T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Hà tất thành sầu đối cỏ cây…

   Ấm Trà Thiu – Tranh: Thanh Châu

       Ngày ông cụ tôi rời làng quê…

Thể theo chữ nghĩa thời ấy gọi là đi kháng chiến, tôi nhẩm chừng cụ còn trẻ lắm. Tôi không biết khoảng thời gian nào cụ trồng một cây bàng ngay ngã ba đầu làng. Ắt hẳn cụ vớ được hột bàng lăn lóc đâu đó và trồng chơi trong lúc đánh khăng, đánh đáo đấy thôi. Đầu trở xuống cuống chỏ lên, nghe họ hàng hang hốc kể lại cây bàng có tàn, có tán và dưới gốc cây có một quán nước của dân làng. Tôi mường tượng trên cái trõng tre có mấy lọ kẹo lạc, kẹo vừng, nải chuối, chiếc điếu cầy, ống đóm, ngọn đèn dầu và cái ủ tích lúc nào cũng sẵn sàng rót ra những cốc nước trà nụ vối đặc quánh mầu nâu đất, ngào ngạt hương thơm nồng ấm của đất quê…Ông bà ta đã dậy cơm mắm thấm về lâu, ấy vậy mà ông cụ tôi bỏ làng bỏ nước đi không hề ngoảnh mặt lại, chưa một lần trở về với ao sâu ruộng vườn với những cái giỏ cua, nơm ná, gầu sòng. Để rồi cái thằng tôi vào cái tuổi ngũ thập cổ lai hy, tôi phất phơ về thăm quê nhà, và nhởn nhơ nhìn ngắm cây bàng của ông cụ tôi năm xưa…

Cụ trôi dạt từ vùng suôi lên mạn ngược, thỉnh thoảng cụ nhắc đến những nơi chốn lạ hoắc như Lào Kai, Sa Pa, để rồi một ngày chẳng nghĩ sao cụ dinh tê và làm thông ngôn cho…Tây. Cụ theo mấy ông Tây “cà lồ” đi tứ phương tám hướng không phải để bắt Việt Minh mà…bắt thuốc phiện lậu, hay vào rừng đi săn con “petit…đen, petit…vàng”, để tôi hiểu đó là…con hổ.

Một ngày cụ ngừng chân ở một vùng quê…

Đất quê đây cũng có quán nước đầu làng và cụ gặp ngay một thôn nữ mà sau này là…bà cụ thân sinh ra tôi. Cái buổi ban đầu lưu luyến một nhớ hai quên ấy, cụ không quên trồng ở vườn nhà bà cụ tôi một cây xoài ngon ngọt từ trong Nam mà cụ thửa ở đâu chẳng biết nữa. Lớn lên cây xoài hóa thân thành…cây muỗm, trái bé choắt như trái cật heo và chua lè. Tôi cứ nhớ mãi cây muỗm cao hơn chục mét ở cái tuổi ấu thời dầy đặc lá hình thuôn mũi mác, hoa nở chùm ở ngọn đầu cành, rồi hoa đậu thành trái. Tôi không ham hố lắm với chùm cuống dài ngoằng mà có cả chục trái muỗm xanh lủng lẳng…. Cái tôi hăm hở muốn trèo lên cây cao chót vót vì ở đấy có cái…tổ chim chào mào đầu đỏ.

Tiếp đến tôi sinh ra đời, bốn năm tuổi tôi còn nhớ như in là ông cụ tôi mặc cái áo “ba–đờ-xuy” mầu cứt ngựa có cúc đồng, đội cái mũ “ca lô” hay mũ…“chào mào” như cái thuyền giấy gấp và kể từ đấy cụ không…trồng cây nữa. Hay nói khác đi cụ chỉ cười ngựa xem hoa hay có gặp hoa lạ chỉ là hoa rơi cửa Phật mà tôi hiểu ra là nhân quả. Vì rằng ngẫm cho cùng với cây bàng, cây xoài, ông cụ tôi chỉ trồng cây để…có cây mà trồng vậy thôi.

***

Tất cả về ông cụ, tôi chỉ biết có bấy nhiêu.

Nói cho ngay ông cụ tôi chỉ là ông bố bình thường của thời này thế đấy thời trước thế đó. Đến khi có mặt ở miền Nam với hai mùa mưa nắng, viết theo chữ nghĩa cho lao xao văn vẻ là vào cái lúc cả hai ông bà đang cặm cụi với “Cửa tiên công khi xây đắp đỉnh chung, mấy thu tròn tìm thú cỏ hoa, chăn thúy vũ những bèo trôi xốc nổi…”. Mà xốc nổi thật, vào một ngày sáng nắng chiều mưa, ông cụ tôi đang mải mê xem đá bóng ở đâu đó. Thêm một lần phiêu diêu với chữ nghĩa thì bà cụ tôi ỏ nhà đang “Một buổi chiều thanh thản, chợt nghĩ đến người bạn tri âm, lâu năm không gặp. Vừa lúc đó, nghe tiếng lạch cạch ngòai cổng, nhìn ra thì đúng là người mình nghĩ đến…”. Và có tiếng lạch cạch ngoài cổng thật mới hay,,,,hay ở chỗ bà cụ tôi đang nhàn nhã quét sân hốt lá vàng, lá xanh, chẳng đợi tri âm, tri kỷ nào, nên chẳng rỗi hơi nghĩ đến ai. Nghe tiếng động bà ra mở cửa thì…

Thì tôi cũng đang đứng lớ quớ ở đó, quét ngang mặt tôi là một cô thiếu nữ Hà Thành tức người Hà Nội nằm ở cái tuổi xuân thì. Cô mặc áo dài lụa nâu, môi son má hồng và có khuôn mặt buồn nhiều hơn vui. Và đó cũng là lần đâu tiên trong đời ở cái tuổi nhầng nhầng, tôi có “cảm giác” thế nào là…người đẹp Hà Thành. Mặc dù tối mới 10 tuổi và đang ở…Sài Gòn. Thế là bà cụ tôi kéo thốc cô vào nhà…Cả hai nước mắt ngắn dài châu đầu thủ thỉ kể chuyện không nắng thì mưa. Chuyện là năm 54, bà cụ tôi vào trong Nam trước mấy tháng. Vì là lính, ông cụ tôi ở lại Hà Nội lo chuyện “di tản chiến thuật”. Vì là lính có lon lá nên ông đi…nhẩy đầm để thành chuyện “phòng nhì”, phòng hai. Nói chung cũng tốt thôi, như trên đã giải bày, ông cụ tôi là một người bình thường, như bất cứ người đàn ông nào hiện diện ở đầu thế kỷ hai mươi với…chán cơm nguội thì ăn phở. Tất cả chỉ là cái nhẽ thường tình của đất trời. Nhưng ông là người nhanh chân…lẹ con mắt. Năm 54 ông cụ tôi “tiễn đưa” bà cụ tôi vào Nam trườc mấy tháng bằng máy bay Dakota hai cánh quạt quay vù vù. Tiếp đến, chẳng vượt biên cũng không vượt biển, trước 75 mươi ngày, bà cụ lại được “tống tiễn” qua đây bằng Hercule phản lực.

Ít lâu sau vì chỉ nghe chứ không thấy nên không tin: Chuyện là bà cụ tôi nghe tả trên thiên đường, thiên thần có cánh bay vi vùt suốt ngày nên vui lắm! Thế là bà cụ tôi bèn…vui vẻ được Chúa…gọi về. Ngay sau đó là cái “Cáo phó”: Thành thực báo tin buồn này kia kia nọ.

Đi tìm người xưa…

Đang đi nắng về mưa, cụ đang vắng gió đìu hiu bên bờ hiu quạnh…Và thân già vác dùi nặng, ông cụ tôi được thể cất công đi tìm cô áo nâu, người đẹp Hà Nội một thời, một thưở.

Chuyện là vào cái lúc chân ướt chân ráo sang đây, mặc dù cụ sáu mươi có lẻ nhưng vì cái nợ áo cơm…bắt phong trần phải phong trần, cụ bắt được cái “job” thơm như múi mít là cái chân phụ bếp trong một nhà hàng Tàu. Vừa đảo cái chảo cơm chiên khói bay mịt mùng, cụ nghe hơi nồi chõ người xưa vừa mới…”chèo thuyền” đến một tiểu bang xa cách nghìn trùng. Tình cũ không gọi mà đến, thế là cụ cuống cuồng chùi tay vào cái tạp dề phóng ra khỏi tiệm. Trong buổi tan tầm đông nghìn nghịt…cụ kể lại chuyện bôn ba suôi ngược nơi xứ người bằng cái xe Mustang thổ tả đời 1967, bản đồ nhằng nhịt nên cụ lơ mơ lỗ mỗ…Cụ cứ nhắm theo dòng xe như mắc cửi mà khai phá mảnh đất mới, bởi số cụ có sao thiên di nên cụ đi theo mệnh trời. Vì cứ theo cụ kể lại thì: Cụ lái cái Mustang đeo theo cái xe truck 18 bánh nào đấy, bởi cụ triết lý củ khoai là xe truck lớn thế nào cũng tới thành phố lớn nên chả sợ lạc…Cụ luân lạc về hướng đông, hai ngày một đêm thì cụ gặp lại người cũ.

***

Khúc sau cụ không…trồng cây nữa.

Khúc kế tiếp để rồi đến một ngày tóc bạc da mồi, ông cụ tôi cáo lão về hưu. Ông bà về thành phố tôi đang ngụ cư để tối lửa tắt đèn có nhau. Để tôi ghi nhận những chia ngọt sẻ bùi của bà với ông cụ tôi rồi một ngày nào đó, ông cụ tôi và bà đều phải đối đầu với nỗi buồn chạm mặt để bước qua ngưỡng cửa sinh, lão, tử, bệnh.

Ngày ấy cũng đã đến: Bà bị ung thư.

Với cái bệnh quái ác trên cần phải chữa trị dài lâu và bà ra vào bệnh viện như đi chợ. Trong buổi chợ chiều vắng khách, bà chẳng còn thì giờ nhiều để gần gũi chăm sóc ông cụ tôi nữa. Bệnh tình của bà lôi kéo sức khỏe của ông cụ tôi xuống theo như hòn đá lăn xuống dốc và nằm chơ vơ ở dưới chân đồi. Bất giác tôi lững lờ qua âm hưởng của dòng nhạc “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Hoang tưởng vậy thôi, nhưng tôi cũng điện thoại cho thằng em cùng cha khác mẹ….Chẳng là mấy tuần nay, thỉnh thoảng nghe tiếng điện thoại vu vơ nửa đêm choàng tỉnh dậy, thấp thỏm chẳng hiểu ông hay bà có mệnh hệ nào chăng. Nghe đầu giây bên kia nói xin lỗi lộn số thì lại…mừng húm nhưng lại lao xao…không ngủ được.

Thế là hôm sau, tôi cò cưa với thằng em một lần ông cụ ngã từ trên giường xuống…khổ nỗi ông cụ to con, khi ngã bị nằm kẹt cứng giữa thành giường cái tường với khoảng cách nhỏ hẹp. Cụ đang như ngọn đèn leo lét nên không xoay sở được. Bà vực ông dậy không nổi vì yếu sức. Một phần khác nữa người ông cụ tôi nhão như bao gạo bị thấm nước nên vừa nặng vừa vướng víu. Bà điện thoại cho tôi vì gần nhà. Tới nơi, đưa cụ lên giường rồi, nhưng cụ nằm ngay đơ, bất động, mắt trừng trừng nhìn lên trần nhà. Tôi vội gọi xe cấp cứu. Họ đến làm những việc cần phải làm. Xong, họ đề nghị đưa cụ vào viện dưỡng lão. Điều bất như ý đó chẳng một ai muốn. Tôi cứ cám cảnh cái tuổi vắng gió đìu hiu và cảm hòai cho cái hiu quạnh của tuổi già sống không có con cái ở gần bên. Thấy tôi láo nháo vây, thằng em lái xe tới nhà. Hai anh em đứng ở cái cửa tò vò hút thuốc lá vặt và tôi chỉ nó cái cây ngay trước cửa.

Và kể cho nó nghe chuyện…hà tất thành sầu đối cỏ cây.

Cây đây là cây phong lá xanh rộng bản từ miên bắc lạnh lẽo, thân to và cành cứng cáp. Chẳng hiểu người chủ trước trồng nó tự bao giờ, nó vẫn lừng lững đứng ở đấy dãi dầu với nắng mưa. Vậy mà năm nay, mỗi ngày tháng mỗi tàn lụi dần…Bỗng dưng không đâu tôi có linh cảm cây phong có chung một dòng sinh mệnh với ông cụ tôi. Tôi nói với thằng em, mới năm trước, cả thân cây rợp tàn rợp tán vậy mà qua một cơn bão biển, nó chỉ còn dăm cành, mỗi cành mươi chiếc lá phất phơ trước gió. Bấy lâu nay, cây chăm bón mãi mới lên được vài tàn lá khổ sở. Bèn đi xem bói, ông thầy dậy rằng trong họ sắp có tang nhưng không…quan trọng lắm. Nghe lạ, gì mà không quan trọng? Chợt nghĩ năm nay là năm Kỷ Sửu, ông cụ tôi 95, chỉ dăm năm nữa được bách tuế giai lão, lại vất vưởng đến câu chúc “trăm năm đầu bạc”. Với tôi chẳng có ý nghĩa gì trong lúc này. Ngẫm cho cùng người già như cây hết nhựa vậy.

Cuối cùng hai anh em cũng đành sầu qua ngọn cỏ với cỏ xót xa đưa cỏ xót xa người với mưa ngâu cách trở qua cầu ô thước: Tôi đưa ông cụ về nhà tôi. Nó đưa bà về nhà nó….Nhìn cành cây gần như trơ trụi lá, dòng nhạc thân quen lại lãng đãng trong tôi: “Em hỏi tôi đá biết thở dài xa xôi? Em hỏi tôi đá có ngậm ngùi chia phôi?”. Bâng khuâng hồi tưởng lại phim “The River of No Return” bất giác tôi thở dài với mưa bay gió thổi, mai này cũng phôi phai.

Bởi chưng tôi tin những chuyện huyễn hoặc của các cụ ta xưa qua những chiếc bình vôi có linh hồn nằm lăn lóc dưới cây đa, cây đề của một thời xưa cũ. Vì cách biệt tuổi tác nên tôi không kể cho thằng em nghe chuyện qua một bài viết về cây chuối ở gọc vườn, cứ nửa đêm về sáng, buồng chuối kêu “bụp…bụp…”. Các cụ dậy ấy là cây chuối đau đẻ. Vì vậy ở nhà quê, ai đó sinh khó, hai mẹ con đều chết. Các cụ trồng cây chuối ngay đầu mộ để mẹ tròn con vuông.

Riêng tôi…tôi tin chuyên “không tưởng” ở thế giới khác. Ừ thì tạm cho là tâm linh thì cây có một dòng sinh mệnh với người mà tôi đã trải qua. Nhưng ấy là chuyện sau.

***

Chuyện bây giờ là…

Là ông cụ tôi bị bệnh tiểu đường nên hay đi tiểu giắt…Mỗi tối khuya tôi đưa cụ vào phòng vệ sinh ba bốn lần. Mỗi lần vực cụ dậy, tôi luồn tay xuống gáy cụ, đỡ cụ hẳn lên, vất vả lắm mới chuyển cụ tới cái “walker” bằng nhôm bốn chân có hai bánh xe lăn. Hai tay cụ xuội bại, như khúc cây lỏng le dính vào bả vai, làm như máu không còn lưu thông được nữa hoặc lưu thông rất ít nên mầu da trắng nhợt nhạt tái mét. Hai chân cụ khẳng khiu, tóp lại như hai cây sậy. Tôi lại ngậm ngùi với đôi chân này đây, hồi còn trẻ cụ đã mòn gót từ Sơn La suôi tới núi Đèo và đã gặp bà cụ tôi để tôi có mặt trong cõi đời này. Chưa hết, vóc dáng cụ cao, to người, nay gầy thì có gầy đấy, nhưng vẫn còn nặng hơn tôi nên không dễ dàng gì bế cụ ngồi dậy vì lưng cụ bị còng như cành cây cong. Lại nữa, mỗi lần tắm rửa cho cụ…Da thịt cụ mềm nhão, tôi có cảm tưởng như cầm trong tay một cái áo bông cũ vừa nhầu, vừa nhẹ tênh. Tôi miên man đến luật đào thải, đến tuổi lão hóa: Hình hài có đấy, nhưng cũng không đấy.

Với luật đào thải, hay tuổi lão hóa, thì…

Thì tôi ăn mày chữ nghĩa qua câu “gái thương chồng đương đông buổi chợ, trai thương vợ nắng quái chiều hôm” khi còn trẻ, các cụ theo con trâu bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nên không gần gũi nhau. Khi vào cái tuổi bóng xế chiều hôm các cụ mới có thời gian săn sóc cho nhau. Những tia nắng yếu ớt “nắng quái chiều hôm” chỉ tồn tại trong chốc lát mà thôi qua những ngày còn lại sống qua ngày chờ qua đời. Vì vậy cả chục năm trước, ông cụ tôi không chịu về ở với con cái vì ngại phiền hà các con…Nhất là khi các cụ ăn không vào, nuốt không vô, thêm tiểu tiện chẳng được, đại tiện cũng không xong. Với cái nợ đời đeo đẳng dai dẳng ấy, ít nhất hơn một lần ông cụ tôi lụm cụm với tiện nội tôi (người vợ sau này): “Cậu muốn chết cho rồi để khỏi làm khổ các con”. Chẳng phải bất hiếu gì, nói thẳng mực tầu đau lòng lòng gỗ, cái đầu củ chuối tôi mọc ra cái ý tưởng: Một ngày nào đó cụ nằm xuống, tôi sẽ thở ra cái phào. Tôi không thở ra cho tôi mà cho cụ: Thoát được cái tuổi già với những nặng nợ ốm đau, vật vã của thân xác. Đến tao đoạn này, lại quắn quả đến mấy bạn già của tôi ham chạy bộ, thở ra hít vào để mong sống lâu. Sống đến ngày thở khò khè…bò trên cái giường bé bằng mắt muỗi cũng không nổi. Lấy ngắn nuôi dài, tôi lại quay quắn đến hôm nảo hôm nào nhân viên cứu thương nói hãy đưa cụ vào viện dưỡng lão. Về nhà, tôi bàn với tiện nội tôi cho có chuyện để nói. Nằm dài trên ghế ‘sa-lông” hóng chuyện, con gái tôi khi ấy 11 tuổi, ngóc đầu lên hóng hớt: “Nếu bố già, con đưa bố vào “nursing home”, bố có chịu không?”.

***

Năm sau bà cụ mất.

Tôi được họ hàng dặn dò đừng cho cụ hay biết, vì không ít thì nhiều, qua lời ong tiếng ve “có tin có lành” cụ này mất thường rủ cụ kia đi theo. Hồi nhớ lại đám tang nhà tôi có lời ra tiếng vào chuyện phải đưa xe tang chạy qua nhà để nhà tôi nhìn lại căn nhà lần cuối. Là con mọt chữ, sau đó tôi viết về tập tục đám tang của các cụ ta xưa có đoạn:

(…) tới cổng vườn nhà ai đấy, trên cành cây ngoài vuờn buộc miếng vải hay tờ giấy bản trắng để cây cối cũng nhớ thương tiễn nguời đi. Vừa lúc nhà đám đi ra, vì ngõ trúc ao sâu nên không len chân vào được, tôi chỉ thấy người dẫn đầu tay cắp cái rổ, tay rải tiền âm phủ và những thỏi vàng trắng. Cụ cho hay ấy là tục rải vàng bạc trên đường đi để đánh dấu cho người chết biết lối mà trở về nhà. Ra khỏi ngõ, đô tuỳ nhà đám hạ quan tái vừa chạm đất là nhấc lên ngay, tất cả ba lần. Mỗi lần vậy, họ hàng tang gia mặc áo tang luơm nhươm, không may vá mà chỉ có mấy cái dải nứa buộc lại, đầu tóc để rối không chải. Họ quỳ đập đầu xuống đất vái ba lạy. Cụ giảng giải quan tài nhấc lên hạ xuống là người chết chào từ biệt gia đình về với ông bà tổ tiên. Ra đến cổng làng, linh cửu phải quay đầu lại để người chết được nhìn cái cổng làng lần cuối. (…)

Ngoài ra với quan hôn tang tế của các cụ ta xưa khác bây giờ với người con cả chống gậy tre hay gậy vông theo quan tài bố. Tôi ăn chữ mẻ bát thiên hạ với đám tang vợ, đám tang bố cũng khác nhau với tang phục tiểu ký, tang phụ đại ký qua vấn tang, phục vấn này kia:

(…) Vịn quan tài có một anh trai mặc “áo bực” tức tang phục hay áo tang. Ao bực là áo sô gai vải bố, thắt dây lưng lá chuối, đội khăn vành quấn rơm như cái rế đội nồi, chân trần, chống gậy là đốt cây tre. Cụ dậy bố anh trai mới chết, còn nếu như mẹ chết thì chống gậy vông. Bỗng có chị gái chùm “khăn mấn”, áo lộn sống sổ gấu, lăn đùng ra giữa đường, giãy đành đạch, khóc lóc thảm thiết và níu áo người ta không cho bước qua. Thấy lạ nên sắc mắc. Cụ cho biết ấy là con dâu hay con gái nằm cản người ta đem bố mình đi chôn. (…)

Trở lại với ông cụ tôi…

Nói chung vào cái tuổi tà tà bóng ngả về tây, các cụ ngại ngùng về gặp lại với ông bà tổ tiên, hay nói khác đi là càng đến tuổi chín tầng đất mười tầng trời thì các cụ lại càng sợ…chết. Vì vậy, có nhiều các cụ lo lắng mất đi một chỗ bám víu, thế nên các cụ dựa dẫm vào các con đi tìm một sinh lộ muộn màng. Với tuổi già cám cảnh này, riêng ông cụ tôi cất dấu trong ngăn kéo, dấu kín trong ngõ ngách tâm khảm để gậm nhấm trong những ngày nhạt nắng.

Mà nào thăng tôi có hơn gì bố mình…

Có một tối nửa đêm vè sáng, tôi tỉnh dậy và nhìn qua ông cụ đang nằm co quắp…Đã nhiều lần tôi cũng thấy tôi cũng nằm lưng uốn gù như con tôm nào có khác gì cụ. Vì mộy ngày nào đó tôi cũng như cụ thôi. Để rồi nhiều tối, nhiều đêm tôi tỉnh dậy giữa khuya và mường tượng ra phải chạm mặt với một sự thực chẳng thể chối bỏ là tỉnh dậy thì…Thì cụ đã đi rồi, hiểu là cụ chẳng còn nữa. Rồi sẽ phải làm gì đây? Để rồi cái sợ cứ gậm nhấm mãi và không ngủ được lại nữa. Sáng hôm sau thức dậy, tôi ngắm nhìn ông cụ có…còn không. Đôi khi thấy ông cụ nằm im như đã…đi rồi trong giấc ngủ. Thế là một là tôi vỗ vỗ cụ thăm chừng. Hai là lấy tay mình đưa huơ huơ qua mũi ông cụ xem cụ còn thở không.

Cũng những nghĩ quẩn trên, sáng nay tôi thao thức và chập chờn hết ngắm cụ đến nhìn đồng hồ thấy cái kim chỉ vào cái giờ giấc như thường lệ. Tôi ra bếp đun ấm nước pha cà phê cho tỉnh táo để viết bài vở. Trong khi chờ đợi nước sôi, tôi trở lại phòng ngủ, ngồi bên cạnh giường và ngắm cụ qua ánh sáng lờ mờ của cái đèn ngủ. Tôi bắt gặp cụ đang nhắm mắt, nửa tỉnh nửa thức. Ánh sáng yếu ớt hắt qua cái chụp đèn nhưng soi rõ những nếp nhăn trên trán, trên mặt cụ như những nếp gấp của thời gian. Những sợi tóc bạc lơ thơ, lạc lõng trước trán quấn rôi vào nhau. Ngắm cụ gần hơn một chút nữa, tôi nhìn rõ từng vết nhăn trên mặt, trên cổ, những lằn sếp ngang dọc, những chấm đồi mồi lớn nhỏ trên hai gò má. Tôi có thể nhìn thấy những thớ thịt mềm và nhão rung rung ở cổ cụ với hơi thở nặng nề đứt quãng, trông cụ như con búp bê bằng vải cũ được lôi ra trong cái rương quần áo ẩm mốc lâu ngày.

Em ơi…Mở cửa…

Bỗng cụ thò tay ra khỏi chăn, cầm tay tôi. Rất nhẹ nhàng tôi nắm tay cụ. Bàn tay gầy guộc và chun choắt lại của cụ nằm lọt thỏn trong tay tôi.

Cụ thì thào đứt quãng:

– Cậu…muốn…về…với cô.

Mặc dù chờ đợi chuyện này sẽ sẩy ra từ lâu nhưng tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng…Đợi một ngày cụ khỏe hơn, tôi đưa cụ về nhà hai ông bà vẫn còn để trống. Trên xe, vì đã tính những gì phải thưa với cụ từ trước để…nói dối cụ. Tai cụ lãng, ghé sát tai cụ, rất chậm rãi tôi giải bày với cụ tế bào ung thư của bà đã lan lên não bộ. Bà nay gần như mất trí, vì mới đây, bà lái xe đi chợ, ra khỏi hàng quán bà không biết tìm xe mình ở đâu. Và tôi đành nói ra một sự thực: Chẳng còn bao lâu nữa, bà đang từng bước, từng bước một xa rời cuộc sống tạm bợ này…

Tôi bắt gặp đôi mắt buồn bã của cụ nhướng lên. Tôi nhìn mắt của cụ và thầm hiểu cụ đang nghĩ gì. Tôi hiểu rằng tuổi già lo cho nhau và cần nhau nhiều hơn. Khi người ta già, người ta cần nhau như thế nào. Bỗng không tôi bấm búi qua câu: “Gái thương chồng đương đông buổi chợ, trai thương vợ nắng quái chiều hôm”, vào tuổi bóng xế chiều hôm các cụ mới có thời gian gần gũi nhau. Những tia nắng yếu ớt “nắng quái chiều hôm” chỉ tồn tại trong chốc lát qua những ngày còn lại sống qua ngày chờ qua đời”. Rồi đôi mắt mệt mỏi của cụ mở ra như mất thần, thẫn thờ nhìn ra ngoài phố sá trong xa vắng. Đến trước cửa nhà bà, tôi đẩy cụ vào bằng cái xe lăn.

Từ cái xe lăn, tôi để cụ tự bấm chuông…

Chuông kêu ba hồi hai nhịp theo ngón tay cụ, tôi biết cụ không nghe được vi tai lãng. Nhưng tôi nghe được tiếng cụ nói vào cánh cửa đang im lìm, câm nin: “Em ơi…Mở cửa…” Tôi đốt điếu thuốc để đợi. Không phải tôi đợi mà cụ đợi. Thêm hai ba hồi chuông trong hoang vắng ắng lặng…Thêm câu nói của cụ qua hơi thở mệt nhọc như tiếng thở dài: “Em ơi…Mở cửa…”.

Dụi điếu thuốc đang cháy dở, tôi ghé tai cụ, để nói dối là có thể bà đang chạy thuốc trong nhà thương. Ra xe, tôi bâng quơ còn chạy thuốc còn hy vọng, nhìn trước mặt là con ngõ cũ mà cụ đã đi đi lại lại cả bao nhiêu năm, đầu cụ gật gật…Trong khi đầu tôi lay lắt với đoạn văn

“…Ra khỏi ngõ, đô tuỳ nhà đám hạ quan tái vừa chạm đất là nhấc lên, tất cả ba lần. (…) Cụ giảng giải quan tài nhấc lên hạ xuống là người chết chào từ biệt gia đình về với ông bà tổ tiên. Ra đến cổng làng, linh cửu quay đầu lại để người chết được nhìn cái cổng làng lần cuối….”

Lái xe về nhà, tôi không ngoái đầu nhìn căn town house của hai ông bà năm trong con ngõ nhỏ giữa thánh phố Houston. Trong đầu chờ vờ như cá trê gặp nước mặn tôi liên tưởng cách đây 21 năm, xe tang nhà tôi chạy trên đường Boon, qua đường Stroud để nhà tôi nhìn lại căn nhà nhỏ có một mảnh vườn. Ở đấy có cây mận lá màu nâu đỏ không còn nữa.

***

Bước qua năm thứ hai, vào tháng ba…

Một buổi sáng như mọi buổi sáng, thức dậy để viết bài. Bước từng bước thật chậm dọc theo hành lang, ngày là lá tháng là mây, tôi muốn giữ thời gian lại đừng qua mau. Ra tới phòng ngoài, ngước nhìn lên trần nhà mầu trắng nhạt thếch. Chợt nhớ lại chuyện một thằng bạn, ngày ông cụ nó mất, nó không cảm thấy gì. Phải đợi đến khi bà cụ đi theo ông cụ nó, nó mới có cái cảm nhận: Căn nhà của nó đã mất nóc.

Nhà tôi cũng sắp mất nóc, tôi chẳng còn chỗ nào để dọ dẫm qua một hình bóng. Tôi chợt cảm hoài mấy năm trước về quê nhà, con đường làng phủ đầy quá khứ của ông cụ tôi, rải rác những chiếc lá bàng, mỗi cái lá như một viên gạch, như những gịot thời gian. Đứng trước cây bàng mà tôi hình tượng là bóng hình của ông cụ tôi. Cây bàng hiu hắt giữa đất trời, và cái quán nước bên đường không còn nữa. Tôi thầm nhủ rằng tất cả đã thuộc về quá vãng…Tôi đi tìm thời gian đánh mất bằng vào với hà tất thành sầu đối cỏ cây, tôi mò mẫm nhặt nhạnh được dăm hột bàng già cỗi đem về. Sau lại quên ngay đấy vì quẳng xó đâu đó, nay nhìn ông cụ mới nhớ ra. Thế nào cũng phải tìm ra hột bàng, thể nào mùa xuân này cũng ươm đằng góc vườn.

Trở lại phòng ngủ, tôi giật thót người vì ông cụ đang lậu bậu nói chuyện với ai đấy. Ngôi bên cạnh giường, tôi vưa nắm tay cụ vừa lắng nghe. Và tôi choáng người vì ông cụ đang độc thoại với ai đó chuyện làng nước ở quê nhà cả mấy chục năm trước. Giọng ông cụ thật bình thản, chậm rãi hết hỏi thăm người này, nhắc người kia chuyện làng trên xóm dưới. Điều tôi ngạc nhiên là giọng cụ rõ mồn một, không có gì “dau ốm” cả, giống như cụ đang ở quê nhà với chuyện dây cà ra dây muống. Nhưng…Nhưng tôi lạnh người vì những tên tuổi mà ông cụ tôi đang nói chuyện, theo trí nhớ mù sương của tôi đều là những người đã khuất núi từ năm nảo năm nào. Hay nói khác đi ông cụ tôi đang nói chuyện với những người đã…chết.

Và tôi có linh tính, ngày cụ về với những người đã khuất không còn bao xa nữa…Khi không hình ảnh tới cổng vườn nhà ai đấy, trên cành cây ngoài vuờn buộc miếng vải hay tờ giấy bản trắng để cây cối cũng nhớ thương tiễn nguời đi như ẩn hiện quanh quất đâu đây.

Bỗng ấm nước ngoài bếp reo lên như tiếng gọi của xa cách. Tôi như tỉnh giấc hòe…bước ra ngoài bếp pha cà phê. Vừa đứng loay hoay với những thói quen mỗi sáng, bỗng không tôi điếng người vì tháng này là tháng ba, tháng mà bà cụ tôi và nhà tôi mất vào tháng này. Và tôi tự trách mình lơ đễnh, nhờ ông cụ nằm mớ nói chuyện với những người của ngày tháng cũ với đất quê, tôi mới chợt nhớ ra: Ngày mai là giỗ bà cụ tôi. Vì vậy lát nữa đợi tiện nội dậy, tôi sẽ nói ra trại gà mua con gà có đầu để cúng cụ. Cũng để tôi cầu xin bà cụ tôi phù hộ cụ ông. Ấy đấy, với con gà có đầu, các cụ ta bao giờ cũng trọn vẹn, đầy đặ như thế đấy

Gõ chữ một chặp, trời đất lấp lửng sáng, tôi lọ mọ ra cửa sổ, nhìn thấy cây phong già nua vật vờ trước sân cỏ. Tôi lại liên tưởng đến truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng. Chuyện về một cô bé bị bệnh nan y chẳng thể qua khỏi. Cô tuyệt vọng nằm trong phòng bệnh viện nhìn qua cửa sổ. Cô bé đếm từng chiếc lá còn sót lại và thủ thỉ với người y tá: Cô đợi chiếc lá cuối cùng rời cành cũng là ngày cô bé sẽ từ giã cõi đời. Thế nhưng chiếc lá cuối cùng cứ gắn chặt với cành cây theo sáng, trưa, chiều, tối. Và như có phép mầu, cô bé qua khỏi căn bệnh ngặt nghèo…Vì để nuôi niềm hy vọng cho cô: Người y tá đã dùng keo gắn chiếc là dính vào cành cây.

“Lá rơi tường bắc lá bay sang – Vàng bay mấy lá năm già nửa”, như bị ám ảnh lời của ông bác sĩ gia đình cách rách tình trạng ông cụ tôi…không biết được, có thể ba bốn tháng, cũng có thể hai ba năm. Tôi ngắm cây phong trước cửa nhà và nhìn kỹ hơn. Nhập nhòa nửa tối nửa sáng qua đất trời một mầu xám chì ảm đạm đầy tang tóc, nhưng vẫn có một chút nắng nhợt nhạt bám vào thân cây sù sì như những cây tầm gửi èo uột. Sương sớm ban mai long lanh, lấm tấm trên lá cây lất phất theo gió. Vừa qua năm Canh Dần. Mỗi buổi sáng, buổi chiều, tôi đứng ở trước cửa nhà, lặng lờ theo khói thuốc đếm từng chiếc lá rơi rớt còn lại, lá chuyển mùa từ xanh qua tím, rôi tím đỏ, đổi qua vàng úa rôi đến nâu khô và chỉ một cơn gió thoảng là lá rơi rụng dần. Tôi đứng ngây ra lặng ngắm, mắt mờ đi vì một làn nước mỏng và đếm từng cái là vàng nâu úa khô. Nhưng chẳng còn cái lá nào nữa!

Vi đất trời đang cuối đông…

Nhớ lại hai năm trước, cùng thằng em đứng ở trong cửa tò vò nhìn cây phong, tôi quan hoài đến The River of No Return với em hỏi tôi đá biết thở dài xa xôi, em hỏi tôi đá có ngậm ngùi chia phôi. Nhưng chưa một lần tôi kể ai nghe vì tôi tin ở số: Cách đây hơn hai chục năm, sau nhà tôi trồng một cây mà tôi không biết tên. Cây không lớn, không hoa quả, vì cây có lá màu đỏ nâu sậm như trái mận nên tôi gọi là cây mận. Bỗng một hôm cây mận chết, ít lâu sau nhà tôi đi vào cõi tĩnh mịch. Bởi lẽ đó, tôi tin mỗi cây nào đó có mỗi dòng sinh mệnh với ai đấy.

Bởi thế thỉnh thoảng tôi nhìn những chiếc lá phong đổi màu trước cửa nhà là vậy.

Ở thành phố tôi đang ở, giữa tháng ba được xem như là cuối đông sang xuân. Nhưng cứ khoảng 10 năm, khi mọi người đang sửa soạn trồng cây thì đùng một cái, trời trở lạnh đông đá ba bốn ngày, cây chết hàng loạt. Năm nay cũng vậy, giữa tháng ba với cái lạnh đông đá, nhưng chỉ một hai ngày thôi và không lạnh băng giá lắm, vậy mà vườn nhà chết bảy tám cây. Riêng cây phong năm nay có một cành lớn, không có lá. Đúng ra là trơ trụi lá, đã chết theo mùa đông.

Một ngày như mọi ngày, tôi ra cửa trước, săm soi cây phong từng cành khẳng khiu còn lại, và đợi. Tôi đang đợi từng chiếc lá nhú từng trồi non…Và tôi đợi một buổi mai nào đó…

Trúc gia trang

     Đông chí, Kỷ Sửu tận

      Phí Ngọc Hùng

    

       Phụ đính:

Ông cụ tôi mất ngày 25 tháng 7 năm 2010.

Bài Mới Nhất
Search