T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Châu Thạch: ĐỌC “TRẦM TÍCH” TẬP THƠ THỤY SƠN

Muốn biết nhà thơ Thụy Sơn (Đà Nẵng) vì sao lấy tên “TRẦM TÍCH “ cho tập thơ xuất bản lần nầy thì chắc phải hỏi thẳng tác giả. Tuy thế đọc cái tên “TRẦM TÍCH” của tác phẩm ta cũng có ý niệm về những gì nhà thơ muốn gởi vào tập thơ này. Nghĩa của chữ trầm tích về vật chất là những gì chìm xuống, lắng đọng lâu ngày trong nước. Nghĩa của chữ trầm tích hiểu theo tinh thần là những gì sâu lắng trong tâm hồn qua năm tháng học hỏi, suy tư và chiêm nghiệm. Trầm còn là sự thanh trong của âm thanh dịu dàng, giúp cho mọi người sống chậm lại để cảm nhận những điều tiềm ẩn sâu xa của nhạc. Vậy thì, với tập thơ lấy chủ đề là TRẦM TÍCH, nhà thơ Thụy Sơn muốn gởi vào đó những tinh túy chắt lọc được trong cuộc sống đã lắng đọng trong tâm hồn mình bấy lâu nay bằng tiếng thơ cô đọng của mình.
Đọc toàn bộ tập thơ, tôi có ý nghĩ mỗi bài thơ của Thụy Sơn, hay nói sâu hơn, mỗi câu thơ của Thụy Sơn viết trong tập thơ nầy cũng là một trầm tích. Bởi thơ của chị ở đây không viết theo cảm xúc bất ngờ đến, mà mỗi dòng thơ là một dòng tư tưởng, toát yếu những tư duy chất chứa tháng năm trong tâm linh một người yêu thơ và mộ đạo.
Vào đầu tập thơ ta gặp ngay một đóa Vô Thường. Đóa Vô Thường của Thụy Sơn khác với đóa Vô Thường thấy nhiều ở những tác giả thiền thi:

Ta về
Chăm ngọn cỏ vườn
Chờ tâm
Trổ đóa vô thường
An nhiên
Mòn đêm
Chưa thuộc chữ THIỀN
Thấy trăng
Tròn khuyết bên hiên
Giật mình!
(Đóa Vô Thường)

Đọc thơ ta hiểu ngay đóa Vô Thường của nhà thơ chưa nở. Chữ “Giật mình” thổ lộ cho ta hiểu bản chất tục lụy còn trong con người thi sĩ. Đó là một bài thơ khiêm nhường, nói thật cái thấy trong tâm khảm của mình, khác hoàn toàn với những bài thơ dùng chữ “thường hằng”, dùng chữ “vô quái ngại” để biến cái tôi ô trọc của mình thành ra thanh cao siêu thoát.
Nhà thơ Thụy Sơn có những câu thơ cô đọng triết lý đạo Phật quá hay. Để nói về luân hồi, Thụy Sơn chỉ dùng một chiếc lá thôi mà gói trọn trong đó vạn mùa thu, gọi trọn trong đó sự phôi pha của vạn kiếp người:

Ta ngồi
Lượm…chút mong manh
Ô hay!
Kiếp lá vàng hanh
Luân hồi.
(Chiếc Lá Luân Hồi)

Để nói về sự quan trọng của nghiệp lực, Thụy Sơn chỉ dùng một câu kinh bị rơi mất để hình thành một câu chuyện luân hồi lý thú:

Qua sông
Làm rớt câu kinh
Ngược luân hồi
Trả ba sinh kiếp nầy
(Nghiệp)

Để nói về nhân duyên của kiếp người, Thụy Sơn chỉ dùng một hạt sương mà bao trùm cả không gian, bao trùm cả thời gian duyên khởi của nó:

Ngàn xưa
Từ hạt sương tan
Duyên sinh trên nhánh
Nắng vàng luân lưu
Giữa đời
Cười khóc thật hư
Ngàn sau
Còn vọng âm dư Kiếp người…
(Duyên Sinh)

Không gì giải nghĩa về luân hồi, về nghiệp lực, về vô thường gọn và dễ hiểu hơn bằng hình ảnh một hạt sương mong manh cũng phải qua khóc cười của đời, chịu nhiều hỷ nộ ái ố của kiếp nhân sinh.
Để nói về chữ Tịnh, Thụy Sơn không vội vàng quay về bên trong để tìm tâm Phật của mình. Nhà thơ đã để linh hồn mình tan vào trong mênh mông:

Trăng về trăng tĩnh mặc
Sương đến sương lạnh câm
Đêm và tôi và bóng
Tôi tan vào mênh mông…
(Tịnh)

Tan vào trong mênh mông nghĩa là vô vi cùng đất trời, hòa chung sự tĩnh lặng của thiên nhiên để linh hồn trong sạch. Tất nhiên khi linh hồn trong sạch, nhà thơ quay vào nhìn lại nội tâm, không còn qua lăng kính trần gian, thì cái tôi có tâm Phật dễ dàng hiển hiện.

Về những bài thơ viết riêng cho đời thường của mình, sâu đậm những thăng hoa hay trăn trở về cuộc sống, nhà thơ Thụy Sơn cũng đều gởi vào đó bàng bạc những tư duy sâu sắc, tạo một tiếng thơ trầm lắng và thư thái, giống như từng tiếng chuông thong thả vọng giữa không gian, trong bầu trời cao rộng. Hãy đọc “Trăng Vỡ”:

Mặc trời cao
Mặc đất sâu
Đò ta
Lặng giữa tinh cầu thả trôi
Chẳng chờ mai
Chẳng đợi sau
Giỏ đầy trăng vỡ…
Một màu nhất như!

Bảy câu thơ đầu mang tư tưởng Lão Tử, thả lỏng tâm hồn chìm trong vạn vật. Câu thơ chót trở thành câu thơ viên mãn của nhà Phật, “một màu nhất như” có nghĩa là một màu Như Lai trọn vẹn. Nhìn trăng vỡ tức là nhìn cái đẹp bị tan tác. Đựng trăng vỡ trong chiếc giỏ đầy tức là chiêm nghiệm sự vô thường trong trời đất. Và thấy trăng một màu nhất như tức là ngộ được màu chân như của trí tuệ, của Như Lai qua chiếc giỏ ấy.
Thụy Sơn viết về mùa cũng khác lạ. Nhà thơ chỉ dùng một chữ “trút lá” mà ta thấy cả mùa thu của đời người vừa đẹp như nắng hoàng hôn mà vừa sầu như cây trút lá:

Ngày sắp tắt
Nhận ra chiều đẹp quá
Đón hoàng hôn
Chút nắng cuối trời phai
Lối đi qua
Để lại bóng vương dài
Chờ ta với
Cây đời đang trút lá…
(Trút Lá)

Nhà thơ biết đời mình cũng đã vào thu. Nhà thơ có chút bi quan khi nhìn mùa lá rụng. Tiếng kêu “Chờ ta với/Cây đời đang trút lá” như một tiếng gọi âm vọng trong rừng thu và đồng vọng vào tâm tư những ai đã thấy đời mình xế bóng. Thế nhưng tiếng gọi đó không thảng thốt. Tiếng gọi đó vang lên như tiếng gọi một người thân đi phía trước. Từ đó ta hiểu được sự an nhiên, bình tịnh và tự tại trong tâm hồn tác giả, bởi đã biết đời mình như một “Đời Sông” sẽ trôi vào biển lớn:

Buồn gì
Mây xuống trắng sông
Nặng lòng chi
Những đục trong ao người
Ta ngồi
Nhìn được mất trôi
Đời sông
Cũng một dòng thôi về nguồn.
( Đời Sông)

Thật tình với tôi, tất cả những bài thơ trong “TRẦM TÍCH ” đều hay. Trầm tích phần nhiều dùng để chỉ sự tích tụ những thứ qúy giá và hiếm có trong đời. Thơ Thùy Sơn trong “Trầm Tích” cũng hiếm câu, hiếm chữ. Mỗi bài thơ đều hướng về Phật pháp nhưng không phải là một bài thuyết pháp hay một gói từ ngữ để bày tỏ sự am tường đạo lý cao siêu. Đọc Thụy Sơn ta thấy tiếng thơ chính như tiếng chuông. Thanh âm phát ra từ chuông ấy bởi đồng và vàng đúc nên nó. Chuông đó rung lên bởi cánh tay nghệ thuật của con người vừa có đạo hạnh vừa thẩm thấu âm thanh tác động vào, cho nên nó như vừa có linh hồn của thơ vừa có linh hồn của đạo, hòa quyện, âm vang, truyền cảm đến người những cảm xúc thật sự thăng hoa.
“TRẦM TÍCH ” đúng là trầm tích của thơ, lắng xuống từ tâm hồn như mặt nước vô biên.

Đà Nắng 16/11/2018
Châu Thạch

 

Bài Mới Nhất
Search