua Lê Thánh Tông vi hành thăm miếu thần hoàng có thờ đôi quang gánh và đôi đũa tre gộc để gắp phân. Vua ban cho làng câu đối: Khoác tấm áo bào, giang tay gáng vác thiên hạ, vung ba thước kiếm tận thu lòng dạ thế gian là thế đấy.

Vừa xong chuyện làng Cổ Nhuế là tới đường Cổ Ngư. Cụ dắng dỏi “cổ” này khác: Năm 1620, đời vua Lê Thần Tôn, dân hai làng Yên Phụ, Yên Quang đắp đập chắn ngang một cái hồ rất lớn, và đặt tên đập là “Cố Ngự yển”. Hán tự cổ là vững bền, ngự là chống giữ, yển là đập. Con đường này vì giống…cổ ngựa nên dân làng gọi trại là…”Cổ Ngư”. Cụ tiếp: Hồ xưa tên Dâm Đàm. Cụ lật bật rằng “dâm” đây không có nghĩa phong tình cổ lục mà là…dâm mát. Tuy vậy, năm 1573, vua Lê Thế Tông vì tên húy của vua là Duy Đàm, nên đổi tên là Tây Hồ..

clip_image004

Hồ Tây

(ảnh chụp năm 1886 của Hocquard)

Chỉ con đường nhân gian trước mặt, cụ dông dài…

Nếu Thăng Long xưa là nơi chốn của nghìn năm văn vật thì Tây Hồ là đất văn học quyện vào nhau cùng lối xưa xe ngựa cũ hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương. Dưới bóng mát của một thời nho học, bà Huyện Thanh Quan quê làng Nghi Tàm, theo chồng làm quan tận Đàng Trong. Cảnh đèo Ngang bóng sế tà, không làm bà nguôi ngoai cảnh Tây Hồ với một vũng tang thương nước lộn trời. Vì hành cung Trấn Quốc không còn nữa, chỉ còn ngôi chùa Trấn Bắc ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng ngậm ngùi bao lớp sóng hưng phế. Bà mất ở quê nhà, nay chẳng một ai hay biết mồ hoa cỏ lục ở đâu. Lại nữa, với thuở trời đất nổi cơn gió bụi, khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên, chẳng ai hay ở nơi chốn này có thêm phần mộ của bà Đoàn Thị Điểm. Bà theo chồng làm quan ở Nghệ An và mất ở đấy. Thi hài bà mang về quê chồng đất Kinh Bắc. Nhưng đến Thăng Long, vì chiến chinh, giặc giã nên đành phải an táng ở Tây Hồ. Mộ chí của bà sau bị đất lở, đất chùi nên nay không còn dấu tích. Nhưng năm 1982, mộ bà tình cờ được tìm ra ở dưới một đống rác của làng Nghi Tàm.

Tiếp đến, cụ lại dài dòng với cô con…

Với những đổi thay, đến đây thầy mới thầm phục vua Quang Trung khi có mặt ở Bắc Hà. Có một ông tiến sĩ họ Đỗ, để lấy lòng vua mới, xin đổi hồ ra tên khác, ngài trả lời:

“…Tây Hồ là thắng cảnh của người Thăng Long, người Thăng Long vẫn yêu mến và lưu luyến với Tây Hồ, lẽ nào nay vì trẫm lại đổi tên hồ đươc. Khách Tây Sơn, cảnh Tây Hồ, cũng là duyên kỳ ngộ, cảnh chẳng phụ người, làm sao người phụ cảnh…”.

Nhắc đến Nguyễn Huệ gốc họ Hồ thì chẳng quên người em họ năm đời cùng một ông tổ là của ngài là bà Hồ Xuân Hương. Giọng cụ đều đều về một cõi xa xăm:

Ngôi nhà của nữ sĩ họ Hồ là Cổ Nguyệt đường ở làng Nghi Tàm, nơi đó bà từng tiếp các bạn văn thơ như Nguyễn Du, Trần Quán, Tốn Phong. Cũng như bà Đoàn Thị Điểm, bà theo chồng là Trần Phúc Hiển làm quan tại Quảng Yên và mất ở đấy. Ba năm sau, di cốt đưa về chôn ở nghĩa địa ngay sát Hồ Tây. Tùng Thiện Vương ra Bắc nhắc tới ngôi mộ bà có hai câu: Chớ trèo qua mộ Xuân Hương, suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng. Nhưng vì đất chùi cát lở, nghĩa địa nằm sâu dưới Tây Hồ nên cũng chẳng còn dấu tích.

Chỉ chùa Kim Liên gần nhà bà Hồ Xuân Hương, là nơi người tự trăm năm thường đi lại. Bài Quá Kim Liên tự, trong Đông dã học ngôn thi tập của người tự trăm năm, ông viết: Bèo dạt làm thân khách cố kinh, Kim Liên qua lại đã bao lần. Trong Tang thương ngẫu lục có bài ký tả cảnh chùa Kim Liên làng Nghi Tàm: “Mùa thu năm Đinh Tỵ (1797) tôi cùng các ông Nguyễn Thạch Hiên, Nguyễn Kính Phủ, Hoàng Hy Đỗ đến vãn cảnh chùa Kim Liên ở làng Nghi Tàm”. Bài viết ký bút hiệu Tùng Niên, ngày xưa năm ấy người tự trăm năm cùng các bạn đến thăm Cổ Nguyệt Đường và Xuân Hương, khi ra về ghé thăm cảnh chùa Kim Liên.

Bỗng không cô con dẻo miệng hỏi “người tự trăm năm” là ai? Cụ đáp ấy là “người viết truyện: Nhà ta ở phường Hà Khẩu.. ”. Cụ định cho cô con biết thêm nữa thì vừa lúc đến…

Đến chùa Trấn Quốc, cụ ngược dòng lịch sử với con: Thời Bắc thuộc, Lý Bí quê ở Thái Bình, năm 544 đánh bại quân nhà Lương, lấy đế hiệu là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở thành Long Biên bên cửa sông Tô Lịch. Ngoài ra Lý Nam Đế còn xây chùa Khai Quốc nghĩa là “mở nước” ở sát bờ sông Cái. Đời Lê Kính Tông vì bãi sông lở, vua dời chùa vào hòn đảo Cá Vàng ở Tây Hồ hiện nay và đặt tên là chùa Trấn Quốc. Năm 1884, vua Thiệu Trị đổi là Trấn Bắc. Nhưng cư dân vẫn quen gọi tên cũ là chùa Trấn Quốc.

Cô Chiêu hỏi cụ Lý nay ở cửa sông Tô Lịch còn di tích nào chăng? Cụ đáp sau này có phường Hà Khẩu của người tự trăm năm. Và gần đó cầu Long Biên bắc qua sông Hồng.

Có chùa, có đền thì phải có miếu…Cụ muốn kể cho cô con miếu Đồng Cổ…

Qua cầu sông Tô Lịch, tới làng Đông là gặp miếu Đồng Cổ. Miếu được Lý Phật Mã dựng lên năm 1020. Sau các vua nhà Lý cứ đến ngày mồng bốn tháng tư dẫn các quan ra miếu Đồng Cổ để thề: Làm tôi bất trung – Làm con bất hiếu – Thần minh chu diệt. Học theo tập tục này, trai gái cũng kéo nhau ra miếu cắt cổ gà để thề thốt Một duyên hai nợ ba tình – Chúng con gắn bó xin thần chứng minh. Nhưng cụ không kể nữa vì năm 1960, họ vào miếu mang đi ba cỗ ngai cổ sơn son thếp vàng cách đây 300 năm cùng chuông, chiêng, bình, lộc. Họ nói vì…thất lạc. Vì là miếu Đồng Cổ, ban văn hoá thay thế bằng…trống đồng cổ. Gần đây có bài biên khảo dài hơi dây chữ viết: “Miếu Đồng Cổ thờ trống đồng từ thời Lý, v…v…”.

Đi hết đường Cổ Ngư, cụ đưa cô con đền Trấn Vũ mà rằng:

Năm 1676, chúa Trịnh cho đúc tượng thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, một trong bốn vị thánh trấn giữ bốn cửa ngõ của thành Thăng Long vì vậy còn có tên khác là Quán Thánh. Tượng Trấn Vũ trong đền đúc bằng đồng đen có hình dáng một người ngồi, chân không giày dép, tay chống gươm lên lưng rùa. Năm 1821, vua Minh Mạng đổi tên là Chấn Vũ Quán.

Bước ra ngoài cụ lào thào với cô con: Theo nhà văn Tô Hoài có nhiều tên phố viết sai khiến người đọc sai rồi không sửa được nữa, như phố Trần Khát Chân viết sai là Trần Khắc Chân. Riêng phố Quán Thánh có nhiều người gọi là phố Quan Thánh. Vì Trấn Vũ nằm trên đường Quán Thánh nên cũng bị gọi nhầm là đền Quan Thánh. Khác với chùa Quán Sứ ở 73 phố Quán Sứ xưa kia là “quán trọ” của các sứ thần. Có người nhiều chữ còn dựng chuyện chùa thờ Phật, “quan” là nơi chốn thờ thần và người. Như “quan phu” là người có vợ chết. Hay “quan” chỉ “minh tinh nhà táng” cho đám ma như quan tài là…áo quan.

Ra cổng, trong khi ngồi đợi bánh tôm Hồ Tây, cô dẽ dàng chuyện đổi tên. Cụ lụi hụi:

Năm 1802, vua Gia Long cử Nguyễn Văn Thành làm tổng trấn miền Bắc và đổi thành Thăng Long là Bắc Thành. Nhưng nguồn khác dẫn chứng từ văn thư tấu lên vua Quang Trung, Ngô Thì Nhậm viết Thăng Long là “Bắc Thành”, từ đó trong văn học sử Thăng Long được gọi là Bắc Thành để…thành tên. Như thầy vừa đảo qua vừa rồi vua Quang Trung nói: Tây Hồ là thắng cảnh của người Thăng Long, (…), lẽ nào nay vì trẫm lại đổi tên hồ đươc. Không như vua Minh Mạng năm 1832 hết đổi Tây Hồ thành Hồ Tây đền Bắc Thành thành Hà Nội là chuyện bình thường. Chuyện không bình thường là vua đổi đền Trấn Vũ là Chấn Vũ Quán. Và tỉnh Cầu Đơ là Hà Đông. Trong khi Hà Đông nằm ở phía “tây” Hà Nội.

Ngẩng lên trời nhìn mây bay gió thổi một lát, cụ Lý như lạc đường vào lịch sử:

Nhân mùa thu năm 1010, tiên đế Lý Thái Tổ ta về Cổ Pháp thăm quê. Nghe lời khuyên của sư Vạn Hạnh dời đô về thành Đại La, nên mới có Thăng Long thành. Chung quanh thành có ba con sông là sông Hồng, Tô Lịch và Kim Ngưu. Năm 1475, sông Hồng bao quanh Thăng Long đê bị vỡ, cả kinh thành lụt lội ngập dưới nước. Thêm chúa Trịnh đánh nhau với nhà Mạc, tiếp đến vua Lê đốt phủ chúa Trịnh nên Thăng Long khói lửa ngập trời. Vì hỏa tai, lụt lội, đất bồi từ sông Hồng bao thế kỷ nên một phần phế tích của Hòang thành nằm sâu trong đất bùn. Người tự trăm năm để giấy bút lại trên giấy thô mực cạn…

“…Kinh đô Thăng Long thời ấy chỉ có mười lăm ngàn dân, sống trong một cái thành nhỏ, vài ba phố phường và mươi làng mạc bao bọc chung quanh. Nhưng đến cuối đời Lý bắt qua đời Trần, dân đổ dồn về thị tứ lên tới bốn chục ngàn người, sách An Nam ký truyện của sứ thần Trung Hoa đã miêu tả: Từ cửa Đông Hà Môn, phải chen chúc, chật vật len lỏi lắm mới tới được bến cảng, thuyền bè tấp nập đi lại trên sông Hồng như lá tre…”.

Sau đấy cụ bắt qua chuyện từ làng tơi ngõ đến phố:

Từ làng Quảng Bá, Nghi Tàm như con biết đấy, Hà Nội hình thành từ những làng quê, những dấu ấn “làng” hiện rõ nét nơi phố nhỏ, nơi ngõ ngang ngõ dọc uốn lượn, quanh co, như đường làng trong lòng một Hà Nội sầm uất để hoài niệm, để lắng nghe tiếng gọi của Thăng Long ngàn xưa là những con ngõ nhỏ. Hà Nội có nhiều ngõ, thậm chí ngõ nối ngõ, trong ngõ còn có ngách, trong ngách còn có hẻm. Có ngõ ngoằn ngoèo như một mê cung, thấy phía trước một ngôi nhà, ngỡ ngõ đến đó là cuối ngõ thì lại thấy khoảng sáng nơi ngõ tiếp tục kéo dài lắt léo. Nhiều khi vào trong con ngõ vắng thấy cái cổng tam quan chơ vơ mà chả thấy chùa chiền đâu. Ngõ là nơi ẩn chứa những bất ngờ mà chưa có ai kể cho hết. Nếu con muốn biết những nơi chốn… lắm người nhiều ma Hà Nội thì…

Thì cụ ngậm tăm, chả lẽ nói với con dưới thời Hậu Lê, Khâm Thiên là địa điểm để cơ quan Giám làm việc, tức các quan văn xem thiên văn cho nhà nông cầy cấy. Hay xem trăng sao để đoán tuổi thọ của vua. Cụ không dám thổ lộ cho cô con hay…ngay như các quan văn cơ quan Giám cũng không đoán ra sau này xóm Khâm Thiên là…xóm cô đầu. Thế nhưng mấy ai hay biết phố cô đầu cổ nhất lại là phố Hàng Giấy, tiếng đàn, nhịp phách, giọng “ứ hự” chỉ còn phảng phất trong ca dao một thời Trải qua hàng Giấy dần dần – Cung đàn nhịp phách nên xưa bốn mùa và mãi gần đây mới dọn xuống ngõ Cống Trắng, Khâm Thiên. Sau có “nhà thổ” trong ngõ Yên Thái ở phố Hàng Mành, ngõ Sầm Cống được gọi là xóm Bình Khang. Như phố Ba La Bông Đỏ, phố có tên này vì phải treo đèn lồng đỏ trước cửa. Chuyện phong tình cổ lục đây cũng ít ai biết căn “nhà thổ” ở phố Hàng Giấy ngoài sơn xanh, treo đèn lồng đỏ hay xóm Bình Khang đã có từ thời…cụ Nguyễn Du. Nhưng đó là chuyện hậu sự.

Đang qua giấc hương quan mơ luống mẫn canh dài với những ngõ ngách đến đây chợt cô Chiêu hỏi ngẫu sự gì có tên ngõ Cấm Chỉ. Cụ Lý cười xộ là khi Lê Trang Tôn thời Hậu Lê chưa làm vua vì ăn tiêu phung phí nên nợ ngập đầu. Khi lên ngôi, các con nợ đòi tiền vua, có người ở con ngõ nhỏ được trả rồi nhưng cứ đòi mãi. Các quan lo trả nợ cho vua ra lệnh “Cấm chi” không được đòi tiền vua ta nữa. Từ đó con ngõ ấy có tên Cấm Chỉ. Từ giai thoại này, dân gian có câu “Nợ như chúa Chổm” là thế. Cụ cuời bơ mà rằng chuyện “Chúa Chổm” chỉ là giai thoại vì đời thưở nào dân dám đòi nợ vua. Mà đã là vua sao còn là…chúa nữa nên mới rách chuyện. Chuyện chổi cùn rế rách là ngõ Cấm Chỉ nay nổi tiếng nhờ quán cháo tim bầu dục. Thịt gà, lòng, mề, gan thái hạt lựu với lươn khô, tim, bầu dục, óc bày sẵn trên đĩa. Ai thích ăn gì thì múc cháo với hành hoa, tía tô thái nhỏ bỏ thứ đó vào…

***

Trở lại với cô con bên hàng quán, những chiếc bánh tôm vừa chín tới, vàng ngậy dòn tan với rau Láng thượng, diếp Láng hạ. Cô đang chấm nước mắm ngâm đu đủ, cà rốt ngâm dấm thanh mà người Hà Nội gọi là nước mắm chua. Vừa ăn cô vừa dục dặc là ngon hơn kim chi củ cải với ớt bằm nhiều. Xong bữa, cô nhẹ nhàng nắm tay bố và hỏi khẽ: Bây giờ, mình đi đâu thầy. Cụ trả lời: Chiều nay, ta vào Văn Miếu.

Vừa dời con đường Cổ Ngư…Cụ Lý quay đầu lại nhìn con đường xưa lối cũ. Nhìn trước mặt, cụ thủ thỉ với cô con: Cách đây một khỏang ngắn, bên tay mặt là Chùa Một Cột, thầy không đưa con vào vì chùa nay không còn nét u mặc như thời nhà Lý ta nữa. Bỗng không cô con giở giăng giở đèn: “Thưa thầy, theo cụ Ngộ Không vào năm 1049, chùa Một Cột được xây trên trụ đá cắm sâu xuống lòng đất. Mãi đến năm 1105, tức 56 năm sau, khi trùng tu chùa Một Cột lần thứ nhất, nhà Lý mới đào hồ ở chung quanh và trồng sen. Vì vậy với chuyện Lý Thái Tông nằm mơ thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen đưa tay dắt vua lên tòa, tỉnh dậy vua cho xây chùa giữa hồ sen là truyền thuyết sau này, thưa thầy”.

Làm như không nghe chuyện thày lay như vậy, cụ nhàn tản bước qua Văn Miếu môn. Cụ lắng đọng trong không gian tĩnh mịch một thời với khoa cử ở mảnh sân có hai dẫy bia đá chơ vơ đang trơ gan cùng tuế nguyệt. Cụ Lý và cô Chiêu, một già một trẻ, lặng lẽ, tần ngần tìm tên những ông nghè của dòng họ trên mỗi tấm bia. Ra khỏi Văn Miếu, cụ rỉ rả với cô con rằng đằng sau Văn Miếu là phố Tràng Thi, nơi tổ chức các kỳ thi cho sĩ tử. Thời Lý, Trần văn học sử ta không nói rõ đặt trường thi tại đâu nhưng tời thời Lê, trường thi Hương ở ngay cạnh Văn Miếu. Trường thi được lập ở bãi đất trống chỉ có rào che nứa, sĩ tử phải đem lều vào dựng che mưa nắng, đem chõng ngồi viết. Có phố Tràng Thi thì có phố Mã Vĩ bán mũ áo cho các quan nghè vinh quy bái tổ, phố Hàng Đàn làm võng kiệu, phố Hàng Lọng làm lọng. Thợ rèn có đe, ông nghè có bút để chẳng thiếu vắng ngõ Trạng Trình, ngõ Quan Thổ, ngõ Văn Chương, ngõ Văn Chỉ, ngõ Văn Quân của một thời ông cống ông nghè xa xưa.

Hai bố con cô Chiêu rong ruổi trên những con đường Hà Nội một thoáng hương xưa lát đá xanh nhỏ hẹp. Đến Băc môn có dấu vết hai vết đạn thần công của người quan ngoại để lại. Cô Chiêu dắng tiếng về những thăng trầm của một Hà Nội cũ. Cụ gật đầu tắp lự…

Khu phố cũ thật là cũ ngày nay xây trong hai năm 1804-1805 thời vua Gia Long và bị tàn phá cũng trong hai năm 1894-1895 do người thái Tây. Khu phố này, trước khi có mặt người quan ngoại đều chung một dáng dấp là những con phố ngắn ngủn, dọc ngang kiểu bàn cờ, phần lớn mang tên gọi của các mặt hàng tại đó như những “phố hàng” ngày nay. Nhưng không ai rõ ngày ấy thế nào, chỉ biết từ đầu thế kỷ XIX nhà hai bên đường đều theo kiểu “nhà ống”, bề ngang hẹp, chiều dài sâu. Nhà cửa sắp xếp tương tự nhau như gian ngoài bày cửa hàng. Kê tiếp đến một sân lộ thiên để lấy ánh sáng, lợp ngói âm dương. Hai tường hồi xây từng cấp như những bực thang. Có một số nhà thêm một gác lửng nhưng thấp và không mấy khi trổ cửa sổ. Người xưa đã sắp xếp thành một dấu ấn đầy khăng khít, gắn bó kề tựa nhau mà tồn tại, sinh sôi với tứ đại đồng đường hay tam đại đồng đường…

Khi người quan ngoại tới thành Thăng Long lập thành phố Hà Nội, họ phải mất ba năm, từ năm 1894 đến 1897 để đập phá Bắc Thành, cổ thành ở phía nam Hồ Gươm, san bằng điện Khán Sơn, lấp đầu sông Tô Lịch. Ấy là chưa kể thời Gia Long rời đô vào Huế, vua cho thu hẹp Hòang Thành lại, phá cổng Tường Phù, nay vẫn còn mảng tường nhỏ nằm ở số 38B phố Hàng Đường ở phố cổ. Ở “phố cổ” được làm vỉa hè, một số nhà được dựng lên theo kiểu “Tây” hai tầng làm mất đi bóng dáng của một thời đã qua vẫn còn lưu lại ở cái không gian đậm đà hương vị cổ. Như ngôi nhà cổ số 3 Hàng Khay vẫn còn số năm xây dựng 1886. Vì vậy “phố cổ” vẫn là một hoài niệm mà người xưa gửi lại cho người sau. Nay nói tới “phố cổ” là nói nhà cửa theo kiểu cách cổ đã hình thành từ mấy trăm năm trước.

clip_image006

(Cửa ô nằm trong làng còn sót lại ở ngoại ô)

Bỗng dưng không đâu cô con nói dám: “Hà Nội có 5 cửa ô phải không thầy?”. Cụ Lý được thể gà cỏ trở mỏ về rừng: Cứ theo “người viết truyện: Nhà ta ở phường Hà Khẩu…” thì đầu thế kỷ XIX, sách Bắc Thành địa dư chí cho biết Hà Nội có 21 cửa ô. Thuở ấy mỗi cửa ô là cửa ngõ vào thành Thăng Long có trạm gác, hào chông bao bọc.

Cô con lại dẻo miệng về “người viết truyện: Nhà ta ở phường Hà Khẩu.. ” là người thế nào? Cụ đành ậm ừ ông ta là người viết về cái nhà của mình ở phường Hà Khẩu, ông viết về chuyện đời mình, viết về thới chúa Trịnh. Giống như thời chúa Trịnh Sâm và bà Lê Thị Huệ, cụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác viết Thượng kinh ký sự: Năm 1782, cụ Lãn Ông từ Hà Tĩnh ra Thăng Long, đi qua cửa ô Cầu Dền có tả lại như sau:

“Thấy một toà thành đất, không cao lắm. Trên thành là đường xe ngựa đo. Ngoài là hàng rào tre. Dưới chân là hào sâu, có thả đầy chông. Thành có 3 vọng canh, nơi nào cũng có lính sắp hàng gươm dáo sáng quắc”.

Ghim vào đầu cô Chiêu là “cái nhà” của nguời viết truyện. Nhưng cô sẽ hỏi bố cô sau.

***

Thế nhưng còn hơn cả “người viết truyện: Nhà ta ở phường Hà Khẩu và cụ Hải Thượng Lãn Ông thời chúa Trịnh với Thăng Long. Cụ Lý và cô Chiêu như lạc đường vào sử thi vạn khổ thiên lao với Thăng Long từ thời chúa Trịnh đến…Hà Nội hôm nay:

Đời nào không rõ, vua quan hay ra hồ câu cá như Lã Vọng nên hồ có tên hồ Tả Vọng. Sau khi đuổi được họ Mạc ra khỏi Thăng Long, năm 1593 chúa Trịnh cho sửa sang qua loa hoàng thành cho vua Lê. Nhà chúa dựng phủ chúa bên ngoài hoàng thành với những cung điện lớn lao như Phụng Thiên phủ và Vương phủ riêng ở hai bên tả hữu hồ Tả Vọng. Cung Thủỵ Khánh trên đảo Ngọc Sơn, đình Tả Vọng trên gò đất nổi nay là gò rùa.

Chỉ tay cái gò đất xa xa, cụ chưa kịp ậm ừ…cô con đã tỉ tê…

Theo cụ Ngộ Không thời chúa Trịnh bấy giờ có nhiều kiến trúc xa hoa như lầu Ngũ Long phía bờ đông hồ Gươm, đình Tả Vọng trên gò rùa, cung Thuỵ Khánh nằm ở đảo Ngọc Sơn. Cụ chép miệng cái tách rằng cụ Ngộ Không chỉ…ngộ chữ. Bởi chưng theo người tự trăm năm đảo chỉ to bằng bốn, năm chiếc chiếu và không hơn nên không có đình quán nào cả. Còn theo ông Hocquard, vào thời ông, người quan ngoại nới rộng hồ ra, trồng cây và làm đường nhựa chạy vòng chung quanh chứ trước kia thời Trịnh hồ chỉ bé bằng…cái ao.

clip_image008

Ảnh chụp năm 1886 của Hocquard

Cô lại mọt sách ăn giấy theo cụ Ngộ Không gò trước kia là đất tư của chánh tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương tên Nguyễn Bá Kim. Năm 1884, ông chánh tổng ngắm miếng đất có dáng miệng rồng nên đắp đất nới rộng gò thêm hai mét và cho xây cái tháp, định đem hài cốt của bố ông táng vào đó. Ông theo đạo Thiên Chúa nên xây tháp theo kiểu tháp chuông, với kiến trúc “Gô-tích”. không có mái cong, không có lưỡng long chầu nguyệt của đền chùa. Việc cải táng không thành. Năm 1886, ông Bá hộ Kim tặng người quan ngoại cái tháp ấy. Ngôi tháp chơ vơ với cái tên Tháp Rùa đi vào…văn học sử nước nhà.

Lúc này đây cụ mới giẹo giọ…

Nói cho ngay hồ giống một cái ao lớn. Chung quanh eo sèo dăm mái nhà tranh vách đất trên một vạt đất được gọi là đất…”Chó ỉa”. Cầu gỗ qua ảnh chụp của ông Hocquard i xỳ cái cầu ao, qua tấm hình chỉ thấy dăm tấm ván dầy thô kệch, tấm còn tấm mất. Còn đảo gần sát hồ xưa kia gọi là Tượng Nhĩ Sơn, tức núi tai voi. Đảo có một gian miếu nhỏ bằng nứa lợp tranh thờ Hà Bá. Vua Lý Thái Tổ ta dời đô về Thăng Long đổi tên là núi Ngọc Tượng, đời nhà Trần đổi thành đền Ngọc Sơn. Thời chúa Trịnh, người Hoa Kiều xin phép sở quan, dựng ngôi đền nhỏ thờ Quan Công. Minh Mạng năm 1838, có người làng Nhị Khê, hiệu Tín Trai bỏ tiền của ra để xây cất thêm đền thờ Đức Thánh Trần, Lã Đồng Tân và điện Văn Xương Đế Quân, nơi các thầy đồ sau này thường tới xin sâm trước khi đi thi.

Đến đời Tự Đức thứ 18, cụ Nguyễn Văn Siêu từ quan ở Hưng Yên về Thăng Long mở trường dậy học ở ngõ Trạm. Cụ cho nối bờ với đảo, cho làm cầu và đặt tên là Thê Húc, nghĩa là giọt ánh sáng đậu lại. Trên bờ ông cho xây tháp đá ngoài cổng cao 9 thước, đỉnh tháp là ngọn bút lông gọi là Tháp Bút, trên thân tháp khắc ba chữ “Tả thanh thiên” có nghĩa là viết lên trời xanh trích trong câu thơ lăng tàng trường kiếm ỷ thanh thiên của cụ Tiên Điền. Nghĩa bóng là nhắc đến vua Quang Trung đánh bại vua Tàu nhà Thanh với “Tả Thanh thiên tử”. Một đài Nghiên, đặt một cái nghiên bằng đá, tạc theo hình nửa quả đào, khắc một bài phú nói về nghiệp bút nghiên của nhà nho thời ấy.

Cụ chiêu hồn qúa khứ qua Tháp Bút, cụ đốt lò hương cũ qua hình ảnh ông đồ với vàng bay mấy lá năm già nửa cùng bút khô, mực nẻ, giấy đỏ, hồ tàn. Ngẫm ngợi lại cụ nào có khác gì ông đồ lỡ vận, hiu hắt giữa mưa bụi giăng mờ mãi ở cố đô Bình Nhưỡng, bắc Cao Ly. Tất cả lững lờ cùng chung một dòng sinh mệnh vơi dòng đời qua cảnh hồ hiu quạnh, để rồi tất cả đi vào quá vãng…Mà với Hà Nội ngàn năm văn vật, với cảnh và người, cụ đang nhập hồn nhập vía về một cõi xa vắng với ông đồ xưa năm ấy. thì…

Thì cô Chiêu nồng nã theo ai đó tại sao Nguyễn Văn Siêu lại cho dựng Tháp Bút với ẩn tàng, ẩn ngữ câu “Tả Thanh thiên tử” trong khi nhà Nguyễn vừa là bề tôi của nhà Thanh, vừa đối nghịch với nhà Tây Sơn. Ông chỉ đứng ra tu sửa Tháp bút và Đài Nghiên không thôi. Hơn nữa với “văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” ông nào cần gì vay mượn câu “Tả thanh thiên” của Nguyễn Du. Nghe rồi cụ tâm đắc với cô con gái rượu chuyện nhân gian trọng vãn tình giữa cụ Nguyễn Văn Siêu và người tự trăm năm: Chế Lan Viết đã phóng bút về Hà Nội xưa cứ qua Hà Tĩnh lại nhớ đến Nguyễn Du. Đến đây lại thả hồn theo Nguyền Văn Siêu đêm đêm có bay về bay về mài mực và tung ngòi bút tên đài Nghiên Tháp Bút để nước hồ Gươm sóng sánh long lanh câu thơ và câu văn trong Tuỳ bút lục của Tùng Niên văn quân.

Được thể cô đong đảy tiếp chuyên đang dở dang rằng năm 1813 cụ Nguyễn Du được thăng Cần chánh đại học sĩ, được cử làm Chánh sứ sang Tàu. Năm 1815, cụ dẫn đòan tuế cống từ Yên Kinh về, qua Sở kiến hành cụ Nguyễn Du viết…

“…Tới cửa Bắc Môn, hai tên lính áo vải đen, trong lót vải vàng, tay chẽn khố lục thắt ngang lưng, xét người ra vào. Thấy bản chức mặc áo lương khăn lượt, chúng cầm giáo ngăn lại. Nhưng khi bản chức nhận là Cẩn Chánh học sĩ Du Đức hầu, chánh sứ đòan tuế cống sang Bắc quốc về. Đồng thời bản chức cũng là bạn của Tổng trấn Bắc Thành thì chúng mặt tái xanh như chàm đổ, vội thả điếu kiều cho đoàn cống sứ vào. Trong Hòang Thành, điện Càn Nguyên, dấu vết cung điện cũ của vua Lê, nay đã hoang tàn đổ nát, gò đất cỏ mọc um tùm. Về hướng điện Giảng Võ, nơi có đài cao bốn từng mà vua Lê dựng để quan sát quân sĩ tập luyện ngày xưa, nay cũng tang thương lặng lẽ …”

Vẫn chưa xong, cô con gái rượu cụ léo nhéo như phim bộ Đại Hàn ấy. Cô con mắn chuyện hỏi về…“cái nhà” của nguời viết truyện. Cụ thong thả mà rằng rằng cứ người tự trăm năm viết về nhà mình thì: “Nhà ta ở phường Hà Khẩu, phố Hàng Buồm nơi cửa sông Tô Lịch, trước nhà tiền đường có trồng một cây lê và hai cây lựu…”.

Vừa lúc có tàu điện leng keng chạy qua. Trên nóc tàu dây điện rung như đánh võng, bánh xe rít tóe lửa xanh lét Cụ âm ỉ theo cái võng dây điện…

Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài

Chế ra đèn điện thắp hoài năm canh.

Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành

Chế ra tàu điện chạy quanh phố phường.

(ca dao vùng Bưởi)

Tàu điện chạy qua, vì sợ bị xe chẹt, cụ ôm vai cô con bước qua đường.

Trước khi hai bố con đặt chân vào phố cổ của Hà Nội 36 phố phương, cụ hóng mắt về phía tháp Hòa Phong. Ở đấy xưa kia có ông Tàu già bán “phá-xa” quanh quẩn ở bên tháp. Ông Tàu già đeo trước bụng một cái thùng thiếc bao lớp vải bông để ủ cho lạc rang lúc nào cũng ấm. Cái thứ lạc trộn húng lìu được rang lên đều nhai dòn tan. Vào những chiều đông lạnh, ông Tàu già đứng tránh gió trong lòng tháp. Cụ bụng bảo dạ nay ắt hẳn người trăm năm cũ đã khuất bóng, khi không cụ buột miệng trong một cõi đi về: “Người xưa đâu tá”

Chỉ cái Cầu Gỗ từ đằng xa ở phố Cầu Gỗ….Cụ vắn hai dài một với Thăng Long xưa là vùng đầm lầy, ao hồ, sông lạch nên có rất nhiều cầu. Ngày nay, một số cầu đã mất đi dấu tích song tên của chúng vẫn còn dây mơ rễ má đến tên các con phố như phố Cầu Đông, v…v…. Bỗng không cô Chiêu quay lại nhìn hồ Gươm. Cụ dài một vắn hai với cô ở phía nam hồ Gươm có phố Hàng Kèn, có phường kèn trống bát âm phục vụ đám ma. Phố Hàng Mã bán các loại đồ cúng tế bằng giấy cho các đám tang, đám rước. Còn đòn và người khiêng đòn đám ma ở phố Hàng Đàn. Phố Hàng Hòm làm quan tài sau đổi tên là phố Lò Xũ.

Cô hỏi cụ: “Xũ” là gì thưa thầy”. Cụ kheo khảy…

“Xũ” tiếng Nho là quan tài. Khởi đầu ở nhà không số phố không tên này, dân làng Đa Sĩ, Hà Đông là làng có nhiều ông nghè, ông cống. Nghề cổ truyền của họ đóng các loại hòm gỗ sơn then, hòm nhỏ dùng đựng sách, hòm to bản lề sắt mạ hoặc đồng đựng quần áo. Sau người Thường Tín cũng ở Hà Đông với nghê rèn làm xẻng, liềm, cù nèo cắt cỏ đến đây hành nghề nhưng không khấm khá nên học nghề mộc của dân làng Đa Sĩ để làm quan tài. Để có phố tên Nôm là Hàng Hòm. Vì kiêng cái “hòm” nên họ gọi là phố Hàng Xũ.

Chuyện là ở con phố ấy có đền thờ lại thờ hai ông tổ của nghề mộc và nghề rèn, nên người quan ngoại đặt tên là phố Lò Sũ (rue Pouyanne). Bởi nhẽ ấy, qua sách vở lúc thì gọi là phố Lò Sũ, khi thì gọi là phố Lò Xũ. Nhưng phố nay không còn cái tên ấy nữa.

Cụ bấm búi với con nay có những tên phố đã đi vào quá vãng, nhưng cụ vẫn hoài đồng vọng về những cái tên một thời Kẻ Chợ như phố Hàng Mụn, Hàng Tàn, Hàng Lờ, v…v…

***

Bước vào phố cổ, vừa đi cụ vừa lá vàng rơi trên giấy với cô con…

clip_image010

phố Hàng Bừa, Hàng Cuốc

(Ảnh chụp năm 1886 của Hocquard)

Phố đầu tiên của phố cổ Hà Nội là phố Hàng Bừa, Hàng Cuốc vốn là một mái nhà tranh vách đất, một cửa hàng với cái chõng tre nằm trên con đường đất, nay gộp lại là phố Lò Rèn cắt ngang phố Chả Cá. Như “phố Hàng Trống”, nguyên chỉ là…một ngôi nhà, một cửa hàng bán mặt hàng “trống”, v…v…Nhưng cũng chả thiếu những phố chả dính dáng đến nghiệp nghão như phố Hàng Mãn bán mèo, và cả…chó nữa, v…v…

Từ phố này nhằng nhịt qua phố kiam cụ Lý bắt qua phố Hàng Kèn làm đám ma thì phố Hàng Đồng gõ đồ thờ cúng như lư đồng, chân đèn cầy và…thịt cầy. Nhằm vào thập niên 20, ở phố Hàng Đồng những tao nhân mặc khách là mấy bác đô tì quấn khăn đầu rìu, quần sắn móng lợn, chân đất vỗ bèn bẹt ngồi trên chõng tre, tì tì đánh chén mộc tồn với rượu Kẻ Mơ. Hay ở phố Hàng Lược, có quán không bảng hiệu ngự ở trên căn gác gỗ ọp ẹp. Giống như quán Chả Cá, quán bốn đời cha truyền con nối, khách quen không ai ngòai sĩ phu Bắc Hà, nghênh ngang một cõi sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ còn có hay không là cụ Nguyễn Tuân. Cụ Nguyễn đến đây chỉ sơi độc một món…móng chó hầm.

Hai bố con chuyện trò đám ma và quan tài với thịt chó tới ba con phố chính của phố cổ Hà Nội hồi nào không hay. Đi hết ba con phố liền nhau Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường là tới chợ Đồng Xuân. Theo Tuỳ bút lục của người tự trăm năm. thì phố Hàng Đào hình thành rất sớm dọc trên con đê gần hồ Gươm. Phố Hàng Đào thời cổ, nhà hình ống, mái ngói nhô ra thụt vào. Đường đất gồ ghề, rất hẹp, không có vỉa hè, ngày nắng bụi mù, ngày mưa lầy lội. Đêm khuya hàng đàn chuột chạy hai bên đường tìm nước uống. Sau phố Hàng Đào buôn bán lụa là vóc nhiễu nên trở thành nơi chốn phồn hoa, người Hàng Đào được tiếng là người thanh lịch, con người của “kinh kỳ” kiểu cách hơn các con phố khác.

Bước qua phố Hàng Ngang, cô con hỏi bố chuyện ngang ngang của chúa Trịnh…

Thời vua Lê chúa Trịnh mở phố Hiến để người Hoa không được hẻo lánh tới Thăng Long nhòm ngó chuyện triều chính và nhà chúa cho lập Phố Khách để tập trung người Hoa. Ở Thăng Long cũng vậy, người Quảng Đông được tập trung ở con đường trong khu phố. Nhà chúa cho dựng điếm canh, tuần phu thay phiên nhau với dây đòn, câu liêm, thang tre, thùng gánh nước để phòng hỏa hoạn. Việc túc trực nơi điếm canh rất phiền nhiễu.

clip_image012

Sau nhà chúa phá bức tường điếm canh ấy đi, tối đến cho kéo ngựa ngỗ chắn…”ngang” hai đầu phố nên mới có tên phố….Hàng Ngang. Phố này, theo Dư địa chí của cụ Nguyễn Trãi gọi là phố Đường Nhân tức “phố người Đường” bán áo diệp. Đại Nam nhất thống chí gọi là phố Việt Đông vì có nhiều người Quảng Đông (rue des Cantonnais).

clip_image014

Đi hết phố hàng Ngang tới phố Hàng Buồm.

Trong một ngày bên phố đông người qua…Hai bố con lững thững đi trên phố Hàng Buồm về hướng sông Tô Lịch và sông Hồng. Làm như không cô Chiêu ở bên cạnh, cụ Lý thả hồn về một nơi chốn nào đó với người muôn năm cũ hồn ở đâu bây giờ…

Xa xưa…thật xa vắng người tự trăm năm là Phạm Đình Hổ (1768-1839) một danh sĩ Hải Dương sống vào thời Minh Mạng cùng thời với bà Huyện Thanh Quan với Nền cũ lâu đài bóng tịch dương – Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt .Và bà Hồ Xuân Hương với Thánh thót tầu tiêu mấy giọt mưa – Bút thần khôn vẽ cảnh tiếu sơ . Qua Vũ trung tùy bút, trong đêm mưa giữa kinh kỳ gió táp mưa sa ông đã phóng bút: “Nhà ta ở phường Hà Khẩu…”. Để bà chúa thơ Nôm tiếp nới với Cho hay cảnh cũng ưa người nhỉ – Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ. Để có cuộc tình đi vào sử thi với người thơ Chiêu Hổ.

Đang lá vàng rơi trên giấy đến đây, cụ Lý lẩn mẩn với cô Chiêu…

Hà Khẩu, tên cũ là Giang Khẩu (tức phố Hàng Buồm) bên sông Nhị và trên bờ sông Tô Lịch. Ở Hà Khẩu người Tàu hầu hết sống bằng nghề liên quan đến sông nước như làm buồm cho thuyền bè, một thứ mành mành đan cói, nẹp tre. Trên đường xưa lối cũ, cụ Lý giấy đỏ buồn không thắm, mực đọng trong nghiên sầu dẫn cô Chiêu đi tìm căn nhà của người tự trăm năm ở phường Hà Khẩu, phố Hàng Buồm, trước nhà tiền đường có trồng một cây lê và hai cây lựu phải chặt đi. Nhưng cây lê và hai cây lựu không còn nữa nên chả thấy nhà đâu…Tới sông Hồng, cụ lây lất tới cụ Ngộ Không qua cụ Tam nguyên Lê Quý Đông thời Lê Trịnh, trong Phủ biên tạp lục ghi chéo rằng: “Từ thời vua Lê, chúa Trịnh, người Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu đến nước ta bằng đường biển. Vì đi bằng thuyền lớn nên còn gọi là tàu. Vì vậy người Tàu là tiếng gọi ở Thăng Long, ở Phố Hiến gọi là khách trú”.

Ngược Hàng Buồm về lại phố cổ, băng qua Hàng Đường, là phố Phúc Kiến.

Cụ rì rầm với cô con gái rượu phố này có một thời tên là phố Thuốc Nam, sau là phố Nồi Đất và nay là phố Lãn Ông mà một thời cụ Hải Thượng Lãn Ông từ Hà Tĩnh tới Thăng Long chữa bệnh cho Trịnh Cán mua thuốc ở đấy.

Cụ gật gờ với cô qua nhà văn Hà Nội 36 phố phường về người trăm năm cũ.

“…Ta không biết được mấy về dĩ vãng, về phố xá kinh thành hồi cụ Lãn Ông, một túi thơ, một bồ thuốc, từ Bát Tràng đến Thăng Long thành bốc thuốc ở Vạn Thảo Đường phố Hàng Ngang, chữ son sắc nước đỏ tươi, bay bướm nửa chân nửa lệ. Bây giờ ở phố Hàng Đường, cũng có ba chữ Vạn Thảo Đường, nhưng được viết bằng lối chữ vuông tân thời…”.

Đi thêm vài bước nữa là tới phố Hàng Sơn, ban đầu là một ngõ hẹp, trước năm 1910 chỉ là một lối đi vừa một chiếc xe tay. Năm 1887, phố được đổi tên là phố Chả Cá do người họ Đoàn bốn đời làm món chả cá ở số 14 rồi thành tên. Cho tới giờ bức tượng ông Lã Vọng xách cần câu và một xâu cá vẫn còn, vẫn ngôi nhà cổ có gác lửng ấy.

Hai bố con lên gác lửng và ngồi trên sập gụ bầy sẵn cái hỏa lò đang đỏ lửa. Những miếng chả cá mầu nghệ tươi như hoa hiên cặp lại từng gắp tre cật hơ trên lửa than quả bàng. Gắp miếng chả cá thơm phức vào bát, ăn cơm mới nói chuyện cũ….

Cụ đụng bát đụng đũa với cô con về phường Bích Câu…

Phố Hàng Đường vừa băng qua xưa là con đê có cầu Đông bắc ngang, cạnh cầu là chợ cầu Đông (chợ Đồng Xuân ngày nay). Vừa ăn cụ vừa nhệu nhạo câu ca dao: Bà già đi chợ Cầu Đông – Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?. Cụ đẩy đưa chuyện có lão trượng đeo ống tranh Giáng Kiều từ chợ cầu Đông về ghé sân chùa Bích Câu nghỉ chân. Lão trượng gặp Tú Uyên để có truyện Bích Câu Kỳ Ngộ. Trong truyện “Bích Câu Kỳ Ngộ” của bà Đoàn Thị Điểm sáng tác có câu: Gió thông đưa kệ tan niềm tụcHồn bướm mơ tiên lẩn sự đời mà bà họ Đoàn dựa vào tích vua Lê Thánh Tông xướng họa với một ni cô ở chùa.

Cụ dòm dỏ với con câu “lẫn sự đời” gợi cảm hứng nhà văn Khái Hưng viết truyện Hồn bướm mơ tiên mượn cảnh chùa Long Giáng ở Bắc Ninh đất tổ nhà Lý của hai bố con cụ.

Với cảm hứng để viết truyện, cụ năm nắm chuyện hành lạc của cụ Nguyễn Du…

Năm Cảnh Hưng thứ 26, triều Lê Hiến Tôn, cụ Nguyễn Du sinh ở phường Bích Câu gần phố Hàng Giấy. Vì vậy với câu Kiều Bình Khang nấn ná bấy lâu có thể từ nhà hát cô đầu cổ nhất ở con phố này từ thời cụ Tiên Điền. Như xóm Bình Khang với kỹ nữ có từ đời Đường ở Trường An. Cũng như qua cụ Lê Thước cho hay thịt chó đã có từ thời cụ Nguyễn Du với bài Hành lạc từ: Tội gì ngàn năm lo – Có chó cứ làm thịt – Có rượu cứ nghiêng bầu – Được thua trên đời chưa dễ biết. Qua bài lai cảo của một nhà nho nghiêm túc và cẩn trọng thì cụ Nguyễn Du ở một nơi chốn có nhà bên ngoài sơn xanh, treo đèn lồng đỏ. Bởi cụ có “Bình Khang nấn ná bấy lâu” ở nơi chốn này mới có cảm hứng để tả cảnh lầu xanh Bốn bề bát ngát xa trông – Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia thì ở khúc sông Tô Lịch và sông Hồng gặp nhau ở phường Hà Khẩu có một cái “cồn” cát vàng rất lớn. Còn phường Bích Câu có lầu xanh, cụ Lý cho là cụ Nguyễn Du viết trại là lầu Ngưng Bích mà cô Kiều bị đọa ở đấy.

***

Hà Nội trong mưa lâm thâm. Cụ Lý đứng ở cuối con đường của phố cổ, trước khi giã từ Thăng Long nghìn năm văn vật với ngàn năm mây bay, để lại một Hà Nội với đường mưa ướt đất…Cụ đứng ở đấy lắng nghe âm vọng của người tự trăm năm như còn ở đâu đây:

Xưa thật xưa với Tùng Niên Phạm Đình Hổ qua Vũ trung tùy bút, trong mưa giữa kinh kỳ gió táp mưa sa….Đã bao nhiêu mùa gió thổi, cho đến một đêm mưa, mặc kệ cho gió mưa choàng lên phố thị, người muôn năm cũ để chữ nghĩa trào ra ngọn bút lông tùy hứng dẫn đi, nét ngang, nét sổ, nét móc thấp thoáng hồn người bên phố đông người qua. Hồn người đã đem những viên gạch lá nem lát lên nền phố cổ.

Với lá vàng rơi trên giấy, phố đã lạc đường vào văn học…

Thạch trúc gia trang

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nguồn: Thạch Lam, Ngô Sĩ Liên, Hòai Anh, Trần Quốc Vượng, Vũ Ngọc Phan, Tô Hoài, Nguyễn Vinh Phúc, Hòang Hữu Qúynh, Phan Lạc Tiếp, Nga Sơn, Phanxipăng, Phạm Vũ. TBN, Nguyễn Dư, Tuyết Minh, Nguyễn Khắc Thuần.

Bài Mới Nhất
Search