T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Diên An & Quỳnh Trang: Hồn Lá Úa

“. . .Nguyễn Văn Để, tay máy một thời của những bộ phim Vết thù trên lưng ngựa hoang, Con ma nhà họ Hứa, Hiệp sĩ bất đắc dĩ… trong một sớm cà phê với đạo diễn Lê Hoàng Hoa, biết thêm ông chính là nhạc sĩ Diên An/Phương Kim, người viết Vết thương cuối cùng.. .”

Diên An & Quỳnh Trang: Hồn Lá Úa

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Hon La Ua 01

Hon La Ua 02

Hon La Ua 03

Hon La Ua 04

Hồn Lá Úa – Sáng Tác: Diên An & Quỳnh Trang

Trình bày: Trúc Mai & Trầm Tử Thiêng (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2018

Đọc Thêm:

Nhạc sĩ Diên An: 12 tình khúc cho một người

an

Nhạc sĩ Diên An – Ảnh: N.V

 80 tuổi, ông tự chạy xe gắn máy đến điểm hẹn, trông nhạc sĩ Diên An trẻ trung hơn nhiều so với tuổi. Bằng giọng Huế dễ nghe, có lẽ do đã vào Nam sống hơn 50 năm, ông bắt đầu với những lời ngần ngại: “Tôi bị tai biến nhẹ nên giờ quên nhiều lắm, nói chuyện không còn sáng suốt… Mà tôi không phải nhạc sĩ chuyên nghiệp, 12 ca khúc tôi viết đều trước 1975. Lúc đó viết là do mình thích thôi, sau không có nhiều thời gian nữa, tôi bỏ ngang…”.

Hành trình của Vết thương cuối cùng

Nhạc sĩ cho biết, Vết thương cuối cùng là sáng tác cuối cùng của ông, được viết khoảng năm 1971. Như 11 ca khúc trong tập nhạc của mình, ông chỉ “viết cho một người thôi, toàn đau khổ sầu lụy. Nhưng chắc nỗi đau này trùng với nhiều tâm trạng khác nên người ta hay tìm đến nó để được xoa dịu”. Sau khi in ronéo khoảng 10 tờ, ông gửi cho một vài người bạn, không biết họ truyền nhau thế nào để rồi sau giải phóng, lần đầu tiên ông được nghe bài hát này qua băng cassette, do Khánh Ly thể hiện. “Chắc do mấy tờ in ronéo hồi đó mờ quá, nên một số chữ trong bài hát không đúng như  tôi viết. Sau này, tôi nghe thêm các ca sĩ khác hát bài này, cũng bị sai một trong những chữ đó (từ vào cuộc vui, không phải vừa vào; đôi cánh tay ma, không phải mơ, hay ngoan; chỉ còn lại mình ta, không phải còn lại một mình ta)”.

Dù rất nhiều ca sĩ hải ngoại hát ca khúc này: Ngọc Lan, Vũ Khanh, Lệ Thu, Hoàng Oanh, Elvis Phương, Mạnh Đình, Lưu Bích, Hồng Ngọc…, nhưng theo nhạc sĩ, phải đến năm 2008, khi Quang Dũng làm live show Chuyện của tôi, thì nhạc sĩ Lê Quang lúc ấy làm biên tập chương trình đã tìm đến ông để xin xác nhận và xin phép Cục Nghệ thuật – biểu diễn phổ biến. “Lê Quang nói với tôi, nhờ Cam Thơ mới tìm được tôi. Vì ngày trước tôi có chấm cuộc thi Tiếng hát truyền hình, tuy đến năm Cam Thơ thi tôi không làm giám khảo nhưng vì sau đó cô hay hát cho đài nên biết tôi, biết Nguyễn Văn Để là Diên An. Chứ bây giờ có người không biết 2 tên đó là một đâu”. Nên, nhân buổi gặp này, nhạc sĩ muốn được “cảm ơn Quang Dũng, vì đã xin phép phổ biến giùm tôi…”. Trong nước, ngoài Quang Dũng còn có hơn chục ca sĩ khác hát/thu âm bài này.

Và album để kỷ niệm

Trong 12 ca khúc của mình, có 2 bài được ông ký nghệ danh Phương Kim: Hãy quên nhau, Người tình. Theo ông, “Lúc bấy giờ, hai bài này được cho là… sến, nhưng in ra lại rất ăn khách mới lạ! Trước đó, mấy bài tôi in Diên An: Giấc mê đời, Hồn lá úa đều bị lỗ. Tôi còn nhớ Giấc mê đời tôi mang đi in đến 100.000 tờ, mà bán được hơn 20 tờ. Vì thế khi viết Người tình, Hãy quên nhau, tôi thử đổi sang tên khác, nữ tính một chút cho hợp chất nhạc và Phương Kim là tên cô đánh máy bài hát giùm tôi, chứ tôi chưa nghĩ ra cái tên nào”.

“Mới đây, tôi phải đi mua đĩa hải ngoại vì nghe nói có ca sĩ hát bài Người tình, mà lấy tên bài hát làm chủ đề cho chương trình luôn. Đĩa Quang Dũng tôi cũng đi tìm mua. Hồng Ngọc làm đĩa chủ đề Vết thương cuối cùng tôi cũng tự tìm mua hết…”, ông bùi ngùi. Dẫu việc tìm tất cả những bài hát của mình, qua tiếng hát của nhiều ca sĩ, đối với ông hiện nay không phải dễ, nhưng nhạc sĩ lấy làm vui, vì “tôi đang nhờ người bạn làm cho mình cái đĩa kỷ niệm, để giữ lại cho mình và bạn bè nghe thôi, chứ không phát hành, mình già rồi, ngại chuyện thủ tục lắm!”. Trong album này, cùng với 11 ca khúc được các ca sĩ thể hiện, còn có 5-6 bài của những tác giả khác do ông hát từ những năm 1960, 1970, trong đó có bài ông hát với đàn guitar chỉ còn 4 dây, nhưng “cho vui mà, mọi việc tôi làm bây giờ chỉ để vui thôi, chứ mình lớn tuổi rồi, đâu còn ham chi nữa”.

Nhạc sĩ Diên An sinh tại Huế, nhưng sống ở Sài Gòn bởi “lúc đó tôi thích học Trường Điện ảnh Sài Gòn, sau khi thi đậu, tôi vô học rồi ở lại luôn”. Ra trường, ông làm việc ở Trung tâm điện ảnh Sài Gòn, đến khi có đài truyền hình, ông về đài công tác (năm 1966) với vai trò đạo diễn truyền hình cho đến nghỉ hưu. Hiện tại, vợ chồng nhạc sĩ sống cùng các con ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Riêng Người đã đem theo là ca khúc duy nhất chưa có ca sĩ nào hát, vì ngày trước ông chưa kịp in ronéo. Nhạc sĩ cho biết bản này ca sĩ nam hát sẽ hay…

(Nguồn: Báo Lao Động)

Bài Mới Nhất
Search