T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: Nhân đọc cuốn: “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”

Đảo Gạc Ma – Ảnh (Vietnam.net)

Bài 1

Trước khi hòn đảo Gạc Ma được biết đến qua cuốn sách này, tôi đã nghe một cán bộ ở quê tôi, sinh tại Hà Nội, sống và làm việc tại Hà Nội trong vị trí đảng viên, một lần vào Sài Gòn cách nay cũng khá lâu, đã nói về cái đảo Gạc Ma bị mất như thế nào. Ông không giấu với tôi khi nói rằng chính ông Bộ trưởng Quốc Phòng Lê Đức Anh đã ra lệnh lính trên đảo của mình “không được nổ sung”.

Rồi hàng năm, vào dịp giỗ những bộ đội bị quân Trung Quốc sát hại trên đảo Gạc Ma, 64 người, vào ngày 14-3-1988, thì một vài trang web có khuynh hướng phản biện đã đưa tin vắn tắt về việc một số “dư luận viên” ngăn cản, phá rối người dân thắp nhang để tưởng nhớ họ.

Những dịp như thế này, tôi thấy mình cũng có những xôn xao trong lòng, vì 64 con người đã chết tức tưởi, chết trong uất ức bởi một cái lệnh phi nhân tính, vô tổ quốc. Sau hơn 40 năm sống với Cộng sản, có quá nhiều những đau đớn xảy đến cho người dân do những kẻ cai trị có chung một mẫu người như  kẻ đã phát ra cái lệnh sặc mùi xú uế nôn mửa kia.

Nhìn vào giải đất của Tổ quốc suốt từ Ải Nam quan xuống mãi mũi Cà Mau, bây giờ sau Hội nghị Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc hầu như đã có những khu phố, những khu thương mại v.v…thuộc về Tàu cộng.

Bức bản đồ dưới đây cho thấy những khu vực nào đã thuộc về người Tàu:

Ảnh (Blog Tễu)

Những mảng màu vàng trên bản đồ này cho thấy  nó đã  “rách” như thế nào dưới triều Cộng sản.Với Nguyễn Phú Trọng “Hoàng Đế” ở thập niên đầu thế kỷ 21, người ta không dám tin có một “biến cố” đảo ngược với những gì Đảng CSVN đã ký tại Thành Đô, trái lại ông ta sẽ dựa vào cái ngai Hoàng Đế mà đẩy nhanh việc Hán hóa Việt Nam, đồng thời những người thường quan tâm đến các vấn đề thời sự của Việt Nam, nhất là những sự việc xảy ra trong nội bộ đảng và chính quyền trong nhiều năm gần đây, dự đoán rằng: sẽ còn nhiều kẻ phải chết như Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang hay như những Phùng Quang Thanh, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh v.v…và còn những người tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ…sẽ vào tù nhiều hơn.Tuy nhiên, Nguyễn Phú Trọng cũng trở thành kẻ “đại thù” của nhiều người, ăn ngủ không yên.

Cho nên, việc để mất đảo Gạc Ma, tuy rằng thêm một sự phản nghịch của Lê Đức Anh ở cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, so với mật ước Thành Đô một khi nó được thực hiện về phía Đảng CSVN, thì cũng là một điểm nhỏ trên biển so với bản đồ “rách” trên đất liền kia. Nó trở thành điểm cuốn hút đối với những người thực hiện, chỉ vì có hai điều trong thực tiễn của sự kiện trong ngày 14 tháng 3 năm 1988, gây nên cái chết bi thảm của 64 bộ đội có mặt trong ngày này. Đó là: 1/ “không được nổ súng”! và 2/ 64 con người uất ức bị giặc sát hại mà vì “lệnh” nên không có một hành động chống cự lại. Rồi sau khi cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” xuất hiện mấy tháng trước, nổ ra mâu thuẫn giữa những người thực hiện cuốn sách và bên chống lại, đòi tịch thu và tiêu hủy sách. Bên nào cũng có tướng quân đội. Phải chăng đây cũng là một âm mưu của một tên ma đầu nào đó, muốn tách quân đội ra làm hai phe, phòng khi có một phe đứng về phía nhân dân chống lại phe bán nước thì phe kia sẽ chống lại.

Chúng tôi sẽ trở lại việc này ở bài 2. Bây giờ xin được tiếp tục về những gì Việt Nam đã mất.

VIỆT NAM MẤT ĐẤT MẤT BIỂN VÀO TAY GIẶC TÀU

Cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 2001, Tổng thống Nga, V. Putin, sang Việt Nam thì, cũng đúng vào thời điểm này năm sau, tức năm 2002, ông Giang Trạch Dân, Tổng bí thư Đảng, kiêm Chủ tịch Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sang Việt Nam. Dịp này, ông Giang Trạch Dân khẳng định Trung Quốc “sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trên nhiều lãnh vực, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình phát triển và sẽ có quy chế tối huệ quốc cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường Trung Quốc” (Dẫn theo báo Tuổi Trẻ số 36/2002 ngày 1-3-2002, tr 16, cột 1).

Một tháng sau khi vị “đại quý khách và ân nhân” của Đảng và chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam “ban” lời hứa hẹn như thế, thì tờ tuần báo Công giáo và Dân tộc số 1351 từ 05.4 đến 11.4.2002, đăng bản tin sau đây (xin trích một đoạn):

“Sáng 2.4, tại kỳ họp thứ 11, QH khóa X, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa, về Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam-Trung Quốc.

“Ngày 30.12.1999, nước ta và Trung Quốc đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền. Ngày 27.12.2001, hai nước đã tiến hành cắm mốc quốc gia đầu tiên tại cửa khẩu Móng Cái-Đông Hưng và hai bên dự kiến trong ba năm sẽ hoàn tất việc phân giới cắm mốc.

“Ngày 25.12.2000, nước ta và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá. Hiện nay hai bên chưa tiến hành phê chuẩn Hiệp định; đang đàm phán về Nghị định thư bổ sung Hiệp định hợp tác nghề cá…”

Bản tin này chỉ nói về một việc đã xảy ra từ năm 1999 và năm 2000, nhưng mãi đến đầu tháng 4 năm 2002, báo chí mới được đưa lên mặt báo, sau khi một số trí thức trong và ngoài nước lên án hành động Đảng và nhà cầm quyền CSVN dâng đất cho Tàu cộng. Vậy mà ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng “nhắm mắt” nói bừa “Tôi xin nhắc lại lời của Vua Lê Thánh Tôn từng nói với triều thần(…) “Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”Chắc ngài chủ tịch quên, hay là coi thường  dân, giả vờ quên, vì việc dâng đất đã xong từ hơn 10 năm nay rồi.

Có lẽ cũng cần nói đến tính cách khác thường của tờ tuần báo Công giáo và Dân tộc (số đã dẫn trên đây) khi đăng bản tin này : bản tin dâng đất cho Tàu cộng (không có tựa đề), được in chung với một bài báo viết về một vấn đề hoàn toàn khác (bằng một cái khung, chữ bản tin trong khung nhỏ hơn bài báo bên ngoài khung). Đưa lên báo một bản tin dâng đất cho ngoại bang như vậy, có lẽ những người trong ban biên tập tờ báo, không khỏi xấu hổ với lương tâm, nên đã ghép nó vào trong một bài báo khác, một việc làm chưa hề có trong làng báo chí ở Việt Nam.

Việc Đảng và nhà cầm quyền CSVN dâng đất và lãnh hải cho Tàu cộng, căn cứ vào bản tin trên tờ CgvDt (số đã dẫn), chỉ là việc mới. Hành vi chia một phần lãnh hải cho Tàu cộng ngay lúc Hồ Chí Minh còn sống, đã xảy ra rồi. Đó là vào ngày 14-9-1958. Những việc này đã được ông Trần Đại Sỹ, Viện sỹ Viện Nghiên cứu Pháp-Á tường trình rất chi tiết, cụ thể và rõ ràng. Những điều được trích dẫn dưới đây là theo bản tường trình đó, được đăng trên tờ báo Thư Nhà số 9 tháng 5-2002, từ trang 15 đến trang 21. Chủ nhiệm là Lm Chân Tín (1920-2012), DCCT.

Vụ cắt lãnh hải năm 1958 :

Ông Trần Đại Sỹ, Viện sỹ Viện Nghiên cứu Pháp-Ácho biết:

Ngày 4-9-1958, chính phủ Trung Quốc tuyên cáo về lãnh hải 12 hải lý kể từ đất liền của họ, có đính kèm bản đồ rất rõ ràng. Bản tuyên cáo này chỉ có hai nước công nhận, đó là VNDCCH và Bắc Cao (Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên). Việc VNDCCH công nhận như sau: Ngay khi nhận được bản tuyên cáo  do sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Bộ Chính trị đảng Lao động Việt Nam (tức đảng Cộng sản Việt Nam ẩn danh). Trong buổi họp này toàn thể các thành viên nhất trí chấp nhận bản tuyên bố của Trung Quốc. Ngày 14-9-1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tuân lệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi văn thư  cho Tổng-lý Quốc-vụ viện Trung Quốc (Thủ tướng) là Chu Ân Lai.

Những nước liên hệ tới bản tuyên bố là Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan),-Nhật Bản,- Hoa Kỳ (hạm đội 7),- Phi Luật Tân,- Mã Lai,- Brunei,- Indonesia,- VNDCCH,- VNCH.

Thế nhưng từ hồi đó đến nay các nhà nghiên cứu Âu-Mỹ cho đến các nước Á châu Thái Bình Dương không hề để ý đến văn thư trên.

Vì sao ?

Bản tuyên bố chỉ đọc trên hệ thống truyền thanh của Trung Quốc rồi cũng được các báo Trung Quốc đăng lại, mà không có bản đồ đính kèm…

Do kết quả không có bản đồ đính kèm của Trung Quốc tuyên bố lãnh hải của họ (gần như trọn vẹn vùng biển Nam Hải), Hoa Kỳ cũng như thế giới không biết (hay không công nhận), nên suốt thời gian 1958-2001:

-Hạm đội 7 của Hoa Kỳ tuần hành trong vùng lãnh hải tuyên bố này, đầy đe dọa Trung Quốc, mà Trung Quốc vẫn ngậm bồ hòn.

-Chiến hạm của Pháp, Đức, Ý cũng như một số nước Úc, Âu trong thời gian 1975-1980 vẫn tuần hành, hộ tống những con tàu vớt người Việt trốn chạy trong vùng, mà Trung Quốc đành im lặng…

Nhưng nếu họ có bản đồ về lãnh thổ đính kèm bản tuyên bố thì họ sẽ toát mồ hôi ra. Vì bản đồ này bao gồm toàn bộ các đảo trong vịnh Bắc Việt, toàn bộ các đảo ở biển Nam Hải như Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Như vậy nếu tính lãnh hải 12 hải lý, tính từ các đảo này thì: lãnh hải Trung Quốc ở biển Nam Hải. Phía Tây sẽ sát tới bờ biển suốt miền Trung, Bắc Việt Nam. Phía Đông sát tới lục địa Phi Luật Tân, Brunei. Phía Nam sát tới Indonésia, Mã Lai.

Trở lại với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ chính trị đảng Lao Động (Cộng sản) Việt Nam và chính phủ VNDCCH hồi 1958, khi các vị ấy có bản tuyên bố lãnh hải của Trung Quốc, thì cũng có bản đồ chi tiết. Nhưng các vị ấy gửi thư chấp nhận bản tuyên bố thì có nghĩa rằng họ đồng ý nhường cho Trung Quốc toàn bộ:

-Các đảo của Việt Nam trên biển Nam Hải

-Toàn bộ lãnh hải Việt Nam cách  các đảo đó 12 hải lý, nghĩa là toàn bộ biển Nam Hải.” (Bdt, tr 16 cột 2 và tr 17 cột 1).

Vụ Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, tháng Giêng 1974

Vẫn theo bản tường trình của Viện sỹ Trần Đại Sỹ, trận chiến giữa hải quân VNCH và hải quân Trung Quốc đã gây ra cho phía Trung Quốc những thiệt hại “gấp ba VNCH” (về nhân mạng, về chiến hạm, tài liệu này tôi (Trần Đại Sỹ) có từ phía Trung Quốc). Nhưng Việt Nam Cộng Hòa phải bỏ kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa, vì đang phải đương đầu với VNDCCH. Bấy giờ Hoa Kỳ với VNCH có hiệp ước hỗ tương an ninh, Hoa Kỳ đang tham chiến tại Việt Nam, hạm đội 7 hùng hậu đang tuần hành gần vùng giao chiến. Tại sao Hoa Kỳ không can thiệp, không lên tiếng bênh vực VNCH ?

Vì : Trong cuộc mật đàm giữa Hoa Kỳ (Kissinger) và Trung Quốc (Mao Trạch Đông), phía Trung Quốc đã trao cho ông Kissinger bản tuyên bố lãnh hải 4-9-1958 cùng bản đồ. Ông Kissinger đã công nhận bản tuyên bố ấy. Cho nên ông Kissinger vừa rời Trung Quốc, thì Trung Quốc đem hạm đội xuống chiếm Hoàng Sa. Vì : văn thư của ông Phạm Văn Đồng công nhận quần đảo này là của Trung Quốc.. (Bdt, tr 17 cột 2)

Hiệp ước biên giới trên đất liền ngày 30-12-1999             

Về việc này, ông Trần Đại Sỹ cho biết, ông được tin tức chi tiết vào ngày 9.1.2000,  nghĩa là 10 ngày sau, do hai ký giả Trung Quốc là bạn của ông. Họ thuật lại theo tinh thần bản hiệp định thì : Việt Nam nhường cho Trung Quốc dọc theo biên giới, 789 cây số vuông (chứ không phải 720 như tin tức lộ ra trong nước), thuộc hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Có mấy hiệp định thư (Protocol) đính kèm về việc thi hành. Quan trọng nhất là:

– Nhượng vùng Cao Bằng, sát tới hang Pak-bó. Trước kia nằm rất xa biên giới (khoảng 50km), nay nằm sát biên giới.

– Nhượng vùng đất bằng phẳng thuộc tỉnh Lạng Sơn, nơi có cửa ải Nam Quan.

Rồi ông Trần Đại Sỹ mô tả về mảnh đất này trước kia và bây giờ. Ông viết :

“Tôi đã nhiều lần từ Việt Nam sang Trung Quốc bằng cửa ải này và ngược lại, lãnh thổ Hoa-Việt được phân chia bởi một con sông nhỏ. Đây là cửa họng giao thông của Trung Quốc, Việt Nam bằng đường bộ.Suốt hơn mấy nghìn năm qua, dân Hoa-Việt giao thương đều qua đây. Chính vì vậy mà con đường quốc lộ xuyên Việt mang tên Quốc lộ 1, được đánh số cây số Zéro từ đầu cây cầu Nam Quan. Tất cả thư tịch Việt Nam đều chép rằng : “Con đường Bắc-Nam khởi từ ải Nam Quan”. Hoặc : “lãnh thổ Việt Nam, Bắc giáp Trung Hoa, khởi từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu, theo hình chữ S”.

Bây giờ nếu Quý vị vào Website của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Quý vị sẽ không thấy hàng chữ trên, mà chỉ thấy câu : “lãnh thổ Việt Nam khởi từ cây số không ở phía Bắc”.

“Thưa Quý vị,

“Cái cây số không đó là cây số 5 cũ đấy.Cột cây số Zéro bây giờ ở phía Nam cột Zéro cũ 5 cây số.Từ cây số Zéro đến cây số 5 nay thuộc Trung Quốc.Sát cây cầu Nam Quan, phía bên Trung Quốc cũng như Việt Nam, đều có nhiều cơ sở (…), từ khi hiệp định 30-12-1999 ký thì toàn bộ khu này thuộc Trung Quốc.Những cơ sở đó bây giờ được thay bằng một tòa nhà duy nhất.

“Đi sâu vào khu vực phía Nam của Nam Quan ít cây số nữa là quận lỵ Đồng Đăng, rồi tới tỉnh lỵ Lạng Sơn. Đây cũng là đất thiêng, khu có di tích văn hóa lịch sử của tộc Việt : Động Tam Thanh, tượng núi Tô Thị, thành của bọn giặc Mạc trên núi. Vùng Lạng Sơn xưa là Thủ đô của con cháu giặc Mạc Đăng Dung, mà năm 1540 đã dâng đất cho Trung Quốc, để được bao che cát cứ quân phiệt một thời gian. Trong chiến tranh Hoa-Việt 1978, hầu như toàn bộ các cơ sở kỹ nghệ, cầu cống, dinh thự, di tích tôn giáo, lịch sử, cơ sở hành chính, thương mại, kể cả nhà cửa của dân chúng bị san bằng.” (Bdt, tr 19 cột 2)

Hiệp định phân định lãnh hải ngày 25-12-2000

“Từ giữa thế kỷ thứ 19 về trước, chưa từng có việc ấn định rõ lãnh hải Việt-Hoa.Tuy nhiên vào thế kỷ thứ 15, Việt Nam đã định lãnh hải qua vụ nhà vua sai vẽ Hồng Đức bản đồ. Theo bản đồ này thì các quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) và Trường Sa (Nam Sa) thuộc Đại Việt. Và hai quần đảo đó đều thuộc Việt Nam cho đến khi Bộ Chính trị thời 1958 trao cho Trung Quốc (trên lý thuyết). Vào những thời kỳ ấy (1500-1887), Thủy quân cũng như thương thuyền, tàu đánh cá của cả Hoa lẫn Việt chỉ là những thuyền nhỏ, không ra xa bờ biển là bao, nên chưa có những đụng chạm. Sau khi triều Nguyễn của Việt Nam ký hòa ước năm 1884, công nhận quyền bảo hộ của Pháp, thì người Pháp mới định rõ lãnh hải.Nước Pháp với tư cách bảo hộ Việt Nam, đã ký với Thanh triều hòa ước 1887, định rõ lãnh hải trong vùng Vịnh Bắc Việt. Đối với hòa ước này, Việt Nam đã chịu khá nhiều thiệt hại, vì mất một số đảo, mà dân chúng là người Việt, nói tiếng Việt, mặc y phục Việt, sống trong văn hóa Việt. Cho đến nay (2001), dân trên các đảo này vẫn còn nói tiếng Việt, ẩm thực theo Việt, và dùng y phục Việt. Chúng tôi đã từng thăm vùng này hồi 1983. Tuy nhiên với hòa ước 1887, lãnh hải Vịnh Bắc Việt được phân chia như sau : Trung Quốc 38%, Việt Nam 62%…

Bây giờ đến hiệp định Việt-Hoa 25-12-2000, thì vùng Vịnh Bắc Bộ được chia ra như sau : Việt Nam 53%, Trung Quốc 47%. So với trước 1887 thì Việt Nam chỉ mất có 38%, nay mất thêm 9% nữa ! (Ddt tr 20 cột 1,2)

Ngoài ra, trong bản tường trình trước Viện nghiên cứu Pháp-Á, ông Trần Đại Sỹ đã phân tích về hoàn cảnh của đảng và chính quyền cộng sản ở Việt Nam giai đoạn 1958 cũng như thời kỳ 1999-2000, là những thời kỳ diễn ra việc nhượng lãnh thổ, trên đất liền và trên biển cho Tàu. Theo ông, năm 1958 là lúc “thịnh thời nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thời kỳ này, miền Bắc Việt Nam vừa trải qua cuộc Cải cách ruộng đất, 246.578 người hầu hết là phú nông, địa chủ, trung nông, các cựu đảng viên không phải của đảng Lao Động (Cộng sản), dân chúng…bị giết, nghĩa là toàn miền Bắc dân chúng kinh hoàng, cúi đầu răm rắp tuân lệnh đảng. Không còn kẻ nội thù.Nhất là lúc ấy, VNDCCH đang kéo cao cờ nghĩa đánh Pháp, chống Mỹ cứu nước.Họ kết tội VNCH là ngụy. Họ phải hết sức giữ gìn để khỏi mất chính nghĩa.Thế sao đảng Cộng sản lại làm  cái việc thân bại danh liệt, trở thành tội đồ muôn năm của tộc Việt?

Còn thời kỳ 1999-2000, ông Trần Đại Sỹ cho rằng “cả thế giới (trừ Trung Quốc) đều có chính sách ngoại giao rất đẹp với Việt Nam : Hoa Kỳ (Tổng thống Bill Clinton), Liên Âu, các nước ASEAN đang theo đuổi chính sách ngoại giao rất mềm dẻo với Việt Nam. Nhất là Tổng thống Clinton, ký sắc lệnh bỏ cấm vận Việt Nam, mở cửa cho sinh viên Việt Nam sang du học Hoa Kỳ, mở cửa cho hàng Việt Nam được nhập vào Hoa Kỳ. Nói tóm lại, thời gian từ nửa năm 1999 cho đến cuối năm 2000, Việt Nam không bị một áp lực quốc tế nguy hiểm nào, đến độ phải nhượng đất, nhượng biển cho Trung Quốc để được viện trợ vũ khí, để được che chở.

Ông Trần Đại Sỹ không tìm được lý do nào quan trọng đến nỗi Đảng và Nhà nước CSVN phải lấy đất lấy biển của Tổ tiên để lại đem “triều cống” cho giặc là Tàu cộng ở Hoa lục, ngoài ý đồ đặt Việt Nam vĩnh viễn nằm trong vòng kiềm tỏa của Tàu cộng để được tồn tại làm chuyện ác, thách thức nhân dân, bóc lột nhân dân còn hơn cả những thái thú của giặc xưa kia.

Tưởng cũng nên nhắc đến ở đây lời kể của ông Trần Đại Sỹ, về chuyến đi tới Ải Nam Quan sau ngày lọt vào tay giặc Tàu. Lời kể này cũng nằm trong bản tường trình của ông, in trên tờ Thư Nhà đã dẫn trên đây.

Khi ông tới trạm biên giới mới, ông xin sang lãnh thổ Trung Quốc mới (Nam Quan cũ) thì bị công an Việt Nam từ chối. Ông nói : “Chúng tôi mang thông hành Liên Âu, có visa hợp pháp vào Việt Nam, thì chúng tôi có quyền ra khỏi Việt Nam chứ? Công an cửa khẩu trả lời rằng: ông có visa ra vào cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Nội Bài, chứ không có quyền rời Việt Nam bằng cửa hữu Nghị. Chúng tôi xin chụp hình cửa khẩu mới, thì họ không cho. Chúng tôi đành trở về, rời Tân Sơn Nhất, rồi đi Quảng Châu.Từ Quảng Châu đi Nam Ninh. Từ Nam Ninhthuê xe tới Bằng Tường là đất Trung Quốc đối diện với Nam Quan. Rồi vào Nam Quan cũ.Đứng trước vùng đất thiêng của Việt Nam, nay vĩnh viễn trở thành đất của người.Tự nhiên tôi bật lên tiếng khóc như trẻ con. Viên sĩ quan công an Trung Quốc tưởng tôi là người Hoa. Anh ta hỏi:

– Tiên sinh có thân nhân tử trận trong dịp mình dạy bọn Nam man bài học à?

Tôi lắc đầu, khóc tiếp. Anh an ủi:

– Thôi, người thân của tiên sinh đã hy sinh dưới cờ thực, nhưng nay bọn Nam man

đã dâng đất này tạ tội rồi. Tiên sinh chẳng nên thương tâm nhiều.

Tôi kiếm tảng đá ngồi ôm đầu khóc. Anh công an bỏ mặc tôi. Khóc chán, tôi trở sang Bằng Tường, kiếm một cơ sở mai táng (xây mộ, làm mộ chí). Tôi mượn họ khắc trên một miếng đá bóng nhân tạo (granite) bài thơ bằng chữ Hán như sau:

Thử địa cựu Nam quan,

Biên địa ngã cố hương

Kim thuộc Trung quốc thổ,

Khấp, khốc, ký đoạn trường.

Lê Hoàn bại Quang Nghĩa,

Thường Kiệt truy Bắc phương

Hưng Đạo đại sát Đát,

Lê Lợi trảm Vương Thông.

Nam xâm, Càn Long nhục,

Gươm hồng Bắc-Bình vương.

Ngũ thiên niên dĩ tải,

Hoa,Việt lập dịch trường.

Mao, Hồ tình hữu nghị

Nam, Bắc thần xỉ thương,

Huyết lệ vạn dân cốt,

Hồng kỳ thích ô hoang.

(Đại Việt vong quốc nhân Trần Đại Sỹ khốc đệ lục nhật, cửu nguyệt, niên đại 2001)

Tôi (Trần Đại Sỹ) đem tảng đá này, gắn vào một vách núi ngay cạnh đường, trên độ cao khoảng 2-3m.Công an, cán bộ Trung Quốc xúm lại xem.Nhưng họ chỉ hiểu lơ mơ ý trong thơ mà thôi. Xin tam dịch:

Đất này xưa gọi Nam quan,

Vốn là biên địa cố hương của mình.

Hiện nay là đất Trung nguyên,

Khóc chảy máu mắt, đoạn trường ai hay.

Vua Lê thắng Tống chỗ này,

Thường Kiệt rượt Tiết cả ngày lẫn đêm.

Thánh Trần sát Đát liên miên,

Lê Lợi giết bọn Thành sơn bên đồi.

Càn Long chinh tiễu than ôi,

Quang Trung truy sát muôn đời khó quên.

Năm nghìn năm cũ qua rồi,

Chợ biên giới lập, đời đời Việt-Hoa.

Ông Hồ kết bạn ông Mao,

Sao răng lại cắn máu trào môi sưng.

Vạn dân xương trắng đầy đồng,

Để lại trên lá cờ Hồng vết nhơ.

(Người nước Đại Việt vong quốc tên Trần Đại Sỹ, khóc đề thơ ngày 6 tháng 9 năm 2001)

Thêm lời tố cáo của Bác sỹ Nguyễn Đan Quế

Ngoài ra trên tờ Thư Nhà số 10 tháng 7 năm 2002, Bác Sỹ Nguyễn Đan Quế đặt vấn đề biên giới và hải đảo Việt Nam trong tương quan với cuộc chiến Việt-Pháp và Nam-Bắc.

BS Quế bắt đầu bài viết của mình từ năm 1858 là năm Pháp nổ phát súng đầu tiên đánh vào Đà Nẵng, 1884 Pháp đặt ách thống trị trên toàn quốc Việt Nam, 1895 Pháp vẽ bản đồ Đông Dương sau khi ký hiệp ước với triều đình Mãn Thanh ấn định biên giới dài 1300km giữa Việt Nam và Trung Quốc. Năm 1941, Hồ Chí Minh về Việt Nam lập chiến khu dọc theo biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Để đảm bảo an toàn, đoạn đường chót tàu hỏa và đường bộ của Trung Quốc ăn sâu vào  lãnh thổ Việt Nam có nơi 500 mét, nhiều nơi đến cả cây số và dùng nơi này làm cơ quan đầu não, huấn luyện cán bộ, dưỡng quân, tiếp nhận và cất dấu vũ khí. Nếu Pháp hành quân hay dùng máy bay oanh tạc vùng này, Trung Quốc sẽ la ầm lên là vi phạm lãnh thổ của họ.

. 1954 chia đôi đất nước

. Vì cần phát động chiến tranh với miền Nam, hai đảng CSVN và Trung Quốc ký thỏa thuận ngầm đường biên “hậu phương lớn”, “núi liền núi sông liền sông” và Phạm Văn Đồng còn chính thức gửi công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 lên tiếng công nhận hải phận của Trung Quốc là 12 hải lý, tính nhờ Trung Quốc bảo vệ dùm 3/4 biển Đông bên ngoài lãnh hải Bắc Việt vì lúc đó Hà Nội chưa có hải quân.

. 1972 Trung Quốc ký thông cáo chung Thượng Hải với Mỹ để lộ rõ chiều hướng chuyển từ đối đầu sang hợp tác, cho phép Mỹ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam kéo theo tiến trình giải quyết chiến tranh Việt Nam với hiệp định Paris ra đời vào ngày 27 tháng 1 năm 1973.

. Từ năm 1975 đến cuối năm 1978, biên giới Việt Nam-Campuchia triền miên rối loạn. Đầu năm 1979 Việt Nam tiến quân sang Campuchia. Trung Quốc liền ra tay đánh vào biên giới phía Bắc của Việt Nam, nói là trừng phạt dậy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc coi vùng mà trước đây Hà Nội giao cho họ nhờ bảo đảm an toàn dùm là phần đất của họ.

. 1991 Việt Nam và Trung Quốc nối lại quan hệ ngoại giao. Vấn đề biên giới trên bộ và trên biển được đặt ra thương thảo lại, nhưng khi ngồi vào bàn hội nghị, Việt Nam bị thất thế vì Trung Quốc đưa ra những văn kiện ký kết năm 1958 giữa hai chính phủ và hai đảng và vì không lên tiếng xác nhận chủ quyền ở Hoàng Sa khi xảy ra cuộc tranh chấp năm 1974 giữa Trung Quốc và Việt Nam Cộng Hòa. Hà Nội muốn trở lại đường biên giới ký kết giữa Pháp và triều đình Mãn Thanh, nhưng Bắc Kinh bác, bắt phải dựa trên những ký kết với nhau trong quá khứ, lấy lý do là hai đảng vẫn còn hiện hữu mà lại đang nắm chính quyền, không có chưyện công nhận những việc phong kiến và thực dân thiết lập. Phía Việt Nam đuối lý, đành ngậm bồ hòn làm ngọt, nhượng bộ hoàn toàn những đòi hỏi của Trung Quốc, mất gần 1000km2 trên vùng biên giới phía Bắc.

Về vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bác sỹ Quế cho rằng, việc này bùng lên từ năm 1974 bởi các nước trong khu vực đòi chủ quyền hai quần đảo này. Đó là các nước Trung Quốc, Việt Nam Cộng Hòa, Malaysia, Philippines, Brunei.Bởi vì, nhờ những tiến bộ về khoa học nhất là trong phạm vi kỹ thuật vi điện tử, nhân loại đã có thể khai thác những tài nguyên dưới đáy biển. Lục địa chỉ chiếm có 29% diện tích của trái đất và nguồn tài nguyên đã cạn kiệt vì bị khai thác dòng dã mấy thế kỷ nay, trong khi đó biển cả chiếm đến 71% mà tài nguyên phong phú còn nguyên vẹn chưa từng bị khai thác vì không có kỹ thuật. Do đó, lục địa không còn là miếng mồi ngon cho các siêu cường tranh chấp nữa, mục tiêu béo bở bây giờ là đáy biển (…) Hoàng Sa và nhất là Trường Sa nằm trong trường hợp này.(Bdt tr 28, 29)

Sau đó, BS Nguyễn Đan Quế đã nói lên lập trường của mình mà chúng tôi cho rằng đó cũng là lập trường chung của những ai có lòng yêu nước một cách chân chính. Ông Quế viết:

“Chúng tôi quan niệm rằng, đất nước Việt Nam là của chung cho mọi người dân Việt Nam, tất cả mọi công dân Việt Nam, trong cũng như ngoài nước đều có bổn  phận bảo vệ lãnh thổ, tài nguyên của Việt Nam do tiền nhân đã dày công để lại. Không ai được độc quyền yêu nước và cũng không một ai, một đoàn thể hay đảng phái nào trong bất cứ hoàn cảnh nào có thể nhân danh dân tộc Việt Nam ký kết những văn kiện bán nước cho ngoại bang” (Bdt tr 30 cột 1)

Trên căn bản đó, ông Quế đề nghị:

– Về vấn đề biên giới trên bộ : Nhân dân ta không bị ràng buộc bởi hiệp định phân định đường biên giới trên bộ mới ký kết năm 2001 giữa Hà Nội và Bắc Kinh và cũng sẽ không công nhận cột mốc sắp cắm mà chỉ coi đây là một bước sai lầm đâm lao phải theo lao của Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam, đặt quyền lợi của đảng trên quyền lợi tổ quốc, dâng đất để được Trung Quốc ủng hộ, hy vọng được tiếp tục ngồi lại thống trị nhân dân ta. Nhân dân ta không coi những thỏa thuận ngầm giữa Hà Nội và Bắc Kinh là có giá trị, toàn bộ vấn đề biên giới trên bộ phải trở lại bản đồ do Pháp vẽ năm 1895 cho cả ba biên giới tiếp giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia (…) vì đây là bản đồ đầu tiên được vẽ một cách khoa học và vô tư bởi các chuyên viên về địa dư của Pháp.

– Về vấn đề hải đảo : Nhân dân ta muốn giải quyết hòa bình những tranh chấp về các hải đảo dựa trên :

– Luận cứ các bên đưa ra dính đến sự hiện diện từ xưa trên đảo.

– Nằm nhiều ít trên thềm lục địa.

– Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982.

– Bảo đảm quyền lợi và an ninh cho giới khai thác tài nguyên đáy biển. (Bdt tr 30)(Hết trích)

 Khải Triều

(Còn tiếp bài 2)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search