T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: LOẠN BÚT VỀ CHỮ TÌNH (1)

Vọng Nguyệt (Tranh: Họa Sĩ Ái Lan Công Tằng) 

Dẫn nhập: Tổ tiên loài người là ông Adam và bà Eva. Hai người sống trong “Vườn Địa đàng” đầy hoa thơm cỏ lạ, trái cây mơn mởn… Suốt ngày họ chẳng biết làm gì ngoài đùa giỡn với nhau như hai người bạn, không biết e thẹn gì cả, vì lúc đó chưa có Tinh. Một hôm, con rắn đã xúi “cô” Eva ăn trái táo chín mọng. Như ta đã biết, trái cây chín mọng sẽ lên men thành rượu. Do men rượu, má “cô” hồng lên, hơi thở mê loạn, tim đập nhanh thêm! Cảm thấy một điều gì mới lạ đang rần lên trong cơ thể,  Eva chịu hết nổi, lính quính chạy tìm “anh” Adam, lả lơi mời mọc Adam ăn trái táo chín mọng lên men. Eva chuốc rượu cho Adam ngà ngà,”phê” giống như mình, rồi hướng dẫn anh ta:”Làm như vầy… Không phải! Như vầy nè! Đúng rồi. Giỏi lắm!”. Ngay sau đó, “cô Eva” thành “bà Eva”. Và từ đó ông bà Adam-Eva biềt tù tì hùng hục để đẻ ra loài người. Nhân loại xuất hiện!(1)

 Đấy, nhờ rượu mà Tình đã xuất hiện như thế!

 ***

Cuộc đời giả dối lắm sân si

Đú ỏa không Tình sống mãi chi!

 

ĐỊNH NGHĨA TÌNH

 Chữ Tình thì ai cũng đã kinh qua trong đời, nhưng nó là gì? nó mần chi với ta, xin giải thích?! Ôi Tình!

“Con chim thì ta biết nó bay, con cá thì ta biết nó lội, nhưng tình yêu thì ta không biết nó sao!” (thơ Bùi Giáng)

Chỉ một điều ta biết chắc là khi yêu, ta không thể giấu được người đời (cũng như say rượu). Má bạn hồng, hơi thở mê loạn, tim bạn đập nhanh và cảm thấy đời đẹp, đáng sống hơn!

chẳng biết trái tim mắc chứng chi

đập rung rinh cả áo sơ mi

thở ra nhè nhẹ dồn hơi sức

hít vội bao nhiêu hương xuân thì  

(Một Thoáng Tình – Luân Hoán)

 

lần đầu ta ghé môi hôn

những con ve nhỏ hết hồn kêu vang

vườn xanh cỏ biếc trưa vàng

nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông

trên môi ta vạn đóa hồng

hôn em trời đất một lòng chứa chan

tiếng cười đâu đó ròn tan

nụ hôn ngày đó miên man một đời

(Nụ hôn đầu – Trần Dạ Từ)(2)

 

CÁCH LỤY TÌNH CỦA CÁC THI SĨ

TÌNH không định nghĩa được, nhưng cách “lụy” TÌNH chắc có thể diễn tả được. Nguyên Lạc tui xin mạn phép lướt qua các ông thần thi sĩ quen, để xem các ổng “lụy” nó như thế nào.

Đầu tiên tui sẽ mời ngài thi sĩ Luân Hoán cho vài lời xem sao!

– Da kính thưa Ngài, đây là ly XO, xin uống, rồi cho đệ tử vài lời vàng tiếng ngọc.

– Khà, hảo tửu! Nào, nhà người muốn hỏi chi?

– Chữ TÌNH ấy mà.

– À há, ngươi vấn đúng người rồi đó. Suốt đời ta đã theo đuổi chữ TÌNH. Nào, nghe đây:

lòng chưa mở nhưng tình đã lộ

tay chạm tay rúng động mất hồn

mắt gặp mắt lập lờ bối rối

cả thân hình như đã bị chôn

 

hồn ta đã từ lâu thơ sắp sẵn

mắt em nâng thành ngôn ngữ thơm tình

nét ngây ngô còn đậm hương vụng dại

khép nép thập thò đôi chút hiển linh

 

 tình ta ở giữa thời đang đệ lục

kết thúc ra sao chuyện dễ hiểu rồi

em chừ vẫn âm thầm nơi quốc nội

ta lâu lâu sờ lại chút ngậm ngùi  

(Tình Năm Đệ Lục – Luân Hoán)

 – Đây là TÌNH của ta lúc còn nhỏ, vụng dại. Khi ta lớn lên tuổi đôi mươi, đi lang thang khắp miền Nam, TÌNH ta càng thắm thiết hơn nữa. Đây nhé:

bậu qua phà Rạch Miễu

qua lẽo đẽo theo sau

Tiền Giang sông Cửu rộng

cứ xem mình của nhau

 

áo bậu đỏ cánh kiến

da bậu vàng phù sa

mắt bậu xanh nước biển

tim bậu hồng lòng qua

 

bậu ơi trời dẫu rộng

nhưng đâu bằng nhớ mong

sông rạch như gân máu

man man nỗi mặn nồng

 

dùng dằng chi nữa bậu

tay nắng nắm tay hồng

mắc cỡ chi giả bộ

chạm nhẹ hồn vai gần

 

bậu sang phà Rạch Miễu

về thăm trường Nam Phương

lắc lư xe thổ mộ

ớ sao mà dễ thương

(Phải lòng con gái Bến Tre – Luân Hoán)

 – Phê chưa, thôi ta đi đây, tiếp tục theo TÌNH của ta.

Đấy, cuộc tình thời mới lớn, ngây ngô và vụng dại, nhưng rất đáng để “lâu lâu sờ lại chút ngậm ngùi” và TÌNH dọc theo sóng nước miền Nam của Ngài Luân Hoán. Đẹp quá phải không các bạn?

***

Ai lớn lên cũng qua thời học sinh với biết bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ, đáng trân quý. TÌNH thời học trò đẹp và dễ thương lắm phải không? Hãy nghe thi sĩ Hoàng Lộc thủ thỉ đây:

Thời trung học mùa em đi học

Tôi đi theo cánh phượng sau cùng

Đỏ trong lòng tôi màu hoa đỏ

Và chút tình quá đỗi cô đơn

Tôi đi xa mỗi mùa khai giảng

Vẫn vang tiếng trống ở trong lòng

Cứ y nguyên màu môi phượng đỏ

Và mối tình vĩnh viễn cô đơn! 

(Tặng mùa khai giảng – Hoàng Lộc)

Còn ông thần này sao? Trời đất! ông khuyên người ta đừng yêu. Ông có làm được không?

Lênh đênh hoài đi nhé

Yêu chi

cực lòng nhau

Chông chênh

là nỗi nhớ

Tình như

giọt sương mai

Ai về

qua chốn cũ

Khơi chút tàn tro bay

Tình như là

sợi khói

Chẳng cầm được trên tay    

(Sợi khói mong manh – Nguyễn Văn Gia)

“Tình như là sợi khói” ta không thể cầm trên tay được, nhưng nó có thể vương mắt  đó ông. Lệ hay không thì tôi không biết, nhưng “cay mắt” thì nó thường thi nhân ơi! Ông khuyên người đừng, nhưng hình như ông vướng rồi đó!

Ôi ngôn ngữ tình yêu sao rắc rối quá! Hãy nghe ông thần thi sĩ kế tiếp!

núi cao hẳn có mù sương

mây trôi hẳn có con đường bay qua

chiều sương tóc phủ mượt mà

áo em tím cả vườn cà trổ hoa

có con chim lạ bay ra

có ta ngồi hát bài ca tuyệt tình  

(chùm lục bát – Hồ Chí Bửu)

 Hát gì thi nhân? “bài ca tuyệt tình”? Có nhầm không! “bài ca không tuyệt tình” phải không? Làm sao mà tuyệt tình, làm sao mà “dứt” được ông!

anh ở phương nầy phố ướt cơn mưa

phố nhỏ đìu hiu – mưa rớt đầu mùa

ta cũng lạnh và đất trời cũng lạnh

mưa gió thì thầm : nhớ thế đủ chưa?

 

anh nhớ tóc em – sóng chiều đại dương

anh nhớ môi em thơm ngọt mía đường

anh nhớ má em hồng tươi ửng chín

anh nhớ đêm nào tràn ngập yêu đương!

 

anh nhớ mà – anh rất nhớ – em ơi!

đôi mắt của em – ánh mắt sáng ngời

bỗng chùn lại trước phút mình chia biệt

chút nữa rồi – mỗi đứa sẽ mỗi nơi!

 

thôi thôi mà – đừng nức nở – em yêu!

nước mắt em làm ướt cả phố chiều

không phải đâu – chắc là trời mưa đó

trời mưa vì – biết anh nhớ em yêu…

(Gởi người xa xứ – Hồ Chí Bửu)

 Cũng lại “ngôn ngữ tình yêu”: vậy mà không phải vậy, không phải vậy…mà vậy. Khóc rõ ràng đó, vậy mà còn cố nói: “không phải đâu – chắc là trời mưa đó

Và nỗi nhớ của thi nhân: anh nhớ tóc em /anh nhớ môi em /anh nhớ má em /anh nhớ đêm nào tràn ngập yêu đương ! Nhớ chị dữ vậy? Sao giỏi nói không nhớ đi?

Và ông thần này cũng nhớ “lung tung” đây.

Ngồi đây mà nhớ mùa ngâu trước

Ngực em thơm phức phấn thu vàng

Môi ngoan đỏ lựng trời hạnh phúc

Anh đã đi tìm mấy mươi năm 

(Ngồi đây mà nhớ – Linh Phương)

 

Ngồi đây mà nhớ thời hoa mộng

Mười tám-hai mươi- biệt kinh kỳ

Ngồi đây mà nhớ thời say đắm

Lặng nhìn em trong giọt cà phê

(Cà phê – Linh Phương)

 

Tuổi học trò giấu thư anh giữa ngực

Em đi rồi bỏ lại trái tim đau

Mấy mươi năm ôm ấp mối tình sầu

Anh khốn khổ gò lưng qua ngõ lạ

Đứng chờ em – chờ đến khi hoá đá

Thành tượng đài đặt giữa trái tim mê

Ngày không dưng chiều nắng quái lại về

Em lẩn khuất giữa dòng đời xuôi ngược

Mấy mươi năm làm sao ai hiểu được?

Mối tình xưa – anh vẫn giữ trong lòng.

(Như bóng mây bay cuối trời thương nhớ – Linh Phương)

 “Anh vẫn giữ trong lòng” nên mới mong ngóng, nên mới nhớ thương, thấy đâu cũng hiện diện người tình. Đây nhé:

Đêm đông ra đứng sau hè

Sương giăng từng mảng đến kề sát bên

Quơ tay chụp trúng nỗi niềm

Em xa xôi quá tưởng chừng sương giăng 

 (Tháng Chạp Gió Lay – Quan Dương)

 Sương giăng tưởng em yêu, quơ tay chụp, ai dè trúng phải nỗi buồn phải không ông?

TÌNH CÓ HẬU VÀ HẬU CÓ HẬU

Qua trên là cái Tình của các Ngài thi sĩ tôi quen. Ôi ngọt ngào làm sao các thi nhân. Nhưng…hình như nhiều buồn hơn vui, nhiều nước mắt hơn nụ cười!

Buồn, vốn là bản chất của kiếp nhân sinh. Giàu hay nghèo đều có những nỗi buồn, tuy rằng không nỗi buồn nào giống nỗi buồn nào! Mới sinh ra con người đã vội khóc! Do đó nhà Phật mới gọi đời là bể khổ. Trong đời, mấy khi ta chúng ta được toại ý! Đó có phải là nguyên nhân giải thích cho quá nhiều thơ buồn của các thi nhân chăng? Nếu đúng, thì Nguyên Lạc tui may mắn hơn các ông rồi, tui đã được toại ý với mối tình mình. Tui đã gặp “em phù thủy” và “mắc đọa” giống y chang như thi sĩ Trần Yên Hòa.

Em phù thủy, nên (ta) đành mắc đọa

Ta phù sinh trả Nghiệp cho người

Và kết cuộc “có hậu”(happy ending), cả hai đời đã “Ràng rịt bằng sợi chỉ ” hồng.

Gặp gỡ nhau cuối trời xa lạ

Ràng rịt đời bằng sợi chỉ trời ơi

Loài chim lạ, anh và em đó nhé

Ta cùng nhau ngậm ngải để tìm trầm

Trầm hương ngực em, ngải vai anh rộng

Ta hòa mình trầm ngải một đời nhau

Ta hòa mình trầm ngải suốt đời nhau…

(Trần Yên Hòa – Nhặt Khoan Cho Ngày Sinh Nhật)

 Chuyện “có hậu” tuyệt quá phải không các bạn! Nhưng chuyện “hậu có hậu” thì sao?  Chắc phải nhờ tới Ngài thi sĩ Quan Dương lần nữa:

Đôi khi mấy đứa thất tình

Thấy sao thật tội .

Thấy mình thật hên

Thấy đâu tu mấy kiếp liền

Mới gặp được một nàng tiên làm người

Bây giờ thấy tám ông trời

Thấy chén và dĩa khua nồi lặng thinh

Thấy sao mấy đứa thất tình

Dù gì cũng được còn tiên trong lòng   

(Thấy – Quan Dương)

 Ối là là! Sao ông giống y chang tôi vậy! Thôi lỡ vướng rồi. hai chúng ta vẫn phải tiếp tục “ngựa phi đường xa” cho hết kiếp thôi, phải không?

TÌNH PHÂN LY

Tôi và ông Quan Dương dù sao cũng đỡ hơn mấy ông thần này; các ông có những cuộc tình chia lìa, đau khổ sau cuộc bể dâu: Chàng đã phải đi tù, với cái tên mỉa mai  “học tập cải tạo”; khi ra tù rồi, có còn gặp được lại hay không, hay chia ly mãi mãi?!

thương ta góc bể chân trời

chưa tang bồng đă nằm phơi bụng tù

thương em dưới cội tình xưa

khóa tim ta bởi lá bùa sở khanh

thương hồng nhan số mong manh

mệnh sao thoát lưới trời xanh khéo bày?

(Đọc Kiều, Ở rừng Xuyên Mộc- Phạm Hồng Ân)

Và đây, cảnh nào buồn bằng:

Khi chiến chinh tàn. Tôi trở lại quê hương

Chiều tháng chạp mưa phùn giăng từng sợi

Được tin em. Người em không còn đợi

Đã đi về một cõi rất xa xăm

Gọi tên em tôi khẻ gọi trong tim

Nhành huệ trắng bên bình hương cô quạnh

Cũng lặng lẽ gục đầu trong câm lặng

Nhìn hình em. Em không nói lời gì  

(Nhớ Phố Cũ – Quan Dương)

 

VUI CHÚT VỚI TÌNH

Buồn quá phải không các bạn! Thôi để vui, lấy lại tinh thần, cho Nguyên Lạc tui hú gọi ông thần thi sĩ này, để xem chữ TÌNH của ông ra sao! Ê ông lại đây chúng ta gầy sòng! Nào các bạn nghe ổng “phán”:

Dù em giồi phấn thoa son

Em nguyên hình vẫn là con bạch xà

Lờn vờn như một bóng ma

Đêm liêu trai cứ theo ta trần truồng

Xin em biến theo khói sương

Câu thơ huyễn hoặc vô thường mà thôi

Hồn em lởn vởn chơi vơi

Vẫn còn lảng vảng bên đời cùng ta

Ta muốn thoát khỏi yêu ma

Đành luyện “Kiếm phổ Tịch Tà”. Than ôi! (3)

 (Tự Tuyệt Tình Ca – Du My Du My)

Sao vui chưa? Sẵn trớn tôi “loạn bút” luôn! Xin mời các bạn lắng nghe ông Nguyễn Bảo Sinh bàn về tình yêu.

Yêu là đạo, đạo ngây thơ. Chúng ta hãy đi vào ngôi đền tình ái như đứa trẻ thơ, mỗi bước đi là một bước đến, vì thân thể thường minh triết hơn lý trí. Khi thân thể tự đồng nhất với lý trí, ta sẽ ngộ được tình yêu, ngộ được trong dâm có tình, trong tình có dâm. Tình mà không dâm là hư vô:

Chàng bảo yêu bởi tâm hồn

Em thay giới tính chàng còn yêu không?         

Một trong yếu tố đầu tiên định nghĩa tình yêu, ta cần phải hiểu về tình dục. Nhà thơ Huyền Thi đã viết bốn câu thơ đủ nói lên sự uyên nguyên của dâm và tình:

Khi mê tình chỉ là tình

Ngộ ra mới biết trong tình có dâm!  

Khi mê dâm chỉ là dâm

Ngộ ra mới biết trong dâm có tình 

(Nguyễn Bảo Sinh)

Trong truyện Mảnh Đất Nhiều Âm Binh, Lâm Chương có kể lời lão thầy bùa đã nói với Lương Mập: “Cậu lầm rồi. Nếu cô ta không có cái đó, cậu có thương không?”

Thấy chưa Dâm / Tình!

TÌNH CỦA THẦY ĐỒ

Ở đời, điều khả thi nhất, không sợ “vỡ đầu xức trán” là tự giỡn, tự nói xấu mình. Do vậy, tui là thầy Đồ (thầy giáo) nên tui giỡn với Đồ, giỡn với chính nghề mình chơi! Nào, mời các bạn thưởng lãm tình của ông thấy đồ Phủ Vĩnh Tường:

Số là quan phủ Vĩnh Tường mời được một anh đồ còn trẻ, nhưng rất giỏi chữ, về dạy học cho đám sĩ tử trong phủ. Quan phủ có cô con gái tuổi đôi chín, nổi tiếng ứng đáp trôi chảy, xuất khẩu thành thơ và sắc nước hương trời! Một hôm, buổi chiều hết giờ dạy học, thầy đồ đi tản bộ ra trước ao sen. Cũng là lúc cô tiểu thư con quan đang lội hái hoa sen dưới ao, tay vén váy cao cho khỏi ướt. (Thuở xưa, trước thời vua Minh Mạng, các cô gái mặc váy) Có lẽ mải say sưa ngắm hoa, cô đứng lặng yên, khiến dưới đáy nước tỏa hiện nguyên hình cái “sự đời” cô. Anh đồ trẻ trông thấy, tức cảnh sinh tình, liền ngâm hai câu thơ:

“Xuân tiền lạn mạn hoa sinh sắc

Thủy diện đa ba bạng thổ thần”(+)

——-

(+) “Trước gió phất phơ hoa nẩy sắc

Một dòng thấp thoáng hến thè môi”

Cô tiểu thư nghe tiếng ngâm thơ vội nhìn lên, bắt gặp anh đồ đang nhìn hình mình dưới đáy nước. Cô đỏ mặt, tức tốc chạy vào khuê phòng. Vài hôm sau, cô nàng trao cho anh đồ trẻ bài thơ như thế này:

Thầy Đồ là người tài bộ

Quảy cầm thư sang giáo thọ Phủ Vĩnh Tường

Trước nha môn thiết lập học đường

Dạy dăm đứa chi, hồ, giả, dã

Nhân lúc thầy đồ nhàn hạ

Ra hồ sen xem ả hái hoa

Ả hớ hênh ả để  lộ đồ ra

Đồ trông thấy đồ ngâm nga tức khắc:

“Xuân tiền lạn mạn hoa sinh sắc

Thủy diện đa ba bạng thổ thần” (*)

Đồ ngâm xong đồ đứng tần ngần

Đồ nọ tưởng đồ kia thêm thắc mắc

Đêm năm canh đồ nằm khôn nhắp

Những mơ màng đồ nọ tưởng đồ kia

Đồ ơi, gặp gỡ làm chi?

Đồ ơi, tình ơi, gặp gỡ làm chi, để ta nhớ nhớ, thương thương suốt đời!

Vâng”đêm năm canh đồ tui nằm cũng khôn nhắp” sau khi gặp được Đồ. Nhưng tui gặp không phải ở hồ sen, mà ở một nơi của “một thời ta cố quên”: Sân trường đại học Miền Nam “vang bóng một thời” trong đêm nhạc Du ca, nhạc Trịnh Công Sơn (4)

Ôi hơn bốn mươi năm rồi sao lòng vẫn không nguôi! Vẫn con đường ấy, vẫn ngôi trưởng kia, vẫn Sài Gòn trong hồn người luân lạc!

Ở đây gió lạnh anh nhớ phố

Nhớ tóc em bay – nhớ Sài Gòn

Nhớ áo em mây trời Chợ Lớn

Nhớ chiều tím rịm bóng hoàng hôn

 

Thức dậy sáng nay thoáng bồi hồi

Dặn lòng mai mốt sẽ về thôi

Về để thấy con đường xưa cũ

Hàng cây chỉ còn trong giấc mơ

(Uống cà phê. Nhớ ngực ngải môi trầm – Linh Phương)

 

Về đi tìm lại hôm qua

Dẫu mưa gió có nhạt nhòa đời nhau

Về đi anh đã bạc đầu

Về đi em chớm mùa ngâu tóc buồn

Về đi về gặp một người

(Về đi đừng để tay buông – Linh Phương)

 

Ôi Việt Nam mến yêu! Ôi quê hương thân thương!

Ở đâu cũng vẫn đất trời

Cũng rừng cô tịch cũng đồi tà dương

Cũng ngày nắng, cũng đêm sương

Cũng qua cũng lại phố phường người dưng

Cũng trên trời một vầng trăng

Cũng sông vẫn chảy hai giòng ngược xuôi

Nhưng lòng sao lại không nguôi

Nghe như bìm bịp gọi chiều nước lên… 

(Xa Xứ – Trần Hoài Thư)

KẾT

Ôi buồn quá tiếng bìm bịp của quê tôi! Cũng may, Nguyên Lạc tui còn được mảnh tình lận lưng sống đời xa xứ!

Mong các bạn cùng cái Tình thân yêu mãi mãi dài lâu! Hãy vun xén và tưới tẩm nó, để nụ Tình nở ra đóa hoa đầy hương sắc!

Nguyên Lạc             

…………………..

Nguồn: Các Facebook và Web của: Luân Hoán,Trần Yên Hòa, Trần Hoài Thư, Nguyễn Bảo Sinh (EE), Linh Phuơng, Hồ Chí Bửu, , Phạm Hồng Ân, Quan Dương, Hoàng Lộc,   Gia Nguyễn…

@ -Xin lỗi các thi nhân! chỉ trích đoạn, nếu dùng trọn bài thơ thì bài này quá dài. Độc giả thich đọc trọn bài thơ, xin vào các FB và các Web thượng dẫn.

 

Ghi chú:

(*) Thuỷ diện đa MANG bạng thổ thần !(bản của cụ Nguyễn Quảng Tuân)

 (1) Ý của Phạm Thành Châu (Việt Báo)

(2)http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/nu-hon-dau-pham-duy-nhac-truoc-1975-julie-quang.wMUqtAUmu6.html

(3) Tịch Tà kiếm phổ là môn tà kiếm trong Tiếu Ngạo Giáng Hồ (của Kim Dung): Muốn luyện, phải tự thiến mình mới luyện được, như Ngụy Quân Tử Nhạc Bất Quần.

(4) Link “Ru Ta Ngậm Ngùi” -Trịnh Công Sơn / Khánh Ly (Quán Văn trước 1975):

https://www.youtube.com/watch?v=qHH9avvc7Aw

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search