T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Cho con được chào đời

Thử Thách

Thử Thách – Tranh: Mai Tâm

 16 năm trước…

Người phụ nữ còn rất trẻ đã bàng hoàng, chết sững khi được bác sĩ cho biết, đứa con cô đang mang sẽ mắc bệnh Down Syndrome. “Cô sẽ rất vất vả, khổ sở khi phải nuôi một đứa con như thế”. Sau lời cảnh báo là lời khuyên khiến cô hoang mang,  hụt hẫng  “Hãy bỏ cái thai này”. Bước ra khỏi bệnh viện bằng những bước chân không hồn, cô đau đớn tự hỏi “Tại sao? tại sao?. Có phải tôi đã làm việc gì tội lỗi và đây là hình phạt Chúa dành cho tôi”. Những lời phán xét, kết tội tương tự như thế này, cô đã nghe rất nhiều lần lúc còn bé, từ những người lớn tuổi ở làng cô, khi họ nói về một ai đó đang gặp phải hoàn cảnh đắng lòng như cô đang hứng chịu.

Sau hai lần khám thai kế tiếp, cô rơi vào nỗi khủng hoảng  tột cùng khi nghĩ đến một viễn ảnh đen tối với đứa con “khổ cho gia đình, khổ cho xã hội”, như lời thuyết phục của “Counselor”.  Nỗi  âu lo mỗi ngày một nặng nề hơn theo sự phát triển của thai nhi. Dù vậy, hai chữ phá thai không hề có trong ý nghĩ của cô. Bởi vì cô là mẹ.  Một người mẹ công giáo.  Đối với đứa con vừa tượng hình trong vài tháng ngắn ngủi, cô không thể hình dung được mặt mũi nó ra sao,  xấu hay đẹp? Nhưng  mỗi khi cảm nhận được những  cử động thật yếu ớt, nhẹ nhàng của nó, lòng cô lại rộn lên niềm thương yêu, thì làm sao cô có thể giết chết con mình, dù bên tai cô, lúc nào cũng văng vẳng lời thúc giục của những người đang muốn giúp cô thoát khỏi cái gánh nặng nghìn cân sẽ đặt lên đôi vai mỏng manh của cô. Cuối cùng, cô quyết định không trở lại gặp bác sĩ và một mình ôm trọn nỗi buồn đau, sợ hãi. Cô không dám thố lộ với ai, kể cả chồng, mà chỉ thủ thỉ với mẹ “Cái thai kỳ này yếu lắm, mẹ nhớ cầu nguyện cho con”.

Lúc ấy, cô cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh của một thằng bé ở xóm cô, cũng mắc phải chứng bệnh quái ác này. Gia đình chẳng ai buồn quan tâm, chăm sóc, nên thằng bé gầy nhom, yếu đuối, bẩn thỉu, cứ lang thang khắp nơi để xin ăn. Những đứa trẻ cùng lứa tuổi với nó -trong đó có cô- mỗi lần nhìn thấy nó thì trêu ghẹo, đánh đập, ném đá, xem như  đó là một trò chơi thú vị. Với ánh mắt  lấm lét, van xin,  sợ sệt, thằng bé chỉ biết ôm đầu né tránh, giữa tiếng cười vô tâm của những đứa trẻ lành lặn, lanh lợi, không hề biết thương xót. Từng hình ảnh quá khứ  trôi qua… trôi qua trong niềm ân hận, để cô tự trách “Sao mình ác thế?”. Rồi nghĩ đến đứa con bé bỏng, tội nghiệp, sẽ bước vào thế gian này bằng sự  thiệt thòi, bất hạnh cho đến cuối cuộc đời, cô tưởng chừng mình không thể chịu đựng được. Nước mắt  tuôn như mưa đổ mỗi lần cô gục đầu, khóc ngất trong niềm tuyệt vọng. Cô ao ước một tai nạn nào đó xảy đến, để mình có thể chấm dứt nỗi đau khổ đang bóp nghẹt trái tim héo hắt, u sầu. Trong niềm  xót đau chất ngất, không  có được một sự chia sẻ, an ủi, cô chỉ còn biết trông cậy vào Chúa qua lời kinh nguyện mỗi ngày nơi nhà thờ Saint Joseph.

Đến tháng thứ chín thì bệnh viện gửi thư cho cô, vì bốn tháng hơn không thấy cô đến gặp bác sĩ để theo dõi tình trạng thai nhi.  Lúc ấy, chồng cô mới biết những gì đã xảy ra cho con mình. Một cú sốc nặng nề cho người làm cha đang chờ đợi đứa con trai khỏe mạnh, lém lỉnh, dễ thương, mà anh hằng ao ước. Nhưng rồi… anh cũng đành phải nuốt nước mắt vào trong, khẽ  khàng an ủi vợ “Phải chấp nhận thôi em ạ”.

Nhưng lời cầu xin thống thiết của cô qua những dòng lệ chưa lần khô cạn đã được Chúa nhậm lời. Ngày con chào đời, nhìn thấy đứa bé trai kháu khỉnh, xinh xắn, cô khóc oà trong niềm vui to lớn, với lời chúc mừng của bác sĩ “Chưa test, nhưng chắc chắn em bé sẽ bình thường”. Khi rời bệnh viện, cô bế con đến thẳng nhà thờ, quỳ xuống, dâng lời tạ ơn Chúa bằng tấm lòng biết ơn sâu sắc.  Với những  giọt nước mắt hạnh phúc,  cô cảm nhận được hồng ân bao la của Chúa đang đổ tràn xuống gia đình mình.

16 năm sau…

Cậu bé đã từng là nỗi u sầu, lo lắng của mẹ 16 năm trước, nay đã trưởng thành. Cậu lớn lên  trong tình yêu thương dạt dào của người mẹ và trở thành một thiếu niên hiền lành, ngoan ngoãn.

Tháng 5 vừa rồi, cậu tham dự chương trình tĩnh tâm (Ephata retreat 2018)… để chuẩn bị nhận lãnh Bí Tích Thêm Sức. Kết quả của những ngày tĩnh tâm là lá thư thật cảm động mà cậu viết cho mẹ. Một người mẹ đã can đảm chấp nhận hậu quả  xấu nhất  để bảo vệ sự sống cho con mình.

Mẹ yêu dấu!

Cảm ơn mẹ. Mẹ đã viết thư bằng tiếng Anh cho con rất tuyệt vời.  Con vui vì mẹ đã làm vậy. Nếu mẹ đã viết tiếng Anh thì con cũng cố viết chậm tí để mẹ có thể đọc được chữ viết của con và con viết một phần bằng tiếng Việt. “Cảm ơn mẹ rất nhiều. Con rất yêu thương mẹ. Con xin lỗi… những khi con hư..”, con chỉ viết được chừng đó. Cảm ơn mọi điều mẹ đã làm cho con. Cảm ơn mẹ đã không bỏ con dù được báo là con sinh ra sẽ bị hội chứng Down Syndrome.  Con sẽ mãi mãi biết ơn điều này. Mẹ đã chọn cầu nguyện ở nhà thờ Saint Joseph thay vì đi phá thai. Con cảm tạ mẹ và Thiên Chúa. Có lẽ đó là một trong những lý do mà con rất mạnh mẽ trong đức tin. Cảm ơn mẹ đã nuôi dưỡng con theo cách tốt nhất có thể. Mẹ không làm con hư để con trở thành con của hôm nay, biết kính trọng và cảm tạ nhiều điều. Cảm ơn mẹ đã luôn yêu thương con, ngay cả lúc con ương bướng hay lúc lòng mẹ  lắm lo âu. Cảm ơn mẹ đã làm lụng cần mẫn và quần quật để con có được một đời sống tuyệt vời: đời sống có gia đình, bạn bè, lương thực, nhà đẹp, áo quần, trường tư, những chuyến đi chơi vui vẻ cùng nhiều thứ nữa. 

Cảm ơn mẹ đã dạy con về đời sống: mẹ dắt con đến thăm người vô gia cư, viếng những nhà thờ, trò chuyện trong mỗi bữa ăn tối. Cảm ơn mẹ vén khéo việc nhà và luôn hàn gắn gia đình. Con biết là M. đã thay đổi và làm mẹ tổn thương, nhưng mẹ vẫn để  “her” ở trong nhà và để cho con được sống trong gia đình luôn gắn bó và hạnh phúc. Ngay cả khi mẹ lắm nỗi lo toan thì về đến nhà, mẹ vẫn dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn. Cảm ơn mẹ. Cảm ơn mẹ đã luôn để mắt đến con. Cảm ơn mẹ đã luôn đến bên con, mỗi khi con bị căng thẳng với bài vở hay vì điều gì đó thì mẹ lại cho con ăn và vỗ về “mẹ thương con”. Con xin lỗi những điều tệ hại con đã làm, khi con la hét lúc mẹ muốn giúp con hay không cho con chơi với bạn bè, hay cả khi mẹ cần con giúp tiếng Anh cho mẹ. Xin lỗi mẹ là con đã không đáp trả câu “Con thương mẹ” nhiều. Con xin lỗi và cảm ơn mẹ đã kiên nhẫn với những điều như vậy. Mẹ! Con thương mẹ nhiều lắm và chẳng nói đủ được với mẹ. Con cầu nguyện cho mẹ mỗi sáng và hàng đêm. Con cũng cảm ơn mẹ đã thúc đẩy con nhắm đến Harvard hay cái gì đó, con sẽ ráng hết sức mình trong trường, nhưng hy vọng là con có thể tìm thấy được sự đam mê của mình. Nói về sự đam mê, con biết mẹ chẳng vui gì lúc này, bởi mẹ chưa bao giờ sống cho mình. Con hy vọng một ngày con trở nên độc lập và rời nhà thì mẹ có thể sống cho mình, bởi vì con chỉ muốn mẹ được hạnh phúc. Mẹ, con thương mẹ và cầu mong mẹ luôn khoẻ mạnh và bình an. Và con hy vọng rồi một ngày nào đó thì cả hai mẹ con mình cùng được chung sống trên thiên đàng. Cảm ơn mẹ, con sẽ ráng hôn mẹ và nói câu “Con thương mẹ” thường xuyên hơn.

Thương mẹ,

Lâm, đứa con bé nhỏ của mẹ. (*)

 Bao nhiêu dòng chữ trong lá thư tràn đầy niềm cảm xúc này là bấy nhiêu giọt lệ hân hoan chảy dài trên đôi má của người mẹ đã từng trải qua những tháng ngày u ám, buồn thảm như cơn ác mộng tăm tối, giết chết niềm hy vọng. Từ biến cố ấy, cô đã cảm nhận trọn vẹn hồng  ân Thiên Chúa đã ban cho gia đình mình và cô biết sống bằng lòng yêu thương đối với những người chung quanh, biết dấn thân phục vụ bao công ích và muốn trở thành một chứng nhân Kitô đích thực.

Ngân Bình

(Viết theo tâm sự của một Người Mẹ trong GX)

 

 

  • (*) Đinh Yên Thảo chuyển ngữ lá thư của Lâm

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search