T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: Lâm Anh, dòng thơ của kẻ bị lưu đày

clip_image002

Lâm Anh sinh năm 1942 ở Quảng Ngãi. Ông thuộc thế hệ chúng tôi nhưng cách tôi một khoảng năm tháng khá xa. Biết và đọc ông khá lờ mờ và không nhiều, khi ông còn là cán bộ ngành thông tin ở một huyện nhỏ quê nhà, trong nhóm Trước Mặt của Phan Nhự Thức. Mãi tới năm 2004, tình cờ gặp ông ở Đà Lạt và tình cờ được nghe ông đọc thơ của chính ông trong bữa rượu mới nhận ra: ông có nhiều con người trong một người. Ông la đà trong men rượu và thơ la đà trong ông giữa ngọn đồi đầy cỏ hoa và đêm xuống nhập nhòa. Thật bất ngờ: bất ngờ bởi chất thơ lạ, bởi giọng đọc lạ, gần như chất giọng ấy đã lột truồng tất cả tứ trong thơ, lột truồng chính ông, lột cả màn đêm để đắm chìm vào cõi khác, bồng bềnh mênh mông… tưởng chừng như ông đang trầm mình trong đáy hồ Xuân Hương vọng lên những tiếng chép miệng não nuột một kiếp người:

Như thể mày vừa ra khỏi núi

chống gậy bằng vai chống trên vai

đôi chân ngâm rượu lâu ngày ấy

chợt rã vào tao những hớp đầy…

Muốn thụi cho nhau đau mấy cú

cho rã tan thêm nỗi lục bình

nghĩ thương con nước không còn sức

ngầu bọt vào em ở cuối đường

Thôi tao về

nói sao cho hết

mặc mẹ mặt trời mọc ở đâu

chớ mở bàn tay ra hỏi thử

đã cầm bao nhiêu cõi nổi trôi

(Gặp Hạ Đình Thao).

Vậy đó, chất giọng nghẹn ngào rung lên tứ thơ lộc cộc như thể đang bước trên đoạn đường đầy gai bàn chải, móc ó… như thể ông phì hơi xé toạc màn đêm, khiến tôi càng chú ý ông nhiều hơn. Chén tạc chén thù, lân la hỏi chuyện mới hay cớ sự: ông đang là kẻ bị lưu đày ngay trên chính quê hương mình!. (Sau năm 75, ông và nhiều gia đình khác ở Quảng Ngãi bị xua ra khỏi quê, bị lùa lên vùng kinh tế mới Cát Tiên-Lâm Đồng, miền đất quanh năm ẩm ướt, muỗi mòng, rắn rít và lũ lụt nhiều hơn khoai sắn).

Lâm Anh làm thơ nhiều, rất nhiều. Ông làm thơ trên bàn rượu, lúc vác cuốc ra rẫy hay ngồi vẩn vơ bên bờ suối (nhớ quê), ngồi trong quán cắt tóc… nên trong túi lúc nào cũng có mẩu giấy và cây bút chì gọt bằng răng, bằng móng tay. Ai thích, ông đưa luôn như thể họ là bảo tàng lưu trữ thơ cho ông. Chính sự cẩu thả này nên ông làm thất lạc không ít những bài thơ hay. Tuy vậy hiện tại ông vẫn còn 25 tập bản thảo (bạn bè lưu giữ nhiều hơn ông!) chưa nơi nào nhận xuất bản.

Rất nhiều người và ngay cả chính tôi, đọc thơ Lâm Anh như thể đang bước vào khu rừng nguyên sinh, kín đặc những loài cây cỏ chen nhau tầng cao tầng thấp: câu chữ không trau chuốt bóng bẩy, cứ như người dân nông thôn nói chuyện đời thường, như những bà mẹ quê vừa nhổ từng cọng rau má trên bờ ruộng vừa chuyện trò to nhỏ, cốt sao câu chữ ấy cõng hết cái tứ thơ. Ví dụ như mấy câu này:

…Quán cóc không còn ghế trống

ta tự ngồi vào lòng ta dư

chòm hổm uống ly mừng cố quận

“ta chẳng là châu cũng hiệp phố… hề”

(về quê).

Ông không hề và chưa hề đánh mất quê mình, chỉ có xô đẩy, cắt lìa của một thời trả đũa mới đẩy ông ra xa. Sự xa biệt, chia lìa ấy đã dựng trong ông nỗi ngậm ngùi của thứ tâm thức nhớ vọng quê hương đến cuồng:

Thưở yêu em ái ân từ Trà Khúc

Em không đậu thai mà ta mang thai

Hai mươi năm đã từng chuyển bụng

Sinh con, ta chỉ thấy toàn thơ

(Cá bống Trà Khúc)

Và gần hơn êm đềm, bớt cay đắng hơn:

Mẹ đã sinh tôi từ Quảng Ngãi

Nên hồn tôi đâu khác hồn cố hương

(Cố hương)

Trong thời buổi “tai trời ách nước” ngày nào, hẳn trong chúng ta những người được đọc những dòng thơ tủi cực của Lâm Anh, cũng đã từng hay ít ra cũng có những người thân quen phải gạt nước mắt ra đi về chốn khốn cùng, hoặc ít nhất cũng từng nghe những âm thanh xoay buốt tim gan, một thời:

Tiếng loa loa… xé lòng nát ruột

Kinh-tế mới tìm áo ấm cơm no

Mẹ đã gù lưng thêm gánh nặng

Lên rừng vá áo giúp cho con

Mũi kim như mũi đời tê điếng

Mẹ nhìn trời ngỡ chiếc-áo-quan!

(Bài ca sau ngày hòa bình).

Ngày hòa bình ấy đâu chỉ một riêng ông mà còn “ban tặng” cho những cảnh ngộ khác:

Có đứa ngoi lên từ cõi chết

Trở về áo máu giữa nhà giam

Em kiếm tìm chồng mang ruột chửa

Đêm sầu bên núi đẻ con non

(Bài ca sau ngày hòa bình)

Đã đau vì cảnh bắt buộc phải ly hương, ông lại còn phải quảy cả gia tài là hồn cố hương cùng một đống chữ nghĩa cô đặc trong đầu lên Cát Tiên chồng chất tâm trạng u uẩn vì gánh gia đình, vì chén cơm manh áo, vì thế sự đẩy xô, để mãi đến tận hôm nay ông mới ngộ ra “vì sao”. Ô hay, sự “ngộ” này của ông và biết bao người khác có muộn lắm không?

Tôi hiểu người vì sao con chết đói

Vì sao sáng Bắc chiều Nam

Vì sao thả lỏng đời trong rượu

Vì sao làm thơ hơn làm quan

Vì sao cười khóc không nhăn mặt

Ngắm núi nhìn sông ngạo đất bằng

(Đỗ Phủ Xuân thơ)

Cũng khẩu khí đấy, nhưng là khẩu khí của kẻ thất cơ lỡ vận, để sau đó miên man “chìm trong đáy cốc”

Nay xứ xa một ngày không thấy rượu

Thì làm sao nói chuyện bạc đầu

(Bài thơ tuổi 52)

Hay:

Ta đến xứ Nam, bạn qua xứ Bắc

Bất ngờ ly rượu cũng ngược xuôi

Đôi chặp bên đời râu tóc rụng

Trong tay hồ hải một phen cười

(Thư gửi Nguyễn Nhiên)

Cuộc đời của ông gặp phải, cái nhìn của ông đụng phải những cảnh ngộ không suôn sẻ… Ông như một tội đồ bị dằn dập không bằng roi dao mà là sự chứng kiến bắt buộc, luồn thẳng vào tâm thức rồi bật thành những dòng nức nở:

Người yêu biệt lính rồi biệt tích

Cõng-con-là-cõng-mộ-chồng-ơi!

(Qua chợ)

Cứ một giọng điệu ngã nghiêng như vậy bám theo ông nghiêng ngã đất trời xứ lạ mà kẻ khác kêu là vùng đất hứa, mà chính những người cùng thời với ông bị dúi vào vùng đất trích, trở thành những kẻ tha phương cầu thực. Và thơ ông bổng trở thành thơ tha phương cầu độc!

Mùa đông ai múc trong nồi cháo

Những-bát-mưa-bốc-khói-đục-trời

(Đất khách thơ)

Và:

Ta sờ-tay-vô-túi

Mới hay rằng trong áo

Có bóng chiều ải quan

Có bóng người thua trận

Ôm bước về hoang mang

(Chiếc áo cũ)

Một đời bảy chìm ba nổi như vậy, nên chi thơ ông là tiếng kêu bi thống của kiếp đọa đày. Nên chi thơ ông chỉ mới thoảng qua đã ngửi thấy toàn mùi rượu. Trách ai, chữ nghĩa của ông hay trách nhân gian?

Nguyễn Lệ Uyên

_______________

● Lâm Anh, Quá Giang Thuyền Ngược, thơ, Thư Ấn Quán xb, HK 2010

_____

Tiểu sử:

Tên thật Nguyễn Lâm Anh

Các bút danh khác: Nguyễn Ba La, Lâm Anh Nguyễn Ba La

Sinh năm 1942. Trước năm 1975 là cán bộ thông tin ở Quảng Ngãi, trong nhóm Trước Mặt do Phan Nhự Thức chủ trương.

Sau 1975 ông và cả gia đình bị đưa đi vùng kinh tế mới Cát Tiên, Lâm Đồng.

Hiện sống tại xã Quảng Ngãi, Cát Tiên.

Ông có trên 25 tập thơ chưa được nơi nào nhận xuất bản.

Quá giang thuyền ngược là tập thơ duy nhất của ông do Thư Ấn Quán xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2010.

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search