T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: BA NGƯỜI BẠN

Nhớ Bạn – Tranh: Thanh Châu

Trong cuộc hội ngộ lần này, còn có mặt người thứ ba. Ông đến cách kín đáo và lặng lẽ. Ít khi ông lên tiếng. Công việc của ông là ghi chép. Xem ra là bình thường, nhưng lại có một đòi hỏi cao. Đó là tính trung thực, một đức tính quan trọng của người chứng.

 Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông hoạt động trong lãnh vực báo chí, nhưng chưa có bài viết nào về hiểm họa của Cộng sản. Thế nhưng, sau một năm sống dưới chế độ xã hội mới, và một năm sau ngày tờ báo Công giáo & Dân tộc ra mắt, ông biết mình phải làm hay viết một cái gì đó để chống lại những gì đang xảy ra cho giáo hội và cho đất nước của mình. Cũng xin nói ngay rằng, những năm sau ngày 30/4/1975 là thời kỳ bắt đầu cho những chuyện tìm đường vượt biên trên biển, người người hoang mang, lo âu cho cuộc sống ngày mai sẽ ra sao, đi vùng kinh tế mới hay cứ lỳ ở lại. Gia đình có chồng, con, anh em hay người thân thuộc trong nhà phải đi tù trong các trại “cải tạo”, rồi chuyện đốt sách, chuyện đánh các nhà tư sản, tịch thu vật liệu sản xuất của họ, chuyện đổi tiền, “ngăn sông cấm chợ” v.v…đã làm xáo trộn và căng thẳng lòng người Sài Gòn, có người cùng quẫn tìm đến lối thoát là tự tử, có gia đình chết cả nhà! Trước đó, Tòa Tổng giáo phận Sài Gòn đã ra thư trấn an giáo dân, kêu gọi mọi người bình tĩnh và hãy ở lại…

 Sống trong buổi giao thời bất trắc ấy, ông đã tố cáo nó. Ông viết bản tố cáo chế độ và một vài tư tế của Chúa xu thời vào năm 1983, lúc ông 47 tuổi, cái tuổi biết sợ, song ông thì không, cho dù trước đó ông đã bị ngành an ninh tra vấn, bởi một người anh em đồng đạo tố cáo về chuyện ông có liên quan tới một số người phản kháng chế độ xã hội mới.

 Tối hôm nay, ông có mặt ở đây theo lời mời của người lữ hành, là người chủ sự cuộc gặp mặt cuối cùng tại căn nhà này, trước khi hắn đi vào một lều tranh và sau cùng là khu rừng mùa thu đầy lá vàng, ngủ trên thảm lá vàng này, rồi lặng lẽ đi vào cõi vô biên với muôn vàn tinh tú. Như có lần hắn nói, được chết trên một thảm lá vàng tại một khu rừng mùa thu hoặc một tu viện xa phố thị ồn ào, là một điều ước cuối cùng của hắn. Một điều ước nữa là khi đó, Cung-nam-Thương, tác giả bài thơ Ân Nghĩa, sẽ từ một phương trời xa mà hắn chưa một lần bước chân tới, về bên anh, lấy những cánh hoa sắc trắng trong rừng kết thành một vương miện đặt trên đầu mình. Chiếc vương miện này tượng trưng cho người lữ hành, một “quán quân của thống khổ”(mượn chữ của Nguyễn Đình Tuyến, Sđd)). Nàng sẽ hôn lên trái tim anh. Sau đó, nàng từ bỏ chốn phồn hoa, và vì đối với nàng, người lữ hành vẫn còn sống trong trái tim mình, sống cùng với bài thơ Ân Nghĩa. Nên nàng đi tìm hắn nơi những nhà thương tâm thần, tìm hắn trong số những bệnh nhân tâm thần tại đây.Vì lúc còn sống, người lữ hành cũng chẳng vấn vương gì những thú vui trần thế. Anh như một kẻ mộng du, thân xác ở một nơi, hồn ở một nơi. Như vậy khác nào một người điên không thường trực, sống giữa cõi đời, một cõi đời đầy điên loạn. Chỉ khác một điều, những khi tâm thần hắn “lung linh”, hắn không la hét, không đập phá như người điên thật sự, hắn chỉ lặng lẽ, thấy người quen như không quen. Giây phút đó qua đi, hắn trở về bình thường, nhớ lai những lúc tâm thần “lạc bước” như vậy, hắn ân hận và xấu hổ.

 Lúc Cung-nam-Thương đi tìm hắn trong các nhà thương tâm thần, biết đâu nàng có thể gặp hắn đang đứng nhìn mây bay về trời hoặc ngồi lặng im bên khung cửa, đôi mắt nhìn vào mênh mang, nhìn vào chốn sâu thẳm của hồn mình, như lúc còn sống, hắn đã nói với nàng như thế. Cũng trong lúc đó, được linh thiêng mách bảo và thúc đẩy, nàng Agnès sẽ trở về quê hương, đến  bên cây hoa đại, lấy những cánh hoa sắc trắng xếp thành cây thập tự giá, đặt lên trái tim hắn. Vì nàng tin, dù người lữ hành có sống ở một nơi xa xăm nào, thì sau đó, hồn người lữ hành cũng trở về quê quán của mình và đến với cây hoa đại. Bởi nơi đây in dấu chân nguyên hình hài và hạnh phúc của hắn. Đồng thời nó cũng in dấu chân của Agnès và những giọt lệ của nàng những khi nàng ngồi bên hắn, đầu gục vào vai hắn khóc.

Người bạn tâm giao chợt nhìn người lữ hành, vì những lời nói vừa rồi của hắn có điều mâu thuẫn. Ông nói:

Đã nói là không quyến luyến và bám víu vào những gì thuộc trần thế, vậy mà khi chết rồi, còn biết gì nữa mà anh lại mơ chuyện thần tiên. Người trinh nữ mà anh nhắc đến có phải là một nữ tu xuất hiện ở câu thơ cuối trong bài Người ôm mặt khóc, cách nay đã 49 năm rồi không. Nàng có thật hay chỉ là mộng? Còn cái vòng hoa trên đầu, sao bảo nó là “vương miện”? Anh có phải là Hoàng tử đâu mà mơ vương miện. Như thế không phải là quyến luyến trần gian, thì là gì? Tôi thấy anh mâu thuẫn quá!

Người lữ hành bật tiếng cười lớn, nói:

-Cái “quyến luyến” của một con người hiện sinh khác với cái “quyến luyến”, đúng hơn là cái ý tưởng của người biết mình sắp chết. Hay đó là cái ý tưởng của một linh thể. Họ sống mà thực ra là đã chết. Trái lại, khi họ chết chính là lúc họ đang sống. Trong trường hợp của tôi, nằm chết trong khu rừng mùa thu đầy lá vàng, có một trinh nữ tìm đến và hôn nhẹ lên trái tim mình, không phải là sự quyến luyến của một con người hiện sinh trục vật, mà chỉ là một biểu hiện của giây phút giao thoa giữa cõi tục và cõi tiên, của Tình Yêu thánh thiện. Sống trong thời đại khoa học tân tiến, giao tiếp với nhau qua vi tính, con người bị đơn giản hóa, máy móc hóa. Trái tim con người không còn mang yếu tố nhiệm mầu, không còn là trái tim bằng thịt, song là một bộ máy, một cơ tâm! Tôi có vài ý tưởng lãng mạn, là cách trở về với chân thân. Như thế, chẳng tuyệt vời lắm sao?

Còn trinh nữ kia, anh muốn bảo là thật hay là mộng cũng được. Nàng là thật nhưng lại là mộng, vì tôi gặp nàng trong cái tâm nhiều hơn là thực tại. Nàng là mộng, nhưng lại là thật trong thân xác một người con gái tài hoa, bước lên thềm cao mà viết bài thơ Ân Nghĩa. Là mộng hay là thật cũng đều đúng. Hai mà Một. Vì cuối cùng, tôi vẫn sống trong một thực tại, song hoàn toàn là mộng ảo cả thôi. Triết học về nhân sinh của Cửa Phật nói thế mà. Trong thời đại văn minh cơ khí, cơ tâm này, một lúc nào đó anh thoát ra được, đấy là siêu thoát, là hạnh phúc rồi.Chúng ta đang sống trong một thế giới mộng ảo đó. Đông Tây đã và còn đang đổ biết bao nhiêu là xương máu, hủy hoại biết bao nhiêu là những công trình văn hóa, tôn giáo, lịch sử…để gọi là xây dựng một xã hội mới, dân chủ, tự do, cộng hòa, xã hội chủ nghĩa hay dân túy hay còn gì gì nữa? Những kẻ ngu xuẩn, toan tính việc vá trời hoặc để che mắt ông trời, dựng nên một thứ “tôn giáo”, “thiên” chẳng ra thiên, mà “địa” chẳng ra địa, một thứ tôn giáo què quặt, nửa ma quái nửa phù thủy. Thật là hoang đường. Những kẻ ấy mới đích thực là điên. Trong khi đó lại trù dập, tàn sát những con người tôn giáo chân chính, đe dọa những ai mềm yếu để gieo rắc sự sợ hãi, làm đảo điên nhân tâm, quấy nhiễu những con người ngay lành và chân thật. Còn kẻ khoác áo tự do, thì ngông cuồng, đòi tống khứ tôn giáo ra khỏi cuộc đời, đòi giết chết Thiên Chúa, để xã hội chỉ còn những chai CoCa Cola, bánh mì Hamburger và những bao cao su phát không bừa bãi cho cả đám con nít mới hơn mười tuổi đầu. Người ta bảo, cửa hỏa ngục đã mở ra, Satan xuất hiện cả những nơi thánh thiêng, thờ phượng. Đạo không còn là con đường dẫn người ta trở nên linh thánh, là mục tiêu của tiến hóa. Song, khi quyền lực nằm trong tay những kẻ tôn thờ Satan, thì con đường tiến hóa này bị chặn lại, nó quay trở về với tổ truyền của nó.

Một khoảng trống im lặng lạ thường bao trùm cả căn phòng khi người lữ hành nói đến cái bối cảnh của toàn thế giới khủng khiếp như thế. Trong số ba người bạn chí thân với nhau, không ai hỏi, nếu thế giới này tiến đến chỗ như thế, thì tương lai con người sẽ đi về đâu?

 Người lữ hành hiểu tâm trạng này của họ, nên với giọng trầm, hắn đọc bài thơ của mình mới viết:

ĐÊM LẶNG LẼ

 Ôi đêm lặng lẽ đớn đau

Đêm không nguyện cầu

Đêm tâm hồn không hướng về đâu

Đêm tăm tối

Đêm hư vô

Đêm như vực sâu không tiếng khóc than

Lặng lẽ

Sợ hãi

Đêm đợi chờ sự tan vỡ của tinh cầu

Của chính hồn tôi

Những mảnh vỡ của hồn bay vào hỗn mang

Cái hỗn mang sau cơn hồng thủy

 

Hồn ra khỏi đời tôi

Bỏ tôi lại trong đêm

Bơ vơ

Lạc lõng

Đêm trần gian

Đêm tăm tối như trong huyệt mộ

 

Tiếng lá rơi đập vào khung cửa sổ

Làm tôi bối rối

Tôi về đâu khi tôi không còn hồn

Khi đêm vẫn lặng lẽ và đớn đau.

 Bài thơ này hắn viết vào cuối tháng 7 năm 2017. Đúng một năm sau, năm 2018, vào tháng 6, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam làm dậy lên tình hình bất ổn, khi công bố dự án Ba đặc khu kinh tế là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, thời gian cho thuê đất là 99 năm với nhiều đặc quyền đặc lợi. Ba địa điểm này là ba điểm trọng yếu của tổ quốc về mặt an ninh quốc phòng. Dự án thứ hai là Luật An ninh mạng.

Ngày 10 tháng 6 năm 2018, một cuộc biểu tình rất lớn, vượt ra ngoài mong đợi của mọi người, đó là con số khoảng 100.000 người tham gia, bắt đầu từ Sài Gòn, rồi lan tỏa tới một số tỉnh khác ở miền Nam. Mục đích cuộc biểu tình là chống lại dự án Ba đặc khu kinh tế và Luật An ninh mạng. Dự luật trước bị coi là “bán nước” cho Tàu cộng. Dự luật sau là “bịt miệng” dân. Nhưng bất chấp người dân, trong và ngoài nước, phản đối rất gay gắt cả hai dự luật, Quốc hội vẫn phớt lờ, ngày 12 tháng 6 năm 2018 hơn 8o% đại biểu “bấm nút” chấp thuận dự luật An ninh mạng, áp dụng từ đầu năm 2019.

Trong tình hình sôi động  của đất nước, người lữ hành đã viết trước sau, từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2018, hai bài thơ và hai bài nhận định:

1.Từ đặc khu kinh tế đến luật an ninh mạng.

2.Tổ quốc lâm nguy – Người Công giáo Việt Nam nhận trách nhiệm lịch sử.

3.Một mai tôi chết (thơ)

4.Việt Nam – Đất nước tôi! (thơ)

Tất cả là bi thảm, là nô lệ mà những kẻ cai trị rắp tâm cột vào cổ trên 8o triệu nhân dân Việt Nam. Cả 4 bài trên người lữ hành đã chuyển ra ngoài cho hai website phổ biến.

Người bạn tâm giao hỏi:

-Anh sợ?

1- Nếu nói tôi sợ, thì sợ đất nước mình, gia đình mình sẽ rơi vào cái “đêm lặng lẽ” kinh khủng ấy!

Tôi chỉ muốn các bạn ghi nhận một điều. Đó là bài thơ Đêm lặng lẽ đã viết trước một năm rồi mới xảy ra hai cái dự án quái gở kia. Tất cả đều có ghi ngày tháng. Ba người anh em mình ở đây, đã trải qua ba bối cảnh lớn của lịch sử dân tộc, thì ít nhiều tránh sao được những cái làm cho mình “sợ”.

Nhưng trong tất cả những điều ở đời làm tôi sợ, thì tôi sợ nhất con người. Loại người tôi sợ hơn cả là trí thức. Lại cũng không có gì ở đời đáng quý và trân trọng hơn con người. Và người trí thức cũng tuyệt vời lắm, vì ở đâu cũng có dấu ấn của họ: trong lòng đại dương, trong lòng đất, nơi rừng thẳm và trên cung Hằng Nga. Giả sử ở nơi nào đó không có trí thức, thì chắc chắn nơi đó sẽ buồn lắm, đời sống của con người ở đó giống như thể những bữa ăn thiếu vị mặn của muối và những đêm dài không có ánh sáng, cho dù đó là chút ánh sáng của bầy đom đóm.

Được kể là người trí thức tuyệt vời, đó là những con người đã và đang làm cho nhân loại rũ bỏ được cái bản tính của loài thú bên trong mỗi con người; đó là những con người đã và đang thể hiện cái bản tính siêu nhiên trong cuộc đời của họ, và họ thông truyền cho nhân loại điều đó, những thành quả mà họ đã mang lại cho con người, cho nhân loại sau một quá trình cống hiến chính bản thân họ, vì họ đã nhận được từ một Siêu việt thể, một Đấng thánh. Họ tin rằng, những người khác cũng có thể nhận được những ân điển từ Đấng thánh ấy, một Đấng thánh mà bất cứ ai cũng có thể gặp gỡ được, cũng có thể nên giống ngài được. Chỉ cần họ có thiện chí, khiêm hạ và lòng thành, Đó là những con người đã có những bước đi rất xa trên con đường tiến hóa, từ bản năng tới linh thánh.

Được kể là người trí thức tuyệt vời, đó là những ai xây dựng hòa bình, xây dựng tình liên đới giữa con người với nhau, phá bỏ hàng rào ngăn cách, phân biệt và loại trừ nhau, thù hận nhau; đó là những con người cổ võ cho lòng bao dung, lòng bác ái, cảm thông và tha thứ. Và con người được kể là đáng quý, đáng trân trọng, chính là những con người coi lương tâm, phẩm giá và tình con người với nhau cao quý hơn là vật chất, danh vọng, tài ba, cho dù tài ba lỗi lạc, xuất chúng mà coi rẻ phẩm giá người khác, dù người ấy là kẻ hành khất, đêm ngủ chỉ có manh chiếu rách và hòn đá gối đầu, dưới một gầm cầu hay tại một xó chợ tanh hôi. Đây là những bậc thánh, là hiền nhân, là tiên tri, là ngôn sứ của thời mới. Có rất nhiều người hiện nay đang bước đi theo họ. Nhân loại này đang bị bầy sói tấn công, nhưng chúng sẽ ngã gục dưới những lưỡi gươm của thiên sứ Micae, vì đây là sứ mệnh từ thuở con người sa ngã. Bạo lực, khủng bố, bạo tàn, côn đồ và chó săn sẽ phải lùi bước trước những hy sinh, vị tha, bao dung và tha thứ trước phong cách rực rỡ thánh thiện của những đan sĩ, những nữ tu trong những bộ đồng phục tinh tuyền về phẩm hạnh, cho dù những bộ tu phục của họ thường ngày vương bụi cần lao bên những bệnh nhân và những người bị ruồng bỏ v.v….

Nhưng “bầy sói” đang tấn công nhân loại là ai? Đó là một loại trí thức hoat động dưới sự điều khiển vô thức của âm phủ. Xưa nay loại người này không hiếm. Một khi quyền bính của một quốc gia nằm trong tay họ (cụ thể là những tên Việt Minh-Cộng sản cướp chính quyền đang trong tay người quốc gia, từ năm 1945 và đang cai trị đất nước này) thì người dân ở đấy sẽ cùng khốn, bất hạnh và sống kiếp nô dịch. Họ muốn kẻ khác phải chết, để họ sống và thực hiện một xã hội như kiểu trại súc vật mà  George Orwell (1903-1950) đã mô tả trong tác phẩm của mình.Thuộc hạng người này, còn là những “nhà văn hóa”, những “nhà văn”, “nhà thơ”, dùng ngôn ngữ của một chủ nghĩa không tính người, để truyền thông hận thù, chia rẽ và nhục mạ tôn giáo, miệt thị người hiền lương, ức hiếp người nghèo, cô thân cô thế. Cũng nằm trong thành phần này, là những kẻ giết người bằng độc dược rồi sau đó lại chỉnh tề mặc tang phục vào người, quấn chiếc khăn tang trên đầu, thắp nhang bái lạy trước di hài người quá cố, trong tư cách là học trò, là môn sinh của người đang nằm bất động đó dưới một hình dạng không bình thường, tức bị biến đổi vì chất độc do chính bàn tay nhơ bẩn của hắn thực hiện.

2-Sợ! Cha Anthony de Mello, Dòng Tên, thuộc tỉnh dòng Bombay (Ấn Độ), trong quyển Thức tỉnh, cho rằng, sợ hãi là nguồn gốc của bạo lực, nguồn gốc phát sinh mọi sự dữ và mọi chuyện trên đời. Cha cũng nói rằng, đấy là do không ý thức, không nhận hiểu, không quán thông. Nhận xét của cha  bắt nguồn từ thực tại xã hội. Đối chiếu vào xã hội Việt Nam từ 70 năm nay, nhận xét của cha hoàn toàn đúng ở vế thứ nhất, còn sau đó thì không chính xác. Xin dẫn mấy trường hợp dưới đây nói lên một điều: Chắc chắn không một người dân Việt Nam nào, không thấy sự tàn bạo của nhà nước Cộng sản Việt Nam đối xử với dân. Họ sợ chứ. Nhưng khi người dân đứng lên chống lại nhà nước này, thì họ biết trước mình sẽ nhận hậu quả như thế nào. Vậy là họ “ý thức” việc mình làm. Như trường hợp ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, dùng súng tự chế chống lại lực lượng cưỡng chế đầm hoa lợi của nhà ông, làm 6 công an, bộ đội bị thương vào ngày 02-4-2013. Kế nữa là vụ xảy ra ở Đăk Nông. Ông Đặng Ngọc Hiến, 40 tuổi, ở Thị xã Gia Nghĩa, cũng buộc phải dùng súng tự chế chống lại nhóm người đến san ủi vườn điều nhà ông, ngày 23-10-2016, khiến 3 người chết, 18 người bị thương. Vụ thứ ba, năm 2017 tại Thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Người dân tại đây đã bắt giam những cán bộ, công an đến trấn áp họ, vì họ không chấp nhận được việc chính quyền Hà Nội muốn thu hồi 100 ha đất là nguồn sống của gia đình họ. Trước đó nữa là hàng ngàn người dân ở nông thôn, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, năm 1997, tổ chức hai cuộc biểu tình chống lại chính quyền địa phương. Cuộc biểu tình thứ nhất là cuộc đi bộ của 3000 người  “cực kỳ có văn hóa, có tổ chức của người dân” .Yêu sách của họ là đòi xét xử bọn tham nhũng địa phương. Cuộc biểu tình thứ hai, tháng 5/1997, là một cuộc biểu tình bằng xe đạp của hơn 2000 người thuộc mấy chục xã của huyện Quỳnh Phụ lên tỉnh. Đoàn biểu tình đã bị trấn áp thô bạo bởi cảnh sát dã chiến với vòi rồng, dùi cui, lựu đạn cay. Đoàn biểu tình buộc phải vùng lên chống lại. Sau hai cuộc biểu tình này, nhiều người dân tham gia biểu tình phải bỏ quê, trốn vào miền Nam.

Những cuộc trấn áp của nhà cầm quyền trong các vụ trên đây, như bỏ tù ông Đoàn Văn Vươn, xử tử hình ông Đặng Ngọc Hiến và trấn áp thô bạo nông dân Thái Bình, cũng như trong tất cả những trường hợp khác, đều là do nhà nước sợ. Vì vậy mà họ chưa ban hành luật biểu tình. Vì sợ nhân dân nổi lên nương theo cuộc biểu tình có thể có lực lượng quân đội tham gia, nên cái ngày gọi là “quốc khánh” của nhà nước Cộng sản với lá cờ máu từ 70 năm qua, chưa một lần bị hủy bỏ bởi sợ nhân dân như ngày 02-9-2018. Vào ngày này, các lực lượng võ trang được trang bị võ khí đầy người, dàn trải khắp nơi như thể sắp có một cuộc tổng tấn công với…nhân dân!

3.Tuy nhiên, với một xã hội cực tả bạo tàn và vô thần, những sợ hãi trong dân chúng sẽ đưa một số người trong các thành phần xã hội đến “liệt kháng”, mình chỉ biết mình thôi, dửng dưng và vô cảm. Còn xét về mặt tích cực, thì sợ hãi giúp người ta “ý thức” về giới hạn của mình, “quán thông” được mọi vấn đề của mình trong tương quan liên vị và với xã hội.

Vậy, Sợ! Phải chăng là dấu của khôn ngoan? Nhưng khôn ngoan nào, theo thần khí Đức Kitô hay theo nhân loại. Mà khôn ngoan theo lối nhân loại, như có nhiều thành phần trong xã hội Việt Nam hiện tại đang sống, đó là tình trạng của một đất nước phi văn hóa, không nhân bản, đồi bại và trục vật, là hố thẳm của nguy cơ diệt vong. Việt Nam hiện đang trong cơn báo động này. Có những tay trí thức, chỉ vì bả danh vọng, quyền lực và bạc vàng mà đâm đầu làm nô lệ cho bọn ma đạo ở Ba Đình, ở Bắc Kinh.  Còn với Kitô giáo, hướng khôn ngoan về Thiên Chúa. Mặc khải này bắt nguồn từ Cựu ước, trở thành xác phàm nơi Đức Giêsu Kitô. Chính Người, để chế nhạo sự khôn ngoan của thế gian, đã quyết định cứu thế gian bằng sự “điên dại” của thập giá.

 “Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan thế gian ra điên rồ đó sao?” (1Cr 1, 20) “Vì chưng trong khi Do thái đòi có dấu lạ, và Hi lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một vì Kitô đã bị đóng đinh thập giá, cớ vấp phạm cho Do thái, sự điên rồ đối với dân ngoại, nhưng đối với những ai được kêu gọi dù là Do thái hay Hi lạp, thì lại là chính Đức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1, 22-24) “Nhưng chính những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc hạng khôn ngoan; và những điều thế gian coi là yếu đuối, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ” (1Cr 1, 27)

4.Sợ! Tôi sợ chính mình tôi. Tôi sợ tôi sau gần một thế kỷ sống làm người Kitô hữu, về già tôi lại có những dấu hiệu của một kẻ theo “chủ nghĩa chống giáo sĩ”, những giáo sĩ có cuộc sống phản Tin Mừng, xa cách giáo dân. Họ không biểu hiện hình ảnh Đức Giêsu, song là tính cách của kẻ cai trị.

Trong thánh lễ tại nhà nguyện Marta sáng ngày 12/10/2016, Đức Thánh cha Phanxicô tập trung vào những cám dỗ gây nguy hiểm cho đời phục vụ của các linh mục. Ngài nói:

Một linh mục đích thực, là người trung gian và rất gần gũi với dân chúng. Vị linh mục ấy không làm việc để rồi được nhận lại cái gì đó theo kiểu một quan chức.

Thế nhưng, có những vị trung gian thích đi dạo quanh để được người ta nhìn thấy và tán thưởng. Để làm cho mình trở thành quan trọng, vị linh mục ấy đi theo con đường của cứng nhắc và xa lánh người dân. Vị ấy không biết đến nỗi khổ của con người. Vị ấy đánh mất những gì đã được hấp thụ nơi gia đình, nơi cha mẹ, nơi ông bà và anh chị em… Khi cứng nhắc như thế, các vị ấy chất gánh nặng lên người dân mà trong khi mình chẳng làm gì. Các vị nói với dân Chúa rằng: không thể thế này, không thể thế kia… Có nhiều người dân muốn tìm một chút an ủi, một chút hiểu biết, thế mà bị gạt đi…”

Cuối cùng, “khi xét mình, người linh mục có thể tự hỏi: Hôm nay tôi là một người trung gian của Chúa hay tôi chỉ là một quan chức?”

(Lm Tự Quyết Sj. Nguồn: Vietcatholic News 12-10-2016)

Từ sau ngày 30-4-1975, Giáo hội tôi còn làm tôi ray rứt bởi một khi nhà nước Cộng sản này dâng toàn cõi Việt Nam cho Tàu cộng thì lúc đó, cái bóng dáng một giáo hội quốc doanh kiểu Trung cộng sẽ thành hiện thực do một thành phần linh mục hiện nay đã nằm trong cái gọi là “Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam”. Còn chúng tôi, chắc chắn sẽ thành “Giáo hội hầm trú”.

Có một cuốn sách tôi đọc trên 40 năm nay, một phần thời gian này là trước năm 1975 và phần còn lại là sau này, đó là sách Gương Phúc (còn gọi là Theo Gương Chúa Giêsu), có sách cho rằng do một tu sĩ dòng Đa Minh viết có tên là Thomas Homerken (Thomas a Kempis), 1380-1431, viết riêng cho giới tu sĩ. Nhưng trong một cuốn sách viết về một số các nhà thần bí thời Trung cổ thì cho rằng, có đến 40 cộng đoàn nam và 100 cộng đoàn nữ, có một lối sống dần dần đưa vào xã hội Kitô giáo. Một là, có thể sống đời sống tu trì mà không cần luật lệ hoặc lời khấn vĩnh viễn; hai là, làm một công việc thông thường đối nghịch lại chuyện hành khất; ba là, việc pha trộn giữa giáo dân và giáo sĩ trong những cộng đoàn sống “như hàng giáo sĩ” mà không hề thuộc về một hội dòng nào.Năm 1490, giám đốc của “những anh em” Hildesheim phát biểu : “Chúng ta không phải là những phần tử của một hội dòng, chúng ta chỉ là những con người tu hành cố gắng sống tốt trong trần gian”.(x. Eckhart, Suso, Tauler của Alain de Libera) Chính trong những cộng đoàn này, sống chủ yếu vào việc chép sách và làm những cuốn sách, đã nảy sinh một kiệt tác của nền linh đạo Trung cổ, đó là cuốn Gương Phúc hoặc là Gương Chúa Giêsu, soạn thảo bởi một kinh sĩ bình thường tại Winbldesheim, đó là Thomas a Kempis. Đây là một cuốn sách tu đức được nhiều học giả “không ngần ngại đặt liền sau Bộ Phúc Âm Thư” (dịch giả, Lm Thanh Hải, 1910-1992). Tôi lấy một câu trong sách này làm châm ngôn suy ngẫm thường xuyên. Đó là câu :

Lạy Chúa,

Con biết

Không có ai khuyết điểm hơn con.

Cả ba con người tín nghĩa và đau khổ lại âm thầm bước đi. Người bạn tâm giao chợt giật mình khi thoáng nhìn thấy cái bóng của người lữ hành lầm lũi bước, đầu cúi xuống thấp, hai vai mang cây thập giá. Hắn đi lên một gò đất cao, lởm chởm sỏi đá. Trên đó có một cái lều trống, hoang sơ, nhưng chưa bước vào bên trong mà họ đã thấy những dấu lạ của bình yên và thánh thiện, nhất là lều tranh tỏa ra một làn khí nhiệm mầu, thiêng liêng, như lơ lửng trong màn sương mỏng của một buổi chiều chớm vào thu. Bước vào trong lều, trên vách giữa chỉ treo có một cây thánh giá bằng giấy lồng kính. Phía bên trái ảnh, ngang chân Chúa Giêsu chịu nạn, có mấy dòng chữ:

                                  1530

Ce n’est pas

                                  pour rire que

je t’ai aimé

Con số 1530 theo hắn nói là năm bức hình được khắc trên một vách núi, hắn không nhớ ngọn núi này ở nước nào. Còn mấy hàng chữ kia, có ý nói : hình Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá này không phải để bạn cười nhưng là để yêu mến.

 Đêm hôm đó ba con người đau khổ ngủ trong cái lều này. Canh ba, giờ Tý, họ thức dậy, quỳ gối trên nền sỏi đá, hai tay giang rộng ra giống như Giêsu Nazareth trên bức vách kia. Họ cầu nguyện, suy niệm 14 chặng đường thương khó. Rồi lần chuỗi kinh Mân Côi, hát khúc thánh ca Hòa Bình của Phanxicô Assisi.

 Sáng ra, cả ba thức dậy sớm, rửa mặt bằng sương mai đọng trên các cành cây. Điểm tâm bằng trứng cút hay một vài loại trứng của chim rừng. Chàng ký giả tưởng sự việc này chỉ xảy ra cho dân Do Thái sau khi Môsê và Aharôn đưa họ ra khỏi đất Ai-cập, thoát cảnh nô lệ, đi trong sa mạc suốt 40 năm trường để về “Đất hứa”. Họ đói, kêu trách ông Môsê và Aharôn, đã đem họ ra sa mạc này, để làm cả lũ chết đói ở đây.Yavê Thiên Chúa đã nghe dân Người kêu trách như vậy, nên Người đã cho mưa bánh bởi trời xuống, ban chiều thì có chim cút, ban sáng có bánh thỏa thuê.(Xuất hành 16, 1-3).

 Chàng ký giả thật không ngờ, người anh em lữ hành đã đưa họ tới lều tranh này, cảnh trí thanh tịnh, êm ả như lòng họ ao ước bấy lâu nay. Chàng ngửa mặt lên trời, thở thật sâu khí trời ban mai sạch trong. Chàng nhìn bầu trời đầy sao, dõi mắt tìm xem có chòm sao ba vua không. Chàng chợt giật mình, vừa nghĩ đến đây thì chòm sao ba vua xuất hiện trước mắt chàng liền, cơ hồ như chòm sao này đậu ngay trên nóc lều tranh, lấp lánh sáng. Chàng ký giả lấy tay dìu dịu hai mắt, định tâm lại, xem hình tượng và ý nghĩ của mình vừa rồi là thật hay mộng.

 Lại gặp chuyện thật và mộng. Ở đây chắc là mộng thôi.Tuy nhiên, chòm sao “Ba vua” này phải chăng là “Ba đạo sĩ” Phương Đông, theo tương truyền đã theo “Ngôi sao lạ” tìm đến Belem, thành của Đavít, để bái kính Vua dân Do Thái mới sinh ra, cách nay đã hơn 2000 năm. Cho nên, chòm sao ba vua trên bầu trời ban mai này mà chàng ký giả nhìn thấy đó, quả thật là một biểu tượng của tiến trình, từ con người hiện sinh tại trần thế đã tiến sang bậc linh thiêng. Ba người huynh đệ tâm giao này đang đi tìm mẫu người ấy, họ mới ở bước đầu.Nhưng họ không thể bước đi một mình cho cuộc tiến hóa của nhân loại. Vì thế, ngày hôm nay họ còn ở đây ba người, rồi mai kia, người lữ hành từ giã lều tranh này để đi vào khu rừng mùa thu với thảm lá vàng, thì người bạn tâm giao và chàng ký giả sẽ chia tay hắn, trở lại căn nhà mà họ đã từ đó ra đi lúc trời xẩm tối của ngày nào. Họ trở về với thực tại, cái hiện sinh của con người tại thế với một sứ mệnh, một cuộc cách mạng màu xanh và hy vọng.

 Khải Triều

(Trích: Chuyện Nội Tâm Của An –Tự Truyện)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search