T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Thuyền Con Ngược Bến… Nước Chẩy Đôi Dòng (II)

Thuyền Câu – Tranh: Mai Tâm

Sử quan thấy cụ Phan chuyện nào cũng hanh thông, lời truyền tụng bốn bể nghe danh, quả đà chẳng hề sai lạc. Buồn ngủ gặp chiếu manh, nay cửu trùng tri ngộ, sử quan cũng muốn cơ xướng náo nhiệt một phen nữa với cụ qua nhà Lê với chuyện “Lê Lai liều mình cứu chúa”, ông năm nắm với có bột mới gột lên hồ nên líu ríu:

“…Theo Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử: Quân Minh biết Chí Linh là chỗ Lê Lợi lui tới, bèn đem binh vây đánh. Vương hỏi các tướng rằng : Có ai làm được như người Kỷ A Tín chịu chết thay cho vua Hán Cao Tổ không? Bấy giờ có Lê Lai xin mặc thay áo ngự bào, ra trận đánh nhau với giặc. Quân Minh tưởng là thật, xúm nhau lại bắt sống Lê Lai dẫn về thành Đông Quan giết chết.

Trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú kể: Lúc mới khởi binh, bị tướng Minh vây ngặt, vua hỏi các tướng, bàn xem [có ai] đổi áo đánh lừa giặc, như việc Kỷ Tín ngày xưa. Ông xin đi. Bèn mặc áo bào, đem quân xông vào hàng trận của giặc, đánh đến đuối sức, bị bắt.

 Một điều đáng ngạc nhiên là các sử quan các đời về sau đều chép truyện Lê Lai liều mình cứu chúa, trong khi nhóm sử quan đời Lê không ghi chép truyện này. Sự thực ra sao? Quân Minh có giết Lê Lai không? Chắc chỉ có Nguyễn Trãi, một người trong đại cuộc, mới đem lại cho chúng ta câu trả lời đúng nhất.

Sách Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi được chính Lê Lợi đề tựa, kể rằng :

“Bấy giờ  thế giặc lại đang lớn mạnh, vua liền vời các tướng lại nói: Ai có thể mặc áo bào thay ta đemquân đi đánh thành Tây Đô? Các tướng đều không dám nhận, chỉ có Lê Lai. Nguyễn Trãi cho biết là Lê Lai bị quân Minh bắt sống và bị tra tấn dã man.

Riêng Đại Việt sử ký toàn thư chép : “Giết Tư mã Lê Lai, tịch thu gia sản, vì Lai cậy có công đánh giặc, nói ra những lời ngạo mạn nên bị giết”.

Rõ ràng Lê Lợi hạ lệnh giết Lê Lai năm 1427. Chi tiết quan trọng này không thấy các sách khác chép lại. Hoàn cảnh của Nguyễn Trãi không cho phép ông viết lúc Lê Lợi còn sống. Ngô Sĩ Liên, một sử thần nhà Lê, chép lại cho hậu thế một sự kiện lịch sử. Ngô Sĩ Liên đã giữ đúng tác phong của một sử gia nghiêm túc. Không hiểu tại sao các sử quan đời sau lại quên chi tiết này?

Ngô Sĩ Liên nhận xét về Lê Lợi như sau :

“…Vua dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh, 10 năm mà thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, định luật lệ, chế lễ nhạc, mở khoa thi, lập phủ huyện, mở học hiệu. Có thể gọi là có mưu lớn sáng nghiệp. Song đa nghi hay giết quần thần tôi trung, đó là chỗ kém…”

***

Nhôm nhoam xong, sử quan thấy cụ Phan tảng lờ như không hay. Cụ lúi húi thò tay vào cái ba lô, lôi ra hai cái ly có chân và chai rượu mầu đỏ tên Bordeaux. Cụ rót mỗi người một cối. Sử quan nhấp một ngụm thấy chua như nước đái mèo. Thầm nghĩ thảo nào cụ Phan âm khí chưa toàn nên có huyền thoại rằng cụ uống rượu như uống thuốc độc là phải nên rất khả tín.

Bông thấy cụ tặc lưỡi đến tách một cái, bày tỏ khí vị:

– Ấy đấy, bản chức thửa chai vang này trên đại lộ Lê Lợi ở Sài Gòn. Ở đây đại lộ Lê Lợi và đường Lê Lai cùng “nằm gai nếm mật”, suýt đụng đầu nhau tại bùng binh chợ Bến Thành. Ngoài Hà Nội, hai đường nằm hai bên Hồ Gươm như cùng tưởng nhớ tới thanh gươm thần cứu nước ngày nào. Thế đấy, thưa tiên sinh.

Rồi cụ dật dờ:

– Ấy đấy, dậu đổ bìm leo thì cứ như theo An Nam truyện của Vương Thế Trinh, một danh thần nhà Minh chép: “Viên thổ quan Lê Lợi vốn là bề tôi của cố vương Trần Quý Khoát nhà Trần làm phản. Rồi bó thân xin hàng thiên triều, được ban chức Tuần kiếm. Nhưng vẫn ôm lòng phản trắc, nay tiếm xưng là Bình Định Vương…”. Sử kiện Lê Lợi làm bề tôi nhà Minh trong Minh thực lục cũng có chép, nhưng sử thần Ngô Sĩ Liên muốn giấu việc này nên cố tình lược bỏ đi trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Tiếp đến Tang thương ngũ lục kể rằng Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đến tìm Lê Lợi để mưu đồ đại sự. Lần đầu gặp ngày giỗ, Nguyễn Trãi thấy Lê Lợi là hào trưởng miền núi, vừa cắt thịt vừa ăn ngồm ngoàm. Nguyễn Trãi thất vọng bỏ về. Lần thứ nhì trở lại, gặp Lê Lợi thức khuya nghiền ngẫm binh thư, ông mới vào ra mắt.

Ừ, trang sử còn đẹp hơn nữa nếu như Lê Lợi không giết Lê Lai,  Trần Nguyên Hãn và một số công thần khác. Thế nên có nhăm bài viết cho rằng Lê Lợi không phải là người nông dân áo vải, mà là người dân tộc, tức người miền núi…núi Lam Sơn.

Tiếp, cụ nhăn mặt với nhân kiếp phù sinh hề, một thóang bạch câu:

– Lê Lợi sáng nghiệp song đa nghi hay giết người theo giúp mình. Nào có khác gì ông Hồ gần đây, để sĩ phu Bắc Hà lạc đường vào lịch sử ẩn dụ qua những bài viết như “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Con ngựa Già của chúa Trịnh”, “Phẩm Tiết”, “Kiều Loan”  này nọ. Và cũng chẳng thiếu những bài bản như Nguyễn Bỉnh Khiêm theo Mạc, Nguyễn Trãi phò Lê này nọ…

Chính sử thường kể những chuỗi biến cố và nhân vật sắp xếp lại thế nào để củng cố quyền lực đương đại. Họ vẽ ra cái quá khứ với ý đồ biện hộ tính cách chính danh một thể chế. Tất nhiên, tốt đẹp phô ra, xấu xa ta đậy lại. Viết lịch sử  theo cái quá khứ đó, sử quan trở thành đồng lõa với quyền lực, làm công việc kẻ lông mày cho xác chết, tô son vẽ phấn lên mặt mũi đã nhợt nhạt sinh khí lâu ngày trong lăng mộ. Với những nhà văn, nhà thơ trên, lịch sử không là những xác chết và những sự cố biên niên ù lì. Để tái tạo lại lịch sử, họ nhìn ngược thời gian không với quan điểm duy vật, duy tâm, biện chứng này nọ…Từ đó những nhân vật có tên tuổi trong chính sử, những nhà văn, nhà thơ bắt họ đội mồ đứng dậy để nói lên một cái gì…

Xong, cụ Phan lại cau mày với thế sự du du hề một cuộc bể dâu:

– Xin thưa với tiên sinh tâm viên ý mã của bản chức là: Bất cứ nước nào cũng có một lịch sử của riêng mình, ghi lại những biến động của một thời đã qua. Nhưng đôi khi chính sử chỉ làm cái công việc tô điểm cho thể chế đương thời. Đó là loại sử chết. Sáu trăm năm sau Nguyễn Trãi, lịch sử gần như lặp lại: Đất nước giành lại độc lập từ người Pháp, từ mộng bành trướng Hán tộc. Nhưng giành được độc lập rồi lại cai trị muôn dân bằng guồng máy công an. Giống như lời trăn trối của Trần Nguyên Hãn là Lê Lợi cai trị muôn dân bằng “Nội mật thám”, biến đất nước thành trại giam khổng lồ, thưa tiên sinh.

***

Qua giao tình sâu đậm, cá nước vui duyên, giao long gặp nhau, sử quan như người rồ chữ, vội lật qua đời Trần thấy có ghi quyển Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Văn Hưu, viết từ thời Triệu Đà đến Lý Chiêu Hoàng. Nhưng nay đã bị thất lạc.. Lật qua chương nhà Lý, tuyệt không có bộ sử nào? Thế mới lạ! Ngược bến sông, sử quan bắt qua thời kỳ khởi đầu nền độc lập với nhà Ngô, nhà Đinh, nhà Tiền Lê thì gặp khúc vua Lê Đại Hành và đưa cho cụ Phan duyệt bản dùm với cái thế lao dật đã rõ:

“…Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Lê Hoàn là tùy tướng của Đinh Tiên Hoàng. Khi vua Đinh bị sát hại được quần thần tôn lên làm vua tức vua…”Lê Đại Hành”. Các nhà sử học cứ đinh ninh cho rằng đó là đế hiệu của vua. Nhưng không phải vậy: Vì đó là miếu hiệu hay tên thụy của dân thường và còn được gọi là tên Bụt do thân nhân đặt cho để con cháu thờ cúng về sau.

Riêng với triều chính, một đời vua được biết đến hai tên “hiệu”, đó là niên hiệu và miếu hiệu. Niên hiệu do tự vua ban ra khi lên ngôi, dùng trong chiếu chỉ, văn biểu, công văn. Nhưng vua không đặt miếu hiệu mình. Khi nào vua mất, xác còn quàn trước khi đưa vào lăng thì được gọi là “Đại Hành”. Nghĩa là chuyến đi lớn sang bên kia thế giới. Sau khi đưa vào lăng yên ổn, vua kế vị và quần thần đặt miếu hiệu cho vua, như Thái Tổ, Thánh Tông, Nhân Tông.

Lê Văn Hưu viết: Sách Địa chí bản chép khi Lê Hoàn băng hà, lúc ấy con là Lê Long Đỉnh tức Lê Ngọa Triều xin mệnh nhà Tống ban cho vua cha miếu hiệu là Đại Hành Hoàng Đế và sau đó không đổi. Vì Ngọa Triều là con bất hiếu, lại không có bề tôi Nho học để giúp đỡ bàn về phép đặt cho miếu hiệu cho nên thế…

***

Đợi cụ đọc xong, sử quan hóng mắt đợi cụ cung tường chỉ thấy cụ miệng bập bập điếu thuốc, rồi buông một câu:

– Dào! Tiên sinh cứ bới bèo tìm bọ là chẳng ai bằng! Theo bản chức thì chết là hết chuyện.

Sử quan cung quăng giọng hờn mát:

– Xin các hạ xá cho, chữ nghĩa tại hạ chưa đong đầy lọ mực, lâu lâu lại nhai văn nhá chữ buồn ta, con giun nào biết đâu là cao sâu, ai mà so bì được với các hạ.

Cụ Phan háy mắt cười tủm:

– Lạ chửa kìa, tiên sinh già rồi cứ như trẻ con ấy. Thử hỏi rằng bản chức với tiên sinh âm dương cách trở gặp nhau, ngòai ba cái chuyện nhai văn nhá chữ nào khác gì “Ngồi buồn đốt một nhúm rơm – Khói lên nghi ngút chẳng thơm tí nào”.

Được mở nhời như cởi tấm lòng, sử quan dơ sấp mực tầu giấy bản lên:

– Thì tại hạ đang đốt rơm đây…

Thay vì đốt rơm, sử quan…đốt điếu thuốc rồi phân bua:

– Chẳng dấu gì các hạ, ngược về thời kỳ Bắc thuộc với Hai Bà, với Bà Triệu mà trong dạ tại hạ mang trăm mối sầu u vương vấn hổ thẹn…Chuyện là:

“…Đời Tam Quốc loạn lạc, Giao Châu, Giao Chỉ thuộc về Tôn Quyền. Triệu Quốc Đạt từ huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa dấy binh chống lại Đông Ngô, chiếm được Giao Chỉ. Ít lâu Triệu Quốc Đạt bị bạo bệnh mất, em gái là Triệu thị Trinh lên thay. Bà thường cưỡi voi đánh thắng quân Đông Ngô nhiều trận. Lục Dận tướng nhà Ngô đem quân sang, biết Triệu thị Trinh là cô gái trẻ tuổi chưa có chồng, hay khóc lại có tính cả thẹn nên cho tướng sĩ trần chuồng ra trận. Bà xấu hổ chưa lâm trận đã lui binh, vì thế quân lính tan rã và bà Triệu thắt cổ tự vận khi mới hai mươi ba tuổi.

Sau khi bà mất, dân bản xã lập đền và lăng thờ bà ở núi Gai và núi Tùng, xã Phú Điền, tỉnh Thanh Hóa. Nhưng vì ảnh hưởng văn hóa Chàm, nên họ thờ bà cùng với sinh thực khí là tục thờ Linga của Ấn Độ. Mãi đến đời vua Lê Cảnh Hưng, chủ bạ bộ Lễ là Hồng Đô Chi Cát Thi, đã chỉ trích việc thờ “linh tinh tình phộc” ở miếu Triệu Nương là phạm thuần phong mỹ tục và sai quấy nên và buộc rời đi.

Ngoài ra sử người Trung Hoa còn gọi bà là “Con mụ Triệu” vú dài ba thước, quấn vắt vai. Hoặc gọi bà là Triệu Ẩu mà “ẩu” tiếng Hán là…con đĩ.

Sử ta cũng có nhiều sách gọi theo bà là….Bà Triệu Ẩu.

***

Nghiền ngẫm khúc tạp sử này rồi, cụ Phan chép miệng: “Các sử quan ta…ẩu thật”.

Rồi cụ gật gù như buồn ngủ thì phải. Sợ cụ ngủ thật thì lỡ một chuyến đò, sử quan vội dụi điếu thuốc, lật đật đẩy đưa cụ lội dòng nước ngược lên gần 200 năm trước với Hai Bà, nhất nhất giải bày rõ mong cụ thông sử cho:

“….Hai Bà Trưng quê ở huyện Mê Linh đất Phong Châu, con gái của Lạc tướng, chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị, bấy giờ thái thú Tô Định mang quân sang đô hộ nước ta và giết chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách. Hai Bà dấy binh chiếm lấy 65 thành trì ở Lĩnh Nam để trả thù chồng khiến Tô Định phải bỏ chạy. Hai Bà lên làm vua, đóng đô tại Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Hai năm sau, nhà Hán sai Mã Viện với binh hùng tướng mạnh, vây hãm Hai Bà tại hồ Lãng Bạc, Hai Bà chống không nổi, phải lui về Cẩm Khê sau cùng lên núi Thường Sơn rồi hóa…Một thuyết khác cho rằng, Hai Bà cùng nhẩy xuống sông Hát Giang tự vẫn.

Chuyện bà mất, qua Hậu Hán Thư viết: ”Minh niên, chính nguyệt, trảm Trưng Trắc, Trưng Nhị, truyền thủ Lạc Dương”. Dịch nghiã như sau: “Năm sau, tháng giêng, chém Trưng Trắc, Trưng Nhị, gửi đầu về Lạc Dương”.

Sử Khâm Định Việt sử thông giám cương mục triều Nguyễn có ghi: “Trưng Vương và em gái chống với quân Hán bị binh lính bỏ trốn, lại thế cô, cả hai thất trận chết”. Hiểu theo nghiã là không phải Hai Bà trầm mình ở sông Hát Giang.

Ngô Thì Sĩ trong Việt Sử tiêu án chép: “Trong đền thờ Hai Bà, những đồ thờ sự, tất cả đều sơn đen, tuyệt nhiên không có mầu đỏ. Dân địa phương khi đến tế lễ, không được mặc áo đỏ vì đó là cấm lệ, tục truyền rằng Hai Bà chết vì việc binh đao, nên kiêng sắc đỏ giống như máu”.

***

Sách Thủy kinh chú của người Trung Hoa viết về ông Thi thì ông chẳng hề bị Tô Định giết mà còn sát cánh với bà, sau khi bị Mã Viện tấn công. Ông bà chạy về Cẩm Khê, 3 năm sau cả hai vợ chồng bị bắt. Và 8 tháng sau bị hành hình.

Vậy thì tại sao sử quan nước nhà lại mượn tay Tô Định…khai tử ông Thi.

Họ lập luận rằng vì người Việt cổ theo chế độ mẫu hệ. Các sử quan sau này là nhà Nho để ông Thi còn sống mà bà Trưng Trắc làm vua thì ngược lẽ với…thánh hiền Khổng Mạnh. Nhà Nho không làm như vậy…Vậy mà sau này có nhăm học thức giả, hành giả vị gán ghép: Chính bà là…vua Hùng Vương thứ nhất nữa.

Trở về chế độ mẫu hệ, 200 năm trước đã biểu hiện qua hình ảnh An Dương Vương mang Mỵ Châu bỏ chạy khỏi Cổ Loa. Hình ảnh cho thấy Mỵ Châu cần được bảo vệ như…một “thái tử”.

***

Riêng về cái tên Thi Sách thì Phạm Việp trong Hậu Hán thư viết theo dạng chữ Nho không có dấu: “Châu diên lạc tướng tử danh thi sách mê linh lạc tướng nữ danh trưng trắc vi thê trắc vi nhân hữu đảm dũng tương thi khởi tặc mã viện tương binh thảo trắc thi tẩu nhập cấm khê”.

Chữ Nho không có dấu mà chỉ nhấn câu. Nếu nhấn ở chữ “Sách” (hoặc đánh dấu phẩy và viết hoa theo chữ Quốc Ngữ): “Châu Diên Lạc tướng tử danh Thi Sách, Mê Linh Lạc tướng nữ danh Trưng Trắc vi thê…”. Câu này diễn Nôm là: “Con trai Lạc tướng huyện Châu Diên tên Thi Sách, có vợ là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh tên Trưng Trắc…”

Sau Thái Tử Hiền, con vua Cao Tông nhà Đường, ông đã chú thích để sửa lại như sau:

“sách” ở đây nghiã là “lấy”“thꔓvợ”. Nên phải nhấn ở chữ “Thi”: “Châu Diên Lạc tướng tử danh Thi, sách Mê Linh Lạc tướng nữ danh Trưng Trắc vi thê”. Diễn nghiã là: “Con trai Lạc tướng huyện Châu Diên tên Thi, lấy vợ là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh tên Trưng Trắc…”. Các sử gia Việt không để ý đến phần chú thích của Thái Tử Hiền ở phần cuối sách, cột 3, trang 747, quyển 54.

Cụ Phan ngắn dài:

– Hóa ra ông Thi mang tên Thi Sách đã được chết tròn trịa, ru ngủ người đời qua bao nhiêu thế hệ được ru vào giấc ngủ ngon cả ngàn năm. Năm tháng qua đi, sử sách nối nhau ra đời, bà Trưng Trắc vẫn là quả phụ bất đắc dĩ. Cua ốc mùi bùn là thế đấy, thưa tiên sinh.

***

Bỗng dưng khi không cụ nhắc đến…cua ốc, sử quan nhớ lại hình ảnh An Dương Vương mang Mỵ Châu bỏ chạy khỏi thành Cổ Loa hình chôn ốc. Thế là sử quan rong ruổi ngược về với thời kỳ Bắc thuộc thêm một lần nữa với An Dương Vương và Triệu Đà 500 trước. Với tình riêng nỗi cảnh, nỗi khách bâng khuâng, chẳng thể cầm lòng… Sử quan đâu đẩy với cụ Phan:

“….Theo Đại Việt sử ký toàn thư, An Dương Vương họ Thục tên húy là Phán, người Ba Thục đánh vua Hùng lúc vua “đang say rượu” nên thôn tính được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc.  An Dương Vương đóng đô ở Phong Khê nay là thành Cổ Loa. Thành cuốn tròn như loa ốc nên được gọi là Loa Thành.

50 năm sau Triệu Đà mang quân sang xâm lấn nhưng bị nỏ thần bắn nên bỏ chạy.

Đà sai con là Trọng Thủy vào hầu làm túc vệ rồi câu hôn con gái vua là Mỵ Châu.

Trọng Thủy dụ dỗ Mỵ Châu bẻ gẫy nỏ thần, thế là Triệu Đà đánh thắng được Thục Phán…”

Cụ Phan ngừng lại, moi thêm một điếu thuốc lá và nhướng mắt nấu sử sôi kinh:

– Nhờ tiên sinh mang đoạn cương mục của Ngô Sĩ Liên vào văn bài dùm: “Về điều ghi Thục Phán người Ba Thục thuộc Tứ Xuyên. Từ đất Thục tới Văn Lang phải qua Vân Nam cả hai ba nghàn dặm, việc ấy đáng ngờ lắm…”

Đáng ngờ hơn nữa là theo Tư Mã Thiên: Thục vương tử thôn tính Tây Giang phía tây Nam Việt dựng lên nước Tây Âu Lạc. Sau bị Triệu Đà thôn tính. Nó không phải là vùng đất phía tây đồng bằng sông Hồng”.

Mồi điếu thuốc, cụ thong thả:

– Bản chức đồ rằng Loa thành là biểu hiện trí tuệ độc đáo tuyệt vời của người Việt về mặt khoa học quân sự mà không nơi nào trên thế giới có được! Nên trộm nghĩ như thế thành phải cao như cái tháp cho giống hình con ốc dựng đứng. Rồi tự hỏi khi thành bị đánh, phe địch quân mở cửa tràn vào cái hình xoắn ốc cứ thế mà leo lên thì phe ta chạy đi đâu?

Loay hoay trong cõi người ta, sử quan cũng với tay làm một hơi. Cả hai điếu động quan, điếu hạ thủy nên cả thư phòng đụn khói thuốc lá. Cụ Phan như người cưỡi khói theo mây:

– Gần đây bản chức bay về Đông Anh, Hà Nội xem tận mắt họ đào xới mới thấy nền móng còn lại của 3 vòng thành như bất cứ cổ thành nào khác. Không hề có việc các vòng thành cuộn hình xoắn ốc. Thành này nằm gần một vùng ao đầm lắm ốc, lại có một vùng có tên là Vọng Nhân nghĩa là “người ốc”. Nên dân gian gọi nôm là thành ốc chăng? Bản chức chỉ ăn ốc nói mò vậy thôi, thưa tiên sinh.

Nói cho cùng thì di tích Cổ Loa thành nào có khác chi tháp Chàm của người Chàm mà họ rách chuyện quá thể vậy. Ấy là chưa kể theo Ngô Sĩ Liên thì An Dương Vương chưa hẳn đã có mặt ở trên đất nước ta, thưa tiên sinh…

Sử quan như lạc đường vào lịch sử, cụ Phan từ tốn trích câu tầm cú:

Bản chức suy ngẫm từ Sử ký của Tư Mã Thiên, chương “Nam Việt Úy Đà liệt truyện” kể rằng nước Thục của An Dương Vương ở Quảng Tây. Rồi thành lập nước Tây Âu Lạc với thành Cổ Loa 9 vòng cao ráo và vững chãi ở đồng bằng Tây Giang. Sử ký khẳng định nhiều lần: Nước Tây Âu Lạc của người Âu Lạc.

Nay bản chức xin mạo muội diễn sử với tiên sinh: Khi Triệu Đà thôn tính Tây Âu Lạc…ở bền Tầu. Nhóm Tây Âu Lạc mất nước kéo xuống đồng bằng Bắc Việt. Dân Âu Lạc xây thành để phòng ngự. Thay vì họ xây 9 vòng xoắn ốc như ở bên Tầu thì họ chỉ xây 3 vòng riêng rẽ. Rồi họ truyền miệng với dân bản địa về chuyện Mỵ Châu với Trọng Thủy và thành Cổ Loa với nỏ thần để rách chuyện đấy thôi.

***

Sử quan nghe cụ diễn giải thế cũng lóng chóng quá thể, bèn cho thuyền quay mũi lại 50 năm sau thời Triệu Đà xem thế sự quân mạc vấn lẫm đẫm ra sao:

“…Cũng vẫn theo Ngô Sĩ Liên. Họ Triệu tên húy là Đà, người Nam Hải, đóng đô ở Phiên Ngung, Quảng Châu. Vua chiếm lấy Tượng Quận, lập lên nước Nam Việt.

Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên đều cho rằng Triệu Đà xâm lược nước Âu Lạc của dân tộc Việt rồi sát nhập vào nước Nam Việt. Trong sử, họ sếp vào “kỷ nhà Triệu” như một triều đại trong lịc sử Đại Việt.

Đây là một sự nhầm lẫn, đến thế kỷ 18, Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án mới bác bỏ sai lầm này. Ông khẳng định Triệu Đà “thực chưa làm vua nước ta” vì “nước Việt ở miền Nam Hải, Quận Tượng” …không ở vị trí nước Việt ngày nay.

Thêm một sử liệu Nam Việt của Triệu Đà ở Quảng Tây với chỉ dụ của vua Gia Khánh nhà Thanh: “Trẫm đã duyệt kỹ biểu văn thỉnh phong của Nguyễn Phúc Ánh việc xin phong tên nước là “Nam Việt” không thể chấp nhận được. Địa danh “Nam Việt” bao hàm rất lớn, khảo sử xưa hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây đều nằm trong đó. Nguyễn Phúc Ánh là tiểu di nơi biên giới, lãnh thổ bằng đất Giao Chỉ xưa là cùng, làm sao lại được xưng là Nam Việt cho được. Rõ ràng tự thị muốn đòi thêm đất, nên lệnh truyền cho các quan Quảng Đông, Quảng Tây lưu tâm phòng bị biên giới, quan ải không được trễ nải, lơ là…”

Như chẳng vừa ý, cụ Phan nhấm nhẳng với sử quan:

– Hết Nam Hải đến Quận Tượng, chữ nghĩa tiên sinh cứ rối rít cả lên ai mà thông suốt cho đặng. Hay là để bản chức mạn phép luận ngữ như dưới đây:

“…Thư tịch Trung Hoa chẳng thể giải mã những sử kiện từ thời Đường Ngu, tức 2600 năm trước TCN. Vì lúc ấy nước Trung Hoa còn quá nhỏ bé nên sự hiểu biết của sử gia Trung Hoa bị hạn chế. Sau này các sử gia, kể cả Tư Mã Thiên, phần nhiều mang dòng máu Hán tộc nên viết không chính xác những nước gọi man di chung quanh. Vì vậy nguồn thư tịch Trung Hoa chẳng thể là khuôn vàng thước ngọc cho các sử quan “man di” ta lây đó để viết sử “tiểu di” của mình. Ấy vậy mà cho đến nay, vẫn còn nhăm học giả, biên khảo chưa thoát được sự “cầm tù” của thư tịch Tầu…

Chẳng qua là từ thời sơ khai Nghiêu – Thuấn nước Trung Hoa nằm trên sông Dương Tử, vì không có đồ chí, địa dư đồ nên ngay bây giờ, ngay lúc này đây với khảo cổ hiện đại họ cũng chưa xác định kinh đô Nghiêu – Thuấn ở đâu huống chi đất Giao Chỉ. Riêng Giao Chỉ chỉ là cái tên với khái niệm mơ hồ. Rất mơ hồ hiểu theo nghĩa là tên gọi nhưng chẳng thấy đất đai. Nam Giao đẻ ra Giao Chỉ. Vì “Giao” từ hai chữ Nam “Giao” với chữ “chỉ” có bộ phụ mang nghĩa là khu vực. Giao Chỉ là vùng đất ở về phía nam của địa danh Nam Giao. Đại thể là nằm dưới sông Dương Tử, có núi Ngũ Lĩnh, có sông Tương chẩy vào Động Đình Hồ.

Rõ ra tên Giao Chỉ đời Chu hàm nghĩa luôn tên nước Sở thời Xuân Thu chiến quốc. Đời Tần Thủy Hoàng gọi Giao Chỉ là Tượng Quận. Đời Hán thì Giao Chỉ mới thành địa danh cố định là bắc bộ Việt Nam, châu thổ sông Hồng.

Nay mạo muội xin vấn tôn ý chứ thành Tây Giai của nhà Hồ hay kinh đô Nam Kinh của nhà Mạc ở đâu? Bản chức chắc mẩm tiên sinh cũng quá mù sa mưa. Ấy đấy, chuyện đồ thư, đồ bản với sử Trung Hoa, sử Việt cứ lẫn lộn về địa đanh, nơi chốn là thế đó. Chuyện vua nhà Thanh đổi ngược tên nước ta là Việt Nam thì bản chức cũng đã tường. Lúc này bản chức mới có thêm sử liệu mới cho biết năm 1980 người ta đà vô tình tìm thấy ngôi mộ của Triệu Muội ở Quảng Châu. Triệu Muội là vua thứ hai nhà Triệu nước Nam Việt. Tức Triệu Văn Vương, con trai của Trọng Thủy, tức cháu nội Triệu Đà. Vì vậy theo ngu ý thì Âu Lạc ngay bên cạnh nước Nam Việt, nên An Dương Vương, Triệu Đà là người nước ngoài. Chẳng thể mang vào quốc sử được, thưa tiên sinh.

Ấy là chưa kể dựa theo Quốc sử quán triều Nguyễn thì An Dương Vương, Triệu Đà tới Ngô Quyền thuộc về ngoại sử. Chính sử chỉ tính từ đời Hùng Vương tới Đinh Tiên Hoàng.

***

Sử quan tự hỏi há lại có cái lý ấy sao? Vì đời Hùng Vương với Ngô Sĩ Liên chỉ được mang vào ngoại sử trong Đại Việt sử ký toàn thư. Thế nên ông chỉ cho cụ Phan phần thời dựng nước Việt Nam mà ông vừa sao bản xong chưa ráo mực…

“…Đại Việt sử ký toàn thư xuất hiện vào đời vua Lê Thánh Tôn, là bộ sử đầu tiên đưa truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân rồi tới Hùng Vương vào sử sách nước Việt. Viết về họ Hồng Bàng, Ngô Sĩ Liên chép: “Xưa cháu ba đời vua Thần Nông là Đế Minh, có con cả là Đế Nghi, nhân tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh, kết hôn với một nàng tiên sinh ra Lộc Tục. Thái tử Lộc Tục lên ngôi, lấy hiệu là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ.

Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Hồ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, sinh ra trăm con. Một hôm vua bảo: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khác nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, năm mươi con theo mẹ về núi, năm mươi con theo cha về biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng là Hùng Vương, đổi tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Bạch Hạc đất Phong Châu. Cai trị nước Van Lang theo lối cha truyền con nối đến 18 đời.

Bắt đầu từ năm 2879 và kết thúc vào năm 258 TCN. Tổng cộng 2621 năm, trung bình một đời vua 146 năm. Một chuyện hết sức hoang đường…Vì đời sống trung bình chỉ kéo dài khoảng 50 năm. Đến đời vua thứ 18 thì bị Thục Phán từ phương Bắc đánh bại…”.

Chuyện tích vua Hùng cùng những truyền tích khác như Phủ Đổng Thiên Vương, Sơn Tinh Thủy Tinh…được Ngô Sĩ Liên mang vào sử nước nhà, từ những sách thuật u linh hoang đường như Việt điện u linh tậpLĩnh Nam chích quái. Sách thuật lại những chuyện thần thoại ở bên Tầu, ở khu vực phía Nam rặng núi Ngũ Lĩnh được gọi là Lĩnh Nam, phía nam nước Sở thời Xuân Thu chiến quốc.

Tuy nhiên Ngô Sĩ Liên có chép lời bàn ở cuối chương về thời Hồng Bàng bày tỏ mối ngờ vực về truyền thuyết Âu Cơ: “Cái thuyết nói 50 con theo mẹ về núi, biết đâu không phải là thế”. Còn Phủ Đổng Thiên Vương, Sơn Tinh Thủy Tinh, ông cho là: “Rất là quái đản, tin sách chẳng vằng không có sách. Hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi”.

Ngô Sĩ Liên đã tiên liệu rất đúng khi nhét các truyền tich vào cổ sử, ông đã gây nỗi hoài nghi với mọi người Việt từ lúc đó cho mãi đến ngày nay. Mặc dù đã dặn kỹ càng tín tận thư bất như vô thư với: “Nước ta thiếu sử sách biên khảo, mà đều do truyền văn. Sao chép có phần quái đản, phiền tạp, chỉ làm lọan mắt”.

 Cũng vậy, với họ Hồng Bàng, sử nhà Nguyễn ta chép lại y như trong sử nhà Lê 300 năm trước với câu đính kèm “Nhưng hẵng cứ chép lại để truyền nghi”. Riêng chuyện bà Âu Cơ đẻ ra 100 con trai, vua Tự Đức phê trong “Ngự chế vịnh sử tổng luân” cuốn 5 trang 49: “Kinh thi có câu tắc bách tư nam, đó là lời chúc tụng cho nhiều con trai đấy thôi. Xét đến sự thực cũng chưa đến số ấy. Huống chi lại nói đến trăm trứng! Nếu quả vậy thì khác gì chim muông, sao khác gì lòai người được”.

Còn địa giới nước Văn Lang, vua Tự Đức cũng đã tỏ dấu nghi ngờ: “Chẳng qua sử cũ chép quá phô trương đó thôi. Địa giới nước ta từ đời Trần về trước, phía đông giáp biển, phía tây giáp Vân Nam, phía bắc giáp Quảng Tây, phía nam giáp Chiêm Thành. Đại để nhiều sự việc trong Việt sử thất truyền đã lâu, không còn dựa vào đâu mà khảo đính được. Sử đời Lê lại chép quá xa, nào là hư truyền nước Văn Lang phía bắc giáp Động Đình Hồ của nước Sở thì còn xa lắm, Nào biết những ranh rới tới đâu! Chẳng cũng xa sự thực lắm ru”.

 Đọc đến đây cụ Phan ho khan và ậm ừ:

– Nếu bản chức không phải thì xin tiên sinh miễn thứ cho: Sau tới Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim cũng dùng thẳng tài liệu của Ngô Sĩ Liên nhưng đặt thêm dấu hỏi (?) với năm khởi đầu 2879 TCN? Mãi đến cuối thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã điều chỉnh về niên đại để vua Hùng thứ nhất khởi đầu “sự nghiệp” vào khoảng năm 688 và kết thúc vào năm 208 TCN. Bình quân 26 năm cho mỗi một đời vua.

Thế nhưng có nhiều người “ấm ức” không đồng ý, trong đó có Trần Trọng Kim. Bởi lẽ làm như vậy số năm văn hiến của ông sẽ bị rút xuống còn 3000 năm, thay vì…4000 năm. Trăm dâu đổ đầu tằm cũng tại ông sử thần này: Chẳng là năm 1919, ông đưa đời Hồng Bàng và 4000 năm văn hiến vào sách giáo khoa khiến huyền sử trở thành chính sử, rồi thẩm nhập lâu ngày nên không đổi được nữa.

Sử thần Trần Trọng Kim nặng tình với văn hóa nước nhà, nên mang “văn hiến” vào sử sách. Nhưng khổ một nỗi, tiếng Nôm ta xưa không có chữ nào tương đồng với chữ “văn hiến” này cả. Khởi đầu từ thời vua Trần Dụ Tông, vua Minh tặng cho sứ thần Dõan Thuấn bốn chữ “Văn hiến chi bang”, để nâng địa vị sứ thần nước ta trên sứ thần Cao Ly ba cấp. Đến thế kỷ 15, trong phần đầu bài Bình Ngô đại cáo, cụ Nguyễn Trãi phụ bản thêm “Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang”, nghĩa là “Xét như nước Đại Việt ta, thực là một nước văn hiến…”.

Mà Đại Việt là quốc hiệu của nhà Trần, hiểu theo nghĩa là hai chữ “văn hiến” với hiền tài, nho phong sĩ khí chỉ có từ đời vua Trần Dụ Tông. Chứ chẳng phải là…4000 năm như sử thần Trần Trọng Kim đã rao giảng.

Với tay cầm bao thuốc lá, cụ chém to khoa mặn:

– Sử thần Ngô Sĩ Liên cũng như bất cứ ai, viết sử nhưng không có đầy đủ sử tài để mà viết, nhất là gần 13 thế kỷ sau thời vua Hùng. Vâng lệnh vua sọan bộ quốc sử, cụ có lời tâm huyết là cụ “Không dám rong ruổi ngàn năm để làm chuyện chắp vá”. Nhưng cụ đã chắp vá: 18 đời vua Hồng Bàng Việt Nam, rập y khuôn 18 đời vua nhà Hạ, triều đại hồng bàng ở bên Tầu. Tất cả chỉ là sử liệu để diễn sử, dựng sử và cụ cẩn trọng đưa vào phần ngọai kỷ, không đưa vào phần chính sử là vậy. Vậy mà có nhăm bài viết trong vài thập kỷ qua liệt kê danh sách các đời vua Hùng. Khổ nỗi tất cả viết bằng…chữ Hán ròng. Như Hùng Huệ Vương, Hùng Tấn Vương…Họ vay mượn y trang tên mấy ông vua Hùng nói tiếng Tầu đời nhà Châu phía bắc sông Dương Tử thời Xuân Thu chiến quốc.

Bỏ bao thuốc vào túi, cụ thêm bát thêm đũa:

– Nhưng có tìm tòi, mới thấy cái khó khăn của người xưa, khi tài liệu duy nhất để tra cứu lại nằm ở…bên Tầu. 5000 năm trước, chưa có chữ, không có nước nào có tín sử. Địa bàn núi Ngũ Lĩnh mà ta gọi là Lĩnh Nam ở phía nam sông Dương Tử, 5000 năm trước chưa có tên. Địa bàn có thật đấy trong Lĩnh Nam dật sử, Lĩnh Nam chích quái là hai quyển sử đầu tiên của nước ta. Nhưng không có nghĩa là câu chuyện sẩy ra đúng in như vậy. Vô chi bất mộ, đã không xác nhận được địa bàn tộc Việt, lại tranh cãi, tỷ như ai là chủ nhân trống đồng, văn minh lúa nước, tiếng Việt, tiếng Tầu. Và chỉ loanh quanh giữa các thức giả người Việt với nhau, những tấm lòng son cô quạnh giữa hoang phế miếu đường.

Thật sự những người đọc sách quan tâm đến lịch sử không nhiều. Nhưng nhiều người trong số ấy cho là thời Hồng Bàng là chuyện khó tin. Vậy mà có một số bài viết công phu, dài hơi huyền thoại hóa thêm truyền thuyết đã sẵn mờ nhân ảnh. Những “về nguồn”, “di sản văn hóa”, “gìn giữ bản sắc dân tộc”, “4000 năm văn hiến…” được lập đi lập lại qua các tiểu phẩm, tác phẩm hiếm khi nêu rõ nguồn gì, di sản ấy là gì, bản sắc gì, văn hiến tính từ hồi nào…Cứ như thế nước chẩy qua cầu, huyền sử lặng lẽ trôi đi bên đôi bờ thời gian, thưa tiên sinh.

***

Nửa vách đèn tàn, luận cổ đàm kim, đối xử nhau sớm đào tối mận đã lâu…Lại thấy cụ có kỳ nhân dị tướng thật đấy nhưng thượng thông thiên văn, hạ thức địa lý, trung trí nhân sự quá đỗi. Chợt nhớ lại hồi chập tối cụ nói cụ ở trên thiên đàng, suốt ngày bay tới bay lui…Thế nên sử quan lớ ngớ hỏi: “Làm sao tại hạ lên thiên đàng được như các hạ để bay tới cả nghìn năm trước, trăm năm sau….”. Cụ cười vui: “Muốn lên thiền đàng phải…chết trước đã”. Ông nghe hãi quá thể và mất vui. Trong cái đầu sử quan lại lầu bầu: “Ai chẳng phải chết”.

Cụ vừa lắc lắc ly rượu vang còn nửa đốt ngón tay, vừa nhìn chai rượu Bordeaux còn non nửa. Cụ lắng đọng với ông như một cơn gió thoảng:

– Bản chức trộm nghĩ rằng rằng với một nghìn năm trước, một trăm năm sau qua sử thi. Nào có khác gì uống vang cũ, vì sẽ làm ly rượu nhạt nhẽo thêm. Cũng như hãy để những gì thuộc về quá khứ lãng quên trong quá khứ. Đừng khơi lại, chỉ chuốc lây thêm dư vị không lấy gì làm ngọt ngào.

Hãy uống ly vang đang cầm trong tay, tức là hãy sống cho hiện tại. Đừng bận tâm ngoảnh mặt nhìn ngày hôm qua. Đừng cố kiễng chân nhìn về những ngày sắp tới, vì làm thế chỉ khiến ly rượu này đây nguội dần, mất ngon…

Luận xong, cụ ngửa cổ uống hết ly vang. Tiện tay, cụ bỏ chai rượu vào cái ba lô…

Nghĩ đến tử sinh với quan san cách trở, sử quan ngồi thừ ra ở án thư với sầu nhân thế cùng một cõi đi về. Ông lặng lờ nhìn ra ngoài song cửa, tiết trời êm dịu, hình bóng u nhã, móc đọng trên hoa, hương bay nhè nhẹ, trăng chiếu vào hiên, trúc thưa gió lọt…Chợt gió lọt qua khe nên đèn phụt tắt, sử quan lui cui châm thêm dầu. Thư phòng sáng trở lại, đẩy cụ Phan ra khỏi bóng tối của lịch sử và cụ…biến mất. Ai ai cũng biết cụ không còn đó nữa và chỉ còn cánh cửa he hé mở kêu kẽo kẹt…

***

Như cánh bèo dạt nổi trôi suôi dòng sử Việt, ngày tam tuần đại khánh của vua cũng đã tới. Ở cái tuổi tam thập nhi lập, sau những năm tháng tửu lạc vong bần cũng ốm o gầy mòn, thượng bất an hạ tắc lọan nên đâm lo lo.

Vua cho triệu sử quan tới phán:

– Đời Cô chỉ có một điều mong ước là đọc được bộ cổ sử và sử nhà Nguyễn trước khi nhắm mắt theo các tiên vương. Khanh thu gọn trong vòng mười quyển được chăng?

Sử quan nghĩ đến tập tạp sử 20 chục trang vừa mới hoàn tất vua còn chưa buồn ngó tới. Nói gì đến bộ sử Đại Nam chính biên liệt truyện nhà Nguyễn 87 quyển! Còn cổ sử, cứ theo Đại Việt tòan thư thì bà Khương Nguyên giẵm chân lên vết chân người khổng lồ đẻ ra…ông khỉ. Ông khỉ từ cây leo xuống dựng lên nhà Chu. Từ đấy Ngô Sĩ Liên mới đào xới cổ sử nước nhà từ Động Đình Hồ, từ cá bò lên bờ hóa rồng, vì vậy mới có con rồng cháu tiên.

Sử quan thấy vậy cũng tạm đủ, nên đáp:

– Dạ được, hạ thần xin bệ hạ một năm.

Vua gật đầu. Sử liệu mốc meo nằm yên bấy lâu trong tàng kinh các ở sử quán, bỗng chốc được tháo tung từng mảnh, từng chương, lục sọan, tra cứu, bụi xốc lên mù mịt. Sử quan làm việc bất kể ngày đêm để tóm lược trên giấy khô mực cạn. Nhưng rồi cũng xong, bộ sử mười quyển được khệ nệ khiêng vào triều.

Vua thấy vậy, lắc đầu lờ phờ, lào phào:

– Nay Cô đã sức yếu, khanh thu gọn lại một quyển được không?

Sử quan mệt mỏi tâu:

– Xin bệ hạ cho thần…mười năm.

Sau mười năm, sử quan nay đã là sử thần. Lão thần đã thành cổ kính, cũ kỹ rồi, mặt mày vàng võ, đi phải chống gậy, tay run lẩy bẩy mang quyển sử vào trình.

Cũng đúng lúc vua đang hấp hối, phều phào:

– Cô sắp chết…Cô rất ân hận…Vì không biết lịch sử nước nhà!

Vậy hiền khanh hãy tóm tắt bằng…một câu…Một câu thôi.

Với khuôn mặt nhầu nát, khổ sở, lão thần rệu rã bên tai vua…

Vua gật gật đầu, đôi môi khô héo, bỗng nở một nụ cười mãn nguyện rồi băng hà, mang theo câu nói của sử thần về với tiên đế: “…Với lịch sử thì ai chẳng phải chết”.

***

Xuân tàn hạ tắt, sau mấy thu sương rơi lá rụng, sử thần trở về chốn cũ. Thấy tử cấm thành nhà Nguyễn hiệu kỳ nâu xẫm, cung cấm, đình đài, hồ sơn, phật điện, quân cơ, chỉ thiếu vắng tiếng chuông Thiên Mụ. Ngoài cửa Thượng Tứ vẫn còn trạm canh, bốn phương tám mặt, chim kêu hoa nở, gió thoảng hương chiều. Lộ trấn, quán xá, phạm điếm, bến chợ, sông thôn dâng khói nước, vẫn chẳng có gì thay đổi, nhất nhất vẫn như xưa…Việc đời biến cải, thời gian đổi dời, cảnh thu ly khiến cảm xúc khôn xiết, sử thần lại gặp non xưa, tựa vào đá, ngủ trước hoa và…đánh một giấc mơ màng trong mộng…

Giấc mộng sử thi một ngàn năm trước, một trăm năm sau vẫn chẳng hề đổi thay…

         Thạch trúc gia trang                                                                             

        Ngộ Không Phi Ngọc Hùng

 

Nguồn:

Thượng kinh ký sự – Hải Thượng Lãn Ông

Vui buồn của người chép sử – Ng. Ph. Vĩnh Quyền

Từ chính sử đến dã sử – Nguyễn Đức Cung

Trần Quốc Vượng: Tính trời nết đất – Viên Linh

Cần hiểu đúng Nguyễn Bỉnh Khiêm và vương triều Mạc – Trần Khuê

Nhìn lại Tây Sơn dưới góc cạnh tài liệu lịch sử ngoại quốc – Nguyễn Văn Lục

Đi tìm một mảnh khuyết sử qua Khâm Định Annam sử lược – Nguyễn Duy Chính

Một thời kỳ khuyết sử – Nguyễn Phan Quang

Ai giết Lê Lai ? – Nguyễn Dư

Tiểu sử Lê Lợi: Một vài chi tiết khác với Đại Việt sử ký toàn thư – Hồ Bạch Thảo

Từ Phan Liêu, Đặng Dung đến Nguyễn Trãi – Nguyễn Xuân Phước

Về tiểu thuyết lịch sử – Nam Dao

Đọc ‘’Đất Trơi’’ của Nam Dao – Trần Quang Vũ

Tại sao gọi là vua Lê Đại Hành – Huy Phan

Vua Lê Đại Hành – Trần Quốc Vượng

Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam – Trương Thái Du

Có đúng thành Cổ Loa hình xoắn ốc? – Hà Văn Thùy

Thành Cổ Loa có mấy vòng? – Đỗ Văn Ninh

Danh nhân đất Việt : Lê Văn Hưu – Nhiều tác giả

Những sử liệu liên quan đến việc đặt tên nước Việt Nam – Hồ Bạch Thảo

Lăng mộ Triệu Văn Đế ở Quảng Châu – Nguyễn Duy Chính

18 đời vua Hùng Vương : Một ý niệm liên tục – Nguyên Nguyên

Văn hóa cà phê – T.Vấn

Từ huyền sử đến sự thật – Trần Thị Vĩnh Tường

Việt Điện U Minh Tập – Lý Tế Xuyên

Lĩnh Nam Chích Quái – Trần Thế Pháp

Đại Việt Sử Ký TòanTthư – Ngô Sĩ Liên

Khâm Định Việt Sử Thông Giiám Cương Mục

Việt Nam Sử Luợc – Trần Trọng Kim

An Nam Chí Lược – Lê Trắc

 

             

              

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search