T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hòai Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (79) – NHẠC PHIM – Dẫn nhập

clip_image002

Trong phần cuối của loạt bài “Những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt”, chúng tôi sẽ giới thiệu một số ca khúc, nhạc khúc trong những cuốn phim nổi tiếng được đặt lời Việt; và trước khi làm công việc này, cũng xin được viết đôi hàng về tầm quan trọng của âm nhạc trong phim ảnh, cũng như sơ lược về sự ra đời và phát triển của nền nhạc phim.

Như những ai yêu chuộng bộ môn điện ảnh có thể đã biết, điện ảnh, tức “cinema” (nguyên là tiếng Pháp “cinéma”, viết tắt của “cinématographe”) được gọi một cách văn hoa là “nghệ thuật thứ bảy”.

Trước khi điện ảnh ra đời, sáu bộ môn nghệ thuật trước đó – do triết gia Đức Friedrich Hegel (1770-1831) đề xuất – gồm: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thi ca, và vũ.

Năm 1911 – 15 năm sau khi anh em Auguste và Louis Lumière trình chiếu cuốn phim đầu tiên tại Paris – ông Ricciotto Canudo (1877-1923), một học giả người Ý sinh sống tại Kinh thành Ánh sáng, đã thành lập câu lạc bộ những người yêu phim ảnh, và xuất bản một tạp chí để quảng bá cho bộ môn nghệ thuật mới, mà ông xưng tụng là nền “nghệ thuật thứ bảy của nhân loại (le Septième Art, the Seventh Art).

Trong số bảy bộ môn nghệ thuật ấy, nghệ thuật thứ sáu, tức vũ, và nghệ thuật thứ bảy, tức điện ảnh, không đứng một mình mà thường phải phối hợp với nghệ thuật thứ tư, tức âm nhạc. Ở đây chúng tôi chỉ viết về điện ảnh và âm nhạc.

Ngay từ thời “phim câm” (silent movie), khi kỹ thuật thu âm vào phim nhựa chưa được phát minh, những dòng đối thoại giữa các nhân vật trong phim còn được chiếu trên một màn ảnh phụ, thì đã có nhạc đệm cho phim ảnh. Dĩ nhiên là “nhạc sống”.

clip_image004

Anh em Auguste và Louis Lumière trình chiếu cuốn phim đầu tiên tại Paris

Trong buổi chiếu cuốn phim đầu tiên của anh em Lumière vào cuối năm 1895 tại Paris, người ta đã sử dụng một cây đàn ghi-ta.

Tiếp theo là dương cầm hoặc phong cầm (organ), về sau có khi cả một dàn nhạc. Riêng tại Hoa Kỳ, đôi khi người ta còn cho phát nhạc từ đĩa hát.

Theo một số nhà nghiên cứu, thời gian đầu, mục đính chính của việc cho chơi nhạc khi chiếu phim chỉ cốt để át tiếng ồn của máy chiếu phim cũng như tiếng nói chuyện của khán giả, nhưng dần dần về sau, khi tiếng ồn của máy chiếu phim cũng như tiếng nói chuyện của khán giả đã giảm bớt cùng với chất lượng, sức thu hút của phim ảnh gia tăng, phần nhạc đệm theo phim (musical accompaniment) đã trở thành một thứ không thể thiếu khi chiếu một cuốn phim.

Trước kia, các chủ nhân rạp chiếu bóng có thể mướn bất cứ một tay đàn nào để “làm át tiếng ồn”, nhưng về sau họ phải mướn những người đàn có trình độ tương đối, và nhất là có kinh nghiệm đệm đàn cho phim. Từ đó nảy sinh một nghề mới: accompanists!

Về nội dung, chất liệu của phần nhạc đệm này, cho tới những năm đầu thế kỷ 20, vẫn còn mang tính cách tùy tiện, có khi là những sáng tác có sẵn (thường là của các nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng), có khi do ngẫu hứng của người đàn.

Phải đợi tới năm 1908, kỹ nghệ điện ảnh Hoa Kỳ mới bắt đầu “tiêu chuẩn hóa” nhạc đệm cho các buổi chiếu phim, trong đó công việc quan trọng nhất là lựa chọn một danh sách những khúc nhạc sao cho phù hợp với nội dung của từng cuốn phim, gọi là “cue sheet”. Độ dài của mỗi khúc nhạc ấy lại phải phù hợp với đoạn phim tương ứng.

Edison Studios của nhà phát minh Thomas Edison (1847-1931) là hãng phim đầu tiên thực hiện “cue sheet” cho phim, bắt đầu vào năm 1909.

Trong những năm đầu của thập niên 1910, đa số nhạc khúc trong các “cue sheet” ở Hoa Kỳ đều dành cho dương cầm, nếu có thêm một vài nhạc khí khác thì cũng chỉ để phụ họa.

Tới giữa thập niên 1910, nền nhạc đệm cho phim trở nên phong phú hơn bao giờ hết với hai phát triển sau đây:

(1) Dàn nhạc đệm quy mô: ở Tây Âu, người ta bắt đầu sử dụng các dàn nhạc quy mô với những nhạc khúc được sáng tác riêng cho từng cuốn phim, sao cho phù hợp nội dung phim để đem lại, hoặc gia tăng cảm xúc nơi khán giả.

Một số hãng phim lớn khi thực hiện những tác phẩm quan trọng còn cho soạn phần nhạc đệm trước theo kịch bản, sau đó đưa dàn nhạc tới phim trường, đệm theo từng cảnh trong cuốn phim (đang được thu hình) để tạo cảm hứng, cảm xúc cho diễn viên.

Riêng tại Hoa Kỳ, việc sáng tác nhạc phim riêng cho từng cuốn phim do dàn nhạc quy mô trình tấu không mấy phổ biến. Mãi tới năm 1915, khi thực hiện cuốn phim mang tính cách lịch sử Birth of a Nation, người ta mới áp dụng hình thức đệm nhạc này; và 10 năm sau đó với cuốn phim Ben Hur bất hủ.

[Đây là cuốn phim Ben Hur thứ nhất (1925) phỏng theo cuốn truyện Ben-Hur: A Tale of the Christ nổi tiếng của tác giả Lew Wallace. Cuốn Ben Hur thứ hai thực hiện năm 1959, tuy không mang nhiều giá trị nghệ thuật bằng cuốn phim thứ nhất, nhưng đã tạo kỷ lục với 11 giải thưởng điện ảnh Oscar. Ngày ấy ở Sài Gòn, cuốn phim Ben Hur thứ hai (1959) đã được chiếu nhân dịp khai trương rạp Rex]

(2) Đại phong cầm cho rạp hát (theater organ), được xem là sự dung hòa giữa cây dương cầm đơn lẻ và một dàn nhạc quy mô. “Theater organ”, mà người Anh gọi là “cinema organ”, với cấu trúc quy mô, vĩ đại, kỹ thuật tinh xảo, vừa có khả năng thay thế một dàn nhạc hạng trung (có cả tiếng trống và cymbals), vừa có khả năng tạo ra những âm thanh hiệu ứng đặc biệt (special effects), từ tiếng còi tàu, còi xe lửa, kèn xe hơi tới tiếng chim hót…, thậm chí cả tiếng súng nổ, tiếng chuông điện thoại reo, tiếng sóng vỗ, tiếng vó ngựa, tiếng chai lọ vỡ bể, tiếng sấm sét, tiếng mưa rơi…

Nổi tiếng nhất là dàn organ “Mighty Wurlitzer” của hãng đàn Mỹ Rudolph Wurlitzer Company (do di dân gốc Đức Rudolph Wurlitzer thiết lập tại Cincinnati năm 1853), với bốn dàn phím và hằng trăm nút, “key” đặc biệt. Hiện nay trên thế giới vẫn còn khoảng bảy dàn “Mighty Wurlitzer” được trưng bày hoặc biểu diễn tại Anh, Đức và Hoa Kỳ.

clip_image006

Mighty Wurlitzer

* * *

Tới đây chúng tôi viết về thời kỳ phim có âm thanh.

Trên thực tế, ngay từ năm 1896, tức là chưa đầy 1 năm sau buổi chiếu cuốn phim đầu tiên của anh em Lumière tại Paris, cơ sở kỹ thuật Edison đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu, tìm ra cách lồng âm thanh (đối thoại và nhạc phim) trực tiếp vào phim ảnh. Tuy nhiên cũng phải đợi tới đầu thập niên 1920, khi máy khuếch đại (amplifier) sử dụng bóng đèn điện tử chân không (vacuum tube) và loa khuếch đại (loudspeaker) ra đời, kỹ thuật lồng âm thanh trực tiếp vào phim ảnh mới được bắt đầu được ứng dụng, trước hết là tại Hoa Kỳ.

Phương pháp thứ nhất được gọi là “sound-on-disc”. Thực ra đây chỉ là một sáng kiến “nửa vời”, ứng dụng kỹ thuật có sẵn: thu âm thanh vào đĩa hát, khi chiếu phim người ta sử dụng máy hát đĩa để phát những đĩa này, có khác chăng là công việc được thực hiện một cách quy mô hơn, công phu hơn, với những đĩa hát khổng lồ chứa đựng phần âm thanh của cả một cuốn phim.

Hãng phim Mỹ Warner Brothers là hãng đầu tiên ứng dụng kỹ thuật “sound-on-disc” vào một cuốn phim thương mại: The Jazz Singer, trình chiếu vào tháng 10 năm 1927.

Phần âm thanh của cuốn phim này, cũng như một vài cuốn phim hiếm hoi có âm thanh phát hành trong năm 1928, chỉ có nhạc chứ không có đối thoại.

Điều này cũng dễhiểu bởi ngày ấy kỹ thuật ráp nối (editing, còn gọi là phân cảnh) còn thô sơ, cho nên việc tạo một sự ăn khớp chính xác (synchronization) giữa đối thoại thu trong đĩa hát với môi miệng của diễn viên trên màn bạc vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói không thể nào thực hiện nổi.

Vì thế, đa số phim thực hiện trong năm 1928 và nửa đầu của năm 1929 vẫn tiếp tục là “phim câm”.

Chỉ tới khi cuốn phim có đối thoại Blackmail của đạo diễn Anh Alfred Hitchcock chiếu ra mắt tại Luân-đôn vào cuối tháng 6 năm 1929 thì gió mới bắt đầu xoay chiều.

[Sir Alfred Hitchcock (1899–1980), là nhà đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim nổi tiếng và tạo ảnh hưởng mạnh nhất của nền điện ảnh Anh quốc; thường được xưng tụng là “ông vua phim kinh dị”]

clip_image010

Alfred Hitchcock

Lúc đầu, Blackmail được Alfred Hitchcock thực hiện dưới hình thức phim câm, nhưng sau khi được xem cuốn phim The Jazz Singer trình chiếu ở Luân-đôn, ông đã đổi ý, sử dụng phương pháp thu âm (vào đĩa) RCA Photophone của người Mỹ vừa được hoàn chỉnh, để cho ra mắt một cuốn phim có đối thoại, nhạc đệm và hiệu ứng âm thanh (sound effects: tất cả mọi tiếng động không phải âm nhạc hoặc đối thoại).

Blackmail được trình chiếu tại Luân-đôn vào ngày 21 tháng 6 năm 1929 đã tạo tiếng vang lớn, đạt thành công rực rỡ về mặt tài chánh, được xem là khởi đầu của xu hướng thực hiện phim có đối thoại, tức “talking pictures”, hoặc ngắn gọn hơn, “talkies”.

Cùng với sự phát triển của phim có đối thoại, mấy năm sau đó, kỹ thuật lồng âm thanh vào phim ảnh đã đạt được một bước tiến vô cùng quan trọng: âm thanh thay vì được thu vào đĩa hát (sound-on-disc) như trước kia, nay được thu thẳng vào phim nhựa (sound-on-film).

Một cách chi tiết, âm thanh được thu vào những “track” trên phim nhựa, nằm bên cạnh, song song với hình ảnh, khi máy chiếu phim hoạt động, âm thanh sẽ phát ra cùng lúc với hình ảnh được chiếu trên màn bạc.

Lúc ban đầu, có tất cả 3 track, 1 cho âm nhạc, 1 cho hiệu ứng âm thanh, 1 cho đối thoại; về sau gom lại chỉ còn 2 track, 1 cho âm nhạc và hiệu ứng âm thanh, 1 cho đối thoại. Sở dĩ phải dành riêng 1 track cho đối thoại là để khi phim được chiếu ở một quốc gia khác, người ta có thể thay đối thoại bằng ngôn ngữ địa phương (trước kia ở miền Nam VN gọi là “chuyển âm”).

Về sau, khi kỹ thuật âm thanh nổi (stereo sound) ra đời, tổng số track được tăng lên gấp đôi, và tới thời đại “digital sound”, số track không còn bị giới hạn.

Chính vì chữ “track”, sau này khi phát hành những album với nội dung là phần nhạc trong một cuốn phim, người ta gọi album ấy là “soundtrack album”, hoặc đầy đủ hơn, “original soundtrack album”.

Những “original soundtrack album” ấy – mà chúng tôi tạm gọi là “nhạc phim” – có thể chỉ gồm những nhạc khúc soạn cho phim (original score), thí dụ Gone with the Wind soundtrack, Doctor Zhivago soundtrack…, có khi có cả các ca khúc như Singin’ in the Rain soundtrack, hoặc chỉ có các ca khúc mà thôi, như A Hard Day’s Night soundtrack (cuốn phim đầu tiên của The Beatles), Jesus Christ Superstar soundtrack, Grease soundtrack…

* * *

clip_image012

Vẫn biết bất cứ cuốn phim nào cũng có nhạc phim, nhưng thường chỉ có những cuốn phim vĩ đại, nổi tiếng và những cuốn phim ca nhạc ăn khách mới phát hành soundtrack album.

Một trong những soundtrack album đầu tiên và cũng là album được nhiều người cho là hay nhất trước thời gian Đệ nhị Thế chiến chính là nhạc phim của cuốn phim bất hủ Gone With the Wind (Cuốn theo chiều gió) năm 1939.

Phần nhạc phim này do nhà soạn nhạc gốc Áo Max Steiner (1888 – 1971, di dân tới Hoa Kỳ năm 1915) sáng tác, gồm 16 nhạc khúc dài tổng cộng gần 3 tiếng đồng hồ. Trong đó nhạc khúc thứ nhất với chủ đề Tara (Tara theme) đã được xưng tụng là một kiệt tác.

[Tara là điền trang của gia đình O’Hara, nhân vật chính trong truyện. Sau này, khi xây biệt thự Graceland của mình ở Memphis, Tennessee, ông vua nhạc rock Elvis Presley đã lấy mẫu mặt tiền của biệt thự Tara]

VIDEO:

Gone with the Wind soundtrack – main theme (Charles Gerhardt version)

Sau Đệ nhị Thế chiến, các bộ môn nghệ thuật của Hoa Kỳ tái phát triển mạnh. Riêng điện ảnh, những năm từ sau thế chiến tới đầu thập niên 1960 đã được xem là giai đoạn cuối cùng, và rực rỡ nhất, của thời vàng son của Hồ-ly-vọng (Golden Years of Hollywood). Với sự hợp tác (góp vốn, phát hành) của Hoa Kỳ, nền điện ảnh Anh quốc cũng thực hiện được nhiều tác phẩm để đời.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ nhắc tới những cuốn phim nổi tiếng có phần nhạc phim bất hủ. Một thí dụ điển hình là cuốn phim Anh-Mỹ The Bridge on the River Kwai (Cầu sông Kwai), phát hành năm 1957.

The Bridge on the River Kwai nguyên là cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh một trại giam giữ tù binh Anh của quân Nhật ở Thái-lan trong Đệ nhị Thế chiến, nhan đề Le Pont de la Rivière Kwai của văn sĩ Pháp Pierre Boulle. Đây là cuốn phim thứ nhất trong bộ ba kiệt tác của đạo diễn Anh David Lean; hai cuốn phim sau là Lawrence of Arabia (1962) và Doctor Zhivago (1965).

Trong giải điện ảnh Oscar năm 1958, The Bridge on the River Kwai đã đoạt tổng cộng bảy giải thưởng, trong đó có giải cho phim hay nhất (Best Picture), đạo diễn xuất sắc, và nhạc phim.

Phần nhạc phim do Sir Malcolm Henry Arnold (1921-2006) soạn, gồm 13 nhạc khúc, trong đó khúc huýt gió có tựa đề The River Kwai March/Colonel Bogey March (do dàn nhạc Mỹ Mitch Miller đảm trách) đã trở thành một trong những nhạc khúc trong phim phổ biến nhất xưa nay.

VIDEO:

Mitch Miller Colonel Bogey March The River Kwai March

Một thí dụ điển hình khác về phần nhạc phim được xếp vào hàng bất hủ là của phim Exodus (1960, Về miền đất hứa), phỏng theo cuốn tiểu thuyết có cùng tựa của nhà văn Leon Uris ra mắt độc giả năm 1958, viết về công cuộc lập quốc của người Do-thái lưu vong sau Đệ nhị Thế chiến. Đây là một cuốn phim gây tranh luận vì, theo các nhà bình luận, có nội dung đề cao Do-thái một cách quá đáng, và chống Ả-rập một cách cực đoan.

Rất có thể vì vậy mà tại giải Oscar của Hàn lâm viện Điện ảnh Hoa Kỳ năm 1961, Exodus chỉ được xướng danh ba giải: hình ảnh (Cinematography), nam diễn viên vai phụ, nhạc phim nguyên tác (Original score), và đoạt một giải duy nhất cho nhạc phim.

Giải Oscar “an ủi”? Dứt khoát là không!

Bởi vì cho dù không đồng ý với nội dung cuốn phim, người ta cũng phải nhìn nhận phần nhạc phim thật tuyệt vời. Tác giả là nhà soạn nhạc Mỹ gốc Áo Ernest Gold (tên thật Ernst Sigmund Goldner, 1921-1999).

Ngoài giải Oscar cho nhạc phim, Exodus còn đoạt hai giải âm nhạc Grammy quan trọng là Best Soundtrack Album, và Song of the Year cho nhạc khúc chủ đề (movie theme). Đây là lần đầu tiên, và cũng là độc nhất tính tới nay, một nhạc khúc (không có lời hát) lại đoạt giải Grammy dành cho ca khúc!

Rất có thể vì dòng nhạc quá phong phú đã có khả năng diễn tả thay lời hát?!

VIDEO:

Ernest Gold: Exodus – Theme of Exodus – YouTube

Có thể viết, từ thập niên 1960, tầm quan trọng của phần nhạc phim đã đạt tới đỉnh cao. Trong rất nhiều trường hợp, những nhạc khúc, ca khúc trong phim còn được biết tới nhiều hơn cuốn phim.

Thí dụ điển hình nhất là nhạc phim của ba cuốn phim cao-bồi Ý (Italian Western) do nam diễn viên Mỹ Clint Eastwood thủ vai chính: A Fistful of Dollars (1964), For a Few Dollars More (1965), và The Good, the Bad and the Ugly (1966), thường được gọi là “Dollars Triology”.

“Phim cao-bồi Ý” được định nghĩa là một tiểu thể loại (subgenre) trong thể loại phim cao-bồi Viễn Tây (Western) do người Ý thực hiện, với số vốn rất khiêm nhượng, còn diễn viên thường là người địa phương, có khi là những ngôi sao sắp lu mờ hoặc diễn viên chưa nổi tiếng của Mỹ (trường hợp Clint Eastwood). Vì thế, những cuốn phim cao-bồi Ý này đã được truyền thông Mỹ gọi một cách châm biếm là “Spaghetti Western”.

Thế nhưng tới khi đạo diễn Sergio Leone và nhà soạn nhạc Ennio Morricone của Ý hợp tác với nhau thì Hồ-ly-vọng đã phải giật mình: dù không được các nhà bình phim trân trọng, những cuốn phim “Spaghetti Western” đã làm mưa gió khắp nơi trên thế giới, đặc biệt tại xứ Hoa Anh Đào.

Riêng thành công của “Dollars Triology” có thể viết hơn phân nửa là nhờ nhạc phim của Ennio Morricone.

clip_image014

Ennio Morricone

Ennio Morricone (1928- ) là một tài năng kiệt xuất trong làng âm nhạc Ý, ông vừa là nhạc trưởng , nhà soạn hòa âm, tay kèn trumpet, nhà soạn nhạc phim. Vì làm quá nhiều nghề, trong lĩnh vực nhạc phim, ông thường để người khác đứng tên tác giả (tiếng Anh gọi ông là một “ghostcomposer”, tương tự “ghostwriter” bên giới cầm bút).

Một trong những nguyên nhân khiến Ennio Morricone phải ẩn danh là vì trước đó, do sinh kế, ông đã phải soạn nhạc phim cho đủ mọi đẳng cấp – thượng vàng hạ cám – cho nên ông không muốn mọi người biết mình là tác giả nhạc phim của những cuốn phim kém giá trị. Chỉ tới khi nhận lời đạo diễn Sergio Leone thực hiện nhạc phim cho “Dollars Triology”, Ennio Morricone mới quyết định sử dụng tên thật, bởi ông nhận thấy đây là một bộ ba cuốn phim có giá trị nghệ thuật, và ông muốn mọi người phải có một thái độ trân trọng hơn đối với “Spaghetti Western”!

Kết quả, nhạc phim của “Dollars Triology” không chỉ cống hiến người yêu phim, yêu nhạc những nhạc khúc không lời đầy sức thu hút, mà dưới hình thức các “tổ khúc” (suite) còn được nhiều dàn nhạc giao hưởng quốc tế trình diễn.

Hai năm sau “Dollars Triology”, Ennio Morricone đã soạn nhạc phim cho một cuốn phim “Spaghetti Western” để đời khác của đạo diễn Sergio Leone: Once Upon a Time in the West (1968) do Henri Fonda, Charles Bronson, và nữ diễn viên Ý Claudia Cardinale thủ vai chính; và soundtrack album của cuốn phim này cho tới nay vẫn được ghi nhận là một trong những soundtrack album có số bán cao nhất trong lịch sử điện ảnh.

Phụ lục 1: For a Few Dollars More

VIDEO:

(STEREO) A Fistful Of Dollars by Ennio Morricone

The Good, the Bad and the Ugly – The Danish National Symphony Orchestra (Live)

Trước khi chấm dứt phần viết về nhạc phim (original score), chúng tôi xin nhắc tới tên tuổi hai nhà soạn nhạc phim tạo ảnh hưởng mạnh nhất, nổi tiếng nhất hậu bán thế kỷ 20, là Maurice Jarre của Pháp và John Williams của Hoa Kỳ.

Maurice Jarre (Maurice-Alexis Jarre, 1924-2009) là soạn nhạc phim người Pháp tài ba, nổi tiếng nhất thế giới. Thực ra, sở trường của Maurice Jarre là soạn nhạc cho những dàn đại hòa tấu, nhưng vì ông quá nổi tiếng với nhạc phim cho nên nhiều người đã quên mất ông còn là nhà soạn nhạc đại hòa tấu.

Maurice Jarre được xướng danh giải Oscar cho nhạc phim tổng cộng chín lần và đoạt ba giải với các phim Lawrence of Arabia (1962), Doctor Zhivago (1965), A Passage to India (1984).

Chúng tôi sẽ trở lại với tên tuổi và sự nghiệp của Maurice Jarre trong bài viết về nhạc phim Doctor Zhivago.

clip_image016

John Williams và đạo diễn lừng danh Steven Spielberg

John Williams (1932- ) cho tới nay vẫn được ghi nhận là nhà soạn nhạc phim vĩ đại nhất của nền nghệ thuật thứ bảy; bên cạnh đó ông còn là một nhạc trưởng và nhạc sĩ dương cầm.

John Williams đã đoạt vô số giải thưởng cho nhạc phim, trong đó có 24 giải Grammy, bảy giải BAFTA (Điện ảnh Anh quốc), năm giải Oscar, bốn giải Trái Cầu Vàng (Golden Globe).

Với 51 lần được xướng danh giải Oscar, John Williams chỉ đứng sau ông vua phim hoạt họa Walt Disney!

Sau đây là những cuốn phim, bộ phim nổi tiếng với phần nhạc phim của John Williams: Star Wars, Jaws, Close Encounters of the Third Kind, Superman, E.T. the Extra-Terrestrial, Indiana Jones, Home Alone, Hook, Jurassic Park, Schindler’s List, Harry Potter (ba cuốn đầu…

Một cách ngắn gọn, chỉ một mình John Williams đã soạn nhạc phim cho 8 trên tổng số 20 cuốn phim có số thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh.

Năm 2005, Viện Phim ảnh Hoa Kỳ (American Film Institute) đã bình chọn nhạc phim của cuốn Star Wars thứ nhất (1977) là nhạc phim hay nhất xưa nay; sau đó được Thư viện Quốc hội, Ngành thu âm (Library of Congress, National Recording Registry) đưa vào danh sách những tác phẩm được bảo tồn.

VIDEO:

Star Wars – The Main Theme Song

* * *

Tới đây, chúng tôi viết về những ca khúc được viết riêng cho một cuốn phim (original song).

Bắt đầu vào năm 1934, tại giải Oscar lần thứ 7, Hàn lâm viện Điện ảnh Hoa Kỳ đã thiết lập một giải thưởng mới, Best Original Song, dành cho ca khúc được viết riêng cho một cuốn phim, được trình bày lần đầu tiên trong cuốn phim này. Giải thưởng được trao cho tác giả của ca khúc.

Trong số những ca khúc đoạt giải xưa nhất sau này được biết tới và yêu chuộng tại miền Nam VN có White Christmas (1942, phim Holiday Inn), You’ll Never Know (phim Hello, Frisco, Hello, 1943), và Mona Lisa (phim Captain Carey, USA, 1950).

Phụ lục 2: White Christmas, Bing Crosby

VIDEO:

Mona Lisa – Nat King Cole Lyrics | Official Music Video

Trong những năm sau này, nhiều ca khúc trong phim còn được nhiều người biết tới hơn cả cuốn phim, chẳng hạn The Shadow of Your Smile (The Sandpiper, 1965), I Just Called to Say I Love You (The Woman in Red, 1984), Take My Breath Away (Top Gun, 1986), My Heart Will Go On (Titanic, 1997)…

VIDEO:

Berlin – Take My Breathe Away theme from Top Gun with Lyrics

Titanic Theme Song • My Heart Will Go On • Celine Dion

Tới đây, trước khi kết thúc bài viết, chúng tôi cũng xin phép được đề cập tới một sự “thiếu chính xác” thường thấy khi nói tới, hoặc viết ra tựa đề của các ca khúc liên quan tới phim ảnh.

Trước hết, cần phải phân biệt hai loại ca khúc khác nhau:

(1) Ca khúc trích từ soundtrack album, tức ca khúc được viết riêng cho cuốn phim này (original song), mà chúng tôi đã đề cập tới ở phần trên.

(2) Ca khúc nguyên là một nhạc khúc trích trong nhạc phim (original score) sau đó được đặt lời hát.

Trường hợp thứ nhất không có “vấn đề”, bởi vì tựa đề của ca khúc và tựa đề của cuốn phim đã rõ ràng; thí dụ: ca khúc Take My Breath Away trong phim Top Gun, ca khúc My Heart Will Go On trong phim Titanic…

Nhưng trong trường hợp thứ hai, không ít người đã có sự lẫn lộn giữa “ca khúc nguyên là nhạc phim sau đó được đặt lời hát” và “ca khúc được viết riêng cho cuốn phim có cùng tựa đề với cuốn phim”.

Đọc tới đây, một số độc giả có thể cảm thấy “nhức đầu”, tuy nhiên chúng tôi cũng xin phép viết đến nơi đến chốn để khỏi phải giải thích, nhắc lại nhiều lần trong loạt bài này.

Trước hết, xưa nay có không ít ca khúc được viết riêng cho cuốn phim (original song) cũng có cùng tựa đề với cuốn phim. Thí dụ: ca khúc Never on Sunday trong phim Never on Sunday (1960), ca khúc Born Free trong phim Born Free (1966), ca khúc Endless Love trong phim Endless Love (1981), ca khúc Beauty and the Beast trong phim Beauty and the Beast (1991)…

Trong khi đó, tất cả mọi ca khúc là “nhạc phim sau đó được đặt lời hát” thì không được gọi là “ca khúc trong phim” (original song), và thường mang một tựa đề khác với tựa đề cuốn phim (chúng tôi không được biết vì nguyên nhân tác quyền hay vì một ước lệ nào đó).

Thí dụ, nhạc khúc Lara’s Theme (Chủ đề nàng Lara) trong nhạc phim Doctor Zhivago, khi được đặt lời hát mang tựa đề Somewhere, My Love.

Tương tự, Love Theme (Chủ đề Tình Yêu) trong phim Romeo & Juliet trở thành ca khúc A Time For Us, Love Theme trong phim Love Story thành Where Do I Begin, Love Theme trong phim The Godfather thành Speak Softly, Love, v.v…

Thế nhưng trước cũng như sau 1975, không ít người làm công việc đặt lời Việt cho những nhạc khúc trích từ những cuốn phim nổi tiếng (trong số này có cả Phạm Duy), và các nhà xuất bản nhạc, thực hiện băng, đĩa nhạc, đôi khi đã lấy tựa của cuốn phim làm tựa cho ca khúc, và không hề nhắc tới tựa đề ca khúc nguyên bản.

Thí dụ:

Chuyện tình Romeo & Juliet, lời Việt: Phạm Duy; không nhắc tới tựa tiếng Anh A Time For Us.

– Thú yêu đương (The Godfather), lời Việt: Trường Kỳ; không nhắc tới tựa tiếng Anh Speak Softly, Love.

Chuyện tình (Love Story), lời Việt: Phạm Duy; không nhắc tới tựa tiếnh Anh Where Do I Begin.

Vẫn biết khi viết (thiếu) như thế, tác giả phiên bản lời Việt, hoặc nhà xuất bản nhạc, nhà thực hiện băng, đĩa nhạc cũng chỉ có mục đích (tốt) để đối tượng biết được nguồn gốc ca khúc, khỏi mất công tìm hiểu rắc rối, tuy nhiên với những bài viết có thể trở thành tài liệu tham khảo, thiết nghĩ cần phải đầy đủ, chính xác; bằng không độc giả có thể gặp khó khăn, hoặc thắc mắc khi tìm muốn hiểu thêm qua các tài liệu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, thường được viết như sau:

Somewhere, My Love (Lara’s Theme from Doctor Zhivago)

A Time For Us (Love Theme from Romeo & Juliet)

Where Do I Begin? (Love Theme from Love Story)

Speak Softly, Love (Love Theme from The Godfather)

VIDEO:

Love Story Soundtrack – 01 – Love Story Theme

Phụ lục 3: Where Do I Begin? (Love Theme from Love Story), Andy Williams

HOÀI NAM

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search