T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hương Thủy: NHỮNG ĐỒNG TIỀN MỪNG TUỔI

Đồi 4648 Đà Lạt – Tranh: Thanh Châu

                                  (Kính viếng hương hồn Trung Tá Nguyễn Văn Bình, khóa 19 Võ Bị – Chết ở trại Tiên Lãnh, Quảng Nam năm 1978.)     

Mi lên 7 tuổi. Hiền ngoan và xinh xắn như một con búp bê. Ba thường bảo mẹ: “Đôi mắt Mi là của em, cái mũi là của anh”. Mẹ cười: “Không, cu Ti mới thực sự là bản sao của anh. Lì như bố nó”. Ba trêu: “Không lì sao cưới được em”.

Ba là Thiếu tá tiểu đoàn trưởng đóng quân ở căn cứ Nancy, Bộ chỉ huy hành quân của Trung đoàn 1 Bộ binh thuộc Sư Đoàn I. Có lần Mi đã được ba đưa lên chơi. Đó là một quả đồi cao, chung quanh được vây bằng bao cát và kẽm gai, những khẩu đại bác chỉa nòng lên bầu trời. Phía dưới là thung lũng đầy hoa sim tím, xa xa dòng sông Ô Lâu xanh ngắt lặng lờ.

Mẹ Mi dạy ở trường Tiểu học thị xã Quảng Trị. Nghe nói ba mẹ Mi yêu nhau từ thuở trung học. Tốt nghiệp Sư phạm Quy Nhơn, mẹ quyết định theo ba ra vùng địa đầu giới tuyến, mặc kệ lời ngăn cản của ông bà ngoại.

Những điều đó Mi nghe loáng thoáng qua câu chuyện của các bác các chú trong những cuộc rượu cuối tuần: bác Điềm trung đoàn trưởng, bác Thông pháo binh, chú Bình đàn em Võ bị “già đầu mà chưa chịu lấy vợ” như ba cằn nhằn…

Mi chưa lớn để hiểu được mọi thứ nhưng Mi biết mình đang hạnh phúc trong vòng tay thương yêu của ba mẹ. Em Ti mới 2 tuổi nên Mi là cái đuôi của ba. Sau những tuần trực chiến, những cuộc hành quân, ba trở về trong bộ áo quần treillis lấm bụi. Chiếc Jeep vừa ngừng, ba đã nhảy xuống, chạy vào nhà ôm chầm lấy mẹ, miệng hát to “Em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến…”. Quen miệng, mỗi khi chơi đồ hàng Mi cũng nghêu ngao “Em hậu phương…”. Mẹ cằn nhằn “Đúng là con nhà lính. Còn nhỏ xíu, biết gì mà em, anh”.

Rồi ba tắm rửa sạch sẽ, thay đồ dân sự chở cả nhà ra phố. Phố thị xã đơn sơ nhưng thơ mộng và dịu dàng. Cuối cùng, bao giờ cũng là cái quán nhỏ xinh xắn ở đường Gia Long nằm dọc bờ sông. Ba uống bia, mẹ và Mi ăn lục tào xá, em Ti nằm trong lòng mẹ, tay nghịch cái chong chóng.

Mùa Xuân ở Quảng Trị mưa bay bay. Lạnh khủng khiếp. Mẹ phải bỏ một cái lò than sưởi ấm giữa nhà. Chị giúp việc phụ mẹ làm bánh mứt, đồ nhậu. Và thật sung sướng khi tết đến. Mi được nghỉ học, được ăn nhiều thứ bánh mà không bị mẹ la và thích nhất là được nhận những đồng tiền mừng tuổi của các bác các chú.

Trong kí ức của Mi, người xông đất đầu tiên bao giờ cũng là chú Bình. Chú cao gần bằng cái cửa lớn nhà Mi, mắt sáng mặt vuông. Chú bế xốc Mi bằng hai cánh tay mạnh mẽ, hôn chùn chụt vào đôi má phúng phính rồi rút cái phong bao màu đỏ ra, miệng la to “Của hồi môn của cháu tôi đây!”.

Ngày đầu năm, ba hay uống rượu với chú Bình nhắc lại thời xưa ở Đà Lạt, nhất là những kỉ niệm thời Tân khóa sinh với tám tuần huấn nhục. Cái gì mà đi vịt, nhúng giấm, xào lăn…Rồi hai người cười thích thú. Mi ngồi lọt thỏm trong lòng chú, đưa bàn tay mân mê những sợi râu lởm chởm. Chú Bình nói: “Em mừng cho hạnh phúc của niên trưởng. Hai đứa nhỏ đáng yêu quá!”. Mẹ bảo: “Chú lấy vợ đi. Cô Tường Vy vừa xinh vừa hiền, chú còn mong gì nữa”. Chú Bình nhìn xa xăm: “Chính vì Vy đẹp mà em ngại. Em sợ “Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi”…

Rồi sau đó là đám đông bạn bè mà ba gọi là “các chiến hữu”. Vợ chồng bác Toàn, vợ chồng bác Khuê, cô chú Đàm…Bàn tiệc được dọn ra. Ai cũng nói cười rôm rả. Riêng Mi chạy tọt vào phòng đóng kín cửa, ngồi soạn những đồng tiền mới.

Ôi, những đồng tiền mừng tuổi đẹp làm sao! Mới cứng, tinh tươm và sạch sẽ. Mi thường đưa lên mũi hít hà mùi thơm của nó. Tờ năm đồng có cô gái gánh dừa, tờ mười đồng màu đỏ có cái máy cày to bự, tờ năm chục màu xanh với hình ông tướng oai phong – mẹ bảo đó là ông Trần Hưng Đạo.

Mi chưa biết tiêu tiền. Những đồng tiền mới được sắp xếp theo thứ tự lớn nhỏ bỏ vào phong bì rồi đem gởi mẹ. Mẹ bảo cứ để dành đấy. Vài năm nữa được nhiều nhiều bỏ vào ngân hàng cho Mi làm vốn.

Nhưng rồi ba ít về nhà hơn kể cả những buổi cuối tuần. Mẹ bảo với cô Tường Vy: “Chiến sự ngày càng khốc liệt ”. Mi nghe nhưng không hiểu gì, chỉ thấy nhớ ba. Chú Bình thỉnh thoảng tạt qua “Em đưa tiểu đoàn vào căn cứ La Sơn. Anh đang ở Động Ông Đô. Phía ấy cũng ác liệt lắm”. Mẹ thở dài.

Một buổi trưa Mi đang ngủ thì bừng tỉnh dậy bởi những cái hôn tới tấp. Ba về. Tóc ba dài che phủ gáy, mặt mày đen nhẻm. Mẹ tíu tít chuẩn bị đi chợ nhưng ba chỉ tạt qua nhà non tiếng. Ba không cạo râu, tắm rửa, lái xe Jeep đưa mẹ con Mi đi phố. Ba bảo mẹ: “ Anh phải đưa tiểu đoàn lên căn cứ Lolo yểm trợ trung đoàn trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 ”. Mẹ nhét vội vào ba lô hai hộp thịt chà bông và cây thuốc Pallmall. Ba nựng em Ti, thơm lên má Mi và ôm hôn mẹ trơ trất. Mẹ đỏ mặt xấu hổ đẩy nhẹ ba ra trước nụ cười tủm tỉm của chú tài xế.

Mi không nhớ lắm những gì đã xảy ra sau đó. Nó như một thế giới lãng đãng sương mù trong đầu óc cô bé 7 tuổi. Chiếc quan tài phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ, ảnh ba đặt lên, những ngọn nến trắng… Mẹ ngã quỵ trong vòng tay của cô Tường Vy, Mi ngơ ngác và em Ti sợ hãi khóc thét. Chú Bình hai mắt đỏ chạch khô khốc. Chú ôm Mi “Tội nghiệp cháu tôi!”. Bác Điềm gắn bông mai bạc và cái huy chương anh dũng bội tinh có nhành dương liễu lên ảnh ba. Mấy phát súng tiễn biệt. Quan tài mang theo ba vào lòng đất…

Từ đó căn nhà của Mi vắng lặng hẳn đi. Mẹ vẫn đến trường nhưng không còn những cái áo dài hoa lá, không còn mùi hương Chanel số 5 quý phái quen thuộc. Mẹ mặc áo dài đen, dải khăn sô chít ngang đầu đi về lặng lẽ. Những đêm bất chợt tỉnh giấc, Mi thấy nước mắt mẹ đẫm ướt tóc mình. Mẹ bắt đầu có những cơn ho về sáng. Bà ngoại muốn đón mấy mẹ con về Huế nhưng mẹ lắc đầu. Mẹ muốn ở gần ba dù chỉ là nấm mộ đã phủ cỏ xanh. Bà ngoại chì chiết: “ Đã bảo mà. Cá không ăn muối cá ươn!…”

                             *

Mùa Xuân này Mi lên 9 tuổi. Năm nay Mi không có áo mới, mẹ cũng không còn cái hớn hở thời ba còn sống. Nhà Mi không sắm sửa gì. Ngày mồng một, ba mẹ con lên La Vang vào Nghĩa trang quân đội thăm mộ ba rồi trở về nhà. Mẹ dặn “Nhà có tang không được đi đâu”. Mẹ vào buồng nằm vì mệt, Mi và Ti chơi lủi thủi trong phòng khách. Trên bàn thờ , ba nhìn hai chị em trong mùi hương trầm thơm ngát.

Trước Tết chú Bình cho tài xế chở ra nhà Mi một bao gạo. Chú không quên cái phong bì đỏ mừng tuổi cho Mi. Lại là những tờ bạc mới sắc cạnh, thơm phức. Chú về Trung đoàn 54 đang đóng ở căn cứ Bastogne phía Tây Nam thành phố Huế. Năm nay chú ăn Tết tại tiền đồn. Chú viết cho Mi những dòng chữ to để Mi dễ đọc. Mi chơi chán những tờ bạc mới lại đem gởi mẹ. Chắc tiền của Mi đã được nhiều lắm rồi.

Tiếng chuông cửa reo. Mi nhìn ra. A, Bác Bôn gái và các anh chị Bi, Bin, Ben, Bơ. Trước đây khi Mi học vần b, ba hay lấy nhà bác Bôn ra làm ví dụ. Ba Mi mất, Bác Bôn đảm nhận chức vụ tiểu đoàn trưởng.

Có các bạn, Mi vui hẳn lên. Chị Bi cho Mi một con chuồn chuồn xếp bằng giấy màu, anh Bin làm trò cho em Ti cười khanh khách. Đến lúc gần ra về, bác Bôn gái kéo hai chị em lại mừng tuổi. Bác mừng cho Mi bốn tờ giấy bạc mười đồng mới cáu cạnh, em Ti cũng được hai tờ. Em cầm lên rồi lại ném xuống. Đúng là đồ ngốc. Mi thầm nghĩ.

Đến lượt mẹ mừng tuổi lại các anh chị. Bốn con bác Bôn sắp hàng theo thứ tự nhỏ trước lớn sau. Mẹ tươi cười chúc tuổi và cầm ví. Mẹ lấy cái phong bì của chú Bình gởi cho Mi mở ra và lần lượt phát: chị Bi bốn tờ, anh Bin bốn tờ, anh Ben bốn tờ, anh Bơ bốn tờ…Xấp tiền gần như hết.

Mắt Mi ngân ngấn nước. Tiền của chú Bình cho Mi mà. Sao mẹ lại lấy của Mi. Miệng Mi méo xệch. Mẹ tránh ánh mắt của Mi. Mi chạy vào phòng, mở tủ tìm những cái phong bì đỏ của những mùa Xuân trước mẹ để dành cho Mi bỏ ngân hàng. Xấp phong bì còn đó nhưng bên trong trống rỗng.

Mẹ đã tiễn khách ra về. Bây giờ thì Mi khóc tức tưởi, nức nở. Mi mếu máo “Tiền của Mi mà. Bắt đền mẹ. Bắt đền mẹ…”. Mẹ ngồi bên mép giường nhìn Mi và hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy xuống gò má xanh. Một cơn ho kéo đến. Mẹ gập người thở dốc. Mẹ thì thào “Mẹ xin lỗi con…Mai mốt lớn con hiểu cho mẹ…”

Thấy mẹ khóc Mi không đành lòng. Mi hiểu rồi. Không có ba, nhà Mi không còn như xưa. Mi bá vai mẹ “Mi cho mẹ. Con cho mẹ. Mi không cần tiền nữa. Mẹ đừng làm Mi sợ.” Mẹ ôm Mi và Ti vào lòng, nhìn lên tấm ảnh ba trong bộ đại lễ màu trắng chụp ở Vũ Đình Trường Lê Lợi ngày mãn khóa, mẹ nghẹn ngào kêu “Anh ơi!”.

                                                            *

Bệnh viện. Mẹ nằm trên chiếc giường trải drap trắng. Mái tóc chảy dài trên gối. Những cơn ho tiếp tục dày vò mẹ. Cô Tường Vy chăm sóc hai chị em. Nhưng cô Vy không thay thế mẹ được. Mi chui vào một góc nhà. Cu Ti lè nhè “Mẹ âu? Mẹ âu?”

Từ căn cứ La Sơn, chú Bình phóng ra thị xã. Quốc lộ 1 đầy rẫy chông mìn mà chiếc Jeep cứ lao vùn vụt trong đêm tối. Tay cận vệ ngồi cạnh rợn người nhưng không dám hé môi, chỉ biết xiết chặt khẩu M16 chỉa nòng về phía trước.

Mẹ cầm tay chú khẩn khoản: “Chị có bề gì, chú lo cho hai cháu”. Chú Bình tằng hắng, nuốt nước bọt, hai con mắt đỏ chạch như ngày ba mất: “ Không sao đâu. Chị an tâm. Có em đây. Bao giờ em cũng là em của niên trưởng.”

Đêm bệnh viện yên ắng. Bóng đèn điện đỏ quạch chiếu xuống hành lang dài hun hút vắng lặng.Trên chiếc băng dài Mi ngồi trong lòng cô Tường Vy, chú Bình bế em Ti đứng cạnh. Lâu lắm, chú Bình nói: “ Vy thông cảm cho anh. Anh không thể…” Cô Tường Vy không nói gì. Mi nghe những giọt nước mắt rơi trên tóc mình.

*

                            Garden Grove 1995…

Người thanh niên tuấn tú lái chiếc Mercedes vào Parking rồi nhảy ba bước lên tầng cấp ngôi nhà sơn màu trắng. Trong căn phòng khách bài trí đơn giản nhưng trang trọng, một cô gái đang cắm cành mai lớn vào chiếc lục bình. Chàng trai reo lên:

Chị Mi kiếm đâu ra cành mai đẹp thế ?

Ở Little Saigon đó em. Hàng từ Việt Nam sang chuẩn bị cho Tết Âm lịch.

Chàng trai bâng khuâng:  –  Tết đến chị nhớ gì ở Việt Nam?

Chị nhớ đến những đồng tiền mừng tuổi của chú Bình…

Hai chị em yên lặng nhìn lên bàn thờ. Ba, mẹ, chú Bình đang mỉm cười nhìn xuống. Những nụ cười bất tử.

HƯƠNG THỦY

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search