T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đào Dân: Buổi sáng của tuổi thơ tôi

Bến Cũ Con Đò – Tranh: Mai Tâm

 

Mẹ vừa lay tôi vừa nói, giọng dịu dàng hơn thường ngày:

_ Dậy đi Nam ơi, dậy ăn cơm còn đi tỉnh với tau.

Hai tiếng “đi tỉnh” như một mệnh lệnh vô hình làm tôi ngồi bật dậy, một nỗi vui sướng từ đâu tràn ngập trong lòng. Giữa cái lờ mờ của một buổi sáng còn ướt đẫm sương đêm, tự nhiên óc tôi quay lại, một cách chậm rãi, khúc phim về hình ảnh của chính mình đang đứng tần ngần nơi góc của ngã tư thị xã. Thằng bé như bị thu hút bởi hình ảnh của ông cảnh sát đứng ngay chính giữa, trên một khung gỗ hình lục giác. Oai vệ trong bộ đồng phục trắng, hai cánh tay với đôi găng trắng của ông múa may chỉ đường cho xe cộ qua lại, như một nhà ảo thuật. Cánh tay ông chỉ về đâu, chiếc xe răm rắp tuân lệnh đi theo đó. Tôi say sưa theo dõi mọi động tác của ông, cố thử xem có chiếc nào chạy qua mà không theo mệnh lệnh của đôi bàn tay ma quái ấy. Không, không một lần. Tôi mê mẩn xem đến nổi quên cả mẹ tôi đã đi khá xa, không thấy tôi bà phải quay trở lại tìm. Đã mấy lần theo mẹ ra chợ mà chưa lần nào đôi chân và cặp mắt của tôi thoát khỏi sự hấp dẫn thần kỳ của ông cảnh sát ấy, với đôi tay ấy.

Tôi dụi mắt, tỉnh lại từ từ khỏi giấc mơ thần tiên ấy. Bỗng sực nhớ lại buổi chiều hôm qua mẹ đã không rọc lá chuối để hôm nay gánh ra chợ bán. Không có cảnh tôi ngồi chồm hổm một bên chờ mẹ sai bảo, khi thì múc ca nước, khi thì đưa cái khăn lau để nhìn mẹ chùi sạch từng lá chuối một, xếp ngay ngắn từng loại trên cái nông cấm rồi gói lại thành từng bó dẹp. Lá nào lành lặn thì ở ngoài, bao bọc cho đám lá rách ở trong. Mẹ thường giải thích rằng lá ngoài như cái áo, còn bên trong thì có thể xấu xí hay rách rưới một tí cũng không ai thấy. Rồi mẹ cười.

Lá chuối gần như là món hàng độc nhất mà mẹ có thể đem bán để mua muối mắm cho mấy mẹ con. Thỉnh thoảng cũng có vài con gà choai choai bị bắt đem ra chợ nhưng đó là lúc nhà sắp có đám giỗ. Tuy nhiên đám giỗ của cha tôi mới tổ chức mấy tuần trước, mà bầy gà thì chỉ còn lại một con gà mái độc nhất với đàn con còn nhỏ bằng nắm tay. Công việc của tôi mỗi buổi sáng là chạy vô buồng lấy một nửa lon lúa dẹp hay sắn lát khô bẻ vụn, ra trước sân gọi chúng đến ăn. Nhìn đám gà con lớn lên từng ngày, tôi vui sướng khi thấy bộ lông vàng nhạt của chúng từ từ chuyển màu, từ màu vàng tươi rồi vàng óng và cuối cùng là màu đỏ ối của những chú gà trống với những tiếng gáy bắt đầu vỡ giọng. Đó là lúc mà chúng sắp bị đưa lên bàn thờ hay là theo mẹ ra chợ.Và thế nào thì tôi cũng được đi tỉnh. Hôm nay thì không có gì hết. Lá chuối đã không có mà gà qué lại càng không.Tôi định lên tiếng hỏi để giải tỏa nỗi thắc mắc trong lòng nhưng mẹ đã đi ra vườn sau rồi sau đó thì tôi quên lửng.

Tôi nhìn quanh. Trong cái lờ mờ của bóng đêm chưa hoàn toàn biến mất, nổi lên hình ảnh tấm ván nhỏ, mỏng, treo trên cao làm bàn thờ của gia đình với chỉ để độc nhất một bát lư hương nhỏ lổn nhổn mấy que nhang cắm xiêu vẹo. Tôi nhớ có lần theo mẹ đi chợ đã tình cờ lượm được cái lon sữa bò người ta vất ra đem về. Tôi định dùng nó làm chiếc xe kéo đi chơi khoe với thằng Quánh thằng Quýnh cháu mụ Tuận ở sau nhà. Khi nhờ mẹ đục cho cái lỗ để xỏ dây vào, cái lon sữa bò bị mẹ tịch thu mất. Mẹ rửa sạch, kiếm tờ giấy đỏ bọc ngoài, đổ đầy cát trắng rồi sau khi khấn vái ông bà và những người khuất mặt, mẹ để lên tấm ván thờ ấy làm bát hương. Dĩ nhiên là tôi không bằng lòng nhưng khi mẹ chỉ làn khói bay lên mờ ảo rồi đe dọa là có ông bà về bắt thì tôi phải im lặng trong nỗi sợ hãi tận cùng.

Ở dưới bàn thờ ấy, sát vách đất là hai cái lu bằng đất nung láng o, một để đựng lúa và một để đựng sắn lát khô. Đó là đồ dự trữ cho cả gia đình chờ đợi mùa đông mưa gió rét mướt sắp đến. Những lúc đó không có việc làm, không có nguồn thu nhập nào, cả nhà mấy mẹ con ngồi nhìn nhau quanh bếp lửa để quên đi cơn đói và cái rét hành hạ. Cùng với bộ ghế ngựa mà tôi đang nằm, hai cái lu đẹp đẽ chính là của gia bảo của gia đình còn lại sau những trận càn của Tây mỗi khi chúng “đi ốp”. Đó là những năm khi tôi còn được ngồi trong một chiếc thúng để cha tôi gánh đi chạy giặc. Sau khi vào làng, chúng lùng sục, vơ vét hết những gì có chút giá trị rồi châm lửa đốt. Nhà cửa, bàn ghế, thóc gạo, áo quần, mùng mền. Tất cả đều bị cháy ra tro. Vậy nên mỗi khi có tiếng la báo động của dân làng ở gần đường quốc lộ, ngoài đồ dùng nhẹ nhàng hay một ít thóc gạo là được mang theo cả cha, cả mẹ, cả mệ nội đều cố gắng hết sức, vác tất cả những gì nặng nề có thể, đem dấu dưới những hàng rãnh thoát nước xung quanh vườn với cây lá gai góc um tùm. Vậy mà bộ ghế ngựa cũng không hoàn toàn thoát khỏi bị vạ lây. Cả bộ gồm 4 tấm ván gõ dày 5 phân thì chỉ còn lại ba, còn cặp chân có chạm trổ hình hoa lá rồng phượng thì bị cháy loang lổ, bây giờ mẹ tôi lấy cái rựa đẽo bớt chỗ cháy đen nên trông chẳng khác nào bị chó gặm.

Bần thần nhớ lại tối hôm qua cùng cả nhà ăn cơm độn với sắn lát khô trên cái chõng tre dưới ngọn đèn dầu leo lét, chỉ ăn được lưng chén, nhìn rá cơm đậm màu, lỗn nhỗn những lát sắn nằm ngang dọc, tôi chán nản thở dài. Đã nhiều ngày qua, sắn lát khô cứ ngang nhiên cõng hết cơm trong rá nên dù mẹ đã cố tình lựa cho tôi nhiều cơm hơn các anh chị khi xúc vào chén, tôi cũng không làm sao nuốt nổi . Nhìn mặt tôi bí xị như sắp khóc, anh Bắc đã lấy chén cơm còn lại của tôi, chan nước ruốc kho loãng cho mặn thêm rồi nài nỉ tôi ăn cho hết chén nhưng mẹ thì bực mình sẵng giọng:

_ Không ăn đói ráng chịu, mắc mớ chi mà nài hắn!

Tôi tức tối nhìn mẹ, bỏ đũa nằm dài lên cái ghế bào tôi đang ngồi rồi dần ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Bây giờ thức dậy, một mình ngồi đây, chung quanh không có ai. Có lẽ anh Bắc nhân những ngày hè nghỉ học, đã thức dậy từ sáng sớm, ăn qua loa mấy củ khoai củ sắn gì đó rồi đi chăn trâu thuê cho mụ Tuận. Còn chị Mai cũng đã vô nhà O Tuần là cô ruột ở Xóm Trong để giúp việc vặt cho O. Chỉ có chị Lan chưa đầy mười tuổi đã có hơn hai năm kinh nghiệm đi ở đợ. Lúc đầu là giữ thằng Vị con O Thĩu mới đẻ mấy tháng, bây giờ thì đi ở cho O Vậy bên xóm Làng. Cả hai O, O Thĩu và O Vậy là chị em ruột, con của ôông Vậy.

Những ngày chị Lan ở nhà O Thĩu, chị em chúng tôi vui lắm. O Thĩu ở chung nhà với cha ngay trước mặt nhà tôi, nên khi cả nhà đi làm hết, chị bồng thằng Vị về nhà, để nó chơi trên giường cho tôi trông chừng rồi ra sau nhà trèo lên cây hái ổi, có khi hái đái mít. Đái mít to bằng ngón chân cái, khi già, trên thân nó nổi lên những hạt phấn vàng nhỏ xíu bám mong manh như những sợi tơ, tỏa ra một mùi thơm nhè nhẹ. Chị kiếm thêm vài củ khoai lang nhỏ, xắt cả đái mít và khoai lang thành từng lát mỏng, mỏng chừng nào tốt chừng đó, trộn chung với một ít muối hột, một ít ớt bột, nếu có thêm rau thơm nữa thì càng tốt, rồi gói lại bằng lá chuối thành một thếp mỏng. Đặt trên cái ghế dài rồi dùng tấm ván dằn lên trên, theo hình chữ thập, hai chị em ngồi hai đầu, kẽo kẹt đu đưa lên xuống để ép cho mọi thứ bên trong mềm nhũn, chảy nước. Mùi thơm và vị chát cuả đái mít và rau thơm, vị ngọt của khoai lang, cộng với vị mặn cuả muối và vị cay cuả ớt trộn lẫn với nhau làm cả hai chị em chảy nước miếng thèm thuồng. Sau khi bóc hết lá chuối ra, hai chị em ăn chung món ăn bình dân mà đầy quyến rũ đó. Thằng Vị lúc đó chưa đầy một tuổi cũng đòi ăn nhưng chị Lan không cho. Nó khóc nhè thì chị đánh vô đít. Càng đánh nó càng khóc to làm chị sợ, lỡ có ai ở nhà ôông Vậy đi làm về bất chợt nghe được thì O Thĩu chưởi chết. Sợ nhất là O qua nhà mắng vốn với mẹ thì thế nào chị cũng bị mẹ đánh đòn.

Tuy vừa lên sáu tuổi, tôi cũng đã hiểu được sự nghèo khó của gia đình. Cái nhà trông có vẻ bề thế trước kia thì sau vài lần chạy giặc, bây giờ chỉ còn lại một cái chòi che mưa nắng. Những ngày mưa thật to thì mấy anh em tôi phải khổ sở chạy loanh quanh để tránh những giọt nước cứ vô tình nhỏ xuống. Thời gian đầu khi mới hồi cư sau khi Pháp lập làng Hội Tề, cha tôi còn giúp đỡ gia đình để sửa sang nhà cửa, chăm lo ruộng vườn nên dù ông không phải là một nông dân thứ thiệt, đời sống cũng không đến nỗi khó khăn lắm. Nhưng sau khi cha tôi trốn lên rừng tham gia kháng chiến, tiền bạc chắt bóp được của những ngày khi ông còn đi dạy học thời trước tiêu tán dần dần. Rồi ông mất, đứa em gái út mới sinh hơn hai tháng cũng mất theo. Và cú đánh tối hậu làm cho gia đình hoàn toàn suy sụp là cái chết của ông ngoại do trúng phải mảnh ca-nông của Pháp trong một trận càn. Ông ngoại là nguồn tiếp tế cuối cùng mà mẹ có thể nương nhờ, dù không nhiều nhặn gì vì cả ruộng đất đã được cống hiến phần lớn cho cách mạng. Rồi mệ nội cũng chết sau thời gian dài bệnh hoạn. Bao nhiêu đau thương chồng chất, bao nhiêu khổ ải oằn lên đôi vai mẹ. Vậy mà vì bốn đứa con, mẹ phải đứng vững để nuôi nấng, dìu dắt, làm chỗ dựa cho cái gia đình nhỏ bé này. Nhưng mẹ không còn cách nào khác hơn là cho chị Lan đi ở đợ, cho chị Mai đi giúp việc cho O Tuần, để ít nhất cũng có cái ăn. Chỉ còn lại hai đứa con trai, tôi thì còn nhỏ và anh Bắc thì dù chỉ hơn 10 tuổi nhưng nhờ lớn con nên cũng giúp mẹ chút đỉnh việc nhà, kể cả việc đồng áng. Anh còn phải đi học khi trường Long Hưng vừa mới được thành lập. Mẹ vẫn thường nói:

_Hai đứa bây, con trai thì phải gắng học cho giỏi chớ không cha bây lại trách tau, bà con xóm giềng lại chê là “cha làm thầy con đốt sách”.

Ông ngoại là một địa chủ giàu có nên con cái chẳng ai phải ra đồng làm việc vất vả. Các cậu thì đi học rồi làm việc trong Huế cho đến năm 1945. Còn mấy dì, cũng như mẹ tôi, chỉ biết nấu ăn, giặt giũ hay làm bánh trái hoặc may vá thêu thùa. Công việc nặng nề nhất của mẹ là gánh cơm ra đồng cho thợ vào những ngày xuống vụ hay thu hoạch. Khi lấy chồng, là vợ của một thầy giáo nên công việc của mẹ vẫn chỉ là một bà nội trợ. Mẹ hoàn toàn không biết gì đến công việc đồng áng. Nhưng đứng trước cảnh nheo nhóc của đàn con, mẹ phải tập tễnh xuống ruộng, bắt đầu học việc. Những ngày đầu, vừa thấy bầy đỉa loăng quăng bơi đến, mẹ hoảng hốt la hét như gặp phải Tây đi lùng, quăng hết những gì có trong tay rồi a thần phù chạy bán sống bán chết làm những nông dân làm việc xung quanh phá ra cười. Nhưng rồi công việc cũng quen dần, tuy không giỏi bằng người ta nhưng bà con làng xóm thấy thương tình cũng hay giúp đở. Như khi nghe mẹ có thể may áo quần được, họ mang đến để mẹ có thêm việc làm. Công việc không nhiều vì họ đều là nông dân nghèo khổ lại đang phải chịu cuộc chiến tranh Việt Pháp đè nặng.

Và cuộc sống cứ thế ổn định dần dù cái đói cái khổ vẫn là một ám ảnh như bóng ma lẩn quất xung quanh…

Đào Dân

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search