T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

“Sao anh nỡ đành quên?”

(Nguồn: Văn Việt)

Trần Ngọc Cư

Theo thống kê có đến 2/3 cộng đồng người Mỹ gốc Việt ủng hộ Trump, hậu thuẫn này chỉ là sự nối dài của việc họ ủng hộ Đảng Cộng hoà Mỹ kể từ khi Miền Nam Việt Nam mất vào tay Cộng sản. Họ căm ghét Đảng Dân chủ Mỹ vì họ tin rằng đảng này đứng đằng sau các nhóm phản chiến và thọc gậy bánh xe làm cho họ “mất nước”. Và họ thoải mái bỏ qua và tha thứ chiến lược Nixon-Kissinger thoả hiệp với Trung Quốc để chống Liên Xô, phủi tay với Chiến tranh Việt Nam qua việc ký Thông cáo chung Thượng Hải và tiếp đó là Hiệp định Paris để rút quân, tạo một khoảng cách thời gian đủ tử tế (decent interval) cho việc sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa.

Việc Trump dùng các biện pháp mạnh đối với người nhập cư, theo tôi nghĩ, rất được lòng dân, không phân biệt trắng, đen hay người thiểu số. Vì hai lý do chính đáng: một là để củng cố tình hình nội an, nhằm chống khủng bố có hiệu quả; và hai là, nguồn lực nhà nước phúc lợi (welfare state resources) ngày càng cạn kiệt, không cho phép nước Mỹ “nuôi báo cô” một làn sóng nhập cư quá tải, không những từ “các nước hố xí” (“shit holes countries,” chữ của Tổng thống Trump) mà còn cả từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, hay Việt Nam.
Tuy nhiên, trong tâm thế từng là người tị nạn, liều mạng sống làm thuyền nhân (boat people) trên đại dương đầy sóng gió hiểm nghèo, từng ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã vô vọng, từ cảnh đời mà “cái cột đèn cũng muốn ra đi,” người Mỹ gốc Việt, cho dù không muốn thấy dân các nước Trung Mỹ (Central America) đến làm gánh nặng cho một nước đã mở rộng vòng tay cưu mang mình, có nên nhớ lại quá khứ đau thương của bản thân hay không? Có nên lặp lại khẩu khí của Trump trong việc nặng lời nguyền rủa các nhóm tị nạn kinh tế-chính trị vừa bất hạnh và vừa bất phùng thời hay không? Có nên gọi đoàn caravan từ các nước Honduras, Guatemala, là một đội quân xâm lược mà lính Mỹ trấn đóng ở biên giới có quyền nổ súng nếu có kẻ chỉ ném đá vào họ, như Trump ra lệnh, hay không?
Rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để lao vào cuộc đời vô định luôn luôn là một phiêu lưu bất đắc dĩ, chẳng đặng đừng. Tôi thấy như mình đang rưng rưng nhớ lại những hình ảnh mà Trần Dần vẽ ra khi chứng kiến đồng bào lũ lượt di cư vào Nam sau Hiệp định Genève:
Đất níu chân đi
Gió cản áo bay về
Xa đất Bắc tưởng như rời cõi sống
Tưởng như đây là phút cuối cùng

(Thơ Trần Dần)
Với tôi, dù đồng tình với chính sách tị nạn và nhập cư nghiêm khắc của Trump, tôi vẫn cảm thấy khó ở trong người, không đành lòng nhục mạ những người phải bỏ nước ra đi để tìm đường sống sót.
Thanksgiving 2018

Bài Mới Nhất
Search