T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hòai Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (78) – NHẠC ĐÔNG PHƯƠNG: Tsugunai (Tình chỉ là giấc mơ, Ước hẹn), Miki Takashi & Akari Toyohisa

Tsugunai

Trong bài thứ ba, và cũng là bài cuối, viết về những ca khúc nổi tiếng của “Nữ hoàng ca nhạc Á châu” Đặng Lệ Quân được đặt lời Việt, chúng tôi giới thiệu bản Tsugunai của hai tác giả Miki Takashi và Akari Toyohisa, ca khúc đã đoạt Đại Giải đầu tiên cho Đặng Lệ Quân tại xứ Hoa Anh Đào, và hiện nay đang đứng hạng 5 trong danh sách 10 ca khúc phổ thông của Nhật Bản được yêu chuộng nhất do tạp chí online KILALA thiết lập.

Trước khi viết về ca khúc này, chúng tôi mời độc giả theo dõi tiếp đường đời, sự nghiệp, và ảnh hưởng của người nữ danh ca bạc mệnh.

Thời gian 5 năm từ 1984 tới 1989 là những năm vàng son của Đặng Lệ Quân. Sau ba năm liền đoạt Đại Giải dành cho ca khúc được yêu chuộng nhất trong năm tại Nhật Bản – từ Hán Việt gọi là “Nhật Bản Hữu Tuyến Đại Thưởng” – với Tsugunai  (Đền trả, 1984), Aijin (Người tình, 1985), và Toki no Nagare ni Mi o Makase (Buông xuôi theo dòng thời gian, 1986), qua năm 1987, Đặng Lệ Quân đã đoạt Giải Minh tinh Xuất chúng (Outstanding Star Award) với ca khúc Wakare no Yokan (Linh cảm về sự tan vỡ), cũng của hai tác giả Miki Takashi và Akari Toyohisa.

Hiện nay Wakare no Yokan được xếp hạng 10 trong danh sách 12 ca khúc được yêu chuộng nhất của Đặng Lệ Quân, sau bản Kuko (Airport, Xin thời gian ngừng trôi ) và trước bản Ni (tức bản Không của Nguyễn Ánh 9).

Chúng tôi không tìm được nhiều tài liệu viết về mức độ phổ biến của  Wakare no Yokan ở bên ngoài quần đảo Phù Tang, chỉ biết đây là một trong những ca khúc lời Nhật của Đặng Lệ Quân được yêu chuộng nhất ở Mã Lai và Thái Lan, được sử dụng trong việc học tiếng Nhật qua hình thức karaoke ở nhiều quốc gia, từ Á châu tới Âu Mỹ.

VIDEO:

Japanese song : 別れの予感 Wakare no Yokan , Teresa Teng – YouTube

Cũng trong “những năm vàng son” của mình, Đặng Lệ Quân đã thu đĩa ca khúc Yuki ga Furu, phiên bản tiếng Nhật của ca khúc Pháp Tombe la neige (Tuyết rơi, Adamo), không chỉ được yêu chuộng tại xứ Hoa Anh Đào mà còn nhiều nơi khác trên thế giới, từ Mã Lai tới tận Liên Xô.

Phụ lục 1: Yuki ga Furu, Teresa Teng

VIDEO:

 ПАДАЕТ СНЕГ ТЕРЕЗА ТЕНГ

Điểm qua những video clip của Đặng Lệ Quân được phổ biến trên YouTube, và đọc những lời tán tụng, tiếc thương bằng tiếng Nga, chúng ta thấy có lẽ cô là nữ danh ca gốc Hoa được dân tộc Nga-la-tư yêu chuộng nhất.

Lẽ dĩ nhiên, trong số đó không thể thiếu bản dân ca Nga Dorogoj Dlinnoyu  (Trên đường thiên lý) của Boris Fomin (1900–1948), lời Anh Those Were The Days của Gene Raskin, được Đặng Lệ Quân thu đĩa phiên bản lời Hoa với tựa Những năm tháng đã qua.

VIDEO:

Дорогой длинною (на китайском) – Teresa Teng,Those … – YouTube

Tuy nhiên, đất nước có nhiều người ái mộ Đặng Lệ Quân nhất phải là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng), kẻ thù của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), nơi chôn nhau cắt rốn của Đặng cô nương.

Vào thời gian Đặng Lệ Quân bắt đầu nổi tiếng, nền nhạc tình cảm lãng mạn đã không còn chỗ đứng tại Hoa Lục sau khi chế độ cộng sản được thiết lập vào năm 1949. Tới khi xảy ra cuộc Cánh Mạng Văn Hóa (1966), việc cấm đoán còn trở nên gay gắt hơn, chỉ cần là nhạc nước ngoài đã bị cấm ngặt, nói gì tới những “bài hát nhạc vàng ủy mị” (hoàng sắc ca khúc), vốn bị xem là sản phẩm của xã hội tư bản suy đồi, phi đạo đức.

Nhưng bước qua thập niên 1970, trước sự cô lập của thế giới tự do, chế độ cộng sản Trung Hoa bắt đầu có những thay đổi. Một thập niên trước, Bắc Kinh đã không tiếc lời mạt sát “bọn xét lại ở Mạc-tư-khoa” nay chính họ cũng “cởi trói”, cũng “mở cửa”.

Về mặt chính trị, diễn biến quan trọng nhất phải là việc Mao Trạch Đông đón tiếp Tổng thống Mỹ Richard Nixon tại Bắc Kinh vào năm 1972.

Về mặt văn hóa tư tưởng, trong lĩnh vực ca nhạc nói riêng, tới giữa thập niên 1970, các ca khúc “đương đại” của Hương Cảng, Đài Loan đã được phép du nhập vào Hoa Lục, cho dù còn rất hạn chế và bị kiểm duyệt một cách gắt gao.

Các ca khúc “đương đại” của Hương Cảng, Đài Loan không chỉ khác nhạc “cách mạng” về nội dung, mà còn khác qua cách thể hiện của nghệ sĩ. Trong số nghệ sĩ ấy, người được yêu chuộng nhất chính là Đặng Lệ Quân.

Như chúng tôi đã viết trong một bài trước, Đặng Lệ Quân không chỉ sở hữu một giọng bán kim (mezzo-soprano) thiên phú, mà còn được cô thể hiện bằng cách phối hợp phong cách hiện đại tây phương với dân ca truyền thống đông phương, nên có sức thu hút đối tượng một cách mãnh liệt.

Có thể viết, giọng hát “bảy phần ngọt ngào, ba phần nước mắt” ấy cùng với ca khúc Ánh trăng nói hộ lòng tôi (Nguyệt lượng đại biểu ngã đích tâm – The Moon Represents My Heart) đã mở đầu cho “cuộc xâm lăng Hoa Lục” bằng âm nhạc.

Sau này, đạo diễn Jia Zhangke của nền điện ảnh Trung Quốc, một người trưởng thành cùng với cuộc Cách Mạng Văn Hóa, hồi tưởng:

Ánh trăng nói hộ lòng tôi là một cái gì đó hoàn toàn mới lạ… Thế là mọi người trong thế hệ tôi đột nhiên bị nhiễm độc với cá nhân này. Cô đã trở nên nổi tiếng đến nỗi chỉ trong vài tháng trời đất nước đã bị ngập nước bởi các bài hát của cô ấy”.

* * *

Nhưng chỉ được vài năm, tất cả mọi ca khúc của Đặng Lệ Quân nói riêng, của các ca sĩ Hương Cảng và Đài Loan nói chung, lại bị cấm tại Hoa Lục.

Tất cả cũng vì nguyên nhân chính trị: Hoa Kỳ thiết lập bang giao với Trung Cộng!

Tới đây chúng tôi xin phép đi ra ngoài đề để sơ lược những dòng sử cũ, hầu giúp các độc giả trẻ có thể hiểu được sự cay đắng của Đài Loan ngày ấy trước diễn biến chính trị này, cũng như nguyên nhân đưa tới việc sau này Đài Loan cử hành nghi thức quốc táng cho Đặng Lệ Quân.

Sau cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) lật đổ chế độ quân chủ của nhà Mãn Thanh, Bác sĩ Tôn Dật Tiên (Sun Yat-sen), lãnh tụ Trung Hoa Quốc Dân Đảng (Kuomintang of China) thiết lập chế độ cộng hòa với danh xưng “Cộng Hòa Trung Hoa” (Republic of China, viết tắt là ROC). Sau khi Tôn Dật Tiên qua đời, Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek) lên thay.

Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Cộng Hòa Trung Hoa đứng về phía Đồng Minh chống lại quân Nhật. Sau Thế Chiến, tổ chức Liên Hiệp Quốc ra đời, Cộng Hòa Trung Hoa trở thành một trong năm hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ có quyền phủ quyết, gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Liên Xô, và Trung Hoa.

Năm 1949, sau khi quốc quân của Tưởng Giới Thạch bị quân cộng sản đánh bại, phải bỏ chạy ra đảo Đài Loan, tại Hoa Lục, Mao Trạch Đông thiết lập chế độ cộng sản với danh xưng “Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa” (People’s Republic of China, viết tắt là PRC). Tuy nhiên trên trường quốc tế, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng) chỉ được các quốc gia cộng sản nhìn nhận, trong khi Cộng Hòa Trung Hoa (Đài Loan) vẫn tiếp tục được đại đa số quốc gia trên thế giới nhìn nhận, vẫn tiếp tục giữ ghế thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An LHQ.

[Chỉ có một sự thay đổi về danh xưng mà chúng tôi không tìm ra tài liệu giải thích, đó là trong khi danh xưng tiếng Anh của của Đài Loan vẫn là Republic of China (ROC) thì danh xưng “Cộng Hòa Trung Hoa” được đổi thành “Trung Hoa Quân Quốc”, người Việt còn gọi là “Trung Hoa Quốc Gia”]

Nhưng 22 năm sau, trước sự lớn mạnh cũng như ảnh hưởng kinh tế của Trung Cộng trên trường quốc tế, cùng với việc ngày càng có nhiều quốc gia thuộc khối thứ ba thiết lập bang giao với chế độ cộng sản này, vào ngày 25 tháng 10 năm 1971, trên 2/3 thành viên Liên Hiệp Quốc (76 phiếu thuận, 35 phiếu chống, 17 hội viên vắng mặt) đã thông qua Nghị Quyết 2758 (UN Resolution 2758) nhìn nhận chế độ (regime) Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ở Hoa Lục là đại diện duy nhất của nước (nation) Trung Hoa trong tổ chức Liên Hiệp Quốc.

Ngày 15/11/1971, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chính thức trở thành thành viên LHQ, đồng thời thay thế Trung Hoa Dân Quốc trong cái ghế “hội viên thường trực” của Hội Đồng Bảo An.

Dĩ nhiên, Hoa Kỳ, đồng minh thân thiết nhất của Trung Hoa Dân Quốc, đã kịch liệt phản đối nghị quyết này.

Một cách chi tiết, Hoa Kỳ không phản đối việc thu nhận Trung Cộng làm thành viên LHQ, mà chỉ đòi hỏi Đài Loan vẫn tiếp tục được ở lại, tức là có hai đại diện của hai “nước Trung Hoa”, nhưng đã bị các thành viên bỏ phiếu bác bỏ, viện lý do việc này đi ngược lại Hiến Chương của LHQ.

Nhưng trên thực tế, việc Hoa Kỳ đòi cho Đài Loan được tiếp tục làm thành viên LHQ với tư cách một quốc gia chỉ mang tính cách chiếu lệ, “trình diễn” để khỏi mang tiếng quay lưng với một “đồng minh”, chứ chẳng ảnh hưởng gì tới tiến trình xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.

Cũng cần nhấn mạnh, trước đó, vào tháng 7/1971, tức là trước khi LHQ thông qua Nghị Quyết 2758, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã tuyên bố trên truyền hình với quốc dân Mỹ rằng ông sẽ thăm viếng Trung Cộng vào năm tới.

Cuối tháng 2/1972 – ba tháng sau ngày Đài Loan bị “tống cổ” ra khỏi LHQ – ông Nixon đã tới Bắc Kinh gặp gỡ Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Cộng, trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Hoa Kỳ đặt chân tới Hoa Lục trong một phần tư thế kỷ qua.

Tuy nhiên, sau chuyến đi lịch sử của Tổng thống Richard Nixon, Hoa Kỳ vẫn không thay đổi lập trường về Đài Loan, vẫn duy trì cam kết bảo vệ đảo quốc này: trong khi rút hết lực lượng quân sự vẫn tiếp tục công nhận nhà nước Trung Hoa Dân Quốc là chính thể hợp hiến hợp pháp duy nhất đại diện cho Trung Hoa, là đồng minh của Hoa Kỳ, nếu bị Trung Cộng tấn công, Hoa Kỳ sẽ can thiệp.

Nhưng sau khi Tổng thống Jimmy Carter của đảng Dân Chủ – một thành phần “bồ câu” tới mức thiên tả – lên cầm quyền thì Đài Loan đã trở thành “con vật tế thần” để đổi lấy quyền lợi kinh tế của Hoa Kỳ tại thị trường Hoa Lục.

Ngày 15/12/1978, ông Jimmy Carter lên truyền hình thông báo cho quốc dân: bắt đầu vào ngày 1/1/1979, Hoa Kỳ sẽ chính thức công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng), cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và thiết lập bang giao với Trung Cộng.

Trong Thông cáo chung ngày 1/1/1979, hai chính phủ Hoa Kỳ – Trung Cộng khẳng định “chỉ có một nước Trung hoa” và Đài Loan chỉ là “một phần lãnh thổ của Trung Hoa”.

Sự việc này đã khiến chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và dân chúng Đài Loan vô cùng phẫn nộ, dẫn đưa tới tình hình căng thẳng tột độ giữa Đài Loan và Hoa Lục, nhất là sau khi Trung Hoa Dân Quốc đặt mua các chiến đấu cơ tối tân nhất của Pháp để quyết một mất một còn với Trung Cộng.

Thời gian này, đầu thập niên 1980, Đặng Tiểu Bình đã trở thành “lãnh tụ tối cao” của Trung Cộng, mặc dù ông ta chỉ giữ hai chức vụ “thứ cấp” là Phó Chủ tịch Đảng Cộng Sản Trung Hoa và Chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Trước thái độ thù nghịch của Trung Hoa Dân Quốc, họ Đặng đã ra lệnh cấm tất cả mọi bài hát của các ca sĩ Đài Loan và Hương Cảng. Thế nhưng, bất chấp lệnh cấm, đĩa hát của Đặng Lệ Quân vẫn được lén lút bán ngoài chợ đen, và các ca khúc của cô vẫn tiếp tục được phổ biến, từ nhà dân cho tới hàng quán, thậm chí cả trong các cơ sở của chính phủ.

Vì Đặng Lệ Quân có cùng họ “Đặng” với Đặng Tiểu Bình, người dân Hoa Lục đã gọi cô là “Tiểu Đặng” để phân biệt với “Lão Đặng”; từ đó mới có câu nói đùa “Ban ngày Lão Đặng cai trị Trung Hoa, ban đêm Tiểu Đặng ngự trị mọi nhà”!

* * *

Cũng trong những năm vàng son của mình – một cách chính xác là vào năm 1984, Đặng Lệ Quân đã phát hành album được xem là có giá trị cao nhất trong suốt sự nghiệp của cô. Album này có tựa đề  Đạm Đạm U Tình, gồm 12 bài thơ từ thời Đường, Tống, được phổ nhạc, âm hưởng là một sự phối hợp hài hòa giữa Đông và Tây, giữa truyền thống và hiện đại.

Trong số 12 ca khúc này, nổi tiếng và được ưa chuộng nhất là bản Đãn Nguyện Nhân Trường Cửu (We May Last Forever, Những Mong Người Dài Lâu), nguyên là bài thơ Thủy Điệu Cô Đầu của Tô Thức (hiệu Tô Đông Pha) được Lương Hoằng Chí phổ nhạc.

Tương truyền Thủy Điệu Cô Đầu được Tô Đông Pha sáng tác vào tết Trung Thu năm Bính Thìn (1076) dưới thời Tống Thần Tông: ở chốn lưu đày, một mình ngồi ngắm trăng uống rượu suốt đêm, nhớ tới Tử Do (Tô Triệt), em trai ông và cũng là một người bạn thơ, mà cảm tác.

[Thủy Điệu Cô Đầu rất được thi văn gia Việt Nam thuộc các thế hệ trước ưa chuộng, trong số những bản dịch, phổ nhất là của Nguyễn Hiến Lê]

Sau này, khi phi thuyền Thần Châu VII được phóng lên không gian ngày 23/9/2008, Trung Quốc đã cho phát ca khúc “Đãn nguyện nhân trường cửu” qua tiếng hát của Đặng Lệ Quân.

VIDEO:

 Đãn Nguyện Nhân Trường Cửu – Tô Thức – Đặng Lệ Quân

Gần đây, trong vòng chung kết cuộc tuyển lựa “Thi ca chi vương” do đài truyền hình Tứ Xuyên tổ chức, thí sinh Phí Ngọc Thanh đã thu phục ban giám khảo và khán giả với ca khúc này, và sau đó trở thành một danh ca.

[Vietsub] Phí Ngọc Thanh 費玉清- Những Mong Người Dài Lâu 但願人長久 (Đãn Nguyện Nhân Trường Cửu)

* * *

Năm 1989, khi xảy cuộc đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn, Đặng Lệ Quân đang ở Paris, và cô đã tổ chức một buổi trình diễn tại thủ đô Pháp quốc, nhân danh sinh viên học sinh đang tranh đấu cho dân chủ tại Hoa Lục xin dư luận quốc tế hỗ trợ.

Sau đó, Đặng Lệ Quân đã bay về Hương Cảng trình diễn tại trường đua Thung Lũng Hạnh Phúc (Happy Valley Racecourse) trong buổi nhạc hội mang tên “Những ca khúc dân chủ cho Trung Hoa” (Democratic songs dedicated to China) vào ngày 27/5/1989 với trên 300,000 người tham dự. Cao điểm của buổi trình diễn là ca khúc “Nhà tôi ở phía bên kia núi” (My Home Is on the Other Side of the Mountain) do Đặng Lệ Quân hát đã khiến hàng nghìn người rơi lệ.

Được biết trước đó, khi nghe tin Đặng Lệ Quân bay về Hương Cảng để trình diễn tại trường đua Thung Lũng Hạnh Phúc, các đại diện thương mại của cô cũng như đài truyền hình TVB đã ra sức ngăn cản, nhưng chẳng những cô không nghe theo mà còn đeo biểu ngữ có ghi hàng chữ “Phản đối sự đàn áp của quân đội” trước ngực khi trình diễn tại trường đua. Vì thế, hãng TVB đã cấm các chuyên viên thu hình quay trực diện Đặng Lệ Quân, để khỏi thấy hàng chữ “xúc phạm” kia (TVB lúc đó đã “làm ăn” với Trung Cộng).

Sau khi hát ca khúc “Nhà tôi ở phía bên kia núi”, Đặng Lệ Quân tuyên bố:

“Sẽ có ngày tôi quay trở lại Hoa Lục và hát ca khúc này, đó là ngày đất nước Trung Hoa được tái thống nhất với Tam Dân Chủ Nghĩa (của Trung Hoa Quốc Dân Đảng)”.

Bước sang thập niên 1990, khi mà hầu như không một ca sĩ nào của Hương Cảng, Đài Loan chưa về trình diễn tại Hoa lục, Đặng Lệ Quân vẫn giữ vững lập trường.

* * *

DLQ mac ao cuoi trong buoi trinh dien cuoi cung

Đặng Lệ Quân mặc áo cưới trong buổi trình diễn cuối cùng

Hội đủ mọi yếu tố thành công – tài hoa, thanh sắc – nhưng “Nữ hoàng ca nhạc Á châu” chưa bao giờ tìm được hạnh phúc trọn vẹn trong cuộc sống tình cảm; và cho tới khi qua đời, áo cưới cô vẫn chưa được mặc một lần (không kể khi trình diễn trên sân khấu).

Theo một số trang mạng, hai người yêu đầu tiên của Đặng Lệ Quân đều chết bất đắc kỳ tử, một người vì tai nạn phi cơ, một người vì lên cơn đau tim.

Còn theo tiểu sử chính thức, mối tình đầu tiên của Đặng Lệ Quân được mọi người biết tới là với Thành Long (Jackie Chan), kém cô một tuổi.

Hai người gặp nhau năm 1979 tại Hoa Kỳ, lúc ấy Thành Long còn là một diễn viên chưa nổi tiếng và đang tập tành ca hát. Đặng Lệ Quân giúp Thành Long luyện giọng, từ đó hai người nảy sinh tình cảm. Họ không tiếc lời ca tụng nhau trước mặt các phóng viên, thường đưa nhau đi ăn tối và ngụ chung khách sạn; được truyền thông Hoa ngữ xưng tụng là “Kim Đồng – Ngọc Nữ”.

Nhưng tuy cùng một nhịp tim, Thành Long và Đặng Lệ Quân lại khác biệt về sở thích, tính tính. Thành Long thích tụ tập, đàn đúm với bạn bè, từng nhiều lần bị bắt gặp tình tứ với những cô gái lạ, trong khi Đặng Lệ Quân là người đoan trang, nề nếp, thích cuộc sống yên tĩnh, ấm cúng tại nhà.

Nghe kể lại trong một bữa tiệc có rất nhiều “huynh đệ” của Thành Long, tới khuya mà anh chàng cũng không chịu rời bàn, Đặng Lệ Quân nói “Nếu anh thích thì anh cứ ở lại với bạn bè họ, em đi về đây”. Không muốn bị mất mặt, Thành Long đã để Đặng Lệ Quân ra về một mình. Sau khi tiệc tàn, Thành Long đi tìm Đặng Lệ Quân để xin lỗi nhưng cô nhất quyết không mở cửa, chấm dứt một chuyện tình đẹp đã kéo dài đã 3 năm.

Nhưng Thành Long không cô đơn lâu, anh quay sang cặp với nữ diễn viên Lâm Phụng Kiều, một người bạn của Đặng Lệ Quân; sau đó ít lâu hai người kết hôn.

Say này, Thành Long đã không dấu diếm ân hận, nuối tiếc cuộc tình đẹp với Đặng Lệ Quân. Chàng thố lộ:

“Giờ đây tôi đã nhận ra sai lầm của mình, Đặng Lệ Quân là một viên ngọc quý mà đáng lẽ tôi phải gìn giữ, yêu thương.”

Năm 2002, sau khi Đặng Lệ Quân đã qua đời được 7 năm, Thành Long đã hát lại bài “Ngã chỉ tại hồ nhĩ” (Anh/em chỉ quan tâm tới em/anh), tức phiên bản tiếng Hoa của bản Toki no Nagare ni Mi o Makase (Buông xuôi theo dòng thời gian), ca khúc đã giúp Đặng Lệ Quân đoạt Đại Giải của Nhật Bản năm 1986 mà chúng tôi đã giới thiệu trong một bài trước.

Đặc biệt, người ta đã sử dụng kỹ thuật hiện đại để phục hồi hình ảnh Đặng Lệ Quân, đưa vào video clip cùng với hình ảnh của Thành Long, gây xúc động cho hàng triệu người ái mộ.

VIDEO:

 Teresa Teng & Jackie Chan – Wo Zhi Zai Hu Ni (High Quality)

Sau khi tan vỡ với Thành Long, Đặng Lệ Quân tìm được nguồn an ủi trong vòng tay nam diễn viên Tần Tường Lâm. Ai cũng tưởng hai người sẽ thành vợ chồng, nhưng cuối cùng Đặng Lệ Quân đã phải gạt nước mắt chia tay vì họ Tần vẫn không quên được hình bóng người tình cũ – Lâm Thanh Hà!

[Lâm Thanh Hà, sinh năm 1954, kém Đặng Lệ Quân 1 tuổi, được xưng tụng là đệ nhất minh tinh gốc Đài Loan trong hai thập niên 1970, 1980. Nổi tiếng vào năm mới 17 tuổi với cuốn phim Song Ngoại, phóng tác từ cuốn tiểu thuyết có cùng tựa của nữ sĩ Quỳnh Dao, tiếp theo là nhiều cuốn phim tình cảm khác, đa số lấy cốt truyện từ tiểu thuyết của Quỳnh Dao.

 Nhưng ngoài đời, Lâm Thanh Hà bị xem là một “yêu nữ”, bất chấp sự lên án của dư luận, cô cặp kè công khai với nam diễn viên Tần Hán, người đã có vợ hai con, trong suốt 19 năm; về sau cô cặp cả với Tần Tường Lâm, tạo thành cuộc tình tay ba bị dư luận Đài Loan, vốn dĩ bảo thủ, lên án kịch liệt. Sau này, Lâm Thanh Hà bỏ cả hai chàng diễn viên, sang Cảng Thơm lập nghiệp, và kết hôn với một thương gia]

Sau Tần Tường Lâm, Đặng Lệ Quân yêu đại gia Quách Khổng Thừa nhưng khi hai người quyết định tiến tới hôn nhân, gia đình họ Quách đã ra nhiều điều kiện, trong đó có việc cô phải từ giã nghiệp cầm ca, Đặng Lệ Quân đành gạt lệ chia tay.

Đầu thập niên 1990, sau khi bày tỏ lập trường chống Bắc Kinh qua việc lên án cuộc đàn áp sinh viên học sinh ở Thiên An Môn, Đặng Lệ Quân bỏ Hương Cảng sang Pháp sống. Tại đây, cô gặp gỡ nhiếp ảnh gia trẻ Quilery Paul Puel Stephane, kém cô 14 tuổi, và hai người trở thành tình nhân.

Thời gian này, tình hình hình sức khỏe của Đặng Lệ Quân không mấy khả quan, cho nên sinh hoạt trong lĩnh vực ca nhạc cũng bị hạn chế.

Năm 1994, Đặng Lệ Quân trở về Đài Loan tham gia một đại nhạc hội –  lần trình diễn cuối cùng của cô trước công chúng Đài Loan, và phát hành đĩa hát “Dạ hương”.

Tới giữa năm 1995, bệnh suyễn bẩm sinh của Đặng Lệ Quân có chiều hướng gia tăng, cô cùng bạn trai đến thành phố du lịch Chiang Mai, miền bắc Thái Lan để hưởng không khí trong lành. Tuy nhiên, vào ngày 8 tháng 5, Đặng Lệ Quân đã bất thần qua đời.

Hiện nay trên báo chí cũng như các trang mạng, người ta vẫn tiếp tục khai thác cái chết của Đặng Lệ Quân với nhiều tình tiết ly kỳ và những nghi vấn. “Phiên bản” phổ biến nhất là sau một trận cãi nhau kịch liệt, bạn trai bỏ đi, Đặng Lệ Quân uất ức lên cơn suyễn và chết trong phòng khách sạn, không một mảnh vải trên thân người; trong khi một “phiên bản” khác nói rằng rất có thể Đặng Lệ Quân chết sau khi bị bạn trai bạo hành, căn cứ vào những vết bầm trên má khi khám nghiệm tử thi…

Về phần người bạn trai của Đặng Lệ Quân, trong một cuộc phỏng vấn sau này đã nói rằng rất có thể sự ra đi đột ngột của Đặng Lệ Quân là do dùng thuốc quá liều, dẫn đưa đến trụy tim và các phản ứng phụ.

Nguyên vào khoảng hai tháng trước khi tới Chiang Mai, Đặng Lệ Quân bắt đầu sử dụng một loại thuốc có tên khoa học là Adrenergic agonist, có tác dụng làm giãn động mạch phế quản. Tuy nhiên, đây cũng là loại thuốc cực mạnh, được sử dụng giới hạn và cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ, bởi những phản ứng tác phụ có thể gây ra. Lạm dụng loại thuốc này có thể dẫn đến trụy tim.

Suy đoán của người bạn trai ra vẻ phù hợp với những diễn biến sau cùng theo lời kể của nhân viên khách sạn và nhân viên cấp cứu, được nhà chức trách Thái Lan chính thức ghi nhận.

Theo đó, vào khoảng 4 giờ chiều, trong lúc bạn trai đi ra ngoài mua sắm, Đặng Lệ Quân đột ngột lên cơn suyễn, cô đập cửa kêu cứu và được đưa xuống phòng bệnh của khách sạn để sơ cứu. Cùng lúc, khách sạn đã cho gọi xe cứu  thương. Trên đường đến bệnh viện, hơi thở của Đặng Lệ Quân yếu dần và cuối cùng tim ngưng đập. Sau hơn một tiếng đồng hồ tiến hành các biện pháp mạnh như kích điện, chích thuốc…, các bác sĩ đã bó tay và chính thức tuyên bố Đặng Lệ Quân qua đời lúc 5 giờ 30 phút chiều 8/5/1995.

Sau đó, thi hài Đặng Lệ Quân được đưa về Đài Bắc, thủ đô Đài Loan. Do những công lao của cô với đất nước và tinh thần quốc gia dân tộc, chính phủ Đài Loan đã quyết định tổ chức lễ quốc táng cho cô, với sự tham dự của Tổng thống Lý Đăng Huy và hầu hết mọi thành viên trong chính phủ.

Hàng nghìn người đã đưa tiễn Đặng Lệ Quân tới nơi an nghỉ sau cùng ở núi Kim Bảo Sơn, ngoại ô Đài Bắc; tang lễ được trực tiếp truyền hình đi nhiều nơi trong đó có Hương Cảng và Nhật Bản – nơi cô đoạt nhiều giải thưởng nhất trong sự nghiệp của mình.

Mß+Ö -Éߦ+ng Lß+ç Qu+ón

Mộ phần của Đặng Lệ Quân

Từ đó, mộ phần của Đặng Lệ Quân trong công viên tưởng niệm cô ở núi Kim Bảo Sơn đã trở thành địa điểm hành hương của người ái mộ. Đặc biệt trong công viên, gần pho tượng Đặng Lệ Quân có một mặt đàn dương cầm với những “phím đàn điện tử”, khi du khách bước lên sẽ phát ra tiếng đàn.

Piano trong cong vien Dang Le Quan

Ngôi nhà của Đặng Lệ Quân ở số 18 phố Carmel, Hương Cảng, cũng  trở thành một địa điểm hành hương của người ái mộ; tới năm 2002  đã được bán cho một công ty bảo tàng ở Thượng Hải và chính thức trở thành Viện bảo tàng Đặng Lệ Quân.

 

* * *

Thuở sinh tiền, vào năm 1986, Đặng Lệ Quân đã được tạp chí Time của Mỹ đưa vào Top 10 ca sĩ nổi tiếng nhất thế giới từ trước tới nay, và đứng hạng 7 của năm 1986.

Ngày 23/10/2001, một tiểu hành tinh (asteroid) trong thái dương hệ được ông William Kwong Yu Yeung của đài thiên văn Desert Eagle Observatory, Arizona, Hoa Kỳ, khám phá, đã được đặt tên 42,295 Teresateng để tưởng nhớ Đặng Lệ Quân.

Tháng 5/2002, tượng sáp của Đặng Lệ Quân đã được trưng bày tại bảo tàng tượng sáp Madame Tussauds Hương Cảng.

Năm 2005, tưởng niệm 10 năm ngày Đặng Lệ Quân qua đời, Quỹ Văn hóa Giáo dục Đặng Lệ Quân (Teresa Teng Culture and Education Foundation) đã tổ chức các đại nhạc hội ngoài trời tại Hương Cảng và tại đài tưởng niệm Đặng Lệ Quân ở Nghĩa trang Kim Bảo Sơn, Đài Bắc, để lấy quỹ xây dựng một ngôi trường hay cơ sở văn hóa theo ước nguyện của cô.

Tháng 9 năm 2009, khi mà quan hệ giữa Đài Loan và Hoa Lục đã bớt căng thẳng, trang mạng China.com của Văn phòng Báo chí của Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã tổ chức cuộc bình chọn “Nhân vật văn hóa tạo ảnh hưởng mạnh nhất” tại Trung Quốc trong “hoa giáp” vừa qua – tức thời gian 60 năm từ 1949 tới 2009. Đặng Lệ Quân đã đứng đầu danh sách gồm 60 nhân vật, vượt qua hai nhà văn Lão Xã (1899-1966), Kim Dung (sinh năm 1924), và nhà làm văn hóa kiêm chính khách Quách Mạt Nhược (1892-1978).

[Quách Mạt Nhược là một thi sĩ, kịch tác gia, sử gia, và chính trị gia nổi tiếng của Trung Quốc, từng giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung Quốc, Viện trưởng tiên khởi của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Lỗ Tấn, Phó Chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc (Trung Cộng); là một trong những đối tượng “phê đấu” của cuộc Cách Mạng Văn Hóa, và chỉ được phục hồi danh dự sau khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền]

Ngày 2 tháng 8 năm 2010, hệ thống truyền CNN của Mỹ công bố kết quả cuộc bình chọn Top 20 ca sĩ nổi tiếng nhất thế giới trong vòng 50 năm qua, trong đó chỉ có hai danh ca Hoa ngữ là Đặng Lệ Quân và Trương Quốc Vinh (Cheung Kwok-wing, tiếng Anh: Leslie Cheung).

Năm 2011, Ánh trăng nói hộ lòng tôi đã được Trung Hoa Dân Quốc chọn làm ca khúc kỷ niệm 100 năm nền Cộng Hòa (Cách Mạng Tân Hợi 1911).

Gần đây nhất, ngày 29/1/2018, nhân sinh nhật lần thứ 65 của Đặng Lệ Quân, trang mạng Google đã thực hiện một logo đặc biệt (Google Doodle) để tưởng nhớ.

* * *

Tới đây chúng rôi viết về ca khúc Tsugunai, ca khúc đã đoạt giải “Nhật Bản Hữu Tuyến Đại Thưởng” đầu tiên cho Đặng Lệ Quân vào năm 1984.

 Tsugunai, cùng với nhiều ca khúc nổi tiếng khác của Đặng Lệ Quân tiếp theo đó – như Aijin (Người tình), Toki no Nagare ni Mi o Makase (Buông xuôi theo dòng thời gian)… – là sáng tác của cặp bài trùng Miki Takashi (1945-2009) và Akari Toyohisa (1943- ).

Araki Toyohisa

Akari Toyohisa (1943- )

 Miki Takashi

Miki Takashi (1945-2009)

Về hình thức, Tsugunai được liệt vào thể loại J-pop, tức nhạc phổ thông hiện đại của Nhật Bản. Về nội dung, lời hát của Tsugunai (atonement, sự chuộc lỗi, sự đền trả) là tâm sự khổ đau của một cô gái dù đã chia tay người yêu nhưng vẫn vấn vương, khắc khoải khôn nguôi, lòng vẫn đớn đau khi nhớ lại…

Tsugunai được trang mạng lyricstranslate.com dịch sang Anh ngữ như sau:

Atonement

In the room that faces the setting sun

I can always smell your scent

Since if I lived alone I would think

About the crack in the wall that still remains

 

If we atone for our love we will become separate

Don’t forget me, will you not?

You who were too kind

You who look like a child

Tomorrow we will become mutual strangers

 

My regret is you

A reserved smoker

More than the past that binds us

I’m looking for someone who is charming than me

 

Since if we atone for our love it will become a heavy burden

I’ll try to get along with leaving this city

I’ll drink one more sake

I’ll see one more dream

Tomorrow we will become mutual strangers

 

If we atone for our love we will become separate

Don’t forget me, will you not?

You who were too kind

You who look like a child

Tomorrow we will become mutual strangers

Hiện nay, Tsugunai  đang đứng hạng 5 trong danh sách 10 ca khúc phổ thông của Nhật được yêu chuộng nhất do tạp chí online KILALA thiết lập.

Phụ lục 2: Tsugunai , Teresa Teng

VIDEO:

 Tsugunai – teresa teng – YouTube

Tsugunai  được tác giả Khúc Lan đặt lời Việt với tựa Tình chỉ là giấc mơ. Cũng xin viết thêm, trước đó, một ca khúc nổi tiếng khác của Nhật là bản Kobito Yo (của Mayumi Itsuwa) đã được Khúc Lan đặt lời Việt với tựa Tình là giấc mơ, cho nên không ít người đã lẫn lộn giữa ca khúc này (Tình là giấc mơ) với ca khúc Tình chỉ là giấc mơ; rất có thể vì vậy mà một số người đã tự tiện đổi Tình giấc mơ” thành “Tình như giấc mơ” cho khác đi?!

Tình chỉ là giấc mơ

 Tình chỉ là giấc mơ thôi
Nào ai sống trong mơ hoài
Tỉnh giấc ta nghe con tim đau
thì lòng đã vướng bao âu sầu
Tình chỉ là nắng trên cao
chìm tắt vào bóng tối đêm sâu
Người quay bước đi hững hờ
Người ôm gối chăn ơ thờ
Tình ơi trách ai bây giờ

 

ĐK:
Đắm đuối nhưng rồi biết xa nhau
Thắm thiết chi rồi cũng quên mau
Ấm áp trong lần cuối chia tay
Để giá buốt trong ta còn mãi
Ôi người yêu hỡi đam mê nay không còn nữa
Ôi tình yêu hỡi giấc mơ thiên thu tàn úa
Chiều nay nghe gió rung cây bơ vơ
Đời cũng tàn qua

Tình chỉ là thoáng mơ qua
Giọt nước mắt thêm nhạt nhòa
Nhỏ xuống cho tim ta đơn côi
Mà lòng đã trót yêu ai rồi


Tình chỉ là bão tố phong ba
Lạnh buốt vào dưới đáy tim ta
Ngày nào có nhau êm đềm
Mà nay xót xa riêng mình
Đời một bóng ta âm thầm

 ĐK:
Đắm đuối nhưng rồi biết xa nhau…

Tình chỉ là giấc mơ đã được nhiều ca sĩ ở hải ngoại cũng như trong nước thu đĩa, và là một trong số những ca khúc nhạc Nhật lời Việt được ưa chuộng nhất.

Phụ lục 3: Tình chỉ là giấc mơ, Ngọc Lan

Phụ lục 4: Tình chỉ là giấc mơ, Lệ Thu

Cùng khoảng thời gian, Tsugunai  được nhạc sĩ Lữ Liên đặt lời Việt với tựa “Ước Hẹn”.

Ước Hẹn

Thuyền đã rời bến sông
Gạt nước mắt em theo chồng
Thầm giữ kín trong tim bao lâu
Yêu thương tan vỡ mối duyên đầu
Nhìn sóng bạc cuốn trôi
Hỏi bóng nhạn lướt cánh chung đôi
Nhạn có thấu chăng kiếp người
Một lần lỡ xa nhau rồi
Là đã mất nhau trọn đời

Ơi hỡi người chốn xa xôi
Nếu biết trước duyên tình lắm thê lương
Chắc có lẽ ta chẳng vướng yêu đương
Sớm biết thế có chi sầu nhớ
Âu là duyên kiếp đã do cao xanh xui khiến
Xin đừng oán trách cứ nhau cho thêm cay đắng
Người yêu anh hỡi kiếp nay ta chia tay
Đành phụ ngãi từ đây

Ơi hỡi người chốn tha phương
Nếu biết rõ em rời bến sang ngang
Chắc có lẽ anh buồn nhớ đau thương
Sớm oán trách thế nhân bạc bẽo
Nhưng vì chữ hiếu khiến em vu quy duyên mới
Cũng liều nhắm mắt bước chân thôi em đi tới
Hẹn anh sang đến kiếp lai sinh mai sau
Nguyện đền đáp tình sâu…

Phụ lục 5: Ước Hẹn, Như Quỳnh

HOÀI NAM

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search