T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: Nhân đọc cuốn: “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”: Dấu chứng u uất và bi thảm của lịch sử dân tộc Việt Nam hiện nay (Bài 2)

Trong bài 1, chúng tôi đã lược qua những vụ nhà nước Cộng sản Việt Nam dâng đất dâng biển cho Tàu cộng từ khi mở cuộc chiến 1945-1954 tại vùng biên giới giáp với Tàu, theo nhận xét của Bác sỹ Nguyễn Đan Quế và 1958 Phạm Văn Đồng,Thủ tướng, ký công hàm phân chia lãnh hải cho Tàu. Từ đó đến nay, lãnh thổ của Việt Namhầu như không còn gì! Một vài thành phần trong đảng đã công khai là kẻ thuộc về Tàu cộng, kẻ thù truyền kiếp của giống nòi.

Ở bài 2 này, chúng tôi đi vào điểm chính của cuốn sách, nó cũng là nỗi u uất và bi thảm của lịch sử dân tộc qua vụ đảng CSVN đẩy 64 người lính của mình vào cái chết tức tưởi, nó làm cho những người trong 64 gia đình này và những người còn có tinh thần yêu nước phải căm phẫn.

Người ta căm phẫn không chỉ vì mảnh đất ngoài biển bị mất, mà căm phẫn nhất vì những người lên án sự xâm lược của giặc Tàu lại bị chính những phần tử có chung một tổ tiên mạnh mẽ phản kháng mình, chống lại tinh thần quật cường, tinh thần yêu nước của mình.

Một tiếng nói hùng hồn của phe chống lại cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” là của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn và Thiếu tướng Hoàng Kiền, đăng trên tờ Tuần báo Văn Nghệ Tp.Hồ Chí Minh số 511 ngày 16-8-2018, có tựa đề: “Hãy thu hồi và tiêu hủy cuốn sách”.

Tác giả bài này cho rằng, ông “thấy  mình cần phải có ý kiến để góp thêm tiếng nói yêu nước, yêu chế độ, lên án những kẻ đang thực hiện âm mưu xét lại lịch sử, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ quân đội và xúc phạm vai trò lãnh đạo của Đảng.” Rồi ông,

“kiến nghị Cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản hãy ra quyết định đình chỉ phát hành, thu hồi các sách đã bán và buộc NXB Văn học phải bồi hoàn tiền cho người mua; đồng thời xử phạt nặng về việc làm sai trái này.” Sau đó, tác giả “đề nghị Ban Bí thư chỉ đạo Ban Cán sự Đảng – Hội Nhà văn tổ chức kiểm điểm nghiêm túc tổ chức Đảng NXB Văn học và những người liên quan, đã phạm sai lầm không thể chấp nhận này.”

Ông viết tiếp: “Tôi kiến nghị TCCT hãy tham mưu cho QUTW có văn bản đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo kiểm điểm Hội đồng thẩm định bản thảo cuốn sách này vì đã để những sai sót nghiêm trọng xảy ra khi đồng ý cho xuất bản và xử lý trách nhiệm người chủ trì Hội đồng này dù bất cứ người đó là ai. Đồng thời tổ chức mời ông Lê Mã Lương vào đối chất làm rõ sai trái và kiến nghị Nhà nước xử lý ông theo thẩm quyền…vì sai sót này là cực kỳ nghiêm trọng, lại có hệ thống, nằm trong âm mưu xét lại lịch sử nhằm làm suy yếu chế độ, làm phân hóa nội bộ Đảng, tiếp tay cho âm mưu “bài Trung, phò Mỹ, lật sử, dựng cờ vàng, thay chế độ” của các thế lực thù địch, tiến hành “DBHB” chống phá chế độ ta”.

Về phía biên soạn cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, ông Nguyễn Văn Phước, Tổng giám đốc First News – Trí Việt, tổ chức thực hiện sách, ngày 23-8-2018, viết bài phản đối sự quy chụp chính trị của Tướng Nguyễn Thanh Tuấn. Ông Lê Mã Lương, Thiếu tướng, chủ biên cuốn sách và một số người gửi thư cho lãnh đạo đảng và nhà nước, ngày 27-8-2018. Mấy ngày sau, nhóm biên soạn sách lại tiếp tục viết “Đơn tố cáo và đề nghị xử lý việc đăng tin vu khống, sai sự thật đối với tác phẩm “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn và Thiếu tướng Hoàng Kiền trên tuần báo Văn Nghệ Thành phố”, đơn tố cáo này đăng trên tờ Bauxite Việt Nam ngày 29-8-2018.

Ban biên tập tuần báo Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh số 514 Thứ Năm ngày 06-09-2018 có lá thư ngắn gửi ông Nguyễn Văn Phước, Tổng giám đốc First News – Trí Việt, về bài viết của ông Phước “phản đối sự quy chụp chính trị” của Tướng Nguyễn Thanh Tuấn đã trích dẫn vài điểm chính trên đây.Nguyên văn thư của BBT tuần báo Văn Nghệ Tp.HCM như sau:

Thưa Ông,

 Mục “Trao đổi – Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình” là mục thường xuyên của Tuần báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh. Tham gia mục này, các tác giả từ góc nhìn đa chiều, có thể góp ý, phân tích, phê phán, tranh luận, trình bày quan điểm của mình về các vấn đề văn học – nghệ thuật, lịch sử, xã hội… Trong số báo 511, phát hành ngày 16-8-2018, chúng tôi có đăng bài “Hãy thu hồi và tiêu hủy cuốn sách” của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn – nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn/TCCT/QĐNDVN – cũng trên tinh thần đó. Nhưng thay vì viết bài trao đổi, phản bác, thì ông lại gửi cho chúng tôi bản công văn, trong đó “chính thức yêu cầu Tổng Biên tập TB Văn Nghệ TP.HCM phải cải chính, xin lỗi và đăng toàn văn bài viết này trong số báo kế tiếp”…

 Đáp ứng một phần yêu cầu của ông là đăng toàn bộ công văn ông gửi để bạn đọc tham khảo là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, phần “cải chính, xin lỗi” mà ông đòi hỏi, e còn quá sớm. Vì rằng từ lúc đăng bài của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, chúng tôi đã nhận được rất nhiều bài viết, trong đó các tác giả phân tích rất sâu sắc về nội dung tư tưởng cũng như chất lượng nghệ thuật, kèm theo nhiều tình tiết ngoài lề có liên quan đến việc xuất bản, việc bán bản quyền cho Mỹ nữa… Và theo thông tin chúng tôi vừa nhận được là Cơ quan chức năng đã lập Hội đồng thẩm định và sắp tới sẽ có kết luận về quyển sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”. Tất cả điều đó nói lên rằng các cuộc trao đổi, tranh luận còn đang tiếp diễn, chưa tới hồi kết. Cho nên yêu cầu chúng tôi “phải cải chính, xin lỗi” là yêu cầu quá hấp tấp, vội vàng. Và theo chúng tôi, ở cuối công văn này, câu “đi những bước pháp lý mạnh mẽ tiếp theo” là không nên có…

 Kính chào Ông.

BBT TB VĂN NGHỆ TP. HỒ CHÍ MINH

Phía dưới thư này, chúng tôi đọc thấy có một bản danh sách ghi tựa đề 36 bài trên tờ Văn Nghệ Tp.HCM, chung  quanh cuốn Gạc Ma – Vòng tròn bất tử, gồm cả những bài chỉ trích những cá nhân nào có bài bênh vực cuốn Gạc Ma – Vòng tròn bất tử. Đây là một việc thường thấy trong xã hội VN ngày nay. Nghĩa là người ta coi những ai không cùng quan điểm với mình đều là kẻ thù. Trong 36 bài, chúng tôi còn thấy có bài số 14, tựa đề: “Cư dân mạng phát hiện “mùi” xác chết VNCH trong cuốn Gác Ma – Vòng tròn bất tử. Và bài số 21, có tựa đề: “Các vị lãnh đạo Việt Nam lưu ý: Sự trùng hợp không hề nhẹ giữa sách Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” với cuốn tự truyện “I hope” của Raisa Gorbachev”.

Mấy điều trên đây chúng tôi để mắt tới, dù là rất nhỏ và có lẽ nó chẳng nên mang vào bài viết này, nhưng trong cái nhỏ nó có những điều không nhỏ, mà có thể vì từ chỗ đó, nó thêm lửa vào những bài báo chống đối nhóm làm cuốn sách Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, khi nhóm này đề cập tới Việt Nam Cộng Hòa với một quan điểm mà lẽ ra nó phải được xét đến từ rất sớm, để Việt Nam hôm nay có công bằng, công lý, tiến bộ, khoa học và nhân văn hơn. Nhưng điều này cũng cho thấy rằng đất nước Việt Nam, người dân Việt Nam còn phải chịu đựng đau khổ, bất công, áp bức, bị bóc lột, bị đày đọa, bao lâu những kẻ cai trị bằng dối trá, áp bức còn tồn tại. Người đứng đầu bộ máy quyền lực nhất trong quân đội lại là kẻ ra lệnh cho người lính ngoài trận tuyến “không được nổ súng”, khi họ đứng trước quân giặc đang căm thù muốn tiêu diệt họ chớp nhoáng, thì quả là “có một không hai” trong các trận chiến đã từng diễn ra trong lịch sử loài người từ ngàn năm nay từ khắp Đông tới Tây, trong từng nước cũng như trong hai trận thế chiến ở thế kỷ 20 vừa đi qua thôi.

Sau khi cuốn Gạc Ma – Vòng tròn bất tử ra mắt, mới nổi lên những bài viết chung quanh cái lệnh quái đản kia. Bên bảo “có lệnh”, bên nói “không”. Bên nói “không” bèn nghĩ ra cách là ghép chữ “trước” vào cho cái lệnh kia thành “không được nổ súng trước”. Thế là có tiếng qua tiếng lại giữa hai bên, bên nào cũng có tướng. Riêng bên biên soạn sách có mặt một đại biểu quốc hội và ông còn là “nhà sử học lề phải”, theo ngôn ngữ xưa người ta bảo ông là một “sử quan”.

Vậy cuốn Gạc Ma – Vòng tròn bất tử đã viết gì về cái lệnh này? Xin trích:

“Khi cuộc cận chiến xảy ra, bên Việt Nam có hai lá cờ. Một lá do một người lính công binh giữ và đã hy sinh nên không còn ai nhớ rõ. Lá còn lại được các chiến sĩ chuyền tay nhau để nhanh chóng cắm lên đảo. Sau khi lùi lại cách lực lượng Việt Nam khoảng 10 mét, phía Trung Quốc bắt đầu nổ súng. Lá cờ lúc này đang trong tay Thiếu úy Trần Văn Phương: “Anh Phương khi ấy tay cầm chặt lá cờ, đang chạy về phía tôi thì bị một viên đạn bắn trúng bụng, anh Phương ngã ngửa ra, kêu lên: “Cứu tôi với!”. Chúng bắn thêm vào đầu và khi ngã xuống anh còn bị bắn thêm phát nữa. Lúc này lá cờ vẫn trong tay anh ấy, cuốn chặt vào người”,Trung sĩ Lê Hữu Thảo chứng kiến tận mắt. “Khi trông thấy đồng đội mình ngã xuống, tôi run lên vì căm thù, không kịp nghĩ chuyện sống chết mà cứ lao đến giằng co với kẻ địch”,Trung sĩ Lê Hữu Thảo nhớ lại (Trang 42).

“Lá cờ rơi xuống, thấm ướt máu của Thiếu úy Trần Văn Phương. Nhưng một người ngã xuống thì lại có người khác tiếp tục tiến lên bảo vệ lá cờ. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh vội chạy đến chỗ Thiếu úy Trần Văn Phương, ôm lấy lá cờ và vùng chạy tiến tới cắm cờ. “Trong đầu tôi khi ấy chỉ có quyết tâm bảo vệ cờ cho dù có hy sinh. Trước đó anh Nguyễn Mậu Phong có dặn “giao cho chú mày” nên tôi cứ thế cắm đầu mà chạy”. Ngay lập tức, viên chỉ huy Trung Quốc chĩa súng vào Lanh, anh vội lấy xà beng chống trả loạn xạ và khẩu súng bị đánh văng một đoạn xa. “Tôi tính lượm khẩu súng của tên chỉ huy để bắn chết nó nhưng vì có lệnh không được nổ súng nên thôi. Nếu cho thì tôi đã bắn chết nó rồi, rốt cuộc tôi bị nó đâm lê vào người và bị bắn ngã ngửa”.(Trang 43)

Trên đây là đoạn gây nên những lời qua tiếng lại giữa bên biên soạn cuốn Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” do Thiếu tướng Lê Mã Lương chủ biên, bên cạnh ông có Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm; nhà sử học Dương Trung Quốc; ông Đào Văn Lừng nguyên Vụ trưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương phía Nam, cùng 68 nhà báo và các cựu chiến binh Gạc Ma đã tham gia thực hiện cuốn sách, NXB Văn Học thực hiện. Còn phía chống đối sách, đòi tịch thu và tiêu hủy sách thì có Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Thiếu tướng Hoàng Kiền, ông Nguyễn Chí Hiếu, Tổng biên tập Tuần báo Văn Nghệ Tp.HCM.

Trên tờ Bauxite Việt Nam ngày 22-7-2018, ông Nguyễn Đình Cống nêu lên vấn đề: “Khoa học nên vào cuộc như thế nào”. Ông cho rằng không nên quá quan trọng việc tìm xem có hay không chữ “trước” ở trong lệnh cấm, mà vấn đề quan trọng hơn đối với lịch sử và đất nước là “nguyên nhân nào làm ta bị mất Gạc Ma vào tay giặc”. Rồi ông cho biết, đã có kế hoạch CQ88 mà sao chỉ điều động ra vùng Gạc Ma chủ yếu là 3 tàu vận tải và một số công binh? Phải chăng có ai đó định dùng 3 tàu này và một số chiến sĩ công binh cúng cho giặc?

Kết thúc bài, tác giả viết:

Khoa học lịch sử nên vào cuộc, đừng để cho một số người cậy quyền thế và to mồm lấp liếm sự thật, nấp dưới lòng yêu nước giả hiệu để bảo vệ thứ nọ thứ kia. Không khéo việc dựa vào chữ “trước” trong lệnh cấm nổ súng để lu loa ầm ĩ chỉ là thủ đoạn nhằm che giấu những điều quan trọng hơn.

Ngày 25-9-2018, FB Trần Đức Anh Sơn tung lên trên website Tiếng Dân bài: “Có lệnh “không được nổ súng” trong vụ “thảm sát Gạc Ma” ngày 14-3-1988 hay không? Rồi ông trả lời ngay:

Có đấy! Bằng chứng ở đây: (và ông đưa ra tài liệu)

Cuốn sách HUYỆN ĐẢO TRƯỜNG SA, do Nhà xuất bản Tổng hợp Phú Khánh xuất bản vào tháng 5/1988, tức là chỉ hơn 1 tháng sau ngày xảy ra vụ “Thảm sát Gạc Ma” [từ của Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm], tại trang 51, có đoạn: “Bọn địch hung hăng dùng 4 ca nô chở khoảng 100 lính trang bị đầy đủ vũ khí, máy vô tuyến, đổ bộ lên bãi Gạc-ma. Cùng lúc các ca nô của chúng chạy quanh, uy hiếp ta. Chúng khống chế khu vực giữa tàu và bãi. Đồng chí Thông ra lệnh: KHI CHƯA CÓ LỆNH, TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC NỔ SÚNG.

Đoạn này nằm trong bài “Trường Sa 14 tháng 3”, dài 3 trang, do Tấn Phong [có lẽ là nhà báo hay nhà văn ở Khánh Hòa], ghi lại theo lời kể của Thượng úy Nguyễn Văn Chương và Trung úy bí thư chi đoàn Nguyễn Sĩ Minh thuộc C9D3E83. Họ là những người đã chiến đấu chống bọn địch (quân Trung Quốc xâm lược) trong trận thảm sát này và sống sót trở về. Cuốn sách này dày 162 trang, có 8 ảnh minh họa, được in 20.000 bản [1 con số mơ ước cho sách in hiện nay], theo sự “quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy [Phú Khánh], UBND tỉnh [Phú Khánh], Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy [Phú Khánh]”; có “sự phối hợp giúp đỡ của Bộ tư lệnh vùng 4 hải quân, ủy ban nhân dân huyện Trường Sa, trường sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hải quân Vùng 4…”, chứ không phải là cuốn sách do một cá nhân nào đó biên soạn và do một công ty nào đó bỏ tiền xuất bản mô nghe.

Sách này hiện đang có 2 bản lưu tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng, số đăng ký là: VV.044687 và VV.044688.

Tui vừa nhờ người mượn và chụp lại những trang này vào sáng nay. Thông báo tạm thời cho bà con cô bác biết rứa nghe.”

Sau bài báo của Trần Đức Anh Sơn, tôi thấy không có lý lẽ nào nữa để sử dụng chữ “trước” hầu bênh vực một cách thô lậu cho cái lệnh khóa cái cò súng trên tay người lính tại chiến trường Gạc Ma, buổi sáng ngày 14-3-1988. Cái nhục mất Gạc Ma còn ở chỗ khi những tên lính Tàu cộng đã nổ súng giết chết đồng đội của mình, mà bên tai vẫn còn ám ảnh cái lệnh “không được nổ súng”. Vậy cái chữ “trước” kia nói lên điều gì? Phải chăng, mấy người lính của “cụ” nghĩ ngay đến một điều là nếu mình chống trả quân giặc bằng súng sau khi giặc đã bắn chết đồng đội của mình trước đó rồi, thì gia đình mình, vợ con mình sẽ chịu hậu quả tàn khốc như thế nào vì mình đã không tuân lệnh “không được nổ súng”?!

Việt Nam ơi! Bao giờ hết họa khủng bố bằng tinh thần?!

Khải Triều

(Ngày 17-10-2018)

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search