T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Hữu: Đọc “Đứng ngẩn trông vời” của Hoàng Quân

Nắng lừng lững đến,

đẹp như chàng thanh niên

vừa bước vào tuổi đàn ông

Những cành cây vươn dưới nắng trong

là bờ vai chàng mạnh mẽ

Dưới chiếc quần ngắn,

đôi chân chàng như hai cây thông thẳng tắp

Người đàn bà nheo mắt nhìn ra

từ khung cửa bếp,

thấy lòng đầy ắp nắng (1)

Tôi đã nghĩ đến những câu thơ của Trần Mộng Tú khi đọc truyện Đứng Ngẩn Trông Vời của Hoàng Quân trong tập truyện cùng tên của tác giả. (2)

Điều thú vị, ở đây không phải “Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư” như là câu thơ của Huy Cận. Ở đây không phải “áo tiểu thư” mà là… áo công tử; nói đúng hơn, là áo “quý tử”. Ở đây không phải chàng trai mà là bà mẹ đứng ngẩn người ra ngắm nhìn cậu con trai mình ngày nào còn bé tí tẹo nay đã vươn vai hóa thành “chàng thanh niên vừa bước vào tuổi đàn ông”.

Tôi biết, không chỉ bà mẹ Trần Mộng Tú, bà mẹ Hoàng Quân, mà rất nhiều bà mẹ trên đời này từng “đứng ngẩn trông vời” đứa con yêu của mình, một sớm một chiều “bỗng nhiên mà họ lớn”, bay vù ra khỏi vòng tay ôm của mẹ với những cảm xúc là lạ khó tả.

Thử nghe bà mẹ Hoàng Quân kể về cảm xúc và tâm trạng của mình:

Tôi tập dần quen với suy nghĩ bước vào tuổi chớm già của mình. Nhưng vẫn chưa muốn nhận thấy con mình không còn là đứa trẻ nhỏ, chạy lúc thúc theo mình, vòi vĩnh, đòi bồng ẵm. Vài năm trước, khi Bê bể giọng, ồ ề, tôi cứ tự nhủ, kiểu tự kỷ ám thị, thằng nhóc chắc mặc áo quần không đủ ấm nên bị cảm lạnh. Tôi như cố tránh ý nghĩ, con đang mình bước vào tuổi dậy thì. Tôi nhớ, mới năm nào đây, Bê vào lớp một trường tiểu học. Bê thành “người lớn” một sớm một chiều.  (Đứng Ngẩn Trông Vời)

Rồi sao nữa?… Cần gấp rút chuẩn bị để kịp thời đương đầu với tình thế mới:

Tôi bắt đầu nghe ngóng các trao đổi của những bậc phụ huynh có con trai lớn. Tôi nghe kể, con trai lớn của bà chị họ đưa bạn gái về nhà chơi, cậu dắt cô đến chào bác trai, bác gái rồi cùng nhau “lặn” về phòng cậu. Chị hối chồng chạy ra tiệm thuốc tây mua “hệ thống phòng thủ”. Anh dãy như đỉa phải vôi, “Bà còn vẽ đường cho hươu chạy nữa.”… Chị không còn cách nào khác, vội lấy xe, chạy ù ra phố. Về nhà, chị gõ nhẹ cửa phòng, bảo cậu ra cho chị nói chuyện. Rồi chị kín đáo dúi vào tay anh con trai món hàng vừa mua. Tôi tấm tắc ngưỡng mộ, “Trời trời, chị ngầu quá! Rồi khi đưa cho nó, chị nói sao?…”

Bê còn một năm nữa là tròn 18 tuổi. Tôi cứ lo lắng miết. Lỡ có khi tôi ở vào tình huống như bà chị họ, liệu tôi có đủ bình tĩnh chạy ra tiệm thuốc tây chăng? Tôi cũng chưa tưởng tượng được rồi mình sẽ nói ra sao với Bê… (Đứng Ngẩn Trông Vời)

Thế rồi, chuyện gì đến sẽ phải đến. Những xao động về tâm lý, tình cảm của cậu học trò ở tuổi vừa lớn cũng làm bà mẹ cậu phải xao động, bồn chồn:

Đột nhiên, tôi tỉnh hẳn. Trong trí tôi bao nhiêu là câu hỏi, bao nhiêu là giả thuyết. Cu Bê đã nhặt vỏ sò, không phải để tặng Mẹ như từ trước đến giờ. Bê vẫn hay tặng tôi những thứ lỉnh kỉnh dễ thương. Ô, vậy là, vậy là…, Bê dự định tặng cho “con bé” nào đó sao! Ý nghĩ đó làm tôi như giật bắn cả người. Con bé chắc học ngang lớp Bê, cũng mười bảy như Bê? Hay học dưới lớp Bê, cỡ tuổi tôi hồi đó? Bê sẽ có viết gì trong vỏ sò không? Ui chao, con bé đó có cuống quít không? Có như tôi, có vội vàng cúi đầu giấu mặt vì sợ người ta biết nó xao xuyến?…

“Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn…” Không biết Bê có khái niệm áo tiểu thư là gì chưa, đã có trận gió tình yêu nào đó thổi qua chưa. Riêng tôi, thấy mình buồn buồn, đang đứng ngẩn trông vời đứa con mình khôn lớn, đủ lông cánh, xa dần khỏi tầm tay.  (Đứng Ngẩn Trông Vời)

Tôi chắc cái “buồn buồn” ấy cũng là cảm xúc và tâm trạng của bao nhiêu bà mẹ khác. Bên cạnh nỗi vui sướng nhìn ngắm đứa con mình trưởng thành, bên cạnh những tình cảm thương yêu và tự hào vẫn có lẫn nỗi tiêng tiếc, buồn buồn. Làm sao không tiếc, không buồn cho được khi nhận thức cái khoảng cách mơ hồ giữa mình và đứa con yêu ngày nào còn bồng ẵm trên tay. Khoảng cách ngày càng xa hơn, và giữa mẹ và con trai thì khoảng cách ấy bao giờ cũng xa hơn giữa mẹ và con gái.

Người mẹ như cảm thấy xa dần đứa con mình, xa dần tâm hồn trong sáng như tờ giấy trắng.

Mẹ chồm qua vặn nhẹ tai Bê:

– Thằng ni xạo quá. Ngó bộ ít bữa lớn Bê đi làm luật sư được đó.

Bê lúc lắc đầu:

– Sao bữa trước Mẹ nói con sẽ thành bác sĩ tại con viết chữ như gà bới.

Cuối tuần, Bê học tiếng Việt với Mẹ. Mẹ dạy Bê câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Bê không đồng ý:

– Con ăn quả nhớ công Ba Mẹ đi chợ. Ba Mẹ trả tiền là trả công cho người trồng cây rồi.

(Yêu Lời Mẹ Ru)

Người đọc dễ bắt gặp những dí dỏm, những lời lẽ ngây thơ con trẻ như thế trong truyện Hoàng Quân.

Một lần tôi đang ủi áo quần, thời gian đó, anh Lợi mới tặng cho tôi dĩa The Phantom of the Opera. Đầu óc tôi cứ lởn vởn bài All I Ask of You. Vừa chăm chỉ miết bàn ủi trên áo, tôi cất giọng… “Say, you’ll share with me one love, one lifetime, say the word…” Từ trong phòng Bê phóng như bay ra, mặt hốt hoảng:

– Mẹ, Mẹ có bị sao không Mẹ? Mẹ có bị phỏng không?

Tôi ngơ ngác nửa giây, rồi chợt hiểu:

– Không, Mẹ cám ơn Bê cưng. Mẹ chỉ hát thôi.  (Rồi Từ Giọng Hát Em…)

Cái nghịch nghịch, têu tếu ấy mang đến những nụ cười bất ngờ và sảng khoái cho người đọc.

Sau đó, tôi không còn đèo bòng sân khấu, nhưng vẫn tụm năm, tụm ba hát nhạc Anh, nhạc Pháp. Tôi theo Tuyết Nhung, cô bạn thời Marie Curie, học tiếng Pháp (“ông thầy” là anh chàng Phú, nghe đâu dân trường Tây thiệt), để bắt chước hát Tous les garçons et les filles, hoặc Main dans la main. Nếu ông Tây, bà Mỹ nghe tôi hát sẽ nghĩ, tiếng Việt sao cũng hơi hơi giống tiếng Pháp, tiếng Anh.  (Rồi Từ Giọng Hát Em…)

Có lắm lúc tác giả tự diễu mình để làm… vui người đọc.

Xe tôi thường có cái gối, để thêm chút thước tấc cho tài xế. Chồng con tôi đùa, khi tôi ngồi ở ghế tài xế, xe sau tưởng xe mình không có người lái. Ấy, vậy mà thời nay, xe không người lái là đề tài nóng bỏng thiên hạ bàn tán rân ran. Biết đâu, ngày xưa, ông kỹ sư nào đó chạy sau xe của tôi, không thấy tài xế, xe vẫn chạy bon bon. Nhờ đó, ông nảy sáng kiến chế tạo xe không người lái. 

(Tay Lái Lụa)

Cứ thế, dòng văn chương Hoàng Quân xuôi chảy như dòng suối mát, trong trẻo của những thương yêu ngọt ngào. Tác giả cũng từng bộc bạch, như lời thú tội thành khẩn:

Tôi biết, vì tật mê nhạc của tôi, vì giọng hát nửa vời của tôi, bao nhiêu người quanh tôi đã phải chịu đựng nhiều. Nhưng tôi ước mong luôn đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những khán, thính giả bất đắc dĩ, bằng trọn con tim đầy ắp yêu thương của tôi.  (Rồi Từ Giọng Hát Em…)

“Truyện Hoàng Quân như ‘liều thuốc bổ’ mang đến sự trẻ trung vui tươi cho người đọc để thấy cuộc đời này vẫn còn đáng yêu đáng sống,” tôi nhớ có lần nói đùa, nói thật với tác giả.

Nhà văn sở trường lối văn kể chuyện, là những tự truyện hay những truyện rất gần với “người thật, việc thật” được độc giả yêu thích qua lối văn trong sáng, nhẹ nhàng, không cầu kỳ kiểu cọ, và lối dẫn dắt câu chuyện thật tự nhiên mà lôi cuốn như một người kể chuyện có duyên khiến người đọc đã trót đọc là phải đọc cho hết cái truyện chứ khó mà bỏ ngang được.

Tác giả viết truyện khá thoải mái, dễ dàng với những đề tài, những câu chuyện không phải tìm kiếm đâu xa, như chuyện vợ chồng, con cái trong một gia đình nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười, chuyện bạn bè cũ, thầy cô giáo cũ, bạn đồng nghiệp ở sở làm hay những sinh hoạt thường ngày nơi thành phố cô đang sống (Bad Nauheim, Germany). Những đề tài thật gần gũi khiến người đọc dễ cảm thấy gần gũi với câu chuyện, với tác giả, và cũng dễ tìm thấy những đồng cảm, chia sẻ.

Có khi tác giả ngược dòng thời gian tìm về những đường xưa lối cũ, những “hoa bướm ngày xưa”, những sân trường lớp học, nói văn vẻ là tìm về những “dấu chân kỷ niệm” của những tháng năm tươi đẹp nhất của một đời người.

Lại có khi người đọc được “du lịch hàm thụ” qua những câu chuyện kể về những chuyến viễn du kỳ thú với những chuyện lý thú ít người biết, như chuyện về hòn đảo du lịch nổi tiếng Rhodes ở Hy Lạp với làn nước biển trong suốt màu xanh ngọc và bờ vịnh xinh đẹp, quyến rũ nhất trên đảo được đặt tên là Anthony Quinn Bay, tên người diễn viên điện ảnh quen thuộc với khán giả người Việt trong những phim The Guns of Navarone, The Hunchback of Notre Dame

Dọc bờ biển trên đường đến ‘hạt ngọc” Lindos, có một vịnh nhỏ mang tên của một tài tử xi-nê Hồ-Ly-Vọng. Trong cuốn phim Những Khẩu Đại Pháo Thành Navarone (The Guns of Navarone), có vài đoạn phim được quay trên đảo Rhodes. Sau khi cuốn phim được trình chiếu vào năm 1961, vịnh Vagies, một vịnh biển kín, nước êm như mặt hồ, gần Faliraki, bỗng nhiên nổi tiếng, được hàng triệu khán giả khắp nơi trên thế giới biết đến. Chính phủ Hy Lạp thời bấy giờ cao hứng, tặng cái vịnh be bé này cho tài tử Anthony Quinn, một trong những vai chính của phim. Vịnh được mang tên của tài tử này.  (Rhodes – Hy Lạp, Hải Đảo Hoa Hồng)

Trong tập truyện Đứng Ngẩn Trông Vời tôi đếm được mười hai truyện. Từ những truyện xoay quanh nhân vật “cu Bê” của tác giả (Đứng Ngẩn Trông Vời, Yêu Lời Mẹ Ru, Chó Chuột Chim Cá, Vận Động Viên, Chuyện Con Chuột Răng) đến những truyện lý thú như cuộc hội ngộ của nhóm bạn học cũ đến từ những phương trời nào xa xăm (Bài Ca Hạnh Ngộ) hay chuyện phụ nữ học lái xe nơi xứ người (Tay Lái Lụa), đến câu chuyện cảm động về những người thầy, cô giáo cũ (Cô Giáo, Thầy Giáo), đến những tự truyện như Duyên Nợ Văn Tự cho thấy con đường đến với nghiệp văn chương của tác giả như là một cuộc dạo chơi có lắm bất ngờ và nhiều hứng thú.

Nhờ duyên lành, tôi gặp Thế Kỷ 21 và anh Phạm Phú Minh năm xưa. Mười mấy năm qua, tôi may mắn gặp thêm nhiều duyên lành khác, có thêm bạn văn, bạn đọc, bạn lòng. Để bây giờ, mặc những tất bật, áp lực của thế giới chung quanh, tôi vẫn tìm được niềm vui trong viết lách và vẫn tìm được những tâm hồn đồng điệu, dẫu không nhiều, nhưng đối với tôi cũng đủ thăng hoa cuộc sống.

Trong nhiều truyện, Hoàng Quân kể về cái “tôi”, cái “chân dung tự họa” của mình một cách thật tự nhiên và thân mật đến mức người đọc không cảm thấy là những chuyện riêng tư, hoặc cảm thấy thật gần gũi như đấy cũng là cái “tôi” chung của nhiều người. Nhiều bà mẹ tìm thấy mình trong truyện Đứng Ngẩn Trông Vời và những “truyện nhi đồng” của tác giả. Đấy là cái bản lãnh của người viết văn và cũng là sở trường của tác giả mà không phải nhà văn nào cũng làm được.

Trong nhiều truyện khác, Hoàng Quân viết về cuộc sống muôn màu muôn vẻ ở quanh mình, truyện của tác giả có lẽ vì vậy luôn mang “hơi thở của cuộc sống”, khiến người đọc đôi lúc tưởng như cuộc sống như thế nào thì tác giả mang vào truyện như thế ấy. Công việc của nhà văn chỉ là lược bớt đi cái phần thô nhám và thêm vào đấy chút gia vị, như thêm chút gia vị vào cuộc sống làm cho đời sống đẹp thêm lên một chút và người đọc cũng thêm yêu người, yêu đời. Đấy cũng lại là bản lãnh của tác giả, như nhận định của nhà văn T.Vấn, “Cô là một trong những tác giả hiếm hoi đã đem được đời sống thật vào tác phẩm một cách khéo léo. Khéo léo đến độ người đọc không thể tự mình quả quyết những nhân vật trong truyện của cô là có thật hay là hư cấu…” (Tựa, tập truyện Đứng Ngẩn Trông Vời )

Có một tự truyện thú vị khác mà tác giả chưa kể, và chắc thế nào cũng kể. Chuyện về một quán café quen tên và “ai cũng quen nhau” ở một thị xã miền Trung ngày xưa, nơi nhiều học sinh, sinh viên và những chàng lính trẻ thường lui tới, có khi ngồi cả buổi, không chỉ nhìn những giọt café nhỏ từng giọt, từng giọt mà còn lặng lẽ ngắm nhìn cô bé hay hay, ngồ ngộ thấp thoáng sau quầy, rồi về nhà… làm thơ, viết nhạc. Những ai từng có “một thời để yêu và một thời để… ngồi quán” ấy thật khó mà ngờ rằng, cô hàng cà phê be bé xinh xinh có đôi mắt to ấy, cô nàng “ngày xưa Hoàng Thị…” từng khiến nhiều chàng trai phải “đứng ngẩn trông vời” trên đường cô đến trường hay “em tan trường về” ấy, nay là nhà văn Hoàng Quân.  Cô đã và sẽ còn viết tiếp những câu chuyện có lắm tình tiết ly kỳ, lý thú như thế. Làm sao không hấp dẫn cho được!

*  *  *

Hoàng Quân, cho dù bút danh của nhà văn có “nam tính” thế nào thì giọng văn đầy nữ tính ấy vẫn không giấu được người đọc. Không phải là cô không biết như thế, nhưng cô đã mượn tên cậu con trai mình để nối liền giấc mơ chưa trọn. Con cái luôn là ước mơ nối dài của bố mẹ, cô không thể nào “đứng ngẩn trông vời” mãi đứa con mình, nhưng bằng cách ấy, hai mẹ con cô sẽ đồng hành mãi bên nhau suốt một đời viết văn của mẹ.

Cu Bê, cậu bé hay hỏi tại sao, hay lý lẽ với bố mẹ cậu, nay đã vươn vai thành chàng luật sư Hoàng Quân trẻ trung, cao ráo, đẹp trai. Rồi ngày nào đó, cậu sẽ “đứng ngẩn trông vời” những “áo tiểu thư”, cậu sẽ tìm đến những người phụ nữ khác, không phải là mẹ mình. Chàng trai đã mạnh dạn bước vào đời bằng những bước chân vững chãi, tự tin. Liệu chàng có biết được rằng, trên con đường đời của chàng vẫn có một người phụ nữ, vẫn có ánh mắt trông theo bước chân chàng cho đến suốt cuộc hành trình, cho đến hết cuộc đời này.

Rồi mai đây, Bê sẽ tham gia môn thể thao của trường đời: môn chạy đua đường trường. Môn thể thao này sẽ cam go, khó khăn hơn những trận đấu bóng với bạn bè. Mẹ nói, bây giờ Bê đã lớn. Mẹ tin rằng Bê luôn đủ sức chống chỏi trong sân vận động của trường đời. Mẹ không còn đạp xe kè kè theo sau Bê, phòng khi Bê té ngã. Ba Mẹ không trực tiếp theo dõi những trận đấu để vỗ tay khích lệ Bê. Nhưng Bê luôn nhớ lời Ba Mẹ nói, “Lúc nào Bê cũng là vận động viên hạng nhất của Ba Mẹ.”  (Vận Động Viên)

Thật may mắn, thật hạnh phúc cho “cu Bê” và cho những ai vẫn có những ánh mắt dõi theo trên con đường đời, ánh mắt ấm áp thương yêu của những người thân còn mãi “đứng ngẩn trông vời”.

Lê Hữu

 

(1)  “Con trai và mùa hè”, thơ Trần Mộng Tú

(2)  Đứng Ngẩn Trông Vời, tập truyện Hoàng Quân, Nxb Nhân Ảnh, 2018

* Sách được bán trên Amazon:

https://www.amazon.com/Dung-Ngan-Trong-Voi-Vietnamese/dp/1722105976

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search