T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 144)

clip_image002

Nụ cười chữ nghĩa

Đề thi:

Em hãy cho biết ý nghĩa câu thơ “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Bài làm lớp 11:

“Theo em nghĩ thì nếu hiểu suông thì câu này rất tối ưu là vô nghĩa vì sỏi đá thì khó có thể biến thành cơm được”

(Văn trẻ Việt ngày nay – Sài Gòn Nhỏ)

Giai thoại làng văn

Riêng có Vũ Trọng Phụng bấn nhất, là vì anh chưa có vợ để buôn bán giúp đỡ, mà bà nội và mẹ lại già, không thể kiếm ra tiền. Vì thế Vũ Trọng Phụng không mấy tán thành nếp sống của chúng tôi lúc đó; nhiều khi anh em đi hát hay chè rượu, phiện phò thì anh ngồi uống nước, hút thuốc lào một mình và viết bài cho báo khác để kiếm thêm giúp bà, nuôi mẹ.
Cuốn “Dứt tình” và “Giông tố” của Thiên Hư Vũ Trọng Phụng viết trong thời kỳ này. Bây giờ đọc hai cuốn truyện ấy, có nhiều người tưởng là anh viết một hơi; thực ra, Vũ Trọng Phụng không bao giờ có thời giờ để viết quá mười trang giấy. Cứ gần đến ngày phải nộp bài cho “Hà Nội Báo” – tiểu thuyết “Giông tố” bắt đầu viết từng kỳ trên báo này – Vũ Trọng Phụng lại ngồi ì ra một đống, hút thuốc lào và hỏi ầm lên có ai biết kỳ trước “Giông tố” đã viết đến đoạn nào rồi không. Chẳng ai trả lời cả, bởi vì chẳng có ai đọc “Giông tố” hết.
Vũ Trọng Phụng chán đời hết sức, đành phải đi tìm “Hà Nội Báo” để đọc xem mình đã viết đến câu gì, bấy giờ mới phủ phục xuống giường như con voi viết tiếp, mắt hiếng hẳn đi mà lưỡi thì lè ra như lưỡi con thằn lằn, có khi vừa viết vừa chửi thề sao mình lại khổ đến thế này, cứ phải viết mới có tiền sanh sống.

Bây giờ Phụng đã ra người thiên cổ, người ta thường kể lại một câu nói của anh:

“Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này”.

(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

Tiếng Việt dễ và…dễ thương

Hỏi:
Ah mà “mô tê” là cái quái gì….đôi khi chỉ biết sử dụng nhưng hổng hiểu chi ráo chọi.

Đáp :
– “Đi mô rứa?” nghĩa là đi đâu vậy? Hoặc giả như “Chỗ mô?” nghĩa là chỗ nào?
– “Ngó qua bên tê” nghĩa là nhìn qua bên kia.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Tục ngữ Ta và Tầu

Cáo chết ba năm quay đầu về núi

Thụ cao thiên trượng, diệp lạc quy căn

(Cây cao nghìn trượng, lá rụng về cội)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Từ điển với tiếng Việt

Trong cuốn Từ điển tiếng Việt của Văn Tân xuất bản tại Hà Nội, ta bắt gặp những chữ lạ tai, rất ngô nghê có nghĩa khác hẳn nghĩa thông thường mà người Việt đã dùng trước năm 54:

Logic: Hợp với luận lý.

Quá độ: Thời gian chuyển tiếp giữa hai thời kỳ.

Đường kính: Thứ đường ăn đã tinh chế thành tinh thể mầu trắng.

Lái xe: Người điều khiển tay lái cho xe ô tô chạy.

Công nghiệp: Dùng máy móc biến hóa nguyên liệu thành công cụ.

(Đặng Trần Huân – Chữ nghĩa bề bề)

Nhân văn

Ba tháng sau đảng phát động chính sách sửa sai. Lợi dụng thời cơ, văn nghệ sĩ cho ra đời Giai phẩm muà Thu, tập một ngày 29-8-1956 với bài “Phê bình Lãnh đạo văn nghệ” cuả Phan Khôi.

Tháng 9 1956, bán nguyệt san Nhân Văn số 1 ra đời và cuối tháng 10 năm 1956, ở đại học, các giáo sư Trương Tửu, Trần Đức Thảo huy động sinh viên cho ra tờ Đất Mới với Phùng Quán, Bùi Quang Đoài. Đất Mới ra được một số thì bị đình bản. Cuối tháng 11 năm 1956, đảng hạ lệnh đóng cửa tờ Nhân Văn và Nhân Văn số 6 bị tịch thu.

Tháng 10, Thường vụ Hội Văn nghệ ra thông cáo nhận sai lầm trong việc phê bình bài thơ “Nhất định thắng”. Hoàng Cầm cho tái bản Giai phẩm mùa Xuân trước bị thu hồi.

Sắc lệnh ngày 15-12-56 được ban hành cấm tự do báo chí trừ những báo của đảng, chấm dứt số phận những tờ Giai Phẩm, Nhân Văn, Đất Mới, Trăm Hoa (Nguyễn Bính).

(Thụy Khuê – Hồ sơ Nhân văn Giai phẩm)


Âm, thanh, ý, tình

Âm thanh muôn hình trạng tả hộ ta muôn tình ý âm thanh thuần túy. Mới lần đầu nghe những tiếng lừng khừng, mơn man, mon men, oặt oẹo, dẻo, mềm, cóng, toạc… cũng cảm thấy cái tình ý đại khái của những tiếng đó trước khi tìm hiểu rõ rệt ý nghĩa trong một quyển tự vị…
Thí dụ như âm ong: Ngoài ý nghĩa một giống côn trùng có cánh, ta còn nhận thấy tiếng đó gợi cho ta một hình dáng đặc biệt, hình dáng của cái gì không phẳng lì, không ép dẹp mà cong lên, tròn lên, phồng lên, như hình dáng miệng ta khi sửa soạn để phát âm đó ra. Ta thử nhắc lại vài lần: ong, ong… ta sẽ thấy hình như ta muốn gởi vào trong âm đó một cái ý niệm đặc biệt về hình dáng. Rồi ta ngâm lại những tiếng mà người ta thường dùng có âm đó, thường là tả một cái ý niệm hình dáng tương tự. Ví dụ: Cong: cái gì không thẳng, uốn thành hình tròn. Từ ý đó chuyển sang những ý: Còng, cóng, cỏng, võng, vòng, tròng, bòng, òng, ỏng
Mỗi phụ âm cũng đem một ý nghĩa đặc biệt đến khi hợp với một nguyên âm. Như phụ âm ph tả ý phập phồng (phảng phất, phơi phóng, phì phèo, phưỡn, phồng).

Phụ âm th tả được ý nhẹ nhàng, hời hợt (thoảng, thơ thẩn, thấp thoáng, thất thểu…),

Phụ âm x tả được ý cọ xát, hay khô khan (xiết, xơ xác, xoa…).

Mỗi thanh vốn cũng có một tình tứ riêng. Thanh a nhẹ nhàng, trong trẻo nhất, nên tả được những ý tứ mong manh, nhiều khi không có màu sắc gì rõ rệt. Ví dụ: cong, xoa, êm, vương.

Thanh à âm thầm, tưng bừng thâm trầm, tả được những tứ dồi dào hơn. Ví dụ: còng, xòa, mềm, phồng, bừng, chìm.

Thanh á cứng cáp, mạnh mẽ, thẳng thắn, tả được những dáng chắc chắn, những cử chỉ hăng hái, quả quyết. Ví dụ: cóng, xóa, cứng, đứng, bắn, vướng

Thanh uyển chuyển từ thấp lên cao như một dáng hoạt động mà mềm dẻo, một cử động không muốn ngừng dở dang chưa đến chỗ cùng. Ví dụ: ngả (xiêu xiêu dần), ửng (đỏ dần dần), bổng, bảng lảng, thủ thỉ

Thanh tả được cái ý nặng nề, nghẹn ngào, im lặng. Ví dụ: nặng, nghẹn, chẹn, thẹn, ngượng, lặng, cựa quậy…

Thanh ã tả được cái ý sững sờ, cái cử động đứng, ngắn ngủi vụn vặt và cũng cả cái ý trơ trẽn. Ví dụ: đổ, ngã, vỡ, lững thững…
(Đoàn Phú Tứ – Tạp chí Thanh Nghị)

Tiếng Việt vừa khó vừa không dễ

Hỏi : Mình thấy câu tục ngữ “bút sa gà chết” rất hay. Ý nó muốn nói đến việc phải suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra một quyết định nào đó. Nhưng tại sao lại là gà “chết“? Sao không phải là heo chết, bò chết hay khỉ chết? Chó chết nghe có vẻ thích hợp hơn. Bạn nào biết giải nghe coi, cám ơn.
Đáp : Hỏi lại bạn, bạn thích câu tục ngữ nào nhất trong các câu tục ngữ sau đây:
– Bút sa khỉ chết
– Bút sa lợn chết
– Bút sa gà chết
– Bút sa bò chết
– Bút sa chó chết

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Tiếng nói và giọng nói

Trong ngôn ngữ dân gian, hiện tượng biến âm thường xẩy ra như một sự kiện ngẫu nhiên.

Trong cách nói “chu choa ơi”, hay “chu mẹt ơi” thì “choa” có lẽ là chữ cha“mẹt” có thể là chữ mẹ bị đọc trại đi.

(Nguyễn Đức Tuấn – Đặc san Phù Sa Sông Cửu)

Thang tuổi…

Hỏi: Cháu nghe nói hình như có “một cái thang tuổi” cho người đàn ông phải không?

Đáp: Đúng, cái thang tuổi như sau:

Tam thập nhi lập: tuổi 30 là tuổi xây dựng cuộc đời.

Ngũ thập tri thiên mệnh: đến 50 tuổi là biết mệnh trời là thành công hay thất bại. (Sau tuổi này thì khó làm lại sự nghiệp).

Đáo tuế: trước kia, theo người Á đông thì người già đa số chết ở tuổi 60. (Vậy có thể hiểu đáo tuế là đến tuổi chết).

Ngữ pháp tiếng Việt

Khác với ngoại ngữ Tây phương, để gọn và tránh trùng điệp cho mệnh đề phụ theo sau, phụ từ chỉ thì quá khứ “đã” có thể bỏ luôn vì lẽ “ý tưởng thời gian quá khứ” đã cô đọng ở ở túc từ “hôm qua”:

Tôi đánh mất cái bút anh cho tôi hôm qua rồi.

Thay vì: “Tôi đã dánh mất cái bút anh đã cho tôi hôm qua.

Và người Tây phương nói: “Ta về ta tắm ao của ta.

Thì người Việt nói gọn hơn: “Ta về ta tắm ao ta”.

(Đỗ Quang Vinh – Tiếng Việt tuyệt vời)

Ca dao

Ca dao là thơ, được gạn lọc từ thời này qua thời khác do những thi sĩ khuyết danh. Cách gieo vần hạ chữ tài tình, giầu âm thanh mộc mạc, gợi cảm. Tưởng như vô tình nhưng khó có thể thay thế câu, chữ được:
Đương khi lửa tắt cơm sôi

Lợn kêu con khóc, chồng đòi tòm tem

Bây giờ con đã ngủ yên

Lợn no cơm chín, tòm tem thì tòm

Chữ “tòm” nghe ngắn gọn chấm dứt bốn câu lục bát.

Một chữ rất “đắt”. Rất “nhất tự thiên kim”. Tòm là một lời giục giã, dí dỏm, khó tìm được chữ nào gợi thanh, gợi hình nào hơn.

(Diệu Tần – báo Xây Dựng”

Chữ nghĩa văn hóa ẩm thực

Rất nhiều bài viết về phở viết: “ hành trần, tái trần “

Tuy nhiên, thật ra là: “ hành chần, tái chần “.

Vì theo Tự Điển Khai Trí Tiến Đức thì “chần” (và trụng) có nghĩa là luộc sơ bằng nước sôi.

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search