T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 147)

clip_image002

Tiếng Việt vừa dễ vừa khó

Xin hỏi các huynh làm ơn cho hỏi: Chữ “cù lần”.
có phải là “cần cù”. Nhưng mà “lần” là nghĩa lý gì? Cám ơn.

Đáp: Cù lần là tên gọi một con vật, in như là bà con đẻ ngược với sóc, sóc chuyền cành cây vèo vèo; còn “cù lần” thì lười biếng tận mạng, chỉ đeo tòng teng một chỗ hỏng thèm nhúc nhích.

Có dậy mà hông hay: Sao cha cù lần vậy cha!

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Chữ và nghĩa với địa danh miền Nam

Phía đông Saigon có một cái kênh gọi là rạch Thị Nghè hay là rạch Bà Nghè. Bà tên là Nguyễn Thị Canh, con gái thống suất Nguyễn Cửu Văn, đẹp duyên với một ông nghè. Để cho chồng bà tiện đường qua rạch hàng ngày vào làm trong thành, bà cho dựng một chiếc cầu mà dân sự có thể dùng được. Để tỏ lòng nhớ ơn một bậc nữ lưu, họ đã gọi cầu ấy là cầu Bà Nghè.

Trên rạch Bến Nghé hồi xưa có nhiều chiếc cầu ván dựng tạm cho người qua lại. Chiếc cầu nổi tiếng hơn cả là cầu Ông Lãnh, được xây nhờ công ông Lãnh binh, thời tả quân Lê Văn Duyệt. Còn những chiếc cầu khác là Cầu Muối, Cầu Khóm (thơm), Cầu Kho và Cầu học (giếng học).

(Hồ Đình Vũ – Nguồn gốc một số địa danh miền Nam)

Ao

Ao: đong

Đấu nào ao được mà tin

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn

Câu “Thi trung hữu quỷ” là của cụ Nguyễn Du?

Văn học miền Nam nhìn từ miền Bắc

Những ấn tượng về sự đa dạng phong cách trong văn học Việt Nam hải ngoại để lại ở người viết bài tiểu luận này. Cùng viết về nông thôn miền Nam, Hồ Trường An thiên về miêu tả phong tục: cách cạo gió, ngày hội kỳ hương, cách chải tóc ba bảy rồi búi lại, lối chửi bới có vần có điệu “giòn hơn bánh tráng, trơn hơn mỡ”… còn trong tác phẩm của Kiệt Tấn mối quan tâm hàng đầu là mở ra kho tàng vô giá đạo đức và văn hoá truyền thống trong tấm lòng những người dân thường thôn dã.

Ánh sáng và bóng tối của Hoàng Liên và Ðại học máu của Hà Thúc Sinh đều là hồi ký về trại cải tạo, trong tác phẩm của Hoàng Liên, dòng hồi tưởng lúc nào cũng như lúc nào điềm tĩnh và từ tốn, còn trong tác phẩm của Hà Thúc Sinh giọng văn thường sôi nổi, có khi quyết liệt. Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác và Gió lửa của Nam Dao là hai tác phẩm gần gũi về thể loại (tiểu thuyết lịch sử) và đề tài (thời đại Quang Trung) nhưng rất khác về phong cách. Chỉ nói riêng một điểm: trong Sông Côn mùa lũ, “nghị luận” (còn gọi là “yếu tố chính luận”) chỉ là nửa trang hay nhiều lắm là một trang xen vào truyện; trong Gió lửa “nghị luận” tham gia tích cực vào sự hình thành nội dung và cốt truyện…

(Hoàng Ngọc Hiến – Đọc văn học Việt Nam hải ngoại)

Sự khác nhau giữa Sài Gòn và Hà Nội

Chợ tình
Chợ tình Sài gòn: Anh hai có xài em hông

Chợ tình Hà nội: Chơi gái không đại ca

Đất Sài Gòn

Từ năm 1784, theo hải hành đồ của các thương thuyền người phương Tây, với chữ La tinh đã ghi tên vùng Chợ Lớn (cũ) là Saigon.

Theo Trịnh Hoài Đức, dựa trên bản đồ do ông Trần Văn Học vẽ ngày mùng 4 tháng chạp năm Gia Long thứ 14 (1815). Bản đồ ghi trên vùng nhà thương Chơ Rẫy hiện tại ba chữ: Sài Gòn xứ.

Chỗ này chính là Chợ Lớn (cũ).

Sau này Sài Gòn xứ rời lên khu cao hơn ở phía Đồn Đất (nay là nhà thương Grall) vào năm 1836.

(Hồ Đình Vũ – Nguồn gốc một số địa danh miền Nam)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Gió đưa bụi chuối sau hè

Giỡn chơi chút xíu ai dè…có con

Văn hóa mới

Sau năm 75, câu “Tiên học lễ hậu học văn” trong các trường đều bị gỡ bỏ, thay vào bằng câu “Vì lợi ích mười năm trồng cây, lợi ích trăm năm trồng người”.

– Về cú pháp, nếu mệnh đề trước có chữ “vì” thì câu sau phải có chữ “nên”, hay “phải” để bổ túc cho mệnh đề trước.

– Ngoài ra câu què quặt trên, họ mượn của Tầu: “Bách niên chi kế bất như thụ cốc – Thập niên chi kế bất như thụ mộc – “Bách niên chi kế bất như thụ nhân”.

(Nguyễn Thanh Ty – báo Sài Gòn Nhỏ)

Áo bực

Áo bực: áo tang, tang phục

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Câu đố tình tự III

Hai tay nắm lấy khư khư

Bụng thì bảo dạ, rằng ư đút vào

Đút vào nó sướng làm sao

Dập lên dập xuống nó trào nước ra

Ca dao tình yêu miền Nam

Sự mộc mạc hồn nhiên ở từ ngữ, cách thể hiện dung dị, hóm hỉnh thường thấy trong ca dao tình yêu miền Nam. Đó cũng là biểu hiện tính cách đặc trưng của người dân nơi đây. Trước hết là chất hóm hỉnh không cố tình, qua những từ ngữ mộc mạc, chân thật như không cưới được người mình yêu, không biết trút giận vào đâu, bèn đổ lỗi cho một nhân vật tưởng tượng:

“Quất ông tơ cái trót

Ổng nhảy tót lên ngọn cây bần

Biểu ông se mối chỉ năm bảy lần, ổng hổng se”

(Đoàn thị Thu Vân – Chất hóm hỉnh trong ca dao miền Nam)

Câu đố tình tự III

– Ăn mía

Chữ và nghĩa: Sài Gòn

Vườn ông Thượng (vườn Bờ-rô hay Tao Đàn): Hoa viên của Tổng trấn Lê Văn Duyệt.

Cầu Hoa (cầu Bông): Tên từ vườn hoa riêng của Tổng trấn Lê Văn Duyệt ở gần đấy.

(Hồ Đình Vũ – Nguồn gốc một số địa danh miền Nam)

Diễn giảng

Rất tiếc, không ít người đem cả thói quen diễn giảng ấy vào văn chương. Trong bài viết của họ, mỗi câu văn phải cõng trên lưng nó năm bảy câu giải thích. Chuyện mới, giải thích đã đành. Ngay cả những chuyện xưa như trái đất cũng vẫn giải thích. Lặp lại những kiến thức sơ đẳng và cũ rích, cách viết như thế là một sự xúc phạm đến sự hiểu biết của người đọc. Giọng văn làm nhàm và lảm nhảm, cách viết như thế là một sự xúc phạm đến tính chất thẩm mỹ của văn chương.

(Nguyễn Hưng Quốc – Nhà văn…không là ai)

Giọng Sài Gòn I

Qua một bài viết của Sơn Nam về Sài Gòn – Gia Định:

Giọng Sài Gòn, cũng như và con người Sài Gòn là sự pha trộn của nhiều nơi. Đó là người Chàm bản địa, những người Minh Hương và những người miền Trung đến đất Gia Định.

Từ đó hình thành một ngôn ngữ vừa bản điạ, vừa vay mượn của những người đi mở đất khai hoang.

(Người Sài Gòn – báo Sài Gòn nhỏ)

Chữ và nghĩa với địa danh miền Nam

Tên cầu, tên rạch nào đó có từ Bà rất nhiều. Như: rạch Bà Bướm (có tên từ 1902), Bà Cả Bảy, Bà Hom, Bà Tàng, Bà Tà, Bà Lài, Bà Hồng, Bà Lát, Bà Nghiêm, Bà Chủ, Bà Tàng, Bà Thiên, Bà Tiếng, Bà Xếp, Bà Khắc (chiếc cầu xưa ở vùng Cầu Kho), Bà Ký, Bà Lài, Bà Chiểu, Bà Điểm (là tên một bà chủ quán nước chè vùng Hóc Môn) Bà Đô, Bà Thuông, Bà Nhuận, v…v…

(Hồ Đình Vũ – Nguồn gốc một số địa danh miền Nam)

Bà mụ

Bà Hồ Xuân Hương có câu thơ: “Mười hai bà mụ ghét chi nhau – Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu”.

Bà mụ, trong tiếng Việt có nhiều nghĩa, một loại bướm nhỏ, ít bay, thường bò đôi một trên cây. Bà mụ, ấu trùng của giống chuồn chuồn. Bà mụ, là người đàn bà đỡ đẻ.

(Nguyễn Hữu Nhật – Tiếng Việt hay quá)

Sự khác nhau giữa Sài Gòn và Hà Nội

Chợ tình, khi bạn vừa thanh toán xong tiền cho cave…

Cave Sài Gòn: “Em bớt cho anh 10 ngàn, lần sau nhớ kiu em nha…”
Cave Hà Nội: “Cho em xin thêm 10 nghìn để còn đi xe ôm về?”

Văn hóa cà phê

Dân Sài Gòn bây giờ gọi những hình thức khác nhau của những quán cà phê là “phong cách”. Phong cách càng lạ, càng sang trọng, càng thu hút khách. Vẫn còn những quán cà phê vỉa hè, nhưng “phong cách nghèo nàn, bình dân” ấy không phải là đầu đề để dân sành điệu cà phê Sài Gòn chuyện trò bù khú.

clip_image004

Phải là quán cà phê Panorama tọa lạc ở từng thứ 33, từng cao nhất, của Sài Gòn Center. Người ta đến đây không phải để uống cà phê, mà là để mua chỗ ngồi ngắm thành phố từ trên cao chót vót. Hay cà phê Skyview tại tầng thứ 13 của Diamond Plaza (khu gần Vương Cung Thánh Đường), nơi dành cho những vị khách chuộng không gian lịch sự, lặng lẽ. Hoặc cà phê Highlands dưới chân tòa nhà Metropolitan ở đường Tự Do. Chỉ cần ngồi ở đây một hai tiếng đồng hồ, người ta có thể bắt đúng được nhịp tim đập của thành phố. Từ bảnh sáng đến khuya khoắt mịt mù, hiếm khi nào quán vắng khách. Có mặt đủ lọai các celebrities (những người nổi tiếng) ca sĩ, nhạc sĩ, người mẫu, đại gia, công tử, dân chơi v.v… Ở những quán cà phê “đầy phong cách” như thế, không khí của nó là biểu hiện cho một lối sống, chắc hẳn là không thuộc về đại đa số người dân kiếm ăn từng bữa. Vì thế, khi nói về văn hóa cà phê, người ta vẫn phải nhìn vào những nơi tụ họp đông đảo giới lao động cùng với những lo âu, vui buồn bày tỏ trong lúc họ ngồi nhâm nhi ly cà phê với giá cả phải chăng. Xem ra, văn hóa cà phê của Sài Gòn, của Hà Nội cũng không thiếu những đặc trưng cơ bản của văn hóa cà phê thế giới.

(T.Vấn – Văn hóa cà phê)

Áo ức

Áo ức: bất đắc chí

Cho nên áo ức kém mùi

Đỉnh ngoài đường đắp chơi bời ngân thơ

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Giọng Sài Gòn II

Giọng người Sài Gòn không ngọt như mía lùi như một số người dân Tây Nam bộ ven vùng phù sa sông nước. Không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam bộ nóng cháy da chát thịt. Giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng cái ngọt thanh hơn.

Giọng người Sài Gòn không cao như người Hà Nội, không nặng như người miền Trung, mà cứ ngang ngang, sang sảng. Nghe biết liền với… “ổng, bả, ảnh, chỉ”, với mấy từ ở cuối câu…“nghen, hen, hén”.

(Người Sài Gòn – báo Sài Gòn nhỏ)

Những nhà văn nữ miền Nam

Tôi (Trùng Dương Nguyễn thị Thái) tò mò tìm tên các bạn gái viết văn của mình hồi ấy thì thấy Nguyễn thị Thụy Vũ được khoác cho cái nhãn “nhà văn nữ giầu tình dục”, Túy Hồng “nữ văn sĩ giầu tính nhục cảm”, Nguyễn thị Hoàng “nhà văn trẻ của tình lụy”, Thu Vân (?) “nhà văn dùng tính dục để giải quyết vấn đề”.

Và cá nhân tôi, Trùng Dương “nhà văn hiện thực buông xả” (chữ nghiêng là của tôi, vì tôi không hiểu chữ “xả” đi với “buông” có nghĩa gì).

(Nguyễn Công Khanh – Lịch sử báo chí Sài Gòn)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search