T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: LOẠN BÚT VỀ TỬU SẮC (2)

 emptied 7 crown

Tranh – Thanh Châu

*

Thả tiếu:

Nhân sinh hàm khổ lụy

Y phạn tích bại thành

Phóng thủ vạn sự tuyệt

Đắc tiếu, tiếu nhất thanh.

 

Hãy Cười:

Kiếp người nhiều khổ nhọc,

Cơm áo lắm được thua,

Buông tay muôn việc hết,

Ðùa được, thì cứ đùa!

(Nguyên tác và dịch Hạt Cát)

Đời như giấc chiêm bao: “Xử thế nhược đại mộng” – Lý Bạch. Hãy vui lên đi, hãy nâng ly lên cùng nhau hát: ” Một chăm em ơi, chiều nay một chăm phần chăm…”, rồi cùng Nguyên Lạc tui cười giỡn chút chơi.

CÙNG UỐNG RƯỢU

Thưa các bạn, trong bài trước Nguyên Lạc tôi dùng nhiều điển tích của “nước lạ” nên có nhiều bạn phản hồi rằng: – Sao khi bàn tới Tửu Sắc/Rượu Tình, ông hay dùng văn chương thi phú xa lạ quá, rắc rối quá! Nào là “Bồ đào mỹ tửu”, nào là “Sắc bất ba đào”.v.v… Thôi ông hãy giùm ơn bàn về Rượu, Tình của nước ta đi, dân mình đi, đời thường đi để cho nó nhẹ nhàng, dễ hiểu. Văn chương chữ nghĩa quá mà làm chi? Ông không nghe người đời “phán” sao:

Văn chương chữ nghĩa bề bề

“Thần bà” ám ảnh cũng mê mn đời!

— Thần Bà mà ám ảnh thì ông nào mà hổng điên điên , khùng khùng hả ? Không chết là may! Trụ Vương vì thần bà Đắc Kỷ, Ngô Vương vì thần bà Tây Thi mà mất nước. Cha con Đổng Trác, Lữ Bố cũng vì thần bà Điêu Thuyền mà tiêu đời đó, nhớ không?

— Thần Ông ám ảnh thì các bà cũng chết vậy, phải công bằng chớ! Thần ông Tư Mã Tương Như đã làm kiều nữ Trác Văn Quân điêu đứng trong truyền thuyết Phượng Cầu Hoàng đó!

— Thậm phải! Bạn ngôn quá đúng. Thôi “ta về ta tắm ao ta / dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Vậy nào, chúng ta bắt đầu “gầy sòng”, chỉ bàn về Rượu/ Tình dân Việt mình.

Í mà khoan, cho tui xin túm lại ông Lý Bạch một lần nữa đi, vì ông ta “mần thơ” ca tụng ông Thần Men (Rượu) tuyệt quá, “trên cả tuyệt vời”! Túm lấy ổng một lần nữa để xem ổng ca tụng ông Thần Men hay ra sao? Được không bạn? Nào cùng gặp ổng.

Tương Tiến Tửu

Quân bất kiến,
Hoàng hà chi thủy
Thiên thượng lai,
bôn lưu đáo hải bất phục hồi.

Hựu bất kiến,
Cao đường minh kính,
bi bạch phát,
triêu như thanh ty mộ thành tuyết.

Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,
Mạc sứ kim tôn không đối nguyệt.
Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,
Thiên kim tán tận hoàn phục lai.
Phanh dương tể ngưu thả vi lạc,
Hội tu nhất ẩm tam bách bôi.

… Ngũ hoa mã,
Thiên kim cừu,
Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu,
Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.

(Lý Bạch )

Cùng uống rượu

Con sông Hòang lưng trời tuôn nước
Xuống biển rồi, có ngược lên đâu!
Nhà cao, gương xót mái đầu,
Sớm còn tơ biếc, tối hầu tuyết pha.

Vui cho đẫy, khi ta đắc ý
Dưới vầng trăng, đừng để chén không
Sinh ra, trời có chỗ dùng
Nghìn vàng tiêu hết, lại trông thấy về.

Chén đi đã, trâu, dê cứ giết
Ba trăm ly, phải hết một lần
Khâu, Sầm hai bác bạn thân,
Rượu kèo xin chớ ngại ngùng ngừng thôi!

….. Áo cừu, ngựa gấm,để đâu?
Gọi con đem đổi vài bầu rượu ngon

Uống cho muôn thuở tan buồn!
(Ngô Tất Tố dịch )

Và đây là bản dịch “hết ý” của ông đệ tử Thần Men “giang hồ”: Laiquangnam Lai.

Bài ca trong bàn nhậu.

You có biết?
Nước sông Hòang từ trời rơi xuống,
chảy tuôn ra biển có quay về?

Dại tái tê!
Đứng trước gương thương thay tóc bạc,
sáng đang xung chiều đứt bóng đi luôn

Cõi trần ai, “trúng đài ” thì tới
Đừng ly không rượu dưới trăng vàng
Trời sinh ta tài mang khả dụng
“Vàng chịu chi, vàng thúng về cùng ”
Bê thui ánh lửa bập bùng …
Dô! dô!
ta cụng …râm ran … đất trời.

Này bạn vong niên!
Này chàng lãng tử!
Nào, nâng ly!
Nào, một tiếng: “dô!”

… Nhỏ ơi!, Áo quý!, ngựa xa!
Nhỏ mang ngay đổi cho ta ngàn vò!

Xả lòng … mình uống … đừng so!…
Đạp sầu vạn cổ về lò Thái hư.

( Laiquangnam Lai dịch theo “ngôn ngữ giang hồ”)

[Xin đọc bản dịch “hết ý” nầy tại đây (1)]

Sao, các bạn “phê” không, khi cùng uống rượu với Ngài “nước lạ” ấy?, và cùng nghe lời dịch đầy “ấn tượng” của Ngài đệ tử Thần Men? Thôi vậy cũng đủ quá rồi, chúng ta hãy trở về Việt Nam, xem các Ngài thi nhân ta vinh danh rượu ra sao!

VINH DANH RƯỢU

Trước hết mời các bạn cùng ngài thi bá Nguyễn Du đối mặt cụng ly.

Đối tửu (2)

Phu tọa nhàn song tửu nhãn khai

Lạc hoa vô số hạ thương đài

Sinh tiền bất tận tôn trung tửu

Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi

Xuân sắc tiệm thiên hoàng điểu khứ

Niên quang ám trục bạch đầu lai

Bách kì đãn đắc chung triêu túy

Thế sự phù vân chân khả ai

(Nguyễn Du)

Dịch:

Đối mặt cùng ly rượu

Mắt rượu ngồi thiền song vắng mầu

Hoa rơi phủ kín thảm rêu sâu

Sống thời chén tạc bầu phơi đáy

Chết chẳng ai dư rượu rưới mồ

Xuân sắc thay vàng anh lặng tiếng,

Tháng ngày bồi tóc bạc theo nhau .

Trăm năm ví được mà say suốt,

Thế sự phù vân nghĩ  “cũng ..đau”

( Laiquangnam Lai dịch)

(hoàng anh = chim vàng anh)

Tuyệt quá, thi hào Nguyễn Du phải không bạn?

Chúng ta tiếp tục nào:

Thơ về rượu trong bài Tương Tiến Tửu của Lý Bạch hào sảng, tuy nhiên theo Laiquangnam Lai, giọng tuyệt cú không qua thơ Cao Bá Quát của chúng ta. Này nhé: “Ông vua về dòng thơ uống rượu để nói cái chí mình,  phong cách sống của mình bên Tàu là Lý Bạch. Lý tuy viết khá nhiều nhưng kém hơn cụ Cao Bá Quát về độ đậm đặc trong ngôn từ và trong tư tưởng gói ghém trong 28 chữ (Tứ tuyệt: bốn câu, mỗi câu bẩy chữ) qua bài Bạc vãn túy quy” (Laiquangnam Lai)

Chúng ta thử đọc bài Tứ tuyệt này của cụ Cao xem sao.

Bạc vãn tuý quy (3)

Minh đính quy lai bất dụng phù

Nhất giang yên trúc chính mô hồ

Nam nam tự dữ liên hoa thuyết

Khả đắc hồng như tửu diện vô?

(Cao Bá Quát)

Chiều tà say trở về

Xỉn rồi về để mặc ta

Một sông sương khói nhập nhòa sóng tre

Nhìn sen lẩm bẩm ri hè

Sắc sen sắc rượu đỏ kè sắc nao?

( Laiquangnam Lai dịch )

Chiều hôm say về.

Ta say, chẳng bận ai dzìu,

Một sông, bóng trúc khói chiều tiêu tao.

Này sen, tớ hỏi tầm phào:

Hồng sen, hồng rượu, hồng nào hồng hơn?

(Đặng Tiến dịch)

Các bạn có thấy đúng như ngài Laiquangnam “phán” không? Hay quá phải không các bạn?

Bây giờ mới các bạn gặp cụ đệ tử của Thần Men khác, Tản Đà với thơ túi rượu vò.

Tản Đà

Cảnh đời gió gió mưa mưa

Buồn trông, ta phải say sưa đỡ buồn

Rượu say, thơ lại khơi nguồn

Nên thơ rượu cũng thêm ngon giọng tình

Rượu thơ mình lại với mình

Khi say quên cả cái hình phù du

Trăm năm thơ túi rượu vò

Nghìn năm thi sĩ, tửu đồ là ai?

(Thơ rượu)

“Thi sĩ tửu đồ là ai?” Là những thi nhân, một khi có tâm sự u uất, họ mượn chén rượu để mong làm vơi nỗi buồn, hoặc nói rõ ý chí chí mình chứ còn ai nữa, phải không?

Sau đây, Nguyên Lạc tôi xin sơ lược giới thiệu (trích đoạn) từng người vài câu thơ về rượu của các Thi sĩ mà tôi tâm đắc.

THƠ RƯỢU CỦA CÁC THI SĨ HIỆN ĐẠI

Bùi Giáng

Yêu đời uống rượu sáng nay

Vừa nâng ly đã chớm say ngà ngà

Chớm chừng đã chợt bỏ ra

Đừng say mút chỉ rầy rà tít mây

Chơi mà mút chỉ đứt dây

Còn chi mà nói thang mây phiêu bồng…     

(Uống rượu yêu đời – Như sương)

Ông đệ tử Thần Men này cũng lạ, say mà không cho “mút chỉ”. Không “mút chỉ” thì làm sao “lên thang mây phiêu bồng” được? Cho ông nói lại đó.

Mời ông thần nầy xem sao:

— Dạ kính ông, xin cho vài tiếng ngọc.

 Thanh Nam

 Rượu mời ta rót cho ta

Bạn gần không tới bạn xa chưa về

Rót nghiêng năm tháng vào ly

Mắt nheo bóng xế tay che tuổi buồn

Rót đầy băng giá cô đơn

Rót thao thức nhớ, rót hờn giận quên

Thôi, đừng. Thôi hãy nằm yên

Ngủ ngoan đi nhé cơn điên thuở nào

Rót ta với bóng cùng nhau

Ngất ngư rót mãi tỉnh vào cơn say

(đêm cuối năm uống rượu một mình)

“Rót ta với bóng cùng nhau” đúng là cô đơn, uống rượu một mình. Cô đơn ngày thường đã buồn rồi, nhưng có nỗi buồn nào bằng nỗi buồn cô đơn đêm cuối năm. Tội ông quá!

Còn ngài này nữa, cũng cô đơn khi về lại thành phố yêu dấu ngày xưa:

Linh Phương

Chiến binh uống rượu thèm tay rót

Mỹ nhơn đâu chẳng thấy em nào

Bốn mươi hai năm thằng phiêu bạt

Về lại Sài Gòn nhoi nhói đau 

(uống rượu ở Sài Gòn)

Ly rượu ngon nhất là ly người đẹp dâng trao. Tửu Sắc mà phải không? Ngày xưa biết bao nhiêu “ghệ gộc” bao quanh dâng rượu, bây giờ về lại nơi chốn cũ, chẳng có em nào bên cạnh thì không nhói nhói đau sao được ông, than chi! Công lực ông thế là thua ông thần này rồi, uống rượu mà còn có em yêu rót, sướng đời!

Luân Hoán

vẫn còn ta gã giang hồ khát rượu

ghé quán hồn em cạn chục chai chơi

rượu cháy cổ chưa say nên vẫn thấy

sân khấu đời đang thay lũ ma trơi

rượu cháy cổ chưa say nên vẫn thấy

ta tự do làm thi sĩ giữa đời

 

lũ mặt quỉ có làm đui vần điệu

trái tim này vẫn mãi mãi tơ vương

rượu hãy rót em yêu ơi hãy rót

rượu hãy rót em yêu ơi hãy rót!

(Vẫn còn ta)

Tiếp tục ông thần này, ổng cũng uống rượu một mình lúc cuối năm trên bờ kinh xứ lạ, nhớ về quê nhà. Thảm cho ông ta:

Đynh trầm Ca

Rượu cuối năm, lòng say mà chưa đã

Thêm một ly để cảm tạ đất này

Thêm một ly gởi tới những tầng mây

Để cuối kiếp ta trôi lên… thường trú!

Rượu cuối năm, gió lọt lòng ly

Vọng tiếng hú ma Hời thương quê cũ

Đêm viễn xứ vang vang pháo nổ

Giao thừa giao thừa hề ta lăn quay

Rượu hết rồi làm sao chết giữa cơn say!

(Rượu Cuối Năm Bên Bờ Kinh Phương Nam)

Thi nhân than: “Rượu hết rồi làm sao chết giữa cơn say!” nghĩa là ông vẫn chưa say dù rượu đã hết, vẫn còn tỉnh để đối diện với nỗi cô đơn, thương nhớ quê nhà trong ngày cuối năm.

A! Ông nầy uống rượu với các bạn hiền chứ không phải uống một mình. Nhưng mà sao hình như cũng buồn!

Nguyễn Duy Khoái

Chén rượu này ta uống để cho nhau

Dẫu rằng rượu có đắng niềm đau

Xin đừng khóc, xin đừng cúi mặt

Ngồi thẳng ngay, vững chãi, ngẩng đầu

 

Uống rượu không say? Ừ, nào hay

Hay thì hay thật cố đừng say

Khi say thôi chớ làm ra tỉnh

Dối chi đời một chút men cay!

(Uống rượu quán cóc)

Có vấn nạn ở đây:

—  Ổng nói “Uống rượu không say? nào hay” rồi lại khuyên người ta “cố đừng say”. Tại sao trước sau bất nhất (không như một) vậy? Để sau này gặp ổng tui hỏi cho ra lẽ? Hay không chừng ông xỉn rồi?

Buồn quá phải không các bạn? Thôi để cho vui, tôi “tự sướng” bài thơ âm hưởng cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu chơi.

Khoan khoan ngồi đó chớ đi

Bạn bè tri kỷ mấy khi sum vầy

Bà đâu ta bảo bà này

Chạy ra bờ ruộng lùa bầy vịt non

Ca-ri vịt, tiết canh ngon

Vài chai rượu rắn cho tròn đệ huynh

(Nguyên Lạc)

Sao vui lại chưa? Cười chút đi nào!

RƯỢU HỒNG ĐÀO

Qua trên, các bạn thấy “gụ”(rượu) tuyệt vời như vậy đó; không có nó, chúng ta sẽ không thể nào “trụ” được với cõi đời này. Đó là chân lý “không thể nào chối cãi được”. Buồn: uống; vui: uống; thành công: uống; thất bại: uống; được tình: uống;  thất tình: uống; chia lìa: uống; xum hợp: uống; quan hôn tang tế đều uống tất…Dzô! dzô!…

Ông Thần Men xuất hiện khắp nơi, không cần ta đọc “thần chú”, chỉ cần nâng cái ly lên là ổng hiện ra ngay không như ông Thần Đèn trong “Nghìn lẻ một đêm”. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu!

Đôi khi ông còn vượt qua cả ông trời đó nghe. Này:

Gió lay động nhánh mù u

Vặt lông mổ bụng con cu chiên giòn

Cua rang muối, chả một đòn

Nếp than vài hũ …  trời còn thua ta!

(Nguyên Lạc)

Thấy chưa, ông trời còn thua.

*

Như đã nói trên, quan hôn tang tế không thể nào không có rượu. Nhất là ngày “loan phụng hòa minh” và đêm “động phòng hoa chúc”

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm,

Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say…

Với tục lệ Việt Nam cổ truyền thì lễ động phòng cần có: chỉ đỏ hoặc chỉ ngũ sắc gọi là dây tơ hồng, đĩa muối với dăm lát gừng tươi, chai rượu Hồng Đào đính kèm một chiếc chung. Chú rể buộc tơ hồng vào cổ tay nàng dâu và ngược lại. Rót đầy chung rượu, chàng uống nửa, nàng uống nửa. Xong, cùng lấy gừng chấm muối mà nhai, đôi lứa vừa hít hà, vừa dìu dặt ngâm nga:

Tay bưng đĩa muối chấm gừng,

Tình nồng nghĩa mặn xin đừng bỏ nhau (ca dao)

(Theo Phanxipăng)

Tui xin “xía” vào đây một chút:

— Chỉ có uống rượu Hồng Đào và ăn gừng chấm muối thôi sao? Chưa đủ, có thể bỏ nhau đấy! Cần thêm nữa đấy nhé!

Rượu này rượu nghĩa rượu tình

Đôi ta cùng  uống… rồi chúng mình “múa lân”

(Nguyên Lạc)

Sau đó tình chắc sẽ thắm thiết thêm, và những ngày sau toàn là những ngày đầy “huê mộng”:

Muối ba năm muối đang còn mặn

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Đôi ta tình nặng nghĩa dày

Dù có xa nhau đi nữa cũng… ba vạn chín nghìn ngày mới xa.

(ca dao)

Thấy chưa! ba vạn chín nghìn ngày là trăm năm chứ còn gì nữa? Trăm năm hạnh phúc phải không? Tình vợ chồng duyên nồng thắm tiếp tục thăng hoa :

Rượu này rượu nghĩa rượu tình

Vài chai rượu rắn cho trọn tình đôi ta

Tôm càng cùng với thịt gà

Tôm thì em nướng, gà thì xé phay

Chàng ơi chàng hãy lai rai

Phòng trong em đợi …”thượng đài” cùng em

Lời đường mật nghe phát thèm

Rượu ngon thịt béo (đã hết)…tòm tem thời tòm! *

(Nguyên Lạc)

…….

* Đang cơn lửa tắt, cơm sôi

Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem

Bây giờ lửa đã cháy lên

Lợn no, con nín, tòm tem thời tòm (ca dao)

Hạnh phúc quá phải không các bạn! Bravo rượu! Rượu là liều thuốc vạn năng!

@. Giai thoại về rượu Hồng Đào

Phần trên, Nguyên Lạc tui có đề cập tới rượu Hồng Đào, chắc các bạn cũng hơi thắc mắc? Để biết chơi giai thoại về cội nguồn rượu này, tui xin mời ông sư phụ tui Laiquangnam Lai hầu chuyện cùng quý bạn.

— Dạ kính sư phụ ly XO, xin ngài thưởng thức rồi cho vài lời vàng tiếng ngọc.

— Khà! hảo tửu! Nhà người cần biết điều chi?

— Về giai thoại rượu Hồng Đào ấy mà!

— Vậy hả, nghe đây:

[ Truyện rằng: Nhớ xưa khi Hoàng thế tử Nguyên Phúc Lan đang cai quản Đất Thuận Quẳng, Ngài đến thăm Ông giáo họ Đoà . Ngài Nguyễn Phúc Lan lấy vò rượu nho do các cha cố Bồ đào Nha tặng khi thuyền họ cặp cảng Hội an. Thế tử giới thiệu rằng đó là Rượu Bồ đào mỹ tửu.

Uống lưng chừng rượu, ông giáo họ Đoàn cho gọi con gái cưng của mình là Đoàn Đông Yên, xứ dệt lụa trồng dâu, trắng da dài tóc dâng rượu. Nàng trinh nữ họ Đoàn vâng lời cha mang lên một cái tỉn sành. Nàng mở khằn, mùi thơm ngào ngạt. Lặng người, Hoàng thế tử quan sát người đẹp Đông Yên dọn bàn nhắm. Chỉ là gà xé phay trộn rau răm, cạnh là đĩa nhộng rang nước mắm nhĩ pha đường, điểm vài lát gừng lát ớt sắp quanh miệng đĩa. Rượu hồng nhạt rót vào hai chung cho người đi ẩm. Ông giáo họ Đoàn đưa tay mời thế tử.

Rượu ngon. Tay người đẹp rót. Khiến Ngài nhớ câu thơ Lý Bạch trong bài Khách Trung tác: “Ví mà chuốc rượu mềm môi / Quê đâu chớ hỏi ? Đây nơi quê nhà”.

Tủm tỉm cười, Thế tử nói, quả là rượu hồng này uống ngon hơn thứ rượu Bồ đào nhạt nhẽo kia. Cả cười, Ông giáo họ Đoàn từ tốn nói:

— Quê tôi, dòng họ Đoàn quê mùa chúng tôi quan niệm con nào cũng là con. Bọn trẻ được thương yêu như nhau.

Thế tử lặng thinh lắng nghe.

— Rằng dòng họ Đoàn ngay khi người vợ vừa cấn thai, người chồng ra trước nhà hái những trái đợt dâu chín đỏ. Cứ lớp trái dâu tằm đủ dày là một lớp đường. Xong đem chôn trước cây dâu lớn trước nhà.

Sau khi vợ khai hoa (sinh con), người chồng đào rượu lên, chia làm hai phần đều nhau: Một phần cho bà vợ mới sinh uống để mong nàng ăn ngon miệng. Phần còn lại, nếu người vợ sinh con trai thì rượu được uống ngay cùng với những bậc trưởng thượng để mừng. Nếu nàng sinh con gái thì người chồng lặng lẽ khằn kín rượu lại và chôn ngay gốc dâu như cũ. Lần này cạnh nó là cuống nhau của bé.

Thế tử dừng rượu lắng nghe. Ông giáo tiếp:

— Khi người con gái mình trưởng thành, tới ngày lấy chồng, thì người cha ra gốc dâu đào hũ rượu vốn chỉ còn một nửa ấy lên làm rượu tân hôn. Ngày cưới của con gái, ông rót mời chàng rễ, có cô con gái và mẹ cô bé cùng chứng kiến. Ông nâng ly và nói với chàng rễ:- Hôm nay Cha đem con gái giao cho anh (chàng rể), cũng chính là giao cả trách nhiệm, để anh phải thương yêu, chăm sóc, chia sẻ mọi điều với con gái cha”. Quay sang con gái, ông nói:- Hôm nay cha rất vui và nâng ly uống cạn chung rượu này. Hôm nay ta thật sự an lòng khi thấy con hạnh phúc .

Thế tử nghe xong bao nhiêu cảm giác mừng vui và niềm tin dâng trào trong ông do ở con người sống tại địa bàn mà thế tử cai quản .

Ông mang câu chuyện cách dạy con và lòng Cha của người Đông Yên, Duy Xuyên, Quảng Nam kể lại với Hoàng Tộc. Họ nghĩ và tin rằng, với lối suy nghĩ như vậy, giòng họ Nguyễn sẽ bền vững tại phương Nam. Ông giáo họ Đoàn về sau trở thành sui gia với cha thế tử Nguyên Phúc Lan.

Đúng như họ suy nghĩ, từ khi người con gái Đoàn Đông Yên sinh cho đứa con trai, sẽ là vị chúa dũng mãnh nhất trong chín đời Chúa Nguyễn, giòng họ Nguyễn bền vững tại phương Nam. Quảng Nam xứ Đàng Trong có từ đó. Con trai của bà Đoàn Đông Yên là Nguyễn Phúc Tần, tức chúa Hiền Vương.

Rượu Hồng Đào Quảng Nam từ cội nguồn này mà ra ](Laiquangnam Lai)

Giai thoại lý thú quá phải không các bạn. Tui còn nhiều giai thoại rất lý thú của VN, sẽ kể hầu các bạn trong những bài khác.

LỜI KẾT

Rượu cần phải có “Mồi” để đưa cay, vì cặp Rượu/ Mồi “không bao giờ ngăn cách đâu em”, nhờ nó ta mới dễ “phê”. Lúc đó mới dễ “đưa em vào mộng”, mới cười (và khóc nữa) thoải mái, mới dễ làm ta hứng chí đi tìm đến cái Tình, phải không?

Mồi là đám mây (vân cẩu) nhờ đó ông Thần Men mới có phương tiện đằng vân, ngao du năm châu bốn bể, hú gọi Tề Thiên quậy phá Thiên Đình, rượt ông Ngọc Hoàng chạy sốt vó. Này nhé:

Đất say đất cũng lăn quay,

Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười?

( Tản Đà)

Và xâm nhập Động Đào, “thọt lét” Thần Bà (Thần Tình Yêu: Venus) khúc khích hân hoan:

Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm,

Một lạch Đào nguyên nước chửa thông

(Hồ Xuân Hương)

Tui sẽ “lậm bàn” thêm về Mồi, rồi đến chữ Tình thân thiết mến yêu qua những bài sau.

Trước khi ngưng bài loạn bút này, tui xin chiêu đãi thêm cho các bạn một chuyện thọt lét đầy “ấn tượng”.

 

“Trên diễn đàn, giáo sư thuyết trình về tác hại của rượu:

—  Các anh nên nhớ, rượu là nguyên nhân dẫn đến sự chia lìa của biết bao nhiêu cặp vợ chồng.

 Một thanh niên đứng lên hỏi:

— Xin lỗi giáo sư! Xin giáo sư cho biết cần phải uống bao nhiêu rượu đủ để có thể có được sự chia lìa này ạ?”

(Phiếm-Song Thao}

Bao nhiêu là đủ? Bao nhiêu là ngà ngà? (Thứ nhất là rượu ngà ngà / Thứ nhì là lúc từ xa mới về!) Ông bạn Vũ Thế Thành viết trên trang Blog của ông:

“Uống rượu điều độ, uống chút chút mới có lợi, các nhà khoa học khuyên thế. OK, chút chút là bao nhiêu? Cái này thì khoa học bất đồng, người nói 50 ml, người bảo 70 ml. Nhưng dựa trên cơ sở nào để tính toán ra 50 hay 70? Mấy ổng nín khe.

Các nhà khoa học (rất tử tế) ở Mayo Clinic, một cơ sở phi lợi nhuận nghiên cứu và điều trị nổi tiếng ở Mỹ, đưa ra con số 148 ml, cỡ 2/3 xị (quy đổi hơi ăn gian tí). Đó là con số lớn nhất mà tôi lục lọi được. Cái đầu của các nhà khoa học thường rất hà tiện, không thể kì kèo thêm được nữa. Mà thú thiệt, tôi cũng không biết Mayo Clinic tính toán thế nào lại ra con số đó.

Đây là đang nói về rượu vang, 13 – 14 độ cồn, chứ không phải rượu đế, Mao Đài, Vodka, Chivas,.. đâu nghe mấy ông thần!

Sau cùng, tôi muốn dẫn lời của David Crabb, giáo sư đại học Y khoa Indiana (Indianapolis), rượu vang đỏ chỉ tốt cho những người cao tuổi, có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao. Còn thanh niên, rượu có thể làm họ bị đụng xe trước khi bị…tim mạch. Các bạn trẻ nên lưu ý điều này”. (Vũ Thế Thành)(4)

Rượu ngon, không hẳn chỉ vì hương vị. Rượu ngon trọn vẹn khi uống cùng với người thân, người mình yêu mến và ở một nơi phù hợp. Đừng ồn ào, hãy uống thật chậm để TÌNH rượu thấm đẫm vào hồn, làm ta say dịu dàng, êm ái!

Nguyên Lạc                                     

……………………..

Ghi chú:

(1)Tương Tiến Tửu: http://chimviet.free.fr/vanco/laiquangnam/lqnt261_tuongtientuu.htm

(2) Đối tửu:  http://chimviet.free.fr/vanhoc/laiquangnam/lqnt063.htm

(3) Cao Bá Quát:  http://chimviet.free.fr/vanhoc/laiquangnam/lqnt057.htm

(4) Vũ Thế Thành:  https://thanggianhome.wordpress.com/category/thang-gia-nho-me/

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search