T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đào Dân: Cảm xúc tháng chín

Lạc – Tranh: Thanh Châu

Cả tuần nay, bầu trời như bị che khuất bởi những tầng mây xám, với một chút gió nhẹ, với một chút nắng vàng. Cây cỏ vẫn xanh tươi, hoa trái vẫn trĩu cành giữa những khu vườn rậm rạp. Không có lá vàng rơi nhẹ trên lối đi, không có gió heo may phe phất, cũng chẳng có những giọt mưa ngâu giăng giăng trên mái tóc bạc. Vậy mà mùa thu đã thực sự trở về. Có một chút gì bâng khuâng, có một chút gì gợi nhớ. Không chỉ là cái không khí lành lạnh đầu mùa, không chỉ là cái tươi mát của một chút hơi sương. Chỉ một chút bâng khuâng, một chút man mác, một chút luyến lưu.. Và một chút khuấy động, một chút dồn nén. Tất cả như buộc con người phải bươn chải truy tìm và lục lọi. Thì đây, tấm lịch treo tường đã chỉ rõ. Tháng chín. Tháng đầy những ký ức, đầy những hoài niệm. Ký ức, hoài niệm của 25 năm trước, của mùa thu năm 1991. Vì đó là mùa thu bắt đầu cho một chuyến phiêu lưu bất định vào một hành trình dài đến 25 năm trên đất Mỹ, trên vùng đất mới, vùng đất tưởng chỉ là tạm dung mà hóa ra trở thành miên viễn thiên thu. Chỉ còn mượn câu thơ của cụ Nguyễn Du qua lời nàng Kiều trước khi lên đường bán mình chuộc cha, để một chút gọi là gởi gấm tâm sự:

Mai sau dù có bao giờ, Đốt lò hương ấy so tơ phím này,

Trông ra ngọn cỏ lá cây, Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

Nhớ về những ngày ấy là nhớ về một đống hỗn mang những kỷ niệm, dù chỉ là những chuyện nhỏ nhặt bình thường của cuộc sống, nhưng đã lưu lại dấu vết trong mọi góc khuất của ký ức. Chỉ chờ có dịp là nó bùng ra, như cuốn phim dĩ vãng quay chậm một quãng thời gian dù ngắn ngủi của quá khứ mà biến thành dấu ấn của cuộc đời. Và đây, xin cùng tôi đi vào miền ký ức mà từ lâu tưởng như bị bỏ quên…

Sài Gòn những ngày ấy nóng như cái chảo lửa. Không chỉ cái nóng cố hữu của miền nhiệt đới mà còn được tiếp sức bởi ảnh hưởng của ngọn núi lửa Pinatubo từ Phi Luật Tân đang hoạt động thổi sang. Không khí khô hẳn đi. Không gian như phảng phất mùi khét. Sân thượng của tòa building 6 tầng ở đường Nguyễn Trãi (Võ Tánh cũ) phủ đầy tro trắng xóa. Đây là nơi mỗi buổi sáng tôi thường lên đó, vừa làm vài động tác thể dục, vừa nhìn xuống để quan sát và hưởng thụ cái không khí yên bình của phố phường vào buổi ban mai khi mặt trời còn e lệ ẩn mình đâu đó. Và cũng là nơi mà vào khoảng hơn 4 giờ chiều, tôi cũng thỉnh thoảng lên đây, cùng dành nhau chí chóe với bọn trẻ của những gia đình hai tầng lầu 5 và 6 để lấy nước chuyển vào nhà, những khi ban quan trị khu chung cư bơm nước từ dưới lên.

Căn hộ hai phòng ngủ là một trong 6 căn cuối cùng ở tận lầu 6 mà sở kiến trúc xin thành phố để cung cấp cho các gia đình các cán bộ của sở. Em vợ tôi, Võ Thống là một kỹ sư công chánh của VNCH lưu dung may mắn xin được một căn, và gia đình tôi gồm 4 người đã tá túc nơi đây gần 6 tháng trong thời gian làm thủ tục xuất cảnh. Ngoại trừ tháng đầu tiên phải phỏng vấn, các thủ tục khám sức khỏe và chích ngừa các loại bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của Mỹ, tháng thứ hai trở lại quê nhà, và tháng cuối, tháng 9, lại những thủ tục cho chuyến bay sắp rời xa đất nước. Thời gian còn lại, tôi hoàn toàn rảnh rổi. Khoan khoái biết chừng nào! Thử nghĩ coi, tôi không còn phải khòm lưng trên những con số của mấy cuốn sổ kế toán, không còn những tháng hạ, hai vợ chồng lôi thôi lếch thếch trong những bộ áo quần cũ kỹ, rách rưới dính đầy bùn đất đẩy chiếc xe cải tiến bánh đặc chất đầy mười gánh lúa tẩm đầy nước lên con dốc dài ngoằng của mương thủy lợi. Trên trời, nắng như đổ lửa. Mồ hôi không còn đổ giọt mà chảy thành dòng. Cũng không còn những ngày đông lạnh đến run cầm cập mà cả vợ chồng, phải lặn lội trên vùng nẩy Trằm Hà sâu đến tận bẹn để cuốc cho hết tấm ruộng, có lúc đến tối mịt, vì ngày mai thợ cấy đến rồi. Làm sao quên được khi muốn bước lên một bước, đôi chân phải mệt nhọc lết trong đám bùn lầy lỏng chỏng ấy. Xung quanh là bầy đỉa không biết bao nhiêu, nghe hơi người là loằng ngoằng bơi lại, bám dính lấy da thịt, hút cho đến no nê máu. Khó khăn lắm mới kéo chúng ra được vì chúng bám dính đến nỗi khi rứt ra, như có một chút thịt da mình bị bứt theo miệng chúng…

Dĩ nhiên còn bao nhiêu nữa, những nhọc nhằn mà hơn mười năm tôi đã trải qua ở nơi quê hương mà một thời lưu lạc tôi tưởng đã bỏ quên. Nhưng nhìn lại, không phải riêng tôi, tên sĩ quan tù cải tạo phải gồng mình trên mảnh đất ấy. Cả một thế hệ mà con người bị làm vật thí nghiệm cho một chủ nghĩa mà lúc đầu người ta tưởng là thiên đường hạ giới, nhưng thực chất chỉ là một hoang tưởng mà kết quả là đọa đày con người, biến con người thành một công cụ sản xuất. Rồi người ta chợt tỉnh ngộ, rồi người ta sửa chữa, người ta cho phép con người một chút tự do. Từ đó mà chương trình HO ra đời. Thế là, trong một thời gian ngắn, tôi may mắn đã rũ bỏ đươc tất cả. Bỏ cuốc, bỏ cày, bỏ rưộng vườn, bỏ đất đai, bỏ bà con thân thuộc, bỏ mồ mả cha ông, lên đường chấp nhận sống kiếp lưu vong.

Thời gian chờ đợi ở đất Sài Gòn này sẽ thấy dài và chán nản vô cùng nếu suốt ngày tôi chỉ biết đi ra đi vô, nằm xuống ngồi lên, không có việc gì làm như một tên học trò dài lưng tốn vải. Nhưng nhờ chiếc xe đạp cũ, rỉ sét của Thống, được lấy ra từ chỗ gởi xe ở dưới tầng hầm của căn building, tôi lang thang khắp đầu đường xó chợ, thăm lại chốn xưa. Gọi là chốn xưa vì dù đã xa thành phố này đến hơn 15 năm – mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình (Kiều) – nhưng tôi cũng đã ở đây 6 năm. 6 năm của tuổi thanh xuân mà sự vô tư, lòng nhiệt thành và tính năng động đã làm cho cuộc sống đáng giá biết chừng nào.

Nhớ lại ngày đầu tiên khi bước chân lên đất Sài Gòn từ chiếc Dương vân hạm HQ 500 với xách Marin làm hành trang đời lính, cùng với 99 tân sĩ quan Hải Quân khác; tôi tập tễnh đi vào khu Thị Nghè xa lạ, đầy lính và cũng đầy những dân chơi đang bu quanh chiếu bạc tài xỉu giữa ngôi chợ nhỏ xíu đang nhóm buổi sáng. Tìm cho ra nhà chị Anh, tôi phải đi quanh co qua mấy cái ngõ nhỏ mà xung quanh là nhà cửa được dựng trên đám sình lầy lỏng bỏng nước, khi đầy khi vơi theo cơn thủy triều. Rồi từ căn nhà đó, tôi làm quen với Sài Gòn. Rồi dù không còn ở nơi chốn cũ nhưng cũng từ vùng đất Thị Nghè này, tôi lại tập tễnh xách chiếc vali Air Vietnam của thằng bạn tên Đạt với hai bộ quần áo civil cùng chăn màn để giã từ Sài Gòn đi vào nhà tù gọi là cải tạo.

Thế là tôi xa Sài Gòn sau những thăng trầm, những vui buồn và cũng đầy kỷ niệm. Vĩnh viễn. Bỏ lại mẹ già, cháu Nga chỉ vừa 3 tuổi ở lại căn nhà tôn trong xóm nghèo lao động. Không bà con, không bạn bè, bơ vơ và lạc lõng giữa thành phố Sài Gòn hoa lệ. Tuổi thì già, mắt thì mờ, và không có việc làm. Tôi không dám nghĩ đến tương lai của mẹ, mà tôi cũng không dám nhìn lại mẹ lần nào trong lần chia tay này vì tôi sợ phải nhìn thấy những giọt nước mắt lặng lẽ của mẹ, giống như những ngày trước mẹ con tôi đã bao lần chia tay sau mấy ngày phép của tôi tại quê nhà.

Bây giờ gặp lại Sài Gòn như được gặp một người tình nhân bé bỏng, tuy có già đi và không còn hấp dẫn như ngày nào, nhưng kỷ niệm thì đầy ắp và mỗi lần chạm vào một góc khuất nhỏ nhoi nào đó cũng làm sống dậy trong tôi những nỗi nhớ khôn nguôi. Trong tâm trạng đó, tôi hoan hỉ đạp xe giữa dòng người tất tả ngược xuôi, không mục đích. Nhưng như một quán tính, xe đưa tôi hướng về trung tâm thành phố, thành phố của ngày xưa…

Đào Dân

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search