T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: Đọc Lê Văn Thiện Trước 1975

DU XUAN 010

Từ trái qua: Khuất Đẩu, Lê Văn Thiện và Nguyễn Lệ Uyên –Ảnh (nhà văn Nguyễn Lệ Uyên)

Được tin buồn từ nhà văn Nguyễn Lệ Uyên, nhà văn Lê Văn Thiện vừa từ trần ngày 31 tháng 7 năm 2018 tại Khánh Hòa, Việt Nam. Để tưởng nhớ đến một nhà văn miền Nam trưởng thành từ cuộc chiến tranh khốc liệt vừa qua, chúng tôi giới thiệu bài viết dưới đây của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên, một người bạn văn và đời của Lê Văn Thiện.

Thay mặt các thân hữu của trang TV&BH, chúng tôi xin gởi lời chia buồn đến gia đình nhà văn Lê Văn Thiện và cầu nguyện cho ông tìm thấy được cõi an bình sau một đời gian nan khốn khó từ trong và sau cuộc chiến.

T.Vấn & Bạn Hữu

Lê Văn Thiện sinh ngày 10 tháng 5 năm 1947 tại thị trấn Vạn Giã, Khánh Hòa trong một gia đình nông dân nghèo. Sau khi cha chết vì làm lụng cực nhọc, Thiện phải bỏ học lúc mới xong chương trình trung học đệ nhất cấp tại trường Trung học Võ Tánh, Nha Trang, vào lính vì không biết một nghề nào để làm lụng đỡ đần mẹ già và em gái. Anh có thời gian 2 năm phục vụ tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 47, SĐ 22 Bộ binh, đóng tại Phú Yên. Sau khi tốt nghiệp trường SQ trừ bị Thủ Đức, Thiện được thuyên chuyển về Trung đoàn 14 Sư đoàn 9, tham gia các trận đánh lớn nhỏ ở chiến trường miền Tây Nam bộ và Campuchia.

Truyện ngắn đầu tay, Ngoại lệ, đăng trên Văn số 47 lúc mới 18 tuổi, ra ngày 1.12.1965 dưới tên Văn Lệ Thiên. Sau đó truyện của ông đăng đều đặn trên Văn, Bách Khoa, Trình Bày, Ý Thức…

Đến nay Lê Văn Thiện có 5 tác phẩm được phát hành, đều là truyện ngắn: Một cách buồn phiền, Sao không như ngày xưa, Chuyện đời, Mưa lạ, Quế.

 Những năm đóng quân ở Phú Yên, qua giới thiệu của anh Trần Phong Giao, tôi đã tìm đến đơn vị Thiện hành quân giải tỏa thị xã Tuy Hòa sau tết Mậu Thân (đang đóng quân tại Liên Trì, Tx. Tuy Hòa). Chúng tôi nói chuyện gia đình, văn chương, chiến tranh bắt đầu “leo dốc”… Sau đó, thỉnh thoảng Thiện ghé nhà thăm tôi mỗi khi có dịp và rồi thân nhau lúc nào không hay, như anh em, kéo dài mãi tận ngày nay. Chỉ tiếc mối tình một bên của Thiện với cô em gái không thành, đã để lại mối bận tâm, khắc khoải không ít trong lòng, nên có lúc Thiện đã thầm trách tôi vô tâm, không đưa lời vun xới?!.

Ngoài đời, Thiện không nhiều lời, ba hoa. Trong chốn trường văn trận bút cũng thế, chữ nghĩa luôn chừng mực, chừng mực đến độ cô lại như nấu cao. Và như thế, cũng có thể gọi văn chương và cuộc đời Thiện là một?

Đời và văn của Thiện vẫn là những cảnh đời khốn khổ, bất trắc thường xuyên xảy ra trước mắt. Biết đấy, thấy đấy, nhưng không với tới được, không thoát ra khỏi. Nó cứ quấn lấy, ôm chặt từ lúc còn cắp sách tới trường cho đến những ngày hành quân liên miên, những cái chết, những trận đánh lớn nhỏ và, sau này khi mãn tù trở về, là những nhát cuốc trên rẫy sắn bạc màu, chỉ thấy toàn cát trắng và đá cuội, đến mức Thiện đã chống cuốc ngậm ngùi nhìn đất, nhìn trời, nhìn những củ sắn như bộ râu ông Quan Công mà không biết “kêu ai”(*)! Cuối cùng đánh liều “ngậm ngải tìm trầm” trên vùng núi Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai… 2 năm đi “điệu” cùng với muỗi mòng, rắn rết, sốt rét rừng… cũng chẳng hề làm thay đổi cuộc sống của gia đình lên chút nào. Vẫn cứ nghèo “rớt mồng tơi”, đổi lại Thiện giàu vô cùng giàu chữ nghĩa, tích lũy thêm vốn sống, vốn dĩ đầy dẫy những nhọc nhằn, không phải chỉ riêng anh, mà còn cả những người dân sống quanh anh, một đời lam lũ…

Truyện ngắn Lê Văn Thiện có thể tạm chia hai thời kỳ rõ rệt: những truyện viết trong thời chiến tranh và truyện viết thời im tiếng súng.

images5303094_M_T_C_CH_BU_N_PHI_N.JPG

Bìa hai tập truyện ngắn của Lê Văn Thiện xuất bản trước 1975 – Ảnh (báo Khánh Hòa online)

Hai tập: Một cách buồn phiền và Sao không như ngày xưa, một do Văn và một do nxb Côi Sơn ấn hành đều trước năm 1975. Và những truyện ngắn ấy có thể nói đã khắc họa tiêu biểu cho bộ mặt chiến tranh VN cùng với những Ngô Thế Vinh, Y Uyên, Trang Châu, Thế Uyên, Phan Nhật Nam, Nguyễn Bắc Sơn… Tuy mỗi người mỗi vẻ, cách chọn đề tài và viết với phong cach khác nhau, nhưng có nét chung: Họ đều là thế hệ trẻ lên đường cầm súng để bảo vệ nền tự do cho phần đất còn lại luôn bị dòm ngó, xâu xé từ những cường quốc lắm súng đạn và thừa tiền bạc, như một trò chơi. Và những người trai trẻ bắt buộc phải lên đường, nhập cuộc trong cuộc chiến tương tàn, bẩn thỉu, đầy dẫy hệ lụy…

Mỗi nhà văn trong thời kỳ này, khắc họa chiến tranh theo cái nhìn khách quan nhất, đơn giản bởi họ là những người trong cuộc, trực tiếp sống chết với nó để nhìn thấy quá nhiều cảnh bi thương, hiểu đến tận cùng về thân phận con người, về đất nước nghèo khốn bị dày xéo tàn khốc: Anh chỉ có quyền bước tới mà không có quyền được bày tỏ ý kiến. Chỉ hành động theo lệnh mà không có quyền chọn lựa… Kết quả: tan nhà nát cửa, chết chóc, chia ly, hận thù chồng chất!

Chiến tranh thời đó (và thời nào cũng vậy), không do người dân nghèo dựng lên mà do lũ người “rửng mỡ” sắp đặt. Và Thiện phải cầm súng như bao thanh niên khác. Suốt tuổi thanh xuân, Thiện sống trong đạn bom, cái chết đủ kiểu cho nên anh không thể viết theo phong cách Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng và những nhà văn “máy lạnh” khác. Cõi văn chương của Thiện là lằn ranh giữa sống và chết, là tiếng súng bắn tỉa, những đợt hành quân, những trận tấn công, giải vây, tháo chạy, cảnh lộn xộn, nhếch nhác nơi miền quê nghèo… Cho nên mỗi khi đọc truyện Thiện điều đập vào mắt, trí não tôi, trước tiên không phải là nội dung mà là những dấu phảy, dấu chấm, chấm phảy, ba chấm, hai chấm… Cứ một chữ có dấu phảy, hai chữ buông dấu chấm. Chỉ một đoạn văn ngắn thôi đã kín đặc các dấu câu, khiến tôi phải tự đặt câu hỏi: Phải chăng nhà văn bị ám ảnh bởi những loạt đạn dài ngắn, bởi cuộc đời “lên bờ xuống ruộng” của mình, của những người dân nghèo, bởi cảnh sống “chụp giựt” nơi phố phường và cảnh đời khốn khổ nơi miền quê Thiện sống, mà có lần vui miệng kêu : “…bằng lòng sống trong cái ao làng này” và thêm, rõ hơn trong một bài viết ngắn về Trần Hoài Thư: “Ở đây, tôi làm nông, gắn bó với ruộng đồng, ổn định. Tôi không than van, oán trách (Oán trách ai đây, trời chăng?). Than thở vô ích, nó chỉ làm suy nhược con người. Điều quan trọng (và kỳ quặc): tôi luôn nghĩ mình may mắn. Còn sống sau 7 năm đi đánh nhau, 33 năm vật lộn với áo cơm là may mắn… Tôi nằm trong cái ao làng. Tôi ngao du, ca hát, bơi lội thỏa thích ở đó. Đúng hên”.

Có lẽ “hên” do không chết thảm ngoài chiến trường, trong nhà tù và may mắn hơn là chưa chết khi phải vật lộn suốt từng ấy năm trời trên mảnh đất khô cằn, nghèo khó! Thiện không chết và chưa chết. Nhưng quanh anh, những người bạn, những chiến hữu của anh, bà con, đồng bào anh thì ngã vật ra chỉ sau một loạt đạn từ phía bên kia. Anh nhìn thấy tận mắt, chỉ cách mấy bước chân, nhưng bất lực nhìn bạn ngã gục một cách đau đớn, tủi nhục: “Thới thả cây súng xuống đất. Người đứng sau lưng kêu “trời”. Anh ta quăng một trái khói. Khói tỏa xanh đặc một khoảng, che khuất Khắc, cái thùng rác và phần dưới cái cây bên đường. Chúng nó lại bắn vào đám khói. Khắc được lôi vào, chỉ còn là cái xác. Nhưng cái xác đã bị thêm hai viên đạn nữa. Trên lưng Khắc đóng rõ ba lỗ máu. Người can đảm trừng trừng nhìn xác bạn, rồi tự vuốt mặt mình”  (Trong lớp khói mầu).

Những cái chết như vậy, trong chiến tranh, là bình thường. Nhưng với với Thiện, thì sự bình thường kia lại vượt quá sức chịu đựng của con người nhạy cảm, như anh. Nội dung của truyện trên là cảnh Tiểu đoàn liên hoan sau trận thắng lớn. Thới được gắn huân chương như một anh hùng và được mời lên sân khấu đọc thơ, ca hát. Nhưng người anh hùng kia không đọc được, không hát được, bởi nỗi ám ảnh kinh hoàng về cái chết trước đó của đồng đội khi đơn vị về giải tỏa thành phố trong trận Mậu Thân: “…Thới đấm trán, xốc lại quần. Mọi người lại cười rân. Thêm được hai câu nữa. Cảnh đường phố chập chờn, buổi chinh chiến… đạn xới sạt sạt, lúc nhanh, lúc như nước nhỏ giọt xuống mặt đường, bụi bay, một người ngã xuống mép đường, cây súng, cái mũ sắt… kìa nữa, khói xanh lan ra, chờn vờn. Không cố được nữa. Thới lắc đầu, nguy mất thật, hai chân thì vẫn đấy, nhưng cái đầu thì, coi kìa… sao lạ, mắt cứ thấy dâng lên, lan mãi ra một màn khói xanh” (Trong lớp khói mầu).

Đọc đến đây, tôi bỗng nhớ đến đoạn văn sau: “Qua máy truyền tin ông đại đội trưởng ra lệnh trung đội tôi bằng mọi giá phải chiếm ngôi lầu Ông Tề ở bên kia đường, sau trạm xăng (…). Rồi tôi hét: Chạy. Cả bọn cùng ào qua lộ. Đạn đuổi theo, sủi bọt trên đường nhựa. Vô sự. Chúng tôi đã băng qua đường vô sự. Tôi chạy đến phía dưới trụ xăng, ngồi núp đàng sau trụ. Người lính truyền tin chạy theo tôi ngồi bên cạnh. Những người lính của tôi cũng tìm chỗ núp chung quanh. Chỉ còn khoảng 15 thước là đến ngôi lầu. Địch lại bắn rát. Đạn địch sủi bọt trên đường, lỗ chỗ vào vỉa hè xi măng quanh mình. Đạn xuyên qua cây xăng, lửa tóe lên. Chưa kịp ra lệnh gì thêm cho những người lính xung quanh thì bỗng nhiên đầu óc tôi xây xẩm.

 Một viên đạn nào đó dịu dàng quá đỗi, hôn lên da thịt tôi, như một cơn gió thoảng, như một nụ hôn của định mệnh, của tuổi trẻ, của chiến tranh, của ngăn chia, của con ngựa chứng..”. (Trần Hoài Thư – Nhà văn trẻ ấy bị thương).

Khắc của Lê Văn Thiện thì “trên lưng đóng rõ ba lỗ máu”, còn tôi của Trần Hoài Thư là “một viên đạn nào đó dịu dàng quá đỗi, hôn lên da thịt tôi…”, cả hai đều làm nhiệm vụ tái chiếm thành phố trong tết Mậu Thân!?

Dẫn hai đoạn văn trên, không có ý so sánh, mà hơn hết để chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn với ngòi bút Lê Văn Thiện. Cả cuộc đời quân ngũ của mình, Thiện luôn có mặt ngoài chiến trường với những trận đánh lớn nhỏ, từ miền Trung vào Nam bộ qua tận xứ Chùa Tháp. Thiện lăn lộn và chứng kiến tận mắt những cảnh khủng khiếp của chiến tranh. Tuy nhiên viết như một số nhà văn quân đội thời bấy giờ, về những trận đánh có mình tham dự, Thiện lại viết rất ít, rất hiếm hoi mới đọc được vài đoạn, lồng vào những bối cảnh khác. Đây, có lẽ cũng là một đặc điểm của Lê Văn Thiện chăng? Chiến tranh trong truyện ngắn của Thiện chỉ lấp ló, đậm nhạt vài chỗ từ những ký ức xa gần, từ cảnh sống của bà con nông dân ở nông thôn. Trong truyện Chúng mình ơi, đau buồn, Thiện dẫn dắt người đọc từ một nhân vật đọc cho người khác nghe một đoạn về chàng tráng sĩ, đến cảnh rộn ràng, chộn rộn của bầy trẻ háo hức đi xem kịch: “Một chiếc xe đạp chạy ngang qua cổng, bóp chuông. Tiếng trẻ con nói chuyện bỗng từ đâu trờ tới, xôn xao, rồi nhỏ ngay, mất hút. Có lẽ chúng nó đi mau, hay chậm lúp xúp. Chúng ra đình xem truyền hình.” Nếu chỉ dừng lại ở đây, chúng ta dễ có suy nghĩ tưởng tượng cảnh làng quê yên bình dưới ngòi bút của Lê Văn Thiện. Nhưng không phải vậy, sang đoạn sau thì nhà văn lại lồng vào cảnh mấy anh nhân dân tự vệ đi gác đêm: “Toán người gác đêm kéo đến, họ vào sân, nói chuyện xì xào. Nhà bác Tương có hai cái sân tốt, rộng, nằm không cần trải chiếu, nên toán gác này thường đến ngủ. Cũng có người bảo nhà này có một điểm khác quyến rũ, hơn hẳn cái sân làng, là con dâu bác Tương. Họ đàn ông con trai, khó trách họ được. Với lại họ cũng đàng hoàng, dễ thương (…). Ngủ chưa bác hai? Cô hai ơi, cho bọn này mượn chiếc chiếu. Cô hai ơi, sao cái sân…”. Như vậy, trong cái làng quê yên ả kia, nguy cơ của chiến tranh đã lấp ló trong cảnh “chộn rộn, xôn xao” của lũ trẻ con đạp xe đi coi hát? Chiến tranh trong truyện của Thiện cứ nhẩn nha như vậy, đến với mọi người, với làng xóm một cách tự nhiên, thoải mái như thể tối phải ngủ, trưa chiều phải ăn uống, tóc dài phải cắt, rửa mặt, súc miệng… Nó (chiến tranh) có mặt như để tô điểm cho làng quê chút “sinh khí”, chút tiếng động ồn ào vốn dĩ đã ngủ yên bấy lâu, nay choàng thức dậy?: “Ông già ngồi gác bên chậu bông bỏ súng nằm xuống chân, nhịp tay hát hay ngâm gì đó, chắc hẳn để khỏi buồn ngủ. Chiến tranh thật sự đã có từ lâu, nhưng mãi đến khi thấy những ông già lãnh súng, những đứa nhỏ ngày đi học đêm đến moi súng xách ra đình làng tập họp, người ta mới trợn mắt, và lại còn ngạc nhiên. Chuyện giặc giã đã tiến đến cái mức xa thế này rồi sao?” (Chúng mình ơi, đau buồn).

Những cảnh huống như vậy, hẳn nhiên nhà văn đã từng sống với nó, chứng kiến tận mặt ở một cái xóm nhỏ heo hút nào đó không tìm thấy tên trên bản đồ cả nước, nhưng nó vẫn tiếp tục tồn tại với nhiều dạng thức khác nhau, và diễn ra ở từng mức độ cao thấp khác nhau mà thôi, bởi chiến tranh vẫn dồn dập, đạn bom vẫn thả xuống, vẫn tiếp tục nhắm vào nhau mà bắn… Cuối cùng là những hậu quả không thể tránh khỏi, cái hậu quả kia, lại chính những người dân vô tội phải gánh chịu: “… anh lại nhớ đám mả những người dân chết vì đạn lạc trong trận đánh tháng trước, chôn như dập trên các bờ ruộng. Mấy gò đất mới đắp mọc lên hai ba bàn chân… Một chân mọc thẳng, lòng bàn chân ngửa lên trời, da vàng tái, móp khô, trông nhỏ và rất dơ…” (Quán vắng).

Những truyện ngắn của Thiện viết về chiến tranh chỉ chừng đó không ồn ào, hối hả, không dồn dập, tưng bừng khói lửa, nhưng khi khép lại trang sách, nhắm mắt ta cảm thấy một chút đau nhoi nhói tim gan, bởi anh đã “thực chứng” những tình cảnh thảm thương, để khi lòng “tịnh” lại anh đưa nhân vật và câu chuyện một cách bình thản như chị nhà quê xách rổ ra chợ làng! Thản nhiên một cách bình dị mà đau!

Nguyễn Lệ Uyên

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search