T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đào Dân: Chim Non Rời Tổ

Lối Đá – Tranh: Mai Tâm

Con đường mòn men giữa mấy thửa ruộng một bên và những khoảnh đất trồng bắp đậu một bên. Cạnh ngay bên trái đường là một dẫy dứa dại, lá đâm lên với những gai nhọn mọc ngược trông dọa nạt. Vì chúng mọc hai bên mương thoát nước nên tuy vào mùa khô hạn gió lào, đất vẫn còn đủ ẩm cho chúng một màu xanh tươi mát. Còn ngoài ra là một màu bạc phếch trông rất bệnh hoạn. Bên trong hàng dứa là Nương Côi, gồm một dẫy 3, 4 tấm đất trồng bắp đậu xen lẫn vào cuối đông và đã thu hoạch vào cuối xuân rồi. Những cây bắp đã bị chặt đi, chỉ còn lại gốc, cao không quá đầu gối, lởm chởm nhọn theo chiều xiên của vết dao. Sau khi hái hết trái, người ta bỏ thân cây lại thành từng đống nằm rải rác đây đó. Những đống thân bắp ấy là nơi trú ẩn của đủ loại côn trùng, kể cả sâu bọ, rắn rết. Mỗi buổi sáng khi mặt trời chưa mọc, anh Bắc dẫn tôi theo, cả hai chạy khắp vùng, lật từng đống bắp ấy lên để tìm bắt dế. Bắt được con dế đực nào là đem về bỏ vào lon thiếc hay hộp giấy nuôi để đêm đêm chúng gáy vang nhà, rồi đem đi đá thi khắp làng. Bây giờ những thân bắp khô queo đó đã bị gió Nam thổi bay tung toé nhiều nơi. Gốc cũng khô rang, bạc trắng, thỉnh thoảng còn trơ vài chiếc lá rũ xuống, mềm oằn. Nếu như trước đây vài tháng, lỡ vô ý dẫm lên những thân bắp nhọn hoắt ấy khi chạy đi tìm dế, đôi chân trần có thể bị trầy da chảy máu. Nhưng bây giờ thì chúng đã oặt oại, mềm nhũn, chỉ cần đụng vào là gãy sụm. Đất cũng nhũn ra vì thiếu nước lâu ngày, phơi phới, chờ dịp có chân trâu bò đụng vào là rã ra thành bụi. Những tấm đất này chỉ còn chờ đến gần tết, là khi mà mùa lụt bão đã đi qua và mùa xuân với những cơn mưa mát dịu rơi xuống, mới được cày xới lên để chuẩn bị cho mùa bắp đậu mới. Còn phía bên phải con đường là Già Sau, mấy mảnh ruộng lúa nay còn trơ những gốc rạ xơ xác, chỉ một vài cọng là đứng thẳng, ngoài ra đều nằm rạp trên những mảnh ruộng hoang nứt nẻ. Đường nứt to đến nỗi nếu vô ý, bàn chân nhỏ xíu của tôi có thể lọt thỏm hẳn xuống.

Mặt trời vừa lên quá đọt tre, cái nắng đầu ngày đã bắt đầu chói chang khó chịu. Tôi lon ton chạy theo mẹ ra khỏi rặng tre nhà bác Trình. Rặng tre dày như một tấm chắn che hết ánh nắng mặt trời vừa vươn lên đàng sau. Từ đây, tôi háo hức đặt hai bàn chân nhỏ bé lên con đường mòn giữa đám ruộng và đất hoang khô khốc ấy để bắt đầu hành trình lên Tỉnh. Mặc cho mặt trời, cái nóng; mặc cho đường sá xa xôi, đôi chân trần của tôi vẫn nhảy tung tăng như chim sáo, xủi đất bột ở giữa lối mòn tung lên cho thành khói hay có khi nghịch ngợm dẩm lên những bụi cỏ may gầy guộc héo uá ở hai bên vệ đường. Nỗi vui vẫn âm ỷ trong lòng tôi từ sáng đến giờ mới bộc lộ. Trong mỗi bước đi, mỗi cú nhảy, mỗi cái hất chân hay múa tay là cả một niềm hân hoan vui sướng. Tất cả trí óc đều tập trung cho chuyến đi vì những gì tôi sẽ gặp trên đường, trên phố đều đầy quyến rũ. Tôi nôn nao chờ đợi được đặt chân lên đường quan lộ, con đường rộng rải có phủ dầu hắc láng mịn làm êm dịu đôi chân. Rồi trưa về trời nóng, tôi sẽ chạy ra giữa đường tìm những những viên bong bóng nhựa nhỏ nổi lên, đen như mắt mèo, đạp thật mạnh, khoan khoái lắng nghe tiếng kêu bụp nho nhỏ. Rồi hai bên đường, những viên sỏi to nhỏ các cở, đủ cả sắc màu, bóng lưởng hay sắc cạnh đều được tôi chọn lựa đem về đánh ô cùng các bạn trong xóm hay có khi cu ky chơi một mình. Đặc biệt, tôi thích nhất là cái mùi thơm quyến rũ của dầu xăng thoát ra từ xe hơi. Mỗi chiếc xe chạy qua là mỗi lần tôi náo nức đuổi theo, cố gắng ngửi cho kỳ hết cái mùi thơm kỳ diệu đó vào trong lồng ngực đang căng ra hết cỡ.

Cơn gió Nam buổi sáng làm lất phất những ngọn sắn trải rộng cả một vùng phía bên hông nhà O Việt. Những hàng tre cũng đang nhè nhẹ lắc lư, rồi đây sẽ xào xạc uốn éo hay rạp mình theo những cơn gió cuồng nộ khi mặt trời lên cao. Tôi chẳng buồn để ý chi đến gió đến nắng, đôi mắt tôi đang láo liên nhìn cả hai bên vệ đường để tìm cho được những bông cỏ gà mọc hai bên lối đi. Nó tên là cỏ chỉ, loại cỏ mà thân lá đều nhỏ như que tăm nhưng dài ngoằng, bò sát mặt đất, phần đọt kết lại thành một cục to bằng ngón tay cái, loe ra như một đóa hoa nhỏ màu xanh. Cầm hai cây cỏ gà trong hai tay, tôi vừa đi vừa dùng hết sức của hai cánh tay để mở ra một trận đấu quyết liệt giữa hai chú cỏ gà đó. Trận chiến cũng chóng thôi vì chỉ năm ba phút thế nào cũng có một chú bị gãy cổ rơi xuống đường, còn chú kia cũng sứt trán gãy gọng xác xơ. Và tôi lại tiếp tục tìm kiếm những chú cỏ gà khác, để thích thú với những bàn thắng thua của mình.

Mải mê với trò chơi làm tôi quên cả mẹ con chúng tôi đang rảo bước trên đường quốc lộ cho đến khi nghe tiếng người gọi giật lại từ đàng sau:

_Thím Giáo (1), chờ cháu đi với.

Cả hai mẹ con ngừng bước rồi quay lại nhìn. Chị Quyện, với đôi quang gánh trên vai, một đầu là hai con gà và một đầu là thúng sắn, đang tất tả bước nhanh cho kịp với mẹ con tôi.

_ A, chị Quyện, chị mi (2) đi chợ răng mà trưa rứa? (Sao trễ vậy)

_ Buổi sáng cháu còn phải xuống dưới nương Đuồi nhổ sắn về nên đi chợ hơi trễ thím nờ. Chà, cháu ở xa nhìn sau lưng mà cũng biết đúng là thím Giáo, chứ có ai mà đẹp như thím. Ai đời đã bốn mấy rồi mà con gái mười tám cũng không bằng.

_ Chị mi đừng nói rứa, cực bắt chết (khổ muốn chết) đây này. Cơm không có mà ăn mà còn tính chi chuyện đẹp với xấu. Nói thêm ôốc dôộc.

Chị Quyện nghe trách bèn hỏi sang chuyện khác:

_Rứa thím đi mô mà không có chi bán hết?

Mẹ tôi vừa quay người sang phía tôi rồi hơi ngập ngừng một chút mới trả lời:

_Bác (3) Chơn hắn ở ngoài tỉnh nhắn vô kêu hai mạ con tui ra gặp bác ở nhà ông Phủ Tắc. Tui cũng không biết bác hắn có chuyện chi.

_ Chà, từ ngày chú Chơn đi dạy học đến nay cháu không hề thấy chú ấy. Chắc chú ở ngoài tỉnh luôn à?

_Eng (Anh) Chơn ở mô ngoài Tỉnh chớ cũng ít vô làng lắm, sợ họ (Việt Minh) bắt.

_Còn thím có chuyện chi mà phải gặp ông Phủ, mà ông nớ (ấy) là ai vậy?

_Tui có biết chuyện chi mô, nghe eng Chơn kêu thì mạ con tui đi thôi, không rồi eng lại trách. Chà, còn nói chuyện ông Phủ Tắc thì cũng hơi dài, chị mi có muốn thì tui kể cho mà nghe.

_Kể đi thím, đường đến Tỉnh còn xa lắm.

Như được gãi đúng chổ ngứa, mẹ tôi đem chuyện ngày trước kể một mạch như để trút niềm tâm sự không biết nói với ai kể từ ngày cha tôi mất:

_Trước đây tui cũng không biết ông Phủ Tắc này là ai, nhưng từ khi cha thằng Nam bị Tây bắt rồi bị chúng giải vô phủ Hải Lăng nên gặp ông . Ông ta đang làm Tri Phủ ở đó. Hồi còn đi học ở Quốc học Huế, Nhà (4) tui và ông là bạn học cùng lớp. Vì cùng người Quảng trị lại xấp xỉ tuổi tác nên cũng khá thân. Khi nghe trong đám tù nhân có tên Đào xuân Thâm là ông biết ngay là bạn cũ. Ông gọi Nhà tui lên nói chuyện rồi kiếm cách thả ra. Thành ra Nhà tui chỉ phải nằm tù ở nhà lao Hải Lăng mấy ngày thôi. Chỉ đau khổ là trước đó, lúc ông mới bị bắt về đồn Qua Lồ, ông không những bị tra khảo để xem ông có hoạt động cho Việt Minh hay không mà còn bị thằng Tây Quẹo trưởng đồn ở đó đánh đập vì ông đã dùng tiếng Tây chưởi thẳng vào mặt hắn là quân cướp nước. Còn ông Phủ người mô dưới biển An hội, sau khi đậu Diplome thì vô làm quan cho triều đình Huế, đến khi Tây về lập làng hội tề thì ông được kêu ra làm Tri phủ của Hải Lăng mình. Vì chuyện bị ở tù Tây lại gặp được bạn học cũ nên sau khi ra tù, ông có làm mấy bài thơ để nói lên tình bạn và tình cảnh của những người cùng chung số phận bị tù đày.

Rồi không chờ chị Quyện có thích hay không, mẹ tôi đọc một mạch cả bốn bài thơ, lên giọng xuống giọng như đang ngâm nga những chuyện Kiều hay Lục Vân Tiên mà tôi thường nghe khi ở nhà với mẹ.

Hai chục năm trời thắm thoắt qua,

Đồng song bạn cũ nhớ chăng là

Sớm chiều Quốc học vui đèn sách

Non nước Thần kinh tưởng gấm hoa

Chung đỉnh xui người nên trưởng giả

Điền viên khiến tớ hoá nông gia

Quan dân hai chữ tuy rằng cách

Bằng hữu tình xưa vẫn mặn mà

(Tình bằng hữu)

Ngọn gió chi đưa khéo lạ lùng

Trẻ gia trai gái nhốt chung phòng

Mặt nhìn lạ mặt người người khác

Tình thấy thương tình cảnh cảnh chung

Ăn ở đắng cay thành bạn lứa

Khuyên răn khôn dại rõ gan lòng

Anh em bốn bể vầy nên bạn

Lúc bước ra về có nhớ không?

(Bạn tù)

Bước cùng phải chịu biết nhờ đâu

Ngậm đắng nuốt cay luống nghẹn ngào

Cơm hẩm canh thừa ngao ngán nhỉ

Chè ôi thuốc lạt bẽ bàng sao

Đêm nằm rệp chích đau trằn trọc

Bốn mặt tường bưng nóng gắt gao

Nếm đủ những mùi cay đắng ấy

Rồi ra mới đáng mặt anh hào

(Cảnh tù đày)

Nhân tình thế thái nghĩ càng đau

Đen bạc phôi pha khéo nhuộm màu

Mấy lúc xênh xoang nhiều bạn rước

Một ngày lam lũ ít ai chào

Tuồng đời tráo trở thù nên bạn

Máy tạo xoay vần biển hoá dâu

Những kẻ xưa nay lòng son sắt

Bùn nhơ khôn bận tuyết thanh tao

(Thế thái nhân tình)

Câu chuyện giữa mẹ và chị Quyện có lẽ còn dài nhưng tôi đã không còn chú ý từ khi đặt chân vào địa phận của tỉnh lỵ. Hình ảnh của hai hàng cây bàng cổ thụ xác xơ lá, của những căn nhà chen lẫn với những hàng quán nằm san sát hai bên đường, của những người dân quanh vùng với quanh gánh trên vai đem hàng nông phẩm ra chợ. Tất cả tuy rất quen thuộc với tôi nhưng lúc nào chúng cũng có sức hấp dẫn. Hai mắt tôi láo liên nhìn bốn phía, đôi tai tôi dỏng ra nghe cho hết những tiếng còi xe, tiếng rao hàng và cả tiếng leng keng của ông già Tàu bán kẹo kéo. Cái không khí phố thị vẫn lạ lùng khó hiểu như khi anh Bắc dẫn tôi ra đình làng chơi những đêm trăng sáng, chỉ cho tôi cái vầng ánh sáng rực rỡ đàng xa kia và bảo tôi đó là Tỉnh. Tôi vẫn cãi với anh sao tôi không thấy sáng chi hết khi theo mẹ ra chợ thì bị anh giáng cho một bạt tai, nói cái thằng ngu rồi anh tức tối dắt tôi về.

Tôi nhớ như in căn nhà ngói thấp hơi tối của ông Thị nằm bên trái đường mà mỗi khi đi chợ về, thế nào mẹ tôi cũng ghé vào thăm ông. Là căn nhà mà hơn một năm trước, tôi đã về đó ở lại vài ngày sau hơn một tháng điều trị tại bệnh viện Tỉnh do bị bệnh thương hàn. Tôi không bao giờ quên đươc cái hình ảnh cuả buổi chiều hôm đó, chị Lan một mình cõng tôi về. Người tôi ốm o như con chó đói, nhỏ xíu ngồi trên lưng chị, lạ lẫm nhìn phố thị tấp nập người. Giữa những hàng gánh bán thức ăn hai bên đường trước cổng bệnh viện, tôi không chịu nổi sự thèm khát nên đã vật vã đòi chị cho ăn. Dù lúc nào cũng nhớ lời mẹ dặn là tôi cần phải kiêng cữ để phòng tránh bệnh tái phát, chị cũng đành phải nhượng bộ trước sự van xin thảm thiết của tôi. Chị mua một tô cháo nhỏ cho tôi và khi đến nhà, chị đã bị mẹ la rầy không ít.

Mặt trời đã lên cao và bắt đầu tỏa ra những tia nắng gay gắt. Dưới hai hàng cây là những ô nắng nhảy múa theo từng cơn gió nhẹ. Đường đã bắt đầu vắng người. Tôi dáo dác nhìn quanh để tìm lại căn lầu của bệnh viện tôi đã từng nằm nhưng chưa thấy thì đã nghe tiếng mẹ chào từ giã chị Quyện rồi dắt tôi rẽ phải khi vừa tới ngôi trường đạo ở phía bên kia. Đoạn đường ngắn ngũn mà cuối đường là những hàng cây um tùm che kín cả một mái đình. Đi chưa được một đoạn thì mẹ dắt tôi vào một căn nhà to rộng, cửa bình khóa đóng im ỉm, nằm ẩn khuất sau hàng chè tàu cắt ngay ngắn và một cái sân rộng, rải toàn đá cuội, có viên to bằng nắm tay của tôi. Chúng tôi bước vào căn nhà dưới, tuy nhỏ hơn nhưng cũng rộng rãi sang trọng. Hai ông quan mặc đồ trắng toát ngồi uy nghi trên hai chiếc ghế bành. Trong khi mẹ tôi khép nép ngồi lên chiếc giường đặt cạnh đó, tôi đứng sát bên chân, len lén đưa mắt trông lên. Tôi không để ý nghe họ nói gì, bởi nhìn thấy mặt bác Chơn ở đó là tôi cảm thấy bất an. Tôi vốn sợ bác tuy chưa lần nào tiếp xúc trực tiếp. Tôi chỉ biết bác qua những lần theo mẹ qua ăn giỗ nhà bác Trình ngay cạnh nhà tôi. Bác còn trẻ, trông trắng trẻo nhưng cái uy của bác toát ra từ đôi mắt. Đôi mắt lúc nào cũng trợn ngược, hai con ngươi vàng khè, nhìn vào ai là xoáy vào cả trí óc của người ấy. Ai cũng nể bác, còn con nít như tôi thì không bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt. Cái đáng sợ của bác còn được phụ họa thêm bởi một nốt ruồi đen ngay cằm, dưới mang tai, trên đó mọc lên ba sợi râu đen nhánh. Khi nói, ba rợi râu nhúc nhích lên xuống như dọa nạt, như khủng bố tinh thần kẻ đối diện. Mấy lần trước trong những dịp giỗ chạp, bọn trẻ con chúng tôi đang chạy nhảy, phá phách hay đánh chưởi nhau, chỉ cần nghe tiếng bác về là tất cả đều im thin thít, mọi trò chơi đều tạm ngưng chờ khi bác đi xa.

Hôm nay, ông thần dữ ấy bỗng dưng ngồi đây, với một ông quan khác trông oai phong hơn vì thấy bác Chơn có vẻ kính nể. Đó là ông Phủ Tắc, bạn học của cha tôi mà mẹ vừa nói chuyện về ông với chị Quyện. Sau này tôi mới biết đó là ông Đặng hữu Tắc, khi biết tin cha tôi chết, ông có ý định đem tôi về nuôi cho ăn học như một cách để tưởng nhớ đến người bạn cố tri, giúp đỡ phần nào cho người góa phụ phải vất vả nuôi con.

Khi biết phải ở lại đây một mình, tôi đã sợ hãi, khóc lóc, rồi vật vã la hét, ôm lấy chân mẹ và cương quyết theo mẹ ra về. Bác Chơn đang ngồi trên ghế bỗng đứng dậy, trợn đôi mắt vàng khè nhìn tôi, một tay bác chỉ thẳng vào mặt, miệng hét: “đứng im đó” rồi tay kia đánh mạnh vào má tôi đến nỗi tôi chúi đầu vô góc giường, kéo cả vạt áo dài đen của mẹ mà tôi đang túm lấy một góc làm sứt tung cả hàng nút bấm. Rồi bác bảo với mẹ:

_Thôi thím về đi, để thằng này lại cho tui.

Mẹ tôi tất tả bước ra khỏi cửa như chạy trốn. Tôi lồm cồm bò dậy định chạy theo nhưng hai chân cứng đơ, không nhúc nhích nổi trước cặp mắt trừng trừng của bác. Tôi đau đớn, tuyệt vọng trong im lặng, chỉ còn biết len lén nhìn theo, lòng vẫn có chút hy vọng nào đó là mẹ sẽ đổi ý và trở lại đem tôi về. Chỉ thấy mẹ đưa hai tay nâng vạt áo dài chùi vào đôi mắt ướt đẫm, đỏ ké khi bà quay lại nhìn, không nói một lời. Rồi đắm đuối nhìn tôi, rồi lại quay đi, bước thật nhanh ra cổng.

Giữa cuộc đàm đạo của hai ông quan trong ngôi nhà to đùng và vắng lặng, tôi rón rén bước ra, ngồi nơi góc hiên nhà và cái sân đá cuội, ôm lấy chân cột nhìn ra đường, cố nhìn xem có hình bóng quen thuộc nào lướt nhanh qua khoảng trống của chiếc cổng sắt đã bị khóa. Nhưng càng nhìn càng vô vọng. Rồi tôi ngủ quên ở đó, lần đầu tiên nơi phố thị, giữa cái nắng trưa hè oi bức, ngột ngạt.

Đào Dân

(1) Giáo: Tiếng gọi theo chồng làm nghề dạy học.

(2) Chị mi: Chị mày là tiếng gọi lịch sự với người thuộc hàng con cháu. Ý nói là chị của thằng con mình.

(3) Bác hắn: Người vai anh của chồng thì con mình kêu bằng bác. Bác hắn là một cách gọi thế cho con.

(4) Nhà tui: Chồng tôi

(5)Tác giả của bốn bài thơ trên là Đào Xuân Thâm

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search