T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đào Dân: Trên bãi biển Huntington Beach

Ảnh (The OC Register)

Sáng chủ nhật, vợ chồng tôi rủ nhau ra biển. Đi bộ. Cũng lạ, nhà chỉ cách biển không quá 20 phút lái xe mà mấy năm nay chưa ra ngắm biển một lần nếu không có bạn bè bà con từ xa tới rủ rê đi cùng. Năm nay dù mùa hè chưa qua nhưng không khí mùa thu đã đến ngay trước ngõ. Mặt trời dậy muộn cùng một vài cơn gió nhẹ gây gây như một báo hiệu. Chính sự giao hòa cuả hai mùa trong một ngày làm cho Khoa, vợ tôi  sợ cái nắng chói chang của mùa hè làm bỏng da còn tôi thì lo cái không khí của mùa thu buổi sáng nơi vùng biển sẽ gây cảm lạnh. Do đó, trong khi Khoa đang chuẩn bị một chiếc dù thì mình tôi lại loay hoay lục lọi trong tủ để tìm cho được cái áo khoác.

7 giờ kém 15 phút, đậu xe trên đại lộ Brookhurst, chúng tôi đi bộ ra biển. Bãi biển vẫn còn vắng người. Bên cạnh bãi đậu xe với các máy nước ngọt và restroom, một số khoảng hơn chục thanh niên nhiều sắc dân đang ngồi trên yên những chiếc xe đạp đủ sắc màu nói chuyện nhỏ nhẹ. Có lẽ họ đang chờ nhau tập họp đông đủ rồi mới cùng đạp xe lên đường, như một thú vui vào ngày cuối tuần của tuổi trẻ. Ngòai khơi, một vài người đang ngâm mình trong làn sóng biển bập bềnh, còn trên bờ, một số người khác, phần lớn là người gốc Việt, đang rảo bước. Lác đác một vài thanh niên Mỹ  đứng nhìn biển khơi, tay ôm tấm ván như đang chờ đợi những cơn sóng đủ cao cho họ vẫy vùng. Đây là biển Huntington Beach, nơi nổi tiếng thế giới với những cuộc thi trượt sóng hàng năm. Đặc biệt có một đôi vợ chồng trẻ đang đứng nói chuyện với nhau mà mắt thì cùng dõi theo hai cậu con trai đang nô đùa trên bải cát ướt đẫm bởi làn sóng tràn vào. Thỉnh thoảng họ mỉm cười, cùng hạnh phúc. Một mình cô độc trên bãi biển là dáng đi chơi vơi của một ni cô Việt Nam mặc áo choàng màu lam và trên đầu thì đội cái mũ lác rộng vành để che lấp cái đầu trọc. Với đôi chân trần, tay cầm đôi giày, cô bước khoan thai, nhẹ nhàng mà đầu thì hơi cúi xuống như đang mơ về cõi niết bàn nào đó? Còn trên bãi cát khô khốc xa bên trong là vài ba cái lều dựng tạm trong đó là những gia đình đang chuẩn bị cho buổi ăn sáng vì họ đã ở lại đây qua đêm.

Khi đến biển, Khoa cởi giày, xăn quần rồi chạy vội xuống vùng cát sát mép nước đang ướt đẫm vì những cơn sóng nhỏ ùa vào. Chúng tôi cùng đi về hướng Bắc. Đàng xa trong làn hơi nước mờ đục, cầu tàu Huntington hiện ra mờ mờ. Đây là nơi mà hàng trăm du khách hay dân địa phương hàng ngày tới vui chơi và ngắm biển. Trong khi ở bên dưới, Khoa bước đi trên mặt cát mịn, nhẹ nhàng như nâng từng bước chân, và thỉnh thỏang vài con sóng nhỏ còn khẽ xô bờ liếm láp đôi chân trần, để cho da thịt được mơn man như đang vuốt ve từng sợi nhỏ. Còn tôi, lười biếng hơn, cứ để nguyên giày ba-ta đi trên vùng cát khô khốc ở bên trên. Chân bị ngập chìm trong cát, mỗi bước đi là một sự cố gắng nên chỉ được mấy chục mét là đôi chân gầy guộc đã thấy mỏi. Hơi thở bắt đầu hổn hển và đôi mắt như mờ đi, chân bước đang chậm lại thì tôi  bỗng gặp một bà Mỹ già, cỡ tuổi như tôi, đang chầm chậm đi ngược lại.

Bà gầy, nhỏ so với vóc dáng một người Mỹ. Lưng hơi còng. Tay trái của bà cầm đến hai bao plastic, một bao nhỏ, có lẽ là đồ dùng cá nhân. Một bao lớn hơn, màu trắng trong, bên trong lỏng chỏng một ít giấy vụn, một vài ly giấy, và một ít lon nhôm nhựa, trông hỗn độn. Tôi đứng yên nhìn bà. Bà không đi theo lộ trình nào, mắt dáo dác dòm quanh. Khi thấy những gì mà hôm qua người khác đã vất ra trên cát, bà đi đến và lượm lên bỏ vô bao. Khi biết chắc bà là một người đi nhặt rác tự nguyện, nên lại gần, lên tiếng:

– Chào bà

Bà ngẩng lên nhìn, trên môi nở nụ cười thân thiện:

– Chào ông

– Bà đang nhặt rác phải không? Tốt lắm. Tôi rất hoan nghênh.

– Cám ơn ông.

Tôi hỏi đùa với một nụ cười:

– Có ai trả tiền cho bà không?

Bà cũng cười và đáp lại, vui vẻ:

– Có. Chính tôi trả cho tôi chớ còn ai nữa. Thực ra tôi cũng thích công việc này. Tuần nào tôi cũng ra đây, và để tập thể dục nữa.

– Chúng tôi, những người ra chơi ở đây, phải rất cám ơn bà. Bà đã làm một việc có ý nghĩa và làm cho cuộc sống của chúng tôi tốt đẹp hơn.

Sau khi chào bà tôi vội vã xuống vùng cát ướt để đi nhanh hơn hòng bắt kịp Khoa đang ở xa phía trước. Tôi chợt hối tiếc vì đã quên không xin chụp bà một tấm hình. Vừa đi vừa nghĩ về hành động của bà già Mỹ khi nãy. Đây không phải là một trường hợp cá biệt và là một con người cá biệt, cũng không chỉ là người Mỹ bản địa. Hôm kia tôi vừa đọc được một bài phóng sự ngắn trên báo Người Việt nói về một bà cụ 76 tuổi gốc VN đã nghỉ hưu sau hơn 30 năm làm việc tại một cơ quan xã hội quận Cam, vào thứ bảy hàng tuần thường mua thức ăn, nước uống và cả tiền mặt để giúp cho những người vô gia cư. Bà đã làm việc này trên 10 năm nay, không ai biết.

Xã hội Mỹ đâu phải chỉ có Bill Gates, Buffet bỏ ra hàng chục tỷ đô la làm từ thiện, mà còn có sự đóng góp của những con người bình thường làm những việc nhỏ nhưng đầy ý nghĩa một cách thầm lặng. Họ là những người đã làm cho cuộc sống của chúng ta tươi đẹp hơn.

Chúng tôi ra về, cùng cảm thấy vui vì Khoa được nô đùa với cát, với nước biển. Còn tôi, mang hình ảnh của bà già Mỹ nhặt rác trong suốt đoạn đường về, đến nỗi bây giờ phải lúi cúi ngồi xuống ghi lại một vài hình ảnh và ý nghĩ về chuyến “đi biển” hôm nay, như một kỷ niệm.

Đào Dân

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search