T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Về nhà văn Khuất Đẩu

(Nhà văn Khuất Đẩu – ảnh do tác gỉa gởi đến)

Khuất Đẩu. Đó là một cái tên rất mới trong làng văn chương cả hải ngọai lẫn trong nước. “Mới” không theo cái nghĩa ngày xưa nhà văn Mai Thảo dùng để chỉ “những người viết mới”, tức những cây viết mới nổi nhờ vào vài bài thơ, vài truyện ngắn được đăng trên các báo văn học. Đúng hơn, “người viết mới Khuất Đẩu” chỉ mang một phần trong cái ý nghĩa “mới” mà Mai Thảo đã từng ám chỉ.

Khuất Đẩu không còn trẻ. Ông sinh năm 1940 tại Bình Định. Tên thật là Trương Đẩu. Nhưng lại có cái tên mọi người thường gọi là Trương Thanh Sơn. Khi tác phẩm “Những tháng năm cuồng nộ” của ông xuất hiện trên trang mạng Talawas tháng 3 năm 2010 dưới bút hiệu viết tắt K.Đ, người đọc đã bị “bất ngờ”, cái bất ngờ gây cảm giác “thú vị” cho cả người đọc lẫn người viết. Bất ngờ là vì cái giọng văn già dặn, từng trải, chắc nịch, gọn và khô ấy đã thể hiện thật xuất sắc nội dung những điều ông muốn gởi đến người đọc. Tác phẩm chinh phục người đọc, nhưng không ai biết tác gỉa là ai, như nhà văn Nguyễn Lệ Uyên đã viết “K.Đ, cái bút danh mới toanh và lạ hoắc”. Theo ghi chú về tác phẩm trên Talawas, thì “Những tháng năm cuồng nộ” được sưu tầm bởi Thư Quán Bản Thảo của nhà văn Trần Hòai Thư, không thấy nói gì thêm về tác giả. Sau đó, một số truyện ngắn ký tên Khuất Đẩu được Talawas giới thiệu, một cách gián tiếp cho biết K.Đ là hai chữ viết tắt của Khuất Đẩu. Gần đây, khi trang T.Vấn & Bạn Hữu đặc biệt giới thiệu nhà văn Khuất Đẩu và tác phẩm qua bài viết của anh Đỗ Xuân Tê và sự góp nhặt của anh Ngộ Không với chuyên mục Tác Giả Tác Phẩm, chúng tôi nhận được sự liên lạc từ chính nhà văn Khuất Đẩu hiện sinh sống trong nước. Qua bản thảo mới nhất vừa được hiệu đính lại “Những tháng năm cuồng nộ”, chúng tôi ghi nhận tác phẩm này do Khuất Đẩu viết xong năm 2004, hiệu đính lần thứ hai năm 2009 (tức bản do Thư Quán Bản thảo sưu tầm và gởi đến Talawas), và hiệu đính lần cuối năm 2011 (bản này do nhà văn Khuất Đẩu gởi đến T.Vấn & Bạn Hữu, đã được dùng để thay thế bản năm 2009 trong chuyên mục Tác Giả Tác Phẩm – Khuất Đẩu).

Vừa xuất hiện, cái tên Khuất Đẩu đã tạo được cho mình một vùng ánh sáng khiến nhiều con mắt để ý tới.

Trước hết, là ở đề tài ông lựa chọn. Đó là số phận của người dân quê ở liên khu V, Nam, Ngãi, Bình, Phú qua 9 năm kháng chiến rồi qua thời “hai mươi năm nội chiến” và sau 75. Những gì xẩy ra chung quanh ông trong suốt 70 năm làm người, đã trở thành những mối ám ảnh khôn nguôi. Những mối ám ảnh ấy không phải là chỉ có ông mới phải chịu đựng. Rất nhiều người khác, sống ở trong nước hay nơi xứ người, cũng có cùng những mối ám ảnh mà ngay cả cái chết cũng không giải tỏa được. Sự khác biệt chỉ là ở chỗ, ông đã nói được thay họ một vài trong những điều họ muốn nói. Với khả năng sử dụng chữ nghĩa văn chương tích lũy hơn 60 năm, khi nói ra, chữ nghĩa của ông đã mang đủ sự trưởng thành già dặn cần thiết để chuyên chở tâm tư của ít nhất hai thế hệ người Việt, ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương.

Kế đến là tính cách kẻ sĩ nơi Khuất Đẩu, thể hiện ở chi tiết ông hiện còn sinh sống ở Việt Nam. Cái đảm lược tóat lên từ những trang sách viết dưới giá treo cổ mà ông cay đắng gọi là “sự liều mạng” ấy quả thật đáng được ngưỡng mộ. Vì thế, mỗi trang viết của Khuất Đẩu, đều biểu trưng cho một sự chấp nhận, nếu không muốn nói là dũng cảm. Có lẽ, thái độ ấy có sự nâng đỡ từ những nỗi thống khổ cao nhất mà những nhân vật của ông đã can đảm chịu đựng.

Truyện vừa “Lão Tiền Bối”, tác phẩm viết xong năm 2006 và được hiệu đính lần cuối năm 2011 trước khi gởi đến T.Vấn & Bạn Hữu (chúng tôi đã giới thiệu tác phẩm này trong mục Góc Văn) của Khuất Đẩu là một bằng cớ khác của “sự liều mạng”. Đọc truyện này, người ta liên tưởng ngay đến một nhân vật khác có thật ở ngòai đời và những màn kịch vừa xẩy ra  khiến tác phẩm “Lão Tiền Bối” viết từ năm 2006 có vóc dáng một “kịch bản nay mới được dàn dựng”. Tôi nhớ có một nhà văn nào đó ở trong nước đã cho rằng nhà văn là “con chim báo bão“. Cũng chẳng sai bao nhiêu so với “kịch bản Lão Tiền Bối” nói đến ở đây.

Theo lời nhà văn Khuất Đẩu, với truyện vừa Lão Tiền Bối , hợp cùng truyện dài Những Tháng năm cuồng nộ truyện vừa Người giữ nhà thờ họ, ông đã hòan thành xong bộ Trio về cùng một chủ đề . Qua 3 tác phẩm này (hiện được lưu trữ trên T.Vấn & Bạn Hữu), người cùng thời và các thế hệ mai sau sẽ có cơ hội hiểu và biết thêm nhiều điều về những tháng năm cuồng nộ của một giai đọan lịch sử não lòng.

Ngoài bộ ba truyện dài và truyện vừa nêu trên, còn có Người Tử Tù viết năm 1970, các truyện ngắn và một số thơ không vần, đã được đăng tải trên Thư Quán Bản Thảo, Talawas, Tiền Vệ, Thông Luận và Văn Chương Việt.

Thay mặt người đọc, thay mặt những người đã từng chịu thống khổ trong giai đọan lịch sử ấy, chúng tôi xin cám ơn nhà văn Khuất Đẩu.

T.Vấn

Ngày 7 tháng 9 năm 2011

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search