T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

SONG THAO: ĐỌC “ĐỨNG NGẨN TRÔNG VỜI” CỦA HOÀNG QUÂN*

Tác giả và tác phẩm trước Viện Bảo Tàng Mozart ở Salzburg.

Cái tựa “Đứng Ngẩn Trông Vời” nghe chênh vênh hụt hẫng. Đó mới chỉ là nửa câu thơ. Nửa câu tiếp chắc ai cũng biết “áo tiểu thư”. Tác giả cũng xác nhận sự nửa vời này bằng cách trích nguyên văn bốn câu thơ của Huy Cận ở đầu truyện cùng tên.

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn,

Tuổi hai mươi đến có ai ngờ,
Một hôm trận gió tình yêu lại

Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư

Người “trông vời áo tiểu thư” là cu cậu Bê vừa tới tuổi choai choai. Bỗng một buổi sáng, bà mẹ nhận ra anh con trai đã lớn: “Tự đó đến giờ, Bê có hề để ý đến áo quần của Bê đâu. Áo quần của người khác lại càng chẳng quan tâm. Vậy mà, tự lúc nào Bê biến trong phòng tắm lâu hơn để chải đầu, xịt keo lên tóc trước khi đi học. Bê bớt mặc cả với tôi từng phút xin ngủ nướng mỗi sáng. Có ngày, Bê còn xăng xái tự thức dậy sớm để đủ thời giờ “trang điểm”. Bê cứ băn khoăn sao tóc mình hay bị chỉa. Ở nhà, Bê đội suốt cái nón len, để những sợi tóc mất trật tự được ép đi vào khuôn khổ”.

Bê là nhân vật chính trong nhiều truyện của tập truyện này. Tôi đoán chừng tác giả chỉ có mỗi cậu ấm này trong nhà nên luôn lôi nhân vật này ra tán chuyện. Cái tên Bê không phải là tên hay, đó chỉ là tên gọi thân mật trong gia đình. Tên trong khai sanh của cậu là Quân. Cái tên làm người Đức trẹo họng khi phát âm. Các thầy cô trên trường đọc là Kwan. “Khi Bê xong lớp bốn, chuẩn bị lên trung học, tôi chợt có ý nghĩ ra sở hộ tịch đặt thêm cho Bê cái tên thời thượng, Kevin, Philipp gì đó cho người Đức dễ gọi. Vợ chồng tôi vừa đặt vấn đề, Bê tỏ vẻ giận dữ: “Con là Quân chứ không phải tên gì khác”. “Tại ba mẹ chỉ sợ có người gặp vấn đề với tên của con”. “Hồi giờ đâu có ai gặp vấn đề gì đâu! Nếu ai không phát âm được tên của con, ráng chịu!”. Coi như hồ sơ đổi tên của Bê xếp lại nhanh chóng”.

Tôi bắt đầu thích nhân vật tên Quân này. Dứt khoát, và rất Việt Nam. Cậu nói và viết được tiếng Việt mặc dù được sinh ra ở Đức. Điều này rất quý. Có mấy đứa trẻ gốc Việt biết nói, và nhất là viết được tiếng Việt, trong môi trường sống xa quê hương, giữa những người nói thứ tiếng không phải là tiếng Việt.

Khi chiếc răng sữa đầu tiên của bé Quân rụng, cậu bé hốt hoảng. Để trấn an, ba mẹ phải bày trò bảo con để chiếc răng trên thành cửa sổ, con chuột răng đi qua, thấy con giữ chiếc răng còn tốt, có thể nó sẽ cho quà. Mỗi lần rụng răng là có quà, toàn những thứ đang mong muốn, cu cậu sướng mê tơi, coi chuyện răng rụng như chuyện phước đức. Có lần mẹ đi làm xa, răng rụng, để trên bệ cửa sổ hẳn hoi, mà quà chưa thấy đâu. Chuyện mua quà là chuyện của mẹ, ba đâu có biết mua. Tối đó, cậu bé gọi điện thoại cho mẹ khiếu nại chuột không cho quà. Mẹ bày kế: “Có thể chuột răng không biết chắc chiếc răng của ai. Tối nay con đem cái răng để trên bệ cửa, rồi viết trên tờ giấy: “Đây là răng của Bê”. Cậu bé hỏi một câu mà tôi rất mát ruột: “Mà con viết tiếng Việt hay tiếng Đức đây mẹ?”. Rồi Bê tự quyết định: “Con viết hai thứ tiếng cho chắc ăn!”.

Bản viết chữ Việt của Bê.

Có đứa con nói và viết được tiếng Việt từ nhỏ, mẹ cưng là phải. Có lẽ vì cưng nên khi mẹ viết văn đã lấy tên con làm bút hiệu. Cái tên Hoàng Quân hai mẹ con xài chung. Báo hại độc giả không biết tác giả là phận đàn ông hay đàn bà. Tôi cũng bé cái lầm khi đọc được những bài viết của Hoàng Quân trên tờ Thế Kỷ 21, lúc đó còn oai hùng ra báo giấy. Tính hỏi ông chủ bút Phạm Phú Minh nhưng ngưng ngay được. Đã nhúng tay vào cây viết từ lâu mà không phân biệt nổi một giọng văn hay sao. Đoạn văn làm tôi thành một ông thầy bói giỏi là đoạn sau đây: “Tôi bắt đầu nghe ngóng các trao đổi của các bậc phụ huynh có con trai lớn. Tôi nghe kể, con trai lớn của bà chị họ đưa bạn gái về nhà chơi, cậu dắt cô đến chào bác trai, bác gái rồi cùng nhau “lặn” về phòng cậu. Chị hối chồng chạy ra tiệm thuốc tây mua “hệ thống phòng thủ”. Anh giãy như đỉa phải vôi: “Bà còn vẽ đường cho hươu chạy nữa”. Anh nhất định không rời bỏ “hiện trường”. Anh nóng ruột đi lui đi tới ngoài hành lang, giống như lính của hoàng gia Anh canh giữ lâu đài. Chị không còn cách nào khác, vội lấy xe, chạy ù ra phố. Về nhà, chị gõ nhẹ cửa phòng, bảo cậu ra cho chị nói chuyện. Rồi chị kín đáo giúi vào tay anh con trai món hàng vừa mua. Tôi tấm tắc ngưỡng mộ: “Trời trời, chị ngầu quá. Rồi khi đưa cho nó, chị nói sao?”. Nhiều người cười tôi khéo lo bò trắng răng. Bê đang trung học. Thong thả mà, đến khi cần, tự nhiên nghĩ ra à”.

Vấn đề đó, hoàn cảnh đó, lo lắng đó, chém chết cũng không phải của một đấng đực rựa. Nhưng dù gì đi nữa, cây bút mới tinh này là một thứ quý hiếm. Tôi không nén nổi tò mò, mail cho ông Phạm Phú Minh: “Hoàng Quân là ai mà viết hay quá vậy?”. Đâu có ngờ ông bạn chuyên nối kết các người viết với nhau lại chuyển câu hỏi của tôi tới… đương sự. Tôi liên lạc được với Hoàng Quân. Đúng y chang như tôi đoán, đó là một nữ lưu còn ở tuổi teen khi Sài Gòn đổi chủ. Nay là một chuyên viên tài chánh rất thành công ở Đức. Để Hoàng Quân thuật lại chuyện sau đó: “Coi như anh Phạm Phú Minh bắt nhịp cầu tri âm cho tôi và ông “trùm phiếm” Song Thao. Sau đôi lần thư từ, anh Song Thao bảo, anh tính rủ tôi viết chung Phiếm. Nghe ông Trùm nói vậy, tôi rón rén viết thử Ngôn Ngữ, Chuyện Đó Đây. Tôi băn khoăn miết, rụt rè hỏi anh Song Thao, giống phiếm chưa, cần thêm mắm muối gì nữa không. Thì anh cười (tôi đoán vậy), bảo, phiếm đứt đuôi con nòng nọc rồi. Thế là tôi yên tâm, gởi bài tới tòa báo”.

Thực ra, ngay từ bài đầu tiên tôi đọc được, tôi đã cảm giọng văn rộn ràng, vui như tết và rất thông minh của Hoàng Quân. Chẳng cần ai dẫn dắt, đường vào chốn chữ nghĩa đã rộng mở trước mặt cô. Huống chi cô còn có tính cẩn thận của một nhà tài chánh. Bên Đức có hai nhà văn đã thành danh là Ngô Nguyên Dũng và Hoàng Nga, cô đã “tham khảo” cả hai. Ngô Nguyên Dũng tính giới thiệu cô với Làng Văn, chưa kịp giao duyên thì tờ báo này đóng cửa. Hoàng Nga giới thiệu cô với Văn Học. Mail đi thì có mail về thì không. Có lẽ hotmail đã nhầm thư cô với thư rác nên bị tống về lại khổ chủ! Không nản chí, Hoàng Quân kể: “Tôi vẫn tiếp tục viết, xếp trong “tủ”, lâu lâu đem ra đọc. Mỗi lần đọc, dặm thêm chút “mắm muối”. Khi thêm vài dấu chấm phết. Khi bớt đôi chữ “thì, là, mà”. Cuối cùng, nhà báo Từ Nguyên Trần văn Ngô, định cư ở Pháp, giới thiệu cô với Thế Kỷ 21. “Tôi thầm nghĩ, Thế Kỷ 21 “cao” quá. Được là độc giả đã quý rồi. Chứ nào dám mơ xa thêm. Đôi đũa tre mộc mạc của mình biết làm sao để “chòi” tới mâm son. Tôi gởi vài e-mail trao đổi, loanh quanh dọ ý ông Từ Nguyên. Năm 2004, tôi thu hết can đảm, gởi bài Giấc Mơ Thực Vật nhờ ông Từ Nguyên chuyển đến báo Thế Kỷ 21. Gởi đi nhưng tôi không dám tràn trề hy vọng. Cũng không lóng ngóng trông thư trả lời. Vậy mà, ông chủ bút Phạm Xuân Đài đã dành cho Hoàng Quân ưu ái đặc biệt, ngay từ thuở Hoàng Quân chân ướt chân ráo bước vào sinh hoạt chữ nghĩa. Ông cho đăng bài viết này trên số báo gần nhất, số 184, tháng 8, 2004”.

Con đường chữ nghĩa thênh thang trước mặt người viết mới, hơi trẻ. Tới nay, Hoàng Quân đã cho ra đời ba tác phẩm: Bông Hoa Trên Phím (2015), Nhớ Tiếng À Ơi (2016) và Đứng Ngẩn Trông Vời (2018).

Đứng Ngẩn Trông Vời gồm 12 truyện ngắn. Tôi phân vân khi liệt những bài trong cuốn sách này vào thể loại truyện ngắn. Thực ra đó là nửa truyện, nửa phiếm, nửa hồi ký. Đề tài phần lớn nói về chuyện gia đình. Nhân vật Bê là cái đinh trong gia đình, như đã nói ở trên. Nếu có nói thêm được chi có lẽ là chuyện nói tiếng Việt của Bê. Tôi vẫn quý chuyện nói và viết tiếng Việt của cậu bé được sanh ra bên ngoài tổ quốc này. Bên nội Bê là người miền Nam, bên ngoại người Huế. Vậy nên Bê biết hai… ngoại ngữ. Qua bà nội chơi, bà hỏi: “Con “doi” ra sao hả Bê?”. Bê trả lời liền: “Con “doi” nó có cái “dòi”. Nói xong Bê cao giọng giải nghĩa cho mẹ: “Tức là con voi nó có cái vòi đó mẹ”. Đôi khi, mẹ bận việc thì ông ngoại đón Bê về nhà, Bê nói tiếng Huế. Một bữa Bê nói với cô Oanh: “Con sắp sửa đi Ý”. Cô hoảng sợ vội giục: “Đi ị thì đi lẹ lẹ chớ còn ở đó mà nói nữa. Hèn gì, nãy giờ bốc mùi!”. Bê lắc đầu: “Dạ không, tuần sau mới đi được”. Cô Oanh nghiêm giọng: “Con không đi ị mỗi ngày, đau bụng phải đi bác sĩ để khám bệnh đó”. Bê cố giảng giải: “Dạ không, cô Oanh không biết gì hết. Ý xa lắm, đâu đi mỗi ngày được”. Lúc đó, thấy tình hình nghiêm trọng, mẹ… thông dịch: “Cu Bê sắp sửa đi du lịch qua Ý đó cô Oanh”. Cô Oanh vỡ lẽ: “Chu mẹc ơi, đi Ý mà ổng nói đi ị thì ai mà biết!”.

Nhân vật thứ hai trong nhà chính là… Hoàng Quân. Hoàng Quân mẹ chứ không phải Hoàng Quân con. Tác giả tự nhận học rất giỏi. Chuyện này tôi tin được. Qua Đức khi tuổi gần hết bậc trung học, phải bắt đầu lại toàn phần. Khởi đi là chuyện học tiếng Đức. Chúa mạ ơi, cái thứ tiếng chi mà khó dàn trời. Thuở còn trai tráng ở Sài Gòn, tôi cũng đã ti toe đi học tiếng Đức tại Viện Goethe. Học tới khi cái miệng trẹo thiếu điều phải đi bác sĩ, vậy mà chưa đi tới đâu. Học cho đủ chữ vào Đại học phải là chuyện trần ai khoai củ. Vậy mà tác giả đã làm được một cách xuất sắc để hiên ngang bước vào cửa trường vẫn tiếp tục xuất sắc. Ra trường, trở thành một chuyên viên xịn trong ngành, đi hội họp và công tác tại trên ba chục quốc gia. Sự tình từ bước đầu, được tác giả kể lại: “Dù sắp sửa tốt nghiệp đại học ở quê nhà, tôi phải lùi xuống trung học xứ người. Nước Đức không công nhận bằng cấp sau 1975 của Việt Nam. Thế là tôi khoác áo thư sinh, vào lớp 11, tiếp tục mài đũng quần nhà trường của Tây Đức vài năm. Bước chân đến ngôi trường ở Wolfhagen, một làng nhỏ ở Trung Đức, học trò nào cũng toàn tâm, toàn trí vẽ vời “tiền đồ” bằng cấp của mình. Muốn tậu bằng Tú Tài Đức, phải miệt mài đèn sách, ít nhất ba năm, nếu học đâu đậu đó”.

Giỏi vậy nhưng nhân vật mẹ trong “Đứng Ngẩn Trông Vời” cũng loạng quạng nhiều chuyện. Đầu tiên là chuyện lái xe. Khởi đầu truyện “Tay Lái Lụa”, tác giả lên gân: “Ngày xưa ở Việt Nam, tôi rất “chì”, đã trị nhiều con ngựa sắt dữ dằn. Đi học, tôi cưỡi xe “cuộc” sườn ngang cao ngất. Mỗi lần xuống xe chỉ cần tìm lề đường cao là có thể… hạ cánh an toàn. Nếu “hạ tầng cơ sở” không đầy đủ, tôi nghiêng nghiêng xe, chủ động phóng xuống, trước khi bị ngã ngựa… sắt. Thỉnh thoảng, mượn được xe honda của chị tôi, tôi vi vút đúng điệu anh hùng xa lộ. Để tiết kiệm năng lượng, tôi cho hai đứa bạn chạy xe đạp níu tay hai bên, mà vẫn vững tay lái, chạy vù vù lên xuống cầu Trương Minh Giảng”. Chì như vậy nhưng khi tập lái xe hơi ở Đức, công việc không được hanh thông. Tập lái xe bên Đức, phải trả tiền giờ cho ông thầy. Đầu tiên, tin vào “tài năng” của mình, cô tính chỉ ba giờ là nhuần nhuyễn tay lái. Nhưng tính vậy mà không phải vậy. Số giờ chi tiền đã lên tới hai chục giờ, phải “giật gấu vá vai” mà tài lái chưa đi tới đâu. Đành phải cầu cứu tới “chàng” dạy cho đỡ tốn địa. “Chiều cuối tuần, chàng của tôi dẫn tôi ra bãi tập xe của ADAC ở gần Rebstockbad, Frankfurt. Muốn tiết kiệm, tập chạy thêm cho giỏi, đỡ phải lấy nhiều giờ của trường. Nhưng có lẽ bụt nhà không thiêng. Hai đứa mất cả nửa ngày, trả tiền mướn bãi mấy chục đồng, tôi chẳng dạn dĩ thêm tí nào. Sau đó, hờn anh, giận em. Anh giận, tại em không biết, mà nói không chịu nghe. Em hờn, tại anh biết mà không chỉ dẫn rõ ràng”.

Cái bằng lái xe thường làm khổ nhiều người. Hiếm khi thi một lần là cầm được bằng. Cô em tôi, sau cả chục lần thi, tay vẫn chưa với được bằng. Cuối cùng, không biết thi tới lần bao nhiêu, cô cũng cầm được bằng lái. Dĩ nhiên là ăn mừng. Tôi phong cho cô em tôi đã đậu bằng “tiến sĩ lái xe” vì số năm cô bỏ ra để lấy được bằng cũng ngang ngửa với số năm học tiến sĩ! Tác giả Hoàng Quân, chưa bao giờ thi trượt trong việc học, nhưng đã ăn ớt khi thi lái xe. “Vậy là, lần đầu tiên trong đời, tôi biết mùi buồn của đậu phải cành mềm. Tôi phải chắt chiu, tiện tặn tiếp, chờ thi đợt sau. Thắt lưng buộc bụng kiểu này chắc eo nhỏ bằng eo của cô Scarlett trong phim “Cuốn Theo Chiều Gió”. Tôi biết khôn ngoan hơn, nghe lời hướng dẫn của thầy giáo, không dám cà khịa với ổng nữa. Lần thi này, tôi chạy rất thiện nghệ, sau hơn nửa tiếng đồng hồ biểu diễn chạy trong phố, ra làng, vào xóm, ông giám khảo chồm lên đưa miếng giấy bìa màu xám, vui vẻ: “Chúc mừng cô có bằng lái. Nhưng tôi lưu ý cô, cô chạy trong phố hơi nhanh. Mà ra ngoài xa lộ lại hơi chậm đấy nhé!”. Tôi mừng quá, vội vàng đưa tay cầm lấy bằng, sợ ông giám khảo đổi ý”.

Có bằng, nước chạy xe của cô rất tàng tàng. Có lần cô chở mẹ và Bê đi chợ, Bê ngồi đàng sau góp ý: “Mẹ ơi, xe vận tải sắp qua mặt mình rồi. Mẹ, mẹ, chỗ này không cấm chạy nhanh”. Lúc khác, Bê hối: “Mẹ chạy nhanh chút xíu, chớ không thôi, mình đến thì chợ đóng cửa mất tiêu, bà ngoại không mua được thịt!”. Cậu con đã có lúc tai quái: “Hồi đó, mẹ trúng số lotto phải không?”. “Mẹ trúng số hồi nào đâu?”. “Có mà! Cái bằng lái của mẹ đó!”.

Tác giả là người ưa ca hát từ nhỏ. Trong suốt cuốn sách, thỉnh thoảng cô lại chêm vào vài câu của những bài hát cô thích. Cô tự thú là nhút nhát nhưng luôn bị đẩy lên sân khấu, từ hồi tiểu học cho tới khi đã ra trường tại Đức. Tác giả viết nguyên một truyện mang tên “Rồi Từ Giọng Hát Em” diễn tả hành trình dài của những lần lên sân khấu. Không chỉ trên sân khấu, trong suốt cuộc đời, tác giả Hoàng Quân luôn ư ử hát hò. Điều này khiến Hoàng Quân con hỏi Hoàng Quân mẹ. “Mẹ ơi, có bao giờ mẹ ước mơ là mẹ thành ca sĩ không?”. Tôi đã có lúc to gan, nhưng chỉ dám mơ làm nhạc sĩ. “Không, chưa bao giờ mẹ ước là ca sĩ. Nếu mẹ mà có giấc mơ này, mẹ con mình chết đói nhăn răng ra rồi”. Anh Lợi góp lời: “Làm sao chết đói được. Ăn cà chua với trứng thối mệt nghỉ!”.

Lợi là nhân vật thứ ba trong gia đình. Là bố của Hoàng Quân kiêm chồng của Hoàng Quân. Thỉnh thoảng nhân vật này mới được ké chút xíu vào câu chuyện gia đình. Tôi thông cảm với nhân vật này. Định mệnh đã an bài, biết nói chi hơn.

Với “Đứng Ngẩn Trông Vời”, Hoàng Quân đã dấn thêm một bước vào con đường chữ nghĩa, một bước vững vàng, an nhiên, dẫn dắt người đọc vừa huýt sáo vừa bước vào cuộc sống của gia đình tác giả. Cuốn sách toát lên sự tươi tắn, dí dỏm của một ngòi bút thông minh, biết nắm bắt và khai thác những tình huống đắt nhất của cuộc sống thường ngày. Biến cái thường thành cái không thường, trong một văn phong không gò bó, đó là thành công của Hoàng Quân.                                                  

Song Thao

09/2018

Website: www.songthao.com

 

Đứng Ngẩn Trông Vời, tập truyện Hoàng Quân, Nxb Nhân Ảnh, 2018

* Sách được bán trên Amazon:

https://www.amazon.com/Dung-Ngan-Trong-Voi-Vietnamese/dp/1722105976

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search