T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 142)

clip_image002

Tiếng Việt tiếng Tầu

Người Việt gọi nôm na những “người nhiều chuyện” thì người Tầu kêu là “bát ông, bát bát”. Ý là tò mò. Người Tầu thích chữ “bát” vì tiếng Quảng Đông đọc là “pát”, nghĩa là “phát” đi với phát tài, phát đạt. Cũng như “cửu”, học đọc là “cẩu” hiểu theo nghĩa là lâu dài, trường cửu.

Từ chữ “bát”, người Việt dùng chữ “tám” như “Bà này…tám quá”.

(Quách Xuân Sơn – Người Hoa, đồng âm và đầu óc dị đoan)

Văn học miền Nam (III)

Gần đây, chúng tôi cố gắng đưa vấn đề Văn học miền Nam trở lại văn đàn, vì có những người thực sự yêu văn chương ở trong nước muốn tìm hiểu về những tác giả và tác phẩm đã bị loại trừ sau 30/4/1975. Chúng tôi xin giới thiệu Vương Trí Nhàn, một trong những nhà phê bình miền Bắc đã không ngừng tiếp cận với văn học miền Nam từ thời kỳ phân chia Nam Bắc đến ngày nay.

***

Thụy Khuê: Nếu cần tìm về bản chất Văn học miền Nam, theo anh, những giá trị nào là cơ bản của nền văn học này?

Vương Trí Nhàn: Ở đây có giá trị cơ bản của văn học, giá trị hiện thực. Tôi hiểu giá trị hiện thực với nghĩa đọc Văn học miền Nam trước 75, tôi hiểu con người Việt Nam trong chiến tranh. Ở thành thị, quân đội nước ngoài tập trung đến, đời sống hứng chịu bao nhiêu đảo lộn; còn nông thôn thì nay thuộc phe này, mai phe kia, con người bị bom đạn xua đẩy đi khắp mọi nơi…

Đấy là những nét làm nên bức tranh hiện thực. Có lần tôi đọc một cuốn sách của Túy Hồng, cuốn Bướm khuya, hay là cuốn Đoàn lữ binh mùa thu của Nhã Ca chẳng hạn, thì thấy những cuốn như thế – qua cách cảm thụ và diễn tả của các nhà văn nữ – vẫn có cái chỗ khả thủ của nó. Nó cho thấy một thứ hiện thực mà trước đây chưa từng có. Bức tranh hiện thực diễn tả ở đây không phải là cái hiện thực mà chúng tôi, dân nghiên cứu ở Hà Nội quen nghĩ, tức là ở đó phải có giai cấp nọ, giai cấp kia, phải có địa chủ, tư bản, nông dân đấu tranh với nhau. Cái quan niệm hiện thực đó nó cổ rồi, nó khô cứng lắm rồi – theo sự hướng dẫn của nó mà đọc văn học miền Nam thì sẽ thất vọng.

Hiện thực tôi nói ở đây là không khí đời sống nói chung, một thực tế ngột ngạt, đau đớn, có lúc như ma quái, người ta không thể nắm được, nó nằm ngoài tầm tay người ta, buộc người ta phải chấp nhận. Người ta cảm thấy mình bị như nung nóng lên, hành động ngôn ngữ không còn bình thường mà trở nên sai lệch tương lai thì vô vọng. Cái không khí đời sống như thế, tôi thấy rất nhiều trong các tác phẩm của các nhà văn miền Nam. Và như vậy là thực trạng xã hội đã được bộc lộ, được ghi nhận.

(Thụy Khuê: Nói chuyện với nhà phê bình Vương Trí Nhàn)

Tục ngữ Ta và Tầu

Lệnh làng nào làng ấy đánh

Thánh làng nào làng ấy thờ

Đưng trang thổ địa, đương trang linh

(Thổ địa nơi nào, nơi ấy linh)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Viết ở hải ngoại

“Sống về mồ mả

Không ai sống về cả bát cơm”

Mồ mả đây cũng là làng nước đó. Ở hải ngoại tuy bắt đầu lai rai có mồ mả, nhưng mà nó chưa đủ thành nước thành làng. Bát cơm tuy dễ kiếm nhưng làng nước khôn tìm. Hỡi ơi, thân no mà hồn đói. Biết nói thế nào cho hết mọi chua cay.

Ta có chữ “ngụ cư” để chỉ người tha phương đến tạm ở một nơi chốn nào đó. Cùng trong một nước, thế mà thân phận đã ngu ngơ. Huống hồ ra khỏi nước. Trước hết là ngôn ngữ bất đồng. Phong tục thói quen đã khác. Cái ăn càng lạ nhá không vô. Đó là chưa kể tình trạng bơ vơ lạ nước lạ non. Bỗng dưng người tị nạn vào cõi… điên sầu.

Điên sầu có lẽ sẽ là động cơ để viết. Viết cho giết hết mọi hoang liêu? Mới đầu hăm hở cầm bút. Trút tâm sự nhớ nước nhớ nhà vào trang giấy! Thấy đơ đỡ… buồn. Bèn viết nữa. Ngày nọ qua tháng kia. Lạ thay, nỗi buồn vẫn còn nguyên đó. Có thuyên giảm gì đâu. Đọc lại văn, càng thêm ngao ngán. Bởi vì văn chương không chỉ là nỗi nhớ nhà.

Viết cũng là sống! Sống không xong thì viết cái gì? Bỗng trở thành hoang mang với nỗi buồn bã cô độc của mình. Mặt khác, ở hải ngoại khó viết vì thiếu độc giả. Viết một mình tựa như diễn kịch một mình. Không, hoặc rất ít người xem. Không thể có không khí sôi nổi trong thế giới văn chương giữa tác giả và độc giả. Mặc nhiên, văn chương dần dần bị xuống cấp, và… thừa thãi vô duyên. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn là ý hướng muốn sống và muốn viết. Dù ở hoàn cảnh nào. Đôi khi ở hải ngoại, tôi tự hỏi “Sống để làm gì?”. Câu hỏi ấy bám lấy tôi cho đến một hôm bật ra tiếng trả lời: “Sống để viết.” Có lẽ, với tôi, bây giờ là câu tôi vừa ý nhất.

(Tường Vũ Anh Thi – Sống để viết)

Tục ngữ Tầu

Dưỡng nam bất giáo như dưỡng lư

Dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư

(Nuôi trai không dậy như nuôi lừa

Nuôi gái không dậy như nuôi…lợn)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Chữ nghĩa bệnh già

Ðến nhà bạn chơi, ngủ gật.

Ra đường “bị” gọi bằng…chú.

Chữ và nghĩa thổ ngơi (IV)

Ở Việt Nam, có hàng trăm địa danh bị thay đổi hay sai lệch về ngữ âm và chữ viết. Tìm hiểu những nguyên nhân gây ra sự biến đổi này, chúng ta sẽ hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của các địa danh.

Do hiện tượng mượn âm: Khi du nhập một địa danh bằng ngôn ngữ khác không phải tiếng Việt có âm na ná tiếng Việt, địa danh đó phải mang “chiếc áo” tiếng Việt để dễ dùng và dễ phổ cập. Xin nêu mấy trường hợp tiêu biểu:

Hà Lan là đèo ở tỉnh Đắc Lắc. Hà Lan gốc Ê Đê, nguyên dạng là Hlang, nghĩa là “cỏ tranh”. Hlang đã mượn âm Hà Lan, tên một quốc gia ở châu Âu.

Cù Lao là đảo nhỏ ngoài khơi Nha Trang. Cù Lao gốc Mã Lai Pulaw, là “hòn đảo”. Trong tiếng Việt đã có sẵn từ cù lao (“công lao khó nhọc của cha mẹ khi nuôi con”) có âm na ná pulaw nên pulaw mang vỏ ngữ âm của cù lao. Người Chàm cũng gọi tương tự người Mã Lai: palao là “hòn đảo”.

Bái Tử Long là vũng biển trong vịnh Hạ Long, thuộc Quảng Ninh. Bái Tử Long là từ Hán Việt. Có người cho rằng vì vịnh đẹp như vịnh Tulon ở Pháp nên người Pháp gọi là Baie Tulon, sau người Việt chuyển hóa thành Bái Tử Long.

Thật ra, ở Pháp không có địa danh Tulon, mà chỉ có Toulon (đọc là “tu – lông”), tỉnh lỵ tỉnh Var, nằm bên bờ Địa Trung Hải. Vậy dạng gốc là Baie Toulon. Việc giải thích này có lý, vì có hiện tượng mượn âm trong tiếng Việt.

(Lê Trung Hòa – Những địa danh bị đổi sai lệch)

Ba que xỏ lá
Trong thời Pháp thuộc, có một bọn chủ trò tổ chức những “trò chơi đặt cược”. Trò chơi của bọn họ gồm một cái que và ba chiếc lá. Mỗi lá có đính một chiếc vòng nhỏ ở cuống. Người chơi cầm cái que nhỏ xỏ vào ba vòng này. Mỗi người chỉ được xỏ một lần. Người nào xỏ vào được một lúc cả ba lá và nhấc được chúng lên thì được lĩnh thưởng. Ai xỏ trật, tức xỏ không vào lá nào hoặc chỉ vào một trong ba lá, sẽ mất toi số tiền đặt cược.
Dù chơi theo cách thức nào đi nữa, thì bọn chủ trò vẫn có nhiều mưu mẹo, khiến cho người chơi bao giờ cũng thua cuộc. Vì thế, người ta mới gọi bọn chủ trò là bọn “ba que xỏ lá” với hàm ý là bọn bịp bợm, lừa đảo, dối trá. Từ cách thức chơi thứ nhất, nhiều người cho rằng hình thức ban đầu của “ba que xỏ lá” là “xỏ lá ba que” dần dần được dùng để chỉ tất cả những hạng người lừa lọc, bịp bợm, đểu cáng. Trong quá trình, thành ngữ được tách thành hai vế “ba que”, “xỏ lá”. Các bộ phận được tách ra này đã gia nhập vào vốn từ vựng tiếng Việt thành bọn ba que, bọn xỏ lá.

Chữ nghĩa thập niên 30, 40

Chắt: con của cháu, ba đời (tằng tôn)

Chít: con của chắt, bốn đời (huyền tôn)

Chút: con của chít, năm đời (đích tôn?)

Giá sách cũ làng văn 1975-2010

Những lớp nhà văn từ 60 đến 70. Ðây là lớp tuổi nhà văn chiếm số lượng đông đảo nhất ở hải ngoại. Họ là những:

Nguyễn Mộng Giác, ông có các tác phẩm Ngựa nản chân bon, Xuôi dòng, nhất là trường thiên Mùa biển động (1989) và Sông Côn mùa lũ (1991). Kiệt Tấn với Nụ cười tre trúc (1987), Lớp lớp phù sa (1988), Nghề múa (1989), Em ơi biết đâu tìm (1994). Phan Nhật Nam với Những chuyện cần được kể lại, Mùa đông giữ lửa, Ðường trường xa. Nhật Tiến có Mồ hôi của đá, Tiếng kèn, Gặp gỡ cuối năm, Một thời đang qua. Ngô Thế Vinh viết Cửu Long cạn dòng, Biển Ðông dậy sóng. Thảo Trường có Tiếng thầm trong bụi tre gai (1995) Ðá mục (1998). Hoàng Khởi Phong với những sáng tác như Ngẩng mặt nhìn trăng sáng (1978) và nhất là Ngày N.+ (1998)… Nguyễn Ngọc Ngạn: Mầu cỏ uá, Nước đục, Lúc gần sáng, Sân khấu cuộc đời..v..v.. Nguyễn Quốc Trụ với Lần cuối, Sài Gòn (1998), Nơi người chết mỉm cười (1999). Hồ Trường An với Lớp sống phế hưng, Nửa chợ nửa quê, Giai thoại hồng, Cõi ký ức xanh..v..v… Nguyễn Thị Hoàng Bắc với Long lanh hạt bụi, Bên lở bên bồi, Nhện. Phan Lạc Tiếp viết ở Hải ngoại: Quê nhà 40 năm trở lại. Trần Long Hồ với Ngày quanh quẩn (1991), Niềm vui ung thư (1992), Cõi mù sa, Kẻ đào mồ (1993). Nam Dao với Ðất trời (2002), Khoảng chơi vơi (2001), Trong buốt pha lê (2001), Tiếng còng (2000), Gió lửa (1999). Võ Kỳ Ðiền (1941) với Kẻ đưa đường (1986), Miền đất lạ (1992).
Trong số những nhà văn lớp tuổi từ 60-70, có những nhà văn rơi vào sự sa sút so với thời kỳ còn ở trong nước như Nhật Tiến, Duyên Anh, Túy Hồng, Thảo Trường, Thế Uyên, Phan Lạc Tiếp và nhất là Phan Nhật Nam. Họ viết mà như thể không tới được nữa. Vốn sống nghiệt ngã tù đầy vẫn không đưa tác phẩm của họ lên cao được. Có những người thay đổi thái độ chính trị đã đành, như Duyên Anh, Nhật Tiến. Những người như Phan Nhật Nam, Thảo Trường vẫn một lòng, vẫn kiên trì, nhưng tác phẩm của họ lại chẳng nên cơm cháo gì.

(Hiện trạng lão hóa nơi các nhà văn Hải ngoại)

Chữ nghĩa làng văn

Trong bài phú của tác giả vô danh có câu:

Người Hà Nội kẻ Sơn Tây, những tiếng thị phi, cũng lắm người khôn kẻ dại

Gái giang hồ trai tứ chiếng, mặc ai ngang dọc, tha hồ kẻ bắc người tây

Giang hồ: tức Tam giang và Ngũ hồ.

Nghĩa đen là sông hồ. Nghĩa bóng, người (đàn ông) không định trú trú nhất định.

Giang hồ còn có nghĩa chỉ đàn bà con gái lẳng lơ quanh quẩn nơi sông nước.

Tục ngữ Tầu, Ta

“Ma chử thành trâm” – “Có công mài sắt, có ngày nên kim”

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search