T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Thanh Sơn: Đĩ Làng

Chị em – Tranh: Thanh Châu

     Mấy hôm rày, trên báo chí, trên truyền thông đại chúng lùm xùm nhiều vụ bàn về chuyện mại dâm. Đó là những cô gái chân dài, cô người mẫu, ca sỹ. Các cô  móc nối, chèo kéo nhau đi buôn bán cái vốn tự có. Những cái “lá” của các cô giá trị tính bằng dollar Mỹ, thuộc dạng đĩ cấp cao.

Ở xóm làng tôi, cũng có nhiều đề tài thú vị, đĩ làng. Những chị em của làng tôi, dĩ nhiên, về khoản thu nhập thua xa các chị em ở thành phố, nhưng cũng gọi là đã có.

Có những câu chuyện ở bên ta, hàng ngày. Có những con người sống quanh ta, ăn uống, chơi bời, nhậu nhẹt trong cái thời thổ tả này, nó mãi chìm khuất ở đâu đó, nhớ quên ở đâu đó, bật bựa ở đâu đó. Như hàng cây bên đường, rau cỏ trong vườn, hương đồng gió nội. Những liền chị liền em ở xóm tôi có công việc hẳn hoi, dân làm đồng, trồng rau, chăn vịt. Nhưng khi có “điều kiện” thì làm mới mình, trang điểm đồ phụ tùng rồi đi theo tiếng gọi.

Vui là vui trọn về là về không. Vui thôi mà, có gì đâu!

Gia đình anh H.  sống cùng làng tôi. Vợ anh ta cứ chiều chiều lại dắt xe ra, về nhà khi đã qua đêm. Hỏi chị ta làm gì, đi may. Thường thì dân địa phương tính ưa tò mò, thóc mách. Chuyện nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay. Đôi khi chuyện nhỏ lại muốn xé ra to, có khi thấy gia đình người này người nọ ăn nên làm ra sinh ganh tị, nghề có tính nhạy cảm thì xỏ xiên, khích bác.

Anh H. bị bệnh điếc, điếc đặc. Nói chuyện với anh ta vui hết biết. Đôi lúc tôi lại trách mình, ai lại đi vui với cái buồn khổ của người khác. “Lúc này anh làm ăn ra sao, có khấm khá gì không?” Tôi hỏi, anh ta lại cười hỉ hả: “Mời rượi hả, có tiền hông, cha nội?”. Tôi lục túi và rồi tiếc rẻ vì bỏ quên cái ví ở nhà, nếu không sẽ bao anh ta một chầu rượu, lại có cơ hội tán gẫu với vợ người ta tí chút. “Không có tiền hả, dzậy mờ cũng mời rượi!” Rồi anh ta cười ngất ngưỡng, chỉ cô vợ đỏng đảnh sau nhà: “ Í , ớ!” với một dấu hiệu rất ư là tục tĩu.

Gia đình anh ta sống rất “hoàn cảnh”. Tuy còn trẻ, nhưng anh H. kém sức khỏe, ốm yếu, nhỏ con nên không đủ điều kiện đánh bắt cá xa bờ, một cái nghề rất thịnh và giàu có ở làng tôi. Mỗi chuyến biển về, thanh niên trai tráng tiêu tiền thỏa thích. Ở quê tôi, một cái làng nhỏ xíu nhưng hàng quán, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ đua nhau mọc lên như mấm mùa thu, họ đưa nhau vào nhà nghỉ, vui vẻ vài ba giờ rồi đường ai nấy đi. Về nhà, vợ gặng hỏi thì tặc lưỡi: “ Ừ thì vui vẻ với anh em hàng xóm chút mà.!”. Có bà vợ nhà cũng dễ tính:  “ Mấy ảnh làm quần quật ngoài khơi ròng rã cả tháng trời, về bến để cho mấy ảnh vui vẻ chút, mất mát chi!” Riêng anh H. nghề của anh chỉ vỏn vẹn cái thúng bơi, vài ba tấm lưới chuyên đánh bắt cá gần bờ nên thu nhập không cao. Mọi thứ, tất tần tật, từ chợ búa đến đóng tiền học phí cho con cũng đều do sự “tảo tần” của vợ. Nếu không thì biết làm sao xoay xở cho đời sống gia đình trong thời buổi khó khăn này.

“Không ít đàn ông thời này thích lăng nhăng. Bệnh lăng nhăng này rất khó chữa!” Tôi viết câu này không biết cánh đàn ông nhà ta có phản ứng gì không? Công việc tất bật cho một ngày, khi túi đã rủng rỉnh tiền, cố nhín lại một ít sau khi đã đưa đủ cho vợ, rồi bù khú với bạn bè, sương sương bên chén rượu sau mỗi buổi chiều, rồi mọi câu chuyện đâu còn có đó!

Đó là cái quán karaoke nằm sâu trong xóm, nhà anh H., nơi mà nếu không phải khách hàng quen, hay được sự chỉ dẫn trước thì khó biết đó là quán karaoke. Bởi nó nằm tận sâu vào khu vườn, một ngôi nhà sinh hoạt cho gia đình, ngăn nắp, tiện nghi theo kiểu người vùng sâu. Gian nhà trên là nơi thờ phụng tổ tiên, gian bên trang trí thành cái quán “để kiếm thêm tiền chợ” như theo cách nói của chủ quán. Anh bạn tôi khều chủ quán.

“Có ẻm  chứ?”

“không biết có em nào không. Thường thì giờ này đi làm ruộng hoặc đi chợ chưa về.”

“Thì phôn thử, nếu không có thì em cũng được “.

“Sao được anh, em là hàng để dành”. Vợ H. cười nắc nẻ. “ Nếu không có hương đồng gió nội thì mình gọi hàng xa nha anh?”

Một lát sau em đến, mà có những hai em. Nhưng không phải là dân làm vườn.

Bướm đêm đậu trong chậu

Đôi cánh rung rất tội

Bạn đưa tay bắt bướm

Bướm ngăn, đừng có vội.

Trong phòng đủ chừng ấy em, em nào cũng mịn màng như trái táo đang độ chín, da thịt đàn bà trộn lẫn mùi nước hoa, thơm lựng. Ngồi cạnh tôi, em có mái tóc dài màu bạch kim,lóng lánh như những minh tinh màn bạc Hàn Quốc, đôi môi phớt nhẹ màu son trông còn ngây thơ, cười khoe hàm răng trắng mịn. Cả bọn an vị, bé gái bưng lên nào bia, nào trái cây nào những thứ hầm bà lằng có thể đào ra tiền trong túi của kẻ ham thích của lạ, vung tiền qua cửa sổ. Tiền đó, có đứa ở nhà coi như trái núi.
Em vuốt mặt tôi bằng khăn lạnh, cả người như cọ sát vào tôi, mơn trớn. Chạnh lòng quá đỗi, tôi ôm ghì lấy em, úp mặt vào làn tóc màu bạch kim hôn một hơi rõ dài.  Cảm giác khoan khoái như vừa rít một hơi thuốc lào rồi nhả vào không gian mơ hồ sương khói. Đôi tay tôi lần vào bên trong, sờ soạng, lận từng nút áo sột soạt, âm thanh nghe rất khẽ, hai đầu vú hiện rõ mồn một dưới ánh đèn màu xanh đỏ. Liếc sang bên cạnh, chừng như có kinh nghiệm của những lần đi trước, bạn tôi táo bạo, thành thạo với mọi thao tác. Không hiểu nó có động thái gì khiến em cười như nắc nẻ: “í, nhẹ anh, anh làm em hơi đau!”  Ôi cha mẹ ơi! Đau mà lại cười, thật tình tôi không hiểu ra làm sao?

‘ ‘ Em tên gì?”
“Em tên Loan, Mỹ Loan.”
“Tên tộc em là gì, tên cúng cơm ấy?”

“Tên thường gọi ở nhà ấy.”
“À, tên xấu lắm, anh đừng cười, em tên Cải, Út Cải.”

“Em có mấy con rồi?”
“Í cha ơi!” em giẫy nẩy người như đĩa phải vôi. “Ông anh, anh đã nhìn thấy của em rồi, căng nguyên, tròn trịnh, của này hồ dễ có mấy con,  thưa ông anh?”
“Trước nghề này, em làm gì?”
“Nhà nghèo lắm anh ơi, em mần ruộng với ba, hẻo lắm,  không đủ sống nên đi quán kiếm thêm.”
“Kiếm thêm được chớ, em Loan?”
“Cũng tàm tạm.”
“Tạm là tạm sao, kinh doanh vốn tự có dễ mấy lúc em lên nhà ấy chớ. Để anh tính dùm em, cứ mỗi lần đi hàng em cầm chắc hai trăm, tính sơ sơ mỗi ngày năm lần như vậy. Một nhà hàng làm ăn được mỗi ngày lời cỡ đó.”
“Thôi ông anh, anh nói nghe dễ quá!”  Em cười, hun nhẹ vào má tôi.
“Muốn đi với em thì đến quán này?”
“Không có quán nào nhất định, em chạy sô.”
“Thế khi cần em thì sao?”
“Cứ gọi em, em Loan Cần Giuộc khác Loan Cần Giờ, em có số máy di động. Lần tớ đến em gửi carte visit.”
“Trời ơi, em sang quá ta!.”  Em cười nũng, lại hun nhẹ vào má tôi.

Mải trò chuyện, tôi quên lửng người bạn láng giềng, căn phòng chỉ còn lại tôi và em.
“Mình đi chớ anh?”
“Xin lỗi, anh hơi mệt, xin hẹn vào dịp khác, nhưng mình vầy vầy cũng được chớ sao, em Loan?”  Tay tôi phân vân, tần ngần, luồn sâu về phía ấy. Chỉ một thoáng em đẩy tôi ra.
“Sao thế ông, ham thế?” Cô ta chợt đổi giọng, tôi chưng hửng, cảm giác phân vân, tần ngần tan biến.
“Thôi anh về đây.”
“Chào , bye.”
Tôi bước ra đừơng, trời vừa chạng vạng, loang choạng đạp phải con gà mái chưa chịu lên chuồng bị con gà cồ rượt đuổi chạy la toang toác. “Đụ mẹ gà với gà.” tôi văng tục. Cơn gió từ đám ruộng trước mặt thổi mát rười rượi, người tỉnh rượu hẳn, bóng đèn nhà ai tỏa ánh sáng lập lòe ra đường. Tôi lần thần về nhà. Một buổi tối yên tĩnh.

Nguyễn Thanh Sơn

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search