T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thủ Thiêm và lịch sử

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

FB Bạch Hoàn

Câu chuyện Thủ Thiêm, với những oan trái tột cùng, mâu thuẫn tột tùng, trơ trẽn tột cùng, độc ác tột cùng, rồi đây sẽ đi vào lịch sử. Thủ Thiêm sẽ là một lát cắt về lịch sử của giai thời này, là một vết nhơ trong lịch sử của chính quyền TP.HCM.

Lịch sử sẽ ghi lại những con người không mấy ai nhớ mặt khắc tên nhưng được gọi chung là “dân oan Thủ Thiêm”. Đó là những người dân mất đất, mất nhà, những người bị tước đoạt tư liệu sản xuất và tài sản cha ông để lại, bị đẩy ra đường và nhóm lợi ích ném cho vài xu bạc lẻ. Đó là những người đã dành hàng chục năm rõng rã đi đòi đất đòi nhà, đi đòi những thứ thuộc về mình, những thứ của mình mà bây giờ là mỏ vàng trong tay kẻ khác. Nước mắt nhọc nhằn, nước mắt đắng cay và nước mắt hờn căm, uất hận đã rơi suốt hành trình ấy. Con đường công lý càng đi càng thấy lê thê và vô vọng.

Lịch sử rồi sẽ ghi lại từng bộ mặt, từng cái tên đã bần cùng hoá người dân, từng cái tên đã lấy đi tài sản và ném lại toàn những đớn đau và và nước mắt cho người Thủ Thiêm khốn khổ.

Lịch sử rồi sẽ khắc đậm chân dung những kẻ đã gây ra “tội ác Thủ Thiêm”, những kẻ tiếp tay cho “tội ác Thủ Thiêm”, những kẻ làm ngơ trước “tội ác Thủ Thiêm”.

Lịch sử rồi đây sẽ nhắc về Thủ Thiêm như một điển hình về sự mâu thuẫn tột cùng giữa một bên là người dân thấp cổ bé họng bị tước đoạt với một bên là nhóm lợi ích thân hữu ra tay tước đoạt. Đó là mâu thuẫn giữa một bên là những người bị gạt ra bên lề công cuộc đô thị hoá với một bên lợi dụng đô thị hoá để ăn không từ một thứ gì. Đó là sự đối lập giữa những người dân sống món mỏi trong những túp lều tạm bợ với một bên khoe mẽ váy 2 tỉ, kim cương 10 tỉ, đồng hồ 100 tỉ.

Lịch sử rồi sẽ chép lại câu chuyện Thủ Thiêm với cái dự án nhà hát đã chết, dự án chết từ khi chưa ra đời, chết bởi tư duy của những kẻ nhân danh nhân dân, bởi một lũ hội đồng không phải của dân, bất chấp ý dân, bất chấp lòng dân, một lũ phá hoại niềm tin của người dân, niềm tin vào công lý, niềm tin vào chính thể.

Lịch sử rồi lột mặt nạ của những ca sĩ, những nhạc sĩ, của kẻ từng là đại biểu quốc hội, của những kẻ tự nhận mình là tinh hoa, là quý tộc. Chúng, thực chất chỉ là những kẻ đần độn và vô cảm.

Nhân dân luôn công bằng và lịch sử sẽ nhắc nhớ. Lịch sử trong lòng dân, lịch sử của nhân dân sẽ không bỏ qua điều gì, không lãng quên bất cứ thứ gì.

Trước nhân dân và lịch sử, tôi mong rằng ông Nguyễn Thiện Nhân ý thức được rằng, từng đồng từng cắc trong ngân khố quốc gia đều là của dân, phải tiêu xài vì dân, có lợi cho dân và không khiến dân phải chịu cảm giác bị coi rẻ, bị bỏ rơi, bị lãng quên trong tiến trình vận động và phát triển của đất nước này.

Về lý thuyết, một chính quyền không thực thi công lý cho người dân là một chính quyền không còn tính chính danh, một chính quyền dung dưỡng cho điều sai trái là một chính quyền tội phạm. Tôi mong ông Nhân ý thức sâu sắc điều đó, để trước nhân dân và lịch sử, ông biết mình phải lau khô nước mắt cho những người Thủ Thiêm khốn khổ tận cùng.

Lau khô nước mắt người Thủ Thiêm không phải bằng cách xây cái nhà hát 1.500 tỉ đồng kia. Lau khô nước mắt người Thủ Thiêm, trước mắt phải bằng cách xé ngay tờ trình đề án nhà hát oan trái, ném thứ rác rưởi ấy vào thùng rác. Lau khô nước mắt của người Thủ Thiêm phải bằng cách trả lại công lý cho người Thủ Thiêm, trả lại lẽ phải và sự công bình.

Bạch Hòan

 

Quá thất vọng với ông Nguyễn Thiện Nhân và nỗi oan của nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch

FB Nguyễn Ngọc Chu

Trong sự vụ thông qua quyết định xây dựng Nhà hát Giao hưởng. Nhạc và Vũ kịch, nỗi thất vọng lớn nhất của người dân TP Hồ Chí Minh không phải là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm mà là ông Nguyễn Thiện Nhân.

Từ thời ông Lê Thanh Hải qua ông Đinh La Thăng đến ông Nguyễn Thiện Nhân, với ai bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nhanh chóng thần phục. Bà Tâm chẳng những không làm khác ý của người đứng đầu Thành ủy mà còn cúc cung tận tụy. Bà là cái lá chắn công cộng của những nhóm lợi ích trong đó có bà. Các điều đáng chê trách của bà Tâm có thể tóm tắt ở bốn điểm: tham lam, ít lương tâm, trình độ kém, lại còn xu nịnh trơ trẽn.

Bà Tâm không chỉ tham lam vật chất khi bảo vệ các nhóm lợi ích cướp đất của bà con Thủ Thiêm, mà còn tham lam quyền lực, thể hiện ở 2 kỳ Chủ tịch HĐND TP HCM khóa 8 (2011-2016) khóa 9 (2016-2021) và 2 kỳ ĐBQH khóa XIII, XIV.

Bằng chứng điển hình về ít lương tâm của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm là bà không xót xa trước các oan trái chồng chất của người dân Thủ Thiêm mất đất. Đã thế bà còn dã tâm tiếp tay và bao che cho kẻ cướp đất cả chục năm trời.

Bằng chứng trình độ thấp kém của bà Tâm là vô số những phát biểu thiểu năng kiểu: ‘Người dân điện hỏi tôi là làm nhà hát cho ai, cho người giàu hay người nghèo? Tôi trả lời với cô bác rằng giàu hay nghèo đều có thể thưởng thức được’ (Thanh niên, 11/10/2018).

Bằng chứng xu nịnh trơ trẽn của bà Tâm là “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”(Vietnamnet, 26/10/2015).

OAN CHO NHÀ HÁT GIAO HƯỞNG, NHẠC VÀ VŨ KỊCH

Không ai phản đối Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch. Mà chỉ phản đối: Thời điểm xây dựng, giá trị xây dựng, vị trí xây dựng, phương cách tiến hành quyết định xây dựng, và mục đích che đậy.

Thời điểm là hoàn toàn không hợp lý. Dẫu có biện hộ rằng kế hoạch đã ấp ủ từ hơn 20 năm. Đơn giản bởi nguồn tài chính thì hạn hẹp mà quốc gia còn nhiều việc cấp bách cần phải làm hơn. Trong khi đó thì TP HCM đã có Nhà hát lớn 500 chỗ ngồi chưa khai thác hết công suất. Không riêng TP HCM, mà cả ba nhà hát lớn Hà Nội, Hải phòng và TP HCM đều ban ngày hầu như thường xuyên đóng cửa, ban đêm không ít đêm đèn không sáng, lúc đèn sáng ít khi kín chỗ ngồi, khi kín chỗ ngồi không phải lúc nào cũng là Giao hưởng và Vũ kịch. Bởi thế, một số lần không đủ chỗ, hay không đủ điều kiện cho đoàn nước ngoài một năm đến một hai lần biểu diễn, không thể là lý do cấp thiết.

Giá trị xây dựng thì bị vẽ lên đến phi lý khủng khiếp, những 1508 tỷ đồng. Nguồn tiền này đủ cấp gạo nuôi cả tỉnh Kon Tum với dân số 508.000 người trong 18 tháng (11000đ/kg, 15 kg/người/tháng). Đó là chưa nói đến phát sinh đội giá. Trong khi đó theo dự toán của tư nhân, một nguồn kinh phí 300 – 400 tỷ đồng là quá thừa đủ để xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch hoành tráng lộng lẫy (như diện tích thiết kế của HĐND TP HCM). Tự bỏ tiền mình ra mà xây dựng thì sẽ khắc thấy điều này hoàn toàn chính xác.

Có thể xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch, nhưng không phải lúc này tại Thủ Thiêm. Xây Nhà hát trên đất bị cướp chưa trả của người dân Thủ Thiêm là vô lương tâm. Còn triệu tập một cuộc họp bất thường của HĐND TP để giải quyết một việc 10 năm sau nữa giải quyết cũng không sao, trong khi oan trái gần 20 năm khiếu kiện của người dân lại chưa giải quyết, thì đó là điều ngu xuẩn.

Vô lương tâm và ngu xuẩn xuất hiện là do mục đích xấu xa phải che đậy. Che đậy sự tham nhũng. Che đậy sự sai trái. Nên phải phẫn nộ bởi vô lương tâm núp bóng lương tâm “nhu cầu dân thành phố”. Nên càng căm phẫn vì sự ngu xuẩn để lại “công trình thế kỷ” bằng hoang phí ngàn tỷ tiền bạc của dân.

Vì tham lam mà nhà Hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ Kịch bị lợi dụng. Vì vô lương tâm và ngu xuẩn mà Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ Kịch bỗng dưng bị oan uổng réo tên.

QUÁ THẤT VỌNG VỚI ÔNG NGUYỄN THIỆN NHÂN

Biết rằng, việc xử lý oan trái của đồng bào Thủ Thiêm thì ông Nguyễn Thiện Nhân không thể một mình quyết định. Vì nó liên quan đến bọn cướp đất quá nhiều quyền lực và tiền bạc.

Nhưng, một người như ông Nguyễn Thiện Nhân không thể không thấy các điều nêu trên. Ông đã chứng kiến cả suối nước mắt cay đắng của đồng bào Thủ Thiêm bị mất đất, hà cớ chi ông đồng ý cho triệu tập hội nghị bất thường như vậy?

Điều mà ông Nguyễn Thiện Nhân nên làm là dừng ngay quyết định xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Thủ Thiêm. Điều mà ông Nguyễn Thiện Nhân cần làm hơn nữa là trả lại sự công bằng cho bà con Thủ Thiêm. Một người đứng đầu TP lớn nhất cả nước cần phải có bản lĩnh. Không thể mãi dĩ hòa vi quý để cho điều ác lộng hành. Không sợ quyền lực. Càng không sợ mất quyền lực.

Không phải chỉ các ca sĩ mới yêu, mới biết thưởng thức Giao hưởng và Vũ Kịch. Trong số những người phản đối gay gắt xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ Kịch tại Thủ Thiêm vào thời điểm này, có nhiều người đã từng ngồi không chỉ một lần trong các nhà hát Oprera nổi tiếng thế giới ở Vienna, Praha, Odessa, Matxcova, Milan, Paris, Sydney…

Chính vì yêu Giao hưởng và Vũ kịch nên mới phải can ngăn. Bởi sự tham lam, vô lương tâm, và ngu dốt của các nhóm lợi ích đang rắc nhơ bẩn lên thánh thiện cao sang của Giao hưởng và Vũ kịch.

Bài Mới Nhất
Search