T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: HUỆ TRẮNG NỞ TRONG LỬA HỒNG

 

Hoa Trắng – Tranh: Mai Tâm

 

Năm 1963, An viết tập thơ mở tay, có cái tên rất lạ: “Người Ôm Mặt Khóc”. Trong số hơn 30 bài, có ba bài đặt ở cuối tập. Đó là các bài:

Lời ca của chim

Cuộc khiêu vũ của chim

Cuộc đối thoại

Anh Thanh Thương Hoàng, một nhà văn nhà báo  lớn tuổi của thời cũ, sau khi đọc ba bài thơ này trước khi anh sang Hoa Kỳ theo diện H.O đã nói với An: “Anh là người Công giáo mà làm thơ thiền”.

Thật tình năm An bắt đầu làm thơ, anh chưa đọc thiền nên cũng không biết thiền là gì. Lúc đầu, An viết được mấy chục bài rồi đưa cho cơ sở xuất bản Đại Nam Văn Hiến, do nhà văn Thế Phong làm chủ. An ngỏ ý ông viết lời giới thiệu. Ông thoái thác và trả lại tập thơ cho anh. Ông đã nói đến việc này, in ở bìa sau tập Tiếng hát khuẩn trùng, đề : Saigon ngày 14-1-6 4.

Ông viết: “Một điều phải đính chính ngay ở đây. Đầu dòng những hàng chữ này. Là trong lần nói về cảm tưởng qua thơ Ninh Chữ tôi thất vọng về thơ anh. Hồi ấy, anh đưa hai chục bài cho tôi đọc trước khi in. Tôi được hân hạnh đề nghị viết giới thiệu cho anh. Vì một vấn đề tế nhị, tôi thoái thác là không cần thiết mấy. Thời gian ấy nhân lúc tỏ bày cảm tưởng qua “Miền lưu đày” của Ninh Chữ, tôi không dấu giếm những gì tôi nghĩ về thơ anh Khải Triều. Bằng chữ viết. Rồi đến khi anh trao ba mươi bài mới của “Người ôm mặt khóc” thì số bài trước kia đã loại bỏ hết, anh lột xác mới mẻ, một điều tôi không ngờ. Tập thơ đầu tay đã không cần đến sự làm dáng của đa số thi nhân của hầu hết thi nhân bây giờ. Bộc lộ tâm trạng bi đát tuổi trẻ, bệnh tật, ý nghĩ về đời sống liên hệ. Qua một kỹ thuật rất ư Khải Triều, lại thêm một bố cục nói lên một cái gì chua chát ở mỗi bài thơ, nó khác hẳn với bao cái chung chung mọi thi nhân lục lục thường tài dùng. Tôi nói đùa với anh “thế là tôi đã lầm” nhưng cái lầm đáng giữ lấy cố tật kia…Cảm ơn Khải Triều của bước đầu vào nghiệp thơ, không có mặc cảm ấu trĩ xử thế như tôi ban đầu. Anh đã trưởng thành trong thơ và cả lối đối xử văn nghệ”…

Những gì mà ông Thế Phong đã nói về An trên đây, nhất là ở mấy dòng cuối, thật sự bây giờ ở cái tuổi ngoài 80, anh mới nhận ra rằng, đó là mảnh đất tốt cho hạt giống chiêm niệm nẩy mầm, hay là thiền, như ông Thanh Thương Hoàng đã nói về ba bài thơ trong tập Người ôm mặt khóc. Ngày đó An không nghĩ mình viết những bài thơ này là anh thực hiện thiền, hay do chiêm niệm mà có. Thiền hay chiêm niệm  đã có trong anh từ lúc nào anh không biết. Hình như anh sinh ra để sống cuộc sống chiêm niệm. Cho nên anh tự nhận, nếu được phép thế, anh chỉ là một đan sĩ ngoài đời, một lữ khách mang trong lòng mình cuộc sống của một Đan sĩ. Ở một chỗ khác, An nói đến tinh thần tu sĩ Kitô giáo ở trong anh, chỉ sau mấy năm anh ở trong Nhà chung và được cha xứ gửi đi học ở trường Hoàng Nguyên, một trường đào tạo linh mục của địa phận Hà Nội. Rồi mấy năm đầu ở thập niên 60 của thế kỷ 20, An bỏ lỡ dịp vào một dòng Xi-tô theo bức thư cha Đan viện phụ gửi cho anh. Nhưng anh đã làm thơ và thể hiện chất chiêm niệm trong thơ của anh, nhất là ở hai tập Người ôm mặt khóc và Tiếng hát khuẩn trùng, Cơ sở xuất bản Đại Nam Văn Hiến phổ biến năm 1963 và 1964. An coi việc anh sống ngoài đời bằng ngòi bút, là một ơn gọi của Chúa. Anh được chọn vì anh ở giữa những kẻ bé nhỏ nhất mà điều này thì Chúa ưa thích.

Sau đây là ba bài thơ mang phong cách thiền trong tập “Người ôm mặt khóc”:

LỜI CA CỦA CHIM

Tiếng chim kêu ngoài sân gọi tôi trở dậy

Tôi đứng bên cửa nhìn chim nhảy múa

Cuộc khiêu vũ của chim như bầy trẻ dại

Lời ca của chim và ngôn ngữ thánh kinh

Rồi buổi chiều qua và chim đi ngủ

Tôi thấy chim ngủ bên những cánh hoa

Như nàng tiên trên rừng của ngày xưa

Để chiều mai chim lại đến

bằng lời ca

                  bằng khiêu vũ

Và chiều mai khi tôi trở dậy

Đã thấy mình thành vua của chim.

 

 

 

CUỘC KHIÊU VŨ CỦA CHIM

Những em bé chơi ngoài vườn và lấy đá xây lâu đài

Chúng trồng cây cho chim

Rồi cây có hoa

Những em bé tiếp tục xây lâu đài bằng đá.

 

Chim bắt đầu khiêu vũ với những em bé

Những em bé và lời ca của chim

Những em bé và lời ca thánh kinh.

 

Bây giờ những em bé đã lớn lên

Từ bỏ khu vườn hoa và những lâu đài xây bằng đá

Bây giờ vườn không còn tiếng nói các em

Nhưng còn lời ca của chim

Còn cuộc khiêu vũ của chim bên những lâu đài

Những lâu đài bằng hoa lá.

 

Rồi mùa đông về chim rũ chết

Còn lại một tôi ngồi ôm mặt bâng khuâng.

 

CUỘC ĐỐI THOẠI HÒA BÌNH (*)

Cuộc đối thoại của chim và em bé đang tiếp diễn

Tôi gọi là cuộc đối thoại Hòa Bình

Tôi gọi là cuộc đối thoại Tình Yêu

Cuộc đối thoại bằng ngôn ngữ Thánh Kinh.

 

Cuộc đối thoại của chim và em bé đang tiếp diễn

Những bước đi của thời gian ngừng lại

Những cỏ hoa mang mầu sắc thiên thần

Những áo và tóc em bé kết bằng ngôn ngữ Phúc Âm

Cuộc đối thoại đang tiếp diễn

Không bao giờ hết

Sự có mặt của loài người vô nghĩa.

 

——————–

(*) Chữ “hòa bình” thêm vào sau này.

 

Ý Nghĩa Của Bức Tranh: Huệ Trắng Nở Trong Lửa Hồng

Đây là một câu trong bài thơ của thiền sư Hang-Sơn Lương-Chi (*) (a.d.807-869) mô tả trạng thái giữa Linh hồn và Thiên Chúa (trong thiền gọi là khách chủ) tương phùng:

“Một khi đạt tới Cuộc Tương Phùng

Lúc mà hai sắc cạnh chéo trùng

Song không cần gì phải rút lại.

Vì tay kiếm sĩ cừ khôi ấy

Như huệ nở ra trong lửa hồng

Người có trong mình và từ mình

Một thiên đình chót vót thần linh”.

Theo thiền sư Hang-Sơn Lương-Chi thì linh hồn “như huệ nở ra trong lửa hồng”.Nghĩa là linh hồn, khi gặp gỡ ngọn lửa yêu thương của Thiên Chúa (Chúa Giêsu là ngọn lửa mến hằng cháy, KT thêm vào), trở nên một mầu sáng hơn và một mùi thơm hơn, như huệ nở ra trong ngọn lửa hồng vậy. Một linh hồn như thế quả là “có trong mình và từ mình một thiên đình chót vót thần linh”.(**)

——————-

(*) hay Tung-Shan Liang Chieh, là một trong những vị sáng lập phái Thiền Soto ở Trung Quốc. Trường phái Thiền Soto không đặt nặng việc dùng công án cho bằng phương pháp êm dịu trong việc tĩnh tọa suy tư (xem Cảm nghiệm chiêm niệm, của Đức Viện Phụ Giuse Chu Công, Đan viện trưởng Đan viện Xi-tô ở Spencer, Hoa Kỳ, trang 102) 

(**) Đức Viện Phụ Giuse Chu Công, Sdtr, trang 128.

 Bức tranh “huệ nở trong lửa hồng” ở sách này là kết quả của một họa sĩ do An nhờ thực hiện qua câu thơ trên đây. Ông vẽ hai bức, An treo tại nhà mình một, còn bức thứ hai, anh đem về quê treo tại nhà người chị có một con gái và hai cháu, một nội một ngoại, đi tu.

 Như An đã bày tỏ ở trang trên đây, anh đã bỏ mất dịp vào tu Dòng Xi-tô sau khi anh ở Ban Mê Thuột về Sài Gòn năm1960. Nếu như An không nói ra ý định này với ông anh trong họ thì An đã là một đan sĩ rồi. Nhưng vì ông bảo, “chú không sợ người ta bảo chú “trốn đời à?” Nghe ông nói thế, An không nghĩ gì đến việc vào Dòng nữa, mặc dù ông không ngăn cản. Ngày nay già rồi, mới nhớ lại mọi việc trong đời mình, y như câu chuyện trình diện đi quân dịch năm 1965, nghe cậu thanh niên bảo “việc lính tính sau, về nhà em chơi đã”. Thế là An bỏ ngay không suy tính lợi hại rồi An quên luôn việc phải đi lính theo lệnh tổng động viên. Ở dưới cái tuổi 30, có hai người làm mai cho An hai thiếu nữ nếu An ưng cô nào thì cưới. Song An cũng dửng dưng cả hai, chẳng nói chịu hay không chịu. Cứ lặng lẽ rồi chuyện cũng lặng lẽ trôi qua, không ai nhắc đến nữa.

Năm 2014, An viết bài thơ về nhà thần bí Eckhart, đã tải đăng trên trang báo điện tử Newvietart và T.Van&banhuu, là một chứng từ An đã thiết tha với con đường chiêm niệm từ rất sớm, ngay từ năm 1963 và 1964, là những năm An viết hai tập thơ Người ôm mặt khóc và Tiếng hát khuẩn trùng, đặc biệt là qua ba bài thơ: Lời ca của chim, Cuộc khiêu vũ của chim, Cuộc đối thoại hòa bình.

                           MEISTER ECKHART

                                 (1260 – 1327)

 

Meister Eckhart, tôi hân hoan khi gặp được ngài

Một người cha của dòng chiêm niệm Đức

Một con người được Thiên Chúa mặc khải

Một người thầy về đời sống thiêng liêng

Một linh đạo của thần hóa con người.

 

Người đã vào nhà tôi

Đã ôm hôn tôi

Lúc tôi còn thanh xuân

Từ lâu rồi

Lúc tôi còn bôn ba rày đây mai đó

Lúc tâm hồn tôi còn nghiêng ngả lối cũ vào đời

Người ngồi với tôi trên ghế

Nơi bàn thờ người thắp một cây đèn

Ánh đèn soi lối tôi đi

Những lối vào thần bí

Những lối vào làm tôi viết những bài thơ

Những bài thơ của người ôm mặt khóc

Những bài thơ của tiếng hát khuẩn trùng.

Đã 50 năm từ đó

Có lúc tôi lạc đường

Có lúc bồn chồn lo lắng

Việc trần gian phủ kín tâm tư !

 

Bây giờ người đang gõ cửa nhà tôi

Dẫn tôi về hư vô

Trong cô liêu lặng lẽ

Trong trống trải tận cùng

Trong siêu thoát để gặp gỡ tha nhân

Tôi đã gặp Người

Nơi tình yêu an nghỉ.

An không biết chất  thần bí đã ở trong mình từ lúc nào, nhưng  anh đã chú ý ngay đến Meister Eckhart khi đọc mấy cuốn về thiền, về chiêm niệm và về huyền học, có nhắc đến ông, cả sách bên nhà Phật. Cho nên An đã tìm đọc Meister Eckhart. Nhưng phải qua nhiều năm, An mới thấy tinh thần của Eckhart ảnh hưởng đến anh và rồi An viết bài thơ Meister Eckhart. Cũng do tinh thần chiêm niệm mà anh tỏ ra ngưỡng mộ những Đan sĩ hoặc những người có phong cách như một “hiền giả” anh gặp trong cuộc đời. Vì từ những vị này, phát ra những điều vi diệu mà chỉ có những người sống nội tâm, hay những vị “hành giả” mới nhận ra được.

Nhưng An lại không thực hành được những điều như thế. Có lẽ do An được ơn gọi sống cái “bây giờ”, cái “hiện hữu” như anh đã thực hiện ở hai tập thơ đầu và sau năm 1975, trong tập Vượt Qua.

Trong quyển Những Nhà Thơ Hôm nay (1954-1964), tác giả là Nguyễn Đình Tuyến đã nhận định về tập thơ Người ôm mặt khóc của anh như sau:

“Nhà thơ Khải Triều có một ngôn ngữ kỳ lạ, ngôn ngữ của một người phẫn thế, nhưng đồng thời cũng là ngôn ngữ của một người cầu xin Thượng đế. Nhà thơ quan niệm ngôn ngữ của thơ là đá ném vào đời. Khi những bài thơ thành hình là nỗi buồn của thi sĩ cũng thành hình, nỗi buồn đó biến thành đá để xây nhà thương cho nhân loại. Trên cao nhà thương đó sẽ có hình ảnh đấng Cứu Thế bị đóng đinh trên Thánh giá và văng vẳng âm thanh tiếng hát của người nữ tu.” (Trang 141).

“Người ôm mặt khóc chính là nhà thơ, kẻ có ngôn ngữ chống hư vô chủ nghĩa, chống Nietzsche và phẫn nộ trước chiến tranh. Nhưng đồng thời cũng dùng ngôn ngữ thi ca để xây dựng một xã hội nhân bản theo tinh thần Thiên Chúa giáo như Chateaubriand.” (Trang 142)

(Nguyễn Đình Tuyến, Những Nhà thơ Hôm nay, Tủ sách Giáo khoa, Sài Gòn 1974)

Còn Cao Thế Dung thì viết: “Thơ Khải Triều khắc khoải lắm. Lúc nào nhà thơ cũng âm thầm trong thế giới cô đơn của ông – của riêng một ông – một thứ cô đơn tự tình nguyện. Như lúc nào ông cũng đắm chìm trong lời nguyện ngẫm do chính ông đặt thành lời, do chính ông đọc to trong tâm trí ông để như dòng tình tự cùng Thượng Đế…Nhưng rồi, bỗng dưng trước mặt nhà thơ vẫn là một thực tế chua xót nhất, tang thương nhất nhưng nhà thơ vẫn không từ nan được nó, vẫn ngụp lặn trong cõi ấy”. (Cao Thế Dung: Văn học Hiện đại – Thi ca và Thi nhân, Quần Chúng xb, Sài Gòn 1969, trang 78, 79)

“Có một điểm đặc biệt khác, khi Khải Triều chìm đắm tâm hồn trong những suy tư dằn vặt về thân phận – thân phận của một con người trong những hệ lụy đau thương của thực tại – tiếng thơ trở thành nỗi cơ hàn rướm máu, như một dẫy duồng trong phản kháng.” (CTD, Sđd trang 81)

Đấy là những khái quát về thơ của An. Anh không có ơn gọi vào tu dòng Xi-tô, nhưng được gọi để sống tinh thần nghèo khó, tinh thần của người cầm bút chân thật mà nhà văn Thế Phong đã nói đến trong lời nhận xét về hai tập mà cơ sở xuất bản của ông đã in và phổ biến từ năm 1963,1964. Ông viết:

“Nơi yên nghỉ cho thi nhân còn tin tưởng là thi ca, là những phút lắng chìm yên tĩnh ở dưới chân Chúa. Cũng may là còn hai thứ đó. Tình yêu của anh đã hoàn toàn bị đặt ra ngoài vui thú của tuổi trẻ rồi. Tôi nghĩ đến đôi mắt anh đang nhìn vào hư vô thật huyền hoặc, xa xôi, mà sức hút xoáy hy vọng đáp lại, hoàn toàn không còn nữa. Không bao giờ còn nữa. Mà anh chẳng than van bao giờ nữa. Song sắt, bức tường tù ngục nào đã làm thi nhân bình thản trong đau đớn hành hạ, cả tâm tình và thể xác.

Tôi cũng đã trải qua những chiều buồn đau đớn, thả hồn mình trong tỏa rộng theo tiếng chuông nhà thờ mà vẫn muốn như chống đỡ nó. Khác anh là vậy. Nhưng còn giống anh, gần anh, ở những thơ anh, thơ tôi, phản ảnh trung thực cảm nghĩ của một kẻ, dầu làm người bình thường cũng không bao giờ nói dối, tự lừa mình và kẻ khác bằng giòng chữ tuyệt đẹp phản bội. Anh Khải Triều ơi! Tuy rằng anh khóc cuộc đời bằng hình ảnh ôm mặt; khóc đời mình bằng “tiếng hát khuẩn trùng”- mà điều trên không cần ôm mặt và điều hai đang nhờ thuốc trị liệu tiếng hát khuẩn trùng.

Tôi viết vào đề cho anh vừa xẩm tối, nhưng nhìn sớm hơn thì ai cấm tôi nhìn thấy hừng đông tỏa rộng chân trời sáng rực ngày mai đây.”

Saigon 14-1-64

Cũng vẫn là Thế Phong, hiện ở tuổi 85, đã nhớ lại cái thời mấy người anh em bạn hữu tuổi trên dưới 30, thường gặp nhau, uống cà phê bên gốc cây đa trước một cái miếu hay trước một cửa chùa. Gặp nhau để nói chuyện văn nghệ hay thời sự, cả chuyện tình yêu trai gái. Vì vậy,  ông gọi những người ở cái tuổi này là “sống theo bản năng xác thịt”. Nhưng còn An thì ông nói “…không bao giờ nói tới bản năng xác thịt, chỉ nói bản năng tinh thần + niềm lo âu”. Như vậy, An chỉ sống về tinh thần, luôn “Ấp ủ ước vọng lành thánh”. Đây là điều kiện trước hết của chiêm niệm.Tuy nhiên, hình như Thiên Chúa không chọn An  cho cuộc sống này, vì Ngài đã có một vài đại biểu lừng lẫy rồi, như Meister Echkart, Gioan Thánh Giá, Têrêsa Avila v.v…Còn An, Ngài đã đặt những bước chân non của anh vào giữa dòng đời, để anh trở nên một con người đích thực giữa những con người quyền quý, giàu có và những con người bần cùng, khốn khổ. Với sự an bài này, Ngài đã trao cho An ngòi bút… Nếu không thế thì An đã là một đan sĩ từ đầu thập niên 1960 rồi. Được trao cho ngòi bút sau mấy năm rời mái trường học trò, An đã đụng ngay đến những vấn đề nan giải của xã hội ở hai tập Người ôm mặt khóc và Tiếng hát khuẩn trùng.

Sở dĩ An trích dẫn những nhận xét về thơ của mình qua những người đã đọc thơ anh, bởi đó là những chứng từ khách quan, điều mà An không thể tự mình “nói về mình như thế”, ngoài những điều của nội tâm anh, cho dù một phần những gì của nội tâm anh đã được anh nói ra bằng ngôn ngữ thi ca. Tuy nhiên, nội tâm con người thì sâu thẳm và kỳ diệu, nào ai đã dò thấu, ngoại trừ Thiên Chúa là Đấng đã tạo nên nó. Phương pháp cầu nguyện bằng chiêm niệm chỉ nói được một phần nào những vi diệu của nội tâm con người thôi. Nhiều lúc An bế tắc khi đi vào nội tâm mình để mở toang nó ra, không phải để quảng cáo, nhưng là để ca tụng những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho con người, cho mỗi con người. Nhưng anh phải thất bại mà dừng lại. Những lúc như thế, An cầu nguyện và thinh lặng. Anh chợt hiểu rằng, để mở toang cánh cửa nội tâm, không gì hơn là SỐNG Lời Chúa qua Tám Mối Phúc:

“Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm cơ nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em  ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ và những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5, 3-12).

An nhận ra rằng sống đời đan sĩ là sống với Tám Mối Phúc một cách trọn hảo. Vì con đường nên thánh không có gì khác ngoài đời sống thiêng liêng và thực hành lời Chúa: Vác thánh giá của mình mỗi ngày, cuộc đời tận hiến như ngọn nến trên bàn thờ, hao mòn xác thân mỗi ngày trong đời thường vì danh Chúa. Mỗi giây phút qua đi, người Kitô hữu đều góp phần nhất định của mình vào việc hình thành nên nhân cách một chứng nhân trong một thế giới vô thần, tục hóa hình ảnh tôn giáo và chối từ Chuộc tội. Cho nên, sống Tám Mối Phúc mỗi ngày là một mục tiêu quan trọng trong đời sống của người tín hữu Chúa Kitô. Bao lâu chưa đạt tới thì bấy lâu vẫn cứ miệt mài thực tập trong từng giây phút. Hãy tâm niệm rằng, giây phút này, giờ này, ngày này là giây phút, là giờ và là ngày cuối cùng của đời ta. Mẹ thánh Têrêsa Calcutta có một câu nói với các linh mục: các Linh mục khi cử hành thánh lễ nên nghĩ rằng, đây là thánh lễ đầu và cũng là thánh lễ cuối cùng của mình.

 

 Khải Triều

(Trích: Chuyện Nội Tâm Của An –Tự Truyện)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search