T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: Đêm Nhạc Bâng Khuâng: Âm Vang Nguyễn Ngọc Phúc

Một bản hợp ca trong đêm nhạc

Tôi đã nghe như tiếng nhạc từ trời… Không phải những âm thanh cõi trần gian này. Cảm ơn anh, một người bạn vong niên, một người đàn anh Chu Văn An…  Thế đó, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Phúc làm nhạc như thế. Tôi nghe, và như đang trôi vào cõi khác.

Làm thế nào có thể chỉ ra những cảm xúc khi nghe nhạc? Có phải là nơi âm vực cao thấp, các thang âm bổng và trầm? Có phải là những âm thanh gợi tới sóng biển, hay tiếng lá rơi mùa thu? Có phải âm thanh đó gợi tới tiếng cười rạn vỡ của một thiếu nữ nhiều thập niên trước?

Không ai chỉ ra cảm xúc nơi đâu. Nhưng cảm xúc là cái gì có thật, nó lay động chúng ta, nó làm chúng ta mất thăng bằng khi bước đi, và làm chúng ta ngây ngất như vừa nhấp một chút rượu Bàu Đá của một vùng ven biển Bình Định…

Tiếng nhạc mơ hồ, không ai nhìn thấy, những vẫn mở ra những cõi trời rất là riêng tư… và làm chúng ta trong lành hơn, dịu dàng hơn, yêu thương cõi này hơn.

Hình như là các nhà khoa học khi nói về âm nhạc cũng không nói chuyện cân lượng nặng nhẹ thấp cao.

Thiên tài khoa học Albert Einstein được biết là một người suốt đời ưa thích âm nhạc — đặc biệt, Einstein nói rằng ông thích nghe nhạc của Bach và Mozart — từng nói rằng ông không thể hình dung ra đời sống nếu ông không chơi nhạc.

Trong một số cuộc phỏng vấn, Einstein nói rằng cái gọi là trực giác khoa học của ông phần nhiều khai sinh từ âm nhạc.

Con trai Einstein là Hans kể rằng, khi nào nhà khoa học Einstein gặp khó khăn trong việc nghiên cứu, nhà thiên tài khoa học lại đắm mình trong âm nhạc, và rồi những bài toán khó được gỡ ra.

Tự điển Wikipedia kể rằng Einstein nói chính âm nhạc của Mozart đã mở ra một sự hòa điệu phổ quát mà Einstein tin là hòa điệu đó có sẵn trong vũ trụ…

Các nhận xét của Einstein đúng hay không? Tôi không biết. Tôi không là nhà khoa học, cũng không phải là nhạc sĩ. Cả hai lĩnh vực đó, tôi chỉ là người đứng ngoài cửa.

Nhưng tôi tin vào sức mạnh khai mở hòa điệu từ âm nhạc.

Tôi đã nghe nhạc Nguyễn Ngọc Phúc như thế. Khi nhạc Nguyễn Ngọc Phúc được hát lên, tôi nhìn thấy khắp hội trường hiển lộ tiếng nhạc, trong ánh đèn chợt chen lẫn tiếng gió mùa thu, tiếng sóng biển rì rào…

Einstein tuyệt vời. Einstein rất mực tuyệt vời khi nói rằng  nhạc của Mozart chỉ ra một hòa điệu bí ẩn của vũ trụ.

Riêng đối với tôi, một người chân đất đứng bên lề, một người không đủ kiến thức để bàn bất kỳ những gì cao siêu, chỉ thấy trước mắt và bên tai rằng nhạc Nguyễn Ngọc Phúc là một vũ trụ kỳ bí, có những âm vang từ cõi rất xa vọng tới, trong đó có tiếng gió lộng trên đỉnh núi Thứu từ hơn hai thiên niên kỷ trước, mang những cảm xúc không lời diễn tả được, và có cả hình ảnh mơ hồ của người thiếu nữ Quy Nhơn bây giờ đang lưu lạc bên trời Quận Cam.

Nơi cõi âm nhạc đó, là thiên duyên tiền định từ vô lượng kiếp, một lần gặp nhau là say men trọn kiếp này.

Làm sao âm nhạc mang sức mạnh kỳ ảo như thế? Hay phải chăng, chén rượu Bàu Đá Quy Nhơn do nàng mang tới đầy những huyền ảo cho cõi này, một cõi mà tôi vẫn trọn đời tận lực bình sinh tìm lối giải thoát?

Đêm Nhạc Bâng Khuâng đã lay động tôi như thế. Tất cả các ca sĩ đều tuyệt vời, đều có sức quyến rũ riêng, đều trình diễn rất mực kỳ ảo theo kiểu riêng từng người.

Đó là một đêm trong tuần lễ đầu tháng 11/2018 tại Hội trường Việt Báo, tôi đã rất mực hạnh phúc, khi nghe các ca khúc của Nguyễn Ngọc Phúc qua tiếng hát của: Xuân Vũ, Hồng Tước, Vũ Đan, Thùy Dung, Thanh Nguyên, Anh Thư, Bích Thủy, Thanh Tài, Kim Huệ, Kim Khuê, Ngọc Phúc và nhóm Cát Trắng.

Không… tôi không có ý nói  so sánh như tôi là Einstein nào đó, và nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Phúc là Mozart… Không!

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Phúc

Tất cả chỉ là một thế giới riêng tôi. Khi một hôm nàng hiện ra…  và thế giới trước mắt tôi không còn như cũ nữa. Nàng đã đánh thức hồn tôi. Và tiếng nhạc đã hóa thân thành tất cả những bước đi của nàng, tiếng cười của nàng.

Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Phúc và tất cả các ca sĩ, đặc biệt với ca sĩ Vũ Đan, người hát ca khúc Hồn Tôi Để Ngỏ Chờ Em, trong đó có những câu thơ tôi đã viết tặng cho một người  thiếu nữ Quy Nhơn:

Hồn tôi để ngỏ chờ em

 Một ngày em đóng sập cửa

Một đời em đi thật xa

Trăm năm hồn tôi để ngỏ

Chờ em mấy độ tàn hoa

 

Một ngày hương xưa còn đây

Một đời ôm men ngất ngây

Em đi hồn tôi nghiêng ngã

Chờ em suốt cuộc tình tan

 

Môi son còn in ly rượu

Em đi rồi còn tiếng cười

Làm sao tôi tìm được chữ

Gỡ tóc em, rối chân trời

 

Em đi bóng còn ở lại

Một thời em đứng kiễng chân

Thở vào hồn tôi nắng quái

Nụ hôn lạc mấy đường trần…

 

Phan Tấn Hải

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search