T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hương Thủy: NƯỚC TRÔI QUA CẦU

    

Lối Đá – Tranh: Thanh Châu

Những lời yêu ấy nay đà quá xa…”

(Cho người tình lỡ -Nhạc Hoàng Nguyên)

 

Hai đứa ở cùng xóm, chung một ngõ, biết nhau từ thuở còn thơ. Thời Ni học lớp Năm, mỗi chiều tan trường, chính Cu Tí – tên móc nối của Hoàng –  phải cầm que xua hai con ngỗng chặn đường trước vẻ mặt xanh xám của Ni.

Nhà Ni ở cuối ngõ. Căn nhà lợp ngói âm dương cổ kính với hàng chè tàu bao bọc chung quanh. Mùi hoa dạ lý thơm nức trong vườn. Ba Ni dạy trường Trung học Hàm Nghi, ngày hai buổi đi chiếc Honda Dame màu xanh qua Thành Nội. Nhà Hoàng ở đầu ngõ. Cha mất sớm, mạ tần tảo gánh bún bò nuôi ba anh em. Biết thân phận nghèo khổ của gia đình, Hoàng chăm chú học hành và nổi tiếng học giỏi toàn xóm. Cuối bậc Tiểu học, Hoàng ngồi trên chiếc xích lô của chú Tư với chồng phần thưởng Danh dự toàn trường ngập mặt trong tiếng xuýt xoa của ba Ni “Thằng này sau chắc khá!”

Ni thi vào đệ thất. Ba qua nhà xin với mạ Hoàng “cho Cu Tí qua kèm cặp em Ni”. Năm đó, Hoàng mới học đệ ngũ trường Quốc Học. Cứ ba giờ chiều, Hoàng ôm cuốn “300 bài Toán khó “của Trần Tiếu đi vào nhà dạy Ni. Mỗi lần giảng lâu mà Ni cứ giương mắt không hiểu, Hoàng lại lấy cái thước kẻ khẻ vào tay mặc kệ nước mắt Ni rươm rướm. Có lẽ nhờ sự nghiêm khắc của Hoàng, Ni thi đậu vào trường Đồng Khánh với thứ hạng khá cao. Phần thưởng ba Ni dành cho Hoàng là chiếc xe đạp Peugeot với điều kiện “ngày hai buổi chở em Ni đến trường, coi sóc nó cho Bác”. Mạ Hoàng cảm động, không nói thành lời.

Từ đó trên yên sau chiếc xe đạp của Hoàng là Ni. Ni mặc áo đầm trắng, thắt nơ đỏ xinh xắn. Hoàng bắt Ni gọi mình là “anh Hoàng”, không được nhắc tên Cu Tí trước mặt bè bạn. Ni ngoan ngoãn vâng theo. Đoạn đường từ Nguyệt Biều thẳng xuống Lê Lợi không xa lắm. Hai anh em chuyện trò ríu ran suốt cả con đường Huyền Trân Công chúa. Hai trường cách nhau một con đường nhỏ. Đồng Khánh tan trước Quốc Học 15 phút. Ni ôm cặp đợi Hoàng ở nhà mụ Cai. Đám bạn Hoàng cứ khen “Mi có một đứa em thiệt là ngoan”.

Một lần, xe bị xẹp lốp ở ngay Cầu Lòn, hai đứa phải dắt đi bộ. Có một thằng nhóc mất dạy cứ chạy theo tốc áo đầm của Ni lên. Ni xấu hổ đến phát khóc. Nạt ba lần không được, Hoàng chống xe xuống đập nhau với thằng nhóc. Hậu quả là chiếc áo trắng đã cũ của Hoàng rách một vệt dài ở nách. Hai đứa bàn nhau giấu ba mạ. Buổi trưa Ni trốn ngủ ra sau vườn may lại áo. Những mũi kim vụng dại nhăn nhúm.

Mi lớn dần lên và bắt đầu biết “dị”. Năm lên lớp đệ ngũ, Ni đã mặc áo dài và đỏ mặt xấu hổ trước sự cắp đôi của mấy đứa trong xóm. Nhất là những lời trêu chọc độc ác của Luyến, đứa con gái không đẹp lắm ở gần nhà Hoàng. Luyến học đến lớp Nhất thì nghỉ ở nhà theo mẹ bán buôn. Mỗi lần thấy Hoàng chở Ni đi ngang, cái miệng của Luyến lại rống lên “Con gái chơi với con trai. Về sau cái vú bằng hai quả dừa”. Mặt Ni đỏ tía tai. Hoàng càu nhàu “Kệ nó. Đồ con gái vô duyên thúi.”

Lên đệ tứ thì Ni nhất quyết không ngồi sau yên xe Hoàng nữa. Bây giờ tụi trong lớp cũng biết Ni với Hoàng không phải là anh em. Mặc kệ lời phân trần của Ni, tụi nó trêu “Chắc hai đứa bây đã có chi với nhau”. Chiều Ni, ba mua cho con gái một chiếc mini màu trắng xinh xắn. Bây chừ thì hai chiếc xe đạp đi song song hàng ngày trên con đường Công chúa Huyền Trân.

Ni dự định chọn ban C khi lên đệ nhị cấp. Ni nói với Hoàng “Em sợ Toán lắm. Mai sau em sẽ thi vào Đại học Sư Phạm và làm cô giáo dạy Văn”. Hoàng nói “Còn anh sẽ thi vào trường Phú Thọ. Anh muốn làm kỹ sư. Mà kỹ sư thì phải giỏi Toán”.

Một bữa Hoàng rủ Ni lên chùa Thiên Mụ cầu cho anh thi đậu Tú tài I. Lo cho Hoàng, Ni đồng ý, lại còn đem theo một thẻ nhang. Hai đứa leo lên những bậc tầng cấp rồi nhìn ra dòng sông Hương lộng gió. Nước sông xanh ngắt. Hoàng đọc cho Ni nghe bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử rồi nói “Ông Hàn Mặc Tử là Thi Thánh. Ni có thấy đúng làdòng nước buồn thiu không?”. Ni ngạc nhiên dân ban B như anh Hoàng mà tâm hồn cũng lãng mạn rứa a?

Đến dưới chân tháp Phước Duyên, Hoàng thắp nhang rồi lầm thầm khấn. Ni hỏi “Anh khấn thi đỗ hạng ưu à?” Hoàng cười “Bí mật”. Hai đứa ăn bánh bèo Kim Long rồi đi về.

Một bữa Ni chạy qua nhà Hoàng nhờ bày cho cách làm một bài Essay. Muốn vô ban C Anh văn phải thiệt giỏi. Hoàng đang ngủ. Chắc đêm qua anh thức khuya quá. Ni lục bàn học của Hoàng tìm cuốn tự điển. Thấy một quyển sổ đèm đẹp, Ni cầm và lật ra xem. Trên nền giấy trắng, có hàng chục dòng chữ cả Anh lẫn Pháp: I love you, Je t’aime…Chu cha. Anh Hoàng có bồ. Ni nghe tưng tức trong bụng. Cô mô đây? Ni lật qua trang thứ hai. Hàng trăm chữ Hoàng Ni nối tiếp nhau. Trống ngực Ni đánh thình thịch. Ni chạy về nhà, vào phòng nằm trên giường tim vẫn còn run.

Sáng hôm sau, bé Na kêu “Chị Ni nhanh lên, anh Hoàng chờ hơn mười phút rồi”. Ni dắt xe đạp ra. Trên quảng đường dài, hai đứa không nói với nhau câu nào.

Hôm nay được nghỉ hai giờ cuối, Ni định về trước nhưng không hiểu sao lại đứng chờ Hoàng ở bức bình phong Long mã trước trường Quốc Học. Sông Hương mùa này nước đục, báo động mùa lũ sắp đến. Ni nhớ ngày còn nhỏ, hai đứa đi lội nước lụt, xem người ta rớ cá thật vui. Ni lại nhớ những dòng chữ trên cuốn tập ngày qua, lòng xôn xao…Hoàng đứng sau lưng Ni từ lúc nào. Anh trao cho Ni cuốn sách bọc giấy màu xanh da trời. Anh tặng Ni nè”. Đó là cuốn “Lá tương tư” của nhà văn Mường Mán, cuốn truyện đang làm xôn xao nữ sinh Đồng Khánh. Trên trang cuối cùng, Hoàng đề ba chữ nhỏ xíu bằng bút chì “Anh thương Ni”.

Chuyện của hai đứa bắt đầu như rứa đó. Ba mạ không cấm, chỉ khuyên hai đứa cứ như anh em xưa nay, khi nào lớn hẵng hay. Mạ Hoàng xuýt xoa “Thằng Hoàng thiệt có phước. Được gia đình ông Giáo thương”. Bác Tám sửa xe dưới gốc đa đầu xóm kêu “Hai đứa bây như Lục Vân Tiên với Kiều Nguyệt Nga”. Rồi bác ngâm nga “ Vân Tiên ngơ mặt chẳng nhìn. Nguyệt Nga ngó thấy càng thìn nết na” .

Hoàng thi tú tài I đậu hạng Bình. Ba thưởng tờ hai trăm kêu đi ăn bù lại thời kì sôi kinh nấu sử. Hai đứa chẳng biết ăn chi ngoài bánh bột lọc học trò của mụ Đỏ bên Chi Lăng. Hoàng rủ Ni lên chùa Thiên Mụ tạ ơn. Ni hỏi có phải anh tạ ơn thi đậu? Hoàng cười “Không, hôm nớ anh cầu cho Ni thương anh”. Ni lo lắng “Người ta nói thương nhau mà lên chùa Thiên Mụ là xui lắm”. Hoàng cả quyết “Có sông Hương làm chứng cho anh”.

Hoàng lên lớp 12, Ni lớp 10. Hai đứa quyết tâm học thật giỏi. Hoàng sẽ là kỹ sư, Ni sẽ là cô giáo. Bao nhiêu là ước mơ…

Vậy mà đùng một cái. Biến cố 75. Cái xóm nhỏ của hai đứa thay đổi như bom B52 nổ. Ba của Luyến không chết mà ông ta tập kết ra Bắc bây chừ trở về trên chiếc xe Com măng ca màu xanh bộ đội, nghe nói làm chức gì to lắm. Căn nhà ba tầng của Thiếu tá Huyền Trung đoàn 54 bị trưng thu thành Cửa hàng Thương nghiệp. Cô Luyến đứng vênh váo sau quầy trong chiếc áo mậu dịch viên, quyền hành to như giám đốc.

Bất ngờ hơn, ba Ni bị Công an khu vực đưa giấy gọi đi “cải tạo” vì có hai năm là Trung úy biệt phái. Mặc dù ba cố giải thích đây là chức vụ quân sự dự bị của ngành giáo dục, thực sự ba chưa cầm súng ngày nào. Nhưng ông Công an lạnh lùng nói “Nguyên tắc thiếu úy là đã phải đi học tập. Huống gì ông lại là Trung úy. Trung úy biệt phái có nghĩa là ông được phái qua giáo dục làm nhiêm vụ gì đó rất đặc biệt”. Mạ nước mắt lưng tròng chuẩn bị áo quần cho ba lên trại Cải tạo Bình Điền. Chị em Ni khóc rấm rứt. Xóm nhỏ ngậm ngùi thương cho ông giáo hiền lành chuyên làm việc phúc đức.

Hoàng chở Ni đi thăm ba. Con đường ngót hơn 20 cây số về phía Tây thành phố. Qua lăng Minh Mạng, qua buôn Tà Rầu lại thêm một con dốc cao vút mà người thăm nuôi phải lè lưỡi kêu “Mạ ơi!”. Lâu dần thành cái tên “Dốc Mạ ơi!”. Lên đỉnh dốc, hai đứa ngồi nghỉ ở một bụi tre.Thấy Ni buồn Hoàng nói “Bữa ni nhà có việc chi nặng cứ kêu anh”. Ba cũng dặn dò “Nhà còn có ba mẹ con. Đêm hôm có chuyện chi cứ nhờ anh Hoàng”.

***

Đời sống ngày càng khó khăn. Đói xanh mặt. Đói vàng mắt. Khẩu phần mỗi người một tháng chỉ được mua 3kg gạo, còn toàn là bo bo, sắn lát. Ni đi mua gạo theo phân phối. Luyến cầm sổ gạo vất cái chạch, miệng mỉa mai “Hoàng thị Ni Ni. Cái tên nghe sặc mùi đế quốc”. Gạo vàng khè, ẩm mốc. Mạ phải ngồi sàng từng con mọt. Sang nhà Hoàng, mạ Hoàng khoe “Bác mua được gạo trắng tinh. Con Luyến ngó rứa mà tốt”.

Một đêm mạ buồn buồn bảo Ni “Ba đi học tập không biết khi nào về. Mạ ốm yếu không làm chi được. Thôi con nghỉ học, tìm cái ngành nghề chi giúp mạ, giúp em qua ngày”.

Ni ứa nước mắt. Thôi rồi ước mơ. Đành vậy thôi. Ni bỏ trường, bỏ lớp, xếp mấy cái áo dài trắng vào tủ đi học thêu ren ở Hợp tác xã Vĩnh Ninh. Giá một bức tranh thêu được hai đồng bạc Bắc. Hoàng an ủi “Thôi để anh học gấp đôi, bù cho Ni”.

Lần thăm nuôi thứ hai, Hoàng đưa cho Ni một gói đường cát. Ni hỏi ở đâu ra. Hoàng nói cửa hàng nhờ làm sổ sách, cô Luyến tạ ơn. Ni mừng húm. Gói đường giúp ba có thêm calories sau những buổi lao động mệt nhọc. Lần này Ni đi một mình. Mấy tháng nay Hoàng cũng phải kiếm việc làm thêm. Mạ Hoàng cũng phải giải nghệ gánh bún bò. Thời buổi không ai có tiền để ăn thứ hàng xa xỉ này. Lên con dốc “Mạ ơi!”, Ni ngồi nghỉ đúng chỗ hai đứa ngồi hôm trước. Ba gầy và xanh hơn. Ba an ủi Ni “Chắc Ba học tập cũng nhanh thôi. Ba đâu có làm gì hại dân hại nước”.

***

Bé Na kêu “Ui chị Ni, em thấy anh Hoàng chở bà Luyến”. Ni gạt phắt “Đừng nói tào lao. Công việc đó em”. Thâm tâm Ni cũng nghĩ bé Na nói bậy. Ni tự tin nhớ lời Hoàng “Con gái con lứa ăn nói cục mịch, cười ha hả. Vô duyên”.

Dạo này Ni thêu đẹp, chăm chút từng đường kim mũi chỉ cố tăng thêm thu nhập. Chị  tổ trưởng khen “Bé Ni có năng khiếu”. Ni cười buồn “Gặp thời thế thế thời phải thế!”. Ni nhớ tuổi thơ năm nào vụng về may cái áo rách cho Hoàng. Mai sau mình sẽ vá áo cho anh ấy thật đẹp.

Ni lên Cửa hàng Thương nghiệp Thành phố xin duyệt cái giấy giới thiệu mua chỉ màu cho tổ hợp thêu. Lâu rồi Ni không đi đâu, chỉ biết cắm mặt vào cái khung thêu. Con đường Lê Lợi thênh thang với hàng cây long não xanh ngắt trên đầu. Ni nghe lòng chùng lại khi đi qua trường cũ. Ngay cả ngôi trường cũng đã thay tên. Ni tò mò đưa mắt nhìn vào. Môt đám học sinh vừa nam vừa nữ đang quét dọn trong sân. Ngôi trường cũng không còn độc quyền giành cho đàn bướm trắng của Huế. Ni nhớ cái phòng học tôi tối của lớp 10 C; nhớ giờ Anh văn của thầy Hạnh; nhớ cây thước của cô giám thị Hạnh Phước; nhớ giờ ra chơi chạy xuống mua yaourt với mục đích chỉ để ngắm khuôn mặt duyên dáng của chị Minh Đức rồi bàn tán chị nào đẹp nhất trường mình. Chị Tiểu Kiều hay Mộng Vân,Tường Vy…Tất cả bây chừ như một thế giới mơ hồ xa lắc.

Chực chờ cả hai tiếng đồng hồ, bà chủ nhiệm mới duyệt cho Ni với một chữ ký loằng ngoằng không rõ nét. Ni thở phào nhẹ nhõm bước ra. Chiều đã về trên thành phố. Những đám mây trắng lang thang trên bầu trời. Ni yêu Huế, một xứ Huế cơ cực nhưng duyên dáng, những con người hiền lành với những mối tình dài lâu như ba mạ, như Ni với Hoàng. Ni tự nhắc mình nhớ nhờ Hoàng qua sửa cái công tắc điện nhà bếp tối nay.

Ni ngồi ở chỗ sửa xe của bác Tám chờ Hoàng. Mạ Hoàng nói anh đang quyết toán sổ sách cuối quý cho cửa hàng. Ni ngại khi phải chạm mặt Luyến. Bao giờ mặt cô ta cũng đăm đăm khi thấy Ni. Bác Tám hỏi thăm tình hình của ba Ni rồi thở dài.

Chờ lâu lắm rồi Hoàng cũng bước ra, sau lưng là Luyến. Luyến nhảy lên sau yên chiếc xe đạp rồi vòng tay ôm lấy lưng Hoàng. Trên giỏ xe đầy ắp thuốc lá, đường, sữa…Hoàng cong lưng nhấn cái bàn đạp. Anh ngó lơ khi nhìn thấy Ni. Nụ cười của Luyến vang vọng khanh khách. Ni cúi mặt nghe lòng chênh chao. Bác Tám lầm bầm “Đồ ngựa Thượng Tứ !”.

Ni đi thăm ba. Dĩ nhiên là không còn Hoàng. Cái giỏ xách nhẹ mà lòng Ni nặng trĩu. Đẩy chiếc xe đạp lên dốc “Mạ ơi!” tưởng không muốn nổi nhưng Ni không dừng lại nghỉ, không ngó đến nơi hai người đã từng ngồi. Câu nói hôm nào đau thắt trong ngực Ni “Có sông Hương làm chứng cho anh”.

Ba hỏi thăm tình hình mấy mạ con ở nhà và rồi “Thằng Hoàng mô? Răng con đi một mình?” Ni giả đò như không nghe ba hỏi. Ba bóp nhẹ tay Ni không nói gì. Bàn tay quen cầm phấn của ba nay đã chai sần, nổi u nổi cục.

Lượt về, đứng trên dốc nhìn xuống. Nếu không có ba mạ, bé Na, chắc Ni sẽ cho xe lao xuống và buông hai tay…

***

Ni cúi mặt trên khung thêu. Cái tin Hoàng cưới cô Luyến rồi đi học Đại Học Thương nghiệp tận ngoài Hà Nội mấy hôm nay xôn xao xóm nhỏ. Nhà Hoàng được quét vôi sạch sẽ. Ông bố Luyến còn cho người tới tô xi măng cái sân. Mạ Hoàng nói với người trong xóm “Tui tội con Ni nhưng lấy con Luyến thằng Hoàng mới có tương lai”. Chú Tám sửa xe lại nói lối “Xin đừng tham đó bỏ đăng. Chơi lê quên lựu chơi trăng quên đèn”. Mỗi lần bắt buộc phải đi ngang nhà, Ni che nón cúi mặt bước nhanh như chạy trốn.
Chị Tổ trưởng xếp lại mấy cái khăn thêu nói bâng quơ “Ở xứ ni con gái bao giờ cũng thiệt thòi vì cái tình nặng quá. Con trai rũ một cái nhẹ tênh”. Cây kim đâm vào ngón tay Ni. Một giọt máu rơi xuống bức tranh thêu. Mắt Ni long lanh. Chỉ tại chiều hôm nay trời nhiều gió…

*

Ni mở cái hộp gỗ cẩn xà cừ mạ cho hôm sinh nhật mười sáu tuổi. Mùi hương trầm thoang thoảng bay lên. Tất cả gồm ba mươi hai tờ giấy perlure màu xanh, màu hồng  được buộc lại bằng một sợi ruy băng đỏ. Niềm tin của Ni đó. Tình yêu của Ni đó.

Ni châm ngọn nến trắng. Tay run run cầm những tờ thư. Này là hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ trong bài Tương Tư: “Trăng soi trước mặt ngờ chân bước.Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào”. Này là thơ Xuân Diệu: “Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất. Anh trao em cùng với một phong thư ”. Này là đóa tường vi được ép khô hôm hai đứa đi vô Đại Nội. Này là cây viết Pilot màu tím có khắc hai chữ Hoàng Ni…

Một tấm ảnh rơi ra. Ảnh của Hoàng hôm thi đậu Tú tài Bán được thầy Hiệu trưởng Quốc Học Phan Khắc Tuân trao phần thưởng. Nụ cười Hoàng trong sáng rạng rỡ. Ni thẫn thờ đưa bức ảnh vào lửa. Gương mặt Hoàng méo mó, nhăn nhúm, cong queo.

Ni mở to mắt nhìn trừng trừng đống tro tàn. Đầu xóm tiếng pháo đón dâu nổ ran…

 

Hương Thủy

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search