T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 149)

 

clip_image002

Chữ “Việt” theo “Tầu”

Khi có chữ viết thì người Tầu dùng phép tượng hình. Để chỉ người Việt, vì người Việt dùng cái rìu làm vũ khi. Họ viết “chữ Việt nguyên thủy” gồm có:

Một nét ngang dài tượng hình cho cái cán.

Dưới có một cái móc xéo tượng hình cho lưỡi rìu.

Và họ đọc là “Việt”.

Đến đời Chu, họ viết “việt” là “vượt qua”.

Đời Thương, họ viết “việt” là “lúa gạo”.

(Bình Nguyên Lộc)

Chữ nghĩa làng văn

Văn hóa là vô cùng vô tận, là thiên biến vạn hóa theo thời gian; với văn hóa thì không thể áp đặt, không thể đem văn hóa của dân tộc mình để gán ép cho văn hóa của dân tộc khác. Như Tết cổ truyền của chúng ta là vào tháng 3 chứ không phải vào đầu tháng giêng âm lịch theo người Trung Quốc.

Tết với người Trung Quốc có thịt mỡ, câu đối, nhưng Tết của người Việt ngoài thịt mỡ, câu đối còn có thêm dưa hành với bánh chưng, bánh tét.

Ấy là sự phát triển để hình thành nên một nền văn hóa khác.

(Trần Quốc Vượng – Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm)

“ong”

Nhiều học giả cho rằng các âm tiếng Việt biểu thị hình dạng. Như khi đọc âm “ong” thì y như rằng có cái gì…tròn tròn. Như:

Quả bóng, cong vòng, cái lọng, cái nong, chạy lòng vòng..v..v..

(Nguyễn Triệu Việt – tạp chí Tân Văn)

Văn hóa cà phê

Buổi trưa ngồi ở quán ế, mùi vị của quê nhà. Tôi nhìn cái bàn vuông vức, sạch sẽ, quả tình thật là thương hại. Hộp đũa nhàn hạ, thất nghiệp chắc đã lâu. Lọ tương ớt trầm tư bên thẫu đường ngái ngủ…Những sợi phở chui tuột vào bao tử im lặng, đến độ tôi nghe cả tiếng răng mình chạm vào nhau. Nhai, nuốt và tưởng nhớ. Buổi trưa tôi rồi cũng qua, rất vội…Tôi nhai, tôi nuốt và tôi tưởng nhớ La Pagode…

clip_image004

Quán cà phê “Cái chùa” từng nằm trên góc ngã tư Lê Thánh Tôn – Tự Do. Nó chính là nơi nhiều gương mặt thời danh của một thời văn chương chữ nghĩa, thơ văn, hội hoạ, âm nhạc, cũng như những tên tuổi lớn trong văn giới của Sài Gòn thời thượng, một thời thường có mặt. Khi viết về bạn bè, Lô Răng Phan Lạc Phúc dựa vào hồi nhớ, kỷ niệm. Đoạn viết về Cung Tiến là một thí dụ. Ở bìa sau Tuyển Tập Tạp Ghi, tức cuốn thứ nhì sau Bè Bạn Gần Xa qua Võ Phiến, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Cao Đàm thì những bằng hữu của Phan Lạc Phúc như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, họ đều là khách quen của Quán chùa hồi đó, có thêm Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Nguyễn Đình Toàn, Viên Linh…Ấy là La Pagode của Sài Gòn một thời có mặt…

***

Tôi nhìn quanh. Không nhìn nhưng tôi thấy những Mai Thảo, Nguyễn Mộng Giác, Kiệt Tấn, Luân Hoán, Tưởng Năng Tiến. Tôi thấy những Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Nguyễn Đình Toàn, Viên Linh…và vô số nhà văn, nhà thơ khác đang lặng lẽ nép vào nhau, lom khom nhìn tôi. Tôi ngái ngủ, ngáp và tôi hồi nhớ La Pagode của Sài Gòn…

Bao thuốc lá lụi đụi bên cái bật lửa gật gù…tất cả, lại rủ rê tôi một nỗi quay quắt nhớ Sài Gòn. Tôi nhoáng nhoàng châm lửa. Đám mây trắng ngoài kia lững thững mãi mới đi qua được cái cột đèn, cái ắng lặng của buổi sáng dường như ở chỗ nào cũng giống nhau. Thật mệt mỏi cho mình viết văn, làm thơ, lăn tăn làm gì cho mệt, có gì mà chảnh chọe. Nói cho ngay viết văn làm thơ nào có gì mõ làng ngày xưa. Đầu óc rối bời bời nhìn mấy quyển sách ngả nghiêng trên bàn như mấy cái mộ bia là ông Đinh Cường, Nghiêu Đề, Đỗ Qúy Toàn, Ngu Yên, Phan Ni Tấn, Hà Thúc Sinh. Đối diện với cái nghĩa địa văn học kia là qúy ông Võ Phiến, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Cao Đàm, Phan Lạc Phúc. Họ nhìn tôi vừa ngáp, vừa ngái ngủ. Buổi sáng lãng đãng hương đất trời, rồi cũng qua đi, rất nhanh.

Trời thu, trời xanh nao lòng, nắng vàng cũng ngớ ngẩn. Tôi như hả hê với La Pagode của Sài Gòn một thời có mặt…ở thập niên 60. Cám ơn buổi trưa, cám ơn buổi tối, cám ơn buổi sáng.

Một ngày, nhớ đời…

(Nguyễn Quốc Trụ – Tản mạn xung quanh Tạp ghi…)

Chữ nghĩa và tiếng Việt sao rắc rối thế

Thành thực cám ơn các bạn đã có nhiều lời hay, vui ý nghĩa để mình học hỏi…
Mình khuyên mình, mà mình nói mình mình nghe
Mình nói để tự mình mình, mình cứ lo mình mình đi

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Viết văn, viết báo

Nhiều người cho rằng nhà văn viết truyện dài, truyện ngắn thuộc loại hư cấu, thường đòi hỏi thì giờ, công lao và chỉ những loại truyện này được coi là văn chương chữ nghĩa.

Còn loại không hư cấu, trong đó có báo chí, viết về những sự việc vừa xẩy ra, trình bày dữ kiện một cách vội vã. Nhưng báo chí ngày nay, dù có viết vội, không phải chỉ giới hạn trong thông tin, mà còn có nhiều bài đặc biệt, viết thật công phu, thật văn chương.

(Vũ Thụy Hoàng – Múa bút)

Tương lai từ vựng tiếng Việt

clip_image006

Phạm Quỳnh bảo tiếng Việt đặc biệt giàu từ cụ tượng. Từ cụ tượng có hai nhóm:
Nhóm “vô cảm”: gồm những từ không chứa cảm giác, cảm xúc.

Ví dụ: trời, đất, núi, rừng, sông, biển, ao, chuôm, cây, cỏ, chim, cá, nai, gà, lợn, rìu, củi, nồi, niêu, lúa, khoai, tay, chân v.v. (1)
Nhóm “hữu cảm”: gồm những từ có chứa cảm giác hoặc cảm xúc.

Ví dụ: nhấp nhô (thị giác), lả lay (thị giác), tí tách (thính giác), bì bõm (thính giác), ngào ngạt (khứu giác), thoang thoảng (khứu giác), trơn tru (xúc giác), ram ráp (xúc giác), chát xít (vị giác), chua lè (vị giác), nao nao (cảm xúc), nho nhỏ (cảm xúc), sè sè (cảm xúc), rầu rầu (cảm xúc) (2) Không phải chỉ từ kép mới hữu cảm. Những từ đơn như co, cúi, cuộn, cựa, day, gập, khom, khum, lách, lòn, luồn, nép, oằn, rướn, thót, uẩy, vẹo v.v., chúng cũng đều có chứa thứ cảm giác nhất định gì đấy chứ không phải “rỗng” như nồi, niêu, nón!
Tiếng Việt không giàu từ cụ tượng vô cảm, nhưng hết sức phong phú từ cụ tượng hữu cảm. Tại sao? Từ cụ tượng vô cảm chẳng qua là tiếng đặt ra để gọi tên vật. Phải đi nhiều, thấy nhiều vật nọ vật kia, phải chế tạo ra nhiều vật nọ vật kia, thì mới giàu tên gọi.

(1) Dĩ nhiên trong số những từ vô cảm đối với ta bây giờ, có thể có một số vốn xưa kia là hữu cảm. Tổ tiên ta có thể đã cảm giác thế nào đó khi gọi chim là “chim”, cá là “cá”.

(2) Truyện Kiều, chỗ Kiều qua mả Ðạm Tiên: “Nao nao dòng nước uốn quanh / Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc sang / Sè sè nấm đất bên đàng / Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”.

(Thu Tứ – Gocnhin.net)

Ca dao và lịch sử

Các biến cố lịch sử ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân chúng, nhất là loạn lạc. Chiến tranh gây cảnh điêu tàn, chết chóc, nhà tan cửa nát. Nhân dân chỉ biết kêu trời, bày tỏ nỗi oán thán:

Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Em về nuôi cái cùng con
Ðể anh đi trẩy nước non Cao Bằng

Ấy là thảm cảnh của người dân phải thi hành nghĩa vụ tòng quân dưới thời Nam Bắc Triều, xảy ra cuộc chiến tranh Trịnh – Mạc. Cao Bằng là căn cứ địa trọng yếu của nhà Mạc. Người lính trong câu ca dao trên thuộc hàng ngũ quân Trịnh, được lệnh lên đường đánh quân Mạc, vỗ về vợ con trong buổi chia ly.

(Phương Nghi – Tạp chí Tài hoa trẻ)

Thanh âm

Trong tiếng Việt Nam ta chia ra hai hệ.

– Hệ có sáu thanh, nghĩa là phát âm đồng một cách thế mà giọng lên giọng xuống thành ra sáu thanh.

– Hệ có tám thanh, phát âm đồng một cách thế mà giọng lên giọng xuống thành ra tám thanh.

Cái hệ sáu thanh như thế nào?
Như tiếng “ba”, là thuộc về hệ sáu thanh. Vì chỉ lên xuống giọng mà thôi, thì được năm tiếng nữa, là: bả, bá, bạ, bả, bã; như vậy, cộng với “ba” nữa là sáu.
Còn cái hệ tám thanh như thế nào?
Như tiếng “bông” là thuộc về hệ tám thanh. Vì chỉ lên xuống giọng mà thôi, thì được bảy thanh nữa là:bồng, bống, bộng, bổng, bỗng, bốc, bộc: như vậy, cộng với “bông” nữa là tám.
Cái đó là luật tự nhiên của tiếng Việt, do cái luật tự nhiên ấy mà các ông đời xưa đặt ra vần Quốc ngữ có phương pháp lắm.

(Phan Khôi – Về chữ Quốc Ngữ)

Chữ nghĩa làng văn

Cụ Nguyễn gia Thiều cách đây gần 200 năm đã viết : “Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán”

(đành hanh là tiếng gốc Chàm, có nghĩa là ganh ghét, ganh tị).

Cụ Nguyễn Trãi cách đây gần 600 năm nói: “Tuy rằng bốn bể cũng anh tam

(Đó là tiếng Mã lai hiện nay, có nghia là thằng em trai).

(Nguyễn Hy Vọng – Cái tinh thần đặc biệt của tiếng Việt)

Cải lương, vọng cổ

Cải lương từ hát bộ mà ra, lương nghĩa là tốt, cải lương là đổi cho tốt hơn. Khởi đầu có tên là “ca ra bộ”, là ca hát theo điệu bộ, bắt nguồn từ Vĩnh Long, tại nhà thầy phó Mười Hai với tuồng “Xuân tình” và gánh hát cải lương đầu tiên của thầy André Thân.

Vọng cổ chỉ là một phần nhạc trong cải lương do ông Cao Văn Lầu người gốc Bạc Liêu. Vì chuyện có vợ, không con nên phải lấy vợ khác. Một đêm, nghe tiếng trống điếm văng vẳng từ chòi canh cuối xóm, tâm hồn xúc động, ông dùng cây đàn cò sáng tác bài “Dạ cổ hoài lang”, nghiã là giữa canh khuya nhớ…chồng.

(Vương Hồng Sển)

Quan hệ thiên nhiên

Người Việt tích lũy được một kho tàng phong phú về quan hệ này:

– Trời đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa.

– Quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa.

– Ráng mỡ gà, ai có nhà phải trống.

– Được mùa lúa, úa mùa cau – Được mùa cau đau mùa lúa.

– Mồng tám tháng tám không mưa – Bỏ cả cày bừa mà nhổ lúa đi.

Và hiện tượng trong đời sống hàng ngày:

– Thâm đông thì mưa, thâm dưa thì khú, thâm vú thì chửa.

– Cơm chín tới, cải vồng non, gái một con, gà ghẹ ổ.

(Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)

Chữ Việt gốc Tầu

Ngay cho đến đầu thế kỷ 21, trong bộ môn nghiên cứu và biên khảo, tiếng Hán Việt chiếm 30%, truyện 9%, thơ 11%, báo chí 29%…

Chữ Việt gốc Tầu là những chữ, những âm mà ta dùng thẳng từ của người Tầu hiện tại và dùng âm của mẫu tự quốc ngữ viết lạ. Và khi ta nói lên tiếng đó, người Tầu “liên hệ” có thể hiểu được.

Thí dụ xí lắt léo là chữ Việt gốc…Triều Châu.

Và ca dao chỉ có 1%…

Chờ anh cho hết sức chờ

Chờ cho ến xại lên bờ khui hui

Tiếng Triều Châu ến xại là rau muống. Khui hui là trổ bông.

(Nguyễn Hữu Phước – đặc san Phù Sa Sông Cửu)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search