T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: Lữ Kiều, chàng nho sinh…

clip_image002

Lữ Kiều qua nét vẽ Đinh Cường

Viết về Lữ Kiều. Khó quá. Khó không phải trong tay tôi hiện giờ chỉ có hai tập sách anh đề tặng, mà bởi văn xuôi của anh như thơ, truyện của anh không là truyện. Những dòng chữ đẩy đưa như câu hò mái nhì, mái đẩy trôi trên sông Hương, như một họa khúc nhỏ nối tiếp những gam màu bất tận. Lữ Kiều có cái cốt cách bay bổng, lãng mạn bởi anh vừa là nhà thơ, nhà văn, lại vừa viết kịch, vẽ tranh. Và ở lãnh vực nào anh cũng đem đến cho người đọc chút ngạc nhiên từ sự khám phá của anh về sự vật, hình thể và ngay cả tâm trạng nữa!

Văn của Lữ Kiều là loại văn chương quý phái của các công tằng tôn nữ trong cung đình hoàng triều, của những tà áo dài màu tím bay bay trên vai cầu Tràng Tiền, như dòng nước biếc xanh, lặng lờ trên dòng sông ngan ngát mùi hương trong tâm thức mọi người. Lại nữa, có khi đọc hết một đoạn văn, tôi lại có cảm tưởng như đang lắng nghe từng giọt nước rơi từ mái tranh, như đang nhìn ngắm những giọt sương đọng trên lá lấp lánh trong ánh nắng sớm.

Vâng. Khó. Thật khó. Tôi loay hoay đọc đi đọc lại hai tập Trên đồi là lô cốtChàng nho sinh dưới gốc tùng nhiều lần, nhưng không sao đặt bút viết cho xuôi từ hai tác phẩm trên, với lối hành văn tự sự nhuốm chút lãng mạn riêng tư của tùy bút.

Anh sinh trưởng ở Huế rồi xa Huế. Xa chốn thân yêu để luôn nhớ về. Đó là những kỷ niệm đầu đời của chàng trai trẻ. Những kỷ niệm ấy là những dấu ấn không dễ gì phai mờ trong tâm trí của họ, những người gốc Huế “lang thang”.

Đó là một thành phố đẹp, êm đềm, là nơi còn giữ được cốt cách quý phái, khác với sự xô bồ của Đà Nẵng, khô khốc của Quảng Trị. Và có phải chính miền đất đẹp đã tạo ra những con người đẹp đến thế không?

Dưới mắt Lữ Kiều, đến những cái nhỏ nhất, ít được nhiều người chú ý nhất lại là nơi đẹp nhất đối với riêng anh. Chỉ một ngọn đồi nhỏ, không cao, chỉ có vài viên đá lởm chởm, nhưng từ đó nhìn xuôi, anh như ôm cả thành phố thơ mộng vào lòng: “Góc phố đó, cửa hàng đó, vẻ bày biện đó và những khuôn mặt đó. Huế có một bề ngoài nhàn nhã” (Trên Đồi Là Lô Cốt, trg 10). Cái lô cốt nhỏ kia có gì để đáng lưu tâm, nếu Tôi không gặp O trong một khoảnh khắc tình cờ, nếu Tôi và O không sóng đôi lên ngọn đồi “không cao lắm” kia, nếu Tôi và O không dừng trên vai cầu Bạch Hổ để Tôi đón nhận câu nói cuối cùng của O trước khi Tôi xa Huế: “Cầu bấy giờ vắng. Tự nhiên O quay sang nhìn tôi và khẽ nói với tôi rằng tôi đi, O sẽ buồn và nhớ. Nói xong O cười e thẹn và giục tôi đạp xe về” (SĐD, trg 14).

Trên đời, sống là biết nhận và biết cho. Lữ Kiều đã đón nhận những khói sương một thuở nhưng chưa kịp trao lại, thì “Một khoảng trống trước mặt. Và thành phố cũng bắt đầu tuột khỏi vòng tay. Lần đầu , tôi mang cảm tưởng hai dãy phố đứng dậy đuổi tôi ra khỏi ngõ” (sđd, trg 16). Cái khoảng trống ấy được anh giải thích, không đến nỗi quá bất ngờ: “Phải, đáng lẽ tôi phải kể cho O nghe, chuyện về cái lô cốt trên ngọn đồi phía tây thành phố. Cũng như đáng lẽ tôi phải hiểu là tôi yêu O, yêu O từ lâu rồi” (sđd, trg 18).

Những mối tình khói sương thuở đầu đời, chừng như chàng trai nào cũng có chút lãng đãng, vu vơ nhưng hiếm khi bày tỏ, dười hình thức này hay hình thức khác. Còn Lữ Kiều cứ thoải mái trải lòng, nâng những cảm xúc bay thật xa thật cao như tiếng sáo vi vu trên những cánh diều buổi chiều hôm nắng quái. Một tôi bâng khuâng với bản Berceuse “thật là buồn. Âm thanh rời rạc, nhẹn ngào, se sắt. Bàn tay thím chầm chậm trên phím đàn. Những ngón tay thon dài…” (trg 24). Và một tôi khác thì có những hờn giận về người chị bắt đầu thay đổi tâm tính từ ngày bước về nhà chồng, đến làm Tôi ngạc nhiên!

Những truyện như thế anh viết lúc còn là cậu học sinh trung học, hay khi xa nhà, bước chân vào đại học. Nghĩa là những truyện ngắn của những quả mận xanh, trái cam còn lẫn với màu lá.

Sau này, trong những va đập của cuộc sống, như bao chàng “văn sĩ thư sinh” khác, Lữ Kiều đã “lớn” hẳn lên. Sự lớn của một thanh niên bắt đầu đặt những dấu hỏi về thân phận con người trước hoàn cảnh xã hội.

Một buổi mai thức dậy, chàng tuổi trẻ đã nhìn thấy “…ngọn lửa đã ngút lên, bùng cháy sáng trong lòng một buổi sáng thức dậy. Có phải đó là phút sự thật của ý thức, là lúc nghiệm ra mình vô thủy vô chung, dềnh dàng bập bềnh như những bè lục bình trôi trôi lờ đờ trên dòng sông mù mờ khói sóng” (sđd, trg 94).

Số phận của mỗi người không ai giống ai, nhưng vào thời điểm đó, lúc mà chiến tranh cuốn hút tất cả vào cơn lốc, những chàng trai gặp nhau trên căn gác nhỏ với những tâm trạng nặng nề cùng sự nhập cuộc, lên đường bắt buộc. Họ không suy nghĩ viễn vông, họ chỉ đặt câu hỏi về thân phận làm người và rồi tất cả xoay qua hồi tưởng về một người thầy khả kính, đại diện cho một thế hệ gánh vác trách nhiệm trước lịch sử, dân tộc không chu toàn. Trước mắt họ, đó là một sự thất bại nhục nhã, đó là những đau đớn ê chề dẫn đến những hệ lụy cho các thế hệ sau. Họ kính trọng thầy, nhưng đồng thời cũng “tức tưởi” bởi những thất bại không đáng có của cha ông do những sai lầm trong cách hành sử, chụp bắt lịch sử trong tư thế hụt hẫng: “Nửa đời lận đận với lòng ái quốc, ông ta nhìn chúng tôi như những kẻ nối tiếp. Sự thành tâm của ông làm tôi cảm động. Và chúng tôi không nỡ dồn ông vào chân tường… Ông nói giọng chắc nịch: Nếu thêm một lần tuyệt vọng, tôi sẽ đâm chết vợ con tôi rồi tôi treo cổ tự tử” (sđd, trg 99). Nguyên nhân dẫn đến những thất bại ê chề trong sự tập họp của số đông tự nhận trách nhiệm trước lịch sử để hành động là: “Ông đã không lớn theo dòng lịch sử. Ông là tên trẻ con bên cạnh gã đàn ông là những biến động lịch sử” (sđd, trg 108).

Hẳn nhiên là không hề có chuyện bàn giao việc gánh vác trách nhiệm lịch sử từ một thế hệ này cho một thế hệ khác. Lịch sử là sự chọn lựa của mỗi thế hệ. Và những người trẻ tuổi ấy lại gặp nhau, họ tâm sự, chia xẻ qua men rượu mượn từ cõi tạm nhiễu nhương. Họ say khước. Họ khóc. Họ cười. Và, họ cảm thấy cô đơn, bơ vơ trước cuộc chiến tranh bắt đầu leo thang đến hồi khốc liệt nhất. Thế hệ trẻ ấy vừa xấu hỗ bởi cuộc chiến tương tàn, phi nghĩa, vừa tuyệt vọng trước những đớn đau khổ lụy cả dân tộc phải hứng chịu. Họ không có lối thoát và tự chọn cái chết một cách “hèn nhát” như chính đất nước họ bị bội phản một cách “đớn hèn” từ phía những tên cầm đầu: “Gã rút trong túi ra một khẩu súng thật đẹp, khẩu súng lục đen láng…Gã hững hờ mở khóa an toàn… Mắt bình thản nhìn đứa trẻ la hét, gã đàn ông đưa súng kề màng tang. Bóp cò” (sđd, trg 131).

Rồi như một chiếc lá trên dòng nước cuốn xiết, những người trẻ tuổi một lần nữa lại lên đường sau chiến tranh. Lên đường không có sự chọn lựa của riêng mình. Họ không còn có quyền chọn lựa. Trong trại cải tạo chỉ có lao động và “…ông đã té từ trên ngọn cao xuống. Anh em phải khiêng ông về. Quần áo tả tơi, da thịt rách nát, khi tỉnh dậy ông không nói một lời nào” (sđd, trg 165) cùng những buổi tối phải thốt lên hai tiếng “có mặt” trong những lần điểm danh đột xuất. Họ đúng là những con chim bị nhốt trong lồng của người Thượng ốm o đang bẫy chim. Đấy là phần số của cuộc đời họ: “Văn hóa là con người. Sự cám dỗ là của qu… Thật ra tôi không lưu tâm đến số phận con chim hay cái lồng lừa đảo. Với tôi, đôi phổi rách nát của người Thượng già là bi kịch của chúng ta. Sự bi thảm cùng cực/ Anh muốn nói đến sự phi lý của kiếp người? Của muôn loài? Của trần gian?” (sđd, trg 171) .

Câu hỏi đã được đặt ra. Nhiều câu hỏi đã đặt ra, nhưng đó chỉ là những tra vấn cô đơn, là hành trình tìm kiếm sự toàn bích không bao giờ nhìn thấy ánh sáng bởi lịch sử luôn im lặng, không trả lời tại sao. Bi kịch và phi lý chính ở chỗ đó!

Nhưng đến tác phẩm Chàng nho sinh dưới gốc tùng thì lại khác xa. Đó là những trang viết ngắn về bạn bè, những cảm xúc bất chợt hiện đến, hay một tâm sự cần được xẻ chia… của một Lữ Kiều đã qua tuổi 60. Và tác phẩm này anh gọi là thử bút & xuôi dòng. Đó chỉ là cách gọi của anh. Chẳng có thử bút mà là ngọn bút thật, thật đến rỡ ràng như cơn gió mát mùa hè, như cái lạnh se sắt mùa đông cùng những cơn mưa dầm dề.

Viết về tác phẩm này, thì Đỗ Hồng Ngọc trong bài tựa đầu sách đã nói đủ cả, nói hết trơn, không còn gì để xoáy vào ngõ ngách tâm hồn Lữ Kiều trên từng trang viết nữa: “Chàng nắn nót, nâng niu, đưa ngọn bút lông lên ngang tầm mắt, ngắm nghía từng sợi nhỏ, xoay tới xoay lui đôi ba bận một cách thuần thục mà còn ngập ngừng, rồi thè lưỡi liếm nhanh mấy cái như vót cho các sợi lông bút quấn quít vào nhau, cho nhọn hoắc lại như gom nội lực vào nhất điểm:rồi thận trọng, nhẹ nhàng chàng nhấn bút sâu vào nghiêng mực đã mài sẵn, ngập đến tận cán rút nhanh ra rồi chắt vào vào thành nghiêng, ấn ấn xoay xoay lúc nặng lúc nhẹ cho mực túa ra nức nở, ào ạt rồi thưa dần, đến lúc sắc nhọn vừa ý, chàng phết nhẹ một nét lên tờ giấy đợi chờ, như để đo độ đậm nhạt, hít một luồng chân khí, định thần, lim dim rồi phóng bút…” (Đỗ Hồng Ngọc, Bài tựa đầu sách).

Vâng, Lữ Kiều đã trải lòng ra cho từng nét chữ trên đầu ngọn bút lông, để vẽ chân dung chính mình, để tìm đến cái đẹp trong đời sống, người tình và bằng hữu. Cây cọ dưới bàn tay tài hoa của chàng nho sinh chỉ cần cái phết nhẹ của những gam màu mông lung, mờ ảo: “Sáng nay, tôi chợt thấy một chiếc lá điệp màu vàng thật kỳ lạ. Cái màu vàng não nùng buồn bã, khiến không thể tìm trong đó chút ánh sáng nào… chiếc lá độc nhất, giữa vùng nắng rực rỡ dọi vào” (sđd, trg 14).

Trên đời này, ngoài thực tế, chưa có một họa sĩ nào vẽ được âm thanh cao thấp, đục trong… réo rắt như sáo diều trên không, ì ồ như tiếng suối đổ xuống lòng vực. Vậy mà chàng nho sinh của chúng ta chỉ cần vung ngọn bút, phẩy nhẹ một nét sổ, nét ngang là đã tạo được bức tranh tuyệt mỹ: “Em đã ở đó, đã quỳ gối bên cạnh tôi, khuôn mặt thánh thiện. Nhưng làm sao em hiểu lòng tôi lênh đênh, cũng như làm sao chúng ta hiểu được bao nhiêu điều mơ hồ không thật vây quanh và áp bức đời mình…” (trg 35), và: “Như con bướm đã chết. Chiếc cầu đã gãy. Có gì đâu – kể cả giọt nước mắt một lần nào khóc cho mình, cho người – cũng đã khô. Biết đâu chẳng biến thành mây” (trg 37).

Những trang viết như vậy cứ trôi dần về cuối như một thiên khúc, như một áng mây trôi bềnh bồng trên bầu trời thăm thẳm xanh…

Tình yêu như cái chết, chỉ một lần, không thể lập lại… quả thật tình yêu là điều huyền nhiệm không thể lặp lại, nhưng tình yêu là sự chết được phục sinh” (trg 53).

Và rồi Lữ Kiều đâu chỉ có những bài thơ ngọt ngào, phóng bút, thử bút, xuôi dòng…, đâu chỉ cầm cọ trước khung vải để nhìn thấu suốt cuộc đời anh trải qua. Anh còn là một nhà viết kịch hiếm hoi của thế hệ chúng tôi, sau những Vi Huyền Đắc, Vũ Khắc Khoan, Dương Kiền… Tôi không rõ những vở kịch anh viết trước đây đã đưa lên sân khấu kịch nghệ Sài Gòn chưa? Nhưng với Kẻ phá cầu, chỉ còn đọng lại trong tôi vở kịch: “Con sâu trong mắt”.

Bối cảnh là trại tù Phú Quốc với 500 tù binh đang tuyệt thực làm reo đòi trao trả xác của đồng đội, nhưng thực chất là để che giấu âm mưu đào thoát. Nhân vật chính là Quyết, kỹ sư, người đã vẽ bàn đồ tuyệt mật và tuyệt hảo cách đào một đường hầm từ sân trại tù binh ra ngoài vòng rào, và là người sẽ chịu trách nhiệm trước anh em về những hành vi “phản bội” của mình. Đường hầm đã đào xong. Những tù binh lần lượt chui ra khỏi “địa ngục trần gian”. Nhưng khốn thay, ba khẩu đại liên trên chòi canh đã quét sạch 99 con người luôn có niềm tin chiến thắng. Máu đã đổ. Tấm thảm kịch không phải là biển máu, mà là những người còn sống sót phải tìm cho ra kẻ phản bội. Tòa án được thiết lập. Lần lượt từng con người chung số phận với họ bị mang ra xét xử. Quyết ngồi vào phiên tòa đó hằng đêm và bi kịch đã xảy ra ngay tại thời điểm này:

MỘT GIỌNG KHÁC

Anh em bắt gặp quả tang chú đứng nói chuyện riêng với tên giám thị trong lần đi tạp dịch tuần rồi.

NẠN NHÂN (khóc)

Trời ơi. Xin các anh xét lại cho em nhờ. Quả em có nhận điếu thuốc của tên lính canh, bị em thèm quá…(khóc) mà hắn mời: Em không nhớ mình có làm rơi khăn tay hay không. Nhưng thật sự em không phản bội anh em, oan em lắm…

MỘT GIỌNG NÓI (lạnh lùng)

Chú nói xong rồi?

NẠN NHÂN (hấp tấp)

Dạ con điều này nữa. Hôm rằm, chính em ngồi gần anh Năm. Anh Năm biểu anh Quyết trốn đi. Vậy mà anh Quyết không chịu đi, nói rằng anh Năm phải trốn với anh em. (khích động) Sao anh Quyết không đi ? Nếu anh Năm ở lại anh đâu có chết. Vậy sao không ai nghi ngờ anh Quyết. Còn em có làm gì đâu mà các anh nỡ nghi ngờ (khóc).

Vòng tròn im lặng. Những con mắt nhìn nhau. Một lát. Không khí nặng nề.

MỘT GIỌNG NÓI

Biểu quyết. Có bốn bàn tay giơ lên. Rồi một bàn tay hạ xuống. Chỉ còn ba bàn tay giơ lên, nhưng không được vững vàng như trước”.

Vậy là cuộc săn lùng kẻ phản bội diễn ra gay gắt. Kẻ phản bội ấy là ai? Hãy nghe Lữ Kiều dựng lên:

NGƯỜI ĐÀN ÔNG (khích động, cầu khẩn): Này các đồng chí, các đồng chí nghi ngờ tôi sao? Tôi: kẻ chuyên môn đào hầm. Những đường hầm đã giải thoát bao nhiêu anh em khỏi địa ngục trần gian này? Tôi: kẻ ở lại, ở lại để tiếp tục đào hầm, để cùng chịu chung số phận của anh em. Các đồng chí nghi ngờ tôi thật tình sao? (hét lớn) Hãy nhìn tôi! Hãy nhìn thẳng tôi. Tôi có thể là kẻ phản bội không? Sao mọi người im lặng. Các đồng chí chết cả rồi sao?”.

Bi kịch không phải ở chỗ người trẻ tuổi ấn con dao vào ngực Quyết, mà chính ở chỗ sự bỉ ổi và hèn nhát từ một niềm tin mù quáng: Phải tìm cho ra kẻ thù, phải nhấn chết kẻ thù nhân dân. Bởi bất kỳ nơi đâu, chỗ nào cũng có kẻ thù của nhân dân. Viết đến đây làm tôi nhớ lại trên Giai Phẩm Nhân Văn số ra ngày 11.11.1956 có một bức tranh biếm họa vẽ một ông cán bộ mặc áo đại cán, đội mũ Mao đứng trước gương soi, đập tay vào kính kêu lên: Địch! Địch đây rồi!.

Vậy là xong. Kỹ sư Trần Văn Quyết đã chết. (một lát). Tôi biết anh vô tội, nhưng tôi phải giết anh. Người ta cần kẻ phản bội, và họ chọn anh. Lỗi tại anh đó, lỗi tại trái tim anh. Anh Năm và anh đều cá mè một lứa. Trái tim. Trái tim. Trái tim là cái thứ gì? Đúng là giọng lưỡi của bọn lãng mạn”.

Một trái tim gần với cửa Phật còn nhuốm bụi trần là chú tiểu. Một trái tim khác đúng nghĩa trái tim, là người đàn ông, là Quyết, mang gửi cửa Phật với cả lòng thành, trái tim còn lại cũng đến cửa Phật, nhưng hành sử theo trái tim sói, là người trẻ tuổi. Đó là bi kịch trong cuộc sống và là thảm cảnh của sự cuồng tín và là sự hèn mạt của những mưu đồ!

Khép lại vở kịch, giá như Lữ Kiều cho nhân vật trẻ tuổi tự dằn vặt mình bằng chút lương tri man trá hơn là nói ra sự thật với nhân vật chú tiểu, có lẽ kịch sẽ hoàn hảo hơn nhiều, sẽ khiến người xem, người đọc luôn băn khoăn tự tra vấn, tìm kiếm kẻ phản bội như cảnh anh dựng ở tòa án nhân dân trong trại giam.

Những tác phẩm của Lữ Kiều từ văn xuôi, thơ đến kịch, hội họa không nhiều, nhưng ở mỗi miền đều có nét riêng, là những vòng xoáy cuộn tròn trong dòng nước lũ, là những vực thẳm, là chiếc lá chao nghiêng lặng lẽ rơi xuống, im lìm, bất động. Những gam màu và những dòng chữ của Lữ Kiều luôn là những tra vấn, tra vấn để đẩy con người tới cái đẹp. Tiếc thay, điều mà chàng nho sinh mong mỏi, và cả chúng ta nữa, những mong mỏi vẫn là những điều không đến, chúng ta và cả nhân gian này chưa bao giờ với tới. Chàng nho sinh ơi, anh có buồn chăng khi mộng ước không thành? Và vì vậy anh đã lôi tôi cùng bạn bè anh, người đọc anh về với hình ảnh một Chàng Kinh Kha buồn: Vẫn bước đi, cuộc hành trình cô độc. Đêm như mê ngủ mà ráo hoảnh ý thức, bất động mà vẫn bùng bùng xao xuyến. Viết như một ăn năn. (sđd, trag 65).

Vâng, viết như một ăn năn để trả nợ đời, bởi chúng ta đã vay ở cõi tạm này quá nhiều, trước khi tiếng om khải thị, phải không?

Nguyễn Lệ Uyên

(Tháng 6/2010)

________

Tiểu sử

Tên thật: Thân Trọng Minh

Các bút danh khác: Nàng Lai, Cung Nghị, Trầm Tư

Sinh năm 1943 tại Huế. Làm thơ viết văn từ 1958, viết kịch 1964, vẽ 1983.

Trong nhóm chủ trương tạp chí Ý Thức, Sài Gòn 1970-1975

Tác phẩm đã in:

-Mưa qua thành phố (tập truyện)

-Kẻ phá cầu (kịch)

-Trên đồi là lô cốt

-Chàng nho sinh dưới gốc tùng

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search