T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngô Thụy Miên: Chiều Nay Không Có Em

“. . .Chiều nay không có em” là tình khúc đầu tiên được Ngô Thụy Miên cho ra mắt công chúng, khi đó ông mới 17 tuổi, nhưng là kết tinh của một quá trình dài trong thời niên thiếu ông được tiếp xúc với văn thơ và âm nhạc. Hiện tượng những ca khúc đầu tay đã nổi tiếng không phải là cá biệt trong làng sáng tác ca khúc, ví như Diễm xưa của Trịnh Công Sơn, Thiên Thai của Văn Cao đều là những tác phẩm đầu tay, được sáng tác khi họ đều còn rất trẻ; thực tế chứng minh rằng sau này họ đều trở thành những nhạc sĩ tên tuổi.. .”

Ngô Thụy Miên: Chiều Nay Không Có Em

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Chiều Nay Không Có Em – Sáng Tác: Ngô Thụy Miên

Trình Bày: Lâm Gia Huy

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2018

Nghe Thêm:

70 Năm Tình Ca (63)- Ngô Thụy Miên 1

70 Năm Tình Ca (63)- Ngô Thụy Miên 2

Đọc Thêm:

‘Chiều nay không có em’ (1965) của Ngô Thụy Miên: Bản tình ca dành cho tuổi trẻ

Hòai Ân

(Nguồn: Đại Kỷ Nguyên)

Chiều nay không có em” là tình khúc đầu tiên được Ngô Thụy Miên cho ra mắt công chúng, khi đó ông mới 17 tuổi, nhưng là kết tinh của một quá trình dài trong thời niên thiếu ông được tiếp xúc với văn thơ và âm nhạc. Hiện tượng những ca khúc đầu tay đã nổi tiếng không phải là cá biệt trong làng sáng tác ca khúc, ví như Diễm xưa của Trịnh Công Sơn, Thiên Thai của Văn Cao đều là những tác phẩm đầu tay, được sáng tác khi họ đều còn rất trẻ; thực tế chứng minh rằng sau này họ đều trở thành những nhạc sĩ tên tuổi.

Tác phẩm này đã được lớp trẻ thời ấy, nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên đón nhận nồng nhiệt.

Ngô Thụy Miên sáng tác âm nhạc theo cảm xúc của tự thân, chứ không phải theo đặt hàng hay trào lưu nào đó của xã hội, cho nên nhạc của ông cũng trở nên theo ông mà dần dần già dặn; dĩ nhiên nếu quan sát theo khía cạnh này thì bản tình ca đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của ông cũng chính là dành cho thế hệ thanh niên sinh viên.

Sau này nhạc tình của ông gây cảm xúc cho bất cứ lứa tuổi nào đang trong tình yêu, hoặc nhớ lại tình yêu đẹp của cuộc đời.

Ông cũng không sáng tác các thể loại nhạc khác, vì ông tâm sự rằng ông không có ý muốn đó. Khoảng 70 tác phẩm trong cả cuộc đời sáng tác của ông đều không đi quá tình ca.

Những tiếng sấm đầu tiên báo hiệu một cơn giông lớn của tài năng

Nói về khung cảnh rộng của bài hát, chiều lang thang một mình trên phố vắng, nhớ người yêu; đây là một tình huống được sử dụng khá phổ biến trong các tác phẩm văn nghệ, nhưng ở đây có sự khéo léo mới lạ của tác giả khi sử dụng hình ảnh “phố dài”; đã cô đơn một mình mà còn đi trên con phố dài thì nỗi cô đơn đó dường như tăng lên gấp bội.

Tình yêu của người trẻ nhưng thể hiện ý tưởng sáng tác khá già dặn, theo một nhịp Slow dìu dặt:

Chiều nay mình lang thang trên phố dài
Không có em ai chung bước dỗi nhau giận hờn

Ý tứ mới lạ, nói “không” mà “có”. Ở các bài tình ca khác thường xảy ra những câu chuyện nào đó giữa hai người, nhớ lại những kỷ niệm chung nào đó.

Nhưng trong bài hát này lại tác giả có thể đã tạo ra một cơn “địa chấn” trong làng tân nhạc đương thời khi dùng nghệ thuật đảo ngược: điều gì cũng không có, khi trong mọi bối cảnh của nhân vật đều là “không có em”: phố không em, mùa thu không em, mùa đông không em, đến tận cả cuộc đời cũng không em; trong đôi mắt chàng trai chỉ còn nỗi buồn của sự chờ mong, thoáng chút một sự trách móc nhẹ nhàng:

Không có em đôi mắt buồn nào đợi chờ
Xin cho nhau lời vỗ về
Sao đành quên đi ngày tháng đó

Vòng tay lẻ loi cũng là không có gì trong đó, nhưng trước đó có thể đã từng có một người con gái dễ thương ở trong vòng tay ấy. Không còn gì cả, nhưng tất cả kỷ niệm chưa hề bị xóa nhòa trong ký ức.

Không có em, đời mình sao vắng vui cuộc tình
Như lá thôi mộng mơ cơn mê chiều

Niềm vui kia đã xa vắng khi cuộc tình không còn. Cái còn lại với chàng trai chỉ là sự cô đơn và nỗi buồn thương nhớ, tất cả những kỷ niệm xưa đối với người yêu giờ chỉ còn lại một con phố dài, nếu không có “người mình yêu” đi trên đó thì phố kia dù vắng hay đông thì có gì khác nhau trong tâm mắt chàng trai cơ chứ!

Không có hình bóng cụ thể nào của người con gái ở đây nhưng tình yêu lãng mạn của họ thì lại hiện lên rất thật, nhưng đồng thời cũng lại rất “bung biêng”, có hơi hướng của một tình yêu học trò còn chưa chín muồi, còn quá nhiều ngần ngại:

Như ước mơ xin nhớ lần mình hẹn hò
Xin cho nhau một lời rồi
Xin tình yêu ấy lên ngôi.

Tình yêu này dường như nặng về vọng ngóng mà thôi.

Mọi tình cảm của chàng trai đều gắn liền với kỷ niệm cùng với người yêu, đến mức chàng cảm thấy mọi thứ quen thuộc đều trở nên vô vị khi chẳng có nàng:

Không có em còn ai thương lá thu bay
Còn ai vương vấn cơn say
Đời gian dối cô đơn mình ta

Ở đây số phận của tình yêu này đã được tiết lộ, khi tình yêu chỉ còn là đơn phương thì cũng chẳng khác gì tự mình lừa dối mình, sống mãi trong ảo ảnh của tình yêu mà không thể thoát ra khỏi men say của ái tình.

Dù chàng trai kia có đắm chìm đến mây, thực tế nàng vẫn cứ vô tình, dù nàng có phải cô đơn nơi phố hội, nàng cũng không màng tới tình yêu với người cũ, và điều đó chàng trai rất hiểu, làm cho mối tình của chàng càng trở nên tuyệt vọng hơn:

Dù mai mình em tôi trên phố người
Sao mắt nhung không nuối tiếc khát khao đợi chờ

Nhân tình là vậy, biết làm sao! Trong cõi đời này còn có nhiều người chìm đắm trong những ảo ảnh tình yêu, bao gồm cả bản thân tác giả, vì như ông đã nói, ông chỉ sáng tác cho riêng mình, bày tỏ nội tâm của mình cho thiên hạ.

Nhưng tình ca của ông có đặc điểm là tác phẩm mở, nghĩa là các tình huống tình cảm rất riêng tư, nhưng đồng thời cũng rất tượng trưng và phổ quát, phù hợp với tâm lý của nhiều người.

Ngoài ngôn từ trau chuốt chọn lọc mà gần gũi, ý vị sâu sắc động chạm đến tâm can, thiên hạ thấy hay, thấy cảm là vì âm nhạc của ông quá đẹp, quá mượt mà mà lại có nhiều chỗ vút cao chứ không ủ dột.

Đây có lẽ do ông có một nền tảng chắc chắn về vĩ cầm, nên đã hòa trộn được phong cách và âm hưởng của nó vào trong các bản tình ca. Tình ca của ông buồn mà không ủ dột đẫm lệ, đau mà vẫn cao sang, đôi lúc thể hiện ra sự tuyệt vọng trong tình yêu nhưng không hề có tuyệt vọng đối với cuộc sống.

Đỉnh cao nghệ thuật là sự tự do, thoát khỏi mọi sự ràng buộc cơm áo gạo tiền

Từ đầu sự nghiệp sáng tác ca khúc, Ngô Thụy Miên đã xác định cho mình là sẽ không có bất kỳ ràng buộc nào, về tiền tài cũng như về đề tài. Ông đã tuyên bố: “Tôi không viết nhạc để sống mà tôi sống để viết nhạc”.

Về đặc trưng nhạc tình ca của ông trong thập kỷ 60-70, ông cũng từng chia sẻ: “Nhạc của tôi luôn luôn tôi muốn viết cho được vui mặc dầu là một chuyện buồn, nhưng mà về ý nó vẫn vui. Cái đẹp của cuộc tình là nó có đổ vỡ nhưng mà vẫn thấy nó đẹp”.

Tuy nhiên, vào thời bài hát ra đời, Khánh Ly cũng đang là hiện tượng cực kỳ nổi bật trong làng tân nhạc và cô cũng đã thu âm ca khúc này.

Phải nói rằng , với chất giọng đặc biệt của cô thì hát một bài hát dành riêng cho ca sĩ nam như vậy cũng không làm thay đổi cảm xúc của thính giả; rào cản này ít có nữ ca sĩ có thể vượt qua được; thông thường khi hát họ phải đổi ngôi “em” sang ngôi “anh” cho lời hát; chẳng hạn “không có anh” sẽ thay cho “không có em”.

Ca sĩ Khánh Ly đi thẳng vào lòng người nghe mà không cần phải sử dụng thủ pháp này, một sự tự tin cao độ mà chỉ có ở những nghệ sĩ lớn.

Mới đây, ca sĩ Hồ Ngọc Hà cũng thể hiện ca khúc này với lời hát đổi sang ngôi “anh”, mang lại cho bài hát một sắc thái mới lạ.

Gần đây, giọng hát khỏe khoắn của Trọng Tấn, đem lại cho bài hát một không gian mênh mang, khoáng đạt; nỗi buồn cô đơn thể hiện ra nhờ đó mà bớt nặng nề.

Cái đẹp của ca khúc Ngô Thụy Miên được thể hiện rõ ở chỗ nhạc ăn nhập cực chuẩn với ngôn ngữ tiếng Việt, mà vẫn trong một dòng chảy thông suốt của âm nhạc tuyệt diệu. Điều này không phải nhạc sĩ nào cũng có thể thực hiện được, nhất là đối với những lời tâm sự có đôi chút dài và bao gồm nhiều từ ngữ chọn lọc “đắt giá”. Nhưng Ngô Thụy Miên đã làm được điều đó, ông thực sự xứng đáng được đời ngưỡng mộ vì đã thể hiện được phần nào sự chân – thiện – mỹ trong các nhạc phẩm của mình, từ tình khúc đầu tiên này, cho đến hầu như toàn bộ các tình khúc tiếp theo sau này trong cuộc đời sự nghiệp của ông.

Hoài Ân

Bài Mới Nhất
Search