T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Rừng Ashau đêm nay sương mù…

(Nguồn: Phạm Hoài Nhân: http://phnhan.vncgarden.com)

Rừng Ashau đêm nay sương mù…

Tôi vẫn thường băn khoăn khi nghe những bản nhạc tuyên truyền, tâm lý chiến của Việt Nam Cộng Hòa, sao mà nó da diết tình cảm và mang đầy tính nhân văn chứ không phải hùng hổ, hung hăng – thậm chí có khi lỗ mãng – như nhạc cách mạng.

Như bài Thương về vùng hỏa tuyến  lên án… quân xâm lăng Bắc Việt, nhưng trong toàn bộ bài hát không có chữ nào nói đến Cộng sản hay Bắc Việt, chỉ nhắc đến mái tranh, lũy tre, luống khoai nương cà… (Xem bài Có ai qua vùng hỏa tuyến)

Như bài Tạ từ trong đêm, bài hát tâm lý chiến xuất sắc nhất năm 1965 của VNCH, ca từ có hình ảnh bà mẹ thương con, vợ yêu chồng:

Nếu em biết rằng có những người đi đấu tranh chưa về
Mang lời thề lên miền sơn khê
Từng đêm địa đầu hun hút gió sâu
Nếu em đã gặp mẹ già thương con
Khấn nguyện đêm rằm
Vợ yêu chồng đan áo lạnh từng đông
Thì duyên tình mình có nghĩa gì không?

thì duyên tình mình có nghĩa gì không – giữa bao nhiêu kiếp người trong thời đao binh loạn lạc. (Xem bài Tản mạn boléro)

Nó khác với những ca từ đầy bạo lực và có phần… dã man như sau:

Ta xốc tới bước trên đầu thù
Ta đi như sóng căm hờn dâng trào, 

xô lên trên xác quân thù hung bạo
(Sài Gòn quật khởi – Hồ Bắc)

hay

tiến về giải phóng nông thôn, 
tiến về thành phố thân yêu đạp trên xác thù.
(Mỗi bước ta đi – Thuận Yến)

Nghĩ rằng mình đã từng sống ở chế độ VNCH thời nhỏ, đã nghe quen những lời ca tiếng nhạc ngày ấy nên có phần thiên vị, có cảm tình với nhạc cũ hơn, tôi thử tìm cách lập luận phản bác lại. Ắt là phía VNCH cũng có những bài hát tuyên truyền đầy sắt máu mà tôi không biết chăng?

Trên tay tôi là tập nhạc Những bài ca yêu nước và chiến đấu do Cục Chính huấn, Tổng cục Chiến tranh Chính trị quân đội VNCH phát hành khoảng năm 1973, sau mùa hè đỏ lửa. Khỏi phải giải thích, tên của nơi phát hành đã cho biết mục đích của tập nhạc là gì.

Tập nhạc gồm có 2 phần: phần 1 là các bài ca về quê hương, phần 2 là các bài ca chiến đấu. Các bài hát của phần 2 này đa số là vừa mới được sáng tác, nói về những trận đánh vừa diễn ra như: trận đánh cổ thành Quảng Trị, Bình Long, Kontum… Hầu hết các bài này đều được phát đi phát lại trên TV và đài phát thanh VNCH tại thời điểm đó (1972-1974), chắc là nhiều người sống ở thời ấy còn nhớ. Nếu nói là tuyên truyền đầy sắt máu thì chắc chắn là nó nằm ở đây chứ không đâu xa!

Một bài hát có tựa khá ghê sợ, có chữ máu, đó là bài Ashau, máu giặc còn hồng (thung lũng Ashau là một điểm chiến sự khốc liệt, cách Huế 40 km). Ta thử nghe xem bài hát này tuyên truyền hung hăng ghê sợ như thế nào nhé. Vào đầu bài hát như sau:

Rừng Ashau đêm nay sương mù

Ngàn cây như đang gào thét khóc

thương xác ai không nấm mồ

Gió ru mênh mang

nhớ khi xa lìa quê nhà vào miền Nam

bây giờ xác theo từng chiếc lá

cuốn rơi bay theo triền núi đá…

Tuyên truyền thì đúng rồi, mỗi bên đều tuyên truyền cho mình, mình là chiến thắng, mình là chân lý. Nhưng một bên thì căm hờn, xô lên trên xác quân thù, đạp trên xác thù; một bên thì như đang gào thét khóc, thương xác ai không nấm mồ. Bạn thấy bên nào có tính nhân văn cao hơn?

Một người bạn nói với tôi: Đó là nguyên nhân thất bại của VNCH. Họ ủy mị, yếu đuối quá chứ không dũng mãnh như chiến sĩ cách mạng ta. Cứ cho là bạn tôi nói đúng (bên thắng cuộc bao giờ chả đúng), nhưng tôi nghĩ dũng mãnh và hung bạo là 2 khái niệm khác hẳn nhau.

Và tôi cũng nhớ rằng có một bậc danh nhân đã khẳng định dân ta phải lánh xa hung tàncường bạo.

Đó là Nguyễn Trãi, ông đã viết trong Bình Ngô đại cáo:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy chí nhân mà thay cường bạo

Phạm Hoài Nhân

Bài Mới Nhất
Search