T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: Đọc “Có Một Thời Nhân Chứng” của Lê Lạc Giao

BIA sach MOT THOI NHAN CHUNG

Từng trang trong tiểu thuyết “Có Một Thời Nhân Chứng” khi lật qua trước mắt tôi, y hệt như tấm gương chiếu rọi về một thời kỳ nửa thế kỷ trước; đó là những ngày thơ mộng sinh viên, hạnh phúc của những mối tình thời mới lớn, và đau đớn khi nhìn thấy xóm làng chia cách giữa lằn ranh nội chiến. Từng trang là hình ảnh hiển lộ từ một cuốn phim đen trắng của thời nghệ thuật điện ảnh chưa có màu… là một dòng chảy thời gian của dân tộc in sâu trong ký ức của thế hệ sinh viên Sài Gòn trong các năm cuối thập niên 1960s và đầu 1970s. Nơi đó tôi nhìn thấy hình ảnh Miền Nam trong cuộc nội chiến dai dẳng, nơi lằn ranh quốc-cộng có khi rất mờ nhạt nơi sân trường  đại học Sài Gòn – nơi có những người bạn của tôi đứng ở cả hai bên lằn ranh quốc-cộng mờ nhạt đó. Và trong ký ức đó, có rất nhiều người đã mất một phần thân thể cho cuộc chiến, hay đã nằm xuống nơi chiến trường, nơi nhà tù sau 1975, nơi biển lớn Thái Bình Dương, và rồi khắp mọi nơi chúng ta có thể nghĩ tới.

Đó là một thời kỳ, như tác giả Lê Lạc Giao viết nơi Chương Những Kẻ Mang Vác Trên Lưng Nấm Mồ của “Có Một Thời Nhân Chứng” (CMTNC) là khi cả một thế hệ của anh: “…kêu gào ‘chiến tranh ơi hãy dừng lại một ngày!’ nhưng ngày vẫn trôi, máu vẫn đổ và việc giết nhau cứ tiếp tục…”

Trang đầu của tiểu thuyết bắt đầu từ một phòng thể dục Quận Cam, khi tác giả nhìn thấy một thương binh và nhớ lại… và kết thúc tiểu thuyết là nơi nhà của Phác, nhân vật chính trong truyện, khi hai người bạn gặp lại bốn mươi sáu năm sau. Trải dài trong tiểu thuyết là nhiều địa danh, trong nhiều bối cảnh và nhân vật khác nhau, trong đó tập trung các nhân vật chính  là một thế hệ sinh viên Sài Gòn trước 1975, cụ thể phần lớn trong sân Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, nơi đó nhiều nhân vật có thể được một số độc giả liên tưởng như bạn này, bạn kia. Thực ra, tiểu thuyết này có hư cấu, từ cốt truyện là những sự kiện xảy ra trong các năm 1968-1975, nhưng các nhân vật đều hư cấu — tác giả ghi rõ trong Lời Mở Đầu như thế, và bản thân tôi, bạn của tác giả từ thời cùng học Ban Triết trong Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và cùng hoạt động trong Nhóm Nghiên Cứu Triết Học trong trường, cũng nhận ra như thế. Nhưng không thể không liên tưởng nhân vật với người này, người kia, vì khi kể về việc làm, về diễn tiến trong sân trường Đại Học Văn Khoa các năm này, hiển nhiên là phải có ai làm, có người làm. Đó là lý do để liên tưởng.

Các độc giả từng học trong Đại Học Văn Khoa thời đó có thể liên tưởng dễ dàng ai là những người sinh viên Ban Sử Địa thân cộng, xách động biểu tình phản chiến thời trước 1975, tham dự đốt xe Mỹ, vào Quang Trung học quân sự học đường cũng xách động không ra sân học, thậm chí gom vạt giường  trại lính ra sân đốt, bị cảnh sát bắt giam rồi thả nhiều bận… Rồi liên tưởng tới các bạn thân cộng (và/hay nằm vùng) sau 1975 giữ nhiều chức vụ với chế độ mới cho tới khi bị đẩy ra ngoài lề — các năm gần đây, khi tuổi mấp mé thất thập, các cựu sinh viên thân cộng này viết một số bài viết với ngôn ngữ thức tỉnh. Mọi chuyện trễ rồi. Và một số người khác, bên kia và bên này. Nhân vật hư cấu, nhưng sự kiện có thật.

Tiểu thuyết Lê Lạc Giao không chỉ nói về một thế hệ sinh viên trong cơn bão chiến tranh, trong đợt Tổng Động Viên 1972 đã tham chiến trong các binh chủng, nhưng cũng kể về các mạng lưới tình báo VC gài nơi sân trường, và nơi đó trực diện kình lại chính là các sinh viên chống cộng, trong đó có người hoạt động cho Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo VNCH. Nhiều người là bạn học của nhau, là bạn một thời rủ nhau la cà trong các quán cà phê ven đường Nguyễn Du gần các khuôn viên đại học Sài Gòn, và rồi đối mặt nhau, quan sát nhau, theo dõi nhau, gài bẫy nhau trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn.

Bản thân tôi có một kỷ niệm, đã chứng kiến trong một lớp năm thứ nhất của Ban Triết Đại Học Văn Khoa (hình như năm 1971 hay 1972) hai cô đẹp nhất lớp đã kình nhau, cùng tranh cử Ban đại diện lớp, và cô nói giọng Miền Trung đứng về bên những người thân cộng, và cô nói giọng Sài Gòn đứng về phe chống cộng. Trong buổi đó, tôi nhìn thấy hai cô đứng lên đấu khẩu với nhau… trong khi cả lớp lắng nghe để sẽ bầu chọn. Nửa thế kỷ sau, khi dòng thời gian phủ trắng một phần mái tóc của Lê Lạc Giao, tôi nói với tác giả này rằng lúc đó chỉ một cô là bạn, và bây giờ cả hai cô đều là bạn của chúng ta. Dĩ nhiên, hình ảnh đó không có trong tiểu thuyết này.

Một vài bạn cựu sinh viên Văn Khoa Sài Gòn cũng có thể nhớ tới một nữ sinh viên từ Miền Tây vào Sài Gòn học, thuộc thế hệ trước 1975 một hay hai năm, dễ dàng lộ diện là VC nằm vùng… Cô này bây giờ là bà Chủ Tịch Quốc Hội CSVN Nguyễn Thị Kim Ngân. Đó là một thời sân trường đại học xôi đậu như thế, da beo như thế. Có hình ảnh nhân vật nào trong tiểu thuyết này làm độc giả liên tưởng tới bà Ngân bây giờ hay không? Đó cũng là một câu hỏi cho độc giả thử suy đoán. Nhắc lại, sử liệu trong tiểu thuyết là có thật, nhưng nhân vật là hư cấu.

Cuộc chiến đối với dân Sài Gòn thực tế trong nhiều năm vẫn là cái gì xa lạ… Suy nghĩ của thế hệ cao niên lúc đó là, thí dụ trong truyện, như cụ bà tên Nhu, người Bắc di cư năm 1954, nói với chàng sinh viên tên Phác (nhân vật chính), “Cháu ráng học nên người, để khỏi phải đi lính.” Nghĩa là, cuộc chiến là cái gì nên tránh né. Không phải cuộc chiến chống cộng thiếu chính nghĩa đâu, nhưng chỉ vì không ai (dĩ nhiên, trừ Hà Nội) muốn bước vào cuộc huynh đệ tương tàn. Cuộc chiến với dân Sài Gòn chỉ là tiếng vọng đại bác từ xa. Với thế hệ trẻ lúc đó, niềm vui thường là ra quán cà phê với bạn, ngồi hút thuốc là phì phèo, và như tác giả mô tả là “đắm đuối nghe dòng tình ca Phạm Duy và Trịnh Công Sơn.”

Lê Lạc Giao sử dụng nhiều vị trí viết, có lúc ở ngôi thứ ba, nhìn Phác như người khác; có lúc dùng ngôi thứ nhất xưng “tôi” cho Phác. Nhưng độc giả nên cẩn trọng, trong truyện có hư cấu, cho nên không thể đồng hóa nhân vật chính với tác giả. Tương tự, các nhân vật khác trong truyện cũng thế, tuy tôi nhận ra vài người, nhưng trong đó vẫn có phần hư cấu. Dĩ nhiên, phải hư cấu mới là tiểu thuyết. Dù vậy một số nhân vật trong truyện được kể là từ Nha Trang, từ Pleiku vào Sài Gòn theo học ở Đại Học Khoa Học và Đại Học Văn Khoa đã hiện ra trong trí nhớ của tôi. Những hình dáng cao hay thấp, những tiếng cười, những kiểu ngồi trầm tư ở quán cà phê… của một vài bạn tôi hiện ra lung linh.

Có một thời như thế. Vâng, có một thời thế hệ chúng tôi là nhân chứng cho cuộc chiến quốc cộng trong các sân trường  đại học Sài Gòn, rồi tới những màn quậy phá của sinh viên thân cộng khi vào quân trưởng để dự các khóa quân sự học đường, rồi với nhiều bạn bước thẳng vào cuộc chiến, và rồi khi Miền Nam thất trận… một bầu trời sụp đổ.

Trong bầu không khí gay gắt mùi khói súng như thế, hạnh phúc là khi nhìn thấy những hình ảnh dịu dàng, như dường thế giới này không có thực, như dường thế giới này không hề có chiến trận. Những mối tình trong truyện Lê Lạc Giao không sôi nổi như phim ảnh và truyện bây giờ, nhưng rất mực đằm thắm. Tôi say ngây ngất như đang uống ly rượu nếp than khi đọc một số trang, nơi Lê Lạc Giao kể về những cặp tình nhân trong truyện. Điển hình như một mối tình thời trung học, như khi Hải và Vân yêu thương nhau — say đắm nhau, đồng thời là dè dặt và tránh né nhau – giữa lúc cô bé Vân rơi vào cơn bệnh nan y lạ lùng, bệnh tóc trắng khi tuổi còn dậy thì.

Đúng ra, thời nửa thế kỷ trước hễ yêu nhau thì thơ mộng là chính yếu; ngay cả nắm tay có khi cũng là tình cờ, hay hy hữu. Nhưng vẫn là thương nhớ nhau quay quắt. Có khi nỗi nhớ buộc nhân vật chính bước đi mà không biết là đi đâu.

Thí dụ, khi kể về nỗi cô đơn mơ hồ, Lê Lạc Giao viết: “Buổi chiều cuối tuần, Phác lang thang đến công viên Gia Long. Ngồi trên chiếc ghế đá dưới gốc cây si rễ chằng chịt, Phác nhìn thành phố chuyển động trong bóng hoàng hôn như ảo ảnh…” Thời này không ai nhìn nỗi cô đơn của mình trong bóng hoàng hôn như thế. Nhưng đó là một thời sống với thế giới thực, trong khi bây giờ chỉ mở điện thoại di động ra, bấm vài nút là cả một thế giới ảo hiện ra.

Hay là khi hình ảnh người thương cụ thể hơn, tác giả viết: “Mùa xuân năm 1970, Phác một mình ra Vũng tàu vào chiều thứ bảy. Anh đến bãi sau, đứng trên bờ biển nhớ màu trời, màu mắt và màu váy áo xanh đỏ của Huyền một chiều ngày hè cũ…” Trời ạ, chỉ nhớ màu sắc thôi sao? Chưa hề nắm tay, chưa hề chạm xúc?

Nghĩa là, nhân vật chính  của một thời như thế rất là hiền lành. Không phải như kiểu nhớ thương như thế hệ hiện nay. Thời đó, chưa có điện thoại, chưa có Internet, chưa có tất cả những tiện nghi của cách mạng tin học. Không nhìn vào màn hình điện thoại, cho nên Phác nhìn thành phố chuyển động trong bóng hoàng hôn… nghĩa là, y hệt như cuốn phim đen trắng thế kỷ trước. Mọi chuyện đều chậm. Hầu như tất cả các mối tình thời đó đều diễn ra rất chậm, chậm kinh khủng.

Nhưng tại sao Phác nhớ màu trời, màu mắt và màu váy áo xanh đỏ của Huyền? Nghĩa là, chỉ nhớ những gì nhìn thấy… chứ chưa có cơ hội để nhớ những gì thuộc về vòng tay ôm và môi hôn – mà có lẽ chưa từng có trong trí nhớ lúc đó.

Không phải nhân vật nào trong truyện ở thế hệ của Phác cũng có cơ duyên vào đại học, để rồi có những lúc trong đời nhìn lại các năm thơ mộng với sách vở thời sinh viên. Đất nước mình nhiều hoàn cảnh dở dang. Hải là bạn học thời nhỏ của Phác có cuộc đời rất mực gian nan. Cha của Hải chết vì tình cờ trúng một viên đạn, khi ông chuyển lúa từ ghe lên bờ cùng lúc một toán dân vệ qua sông. Nghĩa là, súng du kích nhắm bắn vào nhóm dân vệ, nhưng lại trúng người dân thường. Khi cha chết vì đạn bay lạc như thế, Hải chỉ mới tám tuổi. Hóa, chị của Hải, bỏ học năm mười lăm tuổi để buôn bán cùng mẹ để nuôi hai em. Năm chị Hóa hai mươi mốt tuổi, có nhiều đám tới hỏi, nhưng chị đều từ chối – chị giải thích với mẹ, “…nếu xui rủi gặp phải người chồng nhiều tật xấu như cờ bạc, rượu chè thêm khổ thân. Còn lấy chồng quân nhân thì càng không nên!”

Chị Hóa sợ chiến tranh tới mức như thế… Đúng là thời đó như thế, có nhiều thiếu nữ sợ mang thêm nhiều nỗi lo khi lấy chồng quân nhân. Hãy hình dung một thiếu nữ giỏi, khéo và đẹp như chị Hóa: cha chết vì trúng đạn lạc, chị bỏ học  sớm để ra sạp chợ phụ mẹ buôn bán nuôi hai em nhỏ… và rồi, sợ lấy chồng quân nhân. Không, chị không hề phản chiến. Chị chỉ thấy cuộc chiến đã và đang đè nặng lên cả nước, trở thành gánh nặng quá gian nan cho thế hệ cha mẹ và rồi cho cả thế hệ của chị. Chiến tranh lúc đó đã biến nhiều vùng quê yên bình thành vùng xôi đậu hay thành chiến trường khốc liệt, đẩy phần lớn dân chúng tản cư về thành phố. Bi thảm là, theo tác giả kể, “Cuộc sống khó khăn hơn xô đẩy một số các cô gái vào nghề bán bar hoặc bán thân để có tiền nuôi sống bản thân và gia đình.” Chị Hóa từ thiếu niên đã ra ngồi buôn bán ở sạp Chợ Mới Pleiku để giúp nuôi hai em, dĩ nhiên là cực kỳ gian nan. Đã có rất nhiều học sinh nửa chừng bỏ ngang vì hoàn cảnh như thế.

Trong khi đó, một người em chị Hóa là Hải (bạn thân của Phác và Phan thời học đệ thất trung học Pleiku) đậu Tú Tài 2, tình nguyện đi sĩ quan Thủ Đức, ra trường vào Biệt Động Quân, lên trung úy là bị thương, mất một con mắt, chờ giải ngũ.

Chàng sinh viên Phác chứng kiến những cảnh đời bi thương như thế, nhìn thấy khói lửa ngút trời khắp nước, trong khi bản thân anh vẫn còn ngày ngày ôm sách vở theo học Ban Triết. Và Lê Lạc Giao kể lại, “Bạn bè Phác nằm khắp nơi trên quê hương này, đã bỏ máu xương hay từng phần thân thể… Ơi chiến tranh, xin hãy dừng lại một ngày!”

Tuy nhiên, Phác không rơi vào lập trường phản chiến như nhiều bạn trong trường.

Trong khi đó, một số sinh viên bị lôi cuốn vào cơn lốc “cách mạng”… Họ là những bạn trong Đại Học Văn Khoa, ngày ngày cũng tới trường, nhưng từ ngôn ngữ tới việc làm đều khác hẳn các sinh viên. Ngắn gọn, họ không đi học như sinh viên khác, họ tự xem chuyện đi học là một phần của cuộc “tranh đấu”… Trong truyện này, họ là Nghiên, là Kiệt, là Liễu, là một số bạn khác. Lòng họ sôi sục và biết kỹ thuật kích động, như kể lại trong truyện, “Nhắc đến chữ cách mạng, Liễu và hai nữ diễn giả bừng sáng đôi mắt, tưởng như đang thấy cao trào cách mạng diễn ra trước mắt họ. Họ nói hùng hồn, lên xuống giọng như trong một vở kịch thơ chiến tranh. Nếu cần mắt họ long lên nét thù hận…”

Giữa bầu không khí sân trường phân cực quốc-cộng mờ nhạt như thế, trong khi các trận đánh nơi xa chỉ là các bản tin vô hồn trên các nhật báo Sài Gòn, nhiều sinh viên, trong đó có Phác và nhiều bạn khác, vẫn sống với những hình ảnh thơ mộng của một Sài Gòn bình yên, nơi của nhạc Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, nơi khi mùa thi bài vở chồng chất. là rủ nhau vào thư viện Đại học Vạn Hạnh học bài. Trong truyện kể lại, sau những buổi học bài ở thư viện này, Phác ra café Nắng Mới trước cổng trường (Đại học Vạn Hạnh) ngồi nhìn xe cộ lũ lượt qua lại ngay chân cầu Trương Minh Giảng.

Độc giả sẽ thấy có một khung trời Sài Gòn được tái hiện trong tiểu thuyết CMTNC, nơi đó sẽ nhắc tới những hình ảnh tình nhân trong quán café Hân trên đường Đinh Tiên Hoàng. Hay là những hình ảnh thơ mộng và rất là ngây thơ của chàng sinh viên Ban Triết chợt “có ý nghĩ đi tìm Thủy. Một lần năm ngoái, anh đến cổng trường Marie Curie đứng rất lâu trước khi tiếng chuông báo tan học.” Nghĩa là, chuyện của thế kỷ trước. Thời này không tìm ra đâu một không khí như thế.

Đó là một thời mà giới trẻ bây giờ gọi là “thời của ông bà mình”… Vâng, thời đó như thế.  Khi Huyền muốn bày tỏ quan tâm, cách đơn giản của thời đó là, như truyện kể, “Huyền mua cho Phác một tá khăn mù soa tại chợ Bến Thành.” Thế rồi Phác chở Huyền đến tiệm kem Pôle Nord. Xin nhớ rằng thời đó, khăn mù soa là sành điệu. Bây giờ, chỗ nào cũng có giấy napkin… các cơ xưởng may khăn mù soa kể như lũ lượt sập tiệm. Hay là khi Huyền đưa cho Phác quyển Love Story của Erich Segal. Thời đó, sách in trên giấy vẫn là đam mê của sinh viên Sài Gòn…

Trong không khí đó, phe sinh viên tranh đấu mỗi ngày mỗi lớn mạnh, họ biểu tình phản chiến, họ đốt xe Mỹ… Các nhân vật chính trong truyện nhìn thấy những khuôn mặt thân cộng đó. Hải, chàng thương binh trẻ có lúc bực dọc, nói với nhóm bạn rằng những chiến binh như anh đã đổ máu “cho đám thằng Nghiên đi biểu tình, nói với nó có ngày tao ném lựu đạn vào mặt nó!” Cả bốn người đều quen với Nghiên nơi sân trường đại học, nhưng lập trường quốc-cộng đã hiển lộ mấp mé.

Nói cho đúng, lý tưởng chống cộng trong một số giới trẻ thời đó không đủ sức mạnh lôi cuốn. Như trường hợp Hải tình nguyện vào Trường Bộ Binh Thủ Đức khi vừa thi đậu Tú Tài Toàn Phần chỉ vì, như chị Hóa giải thích khi nổi giận với thằng em mình, “…Hải có đủ điều kiện học tiếp lên đại học nhưng chỉ vì một người con gái đã chết lại muốn chết theo.” Cô Vân, bạn của Hải chết khi chưa rời trung học, vì ung thư máu, một căn bệnh làm tóc nàng bạc trắng. Do vậy, chị Hóa nghĩ rằng thằng Hải em mình vào lính để “tự tử chậm rãi.”

Một cao điểm làm lộ mặt các sinh viên nằm vùng là khi vào tập huấn quân sự. Chương trình còn gọi là huấn luyện quân sự học đường. Chính phủ VNCH buộc các sinh viên muốn tốt nghiệp, lãnh văn bằng là phải vào quân trường để hoàn tất khóa tập huấn quân sự.

Trong quân trường, nguyên tắc là kỷ luật rất nghiêm. Nhưng các sinh viên thân cộng cũng quậy phá theo kiểu riêng của họ. Nhiều sinh viên Sài Gòn thời kỳ đầu 1970s vẫn còn nhớ hình ảnh trong Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung được nhà văn Lê Lạc Giao kể lại: “Khi Thiếu tướng chỉ huy trưởng trung tâm đọc diễn từ khai mạc khóa huấn luyện xong nhắc nhở nhiều nhất là đất nước chiến tranh và cộng sản xâm lăng. Nói đến đây trong đám sinh viên tranh đấu ngồi phía sau có người hét lên, “đả đảo chiến tranh”…”

Như thế, độc giả có thể tự hỏi, khi ra chiến trường, các sinh viên thân cộng kia sẽ nổ súng về hướng nào? Hỏi là chỉ hỏi thôi. Có thể chính họ cũng không thể biết trước câu trả lời.

Truyện cũng kể lại, bên cạnh nhóm sinh viên thân cộng (hay/và nằm vùng) chính thống như Nghiên, Kiệt, Tiến… cũng có một số sinh viên chống chiến tranh kiểu chủ hòa của hippies Hoa Kỳ. Và cũng có những sinh viên lãng mạn, chỉ say mê làm thơ, như trường hợp Định bên ban Anh văn, khi tâm sự với Phác trong giờ cơm của một buổi huấn luyện quân sự chủ đề “phòng thủ đơn vị” rằng nếu sau này bị động viên, Định sẽ trốn lính, sẽ về quê ở Cai Lậy sống đời ẩn dật.

Thấy như thế, chiến tranh hiển nhiên là cái gì không được ưa thích trong đa số sinh viên Sài Gòn. Trong đó, bên cạnh nhân vật Phác trong truyện vẫn có những sinh viên chống cộng minh bạch, như Huy đang học năm cuối bên ban Pháp văn và là Ca phó một Ca đoàn Công giáo tại Sài gòn, và hầu hết sinh viên bên Đại Học Minh Đức, nơi các bạn này đa số theo Công giáo. Tương tự, cùng đơn vị quân sự học đường với Phác có Hiếu, lập trường chống cộng minh bạch, vì giải thích rằng anh xem cộng sản là kẻ thù vì họ đã giết cha Hiếu.

Nghĩa là, trong truyện Lê Lạc Giao, hình ảnh các khuôn viên đại học Sài Gòn hiện ra quốc/cộng chen nhau hệt như xôi đậu. Mà sự thực còn phức tạp hơn xôi đậu, vì không chỉ hai phía quốc-cộng, mà có cả phía lãng mạn hippies, có cả phía chủ hòa kiểu thi sĩ thành phố, kiểu lãng mạn nông dân, kiểu lương tâm tôn giáo, và nhiều lập trường phức tạp khác.

Trong khi đó, nhóm sinh viên thân cộng liên tục có những hành vi khiêu khích. Vào một đêm cuối khóa quân sự học đường, nhóm Nghiên, Kiệt… gom vạt giường trong Quân trường Quang Trung ra đốt. Quân cảnh và khóa sinh nhảy dù xông vào dập tắt lửa, vây bắt các sinh viên thân cộng này. Những hình ảnh đó được kể lại trong truyện Lê Lạc Giao bằng ngôn ngữ tiểu thuyết, nhưng chỗ này là sự thực trong ký ức tất cả các bạn Văn Khoa từng đi dự khóa quân sự học đường, trích ở Chương Tình Yêu Và Lưu Đày:

“…Thấy đám sinh viên lố nhố bên ngoài đám quân cảnh đưa loa hét, “Về phòng, ai chống đối sẽ bị bắt nhốt.” Phác cùng đám sinh viên bên ngoài lui về phía sau, anh và Cung cũng chạy sang phải phía ban quân nhạc. Có vài tiếng nổ của súng. Từ bóng tối của tàng bã đậu, Phác thấy hai chiếc xe chữa lửa chạy đến và xịt nước vào đám cháy lẫn đám sinh viên đang đồng ca. Bắt đầu đám khóa sinh nhảy dù tràn vào dùng báng súng đập thẳng tay và quân cảnh nhào đến bắt từng người đưa lên xe…”

Kết quả của đêm sinh viên thân cộng đốt giường trong quân trường là có 127 sinh viên của tiểu đoàn Trần Bình Trọng bị bắt, 36 sinh viên trong nhóm này bị thương vì xô xát với quân cảnh và khóa sinh nhảy dù.

Trong tận cùng sâu thẳm, chiến tranh là suy nghĩ thứ yếu đối với đa số sinh viên Sài Gòn. Học để thi đậu là ưu tiên môt. Vì lúc đó là sau cuộc Tổng Động Viên 1972, hễ thi rớt là phải rời đại học để đi lính. Sau ưu tiên học mới bàn tới chuyện khác, kể cả chuyện tình cảm.

Tiểu thuyết Lê Lạc Giao giành riêng Chương Biển Một Thời Tuổi Trẻ, kể chuyện Phan về thăm nhà ở Nha Trang. Nơi đó, cha của Phan trong một buổi cùng con đi dạo ra ven biển, về hướng Cầu Đá, hỏi Phan rằng nếu thi rớt ở đại học Sài Gòn, Phan có muốn vào ngành cảnh sát hay không, vì ông cụ có thể nhờ một số bạn thân trong Quân khu 2 chạy cho Phan vào làm cảnh sát.

Nghe cha nói như thế, Phan thấy khó chịu, vì nhớ tới Hải, người bạn học bây giờ là một thương binh, và cũng vì Phan thấy chuyện cầm súng ra chiến trường là nhiệm vụ tự nhiên.

Đó cũng là tâm thức của các ông bà cụ khi suy nghĩ về cuộc chiến huynh đệ tương tàn này, khi thấy người cầm súng bên kia chiến tuyến cũng không thực sự là kẻ thù.

Tiểu thuyết này cũng giành riêng chương “Có Một Lần Thương Binh và Tù Binh” để kể chuyện Hải về Pleiku thăm mẹ và chị, rồi tới Quy Nhơn thăm anh Học.  Trong các bạn học thời thơ ấu của Hải, có Can và Lộc đã vào quân lực VNCH. Trong khi đó, anh Học đã về dạy trung học ở Quy Nhơn, nói với Hải một cách lo ngại rằng, “…Em có thấy người Bình Định đa phần thích cộng sản hay không. Làng chúng ta ngày xưa gần hai phần ba lên núi theo bên kia. Tại sao? Chỉ một ít người trong đó có chúng ta không thích cộng sản mà thôi.”

Ngồi nói chuyện với anh, Hải nhớ về thời gian học trung học Cường Để, có rất nhiều bạn học của Hải lúc nào cũng bênh vực cộng sản. Trong số bạn thân của Hải lúc đó có Lưu, mê làm thơ và rồi được kể là Lưu bỏ nhà vào bưng theo Việt cộng, sau đó chết vì bom B52 trên đường Trường Sơn. Hải bùi ngùi đi lang thang với Chính và Mẫn, nghe kể về các bạn học thời xa xưa.

Hải lên xe đò, hướng về làng An Phước để tìm thăm Long, một bạn cùng quê và cùng tiểu đoàn, nhưng Long giải ngũ trước Hải một năm vì bị thương mất chân trái. Xe đò bị một nhóm du kích chận lại, và vì Hải mặc quần nhà binh nên du kích bịt mắt và trói tay, dẫn vào rừng; họ đã xem giấy tờ, biết rằng Hải là thương phế binh, đã giải ngũ ra khỏi quân đội VNCH. Hải bị đưa vào một căn cứ VC trong rừng già, người thẩm vấn Hải tên là Ba Năng. Y chú tâm, hỏi nhiều về thời gian Hải ở Pleiku, đưa cả xấp giấy buộc Hải tự khai.  Hôm sau, thêm một huyện ủy viên tên Sáu Hoàng tới thẩm vấn Hải, đưa cả xấp giấy buộc Hải tự khai.  Hải bị giam hơn mười ngày, giấy tự khai về những ngày trong quân ngũ VNCH đã viết cả hai trăm trang. Một cán bộ khác tới thẩm vấn. Hải thoáng nhìn, bất chợt nói, “Bác Quảng,” vì nhận ra người hàng xóm ở Chợ Mới Pleiku, từng có tin là chết vì tai nạn xe ở An Khê năm Hải học đệ ngũ. Nhưng cán bộ kia nói, hãy gọi ông ta là Tư Kiên. Hải nhớ rằng bác Quảng từng muốn tục huyền với mẹ của Hải, và bất chợt nhận ra rằng Ba Năng chính là thằng Trọng, con bác Quảng. Tư Kiên hỏi nhỏ Hải về sức khỏe mẹ Hải, và rồi nói là sẽ thu xếp thả Hải về, vì đã xuất ngũ khỏi “quân ngụy.” Và  Hải được dẫn ra thả gần đường lộ lúc nửa khuya.

Cũng nên ghi rằng, truyện Lê Lạc Giao nơi này kể rằng khi Hải bị VC bắt, Long đã biết tin, nhưng không báo ra chi khu vì sợ nếu quân VNCH hành quân giải cứu thì Hải khó toàn mạng. Do vậy, Long chỉ nhờ người nhắn hai người bà con “trong phe bên kia” xin thả Hải giùm.

Cuộc chiến quốc/cộng quả nhiên là ở thế xôi đậu. Mà là nhiều loại đậu, xanh đỏ trắng vàng đen tím… mịt mờ sương khói.

Giới trẻ đời thường tại Sài Gòn suy nghĩ gì? Trong khi chúng ta biết rằng Miền Bắc tổng động viên toàn quốc, vơ vét từng sợi chỉ và hạt gạo đưa ra chiến trường, trong khi bắt lính ngay cả trong các thiếu niên còm cõi chưa tới tuổi thành niên, nhiều thành phần tại Sài Gòn vẫn sống buông thả, vui chơi…

Những hình ảnh trái nghịch nhau hiện ra ai cũng thấy. Trong truyện, nhà văn Lê Lạc Giao ghi lời của hai người bạn thân, lúc đó Quận nói với Phác: “Tao rất ghét đám trai gái hippies tụ tập mỗi cuối tuần ở trước rạp Rex và Eden. Chúng nó khiến tao kinh tởm khi nhớ đến những bạn bè của mình đang đánh nhau với việt cộng trên rừng. Tao có ba thằng bạn đều là sĩ quan nhảy dù. Một thằng đã chết, một thằng cụt chân và thằng còn lại đang chỉ huy một đại đội của tiểu đoàn 11, sống chết từng giờ với VC ở Dakto Tân Cảnh!”

Như thế, trong bầu không khí xôi đậu đa dạng như thế, truyện kể về một nhóm bạn Văn Khoa “đang đánh nhau với Việt cộng trên” các giảng đường đại học.  Và cũng trong bầu không khí như thế, nhiều sinh viên trong khi còn đi học, tự thấy mặc cảm khi thấy bạn mình đã đi lính và ra chiến trường. Thí dụ, một cách mơ hồ, như Quận đang còn đi học, nhưng tự thấy có lỗi với các bạn ở chiến trường vì Quận tâm sự là “muốn đi lính hình như để trả nợ… Tao không muốn nói nôm na như nhiều người rằng trả nợ núi sông đấy nhé!” Nghĩa là, Quận không muốn sử dụng ngôn ngữ cực kỳ trang nghiêm như tổ quốc và núi sông, nhưng chỉ vì tự thấy ngồi học bình an trong sân trường là không phải lẽ với các bạn đang tác chiến. Đó cũng là lý do Quận bực dọc với Đại hội Nhạc Trẻ ở Thảo Cầm Viên của các tay hippies mà chàng gọi là không ổn và phản tuyên truyền.

Tác giả Lê Lạc Giao ưa sử dụng kỹ thuật đưa những hình ảnh trái nghịch cận kề nhau để làm hiển lộ các dị biệt trong xã hội. Cuộc chiến quốc-cộng trong thời sinh viên là dĩ nhiên, chạy xuyên suốt cả cuộc đời những người trong truyện. Kỹ thuật này dùng cho cả những dị biệt giữa các nhân vật. Thí dụ, như Hải, chàng Trung úy thương phế binh nguyên khởi đi lính vì người anh yêu thương bạc tóc từ thời rất trẻ và chết vì một bệnh ung thư lạ. Trong khi Quận muốn đi lính vì tự thấy sống bình yên ngoài đời lính là không phải lẽ. Hay hình ảnh mê thơ và ưa triết lý của Phác đặt kế bên để làm nổi bật hình ảnh võ biền và thẳng thắn của Quận, chàng sinh viên bị ông nội ép học võ từ năm mới lên tám, vì cụ là một cử nhân võ cuối cùng của triều nhà Nguyễn.

Nổi bật trong tiểu thuyết Lê Lạc Giao là ba tảng màu, có khi minh bạch tách biệt, có khi loang vào nhau: màu đỏ của những người cộng sản và thân cộng, màu vàng của những người chống cộng hoặc không ưa cộng sản, và một màu nhạt nhòa không minh bạch của những người đứng giữa hay chỉ biết vui chơi. Và rải rác trên các tảng màu chính đó, là các màu sắc khác của cuộc đời – những ngày học thi gian nan, và những mối tình như các sợi tóc giai nhân vương lại trên các dòng chữ trong truyện.

Trong một bức tranh nhiều màu sắc như thế, mối tình của Huyền và Phác hiện lên một cách trong sáng, và đồng thời rất mực gian nan. Huyền hơn Phác hai tuổi, học Dược khoa, hiểu là có một tương lai vững chắc trong xã hội; trong khi Phác học Văn khoa, hiểu là sẽ bất định, đặc biệt trong thời Tổng Động Viên sau trận đánh mùa hè Quảng Trị 1972. Thế rồi một hôm, Huyền đi taxi tới mời Phác ra quán café Hoàng Cầm trên đường Tú Xương, nơi ngày đầu tiên hai người uống café với nhau. Nơi đây, Huyền nói rằng hai người nên chia tay, vì “không hợp nhau.” Khi Phác chở Huyền về và thả xuống gần cổng nhà nàng, Huyền trong bóng tối “vươn người lên phía trước hôn Phác. Nụ hôn dường như cay đắng nhưng dứt khoát.  Phác nghĩ, đấy là nụ hôn chia tay và cũng là nụ hôn vĩnh biệt.” Chỗ này cũng là lơ lửng để độc giả suy nghĩ… Có phải Huyền nói không hợp với Phác là vì Phác sẽ tới lúc nhập ngũ theo lệnh Tổng Động Viên, và do vậy tương lai đầy bất trắc? Hay phải chăng, không hợp vì Huyền sắp ra trường dược khoa và Phác sớm muộn gì cũng phải vào quân trường? Hay chỉ đơn giản vì Huyền hơn Phác hai tuổi?

Đêm đó, Phác về nhà Thịnh ngủ, rủ bạn khui chai Rhum Deoda ra uống, và trong cơn say nghe Thịnh báo tin rằng chính phủ điều chỉnh lệnh tổng động viên, nâng lên một tuổi… Nghĩa là, sẽ có thêm hàng loạt sinh viên từ giã sân trường để ra chiến trường. Lúc đó, trong cơn say, khi nằm xuống ngủ, Phác nghe tiếng đại bác ven đô vọng về…

Các sinh viên và gia đình xôn xao về tình hình mới. Tác giả Lê Lạc Giao viết: “…lệnh tổng động viên thêm một tuổi là một thực tế không thể phủ nhận được cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Người chết mỗi ngày nhiều hơn, và mùi chết chóc hình như bắt đầu hiện diện khắp nơi. Chị Ngân ngồi ở sa lon vừa đọc báo, thỉnh thoảng liếc nhìn Phác và mẹ đang nói chuyện.”

Ba tuần lễ sau, Phác và Phan nhập ngũ vì lệnh tăng tuổi Tổng Động Viên.

Kỹ thuật viết tiểu thuyết với phương pháp tỷ giảo của Lê Lạc Giao nơi đây lại đưa ra hai cái nhìn về cuộc chiến từ hai người bạn thân này.

Gia đình vốn gốc Bắc di cư, Phan trưởng thành ở Miền Nam và do ảnh hưởng từ bạn hữu nên không ưa cầm súng, tuy rằng phần lớn  người công giáo di cư ưa nói, “Không ai hiểu cộng sản bằng chúng tôi… chúng tôi đã sống với cộng sản. Có kẻ từng cộng tác, thậm chí đồng chí với họ nhưng phải bỏ cả nhà cửa quê hương ra đi thì giải pháp cầm súng chiến đấu chống họ là điều tự nhiên: không những bảo vệ mình mà còn đánh đuổi những kẻ vô thần, chống chúa!”

Trong khi đó, Phác vẫn kiểu triết lý trên mây, xem cuộc chiến “chỉ là phần lập lại lịch sử dân tộc, có tính truyền thống… [trong khi] cuộc chiến ngày hôm nay, mang màu sắc ý thức hệ tất nhiên phải nằm trong vòng ảnh hưởng chiến lược của các cường quốc.”

Phan và Phác sau khi trình diện, được về phép, và hai người về Nha Trang thăm nhà. Đứng bên dòng Sông Cái ở Diên Khánh, những ký ức từ thời thơ ấu học chữ Nho tràn ngập trí nhớ Phác. Trong khi đó, Phan đi chơi với cô bé Jackie  dọc bờ biển Nha Trang, và rồi Jackie tỏ tình với Phan, trao một nụ hôn đầu đời cho Phan. Chiến trường là cái gì rất gần Phan và Phác, trong khi tình yêu là trận gió mát làm dịu lòng người, nhưng nào ai giữ được gió trong tay. Jackie sang Pháp du học, trong khi Phan ra trường Bộ Binh Thủ Đức, tình nguyện vào Biệt Động Quân, và quyết định cắt đứt liên lạc với Jackie vì đời lính biết đâu ngày về. Phác được biệt phái vào làm công chức ở Phủ đầu rồng. Cuộc chiến không đơn giản, vì đây cũng là nội chiến, vì phía bên kia cũng là một số khuôn mặt bằng hữu, như Nghiên, như Kiệt… Cũng như đối với chàng thương phế binh Hải, phía bên kia cũng là bác Quảng, là Ba Năng, là em Nghĩa… Nhìn đâu cũng thấy ta và địch, trong sân trường đại học cho tới chiến trường nơi núi rừng.

Trong đêm cuối Phan và Phác ở Nha Trang, trước khi về lại quân trường Thủ Đức, tác giả Lê Lạc Giao viết về hai chàng xếp bút nghiên này: “Phan và Phác lúc ấy không nói thêm lời nào. Bầu trời đêm cuối cùng tại Nha Trang như quấn chặt hai người. Mỗi người một thế giới riêng nhưng lại có điều chung nhất: nỗi đau tuổi trẻ, sự mất mát và đổ vỡ của cả một thế hệ. Họ chính là đại biểu của loài chim ước mơ đem tiếng hót làm niềm vui cuộc đời, nhưng kết quả cũng chỉ là loài quạ đen hay kên kên đói khát trên cánh đồng ngập tràn xác chết đồng loại.”

Tác giả Lê Lạc Giao cũng nêu bật lên những ngăn cách thế hệ trong suy nghĩ về cuộc chiến. Tuổi trẻ, tất nhiên suy nghĩ khác với thế hệ ba mẹ. Huống gì là cuộc chiến này tuy là quốc-cộng phân tranh, nhưng dưới mắt của rất nhiều người lại không có gì minh bạch như giữa trắng với đen. Thí dụ, trường hợp của Thành, một bạn học cùng trường và ở một lớp trên Phác, Phan và Hải. Thành sau khi thi rớt Tú Tài 2, tình nguyện đi Trường Sĩ Quan Thủ Đức.

Lê Lạc Giao ghi lại nỗi lo lắng của ba mẹ Thành, một sĩ quan binh chủng Nhảy Dù: “Nhớ lần về phép đầu tiên với gia đình, cha của Thành chỉ trầm ngâm nhìn anh không nói gì trong khi mẹ anh bắt anh đến bàn thờ tổ tiên thắp hương lạy ông bà. Những ngày kế tiếp Thành chỉ thấy mẹ ngồi với mình lại rơm rớm nước mắt thế nên về sau, Thành rất e ngại về thăm cha mẹ khi được nghỉ phép.

Kỹ thuật viết tiểu thuyết của tác giả nơi đây cũng đặt ở một vài chữ, nhưng làm nổi bật lên cả những khối mây bay cuồn cuộn phương trời. Hình ảnh người cha “trầm ngâm nhìn anh không nói gì” trong khi mẹ “bắt anh đến bàn thờ tổ tiên thắp hương lạy ông bà.” Chữ của tác giả rất kiệm lời. Nhưng khi tác giả lặng lẽ đưa ra hình ảnh đối chiếu giữa cách cha và  mẹ đối với chàng sĩ quan nhảy dù tên Thành, cuộc nội chiến Việt Nam đã được nâng lên đặt một nơi thiêng liêng ở bàn thờ tổ tiên, nơi đó người con nối dõi tông đường biết sau này còn nhiều dịp để thắp hương hay không.

Tiểu thuyết đi tới những chỗ kỳ bí như phim trinh thám khi bác Chung, một đại tá an ninh ở Quân Đoàn 2 và là bạn của cha Phác, tới thăm Phác khi chàng về phép ở Pleiku và nhờ cầm một phong bì vàng vào Sài Gòn trao cho một người tên Năm Khương, ngồi bán ở một kiosk màu xanh dương.

Một số nhân vật xuất hiện từ đây. Trong đó có những người thân với phía bên kia, thí dụ như người sinh viên được một số bạn Văn Khoa gọi là Đôi Nạng Xứ Dừa… Cùng khóa sĩ quan Thủ Đức với Phác có Hưng, học bên Ban Sử Địa trước khi vào quân trường.  Tác giả Lê Lạc Giao để riêng Chương Người Bạn Bên Kia viết về Hưng. Hưng xuất thân từ Mỹ Tho, cả nhà đều là cán bộ cộng sản. Cha Hưng là một chỉ huy du kích liên tỉnh Bến Tre-Vĩnh Bình, tử trận trong trận Mậu Thân ở Vũng Liêm. Lúc đó Hưng được giao liên dẫn vào Vũng Liêm dự đám tang cha trong rừng. Hưng đóng vai học sinh lên Sài Gòn để vào đại học, nhưng cũng là để hoạt động, và rồi kết thân với chàng sinh viên Đôi Nạng Xứ Dừa vì tự nhiên cùng kiểu suy nghĩ chống Mỹ. Hưng được móc nối lại để vào một chi bộ bốn người ở Đại Học Văn Khoa, trực tiếp chỉ huy Hưng là cô nữ sinh viên có tên là Tố.

Một lần, Hưng và Phác gặp nhau ngoài tiệm cà phê hè phố Nguyễn Du. Nhà văn Lê Lạc Giao kể lại trong truyện, trong đó nhắc tới một nhóm bạn học khá thân của Phác vừa bị cảnh sát bắt, trích:

Hưng nhận ra Phác khuôn mặt không có nét vui bèn hỏi, “mày có chuyện hay sao?” Phác gật đầu, “tao buồn vì nghe tin đám thằng Nghiên đã bị cảnh sát bắt vì biểu tình trước tòa đại sứ Mỹ.”

 …Từ lâu anh nghi ngờ Hưng là một cán bộ tình báo của cộng sản. Điều này do linh tính chứ bản thân Phác rất thờ ơ với những hoạt động an ninh tình báo, thứ mà anh dị ứng khi nghe ai đề cập đến lúc còn đi học…” (ngưng trích)

Một thời gian sau, khi Phác thấy trong danh sách đào ngũ có tên Hưng, Phác biết ngay Hưng đã vào bưng để được VC huấn luyện, sẽ mang lý lịch mới ra hoạt động thành.

Nơi Chương Người Bạn Bên Kia, tác giả ghi lại hình ảnh hai người bạn học trở thành hai phía tình báo đối đầu, trích:

Khi Hưng trở lại Sài gòn một ngày cuối tháng bảy năm 1973 dưới cái tên mới Trần thành Báu, tức Năm Báu, tổ trưởng công tác chính trị xâm nhập A7 Sài gòn Gia Định. Anh nhận lệnh trực tiếp từ thành ủy viên thông qua một cán bộ bí số hai tám năm hoạt động con thoi nội thành. Bắt đầu từ bây giờ Năm Báu trực tiếp đối đầu với một cơ sở phản gián thuộc phủ đặc ủy tình báo trung ương VNCH. Không biết có phải cố ý hay không mà cấp trên cho Hưng trở về hoạt động địa bàn của Phác, người bạn cùng ra trường khóa 5/72 về sở nghiên cứu địa lý thuộc phủ Tổng Thống.”

Cuộc chiến bi thảm không phải vì thuần túy chiến trường, nhưng cũng vì những nối kết lịch sử từ thời Pháp thuộc để lại, và vì những người đang chỉ huy cuộc chiến tại Miền Nam. Phác được giao nhiệm vụ nghiên cứu, tìm đọc trong sách vở thư viện của cơ quan, rồi viết các bản nghiên cứu, báo cáo và đánh giá chính trị để trao cho phòng tình hình. Cùng lúc, với thói quen của người học Triết Học, Phác nêu ra những câu hỏi để tự suy nghĩ, và rồi ghi vào nhật ký riêng.

Trong Chương Cuộc Đùa Bỡn Thực Tại, Phác nhìn thấy những trở ngại từ nội bộ chính phủ VNCH: tính quân phiệt của giới lãnh đạo, khuynh hướng bè phái, tệ nạn tham nhũng hối lộ… Do vậy, đến năm 1973 sau khi hiệp định Paris ký kết, Hoa Kỳ rút quân và vùng xôi đậu mỗi ngày thêm mở rộng.

Phác cũng nhìn thấy trở ngại pháp lý từ phía VNCH, khi “vô hình chung cuộc chiến hiện tại chỉ là tiếp nối cuộc chiến trước kia. Năm 1954 Pháp đứng một bên điều đình mặc cả với lãnh đạo miền Bắc, ngày hôm nay người thay thế Pháp là Mỹ,” theo nhật ký của Phác trong chương vừa nói. Nghĩa là, nhà nước Sài Gòn luôn luôn ở một vị trí bóng mờ lịch sử, phải công khai nương tựa ngoại nhân. Trong khi đó, Hà Nội luôn luôn xuất hiện ở thế chủ động, cũng nương tựa ngoại nhân nhưng là bí mật.

Phác được đọc nhiều bản phúc trình tình báo, và đau đớn nhận thấy những khuôn mặt sinh viên trong thế hệ của chàng trở thành các mắc xích hoạt động cho phía bên kia. Tác giả Lê Lạc Giao ghi lại tình hình này: “Phúc trình bên bộ phận sinh viên thuộc bộ giáo dục cho thấy, có rất nhiều tổ tình báo sinh viên được thành lập khắp các phân khoa thuộc viện Đại học Sài gòn… Cán bộ cộng sản là những sinh viên, được tuyển chọn đưa vào mật khu huấn luyện sau đó tung trở về hoạt động tại các phân khoa. Họ là cán bộ điều khiển nên rất giỏi công tác luồn lách, xâm nhập sau đó lại  biến mất. Phác có nghĩ đến Hưng và thầm hiểu một ngày nào đó, anh sẽ gặp lại Hưng nhưng không phải người bạn cũ mà là một cán bộ cộng sản.”

Mặc dù vậy, Phác vẫn có những người bạn hiểu thấu suốt tình hình, và kiên tâm với lý tưởng phải chống cộng sản để giữ gìn văn hóa dân tộc và các quyền tự do căn bản. Trong nhóm bạn đó của Phác, có Khải, một sĩ quan Hải quân. Tác giả Lê Lạc Giao mô tả Khải như là một nhân vật khuôn mẫu của nền văn hóa đang biến mất của Việt Nam, dạy con từ nhỏ theo nếp cổ, và khi con trai anh “mới sáu tuổi mà đã đọc vanh vách Luận Ngữ, Mạnh tử.” Khải nói với Phác rằng, ngay cả khi Miền Nam có sụp đổ, ngay cả khi những người chung quanh Khải đã buông súng trước làn sóng Cộng sản, Khải cũng sẽ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng.

Và rồi, trong những thời gian cuộc chiến ngày càng bất lợi cho Miền Nam, tác giả Lê Lạc Giao ghi lại hình ảnh Khải trong Chương Di Sản Của Cơn Mơ, “Phác tự nhủ và nhớ đến Khải, người bạn đang chiêu mộ lính để lập một sư đoàn cho một cuộc chiến tranh ‘cách mạng’ chống cộng sản bảo vệ di sản tổ tiên – theo cách nói của anh ấy.”

Nơi đây, tác giả cũng sử dụng kỹ thuật tỷ giảo, nói về ước mơ của Khải đi chiêu mộ lính để bảo vệ di sản tổ tiên trước cơn giông bão cộng sản đang thổi bật hết cả những gốc rễ tâm linh và văn hóa.

Ngay như trong cách đặt tên cho chương này là Di Sản Của Cơn Mơ, tác giả Lê Lạc Giao cũng đưa ra hình ảnh quá khứ là di sản, nằm bên hình ảnh của tương lai là cơn mơ. Bi kịch chính là giấc mơ các nhân vật đều dị biệt nhau, hoặc vì ngăn cách thế hệ, hoặc vì lập trường khác nhau, và rất nhiều lý do khác. Di sản lại là những gì có khi các nhân vật không ưa thích, nhưng vẫn phải gánh chịu. Thí dụ, di sản cuộc chiến vẫn là nối kết từ chuộc chiến chống Pháp, rồi đất nước chia đôi. Không ai từ chối di sản được. Nhưng để gánh vác di sản, hóa ra cuộc chiến trở thành một trận bão lốc thổi tất cả các nhân vật, nơi đây là các sinh viên và gia đình của họ, vào một vòng xoáy nội chiến, pha lẫn tranh chấp ý thức hệ, và hai phía nước Việt trở thành những tên lính tiền phong trong Cuộc Chiến Tranh Lạnh của thế giới.

Cũng một bi kịch khác: nhìn từ phía thật xa, từ thủ đô Hoa Kỳ, nhiều vị dân cử Mỹ lại muốn nhà nước Sài Gòn phải tôn trọng nhân quyền, tôn trọng tiếng nói đối lập của người dân, dù là tiếng nói từ phía các cán bộ VC đang đóng vai những người chủ hòa, kêu gọi đối thoại hai miền tại Việt Nam.

Tiểu thuyết Lê Lạc Giao đã đan xen nhiều mảng xã hội và văn hóa khác nhau, trong kỹ thuật đưa ra các hình ảnh trái nghịch bên nhau để đối chiếu… làm cho độc giả thấy đời sống là một dòng sông cuồn cuộn chảy. Và đó là xã hội Miền Nam, từ phía người chống cộng, trong cơ may lịch sử được vào làm trong nhóm nghiên cứu trong Phủ Tổng Thống VNCH, và đã đọc và đã chứng kiến nhiều diễn biến lịch sử cực kỳ gay gắt trong vài năm trước 1975.

Ngay cả trong khi khói lửa mịt mù từ trận Phước Long sôi động, một vài tướng lãnh VNCH đã nối kết với Hoa Kiều Chợ Lớn để tham nhũng —  thời điểm đó, Mỹ viện trợ cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa để tác chiến với cộng sản, nhưng nửa triệu vỏ xe quân xa gửi tới Sài Gòn đầu năm 1974 đã chuyển đi Cam bốt qua tay Hoa kiều Chợ lớn và một phần lớn bán cho Việt cộng với giá rất rẻ.

Phác nói với các bạn trong ban nghiên cứu, “Chúng ta tự đào mồ chôn chúng ta!”

Ngày 18 tháng 9 năm 1974, nhóm nghiên cứu ba người của Phác, Cường, Sơn được trao cho ba bộ hồ sơ X7, trang đầu có in hình năm người liên hệ cộng sản đang hoạt động trong một đường dây Sài Gòn, trong đó người thứ ba là Năm Khương, kẻ nhận bao thư của đại tá Chung qua trung gian Phác. Phác lạnh người, mất bình tỉnh. Đại tá Cẩm nhìn thấy, giữ Phác lại để hỏi. Phác kể rằng chính Phác cầm một bao thư lớn màu vàng trao tận tay Năm Khương theo yêu cầu của đại tá Chung, Chánh sở hai an ninh quân đội Quân khu 2. Phác bị giam ba ngày, nói chuyện với Đại tá Cẩm, hiểu được hồ sơ X7 là mạng lưới CS nằm vùng để luồn sâu, leo cao vào chính phủ VNCH. Phác được về công tác sinh viên trở lại, sau khi được Đại tá Cẩm báo cho biết Đại tá Chung, người nhờ Phác chuyển bao thư cho Năm Khương, đã bị an ninh bắt giam.

Khi Phác về lại môi trường sinh viên Văn Khoa trong kế hoạch A18 của phân cục phản gián để gài bắt các sinh viên của thành đoàn Sài gòn Gia định, nhưng hiển nhiên là Hưng đã lặn rất sâu vì Phác đọc nhiều tài liệu nhưng không phăng ra được bóng dáng của Hưng.

Trong khi đó, dòng đời vẫn diễn tiến lặng lẽ theo kiểu riêng bên cạnh dòng lịch sử nội chiến. Thành, người sĩ quan Nhảy Dù mỗi lần về thăm nhà là bị cha bắt phải thắp hương trước bàn thờ tổ tiên, đã tử trận ở mặt trận tái chiếm Quảng Trị sau khi về Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù. Sau đó, Loan, người yêu của Thành đã kết hôn với Lâm, cũng là một người bạn của Thành, Phác, Phan…

Người thương phế binh tên Hải bấy giờ đã vào học ở Đại học Sư Phạm Huế, nhận ra một điều lạ lùng: khuynh hướng trí thức cánh tả, có lập trường chống Mỹ, hiển lộ ra ở ngôn ngữ một số giáo sư trong trường này. Cụ thể là giáo sư Trần Lãng. Các giáo sư này ảnh hưởng một số sinh viên cánh tả. Họ im lặng khi nghe nhắc tới hơn ba ngàn thường dân bị VC thảm sát trong Tết Mậu Thân ở Huế, nhưng lại bàn luận cao siêu khi nói chuyện trừu tượng về các triết thuyết.

Khi Hải về Pleiku thăm Lâm, bấy giờ Lâm đã cưới Loan. Hải nhận ra đã gặp Loan vài lần khi Loan là người yêu của Thành tại Sài Gòn. Loan và cậu bé hai tuổi ra chào Hải. Lâm chờ khi Loan ra ngoài, mới kể riêng cho Hải rằng khi Thành tử trận, Loan có bầu 4 tháng. Và Lâm chọn giải pháp xin kết hôn  với Loan để giữ tai tiếng cho Loan, và cũng để bảo vệ và cưu mang giọt máu của Thành. Một thời gian sau, Lâm và Loan rời bỏ Sài Gòn để trở về Pleiku tìm việc dạy học.

Lâm phải kể bí mật này cho những người bạn thân như Hải, Phác, Phan để hiểu vì sao người yêu của Thành lại trở thành vợ Lâm.

Nhiều chi tiết khác được tác giả trình bày cho thấy cả một dòng sống cuồn cuộn giữa những người bạn. Lương bỗng nhiên biến mất. Thịnh tỏ tình với Quế Anh. Rồi đầu tháng hai năm 1975, Phan về phép lần thứ ba vì bị thương ở cánh tay trái. Quế Anh nhận được một lá thư bí mật của Lương, bày tỏ thương nhớ và dặn đọc xong mấy dòng hỏi thăm đó, là hãy đốt thư đi. Do vậy, “Đêm nay Quế Anh đọc kinh Quán thế Âm đến hai mươi lần mới ngủ được,” theo tác giả Lê Lạc Giao kể lại trong Chương Chỉ Một Lần Chạm Đến Tình Yêu…

Chương Buổi Hoàng Hôn Của Miền Nam bắt đầu bằng những dòng bi thảm, “Tháng ba năm 1975, sau khi mất Phước Long, Ban mê Thuộc, sự tan hàng của quân khu 1 với người dân các tỉnh phía bắc di tản chạy về Sài gòn và các tỉnh phía Nam. Tiếp theo cuộc rút lui toàn bộ quân khu 2 cùng người dân hai tỉnh Pleiku và Kontum trên tỉnh lộ 7 về Tuy Hòa là những xen bi thảm của một vở kịch đến hồi hạ màn.”

Làn sóng người từ Miền Trung đổ xô về Sài Gòn trong khi lần lượt tỉnh này sang tỉnh khác sụp đổ, cho thấy không còn nơi nào an toàn trên cả nước. Tác giả kể rằng Phan đang điều trị vết thương ở Tổng Y Viện Cộng Hòa – một nơi ngày xưa xem là ven đô Sài Gòn, bây giờ cũng trở thành nội đô sầm uất – cũng sốt ruột, nói với các bạn rằng Phan muốn về đơn vị sớm, nói với Phác, “tao muốn chết với viên đạn cuối cùng của mình!” Phác với bản tính triết gia, nói rằng Phan y hệt anh Khải, chỉ muốn sống với lập trường chiến sĩ và võ sĩ đạo. Phan và anh Khải là hai thế hệ cách nhau, nhưng cùng một suy nghĩ cảm tử như thế. Anh Khải hơn Phác và Phan chỉ khoảng mười tuổi, nhưng suy nghĩ và sống y hệt như  một nhà Nho – và có thể nói rằng, anh Khải là một trong vài nhà Nho cuối cùng của dân tộc Việt. Nhà văn Lê Lạc Giao cũng kể rằng anh Khải, trong cương vị sĩ quan cao cấp trong Hải quân, đã tồn trữ được vũ khí cho một tiểu đoàn cảm tử tại Cát Lái, và anh đang chiêu mộ chiến binh cho đơn vị này. Lúc đó là tuần lễ thứ nhì của tháng 4/1975.

Kỹ thuật viết tiểu thuyết nơi đây cũng dùng những hình ảnh trái nghịch đặt bên nhau. Phác trong cương vị sĩ quan tình báo ở Phủ Đặc Ủy đã nhìn thấy thế phải thua của Miền Nam, nhìn thấy những mối dây tham nhũng từ vị đại tướng móc nối, bao che và đưa hàng viện trợ quân sự Hoa Kỳ cho Hoa Kiều Chợ Lớn đưa đi tiêu thụ, thậm chí bán rẻ cho Viêt Cộng; được trực tiếp đọc các hồ sơ về mạng lưới tình báo VC gài lên tới cả Đại tá chỉ huy phòng Hai, Quân Khu 2, và vị này hóa ra là bạn thân của cha Phác; nhìn thấy sinh viên trong sân trường trở thành xôi đậu ta/thù với bạn/địch khó phân… Trong khi đó, Phan, chàng thương binh đang chữa thương, và anh Khải, người sĩ quan Hải quân say mê với việc giữ gìn nền văn hóa truyền thống dân tộc, vẫn muốn liều thân ra trận cho tới viên đạn cuối cùng. Gần cuối tháng 4/1975, anh Khải nói đã tuyển thêm một toán sinh viên Y khoa đồng ý tham gia Tiểu đoàn Cứu quốc của anh, và tác giả Lê Lạc Giao ghi lời anh Khải rằng tiểu đoàn này sẽ vào những trang sử đấu tranh như thời kỳ Cần vương chống thực dân Pháp.

Đó là những trang tiểu thuyết sôi động, đầy những cảm xúc. Trong khi đó, đám sinh viên thân cộng (và cộng sản thực) như Nghiên, Kiệt, Tuấn và những lãnh tụ của các phân khoa khác đang nằm chịu án trong nhà tù Thủ Đức, Tam Hiệp hoặc Côn Sơn.

Tác giả Lê Lạc Giao ghi trong Chương Buổi Hoàng Hôn Của Miền Nam, “Đọc hồ sơ của đám bạn cũ Văn khoa bị bắt, Phác mới biết trước kia anh ngây thơ xiết bao, khi cho rằng họ là sinh viên thuần túy bị các tổ chức chính trị thiên tả giật dây. Trong khi những người này đều là đảng viên cộng sản, và phần còn lại  là đoàn viên thành đoàn thanh niên cộng sản Hồ chí Minh. Do đó đã có một vài sinh viên được Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam nêu tên trực tiếp, đòi trao trả tù binh ngay đợt một tại Lộc Ninh theo hiệp định Paris 1973.”

Trong chương này cũng kể rằng một phái đoàn sinh viên từ Sài Gòn ra ủy lạo các trại tạm cư ở Vũng Tàu, nơi đồng bào và tàn binh liên tục từ Miền Trung đi bộ tới hay từ ghe tàu ven biển các tỉnh đổ về. Khi Phác theo phái đoàn Văn Khoa ra Vũng Tàu cứu trợ, an ủi… được hai bạn bên phản gián dặn là phải để ý Hội, một cựu sinh viên Văn Khoa nhưng thực sự là một thiếu tá tình báo CSVN. Khi được gọi về lại Sài Gòn, Phác nhìn thấy hàng dài người xếp hàng trước Tòa đại sứ Mỹ làm thủ tục di tản. Đại tá Cẩm nói với Phác rằng nhiều cơ quan chính quyền đang tan rã, nhiều cấp chỉ huy đã chạy ra nước ngoài. Ngày 24/4/1975, tất cả nhân viên hoạt vụ phải về ban, khai số người trong gia đình khi cần thiết phải di tản. Nghĩa là, khi cần thiết phải rời bỏ đất nước. Tình hình thua trận đã thấy rõ, trong khi Sài Gòn đang hỗn loạn với làn sóng người từ Miền Trung vào xô đẩy nhau. Ngày 25/4/1975, khi Phác vào cơ quan, nhìn thấy hầu như hoang vắng lạ thường, hồ sơ tình báo đã đốt liên tục bốn ngày rồi.

Tác giả Lê Lạc Giao ghi nhận hình ảnh trong cơ quan tình báo chiến lược của Phủ đầu rồng, “Tất cả vắng ngắt, hoang vu lạ thường. Đâu tiếng còi hụ đe nẹt của toán an ninh nội bộ mỗi ngày, khi xe đặc ủy trưởng xuất hiện và đám nhân viên phải đứng quay mặt vào tường! Nhớ trò hề ngày ấy cho đến hôm nay trong lòng Phác gợn lên sự chua chát, khi nghĩ đến thế hệ của mình ngày nào tốt nghiệp đại học chỉ mong cống hiến sức lực tài năng cho đất nước. Trong khi đám người lãnh đạo và lãnh tụ dường như chỉ biết danh lợi và quyền thế. Họ được đào tạo từ thời kỳ thực dân Pháp thống trị nên ý thức hệ cấp (hierachy) còn đè nặng trong ý thức làm việc.”

Ngày 28/4/1975, Đại tá Cẩm nói với Phác rằng mỗi người phải tự tìm lối thoát, vì đã tan hàng, và tặng Phác khẩu súng Bereta nhỏ và gói đạn để phòng thân. Đặc ủy trưởng đã di tản. Hồ sơ phòng nhân viên đã đốt hoàn toàn, không để dấu tích nào. Tương tự, Đại tá Cẩm dùng interphone gọi  từng toán nhân viên vào và ra chỉ thị cuối cùng, tan hàng. Vọng từ xa là tiếng đại bác, xen lẫn tiếng súng liên thanh bắn từ những góc phố Sài Gòn.

Trong bầu không khí hoang mang và mịt mờ khói súng đó, Phác nghĩ tới Thủy, người tình mới của chàng. Truyện lúc này kể rằng Phác cũng chạy tới tìm anh Khải, thì người sĩ quan Hải quân cấp cao này đã cùng gia đình xuống tàu ra biển. Những ước mơ của Tiểu đoàn Cứu quốc đã tan biến như mây ban trưa. Thịnh tìm tới Quế Anh, trong hoang mang của cả đất nước, tỏ tình với nàng, đặt nụ hôn vào môi nàng, khi biết gia đình Quế Anh sẽ không di tản.

Ngày 29/4/1975, Phác và Phan tới nhà một người bạn trên đường Phan Thanh Giản, ngồi trên lầu uống rượu, nhìn xuống đường thấy quần áo lính đủ loại quăng bỏ ngoài đường. Một xã hội tan rã. Ngày 30/4/1975, thống nhất hai miền đất nước.

Tình bạn giữa các sinh viên quốc/cộng, có khi chỉ lộ ra qua một dòng chữ. Nhà văn Lê Lạc Giao kể trong chương này: “Khang, chủ tịch sinh viên  luật khoa từ Vũng Tàu trở về nhà trọ của mình trên Trương minh Giảng trưa ngày 30 tháng 4… Khang mở cửa nhà bằng chiếc khóa riêng của mình và bước vào phòng. Đập vào mắt anh là tấm giấy cài lên tường với hàng chữ viết tay của Hội: “Mày hãy ra đi, ở lại sẽ bị tử hình!” Khang đóng cửa suy nghĩ. Tiếng súng nhỏ nổ lác đác khắp nơi. Anh nhớ tới Phác nói về Hội. Suy luận rộng hơn nữa theo luận điệu của Hội, có thể anh ta là cán bộ cao cấp Cộng sản. Thế thì nên tìm cách đi ra khỏi nơi này. Khang ra khỏi nhà dùng xe đạp đi xuống bến tàu.”

Cũng ngày hôm đó, Lương, người yêu đầu tiên của Quế Anh, đang ngồi trên chiếc xe tăng T54 thứ nhì trong đoàn 8 chiếc tấn công vào Hóc Môn. Chiếc xe tăng đầu tiên bị chiến binh VNCH dùng M72 bắn cháy. Lương xả súng xe tăng bắn tan ổ kháng cự, và nhóm 7 xe tăng còn lại vào chiếm Biệt Khu Thủ Đô dễ dàng. Lương ngảy lên xe gắn máy đi tìm Quế Anh.

Hôm 1/5/1975, Hưng, tức Năm Báu, vào dự lễ ở Dinh Độc Lập, bất chợt nghĩ tới Phác, không hiểu người bạn học này bây giờ ra sao.

Sau những ngày Miền Nam sụp đổ là những ngày của các trại tù cải tạo mọc lên khắp nước. Tác giả Lê Lạc Giao đặt tên chương truyện này là “Ở Đây Cũng Có Con Người”…

Khởi đầu chương là hai câu thơ:

Ở đây cũng có con người

 Nhưng chẳng còn gì để sống…

Chương này tập trung về nhân vật Hiếu, bạn của Phác, nguyên cũng là một sinh viên Miền Trung vào Sài Gòn học, và một số nhân vật trong cùng trại tù với Hiếu. Nơi đó là đói thê thảm, là lao động mệt tới kiệt sức hàng ngày, là hình ảnh bi thảm khi chung quanh mình đều là những tù binh hậu chiến. Và nơi đó, có những người tuyệt vọng, như Đại  úy Sâm treo cổ tự tử. Hay là những niềm vui chỉ để giải tỏa ức chế thân xàc, như khi Hiếu bất ngờ chứng kiến bạn tù tên là Vạn làm tình ở một góc rừng với cô Lan giao liên, một đảng viên CSVN bị hạ tầng  công tác. Đó là một trại tù nơi không một ai được quy chế tù binh như trong những cuốn phim quốc tế từng chiếu ở Sài Gòn về các cuộc chiến thế giới.

Trong trại tù cải tạo, nhiều kỹ năng lạ lùng được nhận ra khi hữu sự. Như một lần đi lao động, Hiếu gặp rắn, hét to lên, thì Quảng, một bạn tù ngồi gần đó, phóng tới chụp đuôi con rắn giật ngược lên trời rồi vung một phát xuống đất. Thế là con rắn gãy xương nằm trơ…

Trong khi đó, nằm ngủ bên Hiếu hàng đêm là một Trung úy tên Thái. Hiếu nhận ra Thái có thói quen đọc kinh mỗi đêm trước khi ngủ. Một đêm, vì đói quá, ngủ không nổi, Hiếu trằn trọc và nghe ra không phải Thái đọc kinh mà là đọc thơ.

Tác giả Lê Lạc Giao viết, “Rõ là một bài thơ, nhưng khi chấm dứt bài Hiếu lại nghe tiếng “amen” Thái đọc rõ ràng và dõng dạc. Hình như Thái cho mọi người nghĩ rằng anh ta vừa chấm dứt bài kinh tối.”

Đó là một bài thơ được Thái đọc như đọc kinh… Hiếu nói chuyện với Thái, nhận ra cùng bài thơ Hiếu ưa thích.

Trong thơ có một số câu, trích:

“…Em đâu biết mạ vàng gươm giáo?

 Em có hay tàn bạo tô son?

 Cơm chưa no mà nói chuyện thiên đường!

 Áo chưa ấm mà xiểm gièm địa  ngục…” (ngưng trích)

Hóa ra, ai cũng phải sống bằng cơm… nhưng vẫn có nhiều người cần tới thơ để không bị ngộp thở. Thơ đã trở thành một bầu trời riêng… Nơi đó, Thái đọc bài thơ hàng đêm để dùng làm kinh.

Riêng Hiếu, bầu trời của Hiếu để sống riêng tư là bài thơ và ký ức về một nụ hôn. Tác giả Lê Lạc Giao kể rằng Hiếu là một sinh viên năm thứ ba Đại học Văn Khoa Sài Gòn trước khi lệnh Tổng Động Viên đưa chàng vào quân ngũ. Và vì Hiếu rất mực ngây thơ, cho nên khi trở thành sĩ quan VNCH cũng chưa từng có mối tình nào. Kỷ niệm duy nhất về tình cảm chỉ là duy nhất một nụ hôn. Vâng, duy một nụ hôn. Hiếu là chàng sinh viên từ Quảng Nam vào Sài Gòn học, với tâm hồn thơ mộng tới mức phải chờ tới đêm cuối ở Sài Gòn, trước khi lên đường đi Thủ Đức khóa 2/72, mới uống rượu và hôn cô con gái chủ nhà để từ biệt. Than ôi, có phải nụ hôn này Hiếu đã chờ suốt cả ba năm mới thực hiện được? Hiển nhiên là một nụ hôn rất mực say đắm, vì ngay cả khi Hiếu ra đơn vị, đóng bên Sông Kôn ở Miền Trung, vẫn còn nhớ một nụ hôn vội, nụ hôn rất liều mạng với một cô gái Sài Gòn.

Tác giả Lê Lạc Giao kể trong Chương Ở Đây Cũng Có Con Người, trích:

Đơn vị anh đóng bên này sông Kôn mà dù nắng gay gắt đến mấy, nhìn dòng nước trong xanh lặng lẽ trôi về biển, Hiếu dường như thấy cái nóng gay gắt giảm đi nhiều. Ngày ấy cứ đứng một mình là Hiếu nhớ đến Cầm, cô con gái con bà chủ nhà mình trọ suốt ba năm học đại học văn khoa Sài gòn. Cầm không phải người yêu của anh, nhưng anh vẫn nhớ bởi đêm cuối cùng năm thứ ba, trước khi lên đường đi thủ đức khóa 2/72, anh đã hôn Cầm trong khi say rượu. Tuy say nhưng Hiếu nhận ra Cầm đáp trả nụ hôn cuồng nhiệt, và anh cảm nhận nó ngọt ngào xiết bao!  Nụ hôn kéo dài dưới bếp vào lúc mười một giờ đêm, khó làm ai có thể cưỡng lại được: một tình huống đam mê trong ánh sáng nhấp nhem nhà bếp, khi Hiếu về khuya và Cầm ra mở cửa. Cầm bấy giờ mười tám tuổi, đang học đệ nhất ban C trường Lê Bảo Tịnh.” (ngưng trích)

Mà có phải tự Hiếu nghĩ ra chuyện uống rượu rồi hôn cô bé Cầm đâu. Phải nhờ tới Trung, người bạn thân, dạy rằng cứ “bất ngờ ôm hôn” là bất chiến tự nhiên thành. Chương truyện này cũng là một tuyệt phẩm, với nhiều hình ảnh độc đáo để lại rất sâu lắng trong lòng độc giả. Từ một bài thơ trở thành một bài kinh tụng hàng đêm cho một tù cải tạo, cho tới nụ hôn đầu đời của một cô bé lớp đệ nhất (bây giờ gọi là lớp 12) cũng là nụ hôn đầu đời của một chàng trai, nói theo Chinh Phụ Ngâm là đang “Xông pha gió bãi trăng ngàn, Tên reo đầu ngựa, giáo dan mặt thành”…

Than ôi, tình đầu của chàng chỉ có một nụ hôn kéo dài tám năm, để rồi mỗi lần nhớ tới, là Hiếu lại, theo truyện kể lại, “chợt ngây ngô đờ đẫn, liếm môi và trên làn da của mười đầu ngón tay, gợn cảm giác đôi mông rắn chắc của Cầm đêm say rượu tám năm trước.”

Than ôi, một nụ hôn đầu đời mà đôi tay lúng túng không biết để vào đâu, thế là, tác giả kể chuyện ký ức anh chàng Hiếu: một nụ hôn mà mười đầu ngón tay “gợn cảm giác đôi mông rắn chắc”… Có thể đoán rằng tất cả các Khóa sinh Sĩ quan Thủ Đức nghe được sẽ cười tới tắt thở vậy… Hiếu hiển nhiên là một tâm hồn ngây thơ tới tuyệt vời sương khói. Hình ảnh ngây thơ của Hiếu là một cực trái nghịch với Phác, người có cơ duyên với nhiều mối tình. Ngày Hiếu cầm giấy ra trại về Sài Gòn, cũng là khi nghe tin Phan, người bạn thời sinh viên và là một trung úy Biệt Động Quân, đã trốn trại thành công. Các nhân vật như Hiếu, Phác, Phan với những thế giới nội tâm riêng đã đan xen vào nhau trong truyện, trở thành một dòng sông trôi chảy của đời sống.

Hai chương cuối của tiểu thuyết là “Người Tình Phản Động” và “Những Kẻ Mang Vác Trên Lưng Nấm Mồ”… Hai chương viết rất buồn, đầy những hình ảnh ly biệt. Ngay cả khi những bạn thân gặp trở lại cũng là những khung trời tan vỡ. Những giấc mơ thời sinh viên đã tan biến. Cả nước rơi vào những trận đói và những cuộc trả thù dai dẳng. Tác giả Lê Lạc Giao cho biết rằng từ những ngày cuối tháng 4/1975, Thủy đã tới ở chung với Phác, cho tới khi Phác vào trại cải tạo. Và Thủy có thai, may mắn vượt biên thành công, sang ở Pháp. Phác ra tù sau 9 năm ở trại cải tạo, và rồi lên ghe, vượt biên được, sang Quận Cam, California. Phác bảo lãnh Thủy và đứa con từ Pháp sang. Phan, người sĩ quan Biệt Động Quân trốn trại,  đã vượt biên và định cư ở Đức. Những người bên phía bên kia, như Ba Năng (tức Trọng, người theo cha là bác Quảng vào rừng để gia nhập du kích) một đêm tới gặp Hải, và nói rằng Hải nên đi, vì chính quyền mới không hề có ý định nhân đạo với ai. Cha của Ba Năng lúc đó đã lên chức chỉ huy công an tỉnh mới có tên là Gia Lai – Kon Tum.

Tiểu thuyết “Có Một Thời Nhân Chứng” của Lê Lạc Giao dày 600 trang, chứa đựng cả một không gian nhiều nhân vật và mỗi người là một cá tính, một hoàn cảnh riêng, một ước mơ riêng, nhưng đều là những chiếc lá bị trận gió lịch sử bứt ra và thổi bạt đi tan tác. Cuộc chiến đã khép lại, nhưng cay đắng, đói nghèo và căm thù vẫn ở lại… Phác  luôn luôn nhìn thấy “di sản một thời hệ lụy trĩu nặng trên lưng: Rõ ràng nó không hề cho một ai vinh quang, bù lại một thế hệ lưu đày… một thế hệ mang vác trên lưng nấm mồ của một thời nhân chứng.”

.

Khi tôi đọc xong những trang cuối sách, những hình ảnh một thời quê nhà điêu linh hiện ra trước mắt. Một thời của các sinh viên Văn Khoa Sài Gòn, nơi đó tôi cùng tác giả và nhiều bạn khác chứng kiến những chuyển động của lịch sử, trong đó từng người chỉ là một quân cờ bị xô đẩy. Và rồi lệnh Tổng Động Viên. Và rồi hình ảnh những đoàn người, cả lính và dân, trong tháng 3 và 4/1975 lũ lượt di tản về Sài Gòn. Và rồi hình ảnh các cấp lãnh đạo chính phủ Miền Nam bỏ ra nước ngoài trong những ngày cuối tháng 4/1975, khi tất cả đã tan vỡ, không cách nào cứu vãn.

Đây là một cuốn tiểu thuyết đầy cảm xúc. Kỹ thuật viết lôi cuốn. Tác giả thường đặt nhiều hình ảnh bên nhau, trong các đoạn văn gần nhau, để làm nổi bật các cá tính. Các mối tình trong truyện cũng có khi phức tạp, và có khi rất mực ngây thơ.

Tiểu thuyết này là một tấm gương chiếu rọi hình ảnh cả một thế hệ, trong những năm đầu thập niên 1970s là các sinh viên Sài Gòn, nhập ngũ, và rồi đi tù cải tạo sau 4/1975. Trong tấm gương đó có chiến trường, có khói súng, có tình báo quốc/cộng quan sát nhau nơi sân trường, có những mối tình không ghìm giữ lễ giáo được, và có những nụ hôn ngây thơ tới nổi chàng không biết đặt tay vào đâu. Và độc đáo là một bài thơ đã trở thành kinh đọc hàng đêm cho một tù cải tạo, và được thêm chữ Amen cuối bài thơ.

Tiểu thuyết đã viết rất mực xuất sắc. Và cũng rất mực tuyệt vời đau đớn. Trân trọng cảm ơn nhà văn Lê Lạc Giao.

.

GHI CHÚ:

Truyện dài

Có một thời nhân chứng

Có một thời nhân chứng

Của nhà văn Lê Lạc Giao

Văn Học Press xuất bản, 7/2018

Tựa @ Phan Tấn Hải

623 trang, giá bán $25.00

Tìm mua trên Amazon.com

Search Keyword: Co mot thoi nhan chung

Hoặc bấm vào đường dẫn sau.

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search